Bài giảng tại Hilla University for Humanistic Studies
21 tháng Giêng năm 2004
Larry Diamond
Dân chủ bao gồm bốn yếu tố cơ bản:
Tôi muốn bắt đầu với một cái nhìn tổng quan về dân chủ là gì. Chúng ta có thể coi dân chủ như một hệ thống chính phủ với bốn yếu tố chính:
- Một hệ thống chính trị để lựa chọn và thay chính phủ thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng.
- Sự tham gia tích cực của nhân dân, với tư cách là công dân, vào chính trị và đời sống công dân.
- Bảo vệ quyền con người của mọi công dân.
- Nhà nước pháp quyền, trong đó các luật và thủ tục áp dụng bình đẳng cho mọi công dân.
Tôi muốn nói về từng yếu tố trong số bốn yếu tố này của dân chủ là gì. Sau đó, tôi sẽ nói về các nghĩa vụ và yêu cầu của công dân trong một nền dân chủ.
Sau đó, tôi sẽ kết thúc bằng cách nói về các nghĩa vụ mà chúng ta, cộng đồng quốc tế, phải có đối với người dân Iraq khi các bạn tìm cách xây dựng nền dân chủ thực sự đầu tiên trong thế giới Ả Rập.
I. Dân chủ là một hệ thống chính trị cạnh tranh quyền lực
Dân chủ là một phương tiện để nhân dân lựa chọn người lãnh đạo của họ và buộc người lãnh đạo của họ phải chịu trách nhiệm về các chính sách và hành vi của họ khi đương nhiệm.
Người dân quyết định ai sẽ đại diện cho họ trong quốc hội, và ai sẽ đứng đầu chính quyền ở cấp quốc gia và địa phương. Họ làm như vậy bằng cách lựa chọn giữa các đảng cạnh tranh trong các cuộc bầu cử thường xuyên, tự do và công bằng.
Chính quyền dựa trên sự đồng ý của các người được cai trị.
Trong một nền dân chủ, người dân có chủ quyền —họ là hình thức cao nhất của quyền lực chính trị. Quyền lực chuyển từ nhân dân sang những người đứng đầu chính phủ, những người chỉ nắm quyền tạm thời.
Luật pháp và chính sách đòi hỏi sự ủng hộ của đa số trong quốc hội, nhưng quyền của thiểu số được bảo vệ theo nhiều cách khác nhau.
Người dân được tự do chỉ trích các nhà lãnh đạo và đại diện được bầu của họ, cũng như quan sát cách họ tiến hành công việc hoạt động của chính phủ.
Các đại diện được bầu ở cấp quốc gia và địa phương phải lắng nghe người dân và đáp ứng nhu cầu và các đề xuất của họ.
Các cuộc bầu cử phải diễn ra đều đặn theo quy định của pháp luật. Những người nắm quyền không thể gia hạn nhiệm kỳ của mình mà không có sự đồng ý của người dân một lần nữa trong một cuộc bầu cử.
Để các cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng, các cuộc bầu cử phải được quản lý bởi một cơ quan trung lập, công bằng và chuyên nghiệp, đối xử bình đẳng với tất cả các đảng phái chính trị và các ứng cử viên.
Tất cả các đảng phái và các ứng cử viên phải có quyền tự do vận động, trình bày các đề xuất của mình trước cử tri bằng cách trực tiếp và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Các cử tri phải có thể bỏ phiếu kín, không bị đe dọa và bạo lực.
Các quan sát viên độc lập phải có thể quan sát việc bỏ phiếu và kiểm phiếu để đảm bảo rằng quá trình này không có tham nhũng, đe dọa và gian lận.
Cần có một tòa án độc lập và khách quan để giải quyết mọi tranh chấp về kết quả bầu cử. Đây là lý do tại sao phải mất rất nhiều thời gian để tổ chức một cuộc bầu cử dân chủ, tốt đẹp.
Bất kỳ quốc gia nào cũng có thể tổ chức bầu cử, nhưng để một cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng đòi hỏi rất nhiều công tác tổ chức, chuẩn bị và đào tạo của các đảng chính trị, viên chức bầu cử và các tổ chức xã hội dân sự, những người giám sát quá trình này.
II. Tham gia: Vai trò của công dân trong nền dân chủ
Vai trò chủ chốt của công dân trong một nền dân chủ là tham gia vào đời sống công cộng.
Công dân có nghĩa vụ phải am hiểu các vấn đề công cộng, theo dõi cẩn thận cách các nhà lãnh đạo và đại diện chính trị của họ sử dụng quyền hạn của họ, cũng như bày tỏ ý kiến và lợi ích của riêng họ.
Bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử là một nghĩa vụ công dân quan trọng khác của mọi công dân.
Nhưng để bỏ phiếu một cách sáng suốt, mỗi công dân nên lắng nghe quan điểm của các đảng phái và ứng cử viên khác nhau, sau đó tự quyết định ủng hộ ai.
Việc tham gia cũng có thể liên quan đến vận động cho một đảng phái chính trị hoặc ứng cử viên, ứng cử vào chức vụ chính trị, tranh luận các vấn đề công cộng, tham dự các cuộc họp cộng đồng, kiến nghị chính phủ, và thậm chí phản đối.
Một hình thức tham gia quan trọng là làm thành viên tích cực trong các tổ chức phi chính phủ, độc lập, cái mà chúng ta gọi là “xã hội dân sự”.
Các tổ chức này đại diện cho nhiều lợi ích và tín ngưỡng: nông dân, công nhân, bác sĩ, giáo viên, chủ doanh nghiệp, tín đồ tôn giáo, phụ nữ, sinh viên, các nhà hoạt động nhân quyền.
Điều quan trọng là phụ nữ phải tham gia đầy đủ cả vào chính trị và xã hội dân sự
Điều này đòi hỏi các nỗ lực của các tổ chức xã hội dân sự để giáo dục phụ nữ về quyền và trách nhiệm dân chủ của họ, cải thiện các kỹ năng chính trị của họ, đại diện cho lợi ích chung của họ và giúp họ tham gia vào sinh hoạt chính trị.
Trong một nền dân chủ, việc tham gia vào các nhóm dân sự nên tự nguyện. Không ai bị buộc phải tham gia một tổ chức mà họ không muốn.
Các đảng chính trị là các tổ chức quan trọng trong một nền dân chủ, và dân chủ mạnh hơn khi công dân trở thành thành viên tích cực của các đảng chính trị.
Tuy nhiên, không ai nên ủng hộ một đảng chính trị vì bị áp lực hoặc đe dọa bởi người khác. Trong một nền dân chủ, công dân có thể tự do lựa chọn bên nào để ủng hộ.
Dân chủ phụ thuộc vào sự tham gia của công dân theo tất cả các cách này. Nhưng sự tham gia phải hòa bình, tôn trọng luật pháp và khoan dung với các quan điểm khác nhau của các nhóm và cá nhân khác.
III. Quyền của công dân trong một nền dân chủ
Trong một nền dân chủ, mọi công dân đều có một số quyền cơ bản nhất định mà nhà nước không thể lấy đi của họ.
Những quyền này được đảm bảo theo luật quốc tế.
Bạn có quyền có niềm tin của riêng bạn, và nói và viết những gì bạn nghĩ.
Không ai có thể bảo bạn phải nghĩ gì, tin và nói hay không nói.
Có tự do tôn giáo. Mọi người đều tự do chọn tôn giáo của riêng họ và thờ phượng và thực hành tôn giáo của họ mà họ thấy phù hợp.
Mỗi cá nhân có quyền được hưởng văn hóa của riêng họ, cùng với các thành viên khác trong nhóm của họ, ngay cả khi nhóm của họ là thiểu số.
Có tự do và đa nguyên trong các phương tiện truyền thông đại chúng.
Bạn có thể chọn giữa các nguồn tin tức và ý kiến khác nhau để đọc trên các tờ báo, để nghe trên đài phát thanh và để xem trên truyền hình.
Bạn có quyền liên kết với người khác, và thành lập và tham gia các tổ chức mà bạn lựa chọn, bao gồm cả các công đoàn.
Bạn có thể tự do di chuyển trong đất nước, và nếu bạn muốn, rời khỏi đất nước.
Bạn có quyền tập hợp tự do và phản đối các hành động của chính phủ.
Tuy nhiên, mọi người đều có nghĩa vụ thực hiện các quyền này một cách hòa bình, liên quan đến luật pháp và quyền của người khác.
IV. Nhà nước pháp quyền (Rule of Law)
Dân chủ là một hệ thống cai trị bởi luật pháp, không phải bởi các cá nhân.
Trong một nền dân chủ, nhà nước pháp quyền bảo vệ quyền của công dân, duy trì trật tự và hạn chế quyền lực của chính phủ.
Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai có thể bị phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, tôn giáo, dân tộc hoặc giới tính của họ.
Không ai có thể bị bắt, bị bỏ tù, hoặc bị đi đày một cách võ đoán.
Nếu bạn bị giam giữ, bạn có quyền biết các cáo buộc chống lại bạn và được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo luật pháp.
Bất kỳ ai bị buộc tội đều có quyền được xét xử công bằng, nhanh chóng và công khai bởi một tòa án khách quan. Không ai có thể bị đánh thuế hoặc truy tố ngoại trừ đã có luật được lập trước.
Không ai đứng trên luật pháp, ngay cả vua hay tổng thống được bầu ra.
Luật pháp được thực thi một cách công bằng, khách quan và nhất quán, bởi các tòa án độc lập với các cơ quan khác của chính phủ.
Nghiêm cấm tra tấn và đối xử tàn bạo và vô nhân đạo.
Nhà nước pháp quyền đặt giới hạn cho quyền lực của chính phủ. Không viên chức chính phủ nào có thể vi phạm những giới hạn này. Không một người cai trị, một bộ trưởng hoặc đảng phái chính trị nào có thể cho thẩm phán biết cách quyết định một vụ án.
Những người giữ chức vụ không thể sử dụng quyền lực của mình để làm giàu cho bản thân. Các tòa án và ủy ban độc lập trừng phạt tham nhũng, bất kể ai có tội.
V. Các giới hạn và yêu cầu đối với dân chủ
Muốn dân chủ phát huy tác dụng thì công dân không chỉ phải tham gia và thực hiện các quyền của mình. Họ cũng phải tuân thủ các nguyên tắc và quy tắc ứng xử dân chủ nhất định.
Mọi người phải tôn trọng luật pháp và bác bỏ bạo lực. Không có gì biện minh cho việc sử dụng bạo lực đối với các đối thủ chính trị của bạn, chỉ vì bạn không đồng ý với họ.
Mọi công dân phải tôn trọng quyền của đồng bào mình và nhân phẩm của họ.
Không ai được tố cáo một đối thủ chính trị là xấu xa và bất hợp pháp, chỉ vì họ có quan điểm khác. Mọi người nên đặt câu hỏi về các quyết định của chính phủ, nhưng không được bác bỏ thẩm quyền của chính phủ.
Mọi nhóm đều có quyền thực hành văn hóa của mình và có một số quyền làm chủ các công việc của riêng mình, nhưng mỗi nhóm nên chấp nhận rằng mình là một bộ phận của nhà nước dân chủ.
Khi bày tỏ ý kiến, bạn cũng nên lắng nghe quan điểm của người khác, thậm chí cả những người mà bạn không đồng ý. Mọi người đều có quyền được lắng nghe.
Đừng tự cho quan điểm của bạn đúng đến mức bạn từ chối nhìn nhận bất kỳ giá trị nào ở một quan diểm khác. Nên cân nhắc những sở thích và quan điểm khác nhau.
Khi đưa ra yêu cầu, bạn nên hiểu rằng trong một chế độ dân chủ, không thể nào tất cả mọi người đều đạt được mọi thứ họ muốn.
Dân chủ đòi hỏi sự thỏa hiệp. Các nhóm có lợi ích và ý kiến khác nhau phải sẵn sàng ngồi lại với nhau và thương lượng.
Trong một nền dân chủ, một nhóm không phải lúc nào cũng giành được mọi thứ mà họ muốn. Sự kết hợp khác nhau của các nhóm giành thắng lợi trong các vấn đề khác nhau. Theo thời gian, mọi người đều giành được một diều gì cho họ.
Nếu một nhóm luôn bị loại trừ và không được lắng nghe, nhóm đó có thể tức giận, thất vọng rồi phản đối dân chủ .
Tất cả những ai sẵn sàng tham gia một cách hòa bình và tôn trọng quyền của người khác nên có tiếng nói nhất định trong cách quản lý đất nước.
VI. Cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ gì đối với nền dân chủ Iraq
Tôi muốn kết thúc bằng một vài lời về những gì chúng ta—Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác trên thế giới—có nghĩa vụ gì đối với người dân Iraq, khi chúng ta tìm cách xây dựng nền dân chủ Ả Rập thực sự đầu tiên.
Tôi biết một số bạn lo sợ rằng chúng tôi sẽ bỏ rơi Iraq, và nỗ lực của các bạn để xây dựng nền dân chủ, khi người Iraq giành lại chủ quyền của họ vào ngày 01 tháng Bảy.
Tôi muốn nói với các bạn trong niềm tin tưởng sâu sắc nhất của tôi là điều này sẽ không xảy ra.
Tất cả chúng ta đã cùng nhau hy sinh để mang đến cho người dân Iraq cơ hội được sống trong tự do.
Vì chính nghĩa này, máu của nhiều quốc gia đã đổ trên đất này.
Người ở Hoa Kỳ vẫn còn chia rẽ về việc chúng ta có nên tham chiến ở Iraq hay không.
Nhưng tuyệt đại đa số người Mỹ ủng hộ những gì chúng ta đang cố gắng làm ở đây để hỗ trợ sự xuất hiện của một Iraq mới.
Chúng tôi ở Hoa Kỳ và trong cộng đồng quốc tế sẽ bỏ ra nhiều tiền và nỗ lực hơn để giúp bạn xây dựng một nền dân chủ và xây dựng lại nền kinh tế của bạn so với những gì chúng tôi đã chi tiêu để giúp đỡ bất kỳ quốc gia nào khác trong năm mươi năm qua.
Trong những tháng và năm tới, sự hỗ trợ này sẽ giúp bạn phát triển các đảng phái chính trị và tổ chức dân sự, cơ quan lập pháp và chính quyền địa phương, bầu cử và tòa án của bạn.
Sự hỗ trợ này sẽ xây dựng lại trường học của bạn và các phương tiện thông tin đại chúng, lưới điện và đường xá của bạn, và tất cả những nền tảng khác về kinh tế và cơ sở hạ tầng của bạn.
Hầu hết người Mỹ ủng hộ công việc này—dù họ là đảng viên Cộng hòa hay đảng Dân chủ, dù họ sẽ bỏ phiếu để bầu lại George Bush làm tổng thống trong năm nay hay bỏ phiếu cho đối thủ của ông.
Xây dựng một nền dân chủ từ đống đổ nát của một chế độ độc tài tàn bạo đòi hỏi sự dũng cảm, nỗ lực và kiên nhẫn của những người dân thường. Phải mất một thời gian dài.
Chúng tôi hiểu công cuộc này khó khăn như thế nào. Chúng tôi biết điều đó quan trọng như thế nào—không chỉ đối với tương lai của Iraq, mà còn đối với toàn thế giới Ả Rập.
Chúng tôi không muốn ra lệnh ai sẽ cai trị bạn. Đó là quyền quyết định của người Iraq.
Mong muốn của chúng tôi là thấy rằng người dân Iraq được tự do lựa chọn các nhà lãnh đạo và nói lên suy nghĩ của họ, trong khi sống hòa bình với chính họ và các nước láng giềng.
Nếu bạn chọn con đường dân chủ, tự do và hòa bình này, các dân tộc dân chủ trên thế giới—không chỉ Hoa Kỳ, mà cả Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Canada, v.v.—tất cả sẽ ở bên bạn.
Chúng tôi sẽ là đối tác của bạn trong nhiều năm tới.
Trần Lương Ngọc chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, May 2022
Nguồn: https://diamond-democracy.stanford.edu/speaking/lectures/what-democracy