Lawrence W. Reed
Tôi sẽ không thể tham gia cùng các chiến binh công bằng xã hội trong việc tẩy chay lễ trao giải Oscar năm 2016, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi sẽ xem chương trình này. Mỗi năm khi lễ trao giải Oscar của Hollywood diễn ra, tôi lại tìm một cái gì khác để làm đêm đó. Chương trình này luôn luôn quá dài và thường ca tụng những phim tôi không thích, trong khi bỏ qua một số phim mà tôi thích. Tuy nhiên, dù ở bất cứ nơi nào và bất cứ điều gì tôi đang làm trong khi chương trình đang trình chiếu, thì những suy nghĩ của tôi luôn hướng đến một người bạn đã giành giải Oscar hơn 30 năm trước đây.
Vào đêm lễ trao giải Oscar lần thứ 57 năm 1985, Amadeus được tuyên bố là phim xuất sắc nhất; F. Murray Abraham giành giải nam diễn viên xuất sắc nhất; Sally Field, nữ diễn viên xuất sắc nhất. Sau đó, đến thông báo nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Đi lên sân khấu, với nụ cười toe toét nhất trong đời mình, là một người mà ít người Mỹ từng nghe nói đến, người chỉ diễn xuất trong một bộ phim. Một bác sĩ sinh ra ở Campuchia, bác sĩ Haing S. Ngor đã chứng kiến sự tàn ác không kể xiết và chịu đựng tra tấn trước khi trốn thoát và tìm đường sang Mỹ chỉ 5 năm trước đó. Vai diễn đoạt giải Oscar của ông trong phim Cánh Đồng Chết (The Killing Fields) đặt ông lên sân khấu để nói với thế giới về vụ giết người hàng loạt đã xảy ra từ năm 1975 đến năm 1979 tại Campuchia dưới bàn tay của cộng sản Khmer Đỏ.
Khi tôi gặp Ngor tại một hội nghị ở Dallas vài tháng sau khi ông giành giải, tôi bị ấn tượng bởi niềm đam mê dữ dội của ông. Có lẽ không ai yêu tự do nhiều hơn một người đã bị tước đoạt nó bằng họng súng. Chúng tôi ngay lập tức trở thành bạn và giữ liên lạc thường xuyên.
Khi ông quyết định về thăm Campuchia vào tháng 8 năm 1989, lần đầu tiên kể từ khi bỏ trốn 10 năm trước, ông đã mời tôi đi cùng. Dith Pran, nhiếp ảnh gia mà Ngor đóng vai trong phim, là một trong số ít người trong đoàn của chúng tôi. [Ngoài ra,] đoàn còn có Diane Sawyer và một đội từ kênh truyền hình ABC Prime Time Live. Trải nghiệm Campuchia với Ngor và Pran ngay sau cuộc diệt chủng đã để lại cho tôi những ấn tượng sống động và những ký ức lâu dài.
Nhưng Campuchia vào năm 1989 vẫn còn là một thế giới khác xa với Campuchia vào năm 1979. Mặc dù nỗi đau khổ liên tiếp ở đất nước này vẫn còn trên phạm vi lớn, nhưng tôi biết đó chỉ là một sân chơi nếu so với thời gian ba năm rưỡi mà Ngor và Pran đã sống sót kỳ diệu ở đó.
Trong thời gian đó, những người cách mạng quen chịu gian khổ trong rừng, điên cuồng nhưng thiện chiến, là những người nắm quyền vào năm 1975, bắt đầu tái thiết xã hội Campuchia. Lãnh đạo của họ, Pol Pot, bám theo những cách thức triệt để nhất của đấu tranh giai cấp, chủ nghĩa quân bình cào bằng, và nhà nước kiểm soát. Mô hình của ông ta là cuộc Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Mao và Stalin là những anh hùng của ông ta.
Những “cái xấu” mà Khmer Đỏ mong mỏi tiêu diệt bao gồm tất cả tàn tích của các chính phủ trước ở Campuchia, cuộc sống đô thị, doanh nghiệp tư nhân, đơn vị gia đình, tôn giáo, tiền tệ, y học và công nghiệp hiện đại, sở hữu tư nhân, và bất cứ điều gì có vẻ mang ảnh hưởng của nước ngoài. Họ giẫm đạp lên dân chúng vốn không có khả năng tự vệ và đã mệt mỏi vì chiến tranh. Cỗ máy giết chóc Pol Pot sản sinh ra những “Cánh Đồng Chết” mà bộ phim được đặt tên như vậy về sau.
Đối với chế độ, năm 1975 không còn là năm 1975 ở Campuchia. Nó được tuyên bố là “Năm Zero” và các năm tiếp theo được đánh số tuần tự cho phù hợp. Để cắt đứt với quá khứ của Campuchia, Khmer Đỏ đã thay đổi tên của đất nước thành Kampuchea [tên của Campuchia trong tiếng Khmer]. Những cuộc tàn sát chủng tộc, những cuộc hành hình chính trị, và những vụ giết người tùy tiện được tiến hành như chính sách công để kỷ luật, để đe dọa, và tổ chức lại xã hội. Cuộc sống của bất cứ cá nhân nào cũng không có nghĩa lý gì trong kế hoạch vĩ đại của trật tự mới.
Một ngày sau khi nắm quyền, Khmer Đỏ sơ tán cư dân đô thị bằng vũ lực, bao gồm cả thủ đô Phnom Penh, một thành phố bị quá tải bởi người tị nạn khiến cho dân số tăng lên gần hai triệu người. Hàng ngàn người, nam và nữ, bao gồm cả người bệnh, người già và người tàn tật, đã chết trên đường đến “trại cải tạo chính trị” ở nông thôn. Những người sống sót thấy mình làm việc đầu tắt mặt tối trên cánh đồng lúa, thường xuyên bị tách ra khỏi gia đình, thường xuyên bị đánh đập và tra tấn vì những vi phạm vặt vãnh, hoặc không có lý do nào cả, bị bỏ đói với khẩu phần ít ỏi, và chắc chắn đối mặt với cái chết nếu dám mảy may thách thức cầm quyền.
Thon Hin, một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Campuchia tại thời điểm chuyến thăm năm 1989 của chúng tôi, nói với tôi về chương trình tuyên truyền được phát hàng ngày từ loa khi người dân dốc sức trên những cánh đồng: “Họ nói rằng tất cả mọi thứ thuộc về nhà nước, rằng chúng tôi không có phận sự đối với bất cứ cái gì ngoài nhà nước, rằng nhà nước sẽ luôn luôn đưa ra các quyết định đúng đắn vì điều tốt đẹp cho tất cả mọi người. Tôi nhớ rất nhiều lần họ nói, ‘Thà giết nhầm còn hơn bỏ sót’”
Nhà thờ và chùa đã bị phá hủy, và hàng ngàn nhà sư và tín đồ Phật giáo đã bị sát hại. Trường học bị đóng cửa và y học hiện đại đã bị cấm trong khi cách điều trị lang băm và thử nghiệm độc ác được cho phép. Vào năm 1979, chỉ có 45 bác sĩ trên phạm vi cả nước; hơn 4.000 bác sĩ đã chết hoặc bỏ chạy. Lén lút ăn uống và tìm bới đồ ăn bị coi là tội chống lại nhà nước. Cũng vậy đeo kính cận thị, được coi là bằng chứng cho thấy đó là một người trí thức.
Với sự kiểm soát toàn bộ thông tin và truyền thông, đảng sát nhân của Pol Pot khiến nhân dân Campuchia không nhận thức được đầy đủ hành động tàn bạo của nhà nước. Hầu hết ít có ý nghĩ rằng sự kinh hoàng họ đang chứng kiến là một sự kiện trên toàn quốc. Phần còn lại của thế giới thậm chí biết ít hơn. Những ngôi mộ tập thể được khai quật trong những năm về sau cung cấp bằng chứng muộn màng và rùng rợn về bạo lực.
Cách đó mười lăm cây số, chúng tôi đến thăm một nơi gọi là Choeung Ek, một nhà tưởng niệm với hơn 8.000 sọ người được tìm thấy trong một cánh đồng gần kề. Người Campuchia nói rằng các con suối lân cận đã từng có màu rất đỏ của máu và gia súc không thể uống nước.
Ước tính ban đầu về số người chết vì đói, bệnh tật và bị hành hình dưới chế độ độc tài Pol Pot khoảng 3 triệu – trong một quốc gia chỉ có 8 triệu dân từ khi ông ta lên nắm quyền. Bây giờ hầu hết chấp nhận con số là khoảng 2 triệu người chết. Chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot gây ra nhiều cái chết hơn so với thập kỷ cuối cùng của chiến tranh Việt Nam, với 1,2 triệu người chết ở cả hai phía Mỹ và Việt Nam.
Haing Ngor không chỉ nhìn thấy những điều này; ông đã phải chịu đựng chúng. Ông từ bỏ đôi mắt kính của mình và biến mất trong tư cách một bác sĩ. Ông xuất hiện trở lại như một người lái xe taxi, hy vọng ông và vợ sẽ không thu hút sự chú ý của chế độ. Tuy nhiên, ông đã làm nạn nhân của sự tàn ác của họ chẳng phải chỉ có một lần. Những kẻ sát nhân cắt ngón tay của ông ra trong một trận tra tấn. Trong một trận khác, vợ ông chết trong vòng tay của ông do các biến chứng trong khi sinh nở. Kỹ năng bác sĩ của Ngor có thể cứu được vợ mình, nhưng nếu ông để lộ mình là một bác sĩ, cả hai đều sẽ bị xử tử tại chỗ.
Trong cuốn tự truyện đầy mê hoặc năm 1987 của mình, Sống sót trong Cánh Đồng Chết, ông đã phác họa nỗi thống khổ của mình: “Gió đưa những lời cuối cùng của cô ấy đến tôi không biết bao lần: ‘Hãy chăm sóc bản thân nhé, anh yêu’. Cô ấy đã chăm sóc tôi khi tôi bị ốm. Cô ấy đã cứu sống tôi. Nhưng khi đến lượt mình cứu cô ấy, tôi đã thất bại.”
Ngor cuối cùng thoát ra khỏi Campuchia qua đường Thái Lan, hạ cánh tại Mỹ vào năm 1980, một năm rưỡi sau khi một cuộc xâm lược Việt Nam kết thúc chế độ Khmer Đỏ. Ông tin rằng thế giới cần biết về tội ác của Khmer Đỏ, một cách đầy đủ và sinh động. Khi số phận đã cho ông cơ hội được diễn xuất trong một bộ phim về thời kỳ này, ông đã nắm lấy và thể hiện xuất sắc. Ông xứng đáng với giải Oscar, mặc dù ông thường nói rằng ông thực sự không phải “diễn” gì. Ông đã đích thân trải qua những tai hoạ còn tồi tệ hơn nhiều so với những gì được mô tả trong phim. Ông đã được thúc đẩy để thực hiện tốt [vai diễn của mình] để chúng ta sẽ nhớ đến những gì đã xảy ra và với những ai.
Sau Cánh Đồng Chết, Haing kiếm được một ít tiền trong các phim với các vai khách mời và các vai nhỏ. Ông sống trong một căn hộ khiêm tốn trên Beaudry Avenue ở Los Angeles. Ông quá bận rộn giúp đỡ người khác và cho khán giả thấy thảm họa tại quê hương của mình hơn là theo đuổi sự nghiệp Hollywood. Một thời, ông đã tham gia tình nguyện thường xuyên trong nhiều tuần để cung cấp trợ giúp y tế miễn phí cho người tị nạn dọc biên giới Thái Lan.
Tôi vẫn giao thiệp thường xuyên với ông trong những năm sau chuyến thăm của chúng tôi đến Campuchia năm 1989. Ông luôn luôn dành thời giờ cho bạn bè của mình. Nếu ông ấy không có ở nhà khi tôi gọi, ông không bao giờ quên gọi lại cho tôi.
Một buổi sáng lạnh lẽo vào tháng 2 năm 1996, một người bạn phóng viên của tờ báo địa phương đã gọi tới văn phòng của tôi. Ông đã nhìn thấy một bức điện báo và muốn biết ý kiến của tôi. Người bạn 55 tuổi của tôi, bác sĩ Haing S. Ngor, đã bị bắn và giết chết một ngày trước – không phải ở một nơi nào ở Đông Nam Á, mà giữa trung tâm thành phố Los Angeles. Các thủ phạm, hóa ra là những gã côn đồ bình thường đã cố gắng cướp của ông khi ông bước ra khỏi xe của mình. Chúng lấy đi một cái mặt dây chuyền, trong đó có bức ảnh duy nhất mà ông có về người vợ quá cố.
Thật là không thể hiểu nổi một thảm kịch vô nghĩa như vậy. Tôi biết điều này, tuy nhiên: đối với Haing Ngor, tìm lại sự tự do của mình sau khi trải qua địa ngục trần gian là không đủ. Ông đã không thể thư giãn, thở dài nhẹ nhõm, và tiếp tục trở lại một cuộc sống yên tĩnh và vô danh. Ông cảm thấy bắt buộc phải kể câu chuyện của mình để những người khác có thể biết những điều khủng khiếp mà chính quyền độc tài có thể làm. Ông buộc chúng ta phải suy ngẫm và hiểu rõ giá trị cuộc sống về cơ bản hơn bao giờ hết.
Chúng ta có thể thấy biết ơn vì được sống trong một đất nước mà chúng ta có thể ăn mừng những thành tựu sáng tạo của mình trong phim ảnh, nhưng chúng ta nên thậm chí biết ơn nhiều hơn những người như Haing Ngor, những người đã làm được nhiều hơn để truyền dạy về tự do trong một vài năm ngắn ngủi so với hầu hết chúng ta có thể làm trong cả cuộc đời mình.
Thu Hương chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, Oct 2016