fbpx

Câu Chuyện Giáo Dục

ĐỨC DỤC: RÈN NHÂN CÁCH

Sáu Cột trụ của Nhân cách

To educate a person in the mind but not in morals is to create a menace to society

Theodore Roosevelt

Nông Duy Trường

 

Dẫn nhập

Đức dục hầu như được các nước giảng dạy từ tiểu học.[1] Các em học sinh tiểu học được dạy bảo phải lễ phép, thành thật, thương người, hiếu đễ, vân vân. Tuy vậy, nước Mỹ lại không dạy đức dục cho con em của họ tại học đường (xem bài Tại sao nước Mỹ không dạy đức dục trong tuyển tập này). Và hậu quả là đạo đức xã hội đi xuống khiến cho một số nhà đạo đức, giáo dục của Mỹ đã phải nhóm lại tại Aspen, Colorado năm 1992 hầu đề nghị một chương trình giáo dục “đức tính” (character education) cho giới trẻ tại Mỹ. Kết quả của hội nghị này là sự ra đời của tổ chức Character Counts, một liên minh gồm 17 tổ chức giáo dục chú trọng vào giới trẻ tại Mỹ. Thành quả của Character Counts là một hệ thống giá trị đạo đức gọi là Sáu Cột trụ của Nhân cách (Six Pillars of Character). Trước khi bàn về Sáu Đức tính, cũng cần ghi nhận là nước Mỹ  và đa số người Mỹ quan niệm đức dục không phải là trách nhiệm củanhà trường, mà thuộc về gia đình và nhà thờ. Học đường tại nhiều tiểu bang của Mỹ vẫn chưa đưa đức dục vào chương trình giáo dục chính thức.[2]

Sáu Cột trụ của Nhân cách

Trusworthiness (Khả Tín)

Chữ Tín, viết theo chữ Hán là 信, gồm bộ nhân (người) bên trái, và chữ ngôn (lời nói) bên phải, có nghĩa là tin tưởng. Xét trên ngữ căn, nhờ vào lời nói giữa người và người mà quan hệ, giao dịch được thành lập, dựa trên những cam kết bằng lời nói mà thành. Vì thế có thể nói Đức tín có lẽ là đức tính căn bản nhất trong những đức tính mà ta cần phát triển.

Hãy tưởng tượng một xã hội mà không ai tin được ai, thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ví dụ khi ta đi mua xăng đổ xe, ta phải mang theo dụng cụ để đo hầu tránh bị thiệt vì sự gian dối có thể có của người bán. Người bán cũng vậy, không tin được cái “lít” của người mua. Và thế là giao dịch bất thành. Mọi giao dịch và quan hệ giữa người và người bị đình trệ. Hậu quả của sự thiếu tin tưởng là tình trạng nghi kỵ thường trực trong mọi mối quan hệ của loài người.

Trong xã hội hiện đại, điểm tín dụng (credit rating) là một thí dụ hoàn hảo cho thấy sự quan trọng của chữ tín. Điểm tín dụng được hình thành qua một thời gian dài để chứng minh với những cơ quan tài chính. Chữ tín cũng vậy, cần một thời gian dài để chứng minh. Làm thế nào để tạo dựng đức tín? Để tạo “credit,” mỗi người phải cố gắng giữ lời hứa, phải trước sau như một, dù hoàn cảnh ngày nay đã khác với khi  giao ước.

Respect (Tôn Trọng)

Đức tính thứ hai là Respect tức là tôn trọng.Trong tiếng Việt, tôn trọng củng có cùng nghĩa với chữ Lễ trong Ngũ Thường.

Tôn trọng còn có nghĩa là kính trọng. Nghĩa là kính trọng những người ở “trên” ta, những bậc trưởng thượng của ta hay cấp trên; tuy nhiên kính trọng không có nghĩa là khúm núm. Còn đôi với người dưới thì thân ái, hoà nhã nhưng không chớt nhả, bỡn cợt, coi thường. Nói chung, trong giao tế, tôn trọng là cách cư xử lịch sự, nhã nhặn đối với mọi người thân cũng như sơ.

Tôn trọng không chỉ hạn chế trong giao tế xã hội. Chúng ta còn phải tôn trọng của công: đường xá, các công trình công cộng. Của công, cần nhớ, không phải là “Của chùa.” Tài sản công không những là tài sản chung, mà còn là tài sản của riêng chính ta, vì ta cũng đã góp phần tạo ra nó. Xa hơn nữa là tôn trọng môi trường thiên nhiên mà ta đang sống. Những hành vi xả thải ra thiên nhiên đang làm ô nhiễm môi trường. Thái Bình Dương được gọi là bãi rác vĩ đại. Thống kê năm 2021 cho biết đã có 5.24 ngàn tỷ miếng nhựa (plastic) thải ra biển, 260 ngàn tấn rác trôi nổi trên biển. Chỉ nói riêng về plastic, hàng năm có 8.3 triệu tấn được thải ra biển.[3]

Cuối cùng, còn một sự tôn trọng vô cùng quan trọng; đó là tự trọng. Tự trọng tức là tôn trọng chính mình. Một người tự trọng sẽ không làm những gì có hại đến thanh danh của cá nhân hay dòng họ của mình. Hơn thế nữa, người tự trọng sẽ tiết chế để không mắc phải những thói xấu như nghiện hút, cờ bạc, hay trác táng.

Responsibility (Trách nhiệm)

Sống trong xã hội, mỗi người chúng ta có một số những điều mà ta phải làm; những điều ấy được gọi là “bổn phận.” Bổn phận của cha mẹ là nuôi dạy con cái, nào là bắt chúng ăn uống đầy đủ và điều độ, làm homework, đánh răng trước khi đi ngủ, dạy chúng cách cư xử lễ độ, hoà nhã, v.v… Bổn phận của thầy cô là truyền đạt kiến thức và mở mang tâm trí và dạy làm người. Ngoài bổn phận với gia đình, ta còn có bổn phận đối với xã hội. Chu toàn những bổn phận này được coi là có trách nhiệm.

Nói đến trách nhiệm là nói đến trách nhiệm với ai đó hay với điều gì đó. Nhưng còn một loại trách nhiệm nữa là trách nhiệm đối với bản thân. Chính ta phải có trách nhiệm với cuộc đời của mình, cả thành công cũng như thất bại, không đổ lỗi cho hoàn cảnh hay người khác. Ngoài ra, có một điều cũng có vẻ mâu thuẫn. Đó là không những ta phải chịu trách nhiệm với những gì chúng ta làm, mà cả với những gì không làm. Tại sao ta lại phài chịu trách nhiệm với những gì ta không làm? Giả sử sau giờ tan sở, bạn ra về và thấy cửa nhà kho không khoá. Người thủ kho đã quên khoá cửa. Nếu bạn nghĩ rằng đó không phải là “việc của mình” và cũng thơ thới ra về, và nhỡ đêm đó có trộm viếng! Bạn cũng có trách nhiệm cho sự mất mát này.

Fairness (Công bằng)

Đức tính công bằng này không có trong Ngũ thường, nhưng là một trong bốn đức tính chủ yếu của văn hoá Tây phương.[4] Chúng ta sẽ không bàn về công bằng như Socrates đã làm trong đối thoại Cộng hoà. Công bằng, nói một cách đơn giản là “chơi đúng luật” (play by the rules). Luật lệ một khi đã được đặt ra và mọi người đồng ý, thì mọi người phải tuân theo. Phạm luật sẽ bị chế tài. Ta thường thấy trong thể thao, trọng tài thường phát thẻ vàng, thể đỏ cho những cầu thủ vi luật. Trong sinh hoạt hàng ngày, công bằng được thể hiện qua sự xếp hàng chờ đến phiên mình. Công bằng còn có nghĩa là không nhận vơ về mình thành quả mà minh không làm, nhất là về phương diện trí tuệ (đạo văn). Nói một cách khác, “Điều gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar.”

Caring (Tử tế, Nhân ái)

Rousseau viết trong Khảo luận về Sự Bất bình đẳng của Con người: Con người bị chi phối bởi hai bản năng: tự tồn (self-preservation) và thương xót đồng loại khi gặp hoạn nạn. Chính nhờ bản năng này mà loài người tồn tại được cho đến ngày nay. Hành động đơn giản nhất của caring là thể hiện sự quan tâm qua sự hỏi han ân cần. Tục ngữ Nhật Bản có câu: “Một lời tử tế có thể sưởi ấm cả ba mùa đông.” Thể hiện lòng biết ơn cũng là cách thức thể hiện long nhân ái. Và sau cùng là giúp đỡ người hoạn nạn. Lòng nhân ái chỉ là lời nói suông, nếu không được thể hiện bằng hành động  chân thành một cách cụ thể.

Citizenship (đức tính công dân)

Đức tính công dân là một khái niệm “hiện đại” vì trong xã hội cổ thời, đông cũng như tây, không có khái niệm công dân mà chỉ có thần dân. Trong xã hội hiện đại, nếu chỉ rèn luyện đức tính để trở thành một người “tốt,” thì liệu đã đủ chưa? Một người dân tốt còn phải trở thành ột công dân tốt. Thế nào là một công dân tốt? Một cách đơn giản nhất là tham dự vào những sinh hoạt công, đóng góp những quan điểm và công sức vào việc công trên các lãnh vực chính trị, xã hội, giáo dục, và xã hội dân sự. Đức tính này được rèn luyện cho học sinh từ tấm bé, cho các em quen với các hoạt động công như tham gia các hội đoàn học sinh, tham gia ứng cử/bầu cử, tham gia các công việc thiện nguyện, v.v…

Ta sinh vào cuộc đời, có thể được ví, như Pascal đã nói “xuống thuyền” (embarqué) rồi, dù muốn hay không muốn. Nếu ta không quan tâm, mặc kệ ai đó muốn lèo lái con thuyền như thế nào, thì ta cũng phải chịu trách nhiệm, nếu tai nạn xảy đến cho con thuyền.

Trước khi kết luận, tôi muốn giới thiệu với bạn đọc một hệ thống giá trị và đức tính khác. Đó là các giá trị G.R.A.C.E. GRACE là một tập hợp các giá trị mà tổ chứ New Moon Foundation xiển dương từ năm 2000, gồm có Gratitude (lòng biết ơn), Respect (Tôn trong), Accountability (Trách nhiệm), Courage (lòng can đảm), và Engagement (dấn thân, nối kết). Những giá trị này đã được Tiến sĩ Nguyễn Phúc Anh Lan xây dựng và phát triển thành những khoá huấn luyện và khoá họclãnh đạo và phát triển bản thân từ năm 3010, dựa trên nguyên lý của thông minh cảm xúc (emotional intelligence) và lãnh đạo bản thân (self-leadership). Các bạn có thể tìm hiểu thêm về GRACE qua cuốn sách Living IN GRACE, tác giả Dr. Anhlan Nguyen, trên Amazon.com.

Kết luận

Sáu Đức tính Trụ cột được tổ chức Character Counts thiết lập và phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt về đức dục tại học đường của nước Mỹ. Sáu đức tính này gồm có: khả tín, tôn trọng, trách nhiệm, công bằng, nhân ái, và đức tính công dân. Những đức tính này không mang màu sắc tôn giáo, nhưng là những giá trị có tính phổ cập mà xã hội nào cũng chấp nhận, vì xã hội nào cũng muốn có những công dân khả tín, có tinh thần trách nhiệm, hành xử công bằng và nhân ái. Tuy vậy, các trường học ở Mỹ vẫn còn lưỡng lự, chưa hoàn toàn đồng ý đưa đức dục trở thành môn học chính thức trong học đường.

© Học Viện Công Dân, Feb 2023

[1] Tại Việt Nam, từ thời Pháp thuộc, đức dục đã được dạy cho học sinh tiểu học. Sách giáo khoa dạy đức dục là bộ Luân lý Giáo khoa Thư do các soạn giả, nhà giáo Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, và Đỗ Thận biên soạn trong thập niên 1920. Sau khi Việt Nam bị chia cắt, chương trình đức dục được đưa vào chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng Hoà. Miền Bắc XHCN hoàn toàn không có chương trình đức dục từ năm 1946 cho đến 1975. Hiện nay tại Việt Nam đức dục cũng không được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông.

[2] Michael S. Pritchard, Families, Schools and the Moral Education of Children, 69 Denv. U. L. Rev. 687

(1992).

[3] Marine & Ocean Pollution. https://www.condorferries.co.uk/marine-ocean-pollution-statistics-facts#:~:text=There%20are%205.25%20trillion%20pieces,discarded%20in%20the%20sea%20yearly.

[4] Bốn đức tính chủ yếu (Four Cardinal Virtues)–Prudence (cẩn trọng, khôn ngoan); Justice (Công bằng); Fortitude (Dũng cảm); và Temperance (Tiết độ).