fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 6

Chương VI

Nhưng cũng dễ nhận thấy là những quan điểm đối nghịch cũng có điểm đúng của họ vì hai từ ngữ nô lệ và sự nô lệ được dùng khác nhau. Nô lệ hay sự nô lệ đều có thể do thiên nhiên mà ra hay vì luật lệ mà thành. Luật lệ mà tôi muốn nói ở đây có tính chất quy ước hơn là một đạo luật–người chiến thắng có quyền chiếm hữu của cải và cả con người của phe chiến bại làm tài sản. Nhưng nhiều luật gia không đồng ý với cái quyền này, và nhiều nhà hùng biện đã cáo buộc là quyền này vi phạm luật tự nhiên: họ ghê tởm cái quan điểm cho rằng vì một kẻ có sức mạnh thể chất hơn người và sử dụng bạo lực đè nén người khác thì những người đó trở thành nô lệ hay vật sở hữu của kẻ có sức mạnh. Ngay cả giữa các triết gia cũng có quan điểm khác nhau. Nguồn gốc của sự tranh luận, và lý do khiến hai luận điểm khác nhau có phần trùng lập, là lập luận cho rằng: đức hạnh, khi có phương cách để thể hiện, thực sự có sức mạnh rất lớn để áp đặt lên người khác, và sức mạnh lớn lao đó chỉ có thể xuất hiện khi có một sự xuất sắc trổi vượt nơi một cá nhân nào đó [kẻ chiến thắng luôn luôn được xem là ưu việt]; cho nên, sức mạnh thường bao hàm đức hạnh.[1] Cho nên, sự tranh cãi, rút cục lại, chỉ là sự tranh cãi về [thế nào là] sự công bình (một bên đồng hóa công bình với thiện ý, bên kia đồng hóa với sức mạnh). Nếu tách rời hai quan điểm này ra, thì cả hai đều không đứng vững trước quan điểm: kẻ ưu việt về đức hạnh mới xứng đáng là người cai trị (chữ in nghiêng của người dịch). Những kẻ khác mà vẫn còn bám giữ lấy nguyên tắc của công bình (luật lệ và phong tục là dạng thức của sự công bình) lại cho rằng sự nô lệ do kết quả của chiến tranh đem lại hợp với công lý. Nhưng khi lập luận như vậy, họ đã tự phủ nhận, vì nếu lý do gây chiến là một lý do không chính đáng thì sao? Còn nữa, chẳng có ai lại nói rằng có kẻ bị làm nô lệ nhưng lẽ ra không đáng làm nô lệ. Vì nếu lập luận như vậy thì sẽ có những người địa vị cao quý và con cái họ trở thành nô lệ vì họ thua trận (hay cha mẹ họ thua trận) và bị bắt làm nô lệ.[2]  Vì lý do đó người Hy Lạp không gọi những kẻ như vậy là nô lệ, mà dùng từ “mọi rợ.”[3] Tuy nhiên, thật ra khi dùng từ ngữ như vậy, họ cũng chỉ đó là những kẻ nô lệ tự nhiên như ta vừa bàn đến. Người Hy Lạp, thật sự tin rằng có những kẻ (thí dụ những người  mọi rợ) vốn trời sinh ra để làm nô lệ, và những kẻ (thí dụ người Hy Lạp) vốn trời sinh ra là kẻ tự do, cao quý ở mọi nơi. Người mọi rợ cũng có thể thuộc dòng cao quý nhưng chỉ ở trong nước của họ. Như vậy, có hai loại tự do và cao quý: tương đối và tuyệt đối. Như Helen trong vở kịch Theodectes nói: “Kẻ nào dám gọi ta là nô lệ, khi ta cũng do thần thánh sinh ra?” Khi dùng những từ như vậy, người ta đang dùng một tiêu chuẩn để phân biệt giữa nô lệ và tự do, giữa quý tộc và tiện dân dựa trên nguyên tắc thiện và ác. Cũng giống như người do người sinh ra và thú do thú sinh ra, thì người tốt cũng do người tốt sinh ra. Tuy nhiên, dù đây là điều do thiên nhiên sắp xếp, nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy.

Sự khác biệt quan điểm, như vậy, là có cơ sở, và không phải là ai cũng là nô lệ hay tự do vì thiên nhiên định như vậy. Và cũng có trường hợp tự do hay nô lệ do thiên nhiên định đoạt; trong trường hợp này thì người chủ làm chủ và người tớ (nô lệ) làm tớ sẽ mang lại ích lợi và công chính, và là điều thuận theo tự nhiên. Người chủ làm không đúng chức năng của mình sẽ gây ra thiệt hại cho cả chủ lẫn tớ. Vì quyền lợi của bộ phận và toàn thể cũng giống như quyền lợi của thể xác và tinh thần; và nô lệ, được xem như một bộ phận sống ngoài thân thể của người chủ, cho nên, giữa hai người có một quyền lợi chung. Khi mối quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ là quan hệ tự nhiên, thì họ có quan hệ thân thiết và cùng quyền lợi; ngược lại, nếu mối quan hệ này đặt trên sức mạnh và luật lệ thì đó là mối quan hệ thù nghịch và mâu thuẫn quyền lợi.


[1] Newman giải thích lý luận này như sau: sự trùng lập giữa hai luận diểm trái ngược này nằm ở chỗ một nguyên tắc chung được hai phe giải thích khác nhau. Nguyên tắc chung là “sức mạnh đi liền với đức hạnh.” Một phe cho rằng sức mạnh tự nó hàm ý đức hạnh, và như thế, kẻ thắng có quyền bắt kẻ bại làm nô lệ. Phe kia lại cho rằng sức mạnh phải có đức hạnh đi kèm (thiện ý) trước khi mối quan hệ chủ nhân-nô lệ được thiết lập (trên thiện ý) (Barker, E., The Politics of Aristotle, trang 15, Oxford University Press, 1956).

[2] Lycurgus đưa ra một đạo luật cấm người Hy Lạp không được mua những người tự do đã bị bắt làm tù binh làm nô lệ. Có lẽ Aristotle muốn ám chỉ đến đạo luật này (Barker, sđd. trang 16).

[3] Mọi rợ (barbarian): nguyên nghĩa tiếng Hy Lạp chỉ những người không phải là người Hy Lạp chứ không hàm ý miệt thị như ta hiểu ngày nay, hay như người Tàu gọi các giống dân chung quanh là di, địch (mọi) một cách miệt thị.