Lawrence W. Reed
Khi còn là một học sinh lớp sáu, cách đây khoảng 60 năm, tôi đã được dạy rằng có hai anh hùng người Ba Lan đã đóng vai quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Hoa Kỳ khỏi Vương quốc Anh—Casimir Pulaski và Thaddeus Kosciuszko. Những gì họ đã làm cho nước Mỹ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi và bắt đầu một sự trân trọng suốt đời đối với Ba Lan và những thứ của Ba Lan.
Là một cấp chỉ huy xuất sắc ông thành công khi chống lại lực lượng xâm lược Nga, Pulaski, một trong tám người duy nhất từng nhận được quốc tịch danh dự của Hoa Kỳ, là một anh hùng ở quê hương của mình (khi đó được gọi là Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva) trước khi ông đến Mỹ vào năm 1777 ở tuổi 32. Pulaski nói với George Washington, người mà sau này ông đã cứu mạng trên chiến trường, “Tôi đến đây, nơi tự do đang được bảo vệ, để phục vụ nó, và sống hoặc chết vì nó.” Vào thời điểm ông hy sinh trong khi hành động hai năm sau đó gần Savannah, Georgia, ông đã đạt được cấp bậc chuẩn tướng trong Quân đội Lục địa.
Pulaski trở thành “Cha đẻ của Kỵ binh Hoa Kỳ” và được chôn cất gần Savannah, không xa một pháo đài thế kỷ 18 mang tên ông. Trên khắp nước Mỹ, bạn có thể tìm thấy các xa lộ, thị trấn, và làng mạc, trường học, cầu và tượng đài được đặt tên để tưởng nhớ ông.
Tuy nhiên, Thaddeus Kosciuszko là trọng tâm của tiểu luận này. Sinh năm 1746, vài tháng sau Pulaski, Kosciuszko đến Mỹ vì cùng lý do, để đấu tranh cho tự do. Ông đã chứng tỏ mình là một kỹ sư xây dựng công sự bậc thầy và, giống như Pulaski, cũng đạt được cấp bậc chuẩn tướng. Công trình của ông đã chứng minh là không thể thiếu đối với chiến thắng của Mỹ tại Saratoga và trong cuộc phòng thủ thành công tại West Point.
Sau đó được điều động đến miền Nam, ông được ghi nhận là có công lao to lớn ở hai tiểu bang Carolinas, bao gồm cả việc tái chiếm Charleston sau khi quân Anh rút lui. Ông đã chịu đựng bảy năm chiến đấu cho nước Mỹ mà không được trả lương, cho đến khi Quốc hội cuối cùng cũng tìm được tiền để bồi thường cho ông và những người lính Lục quân Lục địa khác, mặc dù số tiền đó rất ít ỏi.
Nhưng tôi viết về Kosciuszko ở đây là vì một mục đích khác. Trong hơn tám tháng, từ tháng 3 đến tháng 11 năm 1794—chính xác là 230 năm trước—ông đã lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa dũng cảm ở quê hương Ba Lan của mình chống lại người Nga.
Ngày nay, khởi nghĩa là một thuật ngữ nặng nề, mang đầy hàm ý xúc phạm. Nhưng ở Ba Lan sau ngần ấy năm, cái gọi là “Khởi nghĩa Kosciuszko” được ca ngợi như một khoảnh khắc anh hùng. Bối cảnh rất quan trọng. CUộc khởi nghĩa này không chỉ là một đám đông mất kiểm soát và nổi loạn; nó bao gồm những người có vũ trang tìm cách lật đổ một kẻ chiếm đóng nước ngoài bằng bạo lực.
Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva vào đầu những năm 1790 là một quốc gia bị bao vây bởi ba nước láng giềng hùng mạnh: Áo-Hung, Phổ và quan trọng nhất là Nga. Ba quốc gia lân cận này từ lâu đã gây phiền nhiễu cho người Ba Lan—chiếm đất, hối lộ các chính trị gia Ba Lan và cô lập đất nước về mặt ngoại giao. Sau những nỗ lực dũng cảm của mình vì tự do của nước Mỹ, ông đã trở về châu Âu để đấu tranh cho tự do của Ba Lan thân yêu của mìn.
Khi người Nga xâm lược Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva năm 1792, Kosciuszko đã hành động ngay. Lên đến cấp bậc trung tướng, ông đã chiến đấu với người Nga và không bao giờ thua một trận nào. Nhưng Vua Stanisław Poniatowsk trong một hành động bị đánh giá là sai lầm nhất và hèn nhát nhất, i đã làm cả nước sửng sốt khi ra lệnh ngừng chiến sự chống lại người Nga. Sự đầu hàng của Nhà vua đã mở ra cánh cửa cho sự chiếm đóng của Nga, và trong sự phẫn nộ, Kosciuszko đã rời khỏi đất nước để bắt đầu lên kế hoạch cho một cuộc cách mạng chống lại những kẻ cướp nước người Nga.
Nhà vua nghĩ rằng ông đã đạt được một thỏa thuận với người Nga rằng sẽ giữ nguyên biên giới Ba Lan. Thật ngây thơ. Nếu bạn tự hỏi tại sao người Ba Lan ngày nay lại không tin tưởng, thậm chí coi thường, chế độ khi đó ở St. Petersburg và bây giờ là ở Moscow, thì đây là một trong nhiều lý do chính đáng. Vào tháng 1 năm 1793, Nga và Phổ đã ký một thỏa thuận tạo ra sự phân chia thứ hai của Khối thịnh vượng chung Ba Lan-Litva (lần đầu tiên là vào năm 1772) khiến đất nước này bị thu hẹp hơn nữa.
Con người yêu nước ở trong Kosciuszko không chấp nhận những hoàn cảnh này. Làm việc với những người Ba Lan di cư khác ở châu Âu, ông lập mưu giải phóng Ba Lan bị chiếm đóng. Dưới sự đe dọa bị bắt và hành quyết, ông đã quay trở lại đất nước, và tại quảng trường chính của Krakow vào ngày 24 tháng 3 năm 1794, ông đã táo bạo tuyên bố điều mà sau này nhanh chóng được biết đến là Cuộc khởi nghĩa Kosciuszko. Lúc này, ông là tổng tư lệnh của lực lượng Ba Lan-Litva chống lại lực lượng của nước Nga độc tài của Catherine Đại đế.
Lực lượng của Kosciuszko đã chiến đấu anh dũng ở mọi miền của đất nước. Hai tháng sau, ông đã ban hành Tuyên ngôn Ba Lan. Tuyên ngôn này trao cho người dân những quyền tự do dân sự đáng kể và chấm dứt một phần chế độ nông nô, quyền sở hữu tư nhân về đất đai và một số quyền hợp pháp trước đây người dân thường không có. Mặc dù Tuyên ngôn đã tập hợp được tầng lớp nông dân để ủng hộ cho cuộc nổi loạn, nhưng cuối cùng cũng chẳng có tác dụng gì. Giới quý tộc cũ đã chống lại, và đến tháng 11, Khối thịnh vượng chung Ba Lan-
Nỗ lực của Kosciuszko đã thất bại. Khối thịnh vượng chung đã bị dập tắt bởi sự phân chia thứ ba và cũng là cuối cùng của đất nước vào năm 1795. Trong 123 năm tiếp theo, bản đồ châu Âu không hề có Ba Lan và Litva. Ở phần Khối thịnh vượng chung cũ mà người Nga gchiếm được bằng súng đạn, một loạt thanh trừng chủng tộc đã diễn ra. Những kẻ chiếm đóng tìm cách xóa bỏ văn hóa và di sản Ba Lan, nhưng những người Ba Lan dũng cảm vẫn tiếp tục kháng cự khi họ tạo ra một trong những xã hội ngầm sáng tạo nhất thế giới. Ngay cả người đoạt giải Nobel và nhà vật lý nổi tiếng người Ba Lan Maria Sklodowska (Marie Curie) cũng đã lấy bằng đại học của mình tại một trường đại học ngầm bất hợp pháp.
Với sự kết thúc của Thế chiến thứ nhất vào năm 1918, Ba Lan và Litva cùng xuất hiện trở lại trên bản đồ thế giới. Và điều đầu tiên mà một quốc gia Ba Lan hồi sinh phải đối mặt là một cuộc tấn công của nước Nga Bolshevik của Lenin. Chắc chắn được khích lệ bởi tấm gương của Kosciuszko từ nhiều thập kỷ trước, người Ba Lan đã đánh bại người Nga và cứu châu Âu khỏi một cuộc tấn công của cộng sản.
Về phần Kosciuszko: Sau chiến thắng của Nga năm 1795, ông lại di cư sang Mỹ. Ông có tình bạn lâu dài với nhiều người yêu nước Mỹ, bao gồm Thomas Jefferson. Ông đã viết di chúc vào năm 1798 và để lại phần lớn tài sản của mình cho sự tự do và giáo dục của những nô lệ da đen tại Hoa Kỳ. Ông qua đời tại Thụy Sĩ vào năm 1817, ở tuổi 71.
Và bây giờ bạn biết thêm một lý do nữa tại sao tôi lại yêu mến Ba Lan mặc dù tôi không có dòng máu Ba Lan!
Nông Duy Trường chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân Sept 2004
Tác giả:
Lawrence W. Reed là Chủ tịch Danh dự của FEE. Ông đã giữ chức vụ chủ tịch trong 11 năm (2008-2019). Ông cũng là thành viên cấp cao của Humphreys Family của FEE và là Đại sứ toàn cầu của Ron Manners về Tự do.
Nguồn: https://fee.org/articles/two-polish-heroes-every-american-should-know/