fbpx

Giáo Dục

Cuộc Đàm Luận giữa Khổng Tử và Tiến Sĩ John Dewey

Dr. Lih-Ching Chen Wang


LGT: Một cuộc đàm luận lý thú giữa Khổng Tử và John Dewey, dĩ nhiên trong tưởng tượng, nhưng qua đó tác giả đã nêu lên được những điểm tương đồng cũng như khác biệt trong triết lý giáo dục giữa hai nhà giáo dục hàng đầu của Trung Hoa và Hoa Kỳ. Điều thú vị là những lời đối đáp của Khổng Tử đều rút ra từ các sách Đại Học và Luận Ngữ.[1]

Thời gian: 7 tháng 12, 1951.

Không gian: Quê hương của Khổng Tử, huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Hoa

Khổng Tử: Cung ­Thỉnh, Tiến sĩ Dewey! “Có những bằng hữu ham mộ đạo lý, nghe tiếng mình là người học cao đức lớn, chẳng ngại đường xa đến viếng mình, há không lấy đó làm vui sao?”[2]

Dewey: Thưa Phu Tử, thật là vui thú lắm. Đây cũng là một sự thay đổi trong những việc thường ngày của tại hạ tại Mỹ.

Khổng Tử: Theo những đệ tử của ta nghiên cứu thì ngài là một trong những triết gia và nhà giáo dục có ảnh hưởng lớn nhất của Mỹ quốc. Ta rất hân hạnh được ngài ghé thăm tệ xá.

Dewey: Xin mượn lời của Phu Tử: “Kẻ nào miệng nói lời hoa mỹ, còn mặt mày thì trau chuốt, hình dạng thì kiểu cách, áo quần thì lòe loẹt, kẻ ấy hẳn kém lòng nhân.”[3] Ha ha…Xin đùa Sư Phụ một chút.

Khổng Tử: Ta cũng xuýt nữa thì nổi giận rồi đó. “Bậc quân tử nếu chẳng tự trọng, thì chẳng được oai nghiêm, người ta không kính nể, rồi ra sự học vấn của mình không được kiên cố…Chẳng nên làm bạn với kẻ chẳng như mình.”[4] Ngay cả đệ tử của ta là Tăng Tử còn nói: “Hằng ngày ta tự xét mình,…, làm việc với ai ta có hết lòng hay chăng?”[5]

Dewey: Xin cám ơn Sư Phụ. Ngài nghiêm trang quá, không có tính khôi hài tí nào. Vậy thì tại hạ xin hỏi ngài một chuyện thành thật, nghiêm túc: Đại học là cái gì? Nghĩa là, mục đích của đại học là để làm gì?

Khổng Tử: Đại học dạy như vầy: “Trước hết phải làm sáng tỏ cái đức của mình, rồi dùng cái đức đó cải cách cho mọi người, rồi nên nhắm mức trọn lành mà theo và ở yên nơi mức ấy.”[6]

Dewey: Xin ngài khai triển thêm.

Khổng Tử: “Các vị vua thuở xưa muốn làm cho cái đức của mình tỏ sáng ra trong thiên hạ, trước phải lo sửa trị nước mình. Muốn sửa trị nước mình, thì phải tề gia trước. Muốn tề gia thì phải tu thân trước. Muốn tu thân thì phải làm cho ý mình trở nên thành thật. Muốn làm cho ý mình trở nên thành thật phải có tri thức chu đáo. Muốn có tri thức chu đáo ắt phải nghiên cứu sự vật.”[7]

Dewey: Đúng vậy, tri thức được mở rộng nằm ở chỗ nghiên cứu sự vật. Thế còn gì nữa, thưa Phu tử?

Khổng Tử: “Khi đã nghiên cứu sự vật, cái tri thức mới được chu đáo. Cái tri thức được chu đáo, cái ý mình mời thành thật. Cái ý mình đã thành thật, lòng dạ mình mới ngay thẳng. Lòng dạ mình đã ngay thẳng mới tu tập lấy mình được. Đã tu tập lấy mình được, thì mới sắp đặt nhà cửa cho chỉnh tề. Nhà cửa đã chỉnh tề, thì mới sửa trị nước được. Nước đã sửa trị, thiên hạ mới bình an.”[8]

Dewey: Như vậy thì kết luận là…

Khổng Tử: “Từ bậc Thiên tử lần xuống chí hạng bình dân, ai nấy đều phải lấy sự tu tập lấy mình làm gốc.”[9]

Dewey: Thật là triết lý cao thâm. (Mở miệng cười toe). Tại hạ là một người thực tiễn. Tại hạ dạy những điều có tính cách thực tế hơn.

Khổng Tử: “Biết thì bảo là biết, không biết thì bảo là không biết. Như vậy mới là biết thật.”[10] Tiến sĩ Dewey, xin cho biết cao kiến.

Dewey: Một trong những chủ đề của chủ nghĩa thực dụng cho rằng triết học nên chú trọng vào giải quyết những vấn đề của con người hơn là cứ loay hoay với những suy luận siêu hình. [Cái gọi là] chân lý chỉ có tính cách phỏng đoán, một sự xác định đã được kiểm chứng chứ không có tính chất tuyệt đối và phổ quát.

Khổng Tử: Nghe giống y chang như ta đang nói vậy. (Cười).

Dewey: (Tặc lưỡi). Không, không, không phải đâu, thưa Sư phụ, xin nghe tại hạ nói thêm. Tại hạ tin rằng chân lý được rút ra từ kinh nghiệm của con người. Nó gồm có việc thử nghiệm hay xác minh một ý tưởng bằng cách áp dụng ý tưởng này để xem kết quả của sự áp dụng này có giải quyết được cái vấn nạn của ta hay không.

Khổng Tử: Thế ngài không gọi cái đó là Đại Học hay sao?

Dewey: Không, thưa Sư phụ. Cái đó gọi là chủ nghĩa thực nghiệm. Chúng tôi xem xét những định chế và giá trị dựa trên sự tương tác của chúng với những tình huống đang thay đổi trong đời sống Mỹ. Chúng tôi lập luận rằng những định chế và giá trị xã hội không còn có thể dựa vào cái chủ nghĩa truyền thống và giữ nguyên hiện trạng có sao giữ vậy.

Khổng Tử: Điều ngài nói là cho ta cảm thấy lúng túng. Ngài  phủ nhận hoàn toàn cái chủ nghĩa truyền thống của ta. Năm ngàn năm văn hóa Trung Hoa trôi tuột xuống cống, mất sạch. (Thở dài!)

Dewey: Tại hạ xin lỗi Phu Tử về chuyện này. Nhưng đó thật sự là những gì tại hạ thấy và tin tưởng. Tại hạ đã sống qua một chuỗi những biến cố quan trọng và những biến cố này đã tạo nên hình thái và khuôn mẫu của đời sống hiện đại. Sống tới 93 tuổi thật cũng chẳng phải là một điều dễ dàng.

Khổng Tử: Nói về thời hỗn loạn, ngài nên ở vào thời đại sau khi ta chết như Thời Chiến quốc và tranh chấp dưới đời Nhà Chu.

Dewey: Xin thưa cho ngài rõ. Trong đời tại hạ đã chứng kiến hai cuộc Thế chiến, đó là chưa kể đến trận Nội chiến khi tại hạ còn là một đứa tiểu nhi. Tại hạ đã thấy nước Mỹ trải qua một cuộc đại hóa thân từ một xã hội và kinh tế nông nghiệp sang một xã hội công nghiệp và kỹ thuật.

Khổng Tử: Ta thật ganh tỵ với ngài vì ngài được sống trong một đất nước vĩ đại còn đang ở trong tuổi thanh xuân.

Dewey: Đúng vậy. Tại hạ đã sống qua những cuộc chuyển biến chính trị trọng yếu từ phong trào cấp tiến sang đến Đại Khủng hoảng kinh tế, rồi đến Chính sách Giao ước Mới.[11] Hiện nay, nước Mỹ là một trong hai đại cường quốc trong thời đại vũ khí năng lượng và nguyên tử.

Khổng Tử: Hãy xem những điều người Cộng sản đang gây ra cho dân tộc Trung Hoa! Ta có thể thấy nền văn hóa Trung Hoa đang ở trên bờ diệt vong.

Dewey: Xin hãy trở lại với triết lý giáo dục cấp tiến của tại hạ. Giáo dục là một tiến trình giải quyết những vấn đề của con người một cách thông minh, sử dụng phương pháp khoa học thay vì chỉ dựa vào việc học cho nhuần nhuyễn những khối lượng kiến thức được sắp xếp thành từng môn học.

Khổng Tử: Những ý tưởng này thật là thú vị. Nhưng chẳng phải là tại một số trường học của quý quốc, thầy cô chỉ mới có chạm được tới bề mặt của triết học của ngài thôi hay sao? Họ chỉ dùng một số từ ngữ quan trọng như là “học qua thực tập,” “học qua sinh hoạt,” “giải quyết vấn đề,” rồi thì “nhu cầu và quyền lợi của trẻ em” để soạn bài giảng cho học sinh. Những thầy cô này chỉ lựa một phần nào trong triết học của ngài mà họ thấy hứng thú, chứ đâu có chấp nhận triết lý của ngài đâu.

Dewey: Thật là buồn khi phải công nhận đây là sự thật. Nhưng những điều này vẫn thường xảy ra khi tư tưởng của mình được áp dụng rộng rãi. Chẳng phải những nhà cầm quyền trong suốt lịch sử của Trung quốc cũng đã dùng chủ nghĩa truyền thống của Sư phụ để bảo vệ địa vị của họ hay sao?

Khổng Tử: (Nét mặt buồn rầu). Đúng thế. Ta thường nói rằng “muốn cai trị một nước cỡ một ngàn cỗ xe, thì phải thận trọng trong mọi việc, đừng thất hứa, dùng của cải cho có tiết độ, đừng lãng phí, thương yêu tất cả mọi người trong nước, khi khiến dân làm việc công ích thì phải tùy thời (tránh lúc dân phải cày bừa, cấy gặt).[12]

Dewey: Đúng thế!

Khổng Tử: Chúng nó còn dẫn lời của ta như: “Kẻ cầm quyền chính trị mà biết đem cái đức mình bổ hóa ra, thì mọi người đều tùng phục theo. Tỷ như ngôi sao Bắc Đẩu ở một chỗ mà có mọi vì sao chầu theo.”[13]

Dewey: Ngài ủng hộ cho một nước quân chủ.

Khổng Tử: Ta cũng hiểu là ngài chủ trương [xây dựng] một xã hội dân chủ, một môi trường thích hợp nhất cho việc áp dụng phương pháp khoa học cũng như cho việc kiến tạo một cộng đồng mà mọi người thực sự chia sẻ với nhau. Nhưng ngài phải hiểu cho thời đại của ta. Và ngài cũng không thể phủ nhận là “Nếu nhà cầm quyền chuyên dùng pháp chế, cấm lệnh mà dẫn dắt dân chúng, chuyên dùng hình phạt mà trị dân, thì dân sợ mà chẳng phạm pháp đó thôi, chớ họ chẳng biết hổ ngươi. Vậy muốn dắt dẫn dân chúng, nhà cầm quyền phải dùng đức hạnh; muốn trị dân, nhà cầm quyền phải dùng lễ tiết, thì chẳng những dân biết hổ ngươi, họ lại còn được cảm hóa mà trở nên tốt lành.”[14]

Dewey: Ngài nói thiệt là đúng. Những người nổi tiếng như chúng ta chắc chắn là cũng có khi bị người ta trích dẫn sai. (Cả hai cùng thở dài).

Khổng Tử: Thế ta có thể nói rằng chủ nghĩa thực dụng và thực nghiệm của ngài, ở một mức độ nào đó, đã dẫn đến chủ nghĩa tôn sùng vật chất ở nước Mỹ không?

Dewey: Tại hạ phản đối. Đó là một sự trích dẫn sai và chắc chắn là một sự hiểu sai triết học của tại hạ. Người ta vẫn thường quên là triết học của tại hạ bắt nguồn từ tư tưởng của Plato và những tư tưởng gia đồng thời với ông ta. Trong quyển sách, Truy tầm sự Chân xác, tại hạ đã phân tích cái khuynh hướng xây dựng thực tại vào hai chiều của triết học Tây phương. Một chiều là thế giới hoàn hảo, bất biến, còn chiều kia là một thế giới đầy biến động và phù du. Những triết gia như Plato chú trọng vào thế giới hoàn hảo mà bỏ quên thế giới của những kinh nghiệm của con người. Plato lập luận rằng thực tại được đặt trên căn bản của một “cái tốt” và từ đó mọi ý tưởng phát sinh. Tại hạ có thể nói rằng cả hai ngài chắc là anh em song sinh trong kiếp trước. (Cười lớn). Dù sao, dựa trên niềm tin là có hai thế giới, triết học của Tây phương chú trọng vào thế giới hoàn hảo, một thế giới vượt quá kinh nghiệm của con người, và bỏ qua cái thực tại của thế giới thường ngày của đời sống. Tại hạ chí chuyển hướng sự chú tâm này vào cái thế giới thực nghiệm của những kinh nghiệm hàng ngày và khuyên con người nên chú trọng tới việc giải quyết những vấn nạn trong đời thường. Như vậy có phải là tôn sùng vật chất không, thưa Phu tử?

Khổng Tử: Ta có thể lầm lẫn ở điểm này, nhưng để chữa những tệ nạn xã hội trong đời sống hiện đại của Mỹ, không biết người Mỹ có chịu nghe lời khuyên của chúng ta hay không?

Dewey: Xin cho nghe cao kiến.

Khổng Tử: Những vấn nạn hiện nay trong xã hội Mỹ được tạo nên bởi những chọn lựa xã hội. Những vấn đề này không phải là những nan đề đạo đức cá nhân mà là kết quả của những sự thất bại của những định chế xã hội. Khái niệm “Lễ” của ta, có nghĩa là lễ nghi, cũng đề ra cách thức con người nên cư xử với nhau. Nếu ta thấy rằng những dạng thức của đời sống xã hội đều có hàm chứa một thành tố lễ nghi nào đó, thì ta sẽ có quan niệm khác về những định chế xã hội. Người Mỹ nói chung, không nhận thức điều đó. Người Mỹ luôn nhìn mọi điều dưới lăng kính lợi lộc, hay còn được gọi là thực dụng.

Dewey: Có phải ngài lại châm chích tại hạ nữa không? (Cười gượng).

Khổng Tử: Ta nói tiếp được chứ? Mặc dù có một niềm tin phản-văn hóa là bất kỳ dạng thức nào của nghi lễ xã hội cũng đều mang tính trói buộc và phải bị đạp đổ, thì chính sự phủ nhận những dạng thức xã hội đó đã tự nó là một dạng thức xã hội rồi. Người Mỹ khó thấy điều này lắm, tỷ dụ, để cho tình bạn được bền vững, nó phải có một nghi thức nào đó. Nếu không, nó sẽ rất dễ dàng bị lợi dụng. Xã hội Mỹ có một số những lễ nghi xã hội, nhưng chưa so được với Trung Hoa, Người Mỹ không coi trọng và chịu khó chăm bón những nghi thức này.

Dewey: Hmm…Tại hạ sẽ phải suy nghĩ thêm về điểm này. Hmm…

Khổng Tử: Đúng vậy, thưa Tiến Sĩ Dewey, xin ngài hãy suy nghĩ thêm. Cũng như ta vẫn thường dạy: “Học mà chẳng chịu suy nghĩ thì chẳng được thông minh. Suy nghĩ mà chẳng chịu học, thì lòng dạ chẳng yên ổn.”[15]

Dewey: Hôm nay, tại hạ đã học được nhiều điều từ nơi ngài, thưa Sư phụ. Chúng ta sẽ gặp lại và nói chuyện thêm vào dịp khác.

Và huyền thoại về Khổng Tử và John Dewey tiếp tục…

© Học Viện Công Dân 2010

Nguồn: Dr. Lih-Ching Chen Wang:http://wang.ed.csuohio.edu/learning_center/confucius.dewey.dialogue.html

 


[1] Bản dịch Việt ngữ của Tứ Thư của Dịch giả Đoàn Trung Còn, Nhà Xuất bản Thuận Hóa, 2006.

[2] Luận Ngữ 1.1. “Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?”

[3] Luận Ngử 1.3. “Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỹ nhân.”

[4] Luận Ngữ 1.8. “Quân tử bất trọng, tắc bất oai, học tắc bất cố. Chủ trung tín. Vô hữu bất như kỷ giả…”

[5] Luận Ngữ 1.4. “Tăng Tử viết: Ngô nhật tam tỉnh ngộ thân: vi nhơn mưu, nhi bất trung hồ? Dữ bằng hữu giao, nhi bất tín hồ? Truyền, bất tập hồ?”

[6] Đại Học, phần dẫn nhập, câu 2: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện.”

[7] Đại Học, phần dẫn nhập, câu 5: “Cổ chi dục minh minh dức ư thiên hạ giả, tiên trị kỳ quốc. Dục trì kỳ quốc giả, tiên tề kỳ gia. Dục tề kỳ gia giả, tiên tu kỳ thân. Dục tu kỳ thân giả, tiên chính kỳ tâm. Dục chính kỳ tâm giả, tiên thành kỳ ý. Dục thành kỳ ý giả, tiên trí kỳ tri. Trí tri tại cách vật.”

[8] Đại Học, phần dẫn nhập, câu 6: “Vật cách, nhi hậu tri chí. Tri chí, nhi hậu ý thành. Ý thành, nhi hậu tâm chính. Tâm chính, nhi hậu thân tu. Thân tu, nhi hậu gia tề. Gia tề, nhi hậu quốc trị. Quốc trị, nhi hậu thiên hạ bình.”

[9] Đại Học, phần dẫn nhập, câu 8: “Tự Thiên tử dĩ chí ư thứ nhân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bổn.”

[10] Luận Ngữ 2.17: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri. Thị tri giã.”

[11] Chính sách Giao ước Mới (the New Deal) được tổng thống Franklin Roosevvelt áp dụng nhằm giải quyết cuộc Đại Khủng hoảng Kinh tế toàn cầu năm 1933.

[12] Luận ngữ, 1.5: “Tử viết: Đáo thiên thặng chi quốc, kính sự nhi tín, tiết dụng nhi ái nhơn, sử dân dĩ thì.”

[13] Luận ngữ, 2.1.: “Tử viết: Vi chính dĩ đức, thí như Bắc thần cư kỳ sở, nhi chúng tinh củng chi.”

[14] Luận ngữ, 2.3: “Tử viết: Đạo chi dĩ chính, tề chi dĩ hình, dân miễn nhi vô sỉ. Đạo chi dĩ đức, tề chi dĩ  lễ, hữu sỉ thả cách.”

[15] Luận ngữ, 2.15: “Học nhi bất tư, tắc võng; tư nhi bất học, tắc đãi.”