fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Đảo Châu Báu – Sức Mạnh của Mậu Dịch – Phần II

Phần II. Trao đổi đã biến đổi tiêu chuẩn sống của chúng ta như thế nào?

Trao đổi, xem ra có vẻ rất đơn giản. Bạn có một vài thứ tôi muốn và tôi có vài thứ bạn muốn thì chúng ta trao đổi và cả hai chúng ta đều có lợi. Nhưng sức mạnh sâu xa nhất của trao đổi vẫn còn được dấu kín. Sức mạnh mà chúng ta không thấy được của trao đổi là ảnh hưởng của nó trên phương cách ta sử dụng thời giờ và tiền lương mà ta kiếm được. Khả năng để trao đổi với những người khác, hoặc là với láng giềng của ta dù ở bên kia đường hay là với láng giềng ở bên kia biên giới, tạo cho chúng ta cơ hội để nhờ vào những người khác mà hưởng dụng được một số hay hầu hết những đồ vật hàng hóa và dịch vụ. Và sự tùy thuộc vào những người khác, lại cho phép ngay cả những người nghèo khó nhất trong chúng ta có được một tiêu chuẩn sống [cao cấp] mà cách sống theo kiểu tự cung ứng cũng không bao giờ có thể tưởng tượng nổi. Câu hỏi được đặt ra là Trao đổi đã thay đổi tiêu chuẩn sống của chúng ta như thế nào?

Để bắt đầu trả lời câu hỏi này trong phần đầu của tiểu luận này, tôi đã kể câu chuyện của hai gia đình mới cưới là Fishers và Palmers, họ bị đắm tầu trên một hòn đảo nhiệt đới, và đang phải vất vả tìm kiếm đồ ăn và nước uống. Gia đình Palmers chỉ có thể thu thập vừa đủ cá và nước ngọt để sống còn. Gia đình Fisher thu thập cả hai thứ khá hơn. Nhưng mặc dù gia đình Palmers yếu kém hơn gia đình Fisher trong cả hai công việc, họ vẫn có một cái gì đó để trao đổi – đó là thì giờ của họ. Bằng cách góp nhặt nước cho gia đình Fishers, gia đình Fishers có thêm thì giờ để bắt cá. Và bằng cách đánh bắt cá cho gia đình Palmers, gia đình Fishers tạo thêm thì giờ cho gia đình Palmers đi lấy nước.

Trong thí dụ tôi đã dùng, gia đình Fishers có lợi thế tương đối trong việc đánh bắt cá. Mặc dù họ cũng giỏi lấy nước hơn gia đình Palmers, nhưng đi lấy nước có nghĩa là bỏ qua việc đánh bắt cá. Chính ra đối với gia đình Fishers, lấy nước bằng phương cách gián tiếp – bằng đánh bắt cá và đổi cá lấy nước ngọt là phương pháp tốt hơn. Tương tự như vậy, gia đình Palmers có lợi thế tương đối trong việc lấy nước. Dù họ có thể đánh bắt cá, nhưng đánh bắt cá quá tốn kém – do phải giảm thiểu thì giờ đi lấy nước. Tốt hơn là có được cá bằng cách đi lấy nước để đổi với cá. Kết quả là tiêu chuẩn sống cao hơn cho cả hai gia đình. Ta hãy xét xem chuyện này xảy ra như thế nào ?

Sức mạnh của sự chuyên môn hóa

Câu trả lời đơn giản cho câu hỏi trên là chuyên môn hóa. Khi chúng ta nghĩ tới lợi ích của chuyên môn hóa, chúng ta nghĩ tới học bằng thực hành, đến năng suất phụ trội do làm đi làm lại một công việc. Ảnh hưởng này của sự chuyên môn hóa có thể rất lớn. Nếu bạn chỉ trồng những cây tuyết tùng (Cedar), bạn học được rất nhiều về cách trồng những cây này và biết chúng sống, chết như thế nào. Bạn học rất nhiều về phương cách đối phó với việc tăng giá cây tạm thời và tăng giá lâu dài. Bạn trở nên một người biết sử dụng đất đai và sức người một cách có hiệu quả. Một người nào đó chuyên trồng những cây tùng thì có thể sẽ làm việc hữu hiệu hơn là một người vừa thành thạo việc sản xuất bút chì vừa trồng cả những cây tùng để cung cấp gỗ làm bút chì nữa.

Nhưng học bằng thực hành không phải là nguồn gốc của sự gia tăng hiệu suất của gia đình Fishers và Palmers. Chẳng có ai trong hai gia đình này thực sự trở nên hữu hiệu hơn. Nguyên nhân đơn giản của sự gia tăng hiệu suất là sự phân công nhân sự vào những nhiệm vụ, công việc khác nhau một cách hợp lý và hiệu quả. Người ta thường nói rằng con người đã được phân định vào việc mà họ làm tốt nhất, nhưng câu này không có nghĩa gì cả. Vì nói cho cùng, gia đình Fishers cũng là những người giỏi nhất trong việc đi lấy nước và họ cũng đã bỏ việc lấy nước này.

Những người trong hai gia đình này đã được phân định cho những công việc dẫn tới sản lượng cao nhất, “cao nhất” có nghĩa là phải kể đến sự quan trọng của tăng thêm được lượng chất đạm từ cá một cách tương đối so với lượng nước ngọt bị giảm. Trao đổi đã cho phép hai gia đình dùng một nguyên liệu thật sự khan hiếm trên hòn đảo – thời giờ của hai gia đình – sao cho mang lại hiệu năng cao nhất.

Trong phần đầu của câu chuyện này, tôi miêu tả gia đình Fishers là những người lạnh lùng, ác độc và không thân thiện. Họ trao đổi với gia đình Palmers qua cái vị kỷ hẹp hòi của họ. Sự việc phi thường, đáng chú ý về sự phân định của các công việc hậu-trao-đổi là việc hai gia đình Fishers và Palmers phân công cho nhau như thể họ là thành viên yêu thương nhau trong cùng một gia đình. Tuy không ưa nhau, nhưng bàn tay vô hình của quyền-lợi- riêng đã khiến hai gia đình cùng làm việc với nhau và tạo nên cùng một sản lượng như trong một hoàn cảnh mà tất cả đều lo lắng cho nhau.

Trao đổi, một cách cơ bản chính là về sự hợp tác. Kỹ năng của bạn cho phép tôi tận dụng kỹ năng của tôi vào sự chuyên môn hóa, [và điều này] làm cho hai chúng ta đều có lợi. Nên ghi nhận rằng không có gì bất biến về lợi thế tương đối. Nếu gia đình Fishers tìm được cách trốn khỏi hòn đảo và một gia đình mới cũng giỏi hơn gia đình Palmers trên mỗi công việc nhưng với một tỷ lệ khác, gia đình Palmers có thể đã có một lợi thế tương đối trên việc đánh cá mặc dầu không có gì thay đổi về kỹ năng của họ. Bài học ở đây là việc sử dụng thời giờ của bạn một cách tốt nhất trong thế giới mậu dịch lệ thuộc vào kỹ năng của những người khác. Sự khác biệt giữa chúng ta tạo nên tiềm năng cho sự chuyên biệt hóa và tạo ra sự giầu có.

Trao đổi dựa trên sự khác biệt giữa chúng ta là một trong những cội nguồn của chuyên môn hóa. Một nguồn gốc khác, xuất phát từ nhận thức của Adam Smith, cho rằng sự phân chia lao động bị giới hạn trong phạm vi của thị trường. Theo Smith, sự chuyên môn hóa đã được hình thành từ cái mà chúng ta gọi là cán cân kinh tế (kinh tế lượng định). Khi có đủ những gia đình thu thập nước hay đủ những gia đình đánh cá, thì một người nào đó có thể kiếm sống bằng cách chế tạo những bình mang nước hay những lưới cá. Và khi thị trường bình nước hay lưới cá đã lớn mạnh đủ, chúng có thể được sản xuất bởi những người thợ như là một phần của hệ thống dây chuyền hay tiến trình sản xuất hơn là bởi những thợ thủ công riêng lẻ. Cả hai dạng của chuyên môn hóa, từ trao đổi dựa trên sự khác biệt giữa chúng ta và từ cán cân kinh tế dựa trên sự bành trướng của thị trường, tạo thêm cho chúng ta nhiều cơ hội hơn những cơ hội mà định chế tự cung ứng mang lại.

Tự cung ứng là con đường dẫn tới nghèo khó. Mậu dịch tạo nên sự thịnh vượng bởi nó cho phép tôi dùng kỹ năng của bạn song song với kỹ năng của tôi.

Câu chuyện về sự trao đổi gia tăng những cơ hội như thế nào không liên hệ một cách đặc biệt gì tới mậu dịch quốc tế – trao đổi qua những biên giới nhân tạo. Quốc tịch, nơi sinh quán, hay ngôn ngữ của một người không hề có một ảnh hưởng quan trọng nào trong vấn đề trao đổi cả.

Chuyên môn hóa trong nền kinh tế hiện đại

Lợi thế tương đối, chuyên môn hóa, và câu chuyện của hai gia đình Palmers và Fishers cho chúng ta bài học gì?

Bài học về lợi thế tương đối là dù bất cứ việc gì chúng ta làm đều đáng để cho ta ra sức làm cho tốt, nhưng không phải mọi việc chúng ta làm tốt đều đáng làm. Không phải mọi việc chúng ta làm tốt đều đáng làm. Một ông tổng giám đốc (CEO), đồng thời cũng là một người nấu bếp giỏi, vẫn mua đồ ăn mang về, dù những đồ ăn mua về ấy không ngon bằng đồ ăn ông ấy nấu lấy. Phí tổn cho việc nấu ăn không phải chỉ là cái biên lai mua đồ ăn mà thôi – nó còn là thời giờ ông tổng giám đốc dùng để quản lý công ty bị mất đi vào chuyện nấu ăn.

Hãy xem một thí dụ khác về Jane Galt, bút hiệu của một ký giả có tiếng vẫn thường viết blog về kinh tế và chính trị. Cứ đọc những gì cô viết, ta thấy rõ là cô ấy thích nấu nướng. Gần đây cô đã viết trên blog của mình về những vật dụng dùng trong nhà bếp. Sự diễn tả của cô đã làm tôi muốn mua tất cả những món đồ ấy – Jane viết rất hay và sở thích của cô về những dụng cụ tân kỳ dễ dàng lôi cuốn người đọc cùng thích nấu nướng như cô. Một người vào thăm trang blog của cô góp ý, một cách hơi đùa giỡn, rằng việc Jane không được thuê để viết về những đồ dùng trong bếp là một bằng chứng cho thấy thị trường thực sự không vận hành tốt như ta vẫn nghĩ. Nhưng thực ra điều ngược lại mới đúng. Jane vẫn làm nghề ký giả chính là vì thị trường vận hành tốt – dù khả năng cô viết về đồ dùng trong bếp cho những cuốn quảng cáo giỏi như thế, nhưng khi làm ký giả cô viết còn giỏi hơn. Đối với Jane, việc trở thành người viết quảng cáo, sẽ khiến cô bị thiệt hại, dù cô làm việc này rất giỏi. Tôi cho rằng những nhà sản xuất đồ dùng trong bếp không đủ sức trả lương để cô bỏ nghề ký giả.

Cùng một bài học có thể áp dụng vào một quốc gia. Vì Hoa kỳ có thể sản xuất những máy truyền hình ngoại hạng không có nghĩa là chúng ta nên có một kỹ nghệ sản xuất máy truyền hình. Tiền phí tổn dành ra để sản xuất máy truyền hình có nghĩa là sẽ có ít tiền hơn cho những thứ khác. Hoa Kỳ có thể có lợi hơn khi chế tạo những vật dụng khác và trao đổi với nước khác để lấy máy truyền hình. Hãy để cho ngoại quốc bán cho ta máy truyền hình, xe hơi, sắt thép và giày vớ, và để dành tài nguyên đó cho việc sản xuất thêm những thứ khác có giá trị hơn.

Một ví dụ khác là Bill Belichick, huấn luyện viên của đội banh bầu dục Patriots của vùng New England, người đã có bằng cử nhân về kinh tế. Ông đã có thể trở nên một chuyên viên kinh tế giỏi dang. Nhưng ông hiện là một huấn luyện viên lành nghề của đội banh bầu dục. Dễ có thể nói rằng là huấn luyện ông làm giỏi hơn là một chuyên viên kinh tế. Nhưng câu đó không có ý nghĩa lắm. Từ “giỏi hơn” có thể có nghĩa nào khác hơn với nghĩa ta thường hiểu không? Nếu Belichick sống vào thập niên 1930, có lẽ ông đã chọn nghề về kinh tế. Nhưng kết quả của sự hướng dẫn đội banh bầu dục ngày nay lớn hơn nhiều so với thập niên 1930. Vì vậy ông đang làm huấn luyện viên. Cách hiệu quả nhất để dùng thời giờ của một người tùy thuộc vào tay nghề mà những người khác có thể cung cấp. Nhưng nó cũng tùy thuộc vào giá trị của những tay nghề này. Khi banh bầu dục phổ biến hơn như hiện nay so với những năm 1930, làm một chuyên viên kinh tế quả là một con đường quá ư tốn kém đối với Belichick.

Những thí dụ thực tiễn này đã giúp chúng ta hiểu sự quan trọng của trao đổi thương mại trong thực tế nơi mà có hàng triệu người, hàng triệu sản phẩm và hàng triệu phương cách để dùng thời giờ làm việc của chúng ta trong thương trường.

Tôi có được lợi thế tương đối trong những hoạt động nào? Làm sao tôi có thể tính được tỷ số của hiệu năng của tôi với hiệu năng của anh và một người nào khảc. Lợi thế tương đối của tôi là gì?

Sự hiện hữu của giá cả và lương bổng giúp trả lời những câu hỏi khó trả lời này. Giá cả và lương bổng nảy ra khi chúng ta trao đổi với nhau. Chúng là những sản phẩm phụ của trao đổi. Nhưng lần lượt giá cả và lương bổng làm cho trao đổi trở nên thật mạnh mẽ trong một nền kinh tế với hàng triệu người làm hàng triệu công việc. Giá cả và lương bổng giúp chúng ta quyết định sản xuất vật gì xuyên qua trao đổi – với phương cách gián tiếp – và sản xuất cái gì do chính chúng ta làm ra – phương cách trực tiếp. Giả định giá của một kg cá là $5 và tôi đánh bắt được 3 kg cá mỗi ngày. Hãy xem lương dạy học của tôi. Nếu tôi có thể làm được hơn $15 cho một ngày dạy học, tôi sẽ dạy học và tới chợ mua cá vào cuối ngày. Và tương tự như vậy cho những thứ khác mà ta cần có. Ta sản xuất theo phương cách gián tiếp và mua chúng với số tiền mà chúng ta làm được bằng những việc làm hữu hiệu nhất mà thị trường dành cho thời giờ của chúng ta.

Tiền bạc không phải là tất cả. Tôi có thể vẫn dạy học ngay cả khi kiếm được ít hơn $15 một ngày, đơn giản chỉ vì tôi yêu dạy học hơn đánh cá. Và tôi có lẽ cũng chỉ đánh cá, dù tôi có đánh cá dở, chỉ vì tôi yêu đánh cá. Giá cả và lương bổng cho phép chúng ta chọn lựa cách dùng thời giờ của chúng ta như thế nào để được hiệu quả nhất, bao gồm cả sự thỏa mãn phi-tiền tệ (không dính dáng gì đến tiền bạc mà chỉ vì mình thích) mà chúng ta nhận được song song với tiền bạc. Không có giá cả và lương bổng chúng ta có thể không có cách nào khác để có thể hình dung ra những cách tốt nhất để dùng thì giờ của chúng ta, cho cái mà chúng ta nên chuyên môn hóa và những cái nên để cho những người khác làm cho chúng ta qua sự trao đổi.

Không có giá cả và lương bổng làm sao Bill Belichick có thể biết rằng banh bầu dục là một thú tiêu khiển trong 1930 nhưng là một công việc hào hứng đòi hỏi tới 80 giờ một tuần trong năm 2008?

Câu chuyện đơn giản của gia đình Palmers và gia đình Fishers cho ta nhiều bài học quan trọng về trao đổi:

  • Mậu dịch tạo sự thịnh vượng. Tự cung ứng là con đường dẫn tới nghèo khó.
  • Sự chuyên môn hóa mà chúng ta thấy trên thế giới chung quanh ta là kết quả của sự trao đổi. Chúng ta có thể sẽ phải làm nhiều công việc rất khác nhau và trở nên nghèo khó hơn rất nhiều nếu chúng ta giới hạn mậu dịch ngoại thương hoặc nội thương.
  • Thời giờ là tài nguyên thực sự hiếm hoi trong đời sống của chúng ta và mậu dịch cho phép chúng ta nâng cao thời giờ và hiệu năng của chúng ta bằng những phương cách độc đáo qua sự cộng tác với những người khác.
  • Không phải mọi thứ chúng ta làm tốt trong cương vị cá nhân hoặc quốc gia thì đều đáng để làm.
  • Việc mà chúng ta làm tốt có đáng để làm hay không tùy thuộc vào tay nghề và yêu cầu của những người chung quanh chúng ta. Sự khôn ngoan và hữu hiệu trong thời gian hay không gian lúc này có thể không khôn ngoan và hữu hiệu trong thời gian và không gian khác.

Đáp ứng với thay đổi kinh tế

 Yếu tố quan trọng nhất, nhưng lại thiếu, trong câu chuyện đơn giản về gia đình Fishers và gia đình Palmers là yếu tố gì? Trong câu chuyện đơn giản này, mọi người đều được lợi từ sự trao đổi trong mọi thời điểm. Trong thế giới thực tại, những khía cạnh phân bố của trao đổi là nguồn gốc của mối quan tâm đến sự toàn cầu hóa và bành trướng của mậu dịch. Nhưng ngay tại đây, tôi nghĩ rằng câu chuyện đơn giản về gia đình Fishers và gia đình Palmers đã dạy chúng ta được đôi điều.

Hãy trở lại hòn đảo châu báu và hai gia đình Fishers và Palmers. Giả thử hai gia đình ổn định cuộc sống mới của họ với sự trao đổi trong đó gia đình Palmers dùng những ngày của họ để chuyên môn hóa trong việc thu thập nước và gia đình Fishers dùng những ngày của họ để đánh cá. Họ sống sót và quyết định ở lại trên đảo và xây đựng gia đình họ ở đó. Một ngày kia một việc xẩy ra có lợi cho một gia đình và tai hại cho gia đình kia. Trong những trường hợp sau đây, trường hợp nào bạn có thể dung thứ và trường hợp nào bạn sẽ xét xử và ngăn chặn nếu bạn là người cai trị hòn đảo:

  • Một ngày kia, một người đánh cá khát nước xuất hiện trên đảo. Anh ta có hàng tá cá trong thuyền của anh. Anh rất nồng nhiệt trao đổi nhiều cá với gia đình Palmers cho một vỏ dừa đầy nước để giải khát trên đường về nhà. Anh ta hứa sẽ trở lại ngày hôm sau, và ngày sau nữa để tiếp tục trao đổi. Gia đình Fishers rất chán nản. Kỹ năng của họ ít được đòi hỏi hơn trước.
  • Một ngày kia, một gia đình mới bị đắm thuyền lên trên đảo. Gia đình này giỏi gấp hai gia đình Fishers về cả đánh cá lẫn lấy nước. Gia đình Fishers rất chán nản. Kỹ năng của họ ít được đòi hỏi hơn trước.
  • Một ngày kia, gia đình Palmers khám phá ra một vịnh nước nhỏ trên đảo nơi mà đánh bắt cá dễ dàng hơn nhiều. Bạn chỉ cần xuống và nhặt cá. Gia đình Fishers rất chán nản. Kỹ năng của họ ít được đòi hỏi hơn trước.
  • Một ngày kia, gia đình Palmers tìm ra cách để đan lưới. Lưới giúp họ bắt được nhiều cá như họ muốn.  Gia đình Fishers rất chán nản. Kỹ năng của họ ít được đòi hỏi hơn trước.

Nếu bạn cai quản hòn đảo này, bạn có muốn can dự vào những thay đổi làm thiệt hại tới gia đình Fishers không? Bạn có ngăn cấm nhập cảng cá không? Bạn có cấm cản những di dân đánh cá không? Bạn có rào chặn vịnh nước nhỏ ấy lại hay phá hủy lưới cá? Có thể bạn cũng muốn biết sự suy sụp của gia đình Fishers là tạm thời hay vĩnh viễn. Nhưng có lý lẽ nào đó để xét 2 trường hợp đầu liên quan đến trao đổi khác với 2 trường hợp sau có liên hệ tới sự gia tăng hiệu quả do vịnh nước nhỏ hay lưới cá không?

Hệ thống chính trị của chúng ta xem những trường hợp ấy rất khác nhau. Quốc hội sẽ không bảo trợ hãng Chrysler nếu hãng Ford khám phá phương thức tốt hơn để sản xuất những xe rẻ hơn và tốt hơn. Nhưng quốc hội có thể bảo trợ Chrysler nếu Honda sản xuất được xe rẻ hơn và tốt hơn. Có sự khác biệt cơ bản nào giữa hai thí dụ này không? Những xe rẻ hơn, dù từ Ford hay Honda, rốt cuộc đã làm cho Hoa Kỳ thành quốc gia giầu có hơn mặc dầu không phải mọi người Mỹ sẽ được ích lợi ngay lập tức.

Ngay cả gia đình Fishers có thể được lợi ích từ sự thay đổi kinh tế. Sự thay đổi này tạo cơ hội cho gia đình Fishers tách ra khỏi nghề đánh cá và làm việc khác hiệu quả hơn. Cuộc sống không chỉ có cá và nước. Và gia đình Fishers có tay nghề khác ngoài nghề đánh cá. Họ chọn nghề đánh cá bởi vì tại thời điểm đó, nghề đánh cá đã là một hoạt động hữu hiệu nhất cho họ. Nhưng họ có thể làm những việc khác nữa. Bây giờ sẵn có cá rẻ, làm việc nào khác là sử dụng tốt nhất thời giờ của gia đình Fishers. Và nếu gia đình Fishers đáp ứng với sự thay đổi trên đảo một cách khó khăn, con cái họ chắc chắn sẽ có nhiều chọn lựa hơn.

Không có sự gia tăng về hiệu quả hay cơ hội để trao đổi ngoài hai gia đình, gia đình Palmers và gia đình Fishers sẽ luôn luôn chỉ sống vừa đủ để sống còn. Nhưng nếu các gia đình trên đảo bây giờ có thể kiếm được cá dễ dàng hơn, lúc ấy gia đình Fishers và con cái họ có thể dùng thời giờ của họ để làm những vật dụng khác làm phong phú đời sống của họ và những đời sống của những người chung quanh họ. Gia đình Palmers sẽ có khả năng trả cho những vật dụng ấy vì bây giờ cá rẻ hơn.

Đây là câu chuyện về đời sống kinh tế Hoa kỳ trong thế kỷ 20. Sự cải tiến và gia tăng mậu dịch làm giảm thiểu số người Mỹ cần thiết để sản xuất những sản phẩm mà chúng ta muốn. Tuy vậy số lượng việc làm không giảm thiểu. Số lượng việc làm tăng trưởng vững chắc theo dân số và lòng ham muốn làm việc. Trong khi sự cải tiến và mậu dịch làm giảm số lượng công nhân làm việc trong nông nghiệp hay kỹ nghệ, nó cũng dành ra tư bản và nhân lực để chế tạo những vật dụng khác, Những vật dụng như thuốc kháng sinh, iPods, điện thoại di động, van tim [nhân tạo], những máy MRI và những máy truyền hình màn ảnh mỏng là những thứ mà chúng ta sẽ chẳng thể có được, nếu chúng ta sống trong một thế giới “tĩnh,” không mậu dịch. Ta cũng sẽ không thể có được từ những vật tầm thường đến những vật phi thường, từ những vật để giải trí đến những thứ làm tăng tuổi thọ. Kỹ năng của chúng ta và kỹ năng của thế hệ sau có thể dẫn tới sự sáng tạo và sản xuất những vật dụng ấy.

Không phải mọi việc chúng ta làm tốt đều đáng cho ta làm. Và ngay cả những việc đáng cho ta làm ngày hôm nay chưa chắc đã đáng làm trong ngày mai. Tự cung ứng là con đường dẫn tới nghèo khó. Cải tiến và trao đổi là con đường tới thịnh vượng.

 

Russell Roberts

4/12/2006

© Học Viện Công Dân 2008

Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2006/Robertsstandardofliving.html

Library of Economics and Liberty