fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Điều gì đưa đến sự ra đời của Magna Carta? Chiến tranh và Thuế má

Lawrence W. Reed

Ngày 15 tháng Sáu năm 2015 đánh dấu 800 năm từ cái ngày định mạng bên bờ sông Thames, tại nơi chỉ cách trung tâm London  20 dặm về hướng tây. Đây là dịp tốt để ghi nhận những ngày kỷ niệm như thế; những ngày kỷ niệm khuyến khích ta khám phá những điều mà ta lẽ ra đã học hoặc sẽ chẳng bao giờ quên.

Chính vào ngày này năm 1215 những nhà quý tộc quyền thế trở thành nổi tiếng khi ép được vị vua nước Anh ký và ấn chứng bản Magna Carta, tiếng Latin có nghĩa là “Đại Hiến chương.”

Hầu hết mọi người biết loáng thoáng rằng biến cố này có dính đến sự tự do của con người, nhưng có lẽ ít người biết biến cố này đã được kích động chỉ bởi hai anh em và hai tai họa.

Hai anh em đó tên là Richard và John, còn hai tai họa là chiến tranh và thuế má.

Tất cả bắt đầu vào ngày 3 tháng Chín năm 1189—hai mươi sáu năm trước ngày 15 tháng Sáu tại Runnymede [tên của chổ đã nói ở trên]. Richard “Hùng tâm Sư Vương” được phong làm Vua của nước Anh và dành hầu hết 10 năm sau khi được phong vương ở ngoài nước, thân chinh trong những cuộc viễn chinh ở Trung Đông, rồi đánh nhau ở Normandy để giữ phần đất mà cả Anh lẫn Pháp đều giành chủ quyền.

Những cuộc viễn chinh của Richard chẳng rẻ chút nào.

Trong năm đầu tiên sau khi lên ngôi, Richard áp đặt thuế thập phân Saladin và những khoản thuế khác để tài trợ cho cuộc viễn chinh—khiến cho gánh nặng thuế má tăng lên gần 50 phần trăm. Gánh nặng thuế này đổ lên đầu thành phần địa chủ ngay cả xin phép cưới hỏi hay thừa kế tài sản cũng phải đóng thuế.

Rồi đến năm 1192 khi Richard trên đường từ Jerusalem trở về bị bắt làm tù binh ở Đức và bị Đại đế Henry VI của đế quốc La Mã Thánh[1] đòi tiền chuộc. Thành ngữ “tiền chuộc vua” có lẽ xuất phát từ cái giá mà Richard bắt dân Anh phải đóng để chuộc ông về.

Trở lại nước Anh, mẹ của Richard (tên Eleanor người xứ Aquitaine) hợp tác với các đồng minh trong chính quyền để thu tiền chuộc con.

Dan Jones viết trong cuốn sách Magna Carta: The Making and Legacy of the Great Charter, ấn hành năm 2014, như sau:

Cùng với nhau, họ làm việc qua các đường dây ngoại giao tại Âu châu, tìm những con tin và tàu bè khi những thứ này bị những kẻ bắt vua Richard đòi hỏi, đánh thuế 25 phần trăm vào lợi tức và những tài sản không phải là bất động sản, trưng dụng số lượng len sợi do nhà Cistercian ở London sản xuất trong cả năm, cũng như làm theo yêu cầu của Richard là các nhà thờ Anh quốc gửi cho ông vàng bạc của họ mà ông hứa sẽ hoàn lại.

Richard được thả về lại Anh quốc khi tiền chuộc được trao trả. Chỉ trong vòng vài tuần, ông ta lại đi đánh nhau thêm năm năm nữa tại Pháp cho đến khi chết vào năm 1199 vì một vết thương. Một người lính Pháp dùng một cái chảo làm khiên che người đã bắn một mũi tên trúng vào vai Richard. Hai tuần sau, vết thương bị hoại tử khiến Richard qua đời. Phần thưởng chờ ông bên kia thế giới không phải là tiền thuế của dân.

Cái ngai vàng được chuyển sang cho John, hoàng đệ của Richard. Liệu ta có thể mong rằng John sẽ khôn ngoan tự kiềm chế không đụng đến chiến tranh và thuế má, hai điều mà Richard làm nhiều người chán ghét? Không đâu. Thật ra, các bạn vẫn chưa biết hết câu chuyện.

[Những hành vi của] John khi vừa lên ngôi khiến cho Richard giống như nhà vua Wenceslaus Tử tế.[2] Để miêu tả vua John, Jones đã dùng những tính từ như “tàn ác,” “nhẫn tâm,” “khó chịu,” “mưu mô,” “tinh quái,” “nhỏ mọn” và “kiếm chuyện.”

Jones đơn cử trường hợp văn sĩ Ralph người xứ Coggeshall, sống dưới thời vua John, phàn nàn về “đầu óc nhỏ mọn xấu xa” và “tật trẻ con hay chế giễu những thuộc hạ của mình và cười trên sự đau khổ của họ.” Đó là những ngày trước khi các nhà vua có ban Quan hệ Công chúng giúp cho họ khi giao tiếp được “tròn trịa” hơn. John còn bị Giáo hoàng Innocent III cất phép thông công vì cứ tí toáy vào những việc của Giáo hội hay vòi tiền của Giáo hội.

Vua John tiếp tục những việc vua Richard bỏ dở. Cũng như vị tiền nhiệm, John dành hầu hết thì giờ cai trị đất nước để đi đánh nhau nhằm giành lại những vùng đất trên đất Pháp đã bị người Pháp chiếm lấy.[3] Trong cuốn sách Ảnh hưởng tốt và xấu của thuế má trên con đường văn minh, Charles Adams, sử gia về kinh tế đã trích nhận xét của một người dân về vua John năm 1211: “Lấy cớ vì chiến tranh, John ăn cướp của dân bằng sưu cao thuế nặng bóc lột người dân đến tận xương tủy.”

Khi cần đến ngựa hay xe hay thực phẩm cho quân lính, John thường chiếm dụng những thứ này của tư nhân. Tiên liệu đến 800 năm sau sẽ có Nancy Pelosi[4] với câu tuyên bố “quý vị phải thông qua đạo luật này thì mới biết nó là cái gì,” vua John thường ép buộc thần dân phải đáp ứng nhu cầu của mình ngay lập tức để đổi lấy lời hứa là sẽ cho biết sau về thời hạn trưng dụng hay bồi thường là bao nhiêu.

Thương gia là nạn nhân khốn khổ và là mục tiêu tùy tiện bị nhà vua đẽo tiến khi họ đi buôn bán từ thị trấn này sang thị trấn khác. Khi ông ta cần xây một cây cầu, ông chẳng ngần ngại gì mà không áp dụng cưỡng bách người dân lao động.

Bị hai anh ngốc liên tiếp nhau cắt tiết, những công tước và nam tước của nước Anh, được sự yểm trợ của hầu hết mọi người, thu lấy can đảm vào năm 1215 để báo cho vua John đây là lúc phải nhượng bộ.

Trong số những điều khoản của Đại Hiến chương mà họ buộc vua John phải ký tại Runnymede là những hệ quả từ những cuộc chiến tranh và thuế khóa của hai ông vua:

Không có khoản thuế thân (đóng để được miễn dịch) hay những sự trợ giúp nào khác được áp đặt trong nước, ngoại trừ do hội đồng bình dân ấn định (Khoản 12).

Thành phố London sẽ có toàn bộ những sự tự do đã có từ xưa và thuế quan tự do trên bờ cũng như dưới nước. Thêm nữa, chúng tôi mong muốn và cho phép tất cả những thành phố khác, các quận, thị trấn và hải cảng  cũng có toàn bộ tự do và thuế quan tự do (Khoản 1).

Không một thị trấn nào hay người nào bị bắt buộc phải xây cầu qua sông, ngoại trừ những người bị buộc phải làm theo phong tục và quyền (Khoản 23).

Không một cảnh binh hay viên chức hoàng gia được lấy lương thực hoặc những hàng hóa của bất cứ ai mà không trả tiền ngay lập tức, trừ phi người bán tình nguyện cho triển hạn trả tiền (Khoản 28).

Không có cảnh sát trưởng, viên chức hoàng gia, hay người khác được lấy ngựa hay những xe ngựa của bất kỳ người tự do nào mà không có sự đồng ý của họ (Khoản 30).

Tất cả mọi thương nhân đều có thể nhập cảnh hay rời khỏi nước Anh mà không bị làm thương tổn hoặc đe dọa, và có thể ở trong nước hay đi lại trong nước, bằng đường bộ cũng như đường thủy, nhằm mục đích thương mại, hoàn toàn không bị bắt nạp tiền bất hợp pháp, theo đúng thuế quan hợp pháp và cổ truyền (Khoản 41).

Nếu có ai bị tước đoạt điền sản, lâu đài, sự tự do hay quyền cá nhân, mà không do sự phán xét của bồi thẩm đoàn, thì những điều đó phải được phục hồi lại cho người bị tước đoạt ngay lập tức (Khoản 52).

Do đó chúng tôi mong muốn và cương quyết ra lệnh rằng Giáo hội Anh phải được tự do và dân chúng sinh sống trong vương quốc của chúng ta đều có và được hưởng những sự tự do đã nói ở trên, mọi quyền và lợi, được sống tốt lành trong bình an, tự do một cách đầy đủ, và vĩnh cửu (Khoản 63).

Một thời khắc trọng đại trong lịch sử phát triển tự do của con người đã xảy ra.

Lịch sử phát triển tự do của con người không phải là một kinh nghiệm trực tiếp và êm ái. Và Thượng đế biết rằng cuộc xung đột cuối cùng của vua John không thể được xem là “cuộc chiến chấm dứt mọi cuộc chiến. Chiến tranh và kẻ tùy tùng của nó là thuế khóa, cũng như những sự lấn quyền và tham nhũng của cả nhà vua và Nghị viện, thay nhau tạo ra những cuộc đấu tranh dài đăng đẳng nhằm khôi phục lại sự phát triển của tự do trên “hòn đảo vương quyền.”[5]

Chưa đến một thế kỳ sau khi Magna Carta ra đời, người Tô-cách-lan thấy họ bị vua Edward I và con là Edward II dùng vũ lực đàn áp. Năm 1320 những nhà quý tộc Tô-cách-lan ban hành một văn kiện quan trọng khác trong lịch sử của tự do, bản Tuyên ngôn Độc lập Arbroath.

Họ khẳng định, 456 năm trước khi người Mỹ ban hành Tuyên ngôn Độc lập, rằng nhà cầm quyền chỉ có quyền cai trị bởi sự đồng ý của người bị trị, và bổn phận của người bị trị là phế bỏ kẻ cầm quyền nếu y không có được sự đồng ý của người dân.

“Không phải vì danh vọng, vinh quang hay của cải mà chúng tôi đấu tranh,” họ tuyên bố, “chúng tôi đấu tranh chỉ vì tự do, điều mà ta có thể đánh đổi bằng mạng sống.”

Những nguyên tắc quan trọng được viết thành văn bản tại Runnymede từ đó về sau đã được những thế hệ sau viện dẫn tại nhiều nơi. Những nguyên tắc này gồm có những điều như nhà vua phải hỏi người dân trước khi trưng dụng tài sản của họ và không được xem thần dân như rác rến muốn dẫm đạp lên lúc nào tùy ý.

Ta có thể cho rằng trong thế kỷ vừa qua, sự tự do của dân Anh về thực chất đã bị xói mòn  khi tiền tài, quyền lực, và chủ nghĩa nhà nước phúc lợi đã mọc lên như nấm tại Westminster. Có lẽ đã đến lúc phải cần một bản Đại Hiến chương khác.

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân March 2018

Lawrence W. (“Larry”) Reed became president of FEE in 2008 after serving as chairman of its board of trustees in the 1990s and both writing and speaking for FEE since the late 1970s.

Nguồn: http://fee.org/anythingpeaceful/detail/war-and-taxes-what-prompted-the-magna-carta

[1] La Mã Thánh (Holy Roman) là vùng đất thuộc miền trung nước Đức do Giáo hoàng Thiên chúa giáo cai quản

[2] Vua Wenceslaus là một nhà vua nhân từ trong bản nhạc hát vào dịp Giáng sinh. Vua Wenceslaus đi phát chẩn cho những nông dân nghèo khó xứ Bohemia. Dù thật ra Wenceslaus chỉ là một công tước, nhưng đời sau gán cho ông danh vị vua và được phong thánh.

[3] Nước Pháp thời Trung cổ (thế kỷ thứ chin – thứ mười lăm) chưa phải là một nước thống nhất mà có nhiều vùng đất: đế quốc Carollingan và West Francia do những sắc dân khác nhau như dân Gauls và Norman chiếm đóng và sinh sống.

[4] Nancy Pelosi là chủ tịch Hạ viện dưới thời tổng thống Bush (con) và Obama. Câu nói trên liên quan đến đạo luật bắt buộc mọi người dân Mỹ phải có bảo hiểm sức khỏe (hoặc được sở làm tài trợ hoặc phải tự mua lấy) nếu không sẽ bị phạt tiền.

[5] Hòn đảo vương quyền (Sceptered Isle) là một cụm từ được Shakespeare dùng trong vở kịch Vua Richard đệ nhị để chỉ Anh quốc, tuy là một hòn đảo nhưng cai trị những hòn đảo khác thuộc Anh.