fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 7

Chương VII

Sau khi đã xác định những điểm này, ta phải xét xem có bao nhiêu loại hình chính quyền, và đó là những loại nào, và khi đã xác định được ngay từ đầu loại nào là đúng đắn thực sự, thì ta sẽ thấy ngay những loại chính quyền đã bị thoái hóa là những loại nào. Hai từ hiến pháp và chính quyền có cùng một nghĩa, và chính quyền, tức là quyền uy tối thượng trong một nước, phải nằm trong tay của một người, hay của một vài người, hay thuộc về nhiều người. Những dạng thức đúng đắn của chính quyền, do đó, thuộc một trong ba loại kể trên, được tổ chức nhằm phục vụ lợi ích chung; còn những loại chính quyền được thiết lập nhằm phục vụ quyền lợi riêng tư của một người, một nhóm người, hay của cả nhiều người, đều là những loại chính quyền đã bị hủ bại. Bởi vì những thành viên của một nước, nếu họ là công dân thật sự, thì họ phải tham gia vào chính sự. Trong loại hình chính quyền do một người cai trị, theo cách gọi thông thường là quân chủ; loại hình một thiểu số cai trị là quý tộc; gọi như vậy là vì hoặc những người cai trị thuộc thành phần ưu tú, hoặc là họ chuyên tâm đến những quyền lợi tốt đẹp nhất của quốc gia và công dân. Nhưng khi mà đa số công dân tham gia chính sự và quan tâm đến lợi ích chung, thì chính thể đó được gọi bằng một cái tên chung là “chính quyền.” Sở dĩ ta dùng tên gọi chung này vì một người hay một số người có thể vượt trội hơn những người khác về tài đức, nhưng khi gom nhiều người lại, ta khó lòng phân biệt được ai là kẻ vượt trội về mọi mặt, ngoại trừ về phương diện quân sự, [vì những người can trường, dũng cảm và mưu trí khi chiến đấu sẽ hiển hiện trong đám đông]. Vì thế trong những chính quyền như vậy, chiến sĩ là những người nắm giữ quyền lực và người lính được coi là công dân.

Trong các loại hình kể trên, loại hình hủ bại của quân chủ là bạo chúa, loại hình hủ bại của quý tộc là quả đầu, và của loại thứ ba là dân chủ.[1] Bạo chúa hủ bại là vì nhà vua chỉ chăm lo quyền lợi của vương thất; quả đầu chỉ lo cho quyền lợi của kẻ giàu; và dân chủ chỉ lo cho quyền lợi của dân nghèo. Không có loại nào lo cho quyền lợi chung của quốc gia.

 


[1] Dân chủ hiều theo nghĩa của thời Aristotle khác với cách ta dùng ngày nay.