fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Hãy Coi chừng có Dân chủ mà Không có Tự do

Richard Ebeling

Một sai lầm cơ bản của thời đại chúng ta đó là, chúng ta  cho rằng dân chủ là câu thần chú đưa ta đến hòa bình, tự do và thịnh vượng. Những cuộc bầu cử gần đây ở Ukraine, Iraq, và Saudi Arabia, và sự hứa hẹn trong cuộc tranh cử tổng thống sôi nổi ở Ai Cập, được ca ngợi là dấu hiệu của ánh bình minh mới đang đến với nhân loại. Và thật ra, có thể như thế thật. Nhưng dân chủ tự nó không xác định hay bảo đảm cho một xã hội được tự do. Lịch sử đã cho ta  thấy nhiều câu chuyện về  những xã hội dân chủ đã hủ hóa thành những xã hội tham nhũng, cướp bóc và chuyên chế độc tài.

Tháng Tư này đánh dấu 60 năm kể từ khi Adolf Hitler qua đời trong tàn tích  của Berlin khi Đệ Nhị Thế Chiến đến hồi  chấm  dứt ở Châu Âu. Điều thật đáng nhắc lại là cả đảng Cộng sản lẫn đảng Quốc xã đã hấp dẫn  số đông dân chúng ở Đức vào đầu thập niên 1930 trong buổi hoàng hôn của Cộng hòa Weimar. Trong cuộc bầu cử quốc gia Đức ngày 31 tháng 7 năm 1932, Nhũng người theo đảng Quốc Xã của Hitler nổi lên như một đảng lớn nhất đại diện trong quốc hội (mặc dù nhóm này không chiếm đa số phiếu bầu), trong khi Đảng Cộng sản là đảng mạnh thứ ba sau đảng Dân chủ Xã hội. Trong cuộc bầu cử tự do cuối cùng, ngày 6 tháng 11 năm 1932, trước khi Hitler lên nắm quyền vào tháng Giêng năm sau, Đảng Quốc xã đã mất ghế, nhưng vẫn là đảng lớn nhất trong nghị viện, cùng với những đảng viên Cộng sản vẫn ở vị trí thứ ba nhưng tiến sát Đảng Dân chủ Xã hội.

Cả đảng Quốc Xã lẫn đảng Cộng Sản đều chẳng ngại ngùng khi cho cử tri Đức biết điều gì sẽ chờ họ nếu đảng Quốc Xã hay Cộng sản nắm quyền. Thật vậy, nhà kinh tế người Áo Ludwig von Mises đã quan sát vào năm 1926, ông cho biết rằng nhiều người Đức “đang đặt hy vọng vào sự xuất hiện của ‘kẻ mạnh’ –  bạo chúa sẽ suy nghĩ thay cho họ và chăm sóc họ.”  Nhiều người, thậm chí qua việc đi bầu cử, đã bán mất tự do khi họ bị quyến rũ bởi lời hứa của chính sách độc đoán mang màu sắc chính trị gia trưởng.

Trong thế giới ngày nay, đặc biệt là ở Tây Âu và Bắc Mỹ, các hình thức  độc tài cực đoan như vậy không mấy hấp dẫn đối với phần lớn dân chúng. Rất ít người sẵn sàng đi bầu chịu đổi sự mất tự do chomột xã hội không tưởng độc đảng. Không, ngày nay dân chúng chỉ mong muốn sử dụng nhà nước để cướp bóc lẫn nhau thông qua sự can thiệp của chính phủ và tái phân phối phúc lợi. Những gì được thực hiện ở các quốc gia dân chủ trên thế giới là cái mà năm 1896 kinh tế gia người Ý, Vilfredo Pareto, gọi là “chủ nghĩa xã hội tư sản” — một  đội ngũ rất đông các nhóm lợi ích riêng biệt sử dụng nhà nước vào việc bảo hộ thương mại, trợ cấp thu nhập, thao túng tiền tệ và  ban hành quy định trong nước để kiềm chế cạnh tranh.

Hơn nữa, Pareto cũng hiểu ra hơn một trăm năm trước, những gì các nhà lý luận theo trường phái Lựa chọn Công[1] (Public Choice) trong thế kỷ hai mươi  đưa ra cho rằng những ưu đãi  bất cân xứng  là kết quả từ sự tập trung lợi ích và dàn trải gánh nặng chi tiêu phát sinh từ sự can thiệp của chính phủ trong một hệ thống dân chủ:

“Chúng ta hãy giả sử rằng ở một quốc gia có ba mươi triệu dân, quốc gia này đề xuất dưới một cái cớ nào đó, bắt mỗi công dân trả một franc một năm, rồi phân phối tổng số tiền đó cho tổng số ba mươi người. Mỗi người trong số những người đóng tiền sẽ nộp một franc một năm; mỗi một người trong số ba mươi người hưởng lợi sẽ nhận được một triệu franc một năm. Hai nhóm người này sẽ có phản ứng rất khác biệt đối với tình huống này. Những người hy vọng đạt được một triệu (franc) một năm sẽ không nghỉ cả ngày lẫn đêm. Họ sẽ lôi kéo các tờ báo nói về lợi ích của họ bằng những vụ đút lót tài chính và quảng cáo rùm beng về việc hỗ trợ từ mọi cơ quan đầu não. Một bàn tay kín đáo sẽ làm ấm lòng bàn tay của những nhà lập pháp đang gặp khó khăn, thậm chí có cả những bộ trưởng trong số đó. Ở Hoa Kỳ, không cần thiết phải dùng những cách thức như vậy: những giao dịch này được thực hiện công khai; có một thị trường mở cho phiếu bầu cũng giống như thị trường về bông vải và ngũ cốc. Mặt khác, các thành phần bị bóc lột  không mấy tích cực (đi bầu). Cần có rất nhiều tiền để khởi động một chiến dịch bầu cử. Hiện giờ có những khó khăn vật chất không thể phục hồi được đang chống lại yêu cầu mỗi công dân đóng góp một vài phần trăm của một quan (centimes).

. . . cá nhân nào đang bị đe dọa mất một franc một năm – ngay cả khi người đó hoàn toàn nhận thức được những gì đang diễn ra – sẽ không vì một việc quá nhỏ bé mà bỏ lỡ một cuộc dã ngoại ở miền quê hoặc sẽ cãi nhau với  những người bạn có ích, tâm đầu ý hợp, hoặc đồng thuận với sai trái của thị trưởng hay quận trưởng! Trong những trường hợp này, kết quả không nghi ngờ gì: những kẻ  cướp đoạt sẽ chắc chắn thắng.

Nói cách khác, những gì chúng ta có là một hệ thống cướp bóc dân chủ, theo đó, như Frédéric Bastiat nói, mọi người cố gắng sử dụng nhà nước để sống trên sự thiệt hại của người khác.

 Chỉ là một cơ chế

Chúng ta cần phải nhớ rằng, dân chủ, về bản chất, chỉ là một cơ chế cho sự lựa chọn hoà bình các viên chức chính quyền. Như vậy, dân chủ chắc chắn là tốt hơn hẳn các cuộc cách mạng và những cuộc nội chiến. Như thường được nói, dân chủ thay thế những viên đạn bằng những lá phiếu. Tầm quan trọng vô giá của dân chủ cho mục đích này ta  đừng bao giờ coi nhẹ hoặc lãng quên.

Tuy vậy, dân chủ không phải là tự do. Ý nghĩa của tự do đã được giải thích bởi Benjamin Constant, người theo phái tự do cổ điển Pháp, trong một bài diễn thuyết nổi tiếng của ông vào năm 1819, Tự do của Người La Mã và Hy Lạp cổ đại so với Tự do của Người Hiện đại (The Liberty of the Ancients Compared with that of the Moderns).

Đầu tiên hãy tự hỏi chính mình, thưa Quý vị, những gì một người Anh, một người Pháp, hoặc một công dân của Hoa Kỳ ngày nay hiểu thế nào về chữ “tự do.” Đối với mỗi người trong số họ, tự do là quyền [hành xử]  theo pháp luật, và không bị bắt giữ, bị cản trở, bị giết chết hoặc bị ngược đãi theo bất kỳ cách nào bởi ý muốn độc đoán của một hoặc nhiều cá nhân. Ý nghĩa đó là quyền tất cả mọi người đều có để bày tỏ ý kiến ​​của họ, để chọn một nghề nghiệp và làm nghề đó, để  sử dụng và ngay cả phá hoại tài sản của họ; để tự do đi lại mà không cần phải xin phép ai, và không cần phải giải trình đến động cơ hoặc sự quyết tâm của họ. Đó là quyền của mọi người để giao kết  với các cá nhân khác, để bàn luận về những điều họ quan tâm, hoặc để tuyên xưng niềm tin tôn giáo mà họ và đồng đạo của họ ưa thích, hoặc thậm chí đơn giản là sử dụng ngày, giờ của họ phù hợp với  sở nguyện hay ý tưởng của họ hơn. Cuối cùng, đó là quyền của mọi người để hành xử tạo ảnh hưởng nào đó đến chính quyền của chính phủ, hoặc bằng cách bầu cho tất cả hoặc bầu cho các viên chức nào đó, hoặc thông qua đại diện, bằng thình nguyện thư, những yêu cầu trả lời cấp bách gửi đến các cơ quan mà nhiều hay ít buộc họ phải chú ý đến.

Constant, như ta thấy, tin rằng  phần tử thiết yếu  của tự do là khả năng tham gia vào tiến trình chính trị, bầu ra những viên chức chịu trách nhiệm trước công dân. Nhưng “dân chủ” không phải là thành phần cốt lõi của tự do con người. Cái cốt lõi là sự tự do của cá nhân để tự trị lấy mình.

Hiểu theo nghĩa rộng, một cá nhân [có tự do] không được phép can thiệp vào tự do của những cá nhân khác, ai cũng như ai. Mối quan hệ của cá nhân đó với các cá nhân khác phải dựa trên sự đồng ý, không có sự giới hạn của chính phủ hoặc có sự sắp đặt.

Nhiệm vụ của chính phủ là bảo đảm cho mỗi cá nhân được tự do không bị bạo lực [xâm phạm] và không bị can thiệp cưỡng bức; để bảo vệ cuộc sống, bảo vệ tự do và tài sản của họ khỏi sự xâm phạm. Khi chính phủ vượt quá nhiệm vụ này, sự tự do của cá nhân trong xã hội đó đã bị giảm bớt, ngay cả khi chính phủ đó được chọn một cách dân chủ.

Chiến thắng của nền dân chủ trên toàn thế giới sẽ là một chiến thắng rỗng tuếch nếu chiến thắng đó không xuất phát từ khái niệm căn bản về tự do. Nếu không, loài người sẽ tiếp tục sống dưới sự độc tài – sự độc tài của các đại cử tri.


Michelle Phạm chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, July 30, 2018

Richard Ebeling

Richard M. Ebeling is BB&T Distinguished Professor of Ethics and Free Enterprise Leadership at The Citadel in Charleston, South Carolina. He was president of the Foundation for Economic Education (FEE) from 2003 to 2008.

Nguồn: http://fee.org/freeman/detail/beware-democracy-without-liberty

[1] Lựa chọn Công (Public Choice) là một lý thuyết về kinh tế do James Buchanan và Gordon Tullock đề xướng năm 1964. Nguyên lý cốt lõi của lý thuyết Lựa chọn Công là: quyền lợi kinh tế cá nhân là động cơ của chính trị; có nghĩa là người dân sẽ bỏ phiếu cho chính trị gia nào mà họ tin rằng sẽ giúp họ có thêm nhiều tiền.