fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Cộng Hòa — Ghi Chú

Bố cục triết phẩm

Khởi đầu khi sửa soạn ấn loát, Cộng Hòa được chia làm mười phần, việc làm do học giả vô danh người Hy-lạp thực hiện, không do tác giả, nhằm đưa tác phẩm vừa với khổ tờ giấy cói sử dụng thời đó. Về sau lúc nghiên cứu triết gia và triết phẩm, học giới Tây Âu
thay đổi, có người theo, có người không theo sáng kiến tiên khởi, viện cớ mở đầu, kết thúc số phần chỉ trùng hợp phần nào với ngưng nghỉ trong chuỗi dài tranh luận. Chẳng hạn phần I kết thúc cuối cuộc tranh luận giữa Socrates và Thrasymachus, trong khi phần IX bắt đầu giữa cuộc tranh luận về mẫu người độc tài. Bởi thế họ chia tác phẩm khác hẳn; có người chia thành chương, có người chia thành phần, có người chia thành quyển, dài ngắn, số lượng khác nhau. Tôi theo đường cũ cho tiện việc. Mười phần chia ra như sau:

  1. 327a-354c
    2. 357a-383c
    3. 386a-417b
    4. 419a-445e
    5. 449a-480a
    6. 484a-511e
    7. 514a-541b
    8. 543a-569c
    9. 571a-592b
    10. 595a-621d

Những số trong ngoặc vuông [   ]  là mốc nối để tham chiếu đoạn văn trong triết phẩm, số đó ghi số trang, số đoạn trong ấn bản Henri Estienne (Stephanus) thực hiện ở Genève, Thụy-Sĩ năm 1578, học giới khắp nơi sau đó sử dụng làm tiêu chuẩn tra cứu.

Nhân vật trong đối thoại.

Socrates, người kể. Glaucon và Adeimantus chỉ tham dự đối thoại sau phần I là anh tác giả Platon. Polemarchus là dân Piraeus, bến cảng, cách thành phố Athens khoảng mươi cây số; đàm đạo diễn ra ở nhà anh này. Cephalus, sinh trưởng ở Syracuse, thành phố hải cảng đông nam đảo Sicile, bố đẻ Polemarchus, thương nhân, đối với Athens là kiều cư, hiện thời dường như sống với con trai, tham dự phần đầu cuộc đàm luận sau đó bảo Polemarchus thay thế.

Thrasymachus, người vùng Chalcedon, diễn giả, thành viên triết phái Sô-phít, xuất hiện hạ bán thế kỷ V ttl. chuyên rao giảng đạo đức và hùng biện, nhân vật chính trong đối thoại phần I. Số người hiện diện không phát biểu ý kiến: Lysias và Euthydemus, cả hai là anh Polemarchus. Lysias trở thành diễn giả chuyên nghiệp, văn gia viết diễn văn nổi tiếng, lời đơn giản, ý trong sáng, một số còn lưu truyền. Niceratus, con Nicias, chính khách, tướng tài thành quốc Athens. Charmantides và Cleitophon người sau không biết tiểu sử. Trong nhóm chỉ có Cleitophon góp ý, và góp ý ngắn ngủi [340 -340e]. Nhiều người nữa tham dự, song không phát biểu.

Thời gian cuộc chuyện trò, theo học giới Tây Âu phỏng đoán, diễn ra trước năm 420ttl., lúc đó Socrates khoảng năm mươi, và diễn ra tại nhà lão nhân Cephalus ở Piraeus; toàn bộ cuộc trao đổi ý kiến Socrates kể lại sau ngày cuộc tranh luận thực sự diễn ra giữa Timaeus, Hermocrates, Critias và người vô danh giới thiệu trong Timaeus.

Nhan đề triết phẩm.

Tên triết phẩm Platon đặt là Politeia; chữ này xuất hiện mấy lần trong tác phẩm; Politeia là đời sống công cộng và sinh hoạt chính trị của cộng đồng; chữ politeia bắt nguồn từ chữ polis, nghĩa là thành phố, cộng đồng dân chúng chung sống, tự quản, đối ngoại tham gia chiến tranh, đối nội bảo vệ hòa bình; polis là nhóm xã hội tự nhiên chứa trong nó tất cả những gì cần thiết để phát triển, đồng thời hành xử khả năng, quyền hạn của con người; polis ngày nay tiếng Anh dịch là ‘city-state’, tiếng Pháp ‘cité-état’, tiếng ta tôi dịch là thành quốc, làm vậy là xác nhận polis không phải quốc gia theo nghĩa ngày nay (chẳng hạn, quốc gia khác với xã hội), cùng lúc công nhận đặc trưng của đời sống xã hội ngày xưa khác hẳn đời sống xã hội ngày nay. Hơn thế, dịch polis là thành quốc lại hàm ý khái niệm về quốc gia, song cũng hàm chứa khái niệm về polis, mặc dù chỉ đúng một nửa. Thế kỷ I trước công nguyên Marcus Ciceron dịch sang tiếng La-tinh là de re publica, dịch vụ công cộng, chữ này thoạt đầu nghĩa tương tự, về sau nghĩa hẹp hơn, chỉ loại cơ chế đặc biệt. Có lẽ hiểu như vậy nên từ đó trở đi hậu duệ văn hào La-mã, cả gần gụi lẫn xa xôi, đều sử dụng như ta hằng thấy.

Và từ đó trở đi triết phẩm Politeia mang tên tiếng Pháp La république, tiếng Anh The Republic, tiếng Tây-ban-nha La república, tiếng Đức die Republik. Đi xa hơn dường như muốn tránh ngộ nhận hoặc hiểu lầm có người bỏ mạo từ la, the, die trước danh từ, song không người nào thay đổi tên gọi, có lẽ vì sợ mang tiếng ngược đời, thông thái rởm. Tuy nhiên, dù tưởng tượng đến mấy, đi vào triết phẩm, từ đầu chí cuối, độc giả sẽ thấy tác giả không hề bàn tới cái gì gọi là cộng hòa, bất kể đó là đảng cộng hòa, tư tưởng cộng hòa, chủ nghĩa cộng hòa, chính thể cộng hòa hay mẫu người cộng hòa. Tên gọi đã trở thành quen thuộc từ lâu đối với độc giả khắp nơi, bất luận ngôn ngữ, nhất là tên gọi lại biểu thị nội dung đặc biệt. Bởi thế dù biết nghĩa không phải vậy, song muốn cho tiện việc, tôi cũng làm như mọi người. Dù sao cũng xin lưu ý độc giả tiếng Hy-lạp chữ như ‘chính khách’, ‘công dân’ đều bắt nguồn từ chữ ‘polis’. Công dân (polites) nghĩa là ‘người thuộc về thành quốc’, chính khách (politikos) nghĩa là ‘người hiểu sự việc thành quốc’; chính trị (politika) nghĩa là ‘cái phải làm với thành quốc.’ Po-lis có nét đặc biệt, lối sống đặc biệt của polis được thiết lập bởi tổ chức của thành quốc gồm thành phần khác biệt. Vấn đề chủ yếu là tổ chức thành quốc, politeia là tổ chức đó. Politeia có thể hiểu một cách rộng rãi như tầng lớp công dân nắm quyền cai trị, vì họ có ảnh hưởng đậm nét đối với thành quốc và là cội nguồn của luật pháp. Politeia là linh hồn của thành quốc; politeia liên hệ với cá nhân cấu thành thành quốc như hình thức liên hệ với nội dung; politeia dịch đúng nghĩa là chế độ hay chính thể.

Bối cảnh đối thoại.

Piraeus là bến cảng cách Athens chừng mươi cây số. Là trung tâm thương mại sầm uất, nơi này xuất hiện đủ thứ khác biệt và lộn xộn nhập cảng từ đất xa lạ. Bởi thế đó là chỗ thích hợp để quan sát lối sống lạ lùng. Hơn nữa, đó cũng là địa bàn hoạt động sinh tử của phe dân chủ thời đó. Ít lâu sau ngày diễn ra cuộc đối thoại (có lẽ khoảng 411ttl.), năm 404 ttl. Piraeus là thành lũy chống trả quyết liệt nhóm độc tài, lịch sử Hy-lạp mệnh danh “Ba Mươi Bạo Chúa” nắm quyền cai trị Athens, sau khi thành quốc bị Sparta đánh bại trong cuộc chiêán Peloponnesos kéo dài 27 năm. Trong cuộc chống trả, gia đình Cephalus, đặc biệt Lysias (328b), giữ vai trò chỉ đạo. Polemarchus bị nhóm bạo chúa hành hình. Socrates bị nghi là có cảm tình và ảnh hưởng đối với lãnh tụ chế độ độc tài vì nhiều người trong nhóm trước đó là môn sinh. Trong Biện Giải (32c-d) ông chứng tỏ ông bất đồng với chế độ quả đầu và nguyên do dẫn tới bất đồng. Tuy thế về quan hệ với chế độ dân chủ, quan điểm của ông vẫn mơ hồ. Cuộc đàm đạo trong Cộng Hòa diễn ra dưới bóng ma ẩn hiện của Ba Mươi Bạo Chúa. Họ thực hiện cuộc hành hình, không những Polemarchus, mà cả Socrates một cách gián tiếp; cuộc đàm đạo phần nào bàn tới tham vọng tàn bạo đệ tử Socrates chủ trương. Số người tập trung ở đây vào ngày vui vẻ để chuyện trò, cuộc trao đổi ý kiến có tính cách lý thuyết, rồi ra sẽ gục ngã thảm thương, bi đát vào ngày đen tối khi dấn thân đi vào chính trị. Vấn đề tham gia như thế, sau này thể hiện qua hành động, được bàn luận ở đây. Đó là bi kịch của triết phẩm, không hiểu bi kịch thì không hiểu điều triết phẩm muốn truyền đạt. Cuộc gặp gỡ thân thiện giữa mười người, Socrates đàm đạo với họ ở Piraeus, sẽ thay thế bởi ủy ban mười người cai trị tàn bạo nơi này nhân danh Ba Mươi Bạo Chúa, đồng thời đẩy người chủ xướng tới chỗ quyết định quyên sinh. Người tham dự bàn luận chế độ tuyệt hảo, song sẽ chìm đắm, ngụp lặn trong bể máu của chế độ tồi
tệ nhất đời.

Chú thích.

Ghi chú in nghiêng đầu mỗi phần, hoặc đoạn mỗi phần không nhằm gì khác mà chỉ tóm tắt nội dung, nêu bật chuỗi dài lý luận, đồng thời giải thích vấn đề Platon cho là dĩ nhiên. Làm vậy chỉ là trưng ra điều Pla-ton muốn nói, không phải chỉ trích hay bênh vực quan điểm của ông. Việc này hoàn toàn tùy độc giả. Phần giới thiệu kể chuyện đời ông là dựa vào lời ông nói, kéo dài tới lúc ông viết triết phẩm Cộng Hòa. Sau đó nhiệm vụ hầu như hoàn tất, dịch giả để tác giả cất tiếng nói, cùng lúc đưa độc giả vào vị thế sử dụng nhận thức cá nhân nhận định, phê phán ý kiến, tư tưởng, triết lý Platon theo ánh sáng tư duy bừng nở trong trí, trong lòng mỗi người trong quá trình thưởng lãm tác phẩm ra đời cách nay khoảng hai ngàn bốn trăm năm.

Đỗ Khánh Hoan

© Học Viện Công Dân 2012