fbpx

Tiểu Luận Dân Chủ

Dân chủ như một Giá trị Toàn cầu

Amartya Sen

Amartya Sen, đoạt giải Nobel Kinh tế năm 1998, là giáo sư Kinh tế học tại đại học Trinity, Cambridge, và đại học Harvard. Bài tham luận dưới đây là diễn văn chính trong buổi hội thảo tại New Delhi về “Xây dựng Phong trào Dân chủ Toàn Thế giới” do Quỹ Yểm trợ Dân chủ Quốc gia, Liên minh Kỹ nghệ Ấn độ, và Trung tâm Nghiên cứu Chính sách (New Delhi) đồng tổ chức. Tham luận này dựa trên cuốn sách của tác già mang tựa đề “Phát triển chính là Tự do,” do nhà Alfred Knopf ấn hành.


Vào mùa hè năm 1997, một nhà báo hàng đầu của Nhật Bản có hỏi ý kiến của tôi xem điều gì đáng được coi là quan trọng bậc nhất đã xảy ra trong thế kỷ 20. Tôi cảm thấy đây quả là một câu hỏi bất thường khiến cho ta phải suy nghĩ, vì trong thế kỷ qua có biết bao điều trọng đại đã xảy ra. Các đế quốc ở Âu châu, nhất là đế quốc Anh và Pháp từng một thời thống trị thế kỷ mười chín, nay đã chấm dứt. Chúng ta cũng đã chứng kiến hai cuộc đại chiến. Ta đã chứng kiến sự nổi dậy và suy tàn của chủ nghĩa Phát-xít và Quốc xã. Thế kỷ này cũng chứng kiến sự nổi dậy của chủ nghĩa Cộng sản và sự suy tàn của nó (như ở tại khối Xô-viết) hay sự biến chất từ căn bản của chủ nghĩa này (như ở Trung Hoa). Ta cũng thấy một sự thay đổi cán cân kinh tế với một đầu nặng ở Tây phương sang một sự cân bằng kinh tế với sức nặng tương đương ở Nhật Bản và các nước thuộc Đông Á và Đông Nam Á. Mặc dù vùng này cũng đang trải qua những vấn nạn kinh tế và tài chính, nhưng những vấn nạn này cũng không làm mất được thế cân bằng kinh tế thế giới đã xảy ra trong nhiều thập niên vừa qua (trong trường hợp Nhật Bản, hầu như gần một thế kỷ). Một trăm năm qua, quả thật, không thiếu gì những biến cố quan trọng.

Tuy nhiên, trong số những sự phát triển lớn lao và khác nhau xảy ra trong thế kỷ 20, sau rốt, tôi chẳng thấy khó khăn gì khi chọn một sự phát triển ưu việt nhất trong thời đại này: đó là sự phát triển của chế độ dân chủ. Nói thế không có nghĩa là các sự kiện khác trong cùng thời không phải là không quan trọng, nhưng tôi sẽ lập luận rằng trong một tương lai không xa, khi người ta nhìn lại những gì đã xảy ra trong thế kỷ này, họ sẽ phải nhìn nhận sự phát triển của chế độ dân chủ-một chế độ chính trị được công nhận là ưu việt-xứng đáng được xem là quan trọng nhất.

Ý tưởng về dân chủ phát xuất, dĩ nhiên, từ cổ Hy lạp, hơn hai ngàn năm trước. Những nỗ lực rời rạc nhằm dân chủ hóa cũng được thử nghiệm tại nhiều nơi khác, gồm cả ở Ấn độ.[1] Nhưng thực ra chính là ở Hy lạp mà tư tưởng dân chủ mới được hình thành và nghiêm túc đưa vào thực hành (dù chỉ trong một quy mô giới hạn), trước khi nền dân chủ bị sụp đổ và thay thế bằng các chế độ chính trị bất cân xứng và độc đoán hơn. Ngoài ra, không còn mô hình chính trị nào khác.

Sau đó, chế độ dân chủ, như ta biết, đã phải mất một thời gian lâu dài mới trỗi dậy. Sự xuất hiện tiệm tiến và đắc thắng tối hậu của hệ thống chính quyền dân chủ được củng cố qua nhiều thời đại, từ khi Đại Hiến chương được ký kết năm 1215, tới cuộc cách mạng Mỹ và Pháp trong thế kỷ mười tám, đến việc mở rộng quyền bầu cử tại Âu châu và Mỹ châu trong thế kỷ mười chín. Tuy nhiên, mãi đến thế kỷ hai mươi, tư tưởng dân chủ mới trở thành một mô hình “bình thường” mà bất cứ nơi nào cũng được hưởng-dù ở Âu châu, Mỹ châu, Á châu, hay Phi châu.

Cái ý tưởng dân chủ, như là một sự cam kết thực hiện toàn cầu, quả là một ý tưởng khá mới, và là một sản phẩm tinh túy của thế kỷ hai mươi. Những viên loạn tướng và lãnh chúa dùng vũ lực để hạn chế quyền lực của Anh hoàng qua bản Đại Hiến chương chỉ thấy nhu cầu này có tính chất cá biệt tại nước Anh. Ngược lại, những người Mỹ chiến đấu cho độc lập và các nhà cách mạng tại Pháp là những người đã góp phần lớn lao vào sự hiểu biết về nhu cầu thiết lập chế độ dân chủ như một hệ thống tổng quát. Thế nhưng, trọng tâm của những đòi hỏi thiết thực của họ cũng vẫn mang tính địa phương, bị giới hạn bởi hai bờ của Đại Tây dương và được thiết lập trên nền tảng đặc thù về kinh tế, xã hội và lịch sử chính trị của vùng đất này.

Trong suốt thế kỷ mười chín, các lý thuyết gia về dân chủ cảm thấy tự nhiên khi đặt vấn đề liệu nước này hay nước kia có “trưởng thành để có chế độ dân chủ” hay không? Suy nghĩ này chỉ mới thay đổi trong thế kỷ hai mươi, khi các nhà học giả nhận ra rằng họ đã đặt sai vấn đề: Thay vì xét xem một nước có thích hợp với chế độ dân chủ hay không, ta cần xét xem nước đó khi áp dụng dân chủ có trở nên “trưởng thành” hay không.  Điều này quả thực là một sự thay đổi tư duy lớn lao, mở rộng khả năng tiếp cận của dân chủ tới hàng tỉ người trong những nền văn hóa, lịch sử và mức độ giàu nghèo chênh lệch khác nhau.

Cũng chỉ trong thế kỷ này, rốt cuộc rồi thì người ta mới chấp nhận “quyền bầu cử của mọi người trưởng thành” có nghĩa là của tất cảmọi người, không phân biệt nam nữ. Vào tháng Giêng năm nay, tôi có dịp gặp bà Ruth Dreyfus, tổng thống nước Thụy sĩ, và là một phụ nữ nổi tiếng trên thế giới; dịp này khiến cho tôi nhớ lại rằng phụ nữ Thụy sĩ mới chỉ được quyền bầu cử khoảng một phần tư thế kỷ trước đây.[2]

Tôi công nhận là có nhiều ý kiến chống lại sự khẳng định tính toàn cầu của dân chủ. Những sự chống đối này có nhiều thể loại và đến từ nhiều hướng khác nhau. Thật ra, phần trình bày những luận điệu chống đối này là một phần của tiểu luận này, qua đó tôi phải xem xét giá trị toàn cầu của dân chủ và những tranh biện chung quanh lập luận này. Trước khi bắt đầu cuộc thảo luận, tuy nhiên, ta cần phải hiểu rõ xu thế [thời đại] đã đưa dân chủ trở thành một niềm tin đang chiếm ưu thế trong thế giới hiện đại.

Trong bất kỳ thời đại và hoàn cảnh xã hội nào, bao giờ cũng có những niềm tin phổ quát được mọi người tôn trọng như một quy luật chung, tương tự như sự bố trí “mặc định” trong một lập trình điện toán. Những niềm tin này được xem là đúng cho đến khi sự khẳng định này bị chứng minh ngược lại. Mặc dù dân chủ vẫn chưa được áp dụng toàn cầu, cũng như chưa được chấp nhận đồng loạt, trong bối cảnh chung của thế giới, chính quyền theo dân chủ đã đạt được vị thế “mặc định.” Trái banh hiện đang nằm trên sân của những kẻ muốn bôi bác dân chủ đưa ra những lập luận chống lại sự mặc định này.

Sự thay đổi có tính chất lịch sử này xảy ra cách nay chưa lâu, khi những người cổ võ cho dân chủ ở Á và Phi châu còn là một thiểu số bị dồn vào chân tường. Dù hiện nay ta đã có đủ lý lẽ để phản bác những kẻ, dù ngấm ngầm hay công khai, đã từ khước nhu cầu dân chủ, ta cũng phải ghi nhận một cách rõ ràng xem cái dư luận chung đã chuyển hướng như thế nào so với thế kỷ trước. Ta không cần cứ mỗi lần lại phải chứng minh xem nước này hay nước kia (Nam Phi, Cambodia, hay Chile) có “thích hợp” cho dân chủ hay không nữa (câu hỏi này đã từng là câu hỏi then chốt trong các cuộc thảo luận về dân chủ trong thế kỷ 19). Sự công nhận dân chủ như một hệ thống thích hợp trên toàn cầu, nằm trong chiều hướng đưa đến sự công nhận giá trị toàn cầu của hệ thống dân chủ, chính là một tư duy cách mạng trọng yếu, và là một trong những đóng góp chính trong thế kỷ 20. Chúng ta sẽ xem xét vấn đề dân chủ là một giá trị toàn cầu trong bối cảnh này.

Kinh nghiệm của Ấn Độ

Dân chủ đã hoạt động tốt như thế nào? Trong khi chẳng có ai đặt vấn đề về vai trò của dân chủ tại các nước như Mỹ, Anh hay Pháp, đây vẫn là một vấn đề gây tranh cãi tại những nước nghèo hơn trên thế giới. Đây không phải là lúc đưa ra một sự khảo sát chi tiết các dữ kiện lịch sử, nhưng tôi cũng có thể trả lời rằng chế độ dân chủ đã hoạt động khá tốt.

Ấn độ, dĩ nhiên, đã từng là diễn đàn của cuộc tranh luận này. Khi không trả lại độc lập cho Ấn độ, người Anh đã bày tỏ sự quan ngại về khả năng tự cai trị của người Ấn. Nước Ấn thực sự đã bị rối loạn chính trị trong năm 1947, năm được trao trả độc lập. Ấn độ lúc đó có một chính phủ chưa có kinh nghiệm, người dân Ấn còn chưa nguôi ngoai về việc đất nước bị chia hai, sự liên kết giữa các đảng phái còn chưa rõ ràng, cộng thêm với các cuộc bạo động tràn lan trong các cộng đồng sắc tộc và bất ổn xã hội. Cho nên, lúc đó thật khó mà có được niềm tin vào tương lai của một nước Ấn độ thống nhất và dân chủ.

Thế nhưng, nửa thế kỷ sau, ta thấy nền dân chủ đó, dù có nhiều trầy trật, đã hoạt động tốt một cách đáng nể. Những khác biệt chính trị phần lớn được giải quyết trong khuôn khổ của hiến pháp, các chính phủ lên rồi xuống theo quy luật của bầu cử và nghị viện. Dù sự kết hợp những khác biệt chính trị tại Ấn độ có lúc vụng về, thiếu trang nhã, và có lúc tưởng như bất khả, nhưng Ấn độ đã tồn tại và hoạt động như một đơn vị chính trị trong hệ thống dân chủ. Nói cho đúng, Ấn độ không bị phân hóa là nhờ có bộ máy dân chủ hoạt động hữu hiệu.

Ấn độ cũng đã vượt qua được những thử thách khổng lồ khi phải giải quyết những dị biệt giữa các ngôn ngữ chính và các sắc độ tôn giáo khác nhau.[3] Sự khác biệt giữa tôn giáo và cộng đồng khiến cho xã hội rất dễ bị các chính trị gia giáo phái lợi dụng, và họ đã lợi dụng sự phân hóa này trong nhiều trường hợp, gồm nhiều vụ mới xảy ra gần đây, và khiến cho cả nước phải cảnh báo. Tuy nhiên, chính sự cảnh báo trước những sự bạo động mang tính chất tôn giáo và sự lên án các hành vi đó từ mọi thành phần trong cả nước đã là một sự bảo đảm chính yếu của dân chủ chống lại các sự lợi dụng và tranh chấp hẹp hòi giữa những bè phái và phe nhóm tôn giáo. Điều này quả là hệ trọng cho sự tồn tại và thịnh vượng của Ấn độ, vì đây là một nước có nhiều sự khác biệt sâu sắc, không những là quê hương của đa số người Hindu mà còn là quê hương của một phần ba dân theo Hồi giáo, của hàng triệu người theo Phật giáo và Thiên Chúa giáo, và của những giáo phái khác như Sikhs, Parsees và Jains.

Dân chủ và Phát triển Kinh tế

Ta vẫn thường nghe lời tuyên bố là các hệ thống chính trị phi-dân chủ khá hơn các hệ thống khác trong việc đem lại phát triển kinh tế. Sự tin tưởng này thường được gọi là “Giả thuyết họ Lý,” vì được Lý Quang Diệu, nhà lãnh đạo và cựu thủ tướng của Singapore xiển dương. Lý Quang Diệu đã hoàn toàn đúng khi dẫn chứng một vài nước có kỷ luật (như Nam Hàn, nước Singapore của ông ta, và nước Tàu hậu cải cách) đã có mức độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn các nước kém độc tài (gồm cả Ấn độ, Jamica, và Costa Rica). Giả thuyết họ Lý, tuy nhiên, giả thuyết này chỉ được đặt căn bản trên một vài sự quan sát rời rạc, rút ra từ những thông tin được tuyển lựa và hạn chế, thay vì dựa trên bất kỳ một cuộc khảo sát dùng thống kê phân tích các dữ kiện về nhiều phương diện và hiện đang có sẵn. Ta không thể rút ra được một quan hệ tổng quát như Giả thuyết họ Lý đề ra dựa trên căn bản của những chứng cớ được lựa lọc ra để chứng minh. Tỷ dụ, ta không thể lấy sự tăng trưởng kinh tế cao của Singapore hay của Tàu làm “bằng chứng dứt khoát” cho rằng chế độ độc tài phát triển kinh tế giỏi hơn các chế độ khác, cũng như không thể rút ra một kết luận ngược lại từ sự kiện là Botswana, một nước có thành tích cao nhất về phát triển kinh tế tại Phi châu, thực ra phải nói đó là một nước có thành tích tốt nhất về phát triển kinh tế trên toàn thế giới, đã là một ốc đảo của dân chủ trên lục địa châu Phi cả hàng mấy thập niên. Ta cần có nhiều nghiên cứu thực nghiệm có hệ thống hơn nữa để phân loại các kiểu lý luận ủng hộ hay chống đối Giả thuyết họ Lý.

Thực ra, chẳng có một chứng cớ tổng quát và đáng tin nào chứng tỏ được rằng sự cai trị độc tài và đàn áp các quyền chính trị và dân sự của người dân lại có lợi cho sự phát triển kinh tế. Nói cho đúng hơn, nếu dựa trên sự nghiên cứu thống kê tổng quát, thì không thể suy luận như vậy được. Những nghiên cứu thực nghiệm có hệ thống (như của Robert Barro hay của Adam Przeworski) không đưa ra được chứng cớ nào cho giả thuyết là có sự mâu thuẫn giữa quyền chính trị và hoạt động kinh tế.[4] Mối quan hệ trực tiếp dường như còn tùy vào nhiều hoàn cảnh khác nữa, và nếu có một vài sự khảo sát bằng thống kê nào cho thấy mối tương quan ngược chiều và yếu giữa dân chủ và kinh tế, thì cũng có những khảo sát khác cho thấy có mối tương quan thuận và mạnh mẽ [giữa hai biến số này]. Nếu tất cả những khảo sát mang tính chất so sánh được xem xét cùng lúc, thì giả thuyết cho rằng không có một mối liên hệ rõ rệt nào giữa phát triển kinh tế và dân chủ theo cả hai chiều thuận và nghịch, có lẽ hợp lý hơn cả. Vì dân chủ và tự do chính trị đều là các điều quan trọng, cho nên không phải vì có liên hệ hay không tới phát triển kinh tế mà sự quan trọng bị ảnh hưởng bởi lập luận kể trên.[5] Câu hỏi mà chúng ta đang xem xét cũng liên quan đến một vấn đề cơ bản về phương pháp nghiên cứu kinh tế. Ta phải, không những quan sát những mối liên hệ theo xác suất và thống kê, mà còn phải xem xét tỉ mỉ tiến trình nhân-quả nằm trong sự tăng trưởng kinh tế và phát triển. Giờ đây ta đã hiểu khá rõ những chính sách kinh tế và hoàn cảnh đưa tới sự thành công về phương diện kinh tế tại những nước Đông Á. Dù những nghiên cứu thực nghiệm có khác nhau về trọng tâm, nhưng hiện nay đã có được một sự đồng thuận rộng rãi về một danh mục gồm một số các “chính sách có lợi” cho sự phát triển kinh tế, gồm có các điểm sau: cởi mở cho sự cạnh tranh, sử dụng thị trường quốc tế, các chính sách khuyến khích xuất, nhập cảng, nâng cao giáo dục, cải cách ruộng đất, và các cơ hội khác mở rộng sự tham gia của người dân vào tiến trình phát triển kinh tế. Không có lý do gì để cho rằng những chính sách như vậy lại mâu thuẫn với các chính sách [của chế độ] dân chủ và phải dùng tới sức mạnh của độc tài như đã từng xảy ra ở Nam Hàn, Singapore, hay Trung Hoa. Thực ra, có vô vàn chứng cớ chứng minh rằng điều kiện tạo ra sự tăng trưởng kinh tế nhanh là một không khí kinh tế thân thiện hơn chứ không phải một chế độ chính trị hà khắc hơn.

Để khảo sát trọn vẹn, ta phải vượt ra ngoài khuôn khổ chật hẹp của sự tăng trưởng kinh tế và nghiên cứu tỉ mỉ những đòi hỏi lớn hơn của sự phát triển kinh tế, gồm cả nhu cầu an ninh kinh tế và xã hội. Trong phạm vi đó, ta phải một mặt xem xét mối quan hệ giữa quyền chính trị và dân quyền, và mặt khác xem xét các chính sách ngăn ngừa không cho những đại họa kinh tế xảy ra. Quyền chính trị và quyền dân sự cho người dân cơ hội để lên tiếng mạnh mẽ về những nhu cầu chung và đòi hỏi các biện pháp thích đáng của chính quyền. Phản ứng của chính quyền [có nhanh nhạy] trước những đau khổ lớn lao của người dân thường tùy vào áp lực người dân tạo ra có đủ mạnh hay không. Việc thực thi các quyền chính trị của người dân (bầu cử, phê bình, biểu tình, vân vân) có thể tạo nên những phần thưởng hay trừng phạt chính trị thật sự cho những viên chức đang vận hành bộ máy chính quyền.

Tôi cũng đã có lần trình bày một sự kiện đặc biệt, đó là trong lịch sử của những nạn đói khủng khiếp trên thế giới, chưa có một nạn đói đáng kể nào xảy ra trong một nước độc lập, dân chủ, và có một hệ thống báo chí tương đối tự do.[6] Đây là một quy luật không có ngoại lệ, dù ta có tìm bất cứ chỗ nào trên thế giới: các nạn đói xảy ra gần đây tại Ethiopia, Somalia, hay tại các chế độ độc tài khác; những nạn đói xảy ra tại Liên Xô trong thập niên 1930; tại Trung Hoa năm 1958-1961 xảy ra sau Kế hoạch Đại Nhảy Vọt; hoặc xa hơn nữa là các nạn đói xảy ra ở Ái nhĩ lan hoặc Ấn độ dưới chế độ thực dân. Trung Hoa, dù trên nhiều phương diện, phát triển kinh tế khá hơn Ấn độ, nhưng (khác với Ấn độ) là vẫn có nạn đói, mà phải nói đó là nạn đói lớn nhất được ghi lại trong lịch sử thế giới: gần 30 triệu người chết trong nạn đói 1958-61, nhưng các chính sách sai lầm của chính quyền vẫn không được sửa đổi trong suốt thời gian 3 năm đó. Những chính sách sai lầm đó không bị chỉ trích gì cả bởi vì không có một đảng đối lập nào trong quốc hội, không có tự do báo chí, và các cuộc bầu cử đa đảng. Chính ra, chỉ vì không có sự phê bình và thách thức này mà chính quyền mới có thể tiếp tục thi hành những chính sách cực kỳ sai lầm đã đưa đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm. Đó cũng là tình trạng tương tự đang xảy ra tại Bắc Hàn và Sudan nơi diễn ra hai nạn đói trong lịch sử đương đại của thế giới.

Người ta thường liên kết nạn đói với những thiên tai, và các nhà bình luận cũng thường chấp nhận sự đơn giản hóa này để giải thích nguyên do của những nạn đói: những vụ lụt lội xảy ra tại Trung Hoa trong kế hoạch Đại Nhảy Vọt, hạn hán ở Ethiopia, hay thất mùa tại Bắc Hàn. Tuy nhiên, có rất nhiều quốc gia bị những thiên tai tương tự, hay trầm trọng hơn nữa, mà vẫn không bị đói, chỉ vì có sự đáp ứng kịp thời của chính quyền làm giảm đi nguy cơ gây ra nạn đói. Bởi vì nạn nhân chính của nạn đói là những người nghèo khổ, cho nên, chính quyền có thể ngăn ngừa nạn chết đói bằng chính sách tài trợ thu nhập (qua chương trình thuê mướn nhân công, chẳng hạn), để giúp họ có tiền mua thực phẩm. Ngay cả những nước dân chủ nghèo đói nhất và đã từng phải trải qua những trận hạn hán hay lụt lội khủng khiếp, hay những thiên tai khác (như Ấn độ năm 1973, Zimbabwe và Botswana đầu thập niên 1980) nhưng vẫn có khả năng nuôi sống dân của họ mà không phải kinh qua nạn đói.

Nạn đói rất dễ dàng ngăn ngừa, nếu ta có một nỗ lực nghiêm túc để thực hiện, và một chính quyền dân chủ-khi phải đứng trước những cuộc bầu cử và chỉ trích từ các đảng đối lập và báo chí độc lập- không thể không thực hiện nỗ lực nghiêm túc đó. Ta cũng chẳng ngạc nhiên gì khi thấy Ấn độ tiếp tục có những nạn đói xảy ra trong suốt thời bị người Anh cai trị cho đến khi giành lại được độc lập (nạn đói cuối cùng, mà tôi được chứng kiến khi còn là một đứa trẻ, xảy ra vào năm 1943, bốn năm trước khi Ấn độ được độc lập), những nạn đói này bỗng dưng biến mất khi một nền chính trị đa đảng và báo chí tự do được thiết lập.

Tôi đã trình bày vấn đề này trong các tác phẩm khác, nhất là trong cuốn sách viết chung với Jean Dr’eze, nên tôi sẽ không bàn thêm ở đây.[7] Thực ra, vấn đề nạn đói chỉ là một thí dụ cho thấy phạm vi hoạt động của dân chủ [liên quan đến dân sinh], và là trường hợp dễ phân tích nhất. Vai trò của các quyền chính trị và dân quyền còn có những ảnh hưởng tích cực trong việc ngăn ngừa những tai họa kinh tế và xã hội, nói chung, chứ không chỉ trong vấn đề nạn đói. Khi mọi sự diễn tiến tốt đẹp, thì ta thường không để ý tới vai trò then chốt này của dân chủ. Chỉ khi nào sự việc bị trục trặc, vì lý do này hay lý do khác, thì phần thưởng chính trị[8] do hệ thống dân chủ mang lại mới có giá trị thực tế.

Ở đây, tôi tin là có một bài học quan trọng. Có nhiều chuyên viên kinh tế đề nghị việc sử dụng những phần thưởng kinh tế (do hệ thống thị trường cung cấp) mà quên đi những phần thưởng chính trị (được bảo đảm bởi hệ thống dân chủ). Trong số những vấn đề xảy ra gần đây tại Đông và Đông Nam Á là những hình phạt dành cho sự cai trị phi-dân chủ về hai phương diện nổi bật. Thứ nhất là sự lan tràn của cuộc khủng hoảng tài chánh tại một số nước (gồm có Nam Hàn, Thái Lan, và Nam Dương) có liên hệ mật thiết với sự thiếu minh bạch trong kinh doanh, đặc biệt là thiếu sự tham gia của công chúng trong tiến trình duyệt xét sự kết hợp những định chế tài chánh. Sự vắng mặt của một diễn đàn dân chủ hữu hiệu là trọng tâm của sự thất bại này. Thứ hai, một khi cuộc khủng hoảng tài chánh dẫn đến tình trạng suy trầm kinh tế chung, sức bảo vệ của dân chủ–giống như sức mạnh ngăn chặn nạn đói tại các nước dân chủ–hầu như không hiện hữu tại một nước. Như tại  Nam Dương, những nạn nhân mới bị mất hết tài sản không có được cơ hội để trình bày trường hợp của họ trước công luận.

Một sự sụt giảm tổng sản lượng quốc gia, thí dụ là 10 phần trăm, có thể sẽ không bị coi  là nghiêm trọng cho lắm, nếu sau đó nền kinh tế lại gia tăng với mức độ 5 hoặc 10 phần trăm mỗi năm trong vòng một thập niên qua, nhưng sự suy giảm như vậy có thể làm cho nhiều cuộc sống bị lao đao và tạo ra sự khốn khổ cho hàng triệu người nếu gánh nặng của sự suy giảm này không được trải rộng ra mà thay vào đó lại chồng chất lên những người bị thất nghiệp hay những người bị thừa ra vì thiếu việc làm-những người mà sức chịu đựng khó khăn kinh tế kém nhất. Người dân Nam Dương có thể sẽ không cảm thấy nhược điểm này và sẽ không thấy cần có dân chủ nếu mọi sự cứ tiếp tục tiến triển, nhưng nếu sự khủng hoảng kinh tế vẫn không được chia sẻ đồng đều với mọi thành phần và vẫn tiếp tục xảy ra, thì nhược điểm này vẫn tồn tại dù tiếng nói của người dân có bị uất nghẹn đi chăng nữa. Vai trò bảo vệ của dân chủ đã bị thiếu trầm trọng khi mà người dân cần nó nhất.

Chức năng của Dân chủ

Từ nãy tới giờ tôi đã dành chỗ cho các sự chỉ trích dân chủ, nhất là những chỉ trích liên quan đến kinh tế. Tôi sẽ quay lại với phần chỉ trích, lần này liên quan đến chỉ trích về văn hóa, nhưng đây cũng là lúc để xem xét một sự phân tích có tính chất tích cực về các chức năng của dân chủ và tìm hiểu cặn kẽ sự tuyên xưng giá trị toàn cầu của dân chủ.

Thế thì dân chủ thực sự là cái gì? Ta không thể đồng hóa dân chủ với quy luật đa số. Dân chủ có những điều kiện phức tạp, trong số đó có bầu cử và tôn trọng kết quả bầu cử, nhưng cũng đòi hỏi phải có sự bảo vệ và tôn trọng các quyền tự do thiên nhiên và dân sự, và bảo đảm một sự thảo luận tự do và sự phổ biến thông tin và bình luận trung thực mà không bị kiểm duyệt. Ngay cả những cuộc bầu cử cũng có thể bị xem là có khuyết điểm nếu một trong những phe tranh cử không có được cơ hội đồng đều để trình bày lập trường của mình, hoặc cử tri không được tự do để thu thập tin tức và nghiên cứu quan điểm của các phe tranh cử. Dân chủ là một hệ thống đòi hỏi nhiều điều kiện, không phải chỉ có một điều kiện được áp dụng một cách máy móc (như quy luật đa số) và riêng rẽ.

Dưới ánh nhìn này, ta có thể liên hệ các phẩm chất của dân chủ và sự tuyên xưng giá trị toàn cầu của nó với một số những giá trị đặc thù phát xuất chính từ sự thực hành dân chủ một cách đúng nghĩa. Ta có thể phân biệt ba trường hợp khác nhau dân chủ có thể làm cho đời sống của công dân phong phú thêm. Trước hết, tự do chính trị là một phần của tự do của con người nói chung, và thực thi các quyền chính trị và dân sự là một phần thiết yếu của đời sống cá nhân trong cương vị là thành viên của xã hội. Tham gia vào các hoạt động chính trị và xã hội mang lại một giá trị nội tại cho đời sống và phúc lợi của con người. Ngăn cấm sự tham gia này vào trong đời sống chính trị của một cộng đồng là một sự tước đoạt nghiêm trọng.

Thứ hai, như tôi đã phản biện lập luận cho rằng dân chủ không đi đôi với sự phát triển kinh tế, dân chủ có một giá trị như một công cụ giúp cho sự đạo đạt các nguyện vọng hay ủng hộ chính trị trên các diễn đàn công cộng được dễ dàng và tốt đẹp hơn (kể các các nguyện vọng về nhu cầu kinh tế). Thứ ba–điều này cần được nghiên cứu sâu xa thêm–là sự thực thi dân chủ giúp cho người công dân có cơ hội để học hỏi lẫn nhau, và giúp cho xã hội thành lập các giá trị và xác định những ưu tiên [cần được quan tâm]. Ngay cả ý tưởng “nhu cầu,” như trong “nhu cầu kinh tế,” cũng cần được đưa ra thảo luận, trao đổi quan điểm, và phân tích. Hiểu theo nghĩa này, dân chủ còn có một sự quan trọng mang tính chất xây dựng cộng thêm với giá trị nội tại trong đời sống của công dân và là vai trò công cụ quan trọng trong những quyết định chính trị. Sự tuyên xưng giá trị toàn cầu của dân chủ cũng cần để ý tới sự đa dạng này.

Tiến trình hình thành những khái niệm, hay chỉ để hiểu thấu đáo những gì được coi là “nhu cầu,” trong đó có nhu cầu kinh tế, tự nó cần có sự thực thi các quyền chính trị và dân sự. Một sự hiểu biết đúng đắn về thế nào là nhu cầu kinh tế–bao gồm nội dung và sức đẩy–cũng đòi hỏi phải có trao đổi quan điểm và thảo luận. Những quyền chính trị và quyền dân sự, đặc biệt là những quyền liên quan đến việc bảo đảm thảo luận, tranh luận, phê phán và cả bất đồng chính kiến một cách công khai, là trọng tâm của một tiến trình tạo ra những sự chọn lựa có hiểu biết và đã được cân nhắc. Những tiến trình này đóng một vai trò quan trọng cho việc hình thành các giá trị và thứ tự ưu tiên, và ta không thể, nói một cách tổng quát, thiên về tiến trình nào hơn khi thảo luận việc công, mà không cần biết xem sự thảo luận và trao đổi ý kiến công khai có được cho phép hay không.

Thực ra, tầm ảnh hưởng và sự hữu hiệu của cuộc đối thoại công khai vẫn thường bị coi nhẹ khi đánh giá những vấn đề xã hội và chính trị. Thí dụ, sự thảo luận công khai đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu mức sinh sản cao đang xảy ra tại các nước đang phát triển. Ta có thể tìm thấy những bằng chứng cụ thể cho thấy sự giảm thiểu mức sinh sản tại một số tiểu bang có văn hóa cao tại Ấn độ là kết quả của sự thảo luận cởi mở và công khai về các ảnh hưởng tai hại của mức sinh sản cao đối với cộng đồng, nói chung, và đối với đời sống của phụ nữ nói riêng.

Nếu quan điểm cho rằng một gia đình hạnh phúc là một gia đình nho nhỏ thôi được phổ biến rộng rãi, thí dụ như tại tiểu bang Kerala hay Tamil Nadu ở Ấn độ, ta có thể đoan chắc rằng đã có nhiều cuộc thảo luận và tranh luận góp phần tạo nên quan điểm này. Kerala hiện nay có sinh suất là 1.7 (tương tự như ở Anh và Pháp, và thấp hơn sinh suất 1.9 của Tàu), và Kerala đã đạt được tỷ lệ này nhờ sự xuất hiện của những giá trị mới chứ không cần phải có luật hạn chế sinh sản-tiến trình đối thoại vào thảo luận về các vấn đề chính trị và xã hội đã đóng góp một phần lớn đến sự hình thành các giá trị mới. Tỷ lệ học thức cao tại Kerala (cao hơn bất kỳ tỉnh nào của Trung Hoa), nhất là trong thành phần phụ nữ, đã giúp cho những sự đối thoại và thảo luận về chính trị và xã hội trở nên dễ dàng hơn.

Sự nghèo đói và thiếu thốn có thể có nhiều loại khác nhau, một số có thể được cải thiện bằng các biện pháp xã hội dễ dàng hơn một số khác. Toàn bộ vấn nạn của con người có thể quy vào một điều căn bản là xác định được “nhu cầu” của con người. Thí dụ, có nhiểu điều mà chúng ta có lý do xác đáng để xem là có giá trị và như thế có thể xem những điều đó là những “nhu cầu” nếu đó là những điều khả thi. Ta có thể mong muốn ngay cả có được sự bất tử, như Maitreyee, một bộ óc có khả năng suy luận kiệt xuất trong Áo nghĩa thư,[9] đã đặt ra cho đạo sư Yajnvalkya trong cuộc đàm luận nổi tiếng cách đây ba ngàn năm. Nhưng ta không xem sự bất tử là một “nhu cầu” bởi vì đó là một việc hoàn toàn bất khả thi. Sự hình thành khái niệm về nhu cầu có quan hệ với những ý tưởng của chúng ta về tính chất có thể ngăn ngừa được của một sự thiếu thốn nào đó và sự hiểu biết của ta về cách giải quyết sự thiếu thốn này. Trong quá trình hình thành sự hiểu biết và niềm tin vào tính cách khả thi (nhất là tính cách khả thi xã hội), những cuộc thảo luận trên diễn đàn công đóng một vai trò hết sức quan trọng. Những quyền chính trị, bao gồm tự do phát biểu và thảo luận, không những chỉ đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra những giải pháp xã hội cho các nhu cầu kinh tế, mà còn là trọng tâm của tiến trình xây dựng khái niệm của những nhu cầu kinh tế.

Tính chất toàn cầu của giá trị

Nếu sự phân tích ở phần trên được xem là đúng, thì sự tuyên xưng giá trị dân chủ không dựa trên một phẩm chất đặc thù nào mà trên nhiều đức tính khác nhau, gồm có trước hết là sự quan trọng nội tại của sự tham gia vào tiến trình chính trị và sự tự do của đời sống con người; thứ hai, sự quan trọng mang tính chất công cụ của những phần thưởng chính trị giúp cho chính quyền vận hành đúng đắn và chịu trách nhiệm với cử tri; và thứ ba là vai trò xây dựng của dân chủ trong việc hình thành các giá trị, và tạo nên sự hiểu biết của ta về nhu cầu, quyền lợi, và bổn phận. Dựa trên sự phân tích này, ta có thể trả lời câu hỏi chính yếu của bài khảo luận này, tức là xét xem có phải dân chủ có giá trị toàn cầu hay không.

Để phản bác sự tuyên xưng này, đôi khi người ta lý luận rằng không phải ai cũng đồng ý về sự quan trọng mang tính chất quyết định của dân chủ, nhất là khi so sánh dân chủ với những điều khác mà ta khao khát hoặc có niềm tin. Quả thật có như vậy, và như thế ta không có được sự nhất trí ở đây. Sự thiếu nhất trí này đã được một số người dùng làm bằng cớ để chứng minh dân chủ không phải là giá trị toàn cầu.

Như vậy, ta phải bắt đầu với một câu hỏi mang tính phương pháp luận: Giá trị toàn cầu là gì? Để cho một giá trị được xem là toàn cầu, có cần giá trị đó được sự đồng ý của mọi người không? Nếu đó thực sự là một điều kiện cần thiết, thì phạm trù của giá trị toàn cầu trở nên trống rỗng. Tôi không biết có một giá trị nào-ngay cả tình mẫu tử-mà không có người chống lại. Tôi cho rằng sự đồng thuận toàn cầu là một điều không cần thiết để xét xem một điều gì đó có giá trị toàn cầu hay không. Lẽ ra, sự tuyên xưng giá trị toàn cầu [của một điều] nằm ở chỗ liệu con người, dù ở bất cứ đâu, có lý do để xem điều đó có gia trị hay không?

Khi Mahatma Gandhi chứng minh giá trị toàn cầu của đấu tranh bất bạo động, ông không chứng minh rằng người ta ở mọi nơi đã hành động theo giá trị này, nhưng chỉ chứng minh rằng người ta có đủ lý lẽ để thấy đó là điều có giá trị. Tương tự như thế, khi Rabindranath Tagore chứng minh “sự tự do của tâm trí” là một giá trị toàn cầu, ông không cho rằng sự tuyên xưng này được tất cả mọi người chấp nhận, nhưng tất cả đều có đủ lý lẽ để chấp nhận điều đó – đó là lý do mà ông đã nỗ lực tìm hiểu, trình bày và truyền bá.[10] Hiểu theo nghĩa này, bất kỳ một sự tuyên xưng giá trị toàn cầu nào cũng liên quan đến một số những phân tích phản-sự thật[11]– trong trường hợp này, ta phải giả định rằng người ta có thể thấy một giá trị nào đó trong sự tuyên xưng [giá trị] mà trước đây họ chưa từng để ý đến. Tất cả mọi sự tuyên xưng giá trị toàn cầu-không phải chỉ cho dân chủ-cũng đều hàm chứa giả thuyết này.

Tôi cho rằng nhờ vào cái giả thuyết tiềm ẩn này mà ta có một sự chuyển biến thái độ thật là lớn lao đối với dân chủ trong thế kỷ 20. Hãy xét một nước chưa có dân chủ và ở những nơi mà người dân có lẽ chưa có cơ hội để thực thi dân chủ, ta có thể giả thiết rằng người dân ở những xứ đó sẽ tán thành và chấp nhận dân chủ một khi điều này trở thành thực tế trong đời sống của họ. Trong thế kỷ 19, chắc chắn giả thuyết này không được đặt ra, nhưng cái giả thuyết mặc định mà tôi đã nhắc tới ở phần trên đã thay đổi nhanh chóng trong thế kỷ 20.

Tưởng cũng cần ghi nhận thêm là ta nhận thấy sự thay đổi lớn lao này qua sự quan sát lịch sử của thế kỷ 20. Khi chế độ dân chủ lan rộng ra, những người ủng hộ dân chủ cũng gia tăng theo chứ không giảm đi. Khởi đi từ Âu châu rồi sang Mỹ châu, dân chủ như một hệ thống đã vươn tới nhiều bờ bến mới và được người dân tại những nơi này chấp nhận và sẵn lòng góp phần xây dựng. Hơn thế nữa, khi một chế độ dân chủ đang hiện hữu bị lật đổ, người dân ồ ạt tham gia vào những cuộc biểu tình phản đối ở khắp mọi nơi, dù cho những cuộc biểu tình này thường bị đàn áp thô bạo. Nhiều người đã sẵn lòng hy sinh mạng sống trong cuộc đấu tranh khôi phục lại dân chủ.

Những người phản bác dân chủ không dựa vào lý do vì dân chủ thiếu sự nhất trí của tất cả mọi người về giá trị toàn cầu, mà lại dựa vào sự khác biệt giữa các vùng trên thế giới. Cái gọi là sự khác biệt giữa các vùng thường có liên quan đến sự nghèo đói của một số quốc gia. Theo lập luận này, người dân nghèo chỉ quan tâm đến miếng ăn, chứ không phải dân chủ. Lập luận thường được nhắc đi nhắc lại này là một ngụy biện trên hai lãnh vực khác nhau.

Thứ nhất, như đã trình bày ở trên, vai trò bảo vệ của dân chủ, đối với người nghèo có lẽ mới là điều đặc biệt quan trọng. Điều này hiển nhiên nhất là đối với những nạn nhân đang phải đối diện với nạn đói sắp xảy ra. Và vai trò bảo vệ này cũng đúng luôn cho những người thất cơ bị rớt xuống nấc thang kinh tế khi khủng hoảng tài chánh xảy ra. Người ta khi phải đối phó với nhu cầu kinh tế cũng cần có tiếng nói chính trị. Dân chủ không phải là một món hàng xa xỉ đợi khi người ta có dư rồi mới dám mua sắm.

Thứ hai, có rất ít chứng cớ cho rằng người nghèo, nếu có sự lựa chọn, sẽ từ chối dân chủ. Cho nên, cũng khá là thú vị để nhìn lại sự kiện xảy ra hồi xa xưa vào khoảng giữa thập niên 1970 tại Ấn độ khi chính quyền dùng một luận cứ tương tự để biện minh cho việc ban hành “tình trạng khẩn cấp” (và đàn áp các quyền chính trị và dân sự), và tổ chức một cuộc bầu cử. Cuộc bầu cử này đã chia cử tri thành hai khối rõ rệt chỉ vì vấn đề này. Trong cuộc bầu cử định mệnh này, hành vi đàn áp các quyền chính trị và dân sự đã bị cử tri bác bỏ, và đại khối cử tri Ấn-một trong số những người nghèo đói nhất trên thế giới-đã chứng minh rằng họ cũng chống lại sự vi phạm các quyền tự do căn bản một cách nhiệt liệt không kém những hoạt động chống lại sự tước đoạt các quyền lợi kinh tế.

Trong phạm vi của lập luận cho rằng người nghèo chẳng quan tâm gì đến các quyền chính trị và dân sự, chứng cớ hiển nhiên đã bác bỏ hoàn toàn lập luận này. Ta cũng nhận thấy một số điểm tương tự khi quan sát cuộc đấu tranh cho những quyền tự do dân chủ tại Nam Hàn, Thái lan, Bangladesh, Pakistan, Miến điện, Nam dương và các nước khác tại Á châu. Tương tự như thế, dù tự do chính trị đang bị ngăn cấm tại Phi châu, ta cũng thấy người dân có những phong trào chống đối những sự đàn áp này bất cứ khi nào tình thế cho phép.

Lập luận về sự khác biệt văn hóa

Cũng có một lý lẽ khác bảo vệ cho cái gọi là sự tương phản căn bản giữa các vùng trên thế giới; lý lẽ này không dựa trên sự khác biệt kinh tế mà trên sự khác biệt về văn hóa. Trong số những lập luận này, nổi tiếng nhất có lẽ là “các giá trị Á châu.” Người ta vẫn thường cho rằng người dân châu Á vẫn có truyền thống xem kỷ luật quan trọng hơn tự do chính trị, và như vậy, người dân châu Á phải có thái độ hoài nghi đối với dân chủ hơn các nơi khác. Tôi đã có dịp thảo luận về đề tài này một cách khá chi tiết trong bài thuyết trình tại Hội đồng Đạo đức và Quốc tế vụ thuộc học viện Carnegie.[12]

Thật ra, ta rất khó tìm được bất cứ căn bản thật sự nào cho lập luận nói trên trong kho tàng lịch sử của văn hóa Á châu, nhất là khi chúng ta tìm hiểu những truyền thống cổ điển của Ấn độ, Trung Đông, Iran và các vùng khác của châu Á. Thí dụ, ta có thể tìm thấy những lời tuyên bố mạnh mẽ nhất và sớm nhất ủng hộ sự đa nguyên và bổn phận của nhà nước phải bảo vệ thành phần thiểu số trong những lời phán của hoàng đế Ashoka (Ấn độ) được ghi khắc lại vào thế kỷ thứ Ba trước Công nguyên.

Châu Á là một vùng đất rộng lớn chứa tới 60 phần trăm dân số của thế giới, và công việc tổng quát hóa một tập hợp các sắc dân đa dạng như vậy thật chẳng phải là điều dễ dàng. Thành ra những người cổ võ cho thuyết “giá trị Á châu” có khuynh hướng dùng khu vực Đông Á làm nền tảng cho lý luận của họ. Luận đề chính của sự tương phản giữa Tây phương và Á châu vẫn thường tập trung vào vùng đất ở phía đông của Thái lan, dù đã có người còn mạnh miệng hơn tuyên bố rằng các vùng khác của Á châu cũng tương tự như nhau. Lý Quang Diệu, người mà ta phải cám ơn vì đã lên tiếng trình bày một cách đầy đủ và rõ rệt nhất về cái vấn đề mà vẫn thường được nhắc tới một cách mơ hồ trong vô vàn tài liệu rối như mớ bòng bong. Lý Quang Diệu đã phác họa ra “sự khác biệt căn bản giữa khái niệm về xã hội và chính quyền của Tây phương và Đông Á” và giải thích, “Khi tôi [Lý Quang Diệu] nói đến Đông Á, tôi muốn nói tới Đại Hàn, Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam, là những quốc gia khác với vùng Đông Nam Á pha trộn giữa văn hóa Hán tộc và Ấn độ, dù văn hóa Ấn cũng chú trọng tới những giá trị tương tự.[13]

Tuy nhiên, ngay cả vùng Đông Á cũng có nhiều khác biệt rất lớn, với những biến thể không những giữa các nước Nhật, Hoa, Hàn và các nước khác trong vùng, mà còn khác nhau ngay cả trong mỗi nước. Khổng tử là tác giả tiêu biểu vẫn thường được trích dẫn khi giải thích các giá trị Á châu, nhưng Khổng tử không phải là học giả duy nhất có ảnh hưởng tại các nước này (như tại các nước Nhật, Hoa, Hàn còn có một truyền thống Phật giáo sâu rộng, ảnh hưởng hơn 1500 năm, và những ảnh hưởng khác nữa gồm có cả Cơ đốc giáo). Ta thấy, không có một sự đồng nhất nào về sự tôn sùng trật tự hơn tự do trong các nền văn hóa này.

Hơn thế nữa, Khổng tử, chính ngài cũng không khuyến khích người dân trung thành mù quáng với nhà nước. Khi Tử Lộ hỏi về “đạo thờ vua,” Khổng tử đáp rằng “Làm tôi thì phải hết lòng thành thật; như vua lầm lạc thì phải can gián, đừng sợ mếch lòng”[14] (câu nói này các nhà kiểm duyệt của chế độ độc tài nên suy ngẫm). Khổng tử khuyến khích môn đệ cẩn trọng và khéo léo trong xử thế, nhưng cũng dạy đệ tử chống lại chế độ xấu xa (phải khéo léo, nếu cần), như “Bang hữu đạo, nguy ngôn, nguy hành; bang vô đạo, nguy hành, ngôn tốn”[15] (lúc nước yên ổn, sống thanh cao và bày tỏ hết ý để giúp nước; lúc nước điên đảo, vẫn sống thanh cao, nhưng dè dặt trong lời nói).

Thực ra, Khổng tử đã chỉ rõ rằng hai trụ cột trong tòa nhà giá trị Á châu: trung với nhà và tuân theo phép nước, có thể xung đột trầm trọng với nhau. Những người cổ võ cho sức mạnh của giá trị Á châu quan niệm vai trò của nhà nước như một sự nối dài của gia đình, nhưng Khổng tử ghi nhận rằng hai điều này có chỗ xung khắc với nhau. Diệp Công nói với Khổng tử rằng: “Ở xóm tôi có những người ngay thẳng rất mực, như cha ăn trộm dê thì con đứng ra làm chứng khai thật.” Khổng tử đáp: “Ở xóm ta, người ngay thẳng cư xử có khác. Cha che lỗi cho con, con che lỗi cho cha; tình ngay thẳng vẫn ngụ trong đó vậy.”[16]

Sự giải thích một chiều về giá trị Á châu là những điều chống đối với dân chủ và các quyền chính trị không tồn tại được dưới sự phân tích nghiêm túc. Tôi không nên quá khắt khe trước sự thiếu sót trầm trọng các nghiên cứu khoa học để bảo vệ luận cứ này, vì những người tuyên xưng giá trị Á châu không phải là học giả mà là những chính trị gia, thường phát biểu hoặc chính thức hoặc không chính thức cho các chế độ độc tài. Thật ra, đây cũng là điều thú vị khi những người nghiên cứu học thuật như chúng tôi thường bị mang tiếng là thiếu thực tế về các vấn đề chính trị, còn những chính trị gia thực tế thì lại thiếu thực tế về các vấn đề nghiên cứu.

Dĩ nhiên, muốn tìm những tác phẩm do những học giả chuyên chế trong truyền thống Á châu thì cũng chẳng khó khăn gì. Nhưng muốn tìm những tài liệu như vậy trong các tác phẩm Tây phương cũng dễ dàng thôi: Ta chỉ cần suy ngẫm những bài viết của Plato hoặc Aquinas là cũng đủ thấy sự tôn sùng kỷ luật không phải chỉ là đặc tính Á châu. Bỏ qua sự hợp lý của dân chủ như một giá trị toàn cầu chỉ vì một vài bài viết cổ võ kỷ luật và trật tự, thì cũng chẳng khác nào bỏ qua luôn dân chủ như một mô hình chính quyền tự nhiên tại Âu Mỹ ngày nay chỉ vì bài viết của Plato hay Aquinas (đó là chưa kể đến những tài liệu thời Trung cổ kết án những người ngoại đạo).

Dựa trên kinh nghiệm của những cuộc chiến chính trị cận đại, nhất là ở Trung Đông, Hồi giáo vẫn thường được xem là một tôn giáo tự bản chất thù địch và không dung thứ cho tự do cá nhân. Nhưng sự hiện hữu của những chi phái khác nhau trong cùng một truyền thống cũng xảy ra trong đạo Hồi như trong các tôn giáo khác. Tại Ấn độ, Akbar và đa số các hoàng đế Moghul khác (ngoại trừ vua Aurangzeb) là những thí dụ điển hình cho sự khoan dung giữa lý thuyết và thực hành về chính trị cũng như tôn giáo. Những vị hoàng đế Thổ nhĩ kỳ vẫn thường khoan dung hơn các vị vua cùng thời ở Âu châu. Có rất nhiều thí dụ trong số những vua chúa tại Cairo hay Baghdad. Thực ra trong thế kỷ 12, đại học giả Maimonides, gốc Do thái, đã phải bỏ trốn khỏi Âu châu nơi ông sinh ra, để tránh sự không dung thứ và bách hại người Do thái, và sang tá túc trong sự khoan dung tại Cairo dưới sự bảo trợ của vua Saladin.

Sự đa dạng là một nét đặc biệt của mọi nền văn hóa trên thế giới. Văn minh Tây phương cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Việc thực hành dân chủ rộng rãi tại Tây phương trong thời hiện đại, một phần lớn là kết quả của một sự đồng thuận đã được phát sinh ra từ thời Khai Sáng và Cách mạng Kỹ nghệ, và nhất là trong thế kỷ vừa qua.

Nếu ta chỉ xem sự gắn bó của Tây phương với dân chủ trong hơn một thiên niên kỷ, rồi so sánh với những truyền thống không thuộc Tây phương (xem những truyền thống đó như một khối thuần nhất), thì đó là một sai lầm lớn lao. Khuynh hướng dẫn đến sự cực kỳ đơn giản hóa này ta có thể thấy không những trong những lời tuyên bố của viên chức chính quyền tại Á châu, mà còn trong những lý thuyết của chính một số học giả nổi tiếng Tây phương.

Ta có thể dùng một thí dụ trong nhiều tác phẩm của một học giả nổi tiếng mà công trình nghiên cứu đã có rất nhiều ảnh hưởng, đó là luận đề của giáo sư Samuel Huntington về sự va chạm giữa các nền văn minh, nhưng sự khác biệt trong mỗi nền văn hóa không được ghi nhận đầy đủ. Sự nghiên cứu của Huntington đưa đến một kết luận rõ ràng là “ý thức về chủ nghiã cá nhân và truyền thống tôn trọng tự do và quyền cá nhân” trong nền văn hóa Tây phương là “một nét độc đáo trong số các xã hội văn minh.”[17] Hungtington cũng lập luận rằng “những đặc tính trọng yếu của Tây phương, những đặc tính mà đã tạo nên sự khác biệt với các nền văn minh khác, đã hiện hữu trước khi Tây phương được hiện đại hóa.” Theo ông, “Tây phương là Tây phương trong một thời gian rất dài trước khi trở thành hiện đại.”[18]Tuy nhiên, đó là một luận đề mà­, như tôi đã lý luận, không đứng vững trước sự mổ xẻ, phân tích các dữ kiện lịch sử.

Đối với mọi nỗ lực của một người phát ngôn cho các chính quyền Á châu nhằm chứng tỏ sự tương phản giữa “cái gọi là” giá trị Á châu với cái gọi là giá trị Tây phương, thì cũng giống như nỗ lực của những nhà trí thức Tây phương nhằm chứng minh sự tương phản do phía bên kia đưa ra. Nhưng dù cho mỗi sức kéo của Á châu bị trung hòa bởi sức đẩy từ Tây phương, thì cả hai cũng chẳng làm xuy xuyển được giá trị toàn cầu của dân chủ.

Trọng tâm của vấn đề

Tôi đã cố trình bày một số các vấn đề liên quan đến giá trị toàn cầu của dân chủ. Giá trị của dân chủ gồm có cả sự quan trọng nội tạitrong đời sống của loài người, vai trò công cụ trong việc tạo ra những phần thưởng và trừng phạt chính trị, và chức năng xây dựng trong việc hình thành những giá trị (và trong sự hiểu biết về sức đẩy và sự khả thi của những tuyên xưng về nhu cầu, quyền lợi, và bổn phận). Những giá trị này không hề mang tính chất địa phương. Tương tự như sự cổ võ cho kỷ luật và trật tự. Sự khác biệt giữa những giá trị, có lẽ là nét chung của hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả các nền văn hóa chính của con người. Lý luận văn hóa không hạn chế hay loại trừ những sự lựa chọn của chúng ta ngày nay.

Những sự lựa chọn này phải được thực hiện tại đây và ngay bây giờ, cùng lúc phải ghi nhận chức năng của dân chủ mà các nền dân chủ trên thế giới hiện nay đang áp dụng. Tôi đã chứng minh rằng giá trị toàn cầu của dân chủ là một giá trị vững chắc và không mang tính chất địa phương. Sức mạnh của sự tuyên xưng giá trị toàn cầu của dân chủ nằm ở chỗ đó. Đó mới chính là trọng tâm của vấn đề. Giá trị toàn cầu của dân chủ không thể bị phủ nhận bởi những cấm kỵ tưởng tượng của văn hóa Á châu hay tính chất tiên thiên thuận lợi của Tây phương.

© Học Viện Công Dân 2009

Nguồn:

http://www.gozaar.org/template1.php?id=1120&language=english


[1] Trong tiểu thuyết Điểm Đối Điểm của Aldous Huxley’s, một người chồng nói dối vợ là anh ta phải đi London để nghiên cứu về nền dân chủ của cổ Ấn độ trong thư viện của Viện Bảo tàng Quốc gia, để đi thăm nhân tình.

[2] Ruth Dreyfus là nữ tổng thống đầu tiên của Thụy sĩ vào năm 1999. Phụ nữ Thụy sĩ được quyền bầu cử lần đầu tiên năm 1971, và quyền ứng cử/bầu cử tại các cấp chính quyền từ địa phương tới liên bang từ năm 1990 (ghi chú của người dịch).

[3] Ấn độ có 22 ngôn ngữ chính được hiến pháp công nhận, và hàng ngàn các ngôn ngữ khác nhau (Indian Language:http://www.indianlanguages.com/main/index.php). Có 4 nhóm tôn giáo chính tại Ấn độ: Ấn giáo (Hindu), Hồi giáo (Islam), Thiên Chúa giáo, và đạo Sik; ngoài ra còn Phật giáo, đạo Jain cùng những giáo phái khác do nhiều đạo sư sáng lập  (ghi chú của người dịch).

[4] Adam Przeworski et al., Sustainable Democracy (Cambridge: Cambridge University Press, 1995); Robert J. Barro, Getting It Right: Markets and Choices in a Free Society (Cambridge, Mass.: MIT Press, 1996).

[5] Tôi đã khảo sát  các bằng chứng thực nghiệm và quan hệ nhân quả giữa hai yếu tố này một cách chi tiết trong cuốn sáchDevelopment as Freedom, sắp được nhà xuất bản Knopf phát hành năm 1999.

[6] Xem thêm bài viết của tôi trong tiểu luận “Phát triển: Nhưng theo hướng nào?” Tạp Chí Kinh Tế, bộ 93 (12,1983); sách Tài nguyên, Giá trị, và Phát triển (Harvard University Press, 1984); và tiểu luận “Lý tính và Sự Lựa chọn Xã hội,” diễn văn của tôi, lúc đó là chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Hoa kỳ, được in trong tạp chí American Economic Review tháng Ba, 1995. Xem thêm các cuốn sách do Jean Dr’eze và Amartya Sen viết, nhan Nạn Đói và Các Hoạt động Công(nhà xuất bản Clarendon Press, 1987); do Frances D’Souza, chủ biên, nhan Nạn Đói trong Thầm lặng: Báo cáo về Nạn đói và chế độ kiểm duyệt (Điều 19 của Trung tâm Quốc tế về Kiểm duyệt, 1990); sách do Human Rights Watch xuất bản, nhan Những Nhân quyền bất khả phân: Quan hệ giữa Quyền Chính trị và Dân sự với Sự Nghèo đói, Sinh kế, và Sinh tồn (1992); và Báo cáo về Thiên tai trên Thế giới của hội Hồng thập tự Quốc tế và hội Lưỡi liềm Đỏ, 1994.

[7] Dr’eze và Sen, Nạn Đói và Các Hoạt động Công.

[8] Phần thưởng chính trị: cử tri dành cho những viên chức chính quyền hoạt động hữu hiệu trong thời gian tại chức; ngược lại, viên chức chính quyền sẽ bị cử trị bầu cho ứng viên khác (ghi chú của người dịch).

[9] Áo nghĩa thư là một trong những tác phẩm triết học cổ điển của Ấn độ và cũng là kinh điển của giáo phái Vệ đà của Ấn giáo (ghi chú của người dịch).

[10] Xem thêm cuốn sách “Tagore và nước Ấn độ” của tôi do nhà xuất bản New York Review of Books phát hành năm 1997.

[11] Phân tích phản-sự thật (counterfactual analysis) là một phương pháp lý luận dựa trên mô hình sau đây: “Nếu A và B là 2 sự kiện thực khác nhau, thì sự hiện hữu của B có quan hệ nhân quả với A, nếu và chỉ nếu, nếu A không xảy ra, thì B sẽ không xảy ra.” (xem thêm David Lewis’ Theory tại:http://plato.stanford.edu/entries/causation-counterfactual/. Ghi chú của người dịch)

[12] Amartya Sen, “Nhân quyền và các Giá trị Á châu,” do Carnegie Council on Ethics and International Affairs ấn hành năm 1997), bản rút ngắn được in lại trong tờ The New Republic, ngày 14-21/07/1997.

[13] Fareed Zakaria, “Văn hóa là Số mệnh: Cuộc trò chuyện với Lý Quang Diệu,” Tạp chí Foreign Affairs số 73 (March-April 1994): 113.

[14] Luận ngữ, 14:23

[15] Luận ngữ, 14: 4 (bản dịch Đoàn Trung Còn, Nhà XB Thuận Hóa, 2000)

[16] Luận ngữ, 13:18 (sách đã dẫn)

[17] Samuel P. Huntington, Sự Va chạm giữa các nền văn minh và Công cuộc Tái lập Trật tự Thế giới, New York: Simon and Schuster, 1996, trang 71.

[18] Sách đã dẫn, trang 69.