fbpx

Những Bài Diễn Văn Kinh Điển

Diễn văn Cuối cùng của Mục sư Martin Luther King: Tôi Đã Lên Tới Đỉnh núi

MEMPHIS, Tenn., ngày 3 tháng Tư, 1968

LGT. Mục sư Martin Luther King đọc bài diễn văn này vào ngày 3 tháng Tư, thì vào ngày 4 tháng Tư ông bị James Earl Ray ám sát.

Cám ơn những người bạn chân thành của tôi. Khi tôi nghe Ralph Abernathy giới thiệu tôi bằng những lời lẽ hùng hồn và ca ngợi không hết lời, tôi không biết anh ấy đang nói về ai. Thật ra có được người bạn chí cốt đồng thời cũng là cộng tác viên nói những điều tốt về mình, thì quả là tốt thật. Ralph Abenathy là người bạn tốt nhất tôi có được trên thế giới này. Tôi rất vui mừng được gặp mỗi quý vị trong đêm nay mặc dù có cảnh báo về một cơn bão đang kéo tới [Sự hiện diện của quý vị] cho thấy quyết tâm tham dự buổi gặp  mặt này của quý vị, dù thế nào đi chăng nữa.

Có một điều gì đó đang xảy ra tại Memphis; một điều gì đó đang xảy ra trên thế giới. Và quý vị biết đó, nếu tôi được đứng ngay tại điểm mốc khởi đầu của dòng thời gian, cùng với khả năng có được một cái nhìn tổng quát và toàn cảnh của lịch sử nhân loại từ bấy tới nay, và Thượng đế bảo tôi rằng: “Martin Luther King, con muốn sống trong thời đại nào?” Tôi sẽ cất cánh bay trong tâm tưởng từ Ai-cập và tôi sẽ nhìn thấy những người con của Thượng đế trên cuộc hành trình cao cả từ những tù ngục tối tăm của Ai-cập đi qua, hay phải nói cho đúng là vượt qua Hồng Hải, qua những hoang mạc để tiến về Đất Hứa. Và dù [cuộc hành trình đó] có huy hoàng đến thế nào, tôi sẽ không dừng ở đó.

Tôi sẽ tiếp tục đi đến Hy-lạp và đưa tâm trí tôi tới đỉnh núi Olympus. Và tôi sẽ được gặp Plato. Aristotle, Socrates, Euripides và Aristophanes đang tụ họp tại điện Parthenon. Và tôi sẽ dõi theo họ chung quanh điện Parthenon khi họ bàn về những vấn đề vĩ đại và vĩnh cửu của thực tại. Nhưng tôi sẽ không dừng ở đó đâu.

Tôi sẽ tiếp tục, ngay cả đến những ngày hoàng kim vĩ đại của Đế quốc La-mã. Và tôi sẽ thấy những sự phát triển ở đó, do những đại đế và những nhà lãnh đạo khác nhau thực hiện. Nhưng tôi sẽ không dừng ở đó đâu.

Tôi sẽ đi đến ngày của thời kỳ Phục hưng, và thật nhanh tìm hình ảnh của tất cả những điều thuộc thời đại Phục hưng, những điều đã đóng góp vào [sự phát triển] của đời sống văn hoá và mỹ thuật của loài người. Nhưng tôi sẽ không dừng ở đó.

Tôi sẽ đi trên con đường tới nhà một người mà tôi được đặt tên theo chỗ ở của ông. Và tôi sẽ quan sát Martin Luther khi ông đóng 95 luận đề lên cửa nhà thờ ở Wittenberg. Nhưng tôi sẽ không dừng ở đó. Tôi sẽ đi đến năm 1863, và quan sát một vị Tổng thống còn đang lưỡng lự, [vị tổng thống này tên là] Abraham Lincoln, cuối cùng đi tới một sự kết luận rằng ông phải ký Bản Tuyên ngôn Giải phóng [nô lệ]. Nhưng tôi sẽ không dừng ở đó.

Tôi sẽ đi đến những năm đầu của thập niên 1930, và quan sát một người đang phải vật lộn với những vấn nạn đang đưa đến sự phá sản cùa quốc gia. Và ông đã hùng hồn kêu gọi rằng chúng ta chẳng có điều gì phải sợ, “ngoại trừ chính cái sợ.” Nhưng tôi sẽ không dừng ở đó. Điều kỳ lạ thay là tôi sẽ hỏi đấng Toàn năng, “Nếu Ngài cho phép con được sống thêm một vài năm nữa trong hậu bán thế kỷ 20, con sẽ rất hạnh phúc.”

Câu nói này có vẻ lạ, bởi vì thế giới đã bị đảo lộn và trở thành nhếch nhác. Đất nước của chúng ta đang mắc bệnh. Tình trạng bất an, hỗn loạn xảy ra chung quanh ta. Lời phát biểu này có vẻ lạ. Nhưng tôi biết, vì một lý do nào đó, chỉ khi nào bầu trời trở nên tối đen, lúc đó ta mới thấy được những vì sao. Và tôi thấy Thượng đế đang vận hành trong thời kỳ này của thế kỷ hai mươi một cách lạ lùng, qua đó con người đang đáp ứng trước công việc của ngài. Một điều gì đó đang xảy ra trong thế giới của chúng ta. Những khối người đông đảo đang trỗi dậy. Và bất kỳ nơi nào họ tụ họp lại hôm nay, dù đó là ở Johannesburg, Nam Phi; Nairobi, Kenya; Accra, Ghana; Thành phố New York; Atlanta, Georgia; Jackson, Mississippi; hay Memphis, Tennessee — tiếng thét gào luôn luôn giống nhau: “Chúng tôi muốn được tự do.”

Một lý do khác nữa mà tôi thấy hạnh phúc được sống trong thời kỳ này là chúng ta đã bị đẩy tới điểm phải đấu tranh với những vấn nạn mà con người đã và đang vật lộn trong suốt lịch sử, nhưng những sự đòi hỏi đó không buộc họ phải giải quyết. Nhu cầu sinh tồn buộc chúng ta phải giải quyết những vấn nạn này. Con người, hàng bao năm nay, đã và đang nói về chiến tranh và hòa bình. Nhưng đến nay, họ không thể chỉ nói suông. Đó không còn là một sự lựa chọn giữa bạo động và bất bạo động trong thế giới này nữa; đó là phi bạo động hay phi hiện hữu. Đó là nơi chúng ta đang có mặt hôm nay.

Và cũng trong cuộc cách mạng nhân quyền, nếu điều nào đó không được thực hiện cấp tốc, để đưa những dân tộc da màu trên thế giới ra khỏi những năm dài của nghèo đói, những năm dài của tổn thương và quên lãng, thì cả thế giới này sẽ bị diệt vong. Hôm nay, tôi cảm thấy sung sướng vì Thượng đế đã cho tôi được sống trong thời đại này và nhìn thấy những điều đang xảy ra. Và tôi cảm thấy hạnh phúc vì Ngài cho tôi có mặt ở Memphis.

Tôi có thể nhớ—Tôi có thể nhớ cái lúc mà những người Da đen, như Ralph đã thường nói, gãi những chỗ họ không ngứa, và cười dù không bị cù cho nhột. Nhưng cái ngày đó đã qua rồi. Ngày nay chúng ta nghiêm túc đặt vấn đề, và chúng ta cương quyết giành lấy vị trí đúng đắn của mình trong thế giới của Thượng đế.

Và đó là [ý nghĩa của] toàn bộ vấn đề. Chúng ta không tham dự vào sự phản kháng tiêu cực trong bất kỳ sự tranh luận có tính chất tiêu cực nào với bất cứ ai. Chúng ta chỉ nói rằng chúng ta cương quyết để trở thành những con người. Chúng ta nói rằng chúng ta là con của Thượng đế, và vì chúng ta là con của Thượng đế, chúng ta không phải sống cuộc đời mà ta đã bị bắt buộc.

Tất cả những điều này có nghĩa gì trong thời kỳ vĩ đại này của lịch sử? Điều này có nghĩa là chúng ta phải chung lưng với nhau và giữ vững sự đoàn kết. Quý vị có biết không, khi Pharaoh, vua Ai-cập muốn kéo dài thời kỳ nô lệ ỡ Ai-cập, ông ta rất thích dùng một cái chước để giữ tình trạng này. Chước này như thế nào? Ông ta khiến cho những người nô lệ đấu đá với nhau. Nhưng khi nào mà những người nô lệ kết hợp với nhau, có điều gì đó xảy ra tại triều đình của Pharaoh, và ông ta không thể giữ những người nô lệ trong tình trạng này. Khi những người nô lệ kết hợp lại, đó là sự khởi đầu của sự thoát ly kiếp nô lệ. Chúng ta hãy giữ sự đoàn kết này.

Thứ hai, chúng ta hãy phơi bày những vấn nạn này ở vị trí hiện tại của chúng. Vấn nạn này là sự bất công. Vấn nạn này là sự cự tuyệt của thành phố Memphis trong việc đối xử công bằng và thẳng thắn với những công bộc của thành phố, những công bộc này là những nhân viên vệ sinh. Bây giờ, chúng ta phải chú tâm vào vấn đề này. Đó luôn luôn là một vấn đề chỉ dính dáng chút ít tới bạo lực. Các bạn biết điều gì đã xảy ra trong ngày đó, và báo chí chỉ loan tin về những vụ ném vỡ cửa kính. Tôi đã đọc những bài báo đó. Rất ít khi họ nhắc đến sự thật là một ngàn ba trăm nhân viên vệ sinh của thành phố đã đình công, và thành phố Memphis đã đối xử không công bằng với họ, và Thị trưởng Loeb thực sự cần có một bác sĩ chăm sóc.[1] Những bài báo này chẳng đả động gì đến vấn đề đó cả.

Bây giờ, một lần nữa, chúng ta sẽ đi biểu tình tuần hành, và chúng ta phải đi thêm một lần nữa, để đặt vấn đề vào đúng vị trí của nó—và buộc mọi người phải thấy rằng đang có một ngàn ba trăm người con của Thượng đế đang chịu đau khổ nơi đây, đôi khi chịu đói khát, đi trong đêm tăm ảm đạm và tự hỏi sự việc này rồi sẽ ra sao. Đó chính là vấn nạn. Và ta phải nói với cả nước: Chúng tôi biết kết quả sẽ như thế nào. Vì khi con người dần dần [nhận thức] được điều gì là đúng và sẵn sàng hy sinh cho điều đó, thì không có điểm dừng lại nào ngoại trừ sự chiến thắng. Chúng ta sẽ không để cho bất cứ sự tấn công bằng gậy gộc [dùi cui] nào khiến ta phải dừng lại. Chúng ta là những người chủ động của phong trào bất bạo động để tước bỏ vũ khí của lực lượng cảnh sát; họ [thực sự] không biết phải làm gì. Tôi đã thấy họ quá nhiều lần. Tôi nhớ lúc ở Birmingham, Alabama, khi chúng tôi tham gia vào cuộc đấu tranh cao cả ở đó, chúng tôi từ nhà thờ Baptist trên đường 16 xuống đường, từ ngày này sang ngày khác; cả hàng trăm người. Và Bull Connor[2] ra lệnh cho cảnh sát thả chó săn ra, và chó săn được thả ra; nhưng chúng tôi cứ bước tới trước đàn chó, và hát vang: “Không để bất cứ kẻ nào làm xoay bước.”

Bull Connor sẽ tiếp tục nói, “Mở vòi rồng xịt nước ra.” Và như tôi đã nói với anh em đêm hôm kia, Bull Connor chẳng biết gì về lịch sử cả. Ông ta chỉ biết một loại vật lý học mà vì lý do nào đó không hiểu được cõi vật lý-siêu hình học mà ta biết. Và đó là một sự thật là có một loại lửa mà không có một thứ nước nào có thể dập tắt được. Và chúng tôi đã bước tới trước những vòi rồng; Chúng tôi đã hiểu được nước. Nếu chúng ta là những người theo Baptist hay những hệ phái khác, chúng ta đã được trầm mình trong dòng nước đó [khi rửa tội]. Nếu ta là những người theo Methodist, và một vài hệ phái khác, chúng ta đã được vẩy nước rửa tội, [dù gì đi nữa] chúng ta biết nước là như thế nào. Vòi rồng không thể ngăn bước chúng tôi.

Và chúng tôi tiếp tục bước tới trước đàn chó và nhìn chúng; và chúng tôi tiếp tục bước trước vòi rồng và nhìn chúng, và chúng tôi tiếp tục hát vang “Ở trên đầu tôi thấy tự do trong không gian.” Và rồi họ sẽ tống chúng tôi vào những chiếc xe chở tù nhân, và đôi khi chúng tôi bị lèn như cá hộp. [Sau khi] chúng tôi bị tống vào xe tù, ông Bull sẽ nói, “Chở chúng đi,” và cảnh sát chở chúng tôi đi; chúng tôi bước lên xe tù nhưng vẫn cất tiếng hát “Chúng tôi sẽ chiến thắng.”[3]

Và thỉnh thoảng chúng tôi bị đưa vào tù, và chúng tôi thấy qua cửa sổ những viên chức gác tù, được những lời cầu nguyện, những lời nói và những bài hát của chúng tôi làm cảm động. Và có một quyền lực [hiện hữu] ở đó mà ông Connor Trâu điên không thể ứng phó được; và chúng tôi, rốt cục, chuyển hoá con trâu điên thành con nghé, và chúng tôi chiến thắng trong cuộc đấu tranh tại Birmingham. Bây giờ chúng ta phải tiếp tục đi tới Memphis cũng theo cách thức đó. Tôi kêu gọi quý anh em đi cùng khi chúng tôi khởi hành ngày thứ Hai.

Bây giờ nói đến những lệnh cấm. Chúng tôi bị một lệnh cấm và chúng tôi sẽ ra toà vào sáng ngày mai để chống lại cái lệnh bất hợp pháp và vi hiến này. Tất cả những điều chúng ta cần nói với nước Mỹ là, “Hãy làm đúng những gì mà nước Mỹ đã viết lên trên giấy.” Nếu tôi sống ở Trung Hoa hay ở Nga, hay ở bất kỳ một nước độc tài nào đó, có thể tôi sẽ hiểu được một vài lệnh cấm bất hợp pháp này. Có thể tôi hiểu được sự từ chối [không thi hành] một số đặc quyền cơ bản của Tu chính Thứ nhất, bởi vì những đặc quyền này chưa được áp dụng tại những nước đó.

Nhưng tôi đọc được, ở đâu đó, về quyền tự do hội họp. Tôi đọc được, ở đâu đó, về quyền tự do ngôn luận. Tôi đọc được, ở đâu đó, về quyền tự do báo chí. Tôi đọc được, ở đâu đó, rằng sự vĩ đại của nước Mỹ là [người dân có] cái quyền phản kháng [sự vi phạm] quyền của mình. Và như thế, như tôi vẫn nói, chúng tôi sẽ không để cho đàn chó hay vòi rồng làm chúng tôi phải xoay bước, chúng tôi sẽ không để cho bất kỳ lệnh cấm nào làm xoay bước. Chúng tôi tiếp tục tiến bước.

Chúng tôi cần tất cả anh em. Và quý anh em có biết là, đối với tôi, điều đẹp đẽ là nhìn thấy tất cả những mục sư của Phúc âm. Đây là một bức tranh tuyệt diệu. Có ai có khả năng diễn tả những sự mong đợi và khát vọng của người dân hay hơn những vị mục sư? Bằng một cách nào đó, vị mục sư phải có một ngọn lửa cháy âm ỉ trong lòng. Và khi sự bất công xảy ra, vị mục sư cất tiếng nói. Bằng một cách nào đó vị mục sư phải là một Amos,[4] và nói “Khi Thượng đế đã phán dạy, thì ai mà chẳng nói tiên tri?” Cũng theo Amos, “Hãy để sự công bình chảy xuống như nước và sự chánh trực như sông lớn cuồn cuộn.” Bằng một cách nào đó, vị mục sư phải nói như đức Jesus, “Thánh linh của Thượng đế ngự trên ta, vì ngài đã xức dầu cho ta, để giảng tin lành cho kẻ khiêm hoà.”

Và tôi muốn ca ngợi những vị mục sư, dưới sự lãnh đạo của những con người cao thượng này như James Lawson, người đã dấn thân trong cuộc đấu tranh này trong nhiều năm; ông ấy đã bị tù tội vì đấu tranh; ông ấy đã bị trục xuất khỏi Đại học Vanderbilt vì đấu tranh, nhưng ông ấy vẫn tiếp tục đấu tranh cho quyền của đồng bào ông. Mục sư Ralph Jackson, Billy Kiles; tôi còn có thể kể tên nhiều người khác nữa nhưng thời giờ không cho phép.

Nhưng tôi muốn cám ơn tất cả những mục sư này. Và tôi muốn các anh em cũng cám ơn họ, vì điều rất thường xảy ra là những mục sư chẳng quan tâm đến điều gì cả ngoại trừ chính họ. Và tôi luôn luôn vui sướng khi gặp đoàn mục sư đúng nghĩa.

Nói về “chiếc áo choàng trắng ở bên kia,” cùng với tất cả biểu tượng của cụm từ này,[5] thì cũng được thôi. Nhưng rút cục người ta vẫn muốn có quần áo và giày vớ đẹp đẽ để mặc dưới đất. Nói về “những con đường chảy đầy sữa và mật,”[6] thì cũng được thôi, nhưng Thượng đế đã ra lệnh cho chúng ta phải quan tâm đến những khu ổ chuột trên đất, và những con cái của Ngài chưa có thể có đủ ba bữa ăn một ngày. Nói về một thành Jerusalem mới thì cũng được thôi, nhưng một ngày, mục sư  của Thượng đế phải nói về thành phố New York mới, thành phố Atlanta mới, thành phố Philadelphia mới, thành phố Los Angeles mới, thành phố Memphis mới. Đó là điều chúng ta phải làm.

Còn một điều khác mà chúng ta sẽ phải làm; đó là: Luôn luôn thả neo để giữ vững hành động trực tiếp[7] đối ngoại với sự thu hồi sức mạnh kinh tế. Hiện nay, chúng ta là những người nghèo khó. Từng người một, chúng ta là người nghèo khi so sánh với xã hội da trắng của nước Mỹ. Chúng ta là những người nghèo. Đừng bao giờ ngưng lại và quên rằng là một tập thể—có nghĩa là tất cả chúng ta hợp lại—tập thể của chúng ta giàu có hơn tất cả những nước trên thế giới, ngoại trừ 9 nước. Các bạn có bao giờ nghĩ như vậy chưa?

Nếu ta không tính các nước Mỹ, Nga, Anh quốc, Tây Đức, Pháp, và tôi có thể kể thêm vài nước nữa, tập thể người Mỹ da đen giàu có hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới. Chúng ta có một lợi tức hàng năm lên đến hơn 30 tỷ đô-la, con số này còn cao hơn số tiền xuất cảng hàng hoá của cả nước Mỹ, và nhiều hơn ngân sách của Canada. Các bạn có biết việc này không? Sức mạnh nằm ở ngay chỗ đó, nếu ta biết cách gom góp lại.

Chúng ta không cần phải tranh luận với ai hết. Chúng ta không cần phải nguyền rủa, và đi vòng vòng dùng những lời xấu xa để chửi bới. Chúng ta không cần những viên gạch và vỏ chai. Chúng ta không cần những chai bom xăng Molotov. Chúng ta cần đi tới những cửa hàng, và tới những nhà máy công nghiệp đồ sộ của đất nước chúng ta, và nói, “Thượng đế phái chúng tôi tới đây, để nói với các anh là các anh đang đối xử không phải với con cái của Ngài. Và chúng tôi tới đây để yêu cầu các anh đặt sự đối xử công bình với con cái của Ngài là điều khoản đầu tiên trong chương trình [hành động] của các anh. Nay, nếu các anh chưa sẵn lòng làm việc đó, chúng tôi có một chương trình mà chúng tôi sẽ thực hiện. Và chương trình của chúng tôi là thu hồi, không yểm trợ các anh về kinh tế nữa.”

Và như vậy, và là kết quả của sự việc này, chúng tôi yêu cầu các anh em tối hôm nay, hãy đi ra và nói với hàng xóm của anh em là không mua Coca-Cola ở Memphis nữa. Hãy đi và bảo với họ đừng mua sữa Sealtest nữa. Bảo họ đừng mua bánh mì—hiệu gì nhỉ?—hiệu Wonder nữa. Và những hiệu bánh mì khác, như Jesse? Bảo họ đừng mua bánh mì hiệu Hart nữa. Như Jesse Jackson đã nói, cho đến tận giờ này, chỉ có những nhân viên đổ rác đang cảm nhận nỗi đau; bây giờ chúng ta phải tìm cách tái phân phối nỗi đau.

Chúng ta chọn những công ty này vì họ đã đối xử không công bằng trong chính sách thuê mướn nhân công; và chúng ta chọn họ vì họ có thể khởi đầu tiến trình bằng cách nói rằng họ sẽ ủng hộ các nhu cầu và quyền của những công nhân đang đình công. Và sau đó, họ có thể đi vào trung tâm thành phố và bảo Thị trưởng Loeb hãy làm điều phải.

Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn phải củng cố những định chế của người da đen. Tôi kêu gọi quý anh em hãy rút tiền ra khỏi những ngân hàng ở trong phố và gửi tiền của anh em vào Ngân hàng Tri-State.[8] Chúng ta cần một phong trào “gửi tiền” vào nhà băng ở Memphis. Hãy đi tới những tổ chức tiết kiệm và cho vay. Tôi không yêu cầu anh em làm những gì mà tự chúng tôi không làm ở Hội nghị Lãnh đạo Ki-tô giáo miền Nam (SCLC).[9] Chánh án Hooks và những người khác sẽ cho anh em biết là chúng tôi có trương mục trong tổ chức tiết kiệm và cho vay của Hội nghị Lãnh đạo Ki-tô giáo miền Nam.

Chúng tôi kêu gọi anh em làm theo những gì chúng tôi đang làm. Hãy gửi tiền vào những ngân hàng đó. Anh em có sáu hay bảy công ty bảo hiểm của người da đen ngay tại thành phố Memphis. Hãy mua bảo hiểm ở đó. Chúng ta muốn có một phong trào mua bảo hiểm của người da đen.

Đó là những điều thực tiễn mà chúng ta có thể làm. Chúng ta bắt đầu một tiến trình xây dựng một cơ sở kinh tế lớn lao hơn. Và cùng một lúc, chúng ta tạo áp lực tại những điểm yếu, nơi [đối phương] dễ bị tổn thương. Tôi yêu cầu anh em tiếp tục thực hiện cho xong.

Bây giờ, trước khi kết luận, anh em hãy nghe tôi nói là chúng ta phải hiến thân cho cuộc đấu tranh này cho đến đoạn kết.

Không có điều gì thê thảm hơn là dừng lại vào thời điểm này tại Memphis. Chúng ta phải đi đến cùng. Và khi chúng ta bắt đầu anh em cần có mặt trong cuộc tuần hành này. Nếu điều đó khiến anh em phải nghỉ việc, nghỉ học, thì anh em cũng phải nghỉ việc, nghỉ học và có mặt. Hãy quan tâm tới người anh em của mình. Quý anh em có thể không tham gia đình công. Nhưng, hoặc là chúng ta cùng trỗi lên với nhau, hoặc là gục xuống cùng nhau.

Chúng ta hãy phát triển một tấm lòng vị tha có tính chất nguy hiểm. Một ngày kia có người đến với Chúa Jesus, và ông ta muốn đặt những câu hỏi về những vấn đề sinh tử của cuộc sống. Có những lúc ông ta muốn gài bẫy Jesus, và chứng tỏ là mình biết nhiều hơn đức Jesus và khiến ngài phải lúng túng…Câu hỏi đó rất dễ trở thành một đề tài tranh luận mang tính chất triết học và thần học. Nhưng Jesus, ngay lập tức đã kéo câu hỏi lửng lơ giữa trời đó và đặt nó vào một khúc quanh nguy hiểm giữa Jerusalem và Jericho. Và ngài nói về  một người bị kẻ cướp tấn công và bỏ mặc bên vệ đường. Anh em còn nhớ có người Levite và một tu sĩ đi ngang qua ở phía bên kia đường.

Họ không dừng lại để giúp người bị nạn đó. Và cuối cùng có một người thuộc giống dân khác đi qua. Người này bước xuống ngựa, quyết định không chỉ tỏ lòng lân mẫn qua hình thức. Người này ngồi xuống cùng với nạn nhân, băng bó, cấp cứu, và giúp cho người mắc nạn. Jesus cuối cùng nói rằng, đó là một người tốt, một người quá tốt, vì ông ta có khả năng để phóng chiếu cái “ta” vào cái “ngươi,” và quan tâm tới người anh em của mình.

Quý anh em cũng biết chúng ta dùng rất nhiều trí tưởng tượng của mình để tìm hiểu xem tại sao vị tu sĩ và người Levite không dừng lại. Có những lúc ta nói rằng họ bận phải đi tham dự một phiên họp của nhà thờ, và họ phải đi xuống Jerusalem để không bị trễ phiên họp. Có những lúc khác ta đoán rằng có một luật của tôn giáo nói rằng “Những ai tham gia vào những nghi lễ tôn giáo không được đụng tới thân thể một người nào khác 24 giờ trước khi hành lễ.” Và thỉnh thoảng ta bắt đầu tự hỏi có thể họ đi xuống Jerusalem—hay xuống Jericho, để tổ chức một “Hiệp hội Cải thiện con đường Jericho.”

Điều đó có thể xảy ra lắm. Có lẽ họ cảm thấy rằng tốt hơn là giải quyết vấn nạn từ gốc rễ, hơn là bị sa vào với một việc chỉ có ảnh hưởng cá nhân.

Nhưng tôi sẽ kể cho anh em nghe sự tưởng tượng của tôi về chuyện này như thế nào. Rất có thể là những người này sợ. Anh em có biết không, đường Jericho là một con đường nguy hiểm. Tôi nhớ khi tôi và vợ tôi lần đầu tiên đến Jerusalem. Chúng tôi mướn một chiếc xe và lái từ Jerusalem tới Jericho. Và ngay khi chúng tôi tới con đường này, tôi nói với vợ tôi rằng, “Anh có thể hiểu được tại sao Chúa Jesus dùng con đường này làm bối cảnh cho ngụ ngôn của ngài.” Đó là một con đường ngoằn ngèo, khúc khuỷu; rất dễ cho cuộc phục kích. Quý anh em khởi hành từ Jerusalem, vào khoảng 1200 dặm – hay nói khác đi là 1200 bộ[10] cao trên mặt nước biển. Và tới khi xuống tới Jericho, khoảng 15 hay 20 phút sau, ta ở khoảng 2200 bộ dưới mặt nước biển. Đó là một con đường hiểm nghèo. Trong thời của Chúa Jesus, đường này được mang tên là “Đường Máu.”

Và bạn biết không, có thể vị tu sĩ và người Levite nhìn thấy người bị nạn nằm trên đất và tự hỏi không biết là những tên cướp còn ở [đâu đó] chung quanh. Hay là rất có thể họ cảm thấy rằng cái người nằm trên mặt đất chỉ làm bộ bị thương, và anh ta đang đóng tuồng như bị cướp và đả thương, hầu giữ họ ở chỗ đó và dụ họ rơi vào bẫy để cướp. Và vì thế câu hỏi đầu tiên mà vị tu sĩ hỏi–cũng là câu người Levite hỏi, là “Nếu tôi dừng lại để giúp người này, điều gì sẽ xảy đến cho tôi?” Nhưng người Samari tốt lành đi qua; và ông ta đảo ngược câu hỏi: “Nếu tôi không dừng lại và giúp người này, điều gì sẽ xảy ra cho anh ta?” [chữ in nghiêng của người dịch để nhấn mạnh].

Đó cũng là câu hỏi được đặt trước anh em tối nay. Không phải, “Nếu tôi dừng lại để giúp những công nhân vệ sinh, điều gì sẽ xảy đến cho công việc của tôi?” Không phải, “Nếu tôi dừng lại để giúp những công nhân vệ sinh, điều gì sẽ xảy ra cho tất cả những thì giờ tôi thường dùng trong văn phòng mỗi ngày, và mỗi tuần trong cương vị mục sư?” Câu hỏi không phải là, “Nếu tôi dừng lại để giúp người đang cần sự giúp đỡ này, điều gì sẽ xảy ra cho tôi?” Câu hỏi là, “Nếu tôi không dừng lại để giúp những công nhân vệ sinh, điều gì sẽ xảy đến với họ?” Đó chính là câu hỏi.

Chúng ta hãy trỗi dậy tối hôm nay với sự sẵn sàng lớn hơn. Chúng ta hãy đứng với quyết tâm lớn hơn. Và chúng ta hãy tiến bước trong những ngày đầy sức mạnh, những ngày của thử thách để tạo nước Mỹ thành một quốc gia lẽ ra phải hiện hữu như đã được kiến tạo. Chúng ta có một cơ hội để biến nước Mỹ trở thành một quốc gia tốt đẹp hơn. Và tôi muốn cám ơn Thượng đế, thêm một lần nữa, đã cho tôi được có mặt ở đây với quý anh em. Anh em có biết không, vài năm trước, tôi có mặt ở thành phố New York, trong buổi giới thiệu cuốn sách đầu tiên do tôi viết, để ký những cuốn sách cho độc giả. Và khi tôi ngồi đó để ký sách, có một người đàn bà da đen bị tâm thần bước tới. Câu hỏi duy nhất tôi nghe bà ta nói là, “Ông có phải là Martin Luther King không?” Và tôi cúi xuống để ký cuốn sách và nói, “Vâng.” Giây phút kế tiếp tôi cảm thấy có cái gì đó đập vào ngực tôi. Trước khi tôi biết đó là cái gì, tôi đã bị người đàn bà này đâm vào ngực. Tôi được đưa ngay vào Bệnh viện Harlem. Lúc đó là một chiều thứ Bảy đen tối. Lưỡi dao đã đâm thấu ngực tôi, hình X-quang cho thấy mũi của lưỡi dao nằm kế bên động mạch chính. Và nếu động mạch chính bị chọc thủng, thì ta có thể chết đuối bởi máu của mình—đó là kết cục của đời mình.

Báo New York Times ngày hôm sau loan tin rằng, [sau khi bị đâm] nếu tôi chỉ hắt hơi thôi, tôi cũng có thể bị chết. Khoảng 4 ngày sau, họ cho phép tôi, sau khi được giải phẫu mổ banh lồng ngực và lấy lưỡi dao ra, được đi quanh bệnh viện trên xe lăn.

Họ cho tôi đọc một số thư gửi cho tôi từ tất cả các tiểu bang và trên thế giới, những lá thư tử tế gửi về. Tôi đọc một vài lá thư, nhưng có một bức thư tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi đã nhận được điện tín của Tổng thống và Phó Tổng thống. Tôi đã quên hết những điện tín này nói gì. Thống đốc bang New York gửi thư và tới thăm tôi, nhưng tôi cũng quên lá thư nói gì. Nhưng có một lá thư khác của một bé gái, học sinh tại trường Trung học White Plains. Tôi đọc lá thư đó, và tôi sẽ chẳng bao giờ quên được. Lá thư chỉ nói đơn giản thế này,

“Tiến sĩ King quý mến. Cháu đang học lớp 9 tại trường Trung học White Plains.”

Và cô bé viết tiếp,

“Dù sự kiện này chẳng đáng nhắc tới, cháu muốn nói rằng cháu là một cô gái da trắng. Cháu được đọc trên báo về sự rủi ro, và tai nạn Mục sư phải gánh chịu. Và cháu đọc rằng nếu Mục sư hắt hơi, thì có thể bị chết. Cháu viết thư này chỉ để nói rằng cháu rất sung sướng vì Mục sư đã không hắt hơi.”

Và tôi muốn nói tối hôm nay—tôi muốn nói tối nay rằng tôi quá sung sướng vì đã không hắt hơi. Vì nếu tôi hắt hơi, tôi sẽ không có mặt trên cõi đời này năm 1960, khi học sinh tại tất cả miền Nam bắt đầu toạ kháng tại những quầy ăn trưa. Và tôi biết rằng khi họ đang ngồi toạ-kháng, họ đang thực sự đứng dậy cho điều tốt đẹp nhất của giấc mộng Hoa Kỳ, và đưa cả nước trở lại giếng nước vĩ đại của dân chủ, giếng nước đã được những Nhà Khai quốc đào mạch sâu xa trong Bản Tuyên ngôn Độc lập và Bản Hiến pháp.

Nếu tôi đã hắt hơi,tôi sẽ không hiện diện năm 1961, khi chúng tôi quyết định đi trên chuyến xe tự do và chấm dứt chính sách phân chủng trong những chuyến xe liên tiểu bang.

Nếu tôi đã hắt hơi, tôi sẽ không hiện diện ở đây năm 1962, khi người Da đen ở Albany, bang Georgia quyết định đứng thẳng lưng. Và khi người ta đứng thẳng lưng, họ sẽ đi tới, vì người khác không thể cỡi trên lưng của ta ngoại trừ khi ta chịu cong lưng.

Tôi đã không hắt hơi—nếu tôi đã hắt hơi, tôi sẽ không có mặt ở đây năm 1963, khi những người da đen tại Birmingham, bang Alabama, dấy động lương tâm của cả nước, và đưa đến sự hình thành Đạo luật Dân Quyền.

Nếu tôi đã hắt hơi, tôi sẽ không có cơ hội cũng trong năm đó, vào tháng Tám, để nói với nước Mỹ về giấc mơ của tôi.

Nếu tôi đã hắt hơi, tôi sẽ không có mặt ở Selma, Alabama để thấy Phong trào vĩ đại ở đó.

Nếu tôi đã hắt hơi, tôi sẽ không có mặt ở Memphis để thấy một cộng đồng tập hợp lại chung quanh những người anh em của mình đang chịu đau khổ.

Tôi quá sung sướng vì tôi đã không hắt hơi.

Và họ đang nói với tôi—Giờ đây, điều đó không còn nghĩa lý gì nữa. Với điều đang xảy ra, chuyện xưa không còn đáng quan tâm nữa. Tôi rời khỏi Atlanta sáng nay, và khi chúng tôi lên máy bay, đoàn chúng tôi có 6 người.

Viên phi công nói qua hệ thống loa trên máy bay, “Chúng tôi rất tiếc vì chuyến bay bị trễ, nhưng chúng ta có Tiến sĩ Martin Luther King đi trên chuyến bay này. Và để bảo đảm mọi hành lý được kiểm soát, và không có điều gì trục trặc với chiếc máy bay, chúng tôi phải kiểm tra mọi thứ rất cẩn thận. Và chúng tôi đã bảo vệ và canh phòng chiếc máy bay cả đêm.”

Và rồi tôi đến Memphis. Một số bắt đầu nói về những sự đe doạ, hay những sự đe doạ đã xảy ra. Những gì sẽ xảy đến cho tôi vì một vài anh em da trắng bệnh hoạn nào đó?

Dù gì đi nữa, tôi không biết việc gì sẽ xảy ra. Chúng tôi đã có những ngày khó khăn trước mắt. Nhưng thực sự đối với tôi, điều đó chẳng làm tôi bận tâm nữa, bởi vì tôi đã lên tới đỉnh núi cao. Và tôi không quan tâm nữa.

Giống như mọi người, tôi muốn được sống lâu. Tuổi thọ có vị trí của nó. Nhưng tôi chẳng quan tâm đến điều đó bây giờ. Tôi chỉ muốn thực hiện ý muốn của Thượng đế. Và Ngài đã cho phép tôi lên trên đỉnh núi. Và tôi đã nhìn thấy toàn cảnh. Và tôi đã thấy Đất Hứa. Tôi có thể không đi cùng anh em tới đó. Nhưng tôi muốn anh em biết tối hôm nay rằng, chúng ta, như một dân tộc, sẽ tới được miền Đất Hứa!

Tối hôm nay, tôi quá vui sướng,

Tôi không lo lắng về bất cứ điều gì.

Tôi không sợ bất kỳ ai.

Đôi mắt tôi đã thấy sự vinh quang của ngày Chúa đến.

——

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, Aug 2018

Nguồn: http://abcnews.go.com/Politics/martin-luther-kings-final-speech-ive-mountaintop-full/story?id=18872817

[1] MLK ám chỉ Thị trưởng Loeb là một người bệnh hoạn.

[2] Theophilus Eugene  Connor (hỗn danh là Connor Trâu điên) được bầu làm Ủy viên An ninh Công cộng của thành phố Birmingham, Alabama vào thập niên 1960 khi cuộc đấu tranh cho dân quyền của dân da màu bùng nổ.

[3] Bài hát có tựa đề “We shall overcome,” được coi như một hành khúc của phong trào đấu tranh cho dân quyền trong thập niên 1960 tại Mỹ.

[4] Amos, một trong 12 tiên tri trong Kinh thánh Cựu ước.

[5] MLK dùng câu này trong Kinh thánh Hebrew để khẳng định rằng Thiên Chúa giáo không phải chỉ là phần thưởng trên thiên đàng, mà còn là những gì đang xảy ra trên trần thế.

[6] Kinh thánh, Exodus 3:78.

[7] Hành động trực tiếp (Direct action) là một chiến thuật bất bạo động bao gồm các hoạt động chính trị và kinh tế nhằm tạo áp lực trực tiếp và buộc chính quyền đàn áp phải đối thoại, hay công khai hóa những sự bất công trong xã hội. Hành động trực tiếp là một hình thức của dân sự bất phục tùng và cố ý phạm luật để bị bắt và qua đó đưa ra thông điệp đấu tranh. Hành động trực tiếp là những hành động do những người đấu tranh tiến hành mà không thông qua những định chế xã hội như chính quyền, tôn giáo, hay công đoàn.

[8] Ngân hàng Tri-State ở Memphis là ngân hàng do người da đen làm chủ, đi tiên phong trong việc cho người da đen vay tiền để mua nhà mà không cần phải có sự giới thiệu. Ngân hàng này cũng tích cực yểm trợ phong trào đấu tranh cho dân quyền trong thập niên 1950 và 1960. Nhiều cuộc họp chuẩn bị cho những cuộc biểu tình toạ kháng được tổ chức tại phòng họp của ngân hàng. Khu vực Tri-State (3 tiểu bang giáp ranh) gồm có Tennessee, Mississippi, và Arkansas.

[9] Southern Christian Leadership Conference

[10] Bộ (foot/feet = khoảng 30 cm).