fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Giá Cả Từ Đâu Mà Ra?

Giá cả từ đâu mà ra?
Russell Roberts

Ba đứa con trai của tôi, tuổi từ 7 đến 12, đều mắc bệnh ghiền xe, một chứng bịnh mà nhà kinh tế học John Baden gọi nôm na là chứng “nghiện đồ sắt,” chúng mê tất cả thứ gì mà làm bằng kim loại nói chung, xe hơi, xe đua, xe vận tải, xe cần cẩu, nói chung là các loại xe, nói như vậy thì có lẽ quý vị cũng đoán được ý rồi. Một ngày nọ, đứa con trai giữa của tôi đề nghị là chiếc xe kế tiếp bố mua nên là một chiếc xe convertible (xe mui trần). Anh của cháu nói “Loại xe mui trần này thì đắt tiền hơn loại xe thường ít nhất là $10,000. Thằng em mới hỏi: “Tại sao nó lại đắt hơn như vậy?”

Câu hỏi hay! Tại sao xe mui trần thì lại đắt hơn chiếc xe tương tự không có mui trần? Tại sao rượu Scotch ủ 21 năm thì đắt hơn loại rượu Scotch ủ 10 năm? Tại sao ớt tây đỏ thì lại đắt hơn ớt tây xanh? Tại sao tiền lương nhân viên Wal-mart thấp hơn mức lương nhân viên trung bình tại Mỹ? Tại sao hoa hồng lại đắt hơn trong ngày Lễ Tình Yêu 14 tháng 2? Tại sao tiền xăng ở Âu Châu lại đắt hơn tiền xăng ở Mỹ? Tại sao tiền bia lại đắt hơn trong ngày Lễ Chủ Nhật Super Bowl tại Hoa Kỳ? Tại sao nhà trong khu ngoại ô Washington DC thì lại đắt hơn nhà trong khu ngoại ô Richmond, Virginia?

Câu trả lời cho những câu hỏi này thật ra phức tạp hơn là mới thoạt nghe. Nhưng chúng ta hãy tạm gác qua các câu trả lời, và chỉ ghi nhận rằng bạn có thể đặt các câu hỏi. Hình như đối với giá cả, có một khả năng dự đoán nào đó, một thứ tự nào đó. Tuy nhiên, cũng không nhất thiết phải như vậy. Giá cả cũng có thể lên xuống thất thường, ngày hôm nay thì cao, ngày kế tiếp thì lại xuống thấp. Có một ngày nào đó, giá vé đi xem hát thì lại mắc hơn cả giá chiếc áo sơ-mi oxford, giá cam tươi lại đắt hơn giá sữa tươi. Vậy thì nguồn gốc của những trật tự giá cả là ở chỗ nào? Giá cả từ đâu mà ra?

Câu trả lời thoạt tiên có vẻ hiển nhiên. Người bán là người có thể đặt ra giá cả. Thế nhưng nếu bạn đã từng bán một món hàng, thì bạn cũng biết là điều này không chắc hẳn như vậy. Nếu bạn muốn bán căn nhà của bạn, vâng, bạn có thể bán nó với giá nào cũng được. Dù gì, mỗi căn nhà đều có cái hay của nó. Thành ra bạn chỉ cần tìm một người nào đó thích căn nhà của bạn, người đó phải thích cả hàng trăm thứ mà bạn đã làm trên căn nhà của bạn để làm cho nó trở thành đặc biệt. Và với suy nghĩ như vậy, bạn có thể đặt một giá rất là cao cho căn nhà của bạn bởi vì bạn chỉ cần tìm được một người sẵn sàng trả giá cao đó là đủ rồi.

Nhưng bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng nếu bạn chọn một giá quá cao thì bạn sẽ không bán được nhà, ngay cả khi có người thích căn nhà đặc biệt của bạn. Người yêu căn nhà của bạn, người sẵn sàng trả $500,000 cho căn nhà của bạn, sẽ vẫn không bỏ tiền ra mua căn nhà của bạn nếu có một căn nhà khác cũng gần đẹp và có giá trị như căn nhà của bạn nhưng bán với giá có $300,000 mà thôi. Nếu sự khác biệt về giá trị của căn nhà đó và căn nhà của bạn dưới $200,000 thì bạn xem như thua. Bạn sẽ không bán được căn nhà của bạn. Người ta sẽ không sẵn sàng trả một giá quá cao trừ khi họ không có chọn lựa nào khác. Khi họ có sự chọn lựa, thì họ sẽ không trả quá giá họ phải trả. Sự cạnh tranh bảo vệ người mua. Và nó cũng bảo vệ cho người bán. Bạn có thể bán căn nhà của bạn với giá có $100,000 mà thôi, nhưng bạn sẽ không phải bán với giá đó nếu có một căn nhà tương tự được bán với giá $300,000.

Người bán và các chuyên viên địa ốc hiểu rằng căn nhà này đang phải cạnh tranh với các căn nhà khác, ngay cả với những căn đẹp tương tự hoặc là đẹp hơn. Vì vậy, người bán nhà và chuyên viên địa ốc tìm một giá cả tương đối so sánh được, các căn nhà trong cùng một vùng khu phố, cùng số phòng ngủ, cùng một diện tích khoảnh đất, và cũng cùng một diện tích mặt bằng, cùng có vẻ lịch sự như nhau (một đặc điểm có thể chủ quan nhưng rất quan trọng).

Thế nhưng nếu căn nhà của bạn được định giá bởi giá cả của các căn nhà tương tự, thì cái gì quyết định giá của những căn nhà tương tự này? Lý luận này lại có vẻ đi lòng vòng rồi, và cũng dễ sụp đổ như một cái nhà được dựng bằng các lá bài! Thế thì điều gì quyết định giá cả trong thị trường nhà cửa và giữ giá cả ấy ổn định?

Một câu trả lời là đối với một mặt hàng nhất định và một đặc điểm nhất định – thí dụ loại nhà có 4 phòng ngủ trong vùng ngoại ô nhiều cây của Washington DC, và trong một học khu tốt, khu phố im lặng trên 1 phần 3 mẫu đất – giá cả sẽ được điều chỉnh để cân bằng giữa số người muốn mua và số người muốn bán.

Các giá cả sẽ điều chỉnh để cân bằng là người mua muốn mua bao nhiêu và người bán muốn bán bao nhiêu. Và nếu số người muốn mua tăng lên, giá cả sẽ tăng. Nếu số người bán tăng lên, giá cả sẽ giảm.

Cung và Cầu. Người mua cạnh tranh với nhau, và người bán cũng cạnh tranh với nhau.

Giá cả xuất hiện từ những sự cạnh tranh này.

Câu trả lời của cung và cầu là một câu trả lời hơi lạ, bởi vì nó giả định rằng bạn có thể nói về một món hàng với một tiêu chuẩn giá trị nào đó. Trong thực tế, mỗi mặt hàng đều có một số giá trị đặc biệt. Ngay cả hai mặt hàng giống nhau về bề ngoài, vẫn luôn luôn có thể có những dịch vụ đi kèm khác nhau.

Nó là một câu trả lời hơi lạ. Bởi vì nó giả định là chúng ta có thể nói về một giá cả nhất định, “giá” của một chiếc áo sơ mi 100% cô-tông không cần ủi, “giá” của một chiếc xe hơi 4 cửa mà có thể đi 25 dặm mỗi gallon xăng,[i] “giá” của căn nhà 4 phòng ngủ trong vùng ngoại ô, vân vân…, trong thực tế, có vô số giá khác nhau cho cùng một mặt hàng. Có những giá đặc biệt rẻ. Có những giá giảm đặc biệt (sale). Cả người bán lẫn người mua đều có những lúc bán giá hạ hoặc mua hời, vân vân…

Nó là một câu trả lời hơi lạ. Bởi vì ước muốn của con người, tình trạng gia đình, nguồn thu nhập và các điều kiện khác luôn luôn thay đổi, cho nên giá trị mà người ta muốn mua hoặc bán một món hàng nào đó cũng thay đổi không ngừng. Ngay cả khi bạn hỏi về một “giá” nào đó, nó cũng thay đổi liên tục.

Nó là một câu trả lời hơi lạ. Bởi vì nó đòi hỏi rất nhiều dữ kiện. Nếu không, thì làm sao bạn có thể định giá nếu bạn là người bán hoặc quyết định giá phải trả nếu bạn là người mua?

Sự lạ kỳ của quy luật cung và cầu là nó dẫn đến kết luận rằng nó chỉ áp dụng vào những trường hợp về một mặt hàng đồng nhất nào đó khi có một số rất nhiều người bán và khi có đầy đủ dữ kiện về chất lượng của mặt hàng và các mặt hàng tương tự cùng giá cả. Về phương diện này, cung và cầu có thể áp dụng cho cả lúa mạch, có thể vậy!

Một lối suy nghĩ khác về quy luật cung và cầu là tính không hiện thực của nó. Nếu không thì không thể nào hiểu được vô số những vụ mua bán đang xảy ra trong thực tế. Một chân dung thực tế của điều gì đang xảy ra trong thị trường nhà cửa tại Washington DC thì phải có đầy đủ tất cả các dữ kiện và thứ tự của từng vụ mua bán một. Như vậy thì không thể nào thực hiện được mà cũng chẳng giúp ích thêm gì. Ta hãy xét xem mối liên hệ giữa tất cả các vụ mua bán này sẽ là thế nào?

Cung và Cầu là một cách nhìn mối liên hệ đó sau khi đã bỏ hết mọi thứ khác ra ngoại trừ dữ kiện về cái gì người ta sẵn sàng trả và cái gì người ta phải trả tùy theo những chọn lựa có được. Cung và Cầu là một cách suy nghĩ về cái mà các nhà kinh tế học gọi là thị trường và cạnh tranh. Hãy dùng quy luật này để khảo sát mà không cần phải dùng đồ thị và hãy nhìn xem ra sao.

Hai Lưỡi của Cây Kéo

Một trong những đặc điểm quan trọng của Cung và Cầu là nó buộc chúng ta phải nhớ đến cái mà Alfred Marshall gọi là “Hai cái Lưỡi của một cây Kéo.” Ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt, cả người mua và người bán đều đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định giá cả. Điều đáng ngạc nhiên là chúng ta rất dễ quên điều này. Khi con trai tôi hỏi tại sao xe mui trần lại đắt như thế, thì anh của cháu trả lời là vì người ta rất là thích đi xe mui trần: phần Cầu của phương trình. Nhưng điều đó không nhất thiết là toàn bộ câu chuyện hay một phần lớn câu chuyện. Chắc chắn là có nhiều người sống trong vùng lạnh, hoặc mưa nhiều hoặc thời tiết quá nóng thì cũng không muốn lái xe mui trần làm gì. Vậy thì tại sao xe mui trần lại đắt hơn xe thường? Những xe này đắt hơn xe thường là do cách thức chế tạo xe mui trần phức tạp hơn và giá thành chế tạo cao hơn. Vì vậy giá của xe mui trần phải đắt hơn giá của xe thường. Nếu người ta thích xe thường không cần mui, thì đáng lẽ nó phải rẻ hơn so với xe có mui mới đúng chứ?

Một lý luận tương tự với ớt tây xanh và ớt tây đỏ. Tại sao ớt đỏ lại luôn luôn đắt hơn ớt xanh? Tại sao lại phải có mối liên hệ giữa hai giá này? Ớt xanh được sử dụng rất nhiều trong nhiều kỹ nghệ nấu nướng vì nó có vị đặc biệt. Vậy thì đáng lẽ nó phải đắt hơn chứ? Ớt đỏ thật ra là ớt xanh khi đã chín. Người bán thì luôn luôn muốn bán được ngày hôm nay chứ không muốn chờ đến ngày mai bởi vì tiền bán được ngày hôm nay có thể dùng để đầu tư cho ngày mai. Vì vậy nếu ớt xanh và ớt đỏ bán cùng giá thì chẳng có người bán nào chịu bán ớt đỏ. Bởi vậy ớt đỏ phải có giá thành cao hơn ớt xanh thì người bán mới đồng ý bán. Ớt đỏ hiện hữu trên thị trường vì có một số người muốn mua ớt đỏ hơn là ớt xanh, nhưng người bán chỉ chịu bán ớt đỏ với điều kiện là giá thành của nó phải cao hơn giá của ớt xanh.

Điều chỉnh Giá Cả

Giá cả luôn luôn điều chỉnh. Giá cả không phải là cố định. Cung và Cầu giúp chúng ta nhớ đến điều này.

Hãy xem vấn đề thuế trên tiền lương nhân viên. Hiện nay tại Hoa Kỳ, tiền thuế lương nhân viên được chia đều giữa người nhân viên và chủ nhân mướn nhân viên. Điều gì sẽ xảy ra nếu tiền thuế này hoàn toàn do chủ nhân phải trả? Thoạt nghe thì có vẻ việc này sẽ làm lợi cho người nhân viên, nhưng đó là với giả thuyết là tiền lương sẽ không thay đổi khi luật về thuế má thay đổi như đã nói. Thế nhưng tiền lương là giá của lao động, và nếu vậy thì giá của lao động phải được điều chỉnh để cân bằng giữa sức lao động người nhân viên muốn bán với số tiền người chủ muốn mua.

Thứ thuế nào cũng có ảnh hưởng đến cả người bán lẫn người mua nhưng ảnh hưởng này không được luật lệ trình bày rõ ràng. Thuế đánh trên người mua lao động thì sẽ làm cho tiền lương giảm xuống. Vì vậy nhân viên đã phải trả một phần tiền thuế dù luật lệ xác định rằng một nửa hoặc tất cả thuế là do công ty thuê mướn nhân viên phải trả. Tiền thuế trên tiền bán xe sẽ làm tăng giá thành của chiếc xe lên. Người tiêu dùng phải trả một phần tiền thuế này qua hình thức giá thành cao hơn mà họ phải trả nếu luật lệ quy định là người bán xe phải trả hết tiền thuế.

Nếu luật pháp quy định rằng toàn bộ thuế lương bổng phải do chủ nhân trả, thì việc tăng tiền trả lương và thuế này sẽ làm cho chủ nhân phải giảm số lượng nhân viên mà họ muốn thuê mướn xuống. Điều này sẽ làm cho tiền lương cũng bị giảm theo. Thật ra số tiền lương sẽ phải giảm đúng bằng số tiền thuế để trả cho nhân viên. Tương tự như vậy, nếu luật pháp quy định tiền thuế chỉ đánh trên nhân viên mà thôi thì nhân viên sẽ bán ít sức lao động của mình lại và [như thế,] tiền lương sẽ phải tăng lên để cân bằng sự tăng thuế cho mỗi nhân viên.

Tương tự như vậy, việc tăng thuế người giàu cũng không tạo hệ quả lâu dài và hữu hiệu trong việc giảm khoảng cách giữa giàu và nghèo. Đánh thuế người giàu sẽ dẫn đến việc tăng tiền lương cho những người nhân viên có chuyên môn cao để cân bằng một số thiếu hụt do việc tăng thuế. Luật quy định cung cấp các quyền lợi[ii] cho nhân viên lương thấp cũng không nhất thiết sẽ đạt được mục tiêu bình đẳng trên diện rộng hơn vì luật tăng quyền lợi cho nhân viên sẽ khiến nhiều nhân viên đi làm hơn, nhưng lại khiến chủ nhân không muốn thuê mướn thêm nhân viên nữa. [Kết quả là] chủ nhân sẽ giảm giá lương.

Tiền lương giảm, sẽ cân bằng bớt việc nâng cao mức sống cho nhân viên như các nhà lập pháp dự trù.

Một Cách Nhìn Khác

Cuối cùng, Cung và Cầu giúp chúng ta nhìn vấn đề bằng con mắt hoàn toàn khác. Các phe trong quốc hội cứ hoặc là khen ngợi hoặc chê bai vị tổng thống về vấn đề thiếu công bằng và mức lương trung bình trên toàn nước Mỹ. Nếu mức lương tăng, tổng thống sẽ khoe là ông đã giúp cho nền kinh tế phát triển tạo nhiều công ăn việc làm cho dân chúng. Nếu mức lương giảm, thì phe đối lập sẽ lên tiếng quy tội cho tổng thống. Nhưng thật ra, mức lương ở Hoa Kỳ không phải là do sự điều khiển của Tổng Thống. Việc thay đổi mức lương là do một hiện tượng bao gồm nhiều yếu tố: sự lựa chọn của người dân về vấn đề giáo dục, làm việc bao nhiêu tiếng một tuần, và sự thoải mái về tài chánh lẫn về tinh thần mà người ta lựa chọn trong các công việc khác nhau.

Tổng thống cũng không thể chỉ đạo mức lương trung bình hay sức nặng trung bình của người dân Mỹ phải là bao nhiêu. Ông ta có thể tạo ra ảnh hưởng qua việc thông qua các đạo luật nhằm khuyến khích người đầu tư, thuê mướn nhân viên, hoặc khuyến khích người nhân công lao động. Nhưng ông ta không thể đặt tay trên bàn cân để định đâu là mức lương trung bình, hay bao nhiêu ki-lô là sức nặng trung bình của người dân Mỹ. Như thí dụ trình bày ở phần trên, rất nhiều đạo luật được tổng thống và các nhà làm luật thông qua để tạo ảnh hưởng tốt trên một số mặt, thì lại bị sức mạnh của thị trường làm cân bằng ngược trở lại.

Luôn luôn có sẵn hàng hóa với một giá cả nào đó

Một trong những nhận thức đơn giản nhất từ quy luật Cung và Cầu là sự sẵn có của các mặt hàng trên thị trường. Khi người ta muốn có một mặt hàng nào đó, đám đông của những người mua nhiệt thành thường ít khi nào làm cạn hết nguồn cung cấp. Giá cả sẽ được thay đổi để cân bằng giữa số lượng người mua và số lượng người muốn bán. Vì vậy nếu đột nhiên người ta muốn có một món đồ gì đó thì món đồ ấy không nhất thiết là sẽ biến mất. Sự tăng giá sẽ làm cho món đồ ấy lại có sẵn nhiều hơn (dĩ nhiên là với giá mới).

Như Henry George đã phát biểu:

“Sau đây là sự khác biệt giữa thú và người: con người và con chim ó đều ăn thịt gà. Thế nhưng càng nhiều con chim ó ăn thịt gà thì càng ít gà để ăn. Còn càng nhiều người ăn thịt gà thì càng có nhiều gà bán trên thị trường cho người ta mua. Con hải cẩu và con người đều ăn cá hồi. Nhưng hễ con hải cẩu ăn một con cá hồi thì sẽ mất đi một con cá hồi và nếu cứ tiếp tục như vậy đến một lúc nào đó thì sẽ không còn cá hồi nữa. Thế nhưng con người biết cách đặt trứng cá hồi trong những điều kiện thuận lợi để làm tăng gia sự sinh sản của cá hồi quá mức “cầu” về cá hồi của mình, vì vậy, đối với con người dù có tăng nhu cầu ăn cá hồi lên bao nhiêu thì cũng sẽ không bao giờ tiêu diệt hết sự cung cấp cá hồi trên quả đất này. (Progress and Poverty, Quyển 2, Chương 3, Henry George, II.III.5.)”

Vì việc giá cả có thể được điều chỉnh thích hợp trong một nền kinh tế thị trường, hàng hóa lúc nào cũng có thể có sẵn. Miễn hồ là người mua đồng ý trả một giá hợp lý đối với người bán, thì bạn sẽ có món hàng bạn muốn ngay lập tức. Đôi khi, bạn sẽ phải trả với giá hơi đắt một tí. Đôi khi, bạn lại được trả một giá hơi hời một tí, tùy theo hoàn cảnh thay đổi. Nhưng bạn sẽ luôn luôn có thể tìm thấy món hàng. Điều này không những giúp cho đời sống chúng ta được thoải mái hơn mà còn có thể giúp chúng ta tập trung vào một loại chuyên môn và dựa vào thị trường mua bán để tìm tất cả những thứ khác mà chúng ta muốn và luôn luôn bảo đảm là thị trường sẽ luôn luôn có các mặt hàng mà ta muốn mua.

Cảnh Báo

Không phải giá cả nào cũng được xác định theo như bài bản trong sách giáo khoa giảng giải về một thị trường hoàn toàn tự do cạnh tranh. Cung và Cầu là một dụng cụ khá thô sơ để có thể giúp đoán chính xác mức giá cả. Bất cứ một thương vụ nào cũng có thể có sai biệt với giá cả tiêu chuẩn vì các yếu tố tâm lý hoặc sự lầm lẫn trong xét đoán. Trong bất cứ thị trường nào, một số lượng lớn bất bình thường của người mua hoặc người bán có thể ảnh hưởng đáng kể đến giá cả trong thị trường đó. Thị trường, do đó, không phải là một thí dụ giáo khoa về sự hoàn toàn tự do cạnh tranh, nhưng không phải vì thế mà luật Cung-Cầu không phản ảnh được các sự cạnh tranh khác. Lấy một thí dụ điển hình, giá xăng dầu trên thị trường của Hoa Kỳ phải chịu rất nhiều luật lệ ràng buộc và chịu rất nhiều ảnh hưởng của các thế lực hiện hữu của hệ thống sản xuất xăng dầu. Thế nhưng vẫn có sự cạnh tranh trong thị trường đó dù không phải là theo bài bản của các định nghĩa trong sách giáo khoa. Và sự kiểm soát giá cả, giống như là quy luật Cung-Cầu đã dự đoán, dẫn đến sự thiếu hụt, và giảm sút về chất lượng, vân vân… Câu chuyện này có thể là một đề tài riêng trong một dịp khác.

Buôn bán, Đổi Chác, Trao Đổi

Adam Smith đã nói về khuynh hướng buôn bán, đổi chác và trao đổi của con người. Người ta luôn luôn mua thứ này và bán thứ khác, luôn luôn tìm giá hạ, luôn luôn tìm một giá hời hơn, luôn luôn tìm các lựa chọn khác. Việc luôn luôn tìm món hời đối với cả người mua và người bán đã tạo ra sự cạnh tranh trong nền kinh tế. Kết quả là các thương vụ trong thị trường không hoàn toàn độc lập với nhau mà có ảnh hưởng đáng kể với nhau.

Giá cả từ đâu mà ra? Giá cả chúng ta quan sát được trên thị trường là do sự tương tác giữa người mua, người bán và các lựa chọn khác của họ. Làm sao chúng ta có thể hiểu được là không có thương vụ nào xảy ra trong một khoảng chân không cả? Làm sao để chúng ta hiểu được rằng thứ tự của giá cả đến từ tất cả các thương vụ đang xảy ra đó?

Cung và Cầu là một cách suy nghĩ đơn giản nhưng hữu hiệu để giải thích về việc các thương vụ xảy ra ở các nơi và thời điểm khác nhau có liên hệ với nhau. Đó là một cách suy nghĩ hữu hiệu để quan sát sự phức tạp phát xuất từ khuynh hướng mua bán, đổi chác, trao đổi của con người, sự phức tạp bắt nguồn từ hành động của con người chứ không phải do con người đặt ra.

Chú thích: Russell Roberts là một giáo sư về kinh tế học tại đại học George Mason và là Nghiên Cứu Sinh của Viện Nghiên Cứu Hoover của đại học Stanford. Ông là chủ bút nổi tiếng của Thư Viện Kinh Tế và Tự Do và người điều hành EconTalk trên mạng lưới điện toán.

Nguồn: Ngày 26 tháng 6 năm 2007 – Thư Viện của Kinh Tế và Tự Do

Where Do Prices Come From?


[i] 1 gallon (đơn vị đo lường chất lỏng của Mỹ) gần bằng 4 lít

[ii] Quyền lợi của nhân viên tại Mỹ một cách tổng quát gồm có bảo hiểm sức khỏe cho cá nhân và gia đình, số ngày được nghỉ vì bệnh hoạn, số ngày được nghỉ có lương.4