fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 6

Chương VI

Những điều mà ta không đồng ý với lập luận của Socrates cũng tương tự như, hoặc là gần giống với lập luận của Plato trong tác phẩm sau này của ông, đó là cuốn Luật Pháp, do đó, ta nên trước hết xem xét một cách vắn tắt cơ cấu chính trị được ông mô tả trong tác phẩm này. Trong Cộng Hòa Luận, Socrates chỉ thảo luận một vài vấn đề, như là tổ chức một cộng đồng có vợ chung, con chung, tài sản chung, và cơ cấu chính trị. Dân chúng được chia thành hai giai cấp–một là giai cấp nông dân, và một là giai cấp chiến sĩ. Trong giai cấp chiến sĩ lại chia thành giai cấp thứ ba là các nhà lập pháp và cai trị. Nhưng Socrates vẫn chưa xác định xem có để thành phần nông dân và thợ thuyền được dự phần trong chính quyền, hoặc là có cho họ được tham gia quân đội hay có quyền giữ vũ khí hay không. Ông nghĩ rằng phụ nữ cũng nên được giáo dục như giai cấp lãnh đạo, và cũng được tham gia chiến đấu.

Phần còn lại của tác phẩm, tuy nhiên, lại gồm những phần thảo luận lạc khỏi chủ đề chính, và những phần thảo luận về cách thức giáo dục giai cấp lãnh đạo. Những điều được trình bày trong cuốn Luật Pháp hầu như chỉ liên quan đến pháp luật, chứ không bàn nhiều đến cơ cấu chính trị. Và trong những phần bàn về cơ cấu chính trị, mặc dù ông muốn đưa ra một mô hình chính trị mà các nước đều có thể áp dụng, ông lại đi vòng vo và đưa đến một mô hình khác (được mô tả trong Cộng Hòa Luận), hoặc một mô hình lý tưởng [không thể nào đạt được]. Thí dụ, nếu không kể đến việc tạo dựng một cộng đồng có chung vợ con, ông giả thiết mọi sự đều như nhau trong cả hai mô hình nhà nước: cả hai đều có cùng [hệ thống] giáo dục; công dân của cả hai đều không phải làm những công việc lao động chân tay; và công dân đều có bữa ăn chung với nhau. Chỉ có một điều khác nhau là theo mô hình đề nghị trong cuốn Luật Pháp thì phụ nữ được dùng bữa ăn chung, và con số chiến sĩ là năm ngàn người, thay vì chỉ có một ngàn người như trong cuốn Cộng Hòa Luận.

Những bài nghị luận của Socrates luôn luôn độc đáo, phong nhã trong văn chương và sáng tạo trong tư tưởng; nhưng có lẽ ta không thể đòi hỏi mọi điều ông viết đều toàn hảo. Ta đừng quên một điều là chỉ với sự kiện năm ngàn công dân mà ông nhắc tới, ta cần phải có một lãnh thổ rộng bằng xứ Babylon, hoặc một vùng đất rộng lớn nào đó để có thể dung dưỡng chừng đó người, chưa kể đến số đàn bà, trẻ con và những kẻ hầu hạ còn nhiều gấp mấy lần số năm ngàn người. Khi cấu tạo nên một mô hình lý tưởng, ta có thể tha hồ đặt ra giả thuyết này nọ theo ý thích, nhưng cũng nên tránh những điều bất khả thực hiện.

Trong cuốn Luật Pháp có nói rằng, nhà lập pháp nên luôn để ý đến hai điều-dân chúng và lãnh thổ; nhưng cũng không được quên các nước lân cận, thứ nhất là vì một quốc gia phải có đời sống chính trị, tức là quan hệ với các nước khác, chứ không phải là một nước tự cô lập, sống riêng rẽ một mình. Vì một nước phải có một lực lượng quân sự, không phải chỉ sử dụng trong nước mà khi cần còn để đối phó với nước ngoài. Ngay cả khi ta cho rằng một đời sống bận bịu, tất bật không phải là đời sống tốt đẹp nhất đối với cá nhân hay quốc gia,[1] thì một nước phải có khả năng làm quân thù ngán sợ, dù để tấn công hay phòng thủ.
Điểm thứ hai là: số lượng tài sản [cá nhân] có nên được xác định một cách rõ ràng hơn cách thức được đề nghị trong Luật Pháp? Socrates nói rằng một người nên có đủ tài sản để có thể sinh sống một cách có chừng mực [không xa hoa cũng không bần tiện], nói một cách khác là “sống sung túc;” nhưng nói vậy thì quá tổng quát. Thêm nữa, cũng có những người sống có chừng mực nhưng vẫn khổ sở. Một định nghĩa hay hơn là người ta nên có đủ tài sản để có thể vừa sống có chừng mực vừa có được sự hào phóng. Nếu hai đặc tính này tách rời nhau, thì hào phóng sẽ đưa đến xa hoa, còn chừng mực sẽ đưa đến bần tiện. Do vậy, sự hào phóng và chừng mực là hai tính chất hợp lẽ duy nhất liên quan đến việc sử dụng tài sản. Người ta không thể vừa phung phí vừa kiệm ước tài sản, nhưng người ta vẫn có thể vừa hào phóng vừa chừng mực khi sử dụng tài sản. Vì thế không thể tách rời hai đặc tính này khỏi tài sản. Còn một điều bất cập nữa khi Socrates đề nghị chia đều đất đai cho mọi người, nhưng lại không hạn chế dân số; dù dân số sẽ gia tăng không giới hạn, nhưng ông tin rằng lâu dần dân số sẽ được cân bằng vì sẽ có nhiều cặp vợ chồng không có con cái, và dùng thí dụ về các nước đang hiện hữu để chứng minh cho lập luận này. Nhưng ở điểm này ta cần phải cẩn trọng hơn, vì như hiện nay, không cần biết có bao nhiêu dân trong nước, tài sản luôn được phân bố cho tất cả mọi người, và do vậy không có ai bị thiếu hụt; nhưng nếu tài sản không thể phân chia ra được như Luật Pháp đề nghị (đất đai được chia thành một số cố định các thửa đất nhỏ), thì số người dư ra, dù nhiều hay ít, sẽ chẳng có gì hết. Người ta có lẽ sẽ nghĩ rằng giới hạn dân số là điều cần thiết hơn là giới hạn tài sản, và giới hạn đó phải được tính toán bằng tử suất ở trẻ con và tỷ lệ các cặp vợ chồng không có con cái. Bỏ qua đề tài này, một điều vẫn thường xảy ra trong các nước hiện đại, là nguyên nhân tất yếu đưa đến sự nghèo khó của dân chúng, và nghèo khó là cha đẻ của cách mạng và tội ác. Pheidon, một trong những nhà lập pháp nhiệt thành xứ Corinth, cho rằng gia đình và dân số nên được giữ y nguyên, dù ban đầu các thửa đất có thể có kích thước khác nhau; nhưng Luật Pháp lại đề nghị nguyên tắc trái ngược với nguyên tắc này. Cơ cấu đúng đắn, theo tôi, còn cần được giải thích kỹ hơn trong các phần sau.

Còn một điểm nữa cũng bị bỏ sót trong Luật Pháp: Socrates không cho chúng ta biết người cai trị và kẻ bị trị khác nhau như thế nào; ông chỉ nói rằng họ có quan hệ đan xen với nhau như những sợi ngang và dọc trong một tấm vải làm bằng   chất liệu khác nhau. Socrates cho phép toàn bộ tài sản của một người được gia tăng lên đến năm lần, nhưng lại không giải thích tại sao lại không cho gia tăng điền thổ của người đó đến một mức nào đó? Thêm nữa, cách sắp xếp nhà ở của người dân theo kiểu của Socrates có giúp cho việc quản trị hộ gia đình hữu hiệu hơn chăng? [Có lẽ là không], vì ông cho mỗi người hai căn nhà ở hai nơi khác nhau, và thật là khó chăm lo cho gia đình khi phải sống trong hai căn nhà khác nhau.

Toàn bộ hệ thống chính quyền [theo kiểu này]có khuynh hướng trở nên chẳng phải là dân chủ, cũng chẳng phải là quả đầu, nhưng là một cái gì đó ở giữa, thường được gọi là một “thể chế trung dung” (polity) bao gồm những công dân thuộc thành phần có thể tự trang bị vũ khí.[2] Ở đây, nếu Socrates muốn tạo dựng một cơ cấu chính trị thích hợp cho đa số các nước, thì mô hình này có lẽ đúng. Nhưng điều này lại không đúng nếu ông muốn dùng mô hình này để diễn tả một nhà nước lý tưởng, hay là một nhà nước đầu tiên. Bởi vì rất nhiều người sẽ thích mô hình theo kiểu Lacedaemonia (Sparta), hay nhiều người khác sẽ chọn mô hình quý tộc. Một số người khác, thực ra, lại nói rằng, cơ cấu chính trị tốt nhất là cơ cấu kết hợp tất cả các loại chính quyền, và họ ca tụng mô hình Sparta vì mô hình này được tạo thành bởi quả đầu, quân chủ, và dân chủ; ông vua thiết lập nền quân chủ, hội đồng trưởng lão tạo nên quả đầu trong khi thành phần dân chủ được đại diện bởi các giám sát viên do dân bầu ra. Lại có những người cho rằng Giám sát viện là một cơ cấu chuyên chế, và cho rằng tính chất dân chủ được thể hiện qua các bữa ăn chung và qua sinh hoạt hàng ngày. Nhưng lập luận trong Luật Pháp lại cho rằng cơ cấu chính trị tốt nhất được tạo thành bởi dân chủ và chuyên chế, một cơ chế hoặc là không hợp hiến, hoặc là một cơ chế xấu nhất.[3] Nhưng ta chỉ có thể đến gần được chân lý khi kết hợp được nhiều mô hình khác nhau, vì cơ cấu chính trị sẽ tốt hơn nếu được kết hợp bởi nhiều phần tử khác nhau. Cơ cấu chính trị đề nghị trong Luật Pháp hoàn toàn không có quân chủ, và chỉ gồm có cơ cấu quả đầu và dân chủ mà lại thiên về cơ cấu quả đầu. Điều này được thể hiện qua việc bổ nhiệm quan chức. Vì mặc dầu việc bổ nhiệm quan chức qua hình thức rút thăm trong số những người được tuyển-gồm cả hai giai cấp quý tộc và bình dân, nhưng có hai điều kiện khiến việc bổ nhiệm này mang nặng tính chất quả đầu. Đó là điều kiện buộc người giàu phải tham dự các buổi họp và bỏ phiếu chọn quan chức, và thực hiện các nghĩa vụ chính trị khác, trong khi những người khác không bị bó buộc như vậy. Thứ hai là việc cố gắng lựa ra các viên chức trong số dân giàu và các viên chức cao cấp nhất được lựa ra từ những người giàu có nhất. Nguyên tắc quả đầu còn thể hiện qua việc bầu cử nghị viên. Tất cả mọi người đều phải đi bầu, nhưng điều này chỉ bắt buộc cho việc lựa chọn ứng viên trong giai cấp thứ nhất, và cùng một số ứng viên trong giai cấp thứ hai và thứ ba. Khi chọn ứng viên trong giai cấp thứ ba và thứ tư, thì luật lại không bắt buộc nữa; thực ra trong việc lựa chọn ứng viên trong giai cấp thứ tư, chỉ có những ai thuộc giai cấp thứ nhất và thứ nhì là bị buộc phải bỏ phiếu mà thôi. Như thế, trong danh sách những ứng viên được chọn ra để bầu chọn, trong mỗi giai cấp đều có một số người bằng nhau. Kết quả là những cử tri thuộc giai cấp khá giả sẽ trở thành đa số, còn giới bình dân vì không bị bắt buộc sẽ không đi bầu.

Những điều cần chú ý như thế này và những điều khác nữa sẽ được viện dẫn khi ta xem xét các cơ cấu tương tự, đủ để chứng tỏ là cơ cấu do Plato đề nghị không nên được tạo thành bởi sự kết hợp dân chủ và quân chủ. Còn có một điều nguy hiểm nữa trong thể thức bầu cử các viên chức từ danh sách những đại biểu đã được bầu ra trước, vì chỉ cần một số nhỏ kết hợp lại cũng có thể khiến kết quả bầu cử đi theo ý họ muốn. Cơ cấu chính trị được mô tả trong Luật Pháp chứa những điều đáng quan ngại như vậy.


[1] Người Hy Lạp cho rằng đời sống tất bật không phải là đời sống lý tưởng; họ cho rằng con người cần có thì giờ nhàn rỗi để suy tưởng. Các hoạt động quân sự là các hoạt động làm người ta bận rộn (Ghi chú của Barker).

[2] Thể chế trung dung, sẽ được Aristotle giảng giải kỹ hơn trong Quyển IV. Thể chế trung dung dựa trên thành phần trung lưu trong xã hội, là những người có khả năng để trang bị vũ khí (Ghi chú của Barker).

[3] Theo Barker, nhận xét này không công bằng cho Plato (Plato viết sách theo kiểu đối thoại, thuật lại lời của Socrates), vì ông không nhằm tới việc mô tả một cơ cấu lý tưởng như Aristotle ám chỉ, nhưng nhắm tới mô hình gần với lý tưởng nhất. Mô hình này là mô hình hỗn hợp của quân chủ và dân chủ có điều tiết (Ghi chú của Barker, trang 60).