Larry Diamond
Mở rộng dân chủ không có gì là tất yếu. Trong số các quốc gia có dân số trên một triệu, chỉ có 11 nước có chế độ dân chủ vào năm 1900, 20 nước dân chủ vào năm 1920 và 29 nước năm 1974. Chỉ trong một phần tư thế kỷ qua, dân chủ là chế độ chủ yếu trên thế giới. Đến năm 1993, lần đầu tiên trong lịch sử, số lượng nền dân chủ đã tăng vọt lên 77— trong đa số các quốc gia có ít nhất một triệu dân. Đến năm 2006, số quốc gia có chế dộ dân chủ đã tăng lên đến 86.
Nhưng hiện nay chúng ta đang ở một thời điểm bấp bênh. Dân chủ đang phải trực diện với một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Theo tổ chức phi lợi nhuận Freedom House, trong 12 năm quyền chính trị và quyền tự do dân sự liên tiếp bị xói mòn trên khắp thế giới. Trong thập kỷ qua, một trong sáu nền dân chủ đã thất bại. Ngày nay chỉ có một đa số rất nhỏ các quốc gia lớn hơn trên thế giới vẫn còn có chế độ dân chủ.
Các con số đó cũng không thể hiện hết mức độ nguy hiểm. Đằng sau số liệu thống kê có thể thấy sự xoi mòn của các thể chế và chuẩn mực dân chủ ở một số các quốc gia. Trung Quốc, Nga và những người ngưỡng mộ họ đang tiến nhanh theo một khuynh hướng toàn cầu mới, ca ngợi cai trị bằng lãnh tụ độc đoán—chứ không bằng chính quyền của người dân—để tiến lên trong những giai đoạn khó khăn.
Cho đến gần đây, quyết tâm của Hoa Kỳ đã giúp kìm hãm những kẻ thù chính của nền dân chủ ngày nay: đó là Trung Quốc đầy tham vọng và đang trỗi dậy, Nga phẫn uất và suy tàn, và một làn sóng dân túy mới, các nhà độc tài từ Hungary đến Philippines. Tuy nhiên, hiện nay, sự suy thoái chính trị của chính nước Mỹ ngày càng trầm trọng. Tổng thống Donald Trump đã xúc phạm các đồng minh của Hoa Kỳ, kết bạn với Vladimir Putin, miễn chê trách một số các nhà độc tài ghê gớm khác, ủng hộ các phong trào và chính trị bài ngoại, và làm lung lay trật tự tự do của thời kỳ sau Thế chiến thứ hai. Nhưng vấn đề này cũng bao gồm các chính trị gia hoài nghi trong cả hai đảng, các hệ thống cứng nhắc không phục vụ dân sinh và những công dân tự mãn không thèm đi bỏ phiếu.
Tất cả những điều này đang làm lu mờ ánh sáng bóng bảy của nền dân chủ—và kéo nước Mỹ ra khỏi thế giới. Nếu chúng ta không sớm đảo ngược sự rút lui này của Hoa Kỳ, nền dân chủ trên toàn thế giới sẽ lâm nguy.
Như nhà khoa học chính trị quá cố của đại học Harvard, Samuel Huntington, đã giải thích, sự thay đổi dân chủ không xảy ra một cách đơn độc. Thay vào đó, nó dâng lên phía trước và rút lui theo từng đợt, trên khắp các khu vực và toàn cầu. Trong một làn sóng dân chủ, số lượng các quốc gia thực hiện chuyển đổi sang dân chủ vượt rất nhiều so với số từ bỏ dân chủ, và mức độ tự do nói chung tăng lên. Trong một làn sóng ngược thì trái lại: dân chủ thu hẹp lại, và tự do của con người cũng vậy.
Huntington lập luận rằng làn sóng dân chủ hóa toàn cầu đầu tiên bắt đầu với quá trình dân chủ hóa ở Hoa Kỳ, theo ông (thời điểm này vẫn còn tranh cãi) từ năm 1828, khi hơn một nửa số nam giới người Mỹ da trắng đủ điều kiện bỏ phiếu. Dần dần, làn sóng đầu tiên đã tràn ngập phần lớn Tây Âu cũng như một vài quốc gia ở Đông Âu (như Ba Lan), Canada, Úc, New Zealand và bốn quốc gia Nam Mỹ. Một thế kỷ sau, hơn 30 quốc gia (trong đó có một số nước khá nhỏ) đã “thiết lập ít nhất các thể chế dân chủ quốc gia tối thiểu,” Huntington viết.
Khi làn sóng đầu tiên này lên tới đỉnh, một làn sóng ngược lại bắt đầu nổi lên vào năm 1922, khi phát xít Ý Benito Mussolini đưa quân đến Rome và nhanh chóng lật đổ nền dân chủ mong manh của Ý. Sự đảo ngược của chế độ dân chủ ngay sau đó xảy ra ở Bồ Đào Nha, Ba Lan và Baltics. Bước ngoặt quan trọng xảy ra vào năm 1933, khi Đức Quốc xã nắm quyền ở Đức. Trong khi các xã hội tự do phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế kéo dài trong những năm 1930, những nghi ngờ về khả năng tồn tại của nền dân chủ ngày càng tăng, ngay cả ở Anh và Mỹ.
Sự thất bại của các cường quốc phe Trục trong Thế chiến thứ hai đã ngăn chặn đà này và khởi động làn sóng dân chủ hóa thứ hai. Làn sóng thứ hai đó đã khôi phục nền dân chủ cho hầu hết các nước Tây Âu, đưa các nền dân chủ thực sự đầu tiên đến Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ, và truyền bá dân chủ sang châu Mỹ Latinh. Nhưng làn sóng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, kết thúc vào năm 1962. Ngoại trừ Costa Rica, Venezuela và Colombia, hầu hết các nền dân chủ Mỹ Latinh mới và phục hồi đều rơi vào một loạt các cuộc đảo chính quân sự.
Làn sóng thứ hai cũng chứng kiến sự ra đời của nhiều nền dân chủ mới thông qua quá trình chấm dứt chế độ thuộc địa, khi các đế chế châu Âu ở châu Phi, châu Á và Trung Đông sụp đổ sau Thế chiến thứ hai. Các nền dân chủ mới phát triển này chủ yếu là các thuộc địa cũ của Anh đã có một số kinh nghiệm về bầu cử và pháp trị, bao gồm Ấn Độ, Sri Lanka, Jamaica, Botswana, Ghana, Nigeria và Miến Điện. Bốn nền dân chủ đầu tiên trong số những nền dân chủ này vẫn tồn tại (ngoại trừ một thời gian ngắn cai trị trong tình trạng khẩn trương ở Ấn Độ vào năm 1975-77 và một thời gian gián đoạn gần đây hơn ở Sri Lanka), nhưng hầu hết các hệ thống đa đảng trong Thế giới thứ ba—bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Indonesia và nhiều quốc gia khác. Các quốc gia châu Phi—cuối cùng đã nhường chỗ cho chế độ quân sự, độc đảng hoặc một người cai trị.
Làn sóng dân chủ hóa thứ ba bắt đầu vào năm 1974, khi một nhóm sĩ quan quân đội cánh tả trẻ tuổi ở Bồ Đào Nha lật đổ chế độ độc tài của nó, một trong những chế độ tồn tại lâu nhất ở châu Âu. Cuối năm đó, Hy Lạp—nơi khai sinh ra nền dân chủ—đã khôi phục chế độ dân chủ khi chế độ độc tài quân sự kéo dài 7 năm sụp đổ sau khi bị Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại ở Cyprus (Síp). Năm 1978, Tây Ban Nha trở thành nền dân chủ mới thứ ba của châu Âu, dưới thời một thủ tướng bảo thủ trẻ tuổi quyết tâm vượt qua chế độ độc tài Franco. Khát vọng tự do cũng đang khuấy động ở châu Á và châu Mỹ Latinh.
Năm 1977, một tổng thống mới của Hoa Kỳ có đức tin Cơ đốc sâu sắc, Jimmy Carter, bắt đầu thay đổi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Ông đã nâng cao nhân quyền thông qua việc tố cáo công khai những hành động tàn bạo, cắt giảm viện trợ đối với một số chế độ ức hiếp và thành lập một văn phòng nhân quyền mới tại Bộ Ngoại giao.
Áp lực của Hoa Kỳ đã cứu sống các tù nhân chính trị, mang lại hy vọng cho các nhà dân chủ và làm suy yếu tính chính danh của những người chuyên quyền.
Không phải ai cũng tán thành chủ nghĩa lý tưởng mới này; vào năm 1980, William F. Buckley Jr chê ông Carter đang trộn lẫn “việc kinh doanh với sự không hài lòng.” Nhưng áp lực của Hoa Kỳ đã cứu sống các tù nhân chính trị, mang lại hy vọng cho các phong trào dân chủ trên toàn thế giới và làm suy yếu tính chính danh của các nhà chuyên quyền quân sự. Ví dụ, vào năm 1978, ông Carter đã gửi những lời cảnh báo nghiêm khắc và các tàu chiến của Hoa Kỳ tới Cộng hòa Dominica sau khi quân đội nước này ngừng kiểm phiếu để ngăn cản thắng lợi của phe đối lập; người độc tài của đất nước này, Joaquin Balaguer, đã bị đánh bại và một nền dân chủ mới (mặc dù vẫn còn trong giai đoạn thử thách) đã xuất hiện.
Khi Ronald Reagan đánh bại Carter vào năm 1980, ít ai ngờ rằng một sự bùng nổ tự do mới đã xảy ra trên toàn thế giới. Tổng thống mới và đại sứ Liên Hợp Quốc của ông, Jeane Kirkpatrick, đã lên án ông Carter vì đã ngây thơ không để ý tới các chế độ chuyên chế cộng sản trong khi gây áp lực buộc các đồng minh độc tài của Hoa Kỳ như Iran phải tự do hóa. Reagan tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức năm 1981 của mình là “lấy trung thành đáp lại trung thành.” Điều này dường như thể hiện sự ủng hộ mới đối với những nước bạn chuyên quyền của Hoa Kỳ như Augusto Pinochet của Chile, Ferdinand Marcos của Philippines, Hàn Quốc hay bị đảo chính và Nam Phi theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhưng vào thời điểm Reagan rời nhiệm sở vào năm 1989, cả bốn chế độ đó đều biến mất hoặc tàn lụi—và chẳng bao lâu sau đó Liên Xô cũng tan rã.
Vào tháng 6 năm 1982, Reagan đã có một bài phát biểu lịch sử tại Quốc hội Anh, tại đó ông trở thành một trong những người đầu tiên công nhận rằng một “cuộc cách mạng dân chủ” đang lan rộng khắp thế giới—và nó đáng được Hoa Kỳ ủng hộ. Năm tiếp theo, với sự ủng hộ khác thường của lưỡng đảng, Quốc hội đã thành lập Quỹ Quốc gia vì Dân chủ (nơi tôi đã làm cố vấn từ lâu).
Quyết tâm cá nhân của Reagan đã sớm có thành quả rõ ràng. Thí dụ tại Philippines: năm 1986, trong bối cảnh cuộc bầu cử diễn ra ở đó, Quỹ Quốc gia vì Dân chủ mới đã hỗ trợ tài chính cho những người theo dõi cuộc bỏ phiếu, và chính quyền Reagan đã cử một phái đoàn (do cố Thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Lugar dẫn đầu) để giám sát việc bỏ phiếu. Bằng chứng cho thấy Marcos đã cố gắng gian lận trắng trợn để thắng cuộc bầu cử, Reagan đe dọa sẽ cắt viện trợ quân sự nếu Marcos dùng vũ lực và đồng ý công nhận ứng cử viên đối lập, Corazon Aquino, làm tổng thống. Một máy bay của Lực lượng Không quân Hoa Kỳ đã chở gia đình Marcos đi lưu vong ở Hawaii, với 12 túi đầy vàng, đồ trang sức, quần áo và tiền mặt trị giá 15 triệu USD.
Làn sóng dân chủ thứ ba lúc đó đang bột phát khắp châu Á. Dưới áp lực của Quốc hội Hoa Kỳ, Đài Loan đã bỏ lệnh thiết quân luật. Năm 1987, Hàn Quốc khánh thành nền dân chủ của riêng mình bằng một cuộc bầu cử tự do. Không phải mọi phong trào tự do đều thành công. Năm 1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát động một cuộc tấn công quân sự chết người nhằm vào những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Sau đó một bức điện tín của Anh vừa được giải mật ước tính số người bị giết lên tới hơn 10.000 người. Cùng với họ cũng tiêu tan hy vọng về sự thay đổi dân chủ ở Trung Quốc trong hơn một thế hệ.
Tuy nhiên, đến năm 1989, tỷ lệ các nền dân chủ trên thế giới đã tăng lên 40% trong tổng số các quốc gia. Các chế độ chuyên quyền ở Mỹ Latinh đang lùi bước, trong đó có Chile, ở những nơi có áp lực từ chính quyền Reagan giúp tạo thế cân bằng chống lại chính quyền của Pinochet. Nhà độc tài Sandinista cực tả của Nicaragua, Daniel Ortega, đã bị thua trong cuộc bầu cử sau khi áp lực kinh tế và ngoại giao của Hoa Kỳ khiến ông phải đồng ý cho quốc tế giám sát cuộc bầu cử.
Những thay đổi lịch sử quan trọng nhất xảy ra ở Châu Âu. Nhiều thập kỷ trong đó lưỡng đảng Hoa Kỳ ngăn chặn Liên Xô, từ Harry Truman đến George H.W. Bush, đã giúp tạo ra một phong trào cải cách nội bộ do Mikhail Gorbachev lãnh đạo. Khác với những người tiền nhiệm của mình ––là những người đã đè bẹp cuộc nổi dậy năm 1956 của Hungary và “Mùa xuân Praha” năm 1968 của Tiệp Khắc, Gorbachev để quá trình dân chủ hóa lan rộng khắp nơi, các quốc gia bù nhìn của Liên Xô tan rã từ Đông Đức đến Romania. Năm 1991, chính Liên Xô cũng sụp đổ.
Điều đó tạo ra làn sóng chấn động toàn cầu. Ở châu Phi, các đảng đối lập được hợp pháp hóa, các quyền tự do cá nhân được mở rộng và các cuộc bầu cử đa đảng được tổ chức. Năm 1994, chế độ quyền lực tối cao của thiểu số người da trắng ở Nam Phi đã nhường chỗ cho một nền dân chủ mạnh do Tổng thống được bầu tự do Nelson Mandela lãnh đạo. Trong những năm đầu của thế kỷ 21, ba cuộc cách mạng được gọi là cách mạng màu đã mang lại tự do cho Serbia, Georgia và Ukraine. Lần đầu tiên trong lịch sử, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có chế độ dân chủ. Mọi nơi trên trái đất, ngoại trừ Trung Đông, đều có một mức độ dân chủ đáng kể.
Không thể tránh khỏi rằng cuộc hành trình nhanh chóng của nền dân chủ trong những năm 1980 và 90 sẽ chậm lại. Đến năm 2000, hầu hết các quốc gia có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi cho nền dân chủ đã thực hiện dân chủ. Nhưng siêu cường duy nhất trên thế giới, Hoa Kỳ, đã tham gia với Châu Âu trong việc thúc đẩy dân chủ là hình thức chính phủ hợp lý duy nhất. Dường như không có lý do gì để tin rằng một đợt sóng đảo ngược thứ ba có thể xảy ra. Ngay cả trong 5 năm sau vụ khủng bố 11/9, thế giới đã có thêm 7 nền dân chủ.
Nhưng sau năm 2006, tiến bộ trong ba thập kỷ bị dừng lại – và bắt đầu đảo ngược. Các yếu tố chính của tình trạng thoái hóa đáng báo động này là sự gia tăng của các phong trào dân túy chống nhập cư, phi tự do ở châu Âu và Hoa Kỳ; sự suy giảm liên tục về chất lượng của nền dân chủ Mỹ; và sự gia tăng quyền lực toàn cầu của Nga và Trung Quốc, đang làm xói mòn các giá trị dân chủ và tự do trên toàn thế giới.
Trong những làn sóng ngược trước đó, các cuộc đảo chính quân sự là phương pháp chính khiến dân chủ suy thoái. Bây giờ thì không. Nền dân chủ bây giờ thường bị tiêu diệt bằng hàng ngàn vết chém. Tại hết nước này đến nước khác, các nhà lãnh đạo được bầu đã dần dần tấn công vào các giềng mối sâu xa của nền dân chủ—vai trò độc lập của tòa án, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông, xã hội dân sự, trường đại học và các tổ chức nhà nước nhạy cảm như cơ quan dân sự, cơ quan tình báo và cảnh sát. Cho dù tác nhân của sự hủy diệt là một người theo chủ nghĩa dân tộc thiên hữu như Vladimir Putin ở Nga hay một nhà xã hội chủ nghĩa “Bolivarian” thiên tả như Hugo Chávez ở Venezuela, thì hậu quả cũng giống nhau: các cấu trúc và chuẩn mực của dân chủ đều bị lần lượt loại bỏ, cho đến khi tất cả những gì còn lại chỉ là một lớp vỏ rỗng.
Xu hướng toàn cầu đầy những điều chua chát. Xu hướng không khoan dung tôn giáo đang gia tăng ở các nền dân chủ khổng lồ của Indonesia và Ấn Độ. Các cuộc khảo sát cho thấy hầu hết người dân châu Phi vẫn say mê muốn có một chính phủ dân chủ và có trách nhiệm, nhưng sự kết hợp giữa sự táo bạo của Trung Quốc, sự mất tập trung của người châu Âu và sự rút lui của người Mỹ đang ngày càng tạo điều kiện cho các nhà chuyên quyền châu Phi mạnh dạn làm theo ý họ. Ở Trung Đông, Tunisia—nền dân chủ Ả Rập duy nhất vẫn đứng vững sau Mùa xuân Ả Rập 2011—đang đối mặt với nền kinh tế gặp khó khăn, những kẻ chuyên quyền mạnh ở vùng Vịnh muốn nền dân chủ tàn lụi và những kẻ sống sót của chế độ độc tài cũ đang tìm về đường cũ.
Vấn đề không chỉ là các nền dân chủ đang suy giảm mà là các chế độ chuyên quyền ngày càng trở nên áp bức và hung hãn hơn. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, những người độc tài như Hun Sen ở Campuchia và Yoweri Museveni ở Uganda cảm thấy bị thôi thúc—ngay cả khi họ gian lận bầu cử và bắt giữ những người chỉ trích—phải dung thứ cho các đảng đối lập, những người muốn tranh chức tổng thống, một nền báo chí lớn tiếng chỉ trích và một xã hội dân sự cảnh giác. Nhưng khi tình hình toàn cầu thay đổi, những yếu tố kiềm chế đó đã biến mất. Cảm hứng từ sự vênh vang mới của Trung Quốc của Tập Cận Bình và nước Nga của Vladimir Putin, và được khuyến khích bởi sự im lặng từ nước Mỹ của ông Trump, những kẻ chuyên chế ngày nay đã có hành động bạo ngược công khai và không khoan nhượng với đối thủ của họ.
Những thoái hóa chậm đã ru ngủ chúng ta vào sự tự mãn. Chúng ta tự nhủ tình trạng không đến nỗi quá tệ, có lẽ chỉ lỡ bước một chút. Trong cuốn tiểu thuyết “The Sun also Rises” của Ernest Hemingway, Mike Campbell – nhân vật lãng tử, nghiện rượu được hỏi làm thế nào anh ta bị phá sản. “Hai cách,” anh ấy nói. “Dần dần rồi đột ngột.” Sự sụp đổ của dân chủ cũng thường như vậy.
Chúng ta vẫn có thể đảo ngược xu hướng tồi tệ này. Thậm chí chúng ta còn có thể giúp tạo ra sự bùng nổ tự do mới trên thế giới. Nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu không có sự lãnh đạo mạnh của Mỹ — hỗ trợ các nhà dân chủ, gây áp lực cho những người chuyên quyền và chống lại sự bành trướng ác ý của quyền lực Nga và Trung Quốc.
Trần Lương Ngọc chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, April 2022
Tác giả: Giáo sư Larry Diamond là thành viên cao cấp tại Viện Hoover và tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford. Bài tiểu luận này được viết theo cuốn sách sắp xuất bản của ông “Ill Winds: Saving Democracy from Russian Rage, Chinese Ambition, and American Complacency”, sẽ được xuất bản vào ngày 11 tháng 6 bởi Penguin Press.
Nguồn: https://www.wsj.com/articles/the-global-crisis-of-democracy-11558105463