LỜI GIỚI THIỆU
Theo sử gia Tây Âu, cách đây khoảng bốn ngàn năm khi châu Âu chưa thành hình, quốc gia, dân tộc trên lục địa chưa xác định rõ rệt như ngày nay, có bộ lạc cao lớn, tóc vàng, sử gia không rõ thế nào, rời rừng núi mạn bắc kéo xuống bờ biển, đồng bằng mạn nam, băng qua thung lũng Vardar tiến về phía đông, vượt eo biển Hellespont vào Tiểu Á. Cùng thời gian, một phần bộ lạc rẽ sang phía tây lấn chiếm Nam Âu, định cư trên phần đất sau này gọi là Hellas, bên ngoài gọi là Hy-lạp. Bộ lạc đó có lẽ không đông đảo, và có vẻ không do duy nhất một người chỉ huy. Tới nơi gặp thổ dân họ gọi là Pelasgian, tên gọi tùy tiện không đặt vấn đề nguồn gốc hay chủng tộc, ngày nay gọi là Helladic, người thuộc văn hóa thời kỳ đồ đồng. Họ không gọi họ là người Hy-lạp mà gọi họ là người Achaian, người Argive hoặc người Danaan, nghĩa là thần dân quân vương huyền thoại Danaus sinh nhiều công chúa. Họ là chủng tộc gan dạ, kiên cường, song bán khai. Trái lại, dân tộc họ chinh phục đã hấp thụ văn minh mấy thế kỷ và đã trở thành bộ phận của văn minh Minoan phong phú kết tụ trên đảo Krete cực nam quần đảo. Kết quả là văn hóa mới ra đời, văn hóa Mycenaean, bao gồm nhân tố mạn bắc và nhân tố mạn nam do pha trộn chủng tộc, song thủ lĩnh chỉ huy là người xâm lược. Tiếng nói là (hoặc ít nhất trở thành) tiếng nói của người mạn bắc, tuy thế vài vùng vẫn giữ tiếng nói Helladic hoặc Pelasgian. Liều lĩnh, buông tuồng, ra đi là để cướp phá, chiếm địa điểm chủ chốt của người vùng biển Aegean, họ dần dần tiêm nhiễm lối sống cùng nhiều mặt nghệ thuật, song vẫn bảo tồn tư tưởng, nếp sống tinh thần của mình khiến văn hóa của họ ở nhiều điểm khác văn hóa của người trước họ. Mất nhiều năm họ mới hoàn thành cuộc chinh phục. Dẫu thế sau đó khá lâu họ vẫn là chủng tộc hiếu chiến, sống trên đầu trên cổ thổ dân lao động hàng ngày trên dải đất cằn cỗi. Nghỉ ngơi quá lâu, hòa bình kéo dài, cuộc sống trở nên nhàm chán, họ quay ra gây chiến lẫn nhau hoặc dong buồm xuôi ngược cướp phá vùng biển lân cận. Lúc nhàn rỗi, để giải trí tìm vui, họ quây quần bên nhau ngồi nghe kể chuyện – thành tích anh hùng Achaian, chiến công trên mặt biển, trên đất liền hay chuyện nam thần, nữ thần, do yêu thương hay giận dữ, tham gia kỳ lạ vào sinh hoạt trần thế. Vì không định cư cùng nơi trên đất liền cũng như dọc bờ biển Tiểu Á đầy dẫy chướng ngại tự nhiên, họ chia thành nhiều nhóm sống rải rác trên lục địa và hải đảo.[1] Vì thiếu phương tiện liên lạc với nhau, tiếng nói theo thời gian cũng tự nhiên chia thành thổ ngữ. Có thổ ngữ là tiếng nói địa phương, có thổ ngữ không bao giờ có khả năng sản xuất văn học, song có bốn thổ ngữ trở thành tiêu chuẩn người xưa công nhận là phương tiện hữu hiệu để thực hiện văn chương: Doric, Aiolic, Ionic và Attic.
Năm tháng trôi qua, định cư xong xuôi, họ bắt đầu khai khẩn đất đai, cày ruộng cấy lúa, bới đất trồng nho, đồng thời phát triển chăn nuôi heo, bò, ngựa, cừu để lấy thịt ăn, lông bán và phương tiện canh tác, chuyên chở. Họ học cách phối hợp cướp đoạt với buôn bán, tiếp xúc với văn minh Phoinicia, văn minh Ai-cập đã và đang phát triển cao độ. Khoảng năm 1100 ttl. lãnh địa của họ rung chuyển vì đợt di dân từ mạn bắc, đám này kéo xuống như họ trước kia, ùn ùn tựa nước chảy từ miền núi qua Thessaly tới miền nam. Khác chăng là xâm nhập tiếp nối xâm nhập lần này gặp khó khăn. Tình trạng kéo dài gần hai thế kỷ. Rối ren, hỗn loạn, chiến tranh, chạy trốn diễn ra liên miên. Di dân chấm dứt, thanh bình trở lại, cuộc sống êm đềm, phân phối dân cư diễn ra toàn diện. Người Achaian và một phần bộ lạc kéo tới sau họ – người Ionian, người Aiolian, người Dorian – lui về mạn đông, vượt biển tới hải đảo và bờ biển Tiểu Á. Người mới tới tỏa ra khắp Hy-lạp, từ Thessaly xuống mũi đất Korinth và bán đảo Peloponnesos. Họ cũng là người Hy-lạp như người họ đánh đuổi trước kia. Họ sử dụng thổ ngữ cùng ngôn ngữ; họ thờ phụng nhiều thần linh. Nhưng bây giờ họ là thành phần thô lỗ, lạc hậu trong cộng đồng dân tộc Hy-lạp. Người Achaian văn minh ở châu Á, chiếm thành phố cổ kính để sống, đồng cỏ tươi tốt để chăn nuôi gia súc.
Trong số vật dụng mang theo tới quê hương mới là mớ chuyện kể về thần linh và tổ tiên thần linh của họ. Lúc này số chuyện đó đã kết thành trường ca, thi sĩ lang thang, ca công hát dạo vừa đánh đàn vừa hát, vừa kể vừa ngâm để khán giả thưởng thức trong bữa tiệc cộng đồng tổ chức trong nhà trưởng giả hay nhà quý tộc. Có chuyện chỉ là huyền thoại, như chuyện kể nguồn gốc thần linh, việc sáng tạo trái đất. Có chuyện căn cứ vào hồi tưởng sự kiện có thật, như cuộc viễn du của Jason[2] gan dạ tới Hắc hải xa xôi, cuộc địa chiến trên đất Hy-lạp mấy quân vương điều khiển chống lại thành Thebes bảy cửa ô, cuộc viễn chinh bảy quân vương vượt biển tấn công thành Troa trên mũi đất phía bắc Tiểu Á gần eo biển Hellespont . Cuộc viễn chinh như thế có thực trong lịch sử. Khoảng năm 1180 ttl. hàng ngàn chiến thuyền thuộc lực lượng xâm lược kéo tới vây hãm, cướp phá, đốt cháy thành phố xây dựng trên đó. Gần ba ngàn năm sau, cuối thế kỷ XIX, do muốn tìm hiểu sự thật lịch sử, nhà khảo cổ người Đức Heinrich Schliemann tới Troa và Mycenae khai quật; ông thấy dưới tro than tàn lụi di tích ba thành phố trên cùng dẫy đồi. Cùng thời gian nhà khảo cổ người Anh Arthur Evans làm công việc tương tự ở Cnossos; ông thấy cũng dưới tro than tàn lụi nền văn minh từ trước tới giờ chưa ai hay.
Người Achaian di cư nghe kể nhân vật trong chuyện xưa cường tráng, dũng cảm, can trường chứ không ẻo lả, nhút nhát như họ ngày nay. Nhân vật trong chuyện xưa là con cháu thần linh. Họ có thể trừ khử quái vật, cử tạ ngàn cân, ném thương trăm thước, giương cung hàng tạ người sau trông thấy chỉ biết cúi đầu bái phục, hay trợn mắt đứng nhìn. Người tài cán trong đám họ mặc giáp y do thần linh chế tạo, ngồi xe đánh ngựa xinh đẹp tuyệt vời phi như gió thổi mây bay. Cung điện họ ở mái nhô cao, tường lát đồng, lát vàng, lát gạch tráng men bóng loáng. Việc họ làm, tốt hay xấu, xét về quy mô và trình độ, to lớn hơn việc người bình thường. Họ sống huy hoàng ở Hy-lạp trước khi người Achaian nếm mùi bại trận và lưu vong.
Người Achaian trọng chuyện sống thành cộng đồng. Đứng đầu mỗi cộng đồng là thủ lĩnh hoặc quân vương, hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc ai. Quân vương là dưỡng tử của thần linh tối cao Zeus (Chúa tể), thủ lĩnh bộ lạc thời bình cũng như thời chiến. Ông được thành viên hội đồng kỳ hào và anh em vũ trang bộ lạc ủng hộ; ông phải tham khảo ý kiến và tôn trọng tài sản của họ. Trong trường hợp cộng đồng có việc quan trọng cần giải quyết khẩn cấp, ông triệu tập đại hội mời nhân dân và quân đội tham dự để lắng nghe ý kiến; khi tham dự hội đồng đại biểu hoàn toàn tự do bày tỏ quan điểm, lớn tiếng ủng hộ hay nặng lời phản đối, vì hiểu đời họ gắn liền với đời cộng đồng, khi sướng cũng như khi khổ, lúc sống cũng như lúc chết. Tuy nhiên, nếu họp bàn mà vẫn không tìm ra lối thoát, ông và quân sư sẽ khẩn cầu thần linh giúp đỡ qua sấm rền, chim kêu, chim sa bên phải bên trái như điềm lành, điềm gở. Sau đó ông và cố vấn sẽ vời tiên tri, như Kalchas trong Iliad, có tài biết trước biết sau, tới giải thích điềm triệu.
Quân vương và kỳ hào có tùy tùng theo hầu, họ là binh sĩ tham gia chiến trận và chia sẻ chiến phẩm. Trong tư thất quân vương và kỳ hào có bầy tôi, họ là hầu cận, mã phu, tùy tùng, nông phu, nô lệ. Thời bình, ngay cả quân vương cũng lao động, cày ruộng, trồng cây, xẻ gỗ làm nhà, vợ và con gái dệt vải, thêu thùa, làm bếp, trông nom nhà cửa. Odysseus, một trong số quân vương người Achaian, tự hào tự tay đóng chiếc giường vương giả, phu nhân chăm lo việc nhà ở Ithaka tươm tất. Nausikaa ái nữ quân vương Alkinoos giàu có cùng đày tớ ra sông giặt quần áo. Mọi thành phần, mọi giai cấp sống gần gụi, yên vui, tương thân, tương trợ, chia ngọt sẻ bùi.
Trái lại, muốn nổi tiếng lừng danh, nhân vật trong trường ca phải dấn thân vào việc làm táo bạo: săn thú, phiêu lưu, chiến tranh. Rừng núi Hy-lạp thuở đó là hang động tốt đẹp cho thú dữ cư ngụ, lẩn trốn, rình mò; ban đêm cũng như ban ngày sư tử núp dưới gốc cây chờ cừu, heo rừng chạy khắp nơi vồ mồi chẳng sợ hiểm nguy, mất mạng. Dùng thuyền đi buôn bán, thăm dò, cướp biển đánh nhau chí tử trên đất lạ quê người, liều mạng giành giật của cải, con gái đem về làm của riêng tư. Chiến tranh cũng diễn ra trên đất Hy-lạp chống lại đối thủ hoặc kẻ thù. Đầu lĩnh đánh xe mạ đồng ra trận, mặc trấn thủ bằng da, lát đồng, chân cuốn xà-cạp, đầu đội mũ trùm kín, đỉnh gài răng heo rừng, lông đuôi ngựa, tay mang khiên to, tay cầm thương dài mũi bọc đồng, thắt lưng gài kiếm hai lưỡi dầy nặng. Lúc cuộc chiến gay go, thắng bại quyết liệt, đầu lĩnh xuống ngựa, đi bộ tác chiến cùng anh em. Một người trong bọn nổi máu anh hùng lao đầu về phía trước, vừa chạy vừa hô xung phong, dùng hết thương đến giáo rồi kiếm đâm chém đối thủ bắt gặp trên đường. Gan dạ, liều lĩnh anh hùng mặc sức hạ sát, quân thù khiếp đảm chạy trốn trong khi đồng đội đuổi theo tiếp tục chém giết. Chiến thắng thường là cơ hội xông vào thành phố đối thủ cướp của, bắt người. Người chiến thắng chia nhau chiến phẩm, của cải mang về sử dụng, con gái đem về làm nô lệ, nàng hầu, thê thiếp.
Dẫu thế tất cả anh hùng đều có bổn phận tôn trọng, bảo vệ danh dự dù đồng đội hết lòng ủng hộ. Dĩ nhiên, họ phải là chiến sĩ can đảm, kiên cường khi ra trận, dù địch đông mình ít, địch mạnh mình yếu, ngay cả dù thế nào cũng thua. Họ phải trung thành với thủ lĩnh, đồng bào, đồng đội, đứng bên họ khi gian nguy, trả thù họ khi tử trận. Họ phải giữ lời tuyên thệ, lời thề trung thành, lời thề hưu chiến. Họ phải tôn trọng, bất khả xâm phạm sứ giả, lệnh sứ, truyền điệp, họ phải tôn trọng tinh thần hiếu khách. Tội của Pâris trong Iliad không hẳn do quyến rũ vợ người mà phần nào vì sai trái trong tư cách khách đối với chủ đã tỏ lòng bặt thiệp tiếp đãi mình. Lúc bên Troian mánh lới vi phạm lệnh hưu chiến Antenor cao thượng cùng phe buồn rầu than thở: “Ngô bối đang chiến đấu chống lại lời thề thủy chung biến thành dối trá lừa lọc (7.351).” Khác kẻ dã man, người Achaian không hành hạ kẻ thù để ngắm nhìn mà vui cười. Họ có thể giết tàn nhẫn, mau tay trong lúc chiến đấu, giận dữ, báo thù, song không phải người táng tận lương tâm, mặt lạnh như tiền, trước lời năn nỉ của kẻ thất thế hoặc tiếng van xin của kẻ hối lỗi, vì sẽ thấy thần linh ngoảnh mặt làm ngơ, khi họ cầu xin cứu giúp.
Người Achaian thờ nhiều thần linh. Có thần linh họ mang theo từ miền bắc vào Hy-lạp; có thần linh họ đón nhận từ chủng tộc vùng biển Aegean, vùng Tiểu Á họ tiếp xúc về sau. Nhà ở, nơi họp của thần linh là núi Olympos phía bắc Thessaly. Quân vương đồng thời chủ súy của họ là Chúa tể, con Kronos, thần linh bầu trời, siêu lực thiên nhiên bàng bạc trong vũ trụ. Đền thờ đặc biệt của Chúa tể dựng trong rừng sồi ở Dodona, xa tít mạn tây. Chúa tể có hai em trai: hải thần Poseidon tóc xanh và diêm vương Hades mặt tối, người kiểm soát biển cả, người canh gác âm phủ, nơi linh hồn thế nhân cư ngụ sau khi quá cố rời khỏi trần gian. Hera, em đồng thời vợ Chúa tể, là hoàng hậu bầu trời. Thần linh cấp trên là con trai, con gái Chúa tể giao hòa với Hera hay thần linh cấp dưới hoặc trinh nữ trần gian trong giây phút vô tình vướng mắc lưới tưởng tượng vô tư của Chúa tể. Gái cưng của Chúa tể là Athena mắt xanh lam lục, táo bạo, nhanh trí, nữ thần mưu kế, thông minh, tài cán. Trai quý của Chúa tể là Apollo, thần linh mặt trời, xạ thủ tuyệt vời, có tài soi sáng, chữa lành, giết chết bằng mũi tên bóng loáng. Thấp kém về phẩm trật, song quyền thế trong thế giới của mình là Aphrodite, nữ thần xinh đẹp, hiện thân của yêu đương, dịu dàng, ước muốn và Artemis, nữ thần săn bắn trinh nguyên, vô cùng kín đáo, hết sức nghiêm khắc. Dưới quyền thần linh cao cấp vừa kể là Ares (thần linh chiến tranh) dễ xúc động, bốc lửa ngùn ngụt và Hephaistos, tàn tật, hiếu hòa, thần lửa, thần bễ, thợ rèn kiên nhẫn và thợ sắt lành nghề. Hermes tươi trẻ, Iris hồng hào đa sắc đi đó đi đây mỗi khi Chúa tể sai bảo. Dưới họ là vô vàn thần linh nam nữ cỡ nhỏ, thần sông, thần biển, thần rừng sống trên đất hay dưới nước.
Thần linh mà ca công nâng đàn cất tiếng ngân nga, ca tụng đều bất tử và vui nhộn. Thực phẩm họ dùng trên núi Olympos là mật hoa và dược chất trường sinh. Muốn giải trí họ nhìn cảnh thế nhân phía dưới, như người trần xem chọi gà, đua ngựa; họ cũng buồn vui về phe này chống phe kia. Lúc gay cấn, nguy nan, chẳng thể cầm lòng, lao ngay xuống đất, vô hình hay giả dạng thế nhân, họ bênh vực, che chở người họ có cảm tình. Đôi khi họ cũng bị thương vì xung đột với nhau hay đụng độ với thế nhân. Về phần mình, muốn lấy cảm tình, chiếm thiện chí của thần linh, thế nhân phải giết bò, cừu làm lễ tế sinh. Lễ sát sinh và hỏa thiêu được miêu tả đầy đủ trong Iliad khúc đầu và nhiều lần ngắn gọn trong khúc tiếp theo. Cùng với lễ dâng thịt là lễ dâng rượu, tiếp theo cầu nguyện, đôi khi ca hát. Về phần thần linh cũng như đầu lĩnh thế nhân, họ được dâng lễ vật và tỏ lòng tôn kính. Poseidon trong Iliad cảm thấy buồn rầu khi quân lính Achaian xây tường trên bãi cát gần biển của mình mà không sát sinh, không rưới rượu dâng lễ. Là đấng tối cao trong hàng ngũ thần linh, Chúa tể thường thẳng thắn và thận trọng. Ông trừng phạt khi thế nhân ăn ở, cư xử không đúng nguyên tắc, trừng phạt thường không do thế nhân xúc phạm tới ông mà vì thế nhân vi phạm luật lệ đã được thừa nhận.
Không thần linh nào có thể cứu người mình thương yêu, bao che khỏi hậu quả việc làm sai trái người đó gây ra. Nữ thần Nemesis thế nào cũng trừng phạt Pâris, vì chàng đã đưa bản thân, bố đẻ, gia đình, thành phố tới chỗ diệt vong. Trừng phạt là qui luật cố hữu, tự nhiên lởn vởn trong vũ trụ, ngay cả thần linh cũng không có quyền vi phạm. Trừ trường hợp hết sức đặc biệt, thần linh cũng không thể cứu người mình yêu thương khỏi chết. Herakles, con Chúa tể, có tài kỳ diệu, được nuôi dạy để trở thành bất tử trên núi Olympos. Nhưng số phận con người nói chung là chết, vừa rên rỉ khóc lóc vừa lặng lẽ cất bước xuống tư thất Tử Thần dưới âm phủ tối om bỏ lại đằng sau cả cuộc sống lẫn cuộc đời cùng mọi thứ trên trần gian ánh sáng chan hòa. Không được mai táng đúng cách, như vong hồn Patroklos kể cho bạn chí thiết Achilleus hay, vong hồn sẽ không được phép vào nhà đó, mà cứ phải lủi thủi, lang thang, cô độc ngoài cổng. Vào trong ít nhất vong hồn có bạn bè. Trái lại, người chết luôn luôn là bóng đen tái mét, nhợt nhạt, rầu rĩ, khác hẳn thân hình có thời đầy nhiệt huyết và sức sống. Hai lần trong Iliad con người được ví như lá cây, mùa xuân đâm chồi nẩy lộc tươi tốt, mùa thu úa héo, vàng vọt, tàn tạ, gió thổi rơi lả tả xuống đất. “Thế hệ con người như thế hệ lá cây. Hàng năm gió thổi bay tơi tả lá cây rơi xuống đất; nhưng khi xuân về, cành nẩy lộc, lá cây lại mọc tươi tốt khắp rừng. Con người cũng vậy, thế hệ này xuất hiện, thế hệ kia biến dạng” (6.146-49).
Thần thoại và huyền thoại Hy-lạp cấu thành kho chuyện phong phú trong văn hóa Tây phương. Tuy khác biệt và thay đổi, song cả hai chia sẻ cùng quan niệm về cuộc đời. Người Hy-lạp yêu đời, muốn tận hưởng cuộc đời vì chết là sự thật tất nhiên. Họ cũng có tín ngưỡng huyền bí chấp nhận quan niệm tái sinh sau khi chết, song đó chỉ là thiểu số. Đối với Homer chết là trạng huống buồn thảm trong khi sống là thực trạng gian nan. Quy luật bất biến là ai cũng chết, bất kể giàu nghèo, già trẻ, nam nữ, thường dân hay vua chúa. Tuy nhiên, sự thật vừa kể không khiến người Hy-lạp buồn rầu như đã khiến người Babylon ủ rũ như thi sĩ vô danh miêu tả trong trường ca Gilgamesh. Người Hy-lạp nhìn cuộc đời với con mắt say sưa. Trong lòng, trước vấn đề sống chết, họ thấy câu trả lời duy nhất xứng đáng với con người là khắc sâu huyền thoại bất tử bằng hành động tuyệt vời. Họ theo đuổi vinh dự với nhiệt tâm kỳ lạ suốt năm thế kỷ từ Homer thi sĩ tới Alexandros đại đế. Họ là chủng tộc ưa tưởng tượng, ham sống, tham vọng, cương quyết, năng động. Tuy nhiên, ham nổi danh đã biến họ thành nhạy cảm, dễ giận đối với danh dự, vì họ cũng là chủng tộc hay gây gổ, ưa báo thù. Chuyện của họ cho thấy đầy đủ đặc trưng vừa kể.
Người Hy-lạp tin thần linh bất tử, thần linh có khả năng kỳ diệu; họ còn tin giữa thần linh cư ngụ trên núi Olympos trùng trùng điệp điệp với con người ham ăn, ham uống, ích kỷ, khả ố, tham lam, lúc nhúc kéo lê cuộc sống dưới mặt đất dường như không có hàng rào ngăn cách, chẳng có gì khả dĩ phân biệt. Nói khác đi thần linh là bà con với thế nhân và ngược lại: trong huyền thoại Hy-lạp có nhiều thần linh say mê thế nhân, và trong nhiều trường ca Hy-lạp con người huyền thoại tự hào là dòng dõi thần linh. Dẫu thế tác phong đạo đức của thần linh không hoàn toàn quyết định bản chất thể thức tu hành được chính thức công nhận là hết sức tôn kính. Người Hy-lạp thời Homer không có nhà thờ hay giáo đường như ta hiểu ngày nay. Xây dựng đền thờ nguy nga (nhiều đền thờ đã tàn lụi, nhiều đền thờ còn tồn tại) là dành cho thần linh đến ngự nếu thần linh hiện diện trong vùng. Họ không bao giờ bước vào trừ phi dâng lễ tế sinh. Theo nghĩa này, đàn ông nào cũng có thể là tu sĩ và mọi người có quyền tham dự lễ nghi. Họ lễ đền hàng ngày, buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều hay buổi tối, miễn là lúc nào thuận tiện. Sinh hoạt liên tục, tự nhiên nên họ không hề nghĩ sinh hoạt tôn giáo khác sinh hoạt nhân sinh trong cuộc sống hàng ngày. Họ tin có mười ba thần linh trên núi Olympos. Đứng đầu là Zeus, nghĩa là đấng sáng ngời. Ngoài Chúa tể nói đến thần linh ở đó họ kể: Athena (nữ thần trí tuệ), Aphrodite (nữ thần tình yêu), Apollo (nam thần ánh sáng), Ares (nam thần chiến tranh), Demeter (nữ thần sinh sản), Poseidon (nam thần biển cả), Artemis (nữ thần săn bắn), Hera (nữ thần sinh nở), Hermes (nam thần du lịch), Hebe (nữ thần thiếu nhi),Hephaistos (nam thần lửa đỏ), Hestia (nữ thần mái ấm gia đình), Hades (nam thần cõi âm).
Huyền thoại Hy-lạp là kho tàng phong phú – chuyện quá khứ, gồm huyền thoại nửa phần lịch sử pha trộn chuyện bán phần dân gian, chuyện thi sĩ lang thang ngâm nga như Homer chẳng hạn, thường ngắn chứ không dài như Iliad, song ngôn từ và phô diễn tương tự. Căn cứ vào nội dung thi phẩm ta có thể từ đó suy diễn khán giả của Homer quen thuộc khá rộng rãi với huyền thoại. Cả thảy có bốn thi hệ: thi hệ thành Troa, thi hệ thành Thebes, thi hệ đoàn Argonaut, thi hệ Herakles. Thi hệ thành Troa gồm chuyện dẫn tới cuộc chiến tranh, việc Pâris quyến rũ Helen, biến sự trong cuộc chiến tranh, cuộc cướp phá thành Troa, bất hạnh xẩy ra với người chiến thắng trên hải trình trở về Hy-lạp. Thi hệ thành Thebes, nếu còn tồn tại, chắc hẳn sẽ tới tay Homer, rất tiếc thất lạc, nhất là thi tập Thebaid. Huyền thoại kể lực lượng đông đảo Hy-lạp tấn công thành Thebes cũng như thành Troa, thành có tường bao quanh, song dân phòng ngự bên trong hầu như tuyệt vọng. Đúng ra có hai cuộc tấn công: lần trước do bảy thủ lĩnh tiến đánh Thebes không thành công; lần sau do con bảy thủ lĩnh thành công, phá tan Thebes. Thi hệ Argonaut ta thấy trong Iliad có ba lần nhắc tới Euneos, con Jason và Hypsipyle, bấy giờ là quân vương Lemnos. Trái lại, thi hệ Herakles nhắc tới thường xuyên. Chàng là anh hùng tuyệt vời đối với nhiều thế hệ trước cuộc chiến thành Troa. Nét đặc biệt của huyền thoại Hy-lạp là liên hệ mật thiết giữa con người với thần linh. Thần linh cỡ lớn trong thi tập được mô tả như gia đình sống trên núiOlympos thương phe này ghét phe kia trong cuộc giành giật dưới trần gian, có thần linh ủng hộ phe Hy-lạp, có thần linh bênh vực phe Troian. Chúa tể quyền uy hơn hết, không về phe nào, song biết thành Troa sẽ tiêu vong. Ông quyền uy hơn cả, nhưng gặp khó khăn khi sử dụng quyền hành như người cha trần thế trong gia đình nhiều vợ đông con.
Ảnh hưởng của thần linh đối với con người tế nhị và khác nhau, từ khuyến khích tâm linh đến trợ giúp thể xác. Điểm này là điểm có vẻ khó hiểu đối với độc giả có tư tưởng vô thần. Thần linh không chỉ là người điều khiển mưu đồ, bộ máy siêu linh thi sĩ sử dụng. Mọi hành động đều nằm trong phạm vi chức năng của thần linh, như cung cách giải thích sự việc. Vì Homer không có quan niệm về may rủi, ngẫu nhiên nên cái gì xẩy ra không tự nhiên đều cho là việc làm của thần linh. Nếu quân Troian áp đảo quân Hy-lạp phải lui về phía sau (sự kiện Homer và khán giả của ông không thể tưởng tượng đã xẩy ra do quân Troian có khả năng chiến đấu tài giỏi) như vậy chắc hẳn thần linh chiến tranh (Ares) ủng hộ phe Troian (5.590-95, 5.703-4). Nếu binh sĩ Hy-lạp có hành động thực sự khác thường như vậy chắc hẳn có Athena giúp đỡ (5.793, 22.214). Nếu Helen bỏ chồng rời Argos theo Pâris về Troad ấy chỉ vì Aphrodite thuyết phục (3.383-420). Xạ thủ trở thành tài ba là do Apollo trao cung tên (2.827); thợ săn trở nên lành nghề là do Artemis huấn luyện (5.51).Ta coi việc làm như thế là biểu tượng ngụ từ, nhưng đối với thi sĩ, nhân vật và khán giả của ông, việc làm như thế không phải vậy. Đối với họ thần linh cũng thực như con người, thần linh có thể sấn vào can thiệp, can thiệp như thế không chấp nhận giải thích có tính cách ngụ từ, vì họ thực sự tin tưởng thần linh. Ta có thể cảm nhận cảm xúc tôn giáo thực sự trong thi tập, chẳng hạn trong lời cầu nguyện của tu sĩ (1.36-42), trong thái độ im lặng trong phòng họp lúc Odysseus đứng lên phát biểu (2.279), trong giáo huấn đạo đức, luân lý trong chuyện có tính cách ngụ từ về cầu nguyện (9.502-12).
Trong chuyện của Homer thần linh giữ vai trò đáng kể. Vì thế, dù không muốn cũng phải nói sơ qua, phần vì hiểu độc giả quen với nhân vật trần thế hơn nhân vật siêu nhiên, phần vì vấn đề quá phức tạp chẳng thể bàn trong phạm vi nhỏ hẹp. Tuy nhiên, xin tóm tắt mấy chủ điểm:
– Đồng hình, đồng tính với thế nhân, thần linh của Homer là đàn ông, đàn bà, tất cả đều bất tử, tài năng vượt xa thế hân, song như thế nhân cũng buồn vui, cũng giận hờn, cũng ham muốn, do vậy có thể bị trêu chọc, trừng phạt, cưng nựng, mắng mỏ, lôi cuốn, chê bai, đề cao, hạ thấp. Là hàng bất tử, họ cũng có thể tiêu biểu hình bóng cảm xúc hay hoạt động dưới trần gian. Ares bất tử, Ares là con Chúa tể, Ares bảo trợ, che chở thành Troa, Ares là nhân vật tàn bạo, phách lối. Ares cũng là chiến tranh, và vì là chiến tranh Ares là sức mạnh, là sự kiện, song không là nhân vật. Khi tỏ lời trách Aphrodite đã lôi kéo mình bỏ nhà theo thanh niên không xứng đáng tới thành Troa, Helen làm hai việc cùng một lúc: thứ nhất, kêu gọi thần linh đã khiến mình làm theo ý thần linh; thứ nhì, nói với mình, với thực thể mẫn cảm đã khiến nàng cư xử theo cung cách mà đầu óc mẫn nhuệ của nàng coi là dại dột, ngu đần.
– Trong liên hệ với thế nhân, thần linh có quyền tuyệt đối. Chúa tể có thể bị thần linh qua mặt. Thần linh quyền uy hơn hết trong đám là Chúa tể, ông muốn làm gì tùy ý, song thường tự chế vì sợ mang tiếng lỗ mãng. Chúa tể không bị định mệnh chi phối. Lúc phản đối vì ông có ý định cứu vớt thành Troa hoặc cứu sống Sarpedon, chống lại định mệnh, Hera nói bóng gió ông có thể làm cả hai việc nếu muốn. Đưa số phận lên bàn cân, việc làm có vẻ khách quan (8.69, 22.209), là nghi thức tiêu biểu thái độ hòa giải với quan điểm khác biệt.
– Ta không rõ Homer quan niệm thần linh như thế nào, thần linh đối với ông tối thượng ra sao; ta cũng không rõ ông quan niệm thần linh theo truyền thống hay thần linh theo khán giả. Tuy nhiên, ta biết trong khi thuật chuyện, với ông thần linh hữu dụng vô cùng. Thần linh có thể thay đổi biến sự, hòa giải mâu thuẫn hầu như bất khả, cứu vớt thế nhân cần cứu vớt. Điều duy nhất thần-linh-như-thế-nhân của Homer không làm ấy là thay đổi bản tính con người. Thần linh xúi giục, đôn đốc, lôi kéo, điều khiển Achilleus, Aineias, Pâris, song không biến họ thành thế nhân như thế nào. Chọn lựa là do con người. Kết cục, mặc dù thần linh can thiệp, Iliad là chuyện của con người.
Chủ đề thi tập bạn đọc sắp sửa lần giở là thái độ phẫn nộ của Achilleus chống lại Agamemnon, phẫn nộ như thế là cảm xúc tự nhiên của con người, nhưng mở đầu thi tập cũng nói tới thần linh. Thần linh nào đẩy con người tới chỗ đánh nhau khủng khiếp đến thế? Apollo (con Chúa tể) và Leto (vợ Chúa tể) chăng? Mấy dòng mở đầu trước đó ta nghe nói trong lúc anh hùng gục ngã ngoài chiến trường, ý định của Chúa tể nhích dần tới đích. Chuyện xẩy ra trong thi tập là do ý định của Chúa tể, Apollo hay Achilleus? Là con người trong hoạt động Achilleus được tự do hay bị giới hạn? Đó là câu hỏi nhiều đoạn trong thi tập nêu lên trong khi thần linh thôi thúc, kiềm chế, đe dọa, cứu vớt anh hùng. Trong khi hành động, hình như do thần linh trực tiếp can thiệp, con người có quyền hạn tới mức độ nào? Trong thi tập Homer có quan niệm rõ ràng đối với hành động và trách nhiệm của con người không? Thoạt nghe câu trả lời dường như không! Trong khúc 1 lúc cãi lộn Achilleus nén giận không đâm Agamemnon tại chỗ vì nữ thần Athena nắm tóc ngăn cản. Tuy nhiên, xem kỹ chỗ này cùng nhiều đoạn tương tự trong đó hành động của con người do siêu lực thúc đẩy, ta thấy quan niệm của Homer về can thiệp siêu linh là quan niệm vô cùng tế nhị. Athena nắm tóc Achilleus lúc tướng quân rút kiếm, nhưng ta nghe kể trước khi rút kiếm tướng quân đã đắn đo, lựa chọn. Nữ thần tới để đôn đốc tướng quân lựa chọn. Đặc biệt là nữ thần không sử dụng ngôn từ hạ lệnh, mà sử dụng ngôn từ thuyết phục.”Từ trời cao ta giáng thế để ngăn tướng quân đừng nổi nóng, để xem tướng quân có nghe lời ta không”(1.207). Như vậy chỗ này có tương quan giữa can thiệp của thần linh và hành động của con người; cả hai hình như bắt tay cộng tác, hoặc cả hai dường như là một nhìn từ góc độ khác nhau. Trong Iliad có nhiều đoạn trong đó con người đi tới quyết định phải lựa chọn không do thần linh mách bảo hay can thiệp. Ta thấy Odysseus phải ra tay đối phó với tình thế một mất một còn. Tứ bề thọ địch, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc, chiến binh tranh luận với bản thân: rút lui hay đương đầu; chiến binh đi tới quyết định phải ở lại chiến đấu. Co giò chạy là hèn nhát; ý nghĩ khiến chiến binh rùng mình; hơn thế, binh luật còn khẳng định dù biết thế nào cũng chết, chiến binh không bao giờ được phép bỏ chạy. Dù sao đây vẫn là tự do quyết định như Homer khẳng định sau này khi để Menelaos rơi vào tình huống tương tự, ông dành cho đương sự nhiều hình thức tranh luận, rút lui hay không rút lui, đương sự đi tới quyết định ngược lại: rút lui. Tuy nhiên, quyết định quan trọng của con người thường liên hệ tới dự phần của thần linh; can thiệp của thần linh và trách nhiệm của con người tồn tại song song. Sự thể không phải chỉ là hai thực thể triết lý bất cộng đái thiên Homer sắp xếp thành hàng thực thể này trước thực thể kia. Hơn thế, ông còn trình bày cho ta thấy định mệnh cùng giọng nói tiên tri của định mệnh, đồng thời trình bày cho ta thấy ý định của Achilleus và Chúa tể. Mở đầu và đó đây trong thi tập ta nghe kể rõ ràng mọi chuyện đều do ý định của Chúa tể trình bày suốt thi tập như nhân vật đường bệ, oai nghiêm hơn thần linh khác. Tuy thế, hơn một lần, ý định của Chúa tể bị định mệnh lấn át, như trường hợp Sarpedon. Thấy con cưng xáp chiến với Patroklos Chúa tể than: “Hỡi ôi! Có ngờ đâu định mệnh bắt Sarpedon, thế nhân ta yêu thương vô cùng, gục ngã dưới tay Patroklos, công tử Menoitios!” (16. 433-34). Nhiều lần đã có cố gắng giảng hòa giữa hai tư tưởng, một mặt để xác nhận quyền năng vượt mức của Chúa tể, một mặt để khẳng định quyền năng huyền bí của định mệnh, quyền lực vô danh, song trong thực tế tình trạng cộng sinh, cộng tồn của hai thực thể không đội trời chung không phải hiện tượng xuất hiện trong thế giới tưởng tượng của Homer. Trong bất kỳ văn hóa nào tư tưởng có chỗ dành cho tự do quyết định (do đó trách nhiệm cá nhân) và đưa ra hình thái khuôn thước (vì vậy ý nghĩa bao trùm), hai quan niệm (cố định và di động) tồn tại gần gụi, song gần gụi một cách miễn cưỡng, nói khác đi, bằng mặt không bằng lòng. Lối thoát duy nhất khỏi tình trạng mâu thuẫn hợp lý là cửa dẫn vào nhà tù định mệnh nghiêm khắc canh gác, mô hình cố định từ đầu, không bao giờ thay đổi, hoặc ngược lại tự do hoàn toàn, hỗn loạn vô nghĩa trong vũ trụ khó lường. Tư tưởng Hy-lạp tìm cách ôm ấp mâu thuẫn hợp lý phối hợp tự do với trật tự.
Trong Homer phối hợp đó là phối hợp tế nhị; ý tưởng về định mệnh biểu lộ uyển chuyển. Chúa tể có thể tiên đoán tương lai (cái chết của Patroklos, cái chết của Achilleus, thành Troa sụp đổ), song trong cả ba trường hợp không thể nói kết quả là do ý muốn của định mệnh hoặc ý định của Chúa tể, hay cả hai. Tuy nhiên, đôi khi lại thấy cái tưởng do định mệnh thực ra do thần linh hoặc thế nhân quyết định. Bởi thế lúc Achilleus nổi điên tấn công, quân Troian chạy tán loạn về tường thành, Chúa tể khuyến khích thần linh lâm trận để cản bước vũ bão của tướng quân. Ông nói: “Lúc này lòng dạ phần buồn, phần hận, vì đồng đội thân tín tử trận, ta sợ cưỡng lại định mệnh tướng quân có thể tấn công tường thành” (20. 29-30).
Gia đình thần linh trên núi Olympos giống gia đình thế nhân dưới trần gian. Đứng đầu là người bố quyền uy, đa tình, không thể coi thường, song có thể qua mặt. Bên cạnh là người vợ ghen tuông, mưu mô, để ý từng li từng tí. Xung quanh là bầy con trai, con gái, tranh nhau đặc ân của bố mẹ trong khi theo đuổi mục đích riêng tư. Số thần linh này giữ vai trò của mình trong thi tập, tiếp xúc trực tiếp với thế nhân. Đối với Homer, thần linh và thế nhân giống hệt nhau – về hình thù, ngôn từ, ngay cả tinh thần, tình cảm, phương thức hành động. Hăng say hơn hết trong tranh giành là Hera, (vợ Chúa tể) và Athena (con gái Chúa tể); hai mẹ con ghét cay ghét đắng, ghét muốn đào đất đổ đi thành Troa và người Troian. Ta không rõ tại sao hai nữ thần lại nuôi căm thù lạ lùng như thế đối với người Troian. Nhưng đến khúc 24, ta hiểu sự thể trong đó kể lời phê phán gay gắt về Pâris (24.31-36): cuộc thi sắc đẹp của mấy nữ thần là nguyên do hão huyền hết sức đối với bi kịch đẫm máu miêu tả trong thi tập, song để lại ấn tượng ghét bỏ sâu sắc không giải thích trong lòng mấy nữ thần đối với thành Troa. Động lực đưa Hera đến chỗ ghét bỏ, chọn lựa dẫn tới xúc phạm đối với nhan sắc hoàn toàn phù hợp với hình ảnh Hera như nữ thần ghen tuông Homer miêu tả trong Iliad, trong âm mưu chống lại Herakles, con Chúa tể và vợ người trần thế Alkmene (14.300-8), tấn công tàn bạo Artemis, con Chúa tể với nữ thần Leto (21.557-66). Trái lại, phía đối nghịch có Aphrodite, nữ thần đoạt giải cuộc thi sắc đẹp hết lòng ủng hộ người Troian, can thiệp cứu mạng Pâris khỏi tay Menelaos (3.439-41).
Lý do khiến thần linh can thiệp thường không quan trọng mà rất tự nhiên, quá ư tự nhiên. Trái lại, được tưởng tượng giống thế nhân cả về mặt mạnh lẫn mặt yếu, lại được phóng đại về kích thước, tầm vóc, thần linh là hình tượng tiêu biểu cả hai mặt có vẻ khó hiểu, khó kiềm chế trong đời sống thế nhân. Athena xúi xạ thủ Pandaros dùng cung bắn Menelaos. Làm vậy là phá hủy cái trong khoảnh khắc là cơ may chấm dứt cuộc chiến (4.99-159). Lúc này Achilleus không có mặt trên chiến trường, hai bên đều muốn hòa bình, nhưng chiến cuộc cứ tiếp diễn. Vì sao? Vì tình trạng vô lý trong bản tính con người. Vì ý định của lịch sử. Vì ý muốn của Chúa tể. Vì ngẫu nhiên hoàn toàn. Thần linh can thiệp cũng can thiệp trực tiếp, đôi khi thần linh tham dự cuộc chiến. Làm vậy là thần linh bao che thế nhân thần linh thương yêu, và ở mức độ rộng lớn thần linh phả chất can đảm, men anh hùng vào lòng binh lính, ngay cả đoàn quân như Poseidon thực hiện mặc dù Chúa tể ra lệnh không được can thiệp (14.422-610). Ngày nay không nhìn cuộc chiến như thế, song vẫn ngạc nhiên trước vẻ huyền bí của cuộc chiến – hăng hái chiến đấu hay ngập ngừng hoảng sợ, yếu tố huyền bí gọi là tinh thần. Không thể sờ, không thể đếm, không thể cân, Napoléon bảo yếu tố đó quan trọng gấp ba lần yếu tố vật chất. Đọc truyện chiến tranh cũng thấy kể yếu tố vô hình thường xẩy ra, phe ít quân bị áp đảo vì yếu thế, bất thình lình trở nên tin tưởng chủ động, đảo ngược tình hình, phe đông quân sấn tới nhờ hùng mạnh, bỗng dưng thấy ngần ngại, thụ động, tả hữu có thể bị tấn công, nếu vậy sẽ rơi vào rối loạn, kết cục tất nhiên tháo chạy. Đọc lịch sử cũng thấy chiến tranh hầu như không thể đoán trước. Đầu thế kỷ XV, trong khi làm chủ mạn nam, mạn trung nước Pháp trong cuộc chiến tranh kéo dài một trăm năm, quân Anh bỗng dưng bị quân Pháp bao vây, đe dọa tiêu diệt, mặc dù từ trước tới giờ lần nào đụng độ cũng thua, chỉ huy là cô gái làng Domrémy, người đọc đành giải thích sự việc chẳng khác thần linh can thiệp như Homer kể trong thi tập. Jeanne d’Arc hay la pucelle d’Orléans tuyên bố tổng thiên thần Michael xuất hiện bảo nàng bouter les Anglais hors de la France: đánh đuổi quân Anh ra khỏi bờ cõi nước Pháp. Trái lại, quân Anh nghĩ nàng được phái tới không phải thiên thần mà quỷ sứ, vì thế nghi nàng là phù thủy bèn đem thiêu sống ở Rouen. Sử gia bây giờ vẫn khó giải thích sự kiện, theo lý luận thuần túy, làm thế nào thiếu nữ làng quê có thể thực hiện điều như nàng đã thực hiện!
Thần linh bất tử; họ không bị thời gian quy định; họ tồn tại muôn đời. Vì không bị luật đào thải chi phối, họ không thay đổi do tuổi tác, do học hỏi. Họ sẽ mãi mãi như bây giờ và luôn luôn như ngày trước; họ vẫn vậy từ đầu chí cuối thi tập Iliad. Họ không thay đổi, họ không học hỏi. Làm sao họ có thể như thế? Họ là hiện thân của sức mạnh huyền bí qua tác dụng hỗ tương mãnh liệt nẩy sinh mô hình rùng rợn ảnh hưởng mạng sống con người – quốc gia thăng trầm, đế quốc thịnh suy, động đất, bão lụt, bệnh dịch, song cũng là hương vị dịu ngọt toát ra từ tình yêu đằm thắm, hương thơm đậm đà bốc lên từ chất rượu cay nồng, sức mạnh phi thường thẩm nhập, lan khắp thân thể chiến binh lúc gian nan, khi nguy hiểm. Là nhân vật (dưới mắt Homer và người Hy-lạp) họ rất khác nhau. Trái lại, ngoài tình trạng bất tử, họ giống nhau ở điểm: biến hóa, thẩm nhập khủng khiếp. Mỗi thần linh là một sức mạnh. Không bao giờ đặt vấn đề hoặc xét hỏi bản chất tồn tại của mình, sức mạnh đó di động một cách mù quáng, một cách hung dữ tới mức đạt ý định. Thần linh của Homer không công nhận quyền uy nào ngoài chính mình, trừ quyền uy tối thượng, tức Chúa tể. Tranh luận giải quyết ở trên trời. Là thần linh nghĩa là hoàn toàn biến hóa, thẩm nhập trong khi thực hiện quyền năng, làm tròn bản chất của mình không bị ý nghĩ, tư tưởng thần linh khác chi phối, trừ chướng ngại phải vượt qua, như vậy không cần tự vấn, tự phê. Trái lại, trong lịch sử con người có người giống thế. Chễm chệ trong thế giới quyền lực, họ áp đặt ý định của họ lên người khác với lòng tin tưởng bất biến, với ý nghĩ kiên định là họ có quyền, có thế như thần linh! Người như vậy ngày nay gọi là quân phiệt nếu là nhà binh, và độc tài nếu là dân chính, người Hy-lạp gọi là “anh hùng.” Xuyên qua dạng thức nhân loại, người như vậy đồng ý để họ thờ cúng trước mộ sau khi qua đời. Anh hùng thường nóng nẩy, tự tôn, tàn phá, hủy diệt, song cũng khẳng định trong môi trường chọn lọc nào đó nhân loại vẫn có khả năng đạt mức siêu nhân, có người có thể phủ nhận chỉ thị mà người khác phải tuân theo để sống. Say sưa tự tôn con người coi mình như thần linh. Nhưng họ khôn phải thần linh, họ không bất tử. Cũng như mọi người trong cõi nhân gian, họ bi quy luật thành bại, thịnh suy, hưng phế chi phối. Thế nào họ cũng đi tới tiêu vong, nhất là tiêu vong thâm căn cố đế: cái chết. Sớm muộn, qua đau khổ, qua tai ương, họ sẽ ý thức giới hạn của mình, chấp nhận lẽ chết, thiết lập hoặc tái lập quan hệ nhân thế với đồng loại. Nhan nhản trong huyền thoại Hy-lạp, mô hình này lần đầu được miêu tả rất nghệ thuật trong Iliad.
Như đã nói chuyện thi sĩ lang thang, ca công hát dạo kể có nhiều trước khi thi phẩm ra đời. Trong Iliad có nhắc tới chuyện nhân vật Meleagros, Bellerophontes và nhiều chuyện nữa thất lạc từ lâu. Được lặp đi lặp lại liên tục theo thời gian càng ngày càng phong phú và phong phú kỳ lạ, chuyện được sắp xếp, khai triển thành thi hệ trường ca, mỗi thi hệ lại được mở rộng để lấy chỗ đưa vào sự tích, kể thêm anh hùng. Mở rộng từ đầu chuyện thành Troa kể nguyên nhân gây nên tai họa đổ xuống thành phố và cung cách xử sự của thành phố khiến thần linh bất bình. Vì thế như nội dung cho thấy từ đó đến nay chuyện là nơi chứa chấp thái độ bất kính, bất trung. Quân vương Laomedon, thân phụ Priam, phụ ước với Apollo và Poseidon từng xây tường bảo vệ thành phố và nuốt lời với Herakles có công xua đuổi thú vật tham mồi ra khỏi đất đai. Dưới quyền Priam thành phố phát triển tốt đẹp một thời và trở nên giàu có. Nhưng con trai Priam là Pâris trong lúc chăn cừu trên núi Ida gần đó được mời tham dự cuộc đánh giá sắc đẹp giữa ba nữ thần Hera, Athena, Aphrodite, mỗi người cầm quả táo vàng ửng trên vỏ ghi hàng chữ “dành cho người đẹp nhất.” Chẳng ngần ngại Pâris chọn Aphrodite. Đáp lại thịnh tình như để tưởng thưởng, nữ thần hứa tìm cho chàng giai nhân đẹp nhất trần gian làm vợ chung chăn chung gối. Sau đó trong lần tới thăm Menelaos, quân vương Sparta, nhờ Aphrodite giúp đỡ, chàng chiếm trọn cảm tình Helen, vợ chủ nhân, đẹp nghiêng nước nghiêng thành, thuyết phục nàng bỏ chồng và con gái còn ẵm bế theo mình về đất Troad mang theo của cải đáng kể.
Làm vậy là khiếm nhã và khả ố; làm vậy là xúc phạm quan niệm cố hữu về danh dự của người Achaian. Menelaos và Odysseus, quân vương Ithaka, vốn thân thiết với nhau, bèn lấy thuyền vượt biển trực chỉ thành Troa chính thức yêu cầu trả lại Helen và châu báu. Yêu cầu bị khước từ, Agamemnon, anh Menelaos, quân vương Mycenae và Argos liền triệu tập thân vương, thủ lĩnh, kỳ hào lãnh đạo Hy-lạp tham gia cùng ông thực hiện viễn chinh võ trang chống Priam, chiếm thành Troa, cả hai bây giờ đều liên lụy vì tội của Pâris. Hạm đội hơn ngàn chiến thuyền gặp nhau ở Aulis, bờ biển phía đông Hy-lạp, mấy lần trì hoãn vì gió dữ dằn, cuối cùng xé sóng tiến tới đất Troad. Đến nơi binh lính Achaian kéo thuyền lên bãi cát, dựng lều bao vây thành Troa, trong khi để nuôi quân thỉnh thoảng mở chiến dịch cướp phá hải đảo, miền quê lân cận. Cuối cùng, sau mười năm vây hãm không đạt mục đích, hầu như cố gắng tuyệt vọng, bàn tính chiến thuật bất ngờ, làm ngựa gỗ to lớn ruột rỗng giấu binh sĩ bên trong, kéo tới cổng thành phố, họ tuyên bố rút lui. Bị đánh lừa mà không hay, lại tưởng chiến thắng đã về tay, kéo ngựa vào thành ăn mừng, người Troian nào ngờ đã tự tay dắt trộm vào nhà! Màn đêm buông, quân Achaian từ trong bụng ngựa nhảy ra, chém giết không nương tay, trong nháy mắt chiếm trọn thành phố, giết cả Priam lẫn mấy con trai. Vơ vét của cải làm giàu, chộp bắt đàn bà, con gái làm nô lệ, họ dong cờ chiến thắng trở về Hy-lạp. Tuy nhiên, hải hành hồi hương gặp gian nan khôn xiết, nhiều chiến binh lên bờ an toàn, đoàn tụ với gia đình. Trái lại, một số gặp trắc trở, phiêu dạt vô định trên biển cả mênh mông, như Odysseus chẳng hạn! Chiều chiều ra bờ biển đứng nhìn chân trời xa xa, mỏi mắt mong chờ bố mẹ, vợ con, anh em chẳng thấy hình bóng người thân!
Chuyện thành Troa phát triển quá dài đối với tập thơ trường ca. Thi sĩ lưu diễn rút ra nay một đoạn mai một đoạn khối chuyện khổng lồ, dựa vào đó sáng tác thêm thơ trữ tình hay thơ thuật sự để khi cần sẽ ngâm nga, diễn xuất trong đại sảnh tổ chức dạ tiệc. Trong khối thơ nổi trôi do may mắn thế nào không rõ thi tập Iliad và Odyssêy truyền lại hậu thế; tập trên dài 15.693 câu, tập dưới dài 12.128 câu, mỗi câu sáu âm tiết. Chủ đề tập thứ nhất là chuyện hục hặc tai hại giữa hai thủ lĩnh lực lượng Achaian trước thành Troa và hậu quả tiếp theo. Chủ đề tập thứ nhì là cuộc phiêu bạt hai mươi năm của Odysseus sau khi thành Troa thất thủ, trước khi chàng trở về tái hợp với vợ con. Theo truyền thống ngàn xưa tác giả hai thi tập là người mang tên Homer sống khoảng năm 800 hay 900 ttl. hoặc xa hơn nữa, trong cộng đồng Hy-lạp gốc Ionian, phía đông biển Aegean. “Khiếm thị, ông sống trên đảo Chios núi non lởm chởm; thơ tuyệt vời, thơ đẹp muôn thuở, thơ tồn tại muôn đời.”
Tuy nhiên, nói đến Homer, tác giả Iliad và Odyssêy, không nên quên bối cảnh xã hội, sự kiện lịch sử tổng quát và có lẽ nhiều đoạn trong thi tập miêu tả cảnh đẫm máu, giáp chiến thực ra ông rút từ trường ca truyền thống. Ông thầm nghĩ, cũng như ông, khán giả đã quen chất liệu và hiểu chuyện nên không cần ông kể tại sao người Hy-lạp kéo tới và kéo tới thành Troa như thế nào, họ làm gì ở đó, chủ súy của họ là ai, tổ tiên nổi tiếng của họ thế nào, thần linh nào có cảm tình với họ. Hầu như chẳng cần khai từ, ông đi thẳng vào chủ đề đặc biệt: phẫn nộ của Achilleus sau chín năm tham chiến, nguyên nhân cùng hậu quả phẫn nộ gây ra. Tuy nhiên, dù đã có chủ đề quen thuộc và khung cảnh sẵn sàng, ông vẫn phải rút ra từ đó chất liệu, rồi đan kết thành thơ của mình, đưa cá tính mới mẻ và đặc tính tươi mát vào nhân vật vô hồn, quy ước trong trường ca xa xưa, tô thắm, sáng tạo tình tiết để tăng cường nghệ khí, điểm xuyết đó đây so sánh óng ả, đối chiếu đậm màu ngõ hầu thay đổi chuyện kể, gắn liền chuyện kể với nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống cách xa chiến địa vắng lặng, mù bụi, với chút tưởng tượng, chút cảm tình biến trang sử vô nghĩa buồn thảm, đau khổ, đẫm máu, tang tóc thành bản tóm lược số phận cay đắng, chua chát, bi thương của toàn thể nhân loại. Có lẽ vì thế nên sau này nhìn lại lịch sử, nhà văn Hy-lạp đồng thanh mệnh danh ông là kịch gia đầu tiên khai sinh bộ môn bi kịch.
Phẩm chất đặc biệt của tài năng đặc biệt biểu lộ vừa rộng vừa sâu trong Iliad nên người Âu trước kia và con cháu sau này trải qua mấy ngàn năm coi thi phẩm là sáng tác tuyệt vời, vô song trong văn chương nhân loại, xếp tác giả đứng đầu thi sĩ thế giới. Thế hệ tiếp nối thế hệ, thế kỷ tiếp nối thế kỷ, họ thi nhau chuyển dịch sang tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, theo giới học sĩ cũng như giới phê bình văn học nước họ, do lời thơ vừa diễm tuyệt, thanh tao, vừa tự nhiên, vô ngã, nghiêm túc mà đắm đuối, mộc mạc mà nhiệt tình, mặc dù cố gắng hết sức, chưa dịch phẩm nào xuất hiện óng ả, đậm màu như nguyên tác. Bởi đó là mô hình tuyệt diệu của cái Matthew Arnold, giáo sư, thi sĩ, phê bình gia uyên thâm người Anh thế kỷ vừa qua, gọi là “phong cách tuyệt vời.” Tác giả lấy so sánh phần lớn từ thiên nhiên và cuộc sống thôn ổ. Rải rác đó đây trong thuật sự não lòng miêu tả giáp chiến, tàn sát, so sánh khiến người nghe, người đọc liên tưởng sự thật trần truồng do chiến tranh tiếp tục diễn ra hầu như bất biến, bất tận trên trái đất từ trước tới giờ. Đoàn quân tiến tới giao chiến như sóng biển cao ngất đổ vào vách đá, làm bụi nước tung bay tới tận bãi cát im lìm. Cuộc rút lui từ từ của Aias dũng cảm trước sức tấn công vũ bão của binh sĩ Troian chẳng khác cuộc rút lui cũng từ từ của con lừa kiên cường khỏi cánh đồng ngô trước cuộc tấn công yếu ớt của đám trẻ. Bị bao vây, thu mình như sư tử can trường, xung quanh chó săn gầm gừ, thợ săn gầm ghè, song Hektor không hề nao núng và cũng chẳng mảy may khiếp sợ. Binh sĩ Troian nhìn đốm lửa trên cánh đồng như sao xuất hiện vào đêm lặng gió, quang đãng khi mặt trăng trải ánh trên đỉnh núi ngất nghểu, đỉnh đồi chót vót, cánh đồng trống không và trong “không gian bao la mở rộng khắp bầu trời.”
Homer rõ ràng yêu súc vật, nhất là ngựa, uyển chuyển, nhanh nhẹn, kéo xe đưa chủ ra chiến trường, sau ngày hoạt động nhọc nhằn đứng nghỉ bên chiến thuyền, tóp tép nhai bắp ngô, chờ ngày mai vừa rạng đông lại cùng chủ xung trận. Aineias có cặp ngựa lông hạt dẻ, bờm như liễu rủ, giống nổi tiếng, ai trông thấy cũng thèm, rơi vào tay Diomedes. Hektor và Achilleus gọi ngựa của mình bằng tên riêng, khi ra trận chiến đấu coi ngựa như bạn cố tri, đồng đội keo sơn. Ngựa của Achilleus thuộc hàng bất tử, đã đẹp lại khôn, nhạy cảm khác thường. Đầu cúi thấp, mắt rớm lệ, chúng đứng bất động bên thi hài Patroklos, Achilleus vừa bảo đứng canh chừng. Vậy mà chúng thầm hiểu Achilleus rồi ra cũng gặp chuyện chẳng lành! Nhìn chúng Chúa tể tỏ ý tiếc đã không biến chúng thành bất tử để khỏi phải gánh chịu đau đớn, buồn rầu của thế nhân xấu số bạc mệnh.
Trong chuyện thi sĩ lang thang kể về thành Troa, thần linh giữ vai trò quyết định, chấp thuận hay phủ nhận số phận con người thần linh yêu hay ghét. Thái độ Homer đối với người trên trời hay dính vào chuyện người dưới thế thật kỳ lạ. Ngậm miệng nén lời, giấu mặt quay lưng, ông miêu tả họ một cách hài hước. Làm như chuyện kể họ thế thực, ông không tài nào nhìn họ khác. Bởi thế Hera trong Iliad trở thành người đàn bà đanh đá dễ sợ, không lúc nào ngừng quấy rầy cuộc đời Chúa tể đồng thời phu quân, không những thế còn luôn luôn tìm cách đảo ngược kế hoạch ông sắp đặt tuyệt vời. Dưới tài chăm lo săn sóc, nâng khăn sửa túi của nàng, Chúa tể xử sự như người chồng sợ vợ, nhiều lúc đứng ngồi không yên. Ông có thể cương nghị, song chỉ khi nào cáu giận, đe dọa thẳng tay trừng trị khiến thần linh khiếp sợ. Do vậy núi Olympos không phải nơi thanh bình. Theo gương Chúa tể, thần linh mắng mỏ, gây lộn, hờn dỗi, âm mưu cản trở lẫn nhau. Rút cuộc tất cả lao đầu vào cuộc chiến sinh tử trong khi Chúa tể để mắt nhìn, mỉm cười. Apollo giữ tư cách đàng hoàng, Athena ngẩng cao đầu nhìn thẳng, song nhìn chung thần linh trong thơ Homer là biểu lộ khôi hài đối với thần linh. Chỉ có Chúa tể, với đủ thứ vụng về, bất hạnh của người chồng, nóng giận cộc cằn bột phát, tiêu biểu nguyên lý sáng suốt, thẳng thắn trong việc điều hành thế sự. Cuối cùng ông ra sức đem lại công bình cho trái đất, đồng thời trừng trị hỗn loạn và lừa dối. Thế nhân có thể cầu xin, ông lắng nghe, ông có thể chấp nhận hoặc phủ nhận. Ông cúi đầu, mái đầu bất tử, trái đất rung chuyển. Một khi hứa là ông thực hiện đầy đủ. Tuy nhiên, khi đi vào thi tập, người đọc sẽ gặp đàn ông, đàn bà, chứ không phải thần linh, họ là sáng tạo tuyệt vời Homer để lại trần gian.
Iliad có ít phụ nữ, song trong số có ba người gặp rồi độc giả sẽ chẳng thể nào quên. Andromakhe, vừa mỉm cười vừa ứa lệ, dỗ con khóc thét vì nhìn bố đội mũ gài lông đuôi ngựa ngất nghểu trên đầu, là hiện thân đầy đủ, trọn vẹn người vợ dịu hiền, người mẹ nhẫn nại, người dâu thùy mị, người chị thân tình, van xin Hektor, chồng yêu thương, quí mến, đừng bỏ nàng cô đơn, con côi cút. Hekabe, lớn tuổi, bi quan, hốt hoảng, giọng rít cao, bấy lâu đã gặp nhiều chuyện bất hạnh bây giờ đang đợi cảnh bi thảm ngoài sức tưởng tượng. Helen luôn luôn là biểu tượng của sắc đẹp chim sa cá lặn và sức mạnh lôi cuốn đến ngây ngất, mê hồn. Sắc đẹp của nàng là khuôn mặt tung ra chiến trường hàng ngàn chiến thuyền và thế nào cũng thiêu rụi tháp canh trần trụi thành Troa. Với lời thơ tự nhiên, Homer khiến nàng ý thức một cách ai oán tai họa nàng gây ra và đang mang tới cho người xung quanh. Nàng tự trách, song cũng trách nữ thần Aphrodite đã ép buộc mình. Nàng cũng ý thức sau này, hết thế hệ này đến thế hệ kia, như bốn mùa thay đổi trong năm, người đời sẽ thêu dệt kể chuyện về nàng. Đám đông trên đường phố thành Troa dừng bước, rùng mình khi nàng đi qua, bô lão ngậm đắng nuốt cay thì thầm lúc nàng đến ngồi bên cạnh: “Chẳng nên nổi giận trách cứ nếu quân lính Troian và binh sĩ Achaian xà-cạp gọn gàng, vì người đàn bà như vậy, phải gánh chịu gian khổ lâu dài đến thế. Lạ lùng hết sức khi nhìn, khuôn mặt y hệt khuôn mặt nữ thần bất tử” (3.156-8).
Homer không kẻ lằn ranh thù oán hay thù hận giữa người Achaian và người Troian. Giao chiến hay hưu chiến, khi nói với kẻ thù, người Achaian không cần thông ngôn như nhiều nước đem quân xâm lược nước khác ngày nay. Ngược lại, người Troian cũng thế. Mọi chuyện diễn ra như thể hai bên nói cùng thứ tiếng, thờ cùng thần linh bất kể thần linh ưa thích bên nào: thành Troa thờ Athena dù nữ thần về phe người Achaian. Họ đều là người, vì thế ông có cảm tình với tất cả, trừ Thersites, binh sĩ mạnh miệng tìm cách thúc đẩy quân sĩ nổi dậy chống lại nguyên soái binh đoàn Hy-lạp. Chuyện Homer kể dĩ nhiên là chuyện người Hy-lạp. Tội gây nên cuộc chiến là tội người Troian. Đa số thần linh về phe Hy-lạp, chiến thắng đương nhiên thuộc về họ. Quân Hy-lạp đoàn kết và kỷ luật. Số lượng khoảng trăm ngàn so với quân Troian số lượng không tới năm chục ngàn. Lúc xiết chặt hàng ngũ thành đội hình ra chiến trường, họ thầm lặng cất bước. “Không ai có thể tưởng tượng đoàn quân đông đảo như thế có tiếng nói trong lồng ngực lại im lặng cất bước, răm rắp tuân lệnh chỉ huy. Áo giáp lát đồng trên thân thể óng ánh theo bước chân đi (4.429-32).” Trái lại, yếu kém về số lượng, muốn cân bằng tỉ số, quân Troian phải lôi kéo đồng minh vùng châu Á lân cận. Họ nhất tề kéo tới ủng hộ, dồn dập “như cừu mẹ đứng túm tụm đông đảo trong sân nông trại hết sức giàu có sẵn sàng nhả sữa trắng phau, be be liên hồi, khi nghe tiếng bầy con réo gọi, quân Troian rơi vào cảnh huyên náo, vì không cùng tiếng hô, không cùng thổ ngữ mà chỉ là ngôn ngữ pha trộn hổ lốn, người tham dự từ nhiều vùng khác nhau”(4.433-38). Họ không có chỉ huy tinh nhuệ, cương quyết như quân Hy-lạp. Tuy thế, khi lâm trận, họ chiến đấu dũng cảm, kiên cường, nhiều khi tận dụng can trường chống lại nghịch cảnh bất hạnh khiến người quan sát phải thán phục.
Tình trạng tuyệt vọng của người Troian hiện rõ trước hết qua quân vương Priam già yếu, gầy gò, hốc hác, lo âu, tác phong vương giả còn vương vất, thái độ nhân đức còn le lói, song dũng khí không còn phảng phất trên khuôn mặt lúc con trai Pâris quyết đấu với Menelaos. Cuối cùng sau khi bất hạnh xẩy ra, tuyệt vọng im lặng, hoàn toàn chế ngự, trở về với mình, âm thầm, đơn độc lần bước trong đêm tối, không tùy tùng, không hộ tống, ông lủi thủi vượt bãi chiến trường vắng lặng, âm u, lởn vởn vong hồn tử sĩ, tới nâng lên môi tay kẻ đã giết con mình, xin mang thi thể Hektor về nhà mai táng. Pâris rõ ràng là người làm hại thành Troa. Đẹp trai, duyên dáng, tính khí bốc đồng, thái độ khinh suất, can đảm khi chạm tự ái, song không bao giờ kéo dài, mặc áo lông báo lốm đốm thay vì giáp y chiến binh, chàng ra chiến trường như tham gia tập dượt thể dục hay đi dự dạ vũ. Hektor chỉ trích. Người Troian thù ghét. Tuy thế, thỉnh thoảng chàng cũng làm được việc giá trị. Do định mệnh trớ trêu, ai cũng biết chàng là người rồi ra sẽ có ngày giương cung hạ sát Achilleus.
Ngược lại, anh chàng là Hektor, can trường, quả cảm hơn hết trong lực lượng chiến đấu Troian, quân thù khiếp sợ. Được một số đồng minh tin cẩn giúp đỡ – Aineias dòng dõi Dardanos, Sarpedon gan dạ, Glaukos kiên cường từ Lykia – chủ súy gánh trách nhiệm điều khiển công cuộc bảo vệ thành Troa. Chủ súy là người duy nhất trong số anh em trong gia đình lúc nào cũng nói năng lịch sự, nhã nhặn với Helen. Tuy thế chủ súy cũng có sơ sót. Nhận thức đôi khi giới hạn, nông nổi, không chịu lắng nghe. Mau xuống tinh thần trước nghịch cảnh, chủ súy thôi không chiến đấu khi có thể rút lui. Nhiều khi trong cuộc tỉ thí chủ súy bị người Hy-lạp kiên trì, lì lợm áp đảo. Lần cuối một mình bên ngoài tường thành hướng nhìn Achilleus bách chiến bách thắng như mũi tên thúc ngựa xông tới, chủ súy mất tinh thần. Chẳng thể đứng im, chẳng thể chờ một lát, chủ súy quay đầu tháo chạy. Chủ súy chạy quanh tường thành, vừa chạy vừa thở hổn hển, trong khi Achilleus chồm lên y hệt thú dữ đuổi theo, như hai người trong giấc mơ chẳng bao giờ có thể xáp lại gần nhau, mãi tới khi Athena khôn khéo, ngọt ngào thuyết phục, cuối cùng tin tưởng có đồng đội bên cạnh, lúc đó chủ súy mới dừng, đứng thẳng, chiến đấu anh dũng, chiến đấu tới cùng dù mất mạng, những mong thành Troa sẽ chết cùng mình.
Phía Hy-lạp, chỉ huy lực lượng bao vây không phải thủ lĩnh lý tưởng đối với mọi người. Ngoại trừ tình cảm đối với em Menelaos bị tổn thương nặng nề, đã kiêu căng, nóng tính lại bất nhất, chao đảo, Agamemnon xét kỹ không có gì đáng kính phục. Trong lúc nóng giận, vì mất thiếu nữ nô lệ do chiến phẩm mà có, về tay mình bởi là nguyên soái điều khiển cuộc chiến, ông nặng lời nhục mạ tướng quân tài ba, và chẳng màng công bình, phải trái lấy thiếu nữ tù binh của tướng quân thay thiếu nữ vừa bị mất. Bởi thế xẩy ra cuộc cãi lộn “đem lại muôn vàn đau khổ cho binh sĩ Achaian” (1.2). Vì đau buồn đó về tới doanh trại Achilleus thề nhất định không lâm trận chừng nào Agamemnon hiểu, do thực tế gay go, ông cần mình nhường nào. Cuối cùng sau khi đã tới cực điểm đối nghịch một mất một còn, tướng quân chấp nhận ý kiến hòa giải Agamemnon hoảng hốt đề nghị hai người giảng hòa. Nhưng trong khi tướng quân thành thật công nhận mình thật rồ dại trong cuộc cãi lộn, Agamemnon tỏ ra nhỏ nhen, không một lời xin lỗi, mà đổ lỗi cho thần linh nên mình cư xử vụng về.
Tuy thế, trong hàng ngũ Achaian có nhiều người tư cách hơn Agamemnon. Hãy kể Nestor tuổi cao chuyện trò vui nhộn, chồng chất kỷ niệm, song vẫn là quân sư mưu trí, đáng yêu đối với thế hệ con em. Idomeneus người đảo Krete, tóc hoa râm, hào hiệp, quả cảm. Odysseus đa mưu túc trí, tinh thần kiên cường, thể xác tráng kiện, kinh nghiệm già dặn, luôn luôn được lựa chọn thực hiện sứ mệnh quan trọng hoặc viễn chinh gian nguy. Chàng hiện hình đậm nét trong Iliad, song phiêu lưu khủng khiếp vẫn đang chờ. Phiêu lưu đó sẽ kết thành chuỗi chuyện kỳ thú kể trong Odyssêy. Diomedes trẻ tuổi, ít nói, song sẵn sàng đảm nhận bất kể việc gì nguy hiểm mà cần hoàn tất. Trên hết là Achilleus, cũng trẻ, với tướng quân danh dự mang ý nghĩa đặc biệt, nên đã đi tới chỗ chọn lựa dứt khoát – từ bỏ cuộc đời thảnh thơi, an nhàn, sống lâu, rời nhà ra đi, tới thành Troa trả thù giùm, vì thân vương thân hữu bị đối xử sai trái, dẫu hiểu ra đi là phải trả giá rất đắt: sống ngắn ngủi, gian truân, chết cô đơn trên xứ lạ quê người.
Nhiều người trách tướng quân chỉ nghĩ đến mình, khư khư ôm sầu, nuôi hận trong khi đồng đội xả thân chiến đấu, biết bao người bỏ mạng, biết bao người bị thương. Hơn thế, khi rời bỏ nơi ẩn dật xuất trận, tướng quân hung ác, dữ tợn đối với người Troian, chém giết không nương tay, đối xử tàn nhẫn, hung bạo với thi thể Hektor. Tuy nhiên, đối với binh sĩ ngay thẳng như tướng quân, không có sai trái nào có thể tha thứ so với sai trái Agamemnon đối với tướng quân trước mặt hàng quân. Ông nói tướng quân hy sinh tương lai đời mình, chín năm trong đó tướng quân gánh chịu hậu quả cuộc chiến quân lính Achaian thực hiện, hy sinh đó không là gì và chẳng đáng kể, nếu muốn tướng quân cứ tự tiện về nhà. Ngoài chuyện này, thêm vào đó là chuyện chiếm đoạt cô gái tướng quân đã chiếm được như phần thưởng duy nhất trong chiến dịch cam go. Tướng quân chua chát hỏi: “Trong nhân loại chỉ có công tử Atreus thương yêu hiền thê hay sao?” (9.340). Khi nhận ra mình sai trái, Agamemnon sai sứ giả mang vô số tặng vật tới chuộc lỗi. Nhưng quà biếu chẳng phải thứ tướng quân muốn hoặc cần. Tướng quân bị xúc phạm, vết thương ăn sâu vào chỗ nhạy cảm nhất cơ thể, danh dự người chiến binh, tướng quân sẽ hy sinh tính mạng để đạt bằng được. Do tự ái thúc đẩy, khinh khỉnh hơn bao giờ, tướng quân bảo thuyết khách ra về, song vẫn để mắt theo dõi cuộc chiến, nhất là cuộc tấn công của binh sĩ Troian diễn tiến ra sao. Vừa thấy địch dùng chiến thuật hỏa công – bó rơm thành cuộn lớn, châm dầu phóng hỏa, để khối lửa cháy ngùn ngụt lăn liên tục từ trên bờ xuống dẫy thuyền – tướng quân tức thì để bạn chí thiết mặc giáp y, lấy ngựa của mình ra trận nhằm đánh lừa, địch sẽ nghĩ Achilleus trở lại chiến trường! Nhưng khi hay Patroklos bị Hektor đâm chết, tướng quân vừa buồn rầu vừa ân hận. Tướng quân sẵn lòng giảng hòa với Agamemnon. Đầu óc sôi sục tướng quân chỉ nghĩ tạ lỗi cùng Patroklos bằng cách trả thù cái chết của anh. Dù hăng say chém giết binh lính Troian như chẻ tre, cao điểm là hạ sát Hektor, dù trịnh trọng tổ chức đám tang với hy vọng tiễn đưa linh hồn bạn quý xuống âm phủ êm thấm, song tướng quân không mãn nguyện, tất cả không làm tướng quân yên tâm. Ban đêm muốn ngủ tướng quân vẫn không sao chợp mắt, lòng cứ thao thức vì muốn có bạn bên cạnh. Muốn giảm bớt đau khổ tướng quân lại đánh xe kéo xác Hektor chạy quanh mồ bạn, song cố gắng đến mấy cũng vô ích.
Chỉ khi Priam tới tướng quân mới nhận ra tuyệt vọng của kẻ thù cũng to lớn như tuyệt vọng của mình. Chỉ khi đó tướng quân mới thấy có cái gì thôi thúc, với tư cách chủ nhà phải tiếp đón bặt thiệp, cư xử tao nhã, nói năng lịch sự với khách lạ, ông già đáng thương đã bất chấp nguy nan, không màng tủi hổ, không quản sượng sùng, không ngại bẽ bàng, không hề sợ hãi, dấn thân tới trước quyền uy. Chỉ khi đó, bất thình lình hết giận, hết buồn, tướng quân mới đồng ý chấp nhận những gì thần linh chỉ định với lòng cương dũng khác thường nhằm dự phần chia sẻ nỗi buồn tất nhiên của nhân loại. Bây giờ tự tay nâng thi hài Hektor lau rửa sạch sẽ, thoa dầu đầy đủ tướng quân đặt lên giá để quan tài. Tự ý đề nghị mặc dù không ai yêu cầu tướng quân hứa sẽ ra lệnh quân Achaian ngừng tấn công mười một ngày, thời gian này quân Troian cứ yên chí lo việc mai táng “người luyện ngựa” sao cho trang trọng và đầy đủ. Đó là lời cuối cùng tướng quân nói trongIliad. Trong Odyssêy, Odysseus thấy linh hồn tướng quân dưới cõi âm, sóng bước bên Patroklos băng qua vườn lan nhật quang hoa nở tưng bừng. Cứ thế tiếp diễn trước khi chấm dứt nhạc khúc bi thương, trường ca Iliad trổi nốt chấp nhận và cam chịu. Achilleus trịnh trọng nói với Priam: “Vì số phận thần linh dệt cho thế nhân đáng thương là thế nhân sống đau khổ, thần linh chẳng mảy may buồn rầu” (24. 525). Homer vừa kể lại chuyện cũ, phần chuyện ông biết, vừa nhân-từ-hóa và cao-thượng-hóa chuyện chiến tranh tàn khốc, chuyện trả thù ác liệt thầm mong người xem, người nghe, người đọc nhận ra đằng sau cảnh huyên náo dữ dằn, tiếng rên la thảm thiết dâng lên từ bãi chiến trường đẫm máu lời kêu gọi thống thiết: con người phải coi nhau như anh em; con người đừng thù hận, sát hại lẫn nhau. Dù là người Achaian hay người Troian con người nên sống hòa bình cùng nhau chấp nhận số phận trần thế, chia sẻ sung sướng cũng như khổ đau dưới ánh sáng mặt trời.
Hai thi tập của Homer không phải mãi mãi là tài sản riêng tư của người Hy-lạp sống trong Tiểu Á. Thế kỷ VI trước tây lịch hai thi phẩm đã được Athens quy định như gia tài văn học thành quốc. Thiếu nhi con trai trong thành quốc phải học hai thi phẩm hàng ngày. Vào ngày tổ chức đại hội liên Hy-lạp người ta đem hai thi tập ra ngâm vịnh trước công chúng. Alexandros thuộc làu Iliad. Đại đế chọn Achilleus làm anh hùng lý tưởng. Sau khi chinh phục Hy-lạp, người La-mã coi chuyện thành Troa như phần lịch sử của họ. Dĩ nhiên, họ không thể chọn một trong số anh hùng Achaian làm tổ phụ, song họ thấy một trong số chiến binh bại trận Troian, như Poseidon nói trong khúc 20 thi tập Iliad, không chết với dòng máu còn lại của Priam mà sẽ sống và trị vì sau đó. Người đó là Aineias và con cháu. Theo Virgil, do vậy có thể coi Aineias, nhân vật chính trong thi tập Aeneid ông sáng tác sau Iliad khoảng chín trăm năm, cách nay hai ngàn năm, là sợi dây nối thành Troa với công cuộc tạo dựng đế quốc La-mã.
Khi đế quốc tan vỡ, Tây Âu như rắn mất đầu. Kiến thức về Hy-lạp tan biến tựa mây khói, vùng đất đó rơi vào vòng tăm tối, tình trạng âm u kéo dài hơn ngàn năm.. Đối với Dante ở Ý, Chaucer ở Anh, tác giả Chanson de Roland, Roman de la rose ở Pháp, nghĩa là tới thế kỷ XIV stl. Homer chỉ là hình bóng lờ mờ, tên gọi huyền bí. Tuy thế, trong thế kỷ vừa kể có thi sĩ Ý tên Pétrarque, vì cảm hứng dâng cao, đã bỏ thì giờ chuyển dịch hai thi tập sang tiếng La-tinh. Hai trăm năm sau, tới thế kỷ XVI, bỗng dưng nẩy sinh khuynh hướng phục hưng văn học cổ điển, tức văn học Hy-lạp-La-mã, gọi nôm là văn học Hy-La trong đó văn học Hy-lạp là đối tượng chính yếu cần tìm hiểu, phải học hỏi. Như nước vỡ bờ, như trăm hoa đua nở, trong thời gian khá ngắn, khuynh hướng trở thành phong trào văn hóa lan tràn khắp Tây Âu, khai sinh dịch phẩm trơn tru, chải chuốt, đồng thời giai tầng trí thức, một lần nữa có khả năng đọc và hiểu Homer theo ngôn ngữ của thi sĩ. Ngược lại, học giả thế kỷ XVIII, XIX với khuynh hướng phân tích, đầu óc duy lý, phương pháp thực nghiệm đưa ra giả thuyết khiến nhiều người chưng hửng. Theo giả thuyết không làm gì có người như Homer! Thi sĩ mù sống trên hải đảo Chios chỉ là huyền thoại. Hai thi tập mang tên ông là tổng hợp nhiều bài thơ sáng tác rải rác trong không gian khác nhau lấy chuyện thành Troa làm chủ đề, theo thời gian được bàn tay vô danh sắp xếp thành hai chuyện liên tục. Nghĩa là hai thi tập là sản phẩm của nhiều thi sĩ tình dao và nhóm người biên soạn, kết quả thật không ngờ sản phẩm đạt thành công hơn sản phẩm cùng loại. Trái lại, bước sang thế kỷ XX, xuất hiện quan điểm trái ngược: chấp nhận Homer có thực, Homer là tác giả hai thi tập, có lẽ lúc trẻ sáng tác Iliad, khi già trước tác Odyssêy. Lời thơ đa sắc, diễn tả tuyệt vời, ý thơ gợi cảm, biểu lộ thâm trầm, tất cả mang dấu vết tâm hồn thi nhân ngoại khổ. Cũng theo thời gian, sự thể quá rõ rệt, chẳng thể phủ nhận, sự thật là thiên tài đặc biệt đã xuất hiện trong vườn thơ nhân loại cách nay khoảng ba ngàn năm.
Người Hy-lạp sau Homer, người Hy-lạp cổ điển và con cháu nối tiếp, nghĩa là người Hy-lạp biết đọc, biết viết, biết suy nghĩ, để lại tài liệu cụ thể những gì họ tin tưởng, coi một trong số chuyện mở đầu lịch sử dân tộc là cuộc chiến thành Troa. Có ý kiến phủ nhận tình tiết cuộc chiến, giải thích nguyên nhân và ý nghĩa cuộc chiến; có ý kiến tán đồng về nhân vật chủ chốt và diễn tiến sự kiện, song với nhiều người ít nhất đó là lịch sử, không phải truyền kỳ hay huyền thoại.
Iliad tiếng Hy-lạp nghĩa là bài thơ viết về Ilios, bài thơ kể chuyện thành Troa. Trường ca của Homer từ thời sử gia Herodotos tới giờ được gọi là Iliad. Chuyện có thể tóm tắt như sau: Pâris, còn gọi là Alexandros, là con Priam, quân vương thành quốc Troa, thành phố góc tây bắc Tiểu Á. Trong chuyến du hành vượt biển tới thành quốc Sparta, chàng được Menelaos tiếp đón, chiêu đãi trọng thể; lúc trở về chàng được Helen, vợ Menelaos, đồng ý đi theo. Chàng đưa nàng về thành Troa, sống với nàng như vợ chồng. Vì thế quân vương khắp Hy-lạp nổi giận dấy binh hơn ngàn chiến thuyền nhằm tới bắt Helen đem về. Hạm đội do Agamemnon chỉ huy, ông là anh Menelaos, đồng thời quân vương Mycenae; hạm đội còn gồm thủ lĩnh hoặc quân vương từ bán đảo Peloponnesos, trung bộ Hy-lạp, bắc bộ Thessaly và một số hải đảo, mỗi quân vương lãnh đạo binh lính của mình. Hạm đội tập trung ở hải cảng Aulis trong đồng bằng Boiotia, rồi trực chỉ thành Troa. Tới nơi sau trận đụng độ sơ khởi quân Hy-lạp đổ bộ lên bờ, song không tài nào đột nhập. Họ đóng quân trước thành phố chín năm, đẩy người Troian vào thế phòng ngự. Trong khi đó để nuôi quân họ tấn công, cướp phá vùng lân cận. Năm thứ mười xẩy ra chuyện cãi lộn giữa nguyên soái Agamemnon và tướng quân Achilleus, thủ lĩnh đoàn quân người Myrmidon, đông nhất trong đoàn quân viễn chinh Achaian. Achilleus rút lui, đồng thời giữ quân lính không tham chiến. Trong lúc tướng quân vắng mặt quân Troian do Hektor chỉ huy (con Priam, anh Pâris), tạm thời thắng thế, chế ngự quân thù, cùng lúc đe dọa phá tan hạm đội. Achilleus trở lại chiến trường, giết chết Hektor, phá tan quân Troian. Sau đó ít lâu tướng quân cũng tử trận; dẫu thế cái chết của tướng quân chẳng cứu nổi thành Troa, thành bị chiếm tức thì. Đa số người bảo vệ bị giết, dân thường bị bắt làm nô lệ, vương quốc bị xóa tên trên bản đồ. Thắng trận trở về, song chỉ huy và thủ lĩnh Hy-lạp gặp nhiều chuyện chẳng lành – bão biển, cãi lộn giữa người ra đi, giận hờn, ghẻ lạnh của người ở nhà họ xa cách từ đó đến giờ. Thành Troa thất trận bị tiêu hủy là do ý định và ý muốn của thần linh.
Thi tập Iliad gồm 24 khúc, dài ngắn khác nhau, ngắn nhất 424 câu (khúc 19), dài nhất 909 câu (khúc 5). Phân chia như vậy thực hiện khá lâu sau không những bản chép tay đầu tiên mà còn khá lâu sau cả thời Platon, có lẽ đầu thế kỷ III ttl. Dẫu vậy phân chia thực hiện khá chu đáo, kết thúc phần thuật chuyện nêu rõ điểm quan trọng, vì thế số khúc giữ nguyên, từ đó đến giờ không thay đổi, ấn bản ngày nay đều theo đúng ấn bản ngày xưa. Odyssêy cũng phân chia như vậy và cũng đánh số từ alpha đến omega. Khác chăng là Iliad đánh số theo chữ hoa còn Odyssêy đánh số theo chữ thường. Nội dung thi tập như sau:
Khúc 1[3] (611 câu). Chryses tu sĩ miền quê thần linh Apollo thương yêu, bao che sống ở Chryse, làng hẻo lánh gần thành Troa, tới doanh trại quân Achaian xin thả con gái Chryseis bị bắt làm nô lệ chia cho Agamemnon làm nàng hầu. Agamemnon không chịu. Chryses bèn cầu xin Apollo ra tay trừng phạt. Apollo tức thì bắn tên, gieo bệnh dịch xuống doanh trại quân Achaian. Lính chết ngổn ngang. Thấy cảnh tượng rõ ràng nguy khốn, tai họa dường như khôn lường, Achilleus vội vàng triệu tập buổi họp chỉ huy binh đội đồng minh tham chiến tham khảo ý kiến tìm cách giải quyết. Được Achilleus ủng hộ và khuyến khích, tiên tri gia Kalchas giải thích trước hàng quân vấn nạn là do Apollo bất bình. Muốn giải quyết phải làm theo ý thần linh. Tuy tức giận song Agamemnon đồng ý trả thiếu nữ cho bố đẻ. Làm vậy là cốt để thần linh nguôi lòng. Ngược lại, Agamemnon yêu cầu chỉ huy khác nhường nàng hầu thay Chryseis cho ông. Achilleus phản đối. Lấy tư cách nguyên soái, Agamemnon bắt Briseis nàng hầu của tướng quân mang về bộ chỉ huy. Achilleus phản ứng dữ dội. Tướng quân tuyên bố rút lui, kể cả quân lính, không tham dự cuộc chiến, đồng thời cầu xin Thetis, mẹ đẻ, nữ thần biển cả dùng ảnh hưởng của mình nói với Chúa tể cùng thần linh trên núi Olympos gây hại cho quân Achaian thua trận trong khi tướng quân vắng mặt để Agamemnon hiểu người ông hạ nhục là thế nào. Thetis truyền đạt lời con cầu xin lên Chúa tể. Mới đây có nhờ bà giúp đỡ nên còn mắc nợ, vì thế miễn cưỡng hứa thực hiện ước muốn của Achilleus, mặc dù vợ là Hera phản đối dữ dội (cũng như con gái Athena bà ghét người Troian thậm tệ, tìm đủ cách tiêu diệt), Chúa tể xoay chiều cuộc chiến bất lợi về phía người Troian.
Khúc 1 coi như dẫn nhập toàn thể thi tập, giới thiệu thế giới thần linh (siêu hình), thế giới con người (hữu hình), liên hệ giữa hai thế giới tiêu biểu qua nhân vật bi thương Thetis. Suốt thi tập quan hệ nhân quả giữa thế nhân và thần linh diễn ra song phương, nên biến sự quan trọng cũng quyết định song phương. Cuộc cãi lộn do thần linh gây nên, song tưởng tượng phong phú và phát triển hoàn toàn theo cung cách thế nhân: thăm dò tâm lý Agamemnon và Achilleus khéo đến độ phần lớn hành động của thế nhân trong thi tập do vậy phát xuất rõ ràng từ nhân vật. Tính cách nhị hóa đặt ở đầu thi tập trong năm câu đầu. Chuyện vừa là phẫn nộ của Achilleus vừa là thực hiện ý định của Chúa tể. Ý định hoặc đùa giỡn của thần linh hoàn toàn pha trộn với hành động của thế nhân, và người hành động hiểu sự thể khi làm vậy. Quan hệ nhân quả của thế nhân theo quy luật kết hợp và hữu lý của nó, song đằng sau mọi diễn biến vẫn tàng ẩn ý định của thần linh – không thể tìm hiểu, không thể giải thích và không thể tránh né. Sự kiện chủ yếu và nhức nhối được nhấn mạnh hơn hết trong thi tập. Thần linh sắp đặt ý định từ khúc đầu, khai triển biểu hiện trên mọi bình diện suốt thi tập – kiểm soát toàn diện, can thiệp dễ dàng, dính líu mật thiết vào thế giới con người cộng với dứt bỏ tự nhiên, kết hợp hùng tráng, bỡn cợt tuyệt vời.
Khúc 2 (877 câu). Muốn gieo tai họa xuống đầu Agamemnon và tùy tùng, Chúa tể đưa ông vào giấc mơ đánh lừa ông tin mình sẽ chiếm thành Troa dễ như trở bàn tay. Ông đem chuyện kể cho chỉ huy đơn vị dưới quyền hay, đồng thời đề nghị thử lòng quân sĩ nói cho họ biết họ có thể rời chiến trường về nhà nếu muốn.[4] Nhưng ông kinh ngạc hết sức. Vừa nghe tưởng thật binh sĩ nhất tề sửa soạn hồi hương. May có Athena giúp đỡ, vượt khá nhiều khó khăn, mất khá nhiều thì giờ Odysseus mới tái lập trật tự. Trong khi đó chuyện bất ngờ xẩy ra. Thersites, tiểu tốt vô danh, mạnh miệng nói càn, đứng trước hàng quân cao giọng đả kích, buộc tội ông. Odysseus phải ra tay nện một trận nên thân. Bị đòn đau gã mới thôi. Lộn xộn giải quyết xong xuôi. Agamemnon, Nestor (thủ lĩnh, chỉ huy, trưởng thượng người Pylian) cùng mọi người ra trận. Tiếp theo không rõ do thi sĩ kể hay người sau thêm vào là danh sách chỉ huy, lực lượng Achaian, thị trấn, thị xã, thành phố, vùng quê, hải đảo, số thuyền đem tới thành Troa và danh sách chỉ huy, lực lượng Troian cùng đồng minh tham chiến, giải thích rành rọt tình huống địa lý, chính trị thời Mycenaean.
Khúc 3 (461câu).Hai bên tiến tới gặp nhau .[5] Sau khi trì hoãn, rối loạn do không có Achilleus quân Achaian ồ ạt nhào lên tấn công quân Troian. Một ngày quần thảo, số phận đổi thay, lúc thắng lúc bại, khi công khi thủ, lúc tiến lúc lui, bất phân thắng bại. Cuối cùng phía Troian đề nghị Pâris và Menelaos song đấu. Nếu Pâris thắng, Helen sẽ ở lại với chàng, quân Achaian rút lui về nước. Ngược lại, nếu Menelaos thắng, Helen sẽ về nước với Menelaos, chiến tranh chấm dứt, hòa bình tái lập. Priam tới tường thành quan sát; ông gặp Helen, nàng đưa tay chỉ phía dưới kể cho ông hay từng thủ lĩnh người Achaian ,[6] song không thấy Kastor và Polydeukes đâu. Có lẽ hai anh không tham dự cuộc viễn chinh, hoặc có lẽ hai anh đã tới, nhưng không xuất hiện sợ xấu hổ vì em gái. Sau đó ông tới hàng quân dự lễ tuyên thệ chờ hưu chiến. Pâris giao chiến với Menelaos nhưng thua. Aphrodite cứu mạng mang trở lại thành Troa. Đem lên giường, đồng thời biểu lộ quyền năng của mình, bất lực của Helen do ảnh hưởng quyền năng chi phối, Aphrodite triệu gọi, ép nàng lên giường với Pâris.
Khúc 4 (544 câu). Thảnh thơi ngồi trong cung điện vàng óng của Chúa tể, vừa bàn luận vừa uống ruợu, vừa uống rượu vừa để mắt theo dõi cảnh thế nhân dưới thành Troa, thần linh quyết định để hưu chiến tan vỡ, vì Hera chống đối thành Troa quyết liệt. Cải trang làm thế nhân, Athena thuyết phục Pandaros, người Lykia, đồng minh thành Troa, giương cung bắn địch. Pandoros thực hiện tức thì. Menelaos bị thương. Hưu chiến tan vỡ. Agamemnon hối hả thanh sát. Muốn nâng cao tinh thần binh sĩ ông tuôn lời hô hào, song nói năng kém cỏi, nhất là trước mặt Diomedes. Chiến trận tái diễn khốc liệt. Hai bên đụng độ, thần linh đôn đốc. Hai chiến binh giao đấu. Aias đâm chết Simoeisios. Miêu tả chiến trường lần đầu trong thi tập. Cảnh tượng rùng rợn, thảm thương.”Vì hôm đó nhiều người Troian, nhiều người Achaian nằm sóng sượt bên nhau, mặt úp xuống đất” (4.543-44).
Khúc 5 (909 câu). Chiến cuộc tiếp diễn. Được Athena ủng hộ và giúp đỡ, Diomedes thể hiện phép lạ tấn công thần linh. Do con gái Chúa tể, nữ thần bảo trợ tài ba, tháo vát đôn đốc, Diomedes dùng thương làm xước cổ tay Aphrodite lúc nữ thần tìm cách cứu con trai Aineias, đồng thời áp đảo Ares khi nam thần động viên, hỗ trợ quân Troian, thậm chí còn định tấn công cả Apollo. Do thần linh truyền sức, Diomedes đưa lòng dũng cảm của thế nhân lên cao độ. Nhưng cuộc đụng độ chỉ để nhấn mạnh khoảng cách không thể nối liền giữa thế nhân và thần linh. Điểm tương tự cũng thể hiện trong chi tiết có vẻ hài hước với Aphrodite và trong cuộc gặp gỡ có vẻ trang nghiêm với Apollo. Bị thương nhẹ Aphrodite ngồi trên đùi mẹ. Vừa an ủi con gái Dione vừa đe dọa: cả gan đánh thần linh như Diomedes, thế nhân sẽ không bao giờ rời chiến trường về nhà nâng con lên đùi cưng nựng. Điểm này được nhấn mạnh qua hình thức truyền đạt lạnh lùng lần cuối Apollo hét cảnh cáo lúc Diomedes tấn công lần thứ tư: “Coi chừng, công tử Tydeus, lùi lại! Đừng tưởng mình ngang hàng thần linh, vì về dòng giống không bao giờ có chuyện tương tự giữa hàng bất tử và bầy thế nhân lê bước trên trần gian” (5.440-42).
Khúc 6 (529 câu). Thần linh ra ngoài cuộc chiến. Quân Achaian chọc thủng phòng tuyến quân Troian. Đội hình tan vỡ quân Troian lui dần. Helenos giục anh (Hektor) tập hợp binh sĩ kéo vào trong thành và sắp đặt phụ nữ dâng lễ hy vọng nữ thần sẽ chặn bước Diomedes. Hektor xin mẹ Hekabe làm lễ tạ ơn Athena.[7] Tới cổng thành chủ súy chuyện trò với mẹ, trao đổi vài lời với em dâu Helen, phái liên lạc tức tốc gặp Pâris để sửa soạn phản công, cuối cùng tâm tình với vợ Andromakhe và con Astyanax. Trong khi đó Glaukos, người Lykia, chạm trán Diomedes. Ai cũng tưởng sẽ đụng độ nẩy lửa. Nào ngờ sự thật khác hẳn. Glaukos kể lai lịch dòng họ, Diome -des nhận ra hai gia đình có liên hệ khách-bạn. Cuộc chạm trán kết thúc êm đẹp. Hai người trao đổi giáp y, giá trị khác nhau một trời một vực, bày tỏ tình thân, và đồng ý tránh đụng độ trên chiến trường.
Khúc 7 (482 câu). Hektor và Pâris trở lại chiến trường. Bên Troian chiến thắng chớp nhoáng, nhưng Athena và Apollo quyết định cuộc đụng độ phải ngừng để Hektor giao đấu với quán quân người Achaian. Thách thức bên địch có người nào cả gan giao đấu, chủ súy chỉ yêu cầu người thắng vui lòng trả thi thể người thua cho phe người thua mai táng. Menelaos đồng ý, song Agamemnon phản đối, vì biết Menelaos thế nào cũng thua. Aias, con Telamon, được chọn qua cuộc bốc thăm. Đụng độ diễn ra ác liệt, song bất phân thắng bại, Aias có vẻ lợi thế, Hektor cảm thấy lo sợ. Đúng lúc đó sứ giả hai phe tuyên bố chấm dứt cuộc tỉ thí vì trời sắp tối. Đối thủ hai bên trao quà tặng, đồng ý hưu chiến để mai táng tử sĩ. Sáng hôm sau bên Troian đề nghị Pâris trả hết của cải, nhưng được quyền giữ Helen ở lại với mình. Bên Achaian bất bình bác bỏ tức khắc. Hai bên dành trọn ngày lo việc mai táng người quá cố. Hôm sau Nestor khuyên tăng cường doanh trại. Bên Achaian xây tường phòng thủ, đào hào quanh chiến thuyền. Giai đoạn đầu cuộc thư hùng kết thúc, tử sĩ đợt đầu mồ yên mả đẹp, kế hoạch Chúa tể dự định tương đối không có hiệu quả, phe Achaian thường ở thế thượng phong.
Khúc 8 (565 câu). Chiến thắng binh sĩ Troian mong đợi diễn ra hôm sau. Ngày và chuyện bắt đầu với cảnh trong đó Chúa tể ngỏ ý cấm thần linh tham dự cuộc chiến, đồng thời đe dọa hậu quả nếu không nghe lời. Cuộc chiến tiếp diễn. Sau một ngày hỗn chiến phe Troian và phe Achaian không phân thắng bại, Chúa tể cầm cân vàng đưa ra trước mặt, cán cân chỉ số phận phe Achaian hạ thấp, tiên báo giây phút nguy ngập sắp tới. Phe Achaian yếu thế. Mặc dù đôi lần Diomedes đảo ngược tình thế, song bị Hektor tấn công tới tấp, phe Achaian phải rút vào chiến hào. Không vâng lời Chúa tể, Athena và Hera lập kế giúp đỡ phe Achaian, song Chúa tể cảnh cáo, hai nữ thần đồng ý chẳng nên gây gổ với thánh thượng vì số phận thế nhân. Lần đầu phe Troian đóng quân ngoài cánh đồng (thay vì trở về bảo vệ thành). Hektor tin tưởng ngày mai sẽ thắng quân Achaian. Màn đêm buông, quân Troian đốt lửa canh chừng, đốm lửa bập bùng như sao lấp lánh trên trời, cánh đồng rực sáng.
Khúc 9 (713 câu). Tình hình thay đổi bất lợi. Nao núng khôn xiết Agamemnon triệu tập hội nghị. Theo lời Nestor, ông phái Aias, Odysseus có Phoinix tùy viên cao niên của Achilleus tháp tùng tới gặp tướng quân. Để chuộc lỗi lầm khiến xẩy ra chuyện bất bình, ông đề nghị trả lại Briseis, tặng nhiều phẩm vật, sẵn lòng gả con gái nếu tướng quân đồng ý tham gia chiến trận. Từng người trong phái đoàn thuyết phục, Achilleus đáp lời lần lượt: ba diễn từ dài tiếp theo ba đáp từ ngắn, dựa trên bình diện đạo đức, tình cảm, siêu hình, lời lẽ xoay quanh nhiệm vụ và danh dự. Achilleus phản đối. Aias và Odysseus ra về mang theo lời cự tuyệt, miệt thị. Achilleus cương quyết từ chối mọi giải hòa. Phoinix ở lại vì tướng quân đang nuôi ý định hôm sau dong buồm trở về quê hương.[8]
Khúc 10 (579 câu). Phái bộ thương thuyết trở về. Hay tin thương thảo bất thành, thao thức suốt đêm không ngủ, Agamemnon mời chỉ huy các chiến đoàn tới họp. Tất cả ra tiền đồn quan sát tình hình. Nestor đề nghị phái người sang đất địch thám thính xem chúng đang làm gì. Diomedes tình nguyện và yêu cầu Odysseus cùng đi. Trùng hợp kỳ lạ. Đúng lúc đó Hektor cũng triệu tập hội nghị chỉ huy các lực lượng Troian, yêu cầu có ai tình nguyện ra đi do thám thuyền địch và quan sát chúng định làm gì. Dolon xung phong làm thám báo. Gã là thanh niên quê mùa, mặt mũi xấu xí, con trai duy nhất trong gia đình sáu con. Bị Diomedes và Odysseus tóm cổ, tra khảo, úy tử cầu sinh, gã khai lực lượng Thrace mới tới, chỉ huy là quân vương Rhesos, hạ trại bên sườn quân Troian, ngựa đều trắng, xe đều mới, giáp y đều lát vàng trông rất ngoạn mục. Tưởng mau lời sẽ thoát hiểm nào ngờ vẫn theo lưỡi dao Diomedes về chín suối, gã ra đi trước đồng đội. Âm thầm tiến bước dưới màn đêm tới nơi dự định, Diomedes và Odysseus hạ sát Rhesos và mười hai binh sĩ, cướp ngựa phi về doanh trại.
Khúc 11 (848 câu). Bình minh xuất hiện. Quang cảnh báo hiệu ngày giao chiến gay go, quyết liệt. Không khí âm u dường như thầm nhủ tường sẽ vỡ, thuyền sẽ cháy, Patroklos sẽ hy sinh. Như vậy là Chúa tể thực hiện lời hứa với Thetis, Achilleus đạt điều mong muốn, song hậu quả tai hại khôn lường. Siêu lực bất thình lình xuất hiện. Sấm chớp đùng đùng. Mưa như máu tuôn đổ. Quân Achaian lại tiến, nhưng bị quân Troian ngăn chặn. Thoạt đầu Agamemnon chiến đấu anh dũng, song chẳng mấy chốc bị thương phải về hậu cứ; nhiều chỉ huy cũng bị thương, trong số có Diomedes, Odysseus, Eurypylos, Machaon. Chỉ còn Aias một mình đơn thương độc kiếm thọ địch tứ bề lui dần “như con lừa bướng bỉnh cưỡng lại đám trẻ giơ roi quất túi bụi, dắt đi trên cánh đồng”(11.556-57). Toàn quân vội vã rút về chiến hào cố thủ. Nhưng đúng lúc đó tình hình bỗng dưng thay đổi. Đang rơi vào tuyệt vọng, quân Achaian được cứu nguy. Tách khỏi cuộc chiến, song Achilleus vẫn theo dõi. Tướng quân phái Patroklos sang trại Nestor vừa đánh xe chở Machaon về hỏi xem ai bị thương. Than trời Achilleus lòng dạ trơ trơ, Nestor gợi ý Patroklos tới hỏi nếu không thay đổi thái độ thì ít nhất hạ lệnh quân lính tham chiến và cho Patroklos mượn giáp y, làm vậy sẽ khiến địch nghĩ tướng quân đã trở lại chiến trường. Vừa quay gót ra về thì gặp Eurypylos bị thương nặng cần chăm sóc cấp tốc, Patroklos hiền lành, tử tế đành ở lại lau chùi băng bó vết thương cho đồng đội.
Khúc 12 (471 câu). Tập hợp đội hình thành hàng, quân Troian ồ ạt tấn công. Sarpedon và Glaukos dẫn đoàn Lykian xông tới như thác đổ. Sarpedon chọc thủng tường thành, kéo sập trạm gác. Trong khi đó Hektor vác tảng đá khổng lồ xông tới phá cổng chiếm tường thành. Quân Troian ùa theo xông vào như ong vỡ tổ. Cầm cự một mất một còn, tình thế ngàn cân treo sợi tóc, quân Achaian chạy tán loạn quanh thuyền. Hektor hạ lệnh hỏa công, quân Troian rầm rộ bó rơm thành khối to tròn châm lửa lăn về phía địch; một thuyền bốc cháy; địch nhốn nháo khôn tả.
Khúc 13 (837 câu). Chiến đấu tuyệt vọng diễn ra quanh dẫy thuyền kéo lên bãi cát quân Achaian sử dụng làm chiến lũy phòng ngự thứ nhì. Giả dạng làm người, Poseidon xuất hiện khuyến khích họ cầm cự. Cùng lúc Idomeneus đứng tuổi chỉ huy người đảo Krete và Aias ra sức chặn đứng bước tiến của Hektor. Nhờ vậy quân Achaian thoát hiểm. Trong lúc giao tranh Askalaphos, con thần linh chiến tranh, quân vương thành quốc Orchomenos, thủ lĩnh đoàn Minyan tử trận; thi thể hai bên giành giật. Nhiều chỉ huy quân Troian bị thương hoặc tử thương. Hektor huy động binh sĩ, nhưng phe Achaian cương quyết đương đầu.
Khúc 14 (522 câu). Ra khỏi trại nơi đang săn sóc Machaon, Nestor nhìn tường đổ, quân Achaian chạy như chuột. Gặp Agamemnon, Odysseus, Diomedes bị thương lết về thuyền, Nestor kể cho họ hay tình trạng nguy ngập hiện tại. Thần linh ủng hộ phe Achaian bàn cách phá hỏng kế hoạch Chúa tể dự tính. Poseidon tăng cường nhuệ khí cho Agamemnon và quân Achaian. Được Aphrodite phả sức thành đẹp mê hồn, Hera khiến Chúa tể đang ngồi trên núi Ida quan sát chiến trận ngây ngất. Chúa tể ngả vào tay nàng thiếp ngủ. Poseidon tăng cường cố gắng. Quân Troian bị đẩy khỏi vòng đai, quân Achaian phấn khởi, Aias ném đá, Hektor ngất xỉu.
Khúc 15 (746 câu). Choàng tỉnh thấy quân Troian chạy tán loạn, Hektor nằm sóng sượt trên cánh đồng, Chúa tể nổi giận hét mắng Hera, một mặt sai Iris mang lệnh bắt Poseidon rút lui tức khắc, một mặt yêu cầu Apollo phục sức cho Hektor để chủ súy lại ra trận. Nhờ Apollo trợ giúp, quân Troian bắt đầu phản công, đánh đuổi quân Achaian bật khỏi chiến hào, tường thành chạy xuống dẫy thuyền. Tình hình căng thẳng khi Hektor và Aias xáp chiến sinh tử bên dẫy thuyền. Chủ súy hiện hình rực rỡ. Nhờ quyền lực kỳ diệu của Chúa tể, chủ súy hầu như biến đổi hình dạng, thoăn thoắt tiến lui dưới bóng mờ định mệnh khe khắt. Được Chúa tể giúp đỡ chủ súy xông tới, quân Achaian cố gắng cầm cự, song bị đập tan; chủ súy chiếm một thuyền, gọi quân mang lửa. Chỉ còn Aias một mình chống cự.
Khúc 16 (867 câu). Đứng trong trại vừa tìm lời an ủi Eurypylos vừa nhìn cảnh rùng rợn, Patroklos vội vàng chạy tới kêu gọi Achilleus cho mượn giáp y và cho phép dẫn quân Myrmidon vào trận. Tướng quân đồng ý, song căn dặn sau khi đuổi quân Troian khỏi dẫy thuyền bạn phải quay về, đừng tiến tới thành Troa. Quân Troian sấn tới, Aias bị đẩy lui, một thuyền bị đốt. Nhìn lửa bốc Achilleus giục Patroklos xung trận. Quân Myrmidon tập họp, dàn hàng. Patroklos và quân Myrmidon thi nhau dập lửa, đánh đuổi quân Troian chạy tứ tán trở lại cánh đồng. Sarpedon, thủ lĩnh đoàn Lykia, con Chúa tể, một mình trực diện với Patroklos bị Patroklos đâm chết. Quên lời Achilleus căn dặn, nghe lời thần linh đi vào cõi chết, Patroklos xua quân tiến tới thành Troa. Sau mấy đợt tấn công đe dọa chiếm thành, Patroklos bất đồ gặp Apollo. Thần linh tước vũ khí bắt quay trở lại. Euphorbos, con Panthoos, trưởng thượng thành Troa, đâm trọng thương, Hektor lao thương trúng ngực, cú đánh chí tử, Patroklos giẫy giụa, tắt thở. Chiến đấu tuyệt vọng quân Achaian rút lui mang xác Patroklos không giáp y về doanh trại.
Khúc 17 (761 câu). Patroklos chết. Hai bên đánh nhau chí tử, bên nhằm cướp thi hài, bên cố giữ gịt. Đụng độ đầu tiên nẩy lửa là đụng độ giữa Menelaos và Euphorbos, kẻ chạy bên xác chết, kẻ cắm đầu đuổi theo. Người xem mong Euphorbos chết, gã phần nào chịu trách nhiệm về cái chết tức tưởi, bi thảm của Patroklos, nhân vật dễ thương trong Iliad và người đọc cũng muốn gã chết. Nhưng Homer không! Nói tới cái chết của binh sĩ Troian vô danh tiểu tốt, bằng cảm tình sâu sắc, niềm trắc ẩn bao la, thi sĩ biểu lộ thái độ đối với chiến tranh và đau khổ chiến tranh gây ra cho con người. Ông không quên tuổi trẻ, khuôn mặt tuấn tú của Euphorbos. Đây là ngày đầu gã ra trận, dấn thân vào chém giết (16. 811). Ông nêu lý do đầy cảm tình vì sao gã tấn công Menelaos (y giết anh gã, biến vợ mới cưới của anh gã thành góa phụ, mang đau khổ khôn nguôi cho cha mẹ gã) và ông biểu lộ lòng thương xót đối với cái chết của gã qua so sánh uẩn khúc, thảm thương. Cảm tình của ông xuất hiện không phải với cái chết và thành công dễ dàng của Menelaos, mà với cái chết của thanh niên nghèo hèn, quê mùa, chất phác Euphorbos. Cảm tình ấy dành đồng đều cho mọi người, người Achaian, người Troian, hay bất kỳ người nào ở bất kỳ nơi nào, ở cấp lớn hay cấp nhỏ. Menelaos bị đẩy lui không cướp được xác chết. Quân Troian lột giáp y khỏi thi thể Patroklos, giáp y của Achilleus bây giờ Hektor choàng trên mình, Chúa tể nhìn mà thương hại vì hung vận chủ súy sắp gặp. Đụng độ đẫm máu kéo dài vì thi thể Patroklos, hai bên đều ý thức tầm mức quan trọng nếu cướp hoặc giữ được. Cuối cùng quân Achaian nhấc bổng xác chết mang về thuyền, quân Troian hùng hục đuổi theo cướp lại. Trong khi đụng độ diễn ra ác liệt, Menelaos sai Antilochos, con Nestor, bạn thân của Achilleus, chiến binh xuất sắc về phi báo cho tướng quân hay Patroklos đã hy sinh tính mạng ngoài chiến trường.
Khúc 18 (617 câu). Nghe tin Patroklos tử trận, Achilleus buồn khủng khiếp. Từ biển cả ngoi lên Thetis tới an ủi. Tướng quân tâm sự: tướng quân chỉ nghĩ tới trả thù cho bạn, song mẹ bảo làm vậy cũng có nghĩa là tướng quân dẫn mình tới chỗ chết. Tướng quân nghĩ mình là “gánh nặng vô ích trên đất lành” (18.104) và giận mình vô cùng vì phẫn nộ đã khiến Patroklos cùng nhiều đồng đội thiệt mạng. Thetis nhắc khéo tướng quân không thể chiến đấu nếu không có giáp y. Mẹ hứa sẽ nhờ Hephaistos làm sáng mai mang lại. Quân Troian ùa tới cướp xác Patroklos. Do Hera sai đến động viên tinh thần, Iris khuyên tướng quân ra chiến hào ngoài doanh trại quan sát. Athena hóa phép lửa cháy ngùn ngụt trên đầu. Tới nơi ba lần hô chiến đấu, tiếng hô rền vang, tướng quân khiến quân Troian khiếp đảm lui dần. Thi thể Patroklos an toàn, đồng đội mang về doanh trại. He- ra ban lệnh, mặt trời lụn dần, chấm dứt ngày dài đẫm máu. Bên Troian họp bàn. Poulydamas, con Panthoos, chỉ huy, tham mưu, đề nghị mọi người rút vào trong thành, đừng đóng quân ngoài cánh đồng ban đêm, vì biết Achilleus thế nào cũng xuất trận, như vậy sẽ bất lợi vô cùng. Lúc này phấn khởi lạ lùng, không nghe lời đề nghị, chủ súy giữ quân tại chỗ. Quyết định trái nghịch sau này chủ súy hối hận. Sau khi tắm rửa, thoa dầu thi hài Patroklos, phía Achaian làm lễ truy điệu, rồi hỏa táng. Thực hiện lời hứa, Thetis tới nhà Hephaistos trên núi Olympos yêu cầu làm giáp y cho con. Miêu tả giáp y, đặc biệt tấm khiên. Trên mặt là họa hình thế giới rộng lớn, thế giới nhỏ bé biểu thị hoạt động của con người trong chiến tranh và hòa bình, và thế giới trung bình bên kia trận địa thành Troa thể hiện đậm nét bằng đối chiếu và hoa hình với tiểu tiết ngắn gọn, bi thương miêu tả cuộc đời chiến binh trước chiến tranh.
Khúc 19 (424 câu). Sáng hôm sau Thetis mang giáp y mới làm tới trại. Achilleus triệu tập buổi họp, xác định chấm dứt phẫn nộ. Nói năng dài dòng ngỏ lời xin lỗi, Agamemnon tuyên bố ông đã bị đắm đuối ám ảnh, rất mong tướng quân vui lòng nhận quà tặng. Đáp lời tướng quân nói lúc này không có thì giờ nghĩ tới quà tặng hay lễ nghi, mà chỉ muốn ra trận tức thì. Nhưng Odysseus đề nghị dẫu vậy chỉ huy cũng như quân lính hãy ăn, hãy nghỉ ngơi, rồi chiến đấu, và hãy thực hiện lễ nghi tiếp nhận quà tặng và giảng hòa giữa hai người. Trở về trại Achilleus nhận quà tặng đền bù. Briseis bật khóc sướt mướt trước thi hài Patroklos. Achilleus cũng ngỏ lời thương tiếc, đồng thời tưởng nhớ cha già, con dại. Tướng quân không chịu ăn, Thetis phải tiếp sức. Theo lời Athena mách bảo bà lấy rượu tiên và thức ăn của thần linh phả vào bao tử. Khoác vũ khí lên đường, xích thố bất tử Xanthos kéo xe xung trận, tướng quân linh cảm sẽ không trở về mà “theo định mệnh thế nào tướng quân cũng gục chết ngoài chiến trường dưới tay một thế nhân và một thần linh” (19.417).
Khúc 20 (504 câu). Chúa tể triệu tập hội đồng, cho phép thần linh tham dự cuộc chiến giữa thế nhân nếu muốn. Thần linh xuống trần gian. Hera, Athena, Poseidon, Hermes, Hephaistos tới với phe Achaian. Apollo, Ares, Artemis, Leto, Xanthos (dòng sông), Aphrodite đến với phe Troian. Trong khi đó Achilleus cứ tiến, quân Troian cứ lui. Apollo khuyến khích Ai -neias, con Anchises và Aphrodite, đang có vẻ lưỡng lự, đương đầu với Achilleus. Đúng lúc sắp bị đâm mất mạng, thủ lĩnh đoàn quân người Dardanian được Poseidon chộp mang đi, vì định mệnh đã quyết định con cháu Aineias sẽ là thủ lĩnh thành Troa sau này. Nạn nhân duy nhất lúc Achilleus tấn công là Polydoros, con út Priam cưng chiều. Muốn trả thù cho em, Hektor tấn công Achilleus tới tấp, song lúc nguy khốn giữa màn sương mù dầy đặc Apollo ra tay cứu giúp mang đi. Achilleus tiếp tục sấn tới, hạ sát quân Troian không nương tay.
Khúc 21 (611 câu). Achilleus đánh đuổi, quân Troian tháo chạy, song gặp khó khăn, vì sông Xanthos và sông Skamandros không những xoáy dữ lại còn chảy xiết. Mặc hai sông gào thét phản đối, Achilleus liên tục chém giết, xác chết nổi lềnh bềnh, bắt sống mười hai tù binh sẽ hạ sát trong đám tang Patroklos. Giết chết Lykaon (con quân vương Priam và công nương Laothoe) và Asteropaisos (thủ lĩnh người Paionian), nên sông dâng cao đe dọa, tướng quân có nguy cơ chết chìm. Theo lệnh Hera, Hephaistos dùng lửa khử nước. Thần linh bây giờ trực diện tranh luận, Poseidon với Apollo, Hermes với Leto, tất cả tức thì giảng hòa. Trái lại, Athena nhất định không chịu. Vác tảng đá to tướng, nữ thần ném trúng Ares, sau đó quật ngã Aphrodite lúc nữ thần cầm tay dắt nam thần đi; Hera giật cung Armetis đang cầm, dùng cung đánh túi bụi khiến nữ thần phải chạy tới ngồi trên đùi thân phụ. Cảnh thật vui nhộn. “Chúa tể nghe thấy trong khi an tọa trên núi Olympos. Chứng kiến thần linh cãi lộn, đánh nhau Chúa tể mỉm cười, lòng vui như mở hội” (21.389-90). Achilleus tiếp tục tiến tới, tiếng cười rền vang, quân Troian tháo chạy. Apollo đẩy lão quân Antenor, quân sư quan trọng của Priam, nhiều con tham gia cuộc chiến, ra đương đầu, nhưng Achilleus bị đánh lừa mà không hay. Apollo cứu Antenor khỏi tay Achilleus, sau đó đổi dạng thành Antenor co giò chạy. Achilleus đuổi theo vô ích; số quân Troian còn lại lẳng lặng kéo vào thành.
Khúc 22 (515 câu). Sau khi kéo Achilleus đi khá xa, Apollo hiện hình. Quay lại thành Troa, Achilleus thấy chỉ có Hektor bên ngoài tường thành, trước cổng Skaian, lúng túng, ngượng ngùng không vào, vì kế hoạch thất bại, mặc dù bố mẹ hết lời kêu gọi. Achilleus tiến tới. Hết can đảm, hoảng sợ, chủ súy bỏ chạy ba vòng quanh tường thành, bị đuổi sát nút, song không bị tóm cổ; Apollo giúp lần chót, bồi sức cho chạy nhanh như kẻ thù, Achilleus “bước chân thoăn thoắt,” phẩm từ đi sát tên tướng quân. Cuối cùng Athena ra tay can thiệp. Giả dạng là Deiphobos, em Hektor, nữ thần xin chủ súy dừng lại và hứa trợ giúp. Hai anh hùng lao thương, song không kết quả. Athena nhặt thương của Achilleus đưa lại cho tướng quân. Hektor nhận ra mình độc mã vô thương, đồng thời cũng nhận ra người tưởng là Deiphobos thực ra không phải mà chỉ là quỷ kế Athena dàn dựng. Gắng sức tuyệt vọng lao tới chém, chủ súy bị Achilleus chặn đứng. Achilleus lao thương, mũi thương đâm qua cuống họng. Biết mình chết, chủ súy thều thào xin kẻ thù cho thân nhân mang thi thể về mai táng, lời yêu cầu bị chê bai, bác bỏ dứt khoát. Achilleus cột chân Hektor vào đuôi xe kéo xềnh xệch về doanh trại, xác chết nhấp nhô, lệch kệch đuổi theo bánh xe, bụi đường bốc cao, tóc như suối nước tuôn chảy xung quanh, đầu chẳng mấy chốc biến dạng, người đứng trên tường thành nom rõ mồn một, tiếng cha mẹ than khóc tới tai Andromakhe. Đang ở nhà lo việc, nhất là đang bảo nữ tì đun nước nóng cho phu quân tắm rửa sau khi rời chiến trường, “người phụ nữ đáng thương chưa biết bên ngoài, xa nơi tắm rửa, Athena mắt xanh lam lục đã dùng tay Achilleus hạ sát lang quân” (22.445-46). Nàng cắm cổ chạy ra tường thành. Nhưng vừa thấy Hektor chỉ là cái xác không hồn ngựa kéo theo sau, nàng ngất xỉu. Tiếng khóc nghẹn ngào kết thúc đoạn chuyện. Đổi thay tàn ác chờ đợi Astyanax nay mồ côi cha.
Khúc 23 (897 câu). Tiếng than thương tiếc Patroklos theo liền tiếng khóc tưởng nhớ Hektor, cung cách đối xử hai thi thể tương phản rõ rệt. Hektor nằm sấp, mặt úp xuống đất bên quan tài Patroklos. Hektor sẽ bị chó ăn thịt. Patroklos sẽ phiêu du miền cực lạc. Ban đêm hồn ma Patroklos xuất hiện đến bên Achilleus xin bạn mau mau lo việc mai táng để có thể xuống âm phủ. Hôm sau quân đoàn tổ chức lễ mai táng hết sức chu đáo và trọng thể; mười hai tù binh bị hạ sát trên giàn hỏa cùng mấy con ngựa và mấy con chó. Sau đó tổ chức tranh tài thể thao, gồm đua xe, chạy bộ, bắn cung, đấu võ, đô vật. Achilleus chủ tọa, phát thưởng cho người trúng giải, tướng quân tỏ ra đặc biệt lịch sự, tao nhã với Agamemnon và Nestor.
Khúc 24 (804 câu). Thi thể Hektor vẫn nằm trên mặt đất dưới bầu trời, không được chôn cất, hàng ngày lại bị kéo quanh mồ Patroklos, thời gian dài mười một ngày. Thấy thế bèn nổi giận và thương hại người quá cố bất hạnh, sau khi họp bàn, thần linh quyết định can thiệp. Apollo hóa phép cứu thi hài khỏi trương nát, rữa thối; Thetis được cử đi nói cho Achilleus hay thần linh bất mãn, yêu cầu tướng quân cho thi hài chuộc lại; Iris được phái tới nói cho Priam hay mang tiền của ban đêm tới doanh trại quân Achaian thương thảo. Mặc dù phu nhân phản đối, lão nhân vẫn ra đi, Hermes giả dạng lính trẻ người Myrmidon dẫn đường. Tới nơi mặt đối mặt kẻ thù, không nói một lời, lão nhân đưa tay nắm đầu gối, cúi mặt hôn “tay kẻ đã giết con mình” (24. 479). Tuy nhiên, lão nhân thấy nếu không bị coi thường, nếu không bị chống đối khiến bực mình, nổi đóa, Achilleus tỏ ra điềm đạm, dễ thương, vẻ mặt tràn trề nét hiền từ tự nhiên. Tướng quân vừa ân cần tiếp quân vương lụ khụ vừa tưởng nhớ bố già, Peleus; tướng quân tự tay nâng thi hài Hektor để lên giá gỗ, lấy vải phủ kín, tuyên bố sẽ tiếp đãi ân cần, bày bàn ăn uống, dọn giường nghỉ ngơi và đồng ý ra lệnh binh sĩ ngừng mọi hành động thù nghịch suốt thời gian lão nhân lo việc mai táng con trai. Quân vương là khách quý của tướng quân mấy tiếng đồng hồ, trước rạng đông ra về, không gặp khó khăn hay bị quấy rầy. Hermes đánh thức lão nhân, hộ tống ra khỏi doanh trại. Mặt trời chưa ló lão nhân đã mang thi hài con về tới cổng thành Troa. Toàn dân bu quanh khóc than. Trong số có ba phụ nữ nghẹn ngào hơn cả: Andromakhe, Hekabe, Helen. Chín ngày sửa soạn đám tang, trùng hợp với thời gian tổ chức đám tang Patroklos. Tiếng than, tiếng khóc, tiếng nức nở, tiếng nghẹn ngào đầy thương tiếc nỉ non quanh thi hài Hektor. Gia đình và dân chúng tiễn đưa anh hùng dân tộc đến nơi an nghỉ ngàn thu.
Hy vọng tóm lược ghi trên giúp bạn đọc nắm vững nội dung thi tập trước khi đi vào chi tiết. Bây giờ mời bạn đọc vui lòng nhích thêm bước nữa xem liên hệ giữa thi phẩm và chuyện thành Troa diễn ra như thế nào. Trước hết xin thưa, nếu đặt chuyện thi phẩm vào chuyện thành Troa như đã kể sơ qua, ta thấy có nhiều khác biệt quan trọng. Iliad không phải chuyện thành Troa. Cuộc chiến bắt đầu, chấm dứt cũng không kể trong Iliad. Thi tập không kể chuyện cuộc chiến kéo dài 10 năm, mà chỉ kể biến sự diễn ra 55 ngày trong thời gian đó; thi tập không đưa ta tới cuộc chiếm đoạt, cuộc phá hủy thành Troa mà chỉ dẫn ta tới đám tang Hektor. Trái lại, ta bắt đầu với cuộc bao vây năm thứ mười (2.134), chấm dứt cùng năm mấy tuần sau trong khi thành Troa vẫn chưa bị chiếm. Hơn thế, tình tiết Iliad đơn giản hơn thời gian chuyện bắt nguồn từ cuộc bao vây. Nội dung là chuyện của Achilleus; nội dung là bi kịch của tướng quân, bắt đầu, phát triển, kết thúc qua cuộc cãi lộn với Agamemnon, rút khỏi chiến trường, quân Achaian khốn đốn khi tướng quân vắng mặt, cái chết của Patroklos tìm cách cứu nguy quân Achaian khỏi tình thế tướng quân đẩy họ vào, trả thù tướng quân thực hiện với Hektor đã giết chết Patroklos. Nội dung không phải đoạn sử, nội dung là bi kịch có mở đầu, phát triển và kết thúc; nội dung là chuyện người hùng bản tính cao cả, song xử sự sai lầm (ngay cả sai lầm cũng cao cả) tự khoác tai họa vào mình, vì cái chết của Patro-klos là việc làm tự ý về phía tướng quân, giận dữ của tướng quân thoạt đầu cự lại Agamemnon sau đó chống lại Hektor cuối cùng giải quyết bằng cách vừa tha thứ vừa căm giận khi trao xác Hektor cho người Troian. Tình tiết này không kể thành Troa sụp đổ, tình tiết này kết thúc chuyện. Trong thực tế cũng như trong Iliad Achilleus không chiếm thành Troa. Tướng quân chết trước khi thành bị chiếm, song cái chết của tướng quân, mặc dù biết trước, không kể trong Iliad (18.95-100, 22.356-66). Cuộc chiến đấu trong lúc tướng quân vắng mặt không phải cuộc chiến đấu thông thường như ta hiểu diễn ra liên tục trong suốt mười năm bao vây mà là cuộc phản công quyết liệt binh sĩ Troian thực hiện trong khi tướng quân không hiện diện trên chiến trường. Homer nêu rõ trong Iliad (9.352-59). Thuyết trình trước hàng quân Poulydamas cũng cho thấy điều tương tự (18.254-65). Như vậy Iliad là chuyện của Achilleus, song không thể tách rời chuyện thành Troa, chuyện người Achaian hay chuyện người Troian. Nhiều phần trong Iliad không nói tới tướng quân. Đấy là chưa kể hành động của tướng quân mang hậu quả vượt xa mục đích tướng quân theo đuổi. Trả thù Patroklos tướng quân cứu sống quân Achaian. Giết chết Hektor tướng quân khai tử thành Troa. Iliad là tác phẩm nghệ thuật xoay quanh phạm vi cuốn sử, song thi phẩm không phải cuốn sử ghi sự kiện theo năm tháng đã qua.
Homer sinh và mất năm nào? Ông viết hai thi phẩm bao giờ? Câu hỏi đặt ra từ lâu, câu trả lời cũng đáp lại từ lâu, song lời đáp hoàn toàn chỉ là áng chừng, phỏng đoán, thậm chí giả định. Tuy nhiên, nếu để ý tương quan niên đại giữa thi sĩ và chất liệu ông sử dụng, nghĩa là cuộc chiến thành Troa, ta có thể tương đối nhìn ra phần nào sự thật. Sử gia Hy-lạp trong quá khứ không rành mạch khi ghi niên đại. Dẫu vậy truyền thuyết họ để lại giúp ta không ít theo đuổi mục đích. Họ đưa ra một số niên đại ghi việc thành Troa thất thủ, thời gian từ năm 1334 đến năm 1150 ttl. Nhà toán học kiêm thiên văn Eratosthenes (276-195 ttl.) ở Alexandria bảo thành đó thất thủ năm 1184 ttl. Sử gia Hy-lạp Herodotus (484-425 ttl.) ghi trong sách của ông thành đó mất khoảng năm 1250 ttl. Tất cả niên đại vừa kể đều là đoán chừng căn cứ vào chất liệu biểu thị niên đại. Người sau không biết niên đại nào đúng, niên đại nào sai. Người sau cũng không rõ có thực có chuyện chiến tranh thành Troa không hay chỉ là huyền thoại lưu truyền, dù xa xôi theo thời gian trở thành lịch sử. Tuy thế ta có thể nhìn thấy theo chỗ truyền thuyết khẳng định. Để ý niên đại Homer nói trong thi tập ta sẽ thấy có thay đổi ghê gớm. Có người nghĩ ông sống đồng thời với biến sự ông ghi chép. Có người bảo ông hoạt động sáu mươi năm hoặc một trăm năm sau đó. Sử gia Herodotus đặt ông “quá lắm trước thời bản nhân bốn trăm năm,” nghĩa là khoảng năm 850 ttl.
Niên đại “cha đẻ lịch sử” đưa ra có vẻ gần sự thật nên nhiều người về sau chấp nhận. Tuy thế, niên đại đó cũng dường như xa sự thật nên nhiều người bác bỏ. Lý luận hai bên viện dẫn đều hoàn toàn không thể thuyết phục người nghe. Bởi thế càng hỏi cặn kẽ càng đáp vòng vo. Tình trạng chẳng khác sự thể người mù kể chuyện sờ voi. Homer không sống cùng thời hoặc rất gần biến sự ông kể trong thi tập. Ông nói khá rõ chuyện ông kể xẩy ra từ lâu, người lúc đó khác người thời ông, người lúc đó có thể nhấc tảng đá dễ dàng, người bây giờ không tài nào nhấc nổi (12.445-49). Ông kêu gọi nữ thần thi ca mang lại cho đời những gì chỉ là tin đồn theo thời gian trở thành mập mờ, lầm lẫn (2.484-93). Hơn thế, giữa thời gian chuyện ông kể và thời gian ông sống, dù lộn xộn thế nào, sự thật lịch sử vẫn tồn tại, huyền thoại Hy-lạp ghi hai biến cố quan trọng: cuộc xâm lăng của người Dorian (thế kỷ XII ttl.) và cuộc thiết lập thuộc địa của người Ionian (thế kỷ VIII ttl.). Cuộc chiến thành Troa xẩy ra trước hai biến cố; Homer chào đời sau hai biến cố.
Theo truyền thuyết tình trạng lộn xộn và cuộc di cư khổng lồ diễn ra sau cuộc chiến thành Troa. Sắc tộc mới kéo vào Hy-lạp, lấn át, xua đuổi sắc tộc cũ. Sắc tộc xâm lấn gọi là Thessalian chiếm Thessaly xua đuổi người Boiotian; sắc tộc này chiếm đất của người Kadmeian, sau đó gọi là Boiotia. Cùng người Herakeidai (con cái Herakles), người Dorian từ miền bắc kéo xuống chiếm Sparta, Messenia, Argos và nhiều nơi trên bán đảo Peloponnesos. Người sau không rõ phong trào vừa kể đột phát hay tiệm phát, song người sau biết có chứng cớ cho thấy người mới tới sống ôn hòa, không gây gổ với thổ dân. Sự thật là họ định cư êm thắm trên đất mới. Kết quả lại đưa tới chuyện di cư, di dân hàng loạt, mà ý nghĩa hơn hết là việc người Hellen chiếm cứ bờ biển Tiểu Á và hải đảo lân cận. Quan trọng hơn hết trong nhóm là người Ionian và người Aiolian. Từ Thessaly, Boiotia và bán đảo Peloponnesos họ kéo tới; vùng đó là nơi đã diễn ra các cuộc xâm lấn, chiếm cứ đất đai.
Ta không biết Homer chào đời ở đâu, ta không rõ ông ra đời bao giờ, ta cũng không hiểu ông là người Ionian hay người Aiolian, song ta biết bảy hải đảo, nhất là Chios và Smyrna, nhận ông là người của họ. Tuy nhiên, do ngôn ngữ ông sử dụng trong thi tập cũng là ngôn ngữ dân vùng này sử dụng, ta biết ông chào đời trên hoặc gần bờ biển Tiểu Á. Như vậy ông đến sau cuộc di dân của người Ionian; cuộc di dân của người Ionian diễn ra sau cuộc xâm lấn của người Dorian; và cuộc xâm lấn của người Dorian xẩy ra sau cuộc chiến thành Troa. Niên đại không dứt khoát, song chuỗi biến cố phần nào khẳng định sự thật.
Nơi sinh của thi sĩ trở thành người nuôi dưỡng tâm hồn dân tộc Hy-lạp, ông sống ra sao, ông qua đời ở đâu xem ra chỉ là truyền thuyết, huyền thoại không hơn không kém. Người sau nghe tới tám tiểu sử khác nhau, trong số quan trọng và chi tiết hơn cả người sau bảo do Herodotus kể.[9] Hơn thế, người sau còn kể bảy thành phố tự hào là nơi tác giả Iliad và Odyssêy chào đời: Smyrna, Chios, Colophon, Salamis, Rhodes, Argos và Athens. Theo chuyện nói là do Herodotus ghi: Homer chào đời ở Smyrna. Thân mẫu tên là Kretheis. Xuất thân từ gia đình nghèo khổ, bà phải rời bỏ Cyme lê gót xuống đây làm ăn. Thân phụ gốc gác vùng nào không rõ. Một hôm trong lúc dự lễ hội vùng tổ chức bỗng dưng trở dạ, bụng đau quằn quại, bà hạ sinh ngay trên bờ sông Meles con trai đặt tên là Melesigene, nghĩa là con của Meles. Mẹ con Melesigene tứ cố vô thân được thày giáo Phemios ở Smyrna đem về nhà trông nom, giúp đỡ. Nhận hài nhi là con nuôi thày ra sức dạy dỗ, cuối cùng lấy mẹ hài nhi làm vợ. Càng lớn càng kỳ diệu, Melesigene sớm biểu lộ dấu hiệu thiên tài. Qua đời thày Phemios để lại ngôi trường cho dưỡng tử trông nom. Sau khi thân mẫu qua đời, Melesigene trở thành thày giáo nổi tiếng quanh vùng ai cũng mến phục. Do buôn bán nên năng lui tới Ionia, hàng hàng lớp lớp thương nhân thường dừng chân ở Smyrna và năng lui tới ngôi trường nghe thày Melesigene giảng dạy. Trong số khách lạ có lái buôn vùng Leucade tên Mentes, do mến mộ tài năng, đề nghị mời thày lên tầu viễn du thăm thú xứ lạ quê người. Thầm hiểu thịnh tình, đột ngột song chân thành, thày đồng ý. Rời bờ sông Meles, nơi thi sĩ nhạc sĩ Orpheus nhô đầu khỏi cõi âm, người ta kể, thất bại sau chuyến viễn du tìm người yêu dưới âm phủ, song thấy nấm mồ trên đó họa mi ríu rít líu lo, cảnh trí ngoạn mục, gợi cảm hơn hẳn bất kể nơi nào trên trần thế, cũng như Odysseus, thày rẽ sóng ra đi lênh đênh trên biển cả. Theo Mentes thày lần lượt tới Ai-cập, Libya, Tây-ban-nha, Ý. Trước khi trở về Smyrna, thày dừng chân ở Ithaka. Vừa đến nơi thày bị đau mắt cấp tính, bệnh tình càng lúc càng trầm trọng. Phải trở về Leuca-de gấp, Mentes bèn nhờ bạn quý tên Mentor trông nom bạn đồng hành. Trong lúc dừng chân trên hải đảo núi non hiểm trở, thày nghe kể chuyện Odysseus cùng chuyện phiêu lưu mạo hiểm của chàng. Vừa quay lại Ithaka, Mentes lại cùng thày vượt biển tới bến bờ xa lạ. Hai người men theo bờ biển Peloponnesos, rồi dong buồm trực chỉ Tiểu Á. Tới Colophon, thày cảm thấy mắt càng lúc càng đau, đau dữ dội, tình trạng đui mù hầu như tất yếu. Bị khiếm thị hoàn toàn, thày quyết định trở về Smyrna. Nhưng đến nơi, cô đơn vì cảm thấy đồng bào quên lãng, coi rẻ, lòng dạ day dứt vì cảm nghĩ khó chịu, vì chứng bệnh bất hạnh, chẳng chút ngần ngừ, thày nhất định rời bỏ thành phố vong ân bội nghĩa, quyết tâm sống cuộc đời lang bạt, kiếm miếng cơm manh áo bằng cách ngâm nga số thơ thày sáng tác. Lang thang từ thành phố này tới thành phố nọ, ca hát, ngâm thơ giữa nơi công cộng, ngay trong sảnh đường, một hôm tới Neontichos, thành phố trong vùng Eolian, thày quyết định tạm dừng chân. Vài ngày sau thày lại quẩy gánh giang hồ. Khi thày đi rồi người ta thấy đúng chỗ thày thường ngồi xuất hiện cây bạch dương đen đậm. Từ Neontichos thày trở về Cyrme, quê hương thân mẫu. Tiếng thơm vang dội, song cảnh ngộ bần cùng vẫn chưa buông tha. Hồi tưởng thân mẫu, dường như muốn che đậy cảnh nghèo khổ từng vây bủa bà, thày yêu cầu thành phố trả thù lao mỗi lần biểu diễn. Nhưng kỳ hào cho thày hay họ không muốn chứa chấp và không thể nuôi dưỡng người đã mù lại còn đòi trợ giúp. Bực mình và ngán ngẩm thế thái nhân tình, nguyền rủa dân Cyrme, giã từ thành phố bất nhân, thày lần đường đi Phoce. Tới nơi thày được người mang tên Thestorides tiếp đón. Cũng là nhà giáo, song mang lòng tị hiềm, và cũng là thi sĩ, nhưng định tâm đố kỵ, chủ nhà đốn mạt nẫng nhẹ số thơ thi sĩ khiếm thị sáng tác lẻn qua Chios ngâm đọc, tuyên bố ầm ĩ là thơ của mình! Phẫn nộ vô cùng bèn kêu gọi thi thần, thày ngỏ ý sang đảo Chios đòi lại số thơ, đồng thời giáp mặt thi tặc vô liêm sỉ. Từ Phoce, ngư phủ đưa thày tới Bolissos, sau đó chia tay bỏ mặc số phận đẩy đưa. Người chăn dê tên Glaucos, do tình cờ nghe tiếng người mù trước mặt từng ngâm thơ ca hát, lại gần cầm tay dẫn về nhà gặp chủ nhân. Được tiếp đón ân cần và lịch sự, chẳng bao lâu thày trở thành gia sư giáo huấn mấy con ân nhân từ tâm. Từ Bolissos thày dong buồm qua Chios. Tới nơi thày quyết định sáng lập ngôi trường đào luyện rhapsoidos, thi sĩ ca công, về sau mang tên thày, người đương thời gọi là Homeicos. Thời gian thoải mái, thảnh thơi tạo cơ hội thày sáng tác trường ca Iliad và Odyssêy. Mặc dù tuổi đã cao, song cảm nghĩ ham thích đi đó đi đây vẫn không rời buông tâm hồn lúc nào cũng như mây mùa thu dập dềnh, bảng lảng. Xuống tầu ở Samos thày mơ qua Hy-lạp thăm Athens. Nhưng thày không thể thực hiện ước mơ. Tới quần đảo Cyclades bỗng dưng ngả bệnh mấy ngày sau thày nhắm mắt vĩnh biệt thế gian. Thày âm thầm ra đi trên đảo Ios, hải đảo bé nhỏ trong vùng biển Aegean. Người đồng hành dựng mộ. Trên mộ chí ghi vắn tắt: “Bãi biển nơi này lấp phủ mái đầu tuyệt vời người mang tên Homer.” Đó là tóm tắt sơ lược cuộc đời huyền thoại của thi hào đầu tiên trong cộng đồng nhân loại. Người sau bảo Herodotus ghi, song văn học và lịch sử bảo không phải. Cuộc đời đó thực ra được ‘dựng lại’ vào thế kỷ II stl. Hơn thế, truyền thuyết căn cứ vào đó kể lại cuộc đời cho thấy sự kiện có thể diễn ra năm, sáu trăm năm trước nữa. Tuy nhiên, thiển nghĩ tóm tắt vừa ghi nếu không khiến độc giả hiểu quá trình hình thành hai thi tập, thì ít ra cũng đưa độc giả vào thế giới tuyệt vời của thi sĩ ca công, giúp độc giả dựng lại thiếu thời xa xôi của trường ca, sau này người Pháp gọi là épopée, người Anh gọi là epic, người Đức gọi là Heldengedicht hay Epos, người Tây-ban-nha gọi là épico, ta thường dịch là anh hùng ca, đồng thời cho độc giả ý niệm người xưa, thời trước hình dung Homer như thế nào qua nét vẻ, dáng dấp thi sĩ lang thang, ca công hát dạo, lão nhân khiếm thị tóc như tuyết phủ kín mái đầu.
Mang danh trường ca, chuyện Iliad xuất hiện trước thời Dorian, nghĩa là khoảng thế kỷ XII ttl. khi người Dorian xâm chiếm bán đảo Peloponnesos, triệt hạ văn minh Mycenaean. Bản thân là người Hy-lạp ở châu Á, Homer viết về thời đại không có người Hy-lạp trên phần đất này. Sắc tộc ông gọi là Ionian và Aiolian trong chuyện Iliad đứng về phía thành Troa chiến đấu. Thành phố Miletos trên đảo Krete, mạn nam Tiểu Á, kinh đô của người Karian, thuộc về “người Karian tiếng nói xa lạ” (2.867). Ông không gọi người Hy-lạp là Graikoi, người Hy-lạp như ta gọi, và ông cũng không gọi họ là Hellen như họ gọi chính họ. Ông gọi họ là Achaian, Argive, Danaan. Theo ông người Argive không nhất thiết xuất thân từ Argos, người Achaian cũng không nhất thiết phát xuất từ Achaia. Cũng như người Danaan, họ đều là Graikoi. Ông không dùng chữ “Dorian,” chữ này xuất hiện một lần trong Odyssêy (19.177) và ông tránh dùng chữ “Thessalian.” Chữ Hellene liên hệ mật thiết với chữ Dorian. Ông biết nghịch với chữ này là chữ Pelasgian và chữ Karian, song thường tránh sử dụng. Ông hiểu người Dorian và người khác kéo tới đuổi dân tộc ông qua biển sang châu Á. Nhưng ông bỏ qua, vì ông trở lại biết bao thế hệ trước kia, khi tổ tiên khán giả của ông, có lẽ cả tổ tiên ông nữa, là chủ nhân Hy-lạp, qua châu Á không phải với tư cách người chạy trốn để lập thuộc địa mà như kẻ cướp để cướp phá mưu sinh. Qua lầm lẫn về niên đại thỉnh thoảng ông tự dối mình, song ông đang cố gắng dựng lại quá khứ xa xôi.
Đến nay vẫn chưa ai biết rõ ngày tháng về ông. Những gì người sau biết về ông chỉ là tương đối, và biết tương đối như thế lại cũng chỉ hoàn toàn dựa vào cuộc chiến thành Troa trong khi thời gian cuộc chiến đó bắt đầu, kéo dài, chấm dứt như thế nào người sau không thể xác định. Sự thể đúng như nhà nghiên cứu văn học thâm hậu người Đức W. Schmid từng nghĩ. Trong cuốn Geschichte der griechischen Literatur (Lịch sử Văn học Hy-lạp) xuất bản ở Munich năm 1929, trang 83, ông viết: “Vì người xưa còn lúng túng như vậy nên chúng ta ngày nay chẳng thể nào biết Homer sống chết lúc nào.” Bởi thế học giới Tây Âu, khi nghiên cứu, chẳng đặng đừng đã nhắm mắt chấp nhận năm 850 ttl. theo sử phụ Herodotus như mấu thời gian liên hệ tới cuộc đời và quá trình sáng tác của tác giả Iliad.
Đối với độc giả khắp nơi trên thế giới trong số có cả độc giả người Việt, trước cũng như nay, tiến tới thi phẩm là bước vào đường quanh co, gập ghềnh do nhiều trở ngại. Trở ngại thứ nhất độc giả gặp là danh xưng – nhân danh, thần danh, địa danh. Nếu đọc thi phẩm dịch sang tiếng Pháp hay tiếng Anh chẳng hạn, độc giả sẽ thấy hơn ngàn năm do ảnh hưởng La-mã hai xứ viết và gọi đại đa số nhân danh, thần danh, địa danh theo tiếng La-tinh. Ở Tây Âu, tới thế kỷ XVIII, XIX người ta vẫn học tiếng La-tinh nhiều hơn tiếng Hy-lạp và người ta tiếp cận văn học Hy-lạp qua lăng kính La-tinh. Do đó người ta gọi tên tất cả theo La-ngữ. Chẳng hạn người Anh gọi Minerva, người Pháp gọi Minerve thay vì Pallas Athena; người Anh gọi Mercury, người Pháp gọi Mercure thay vì Hermes. Chẳng hạn tên thi sĩ người Anh gọi là Homer, người Pháp gọi là Homère, người Đức gọi là Homer, người Tây-ban-nha gọi là Homero, chứ không gọi Homeros đúng tên Hy-lạp. Chỉ gần đây mới có vài dịch giả bỏ đường cũ, theo đường mới, gọi tên theo tên Hy-lạp. Ares thay vì Mars, Hera thay vì Juno, Hephaistos thay vì Vulcan, Zeus thay vì Jupiter.
Mặt khác, xin nói để độc giả hay, tên người Hy-lạp trong thơ Homer chỉ có một chữ, có thể thêm hoặc thế tên hậu duệ hay tên gia tộc vào tên đó. Do vậy Odysseus Laertides nghĩa là Odysseus, con ông Laertes; Achilleus, Peliades nghĩa là Achilleus, con ông Peleus; Atrides nghĩa là con cháu nhà Atride. Hơn thế, tên Hy-lạp thường giống tên nhân vật trong truyện của nhà văn Anh Charles Dickens, tên gọi biểu thị tính tình người đó. Odysseus nghĩa là “Người Phẫn Nộ,” Hektor nghĩa là “Cột Trụ.” Chữ Greek hay Grecque cũng từ chữ La-tinh Graeci mà ra; người Hy-lạp trong Iliad gọi nhau bằng nhiều tên: Argive, Achaian, Danaan hoặc Hellenes. Trong thi tập chữ panhellene biểu thị tất cả bộ lạc và tiểu quốc khác biệt nói thổ ngữ khác nhau cùng ngôn ngữ và cùng bản sắc dân tộc ngay từ đầu. Ngày nay nói đến nhân vật trong thi phẩm người Anh gọi họ là Myceaean, người Pháp gọi họ là Mycéen, vì thế kỷ trước khi khảo sát thế giới của Homer các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều di vật thi sĩ kể trong thi tập, thế giới đó ngày trước nghĩ chỉ là huyền thoại.
Trở ngại thứ nhì là tác phẩm văn chương đầu tiên của văn học Tây phương, đồng thời tác phẩm văn chương vĩ đại trong văn hóa nhân loại, chìm đắm trong bí hiểm, kể cả người sáng tạo. Có người nghĩ tên thi sĩ là rút ra từ danh từ homeros nghĩa là “người đi theo” hoặc “con tin”; danh từ này cũng được sử dụng ở Cumos với nghĩa là “người mù.” Nhà ngữ học F. Bader trong La langue et les textes en grec ancien (Ngôn ngữ và tác phẩm bằng tiếng Hy-lạp cổ) F. Letoublon xuất bản ở Amsterdam năm 1992, tr. 113 cũng nhìn nhận tên này như hình thức autodésignation, tự kỷ chỉ định, hàm nghĩa “người sắp xếp ca khúc.” Người xưa bảo Homer chào đời trong thành phố Hy-lạp vùng Tiểu Á trên đảo Chios, thi sĩ Simonides (556-468 ttl.) gọi ông là “người đảo Chios” nằm giữa biên giới lãnh địa thuộc người Eolian và người Ionian, nhờ thế ông hiểu nhuần nhuyễn ngôn ngữ phối hợp giữa thổ ngữ Eolian và thổ ngữ Ionian sử dụng tài tình trong trường ca. Có người lại nghĩ thi tập Iliad dường như đã được người hiểu biết thấu đáo Tiểu Á sáng tạo. Chẳng hạn so sánh lính chiến đấu ngoài mặt trận với chim bay lượn trên sông Karystos, hoặc chính người ấy sống ở đó qua nhận xét về quê hương người Lokrian đối với đảo Euboea. Theo huyền thoại Homer mù. Phải chăng đó là sự thật? Đối với câu hỏi chẳng ai có thể trả lời dứt khoát. Chỉ biết trong quá khứ xa xôi người ta thường sáng tạo hình ảnh liên hệ giữa khiếm thị và thi sĩ hoặc thày bói. Có lẽ vì vậy Teiresias, thày bói thành Thebes và Demodocos, thi sĩ người Scheria trong Odyssêy được miêu tả như người mù.
Trở ngại thứ ba, bên cạnh lịch sử phát triển sớm sủa, đậm đà về chính trị, triết học, khoa học, văn học, là thần thoại và huyền thoại đan kết như cây mọc um tùm trong rừng già âm u, đa dạng, phong phú hơn hết trong kho tàng văn hóa Tây phương, nếu không kể cuốn Kinh Thánh của Ki-tô giáo. Tên gọi kể có hàng trăm hoàn toàn xa lạ. Tạm kể. Khổng Lồ: Gaea, Kronos, Rhea, Oceanos, Hyperion, Mnemosyne, Themis, Iapetos, Prometheus, Epmetheus, Atlas; thần linh: thần linh cấp dưới, thần linh cấp trên, thần linh sông nước, thần linh cây cối, thần linh biển cả, thần linh núi Olympos; anh hùng: Bellerophontes, Herakles, Jason, Meleagros, Orpheus, Perseus, Theseus, cuộc đời như cuộc đời thế nhân, sự tích đầy vẻ huyền bí, ly kỳ, song quấn quyện hương sắc trần gian; dòng họ: nhà Minos, nhà Atreus, nhà Cadmus, nhà Erichthonius…
Trở ngại thứ tư độc giả sẽ gặp là cảm giác rùng rợn, kinh tởm vì cảnh tàn sát khủng khiếp, cảnh cướp xác, giật xác, kéo xác quyết liệt. Suốt chiều dài thi phẩm độc giả thấy mình chìm đắm trong chiến tranh giữa người sau này sẽ gọi là Hy-lạp và người Troian, dân tộc mạn bắc Thổ-Nhĩ-Kỳ ngày nay, không xa eo biển Hellespont. Đụng độ, giao tranh liên tiếp, hầu như không ngừng. Chuyện đầy tình tiết quá tàn ác, quá hung dữ. “Mũi đồng tàn nhẫn xuyên dưới óc, xương sọ vỡ banh trắng hếu. Răng gẫy hết, mắt đầy máu; vừa ngáp gã vừa thổi phì phì, máu ứa lên miệng, trào ra lỗ mũi; màn tối mờ mờ từ cõi chết từ từ nhẹ buông” (16.346-50). Miêu tả đơn giản mà hiện thực: “Anh không ném vu vơ, hòn đá sắc cạnh trúng Kebriones, công tử ngoại hôn quân vương Priam, mã phu tùy tùng của Hektor, tay đang cầm dây cương. Hòn đá trúng trán giữa hai mắt cắt đứt cả hai lông mày, xương vỡ, con ngươi rơi xuống ngay chân. Đương sự lăn khỏi xe bền chắc như thợ lặn chúc đầu nhảy xuống nước chấm dứt cuộc đời” (16.737-43). So sánh, đối chiếu thi sĩ sử dụng khiến cảnh tả thêm rùng rợn: “Như nông phu đóng ách cặp bò, bò đực trán rộng, giẫm đại mạch vỏ trắng trên nền đập phẳng phiu, hạt lúa phăn phắt bắn ra dưới chân bò vừa bước vừa rống, Achilleus hùng dũng phóng ngựa móng guốc chắc nịch cùng lúc đạp lên cả khiên che lẫn xác người. Trục xe phía dưới, lan can xung quanh vấy máu, giọt theo giọt từ móng ngựa, bánh xe bắn lên che kín” (20.495-502). Thời đại chúng ta, do chứng kiến biết bao cảnh chém giết dã man, tàn bạo, đề cao tư tưởng nhân bản, lý tưởng nhân đạo, đọc đến đó bởi vậy sẽ không tài nào hiểu giá trị cùng tình cảm của mấy anh hùng trong thi tập, khát vọng của họ là khát vọng ích kỷ, làm thế nào thắng lợi trong chiến tranh, thắng lợi chỉ đạt được khi người khác đau khổ và rơi vào vòng nhục nhã. Độc giả sẽ có cảm tình với Hektor người Troian, chiến sĩ bảo vệ thành phố và dân tộc, hơn Achilleus người Hy-lạp trong lúc nóng giận muốn đạt vinh quang, trả thù dứt khoát, đáp lời mẹ, giọng khủng khiếp: “Nhưng ước muốn của con bây giờ là đạt vinh quang chói lọi khiến phụ nữ Troian, phụ nữ Dardanian, xiêm y tha thướt, nếp gấp kín đáo, hổn hển đưa hai tay lau lệ trên cặp má nõn nà lúc cất tiếng nỉ non truy điệu người quá cố”(18. 121-24).Trong doanh trại quân Troian, tư tưởng cũng nghiêng về bạo lực. Mẫu nghi thiên hạ Hekabe muốn “moi gan Achilleus ăn sống” (24. 212). Sen tả cảnh chém giết, cảnh vui mừng vì chiến thắng, cảnh đau đớn của nạn nhân khiến người đọc gan lì đến mấy cũng rùng mình. Như tả cái chết của Thestor, mã phu vô danh, khiếp đảm khi thấy Patroklos lại gần: “Tiếp theo mã phu sấn tới tấn công Thestor, quý tử Enops, đang ngồi co rúm trên xe bóng lộn, hồn vía lên mây, dây cương tuột khỏi tay cầm. Nhích tới chút nữa mã phu nâng thương đâm thẳng cằm bên phải giữa hai hàm răng. Sau đó nắm thương như nắm đòn bẩy, mã phu nhấc bổng thanh niên qua thành xe như ngư phủ ngồi trên mỏm đá vươn dài lôi cá khổng lồ khỏi mặt biển bằng dây câu và móc câu bóng lộn. Cứ thế với mũi thương sáng loáng mã phu lôi thanh niên miệng há hốc khỏi xe quăng xuống đất, mặt úp sấp, vừa rơi tắt thở tức thì” (16. 401-10). Cảnh tượng khiến Simone Weil không thể dằn lòng, xúc động khôn xiết. Trước khi rời Pháp qua Anh, trong đệ nhị thế chiến tham gia kháng chiến, nữ sĩ ghi suy tư về văn học và triết học Hy-lạp trong tùy bút nhan đề L’Iliade ou le poème de la force (Iliad hay thi tập vũ lực). Cảm nghĩ cho thấy nữ sĩ nhìn thi tập của Homer như hình ảnh thế giới hiện nay: “Nhân vật, chủ đề, trọng tâm của Iliad là vũ lực. Vũ lực là dụng cụ con người sử dụng, vũ lực là thày dạy đào luyện con người, vũ lực là cái trước nó da thịt con người teo rúm. Tâm hồn con người trong thi tập thi sĩ trình bày liên hệ mật thiết với vũ lực. Bị vũ lực càn quét, bị vũ lực biến thành đui mù, bị vũ lực trấn áp, chẳng thể hướng dẫn, tâm hồn con người đầu hàng. Người mơ vũ lực như thế, nhờ tiến bộ mà có, bây giờ thuộc về quá khứ, là người coi thi tập như tài liệu lịch sử; người nhìn vũ lực như vậy, hiện tại cũng như quá khứ, ở tâm điểm lịch sử nhân loại, là người sẽ tìm thấy trong Iliad tấm gương trong suốt, đẹp vô ngần.” Viết tiếp nữ sĩ định nghĩa nữ sĩ hiểu thế nào là vũ lực: “Vũ lực là cái khiến con người khi phục tùng biến thành đồ vật. “Nữ sĩ viết câu này năm 1939. Tùy bút dự định đăng trong Nouvelle revue francaise, song trước khi ấn hành, Paris rơi vào tay Đức Quốc Xã. Đất nước, đồng bào nữ sĩ, cả châu Âu biến thành đồ vật, vì bị vũ lực khuất phục. Tất cả sẽ chết nếu chống cự, tất cả sẽ sống nếu vâng lời. Qua đời ngày 24 tháng 8 năm 1943 ở Kent, Anh quốc, nữ sĩ không có dịp nhìn thấy tác phẩm, mãi tới năm 1953 mới xuất hiện ở Paris trong La source grecque tr.11-42. Trở ngại tiếp nối trở ngại! Dẫu thế xin đừng nản. Có công mài sắt có ngày nên kim. Hoặc nói như Nguyễn Bá Học: “Đường đi khó không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông…”
Thi sĩ trường ca tôi hân hạnh giới thiệu với độc giả vô cùng kín đáo, hầu như thường xuyên, tuyệt đối khách quan. Luôn luôn giấu mặt, ông không hề hiện hình; ông không hề chải chuốt chân dung đạo đức; ông không hề phê bình tư cách, tính tình nhân vật. Trong bảy câu thơ mở đầu, cất lời cầu xin Thi Thần giúp đỡ để hoàn thành sứ mệnh trọng đại tự ý thực hiện trên trần gian, người nói không cho ta biết tí gì về bản thân. Im lặng như thế là nguyên do khiến người sau đặt câu hỏi về Homer. Hơn nữa, tác phẩm đầu tiên, đồng thời tác phẩm vĩ đại trong kho tàng văn chương Tây phương, lại đầy bí ẩn. Do vậy ông đòi hỏi độc giả về phần mình cần chú ý cẩn thận. Có trường hợp ông phần nào lộ diện. Chẳng hạn lúc gay cấn biểu lộ cảm xúc, ông nói với Patroklos trước khi chiến sĩ tắt thở: “Nhưng bây giờ sức tàn lực kiệt, ô Patroklos mã phu tài ba, hấp hối, giọng thều thào, anh nói với đối thủ” (16.843). Đôi khi ông tỏ ý phê bình vắn tắt như chê trách Achilleus làm lễ tế sinh bên mồ bạn quý: “Tướng quân cứa cổ hai con chó ném lên giàn hỏa. Cùng lúc, do lòng đầy ý nghĩ đen tối, tướng quân dùng kiếm hạ sát mười hai thanh niên tuấn tú, con nhà quí phái Troian, châm lửa phóng hỏa, rồi để mặc ngọn lửa tàn nhẫn ngấu nghiến thiêu đốt” (23.174-77).
Mỗi câu thơ trong trường ca gồm sáu âm tiết theo dạng daktulikos, một âm nhấn theo sau hai âm không nhấn, như ngón tay ba đốt, đốt đầu dài, hai đốt tiếp theo ngắn. Cũng như các loại thơ Hy-lạp, thơ trường ca xây dựng trên nhịp điệu, không xây dựng trên số lượng bằng nhau về vần của chữ và vần của câu. Nét vẻ đặc thù khiến việc chuyển dịch khó khăn và việc thưởng thức cũng lạ lùng.
Khác biệt tâm lý giữa thời đại Homer và thời đại chúng ta không phải trở ngại duy nhất khi độc giả “cảo thơm lần giở trước đèn.” Chiều dài thi tập đòi hỏi nhiều thời gian, chỉ đọc thôi, chưa nghĩ tới nghệ thuật phô diễn, ý tưởng trình bày, nhất là thời đại chúng ta ưa cái ngắn ngủi, màu mè, giật gân! Pierre de Ronsard, thi sĩ trữ tình Pháp thế kỷ XVI, bảo anh hầu đừng ra vào quấy rầy để mặc ông một mình trong thư phòng thực hiện kỳ tích dự tính “xả hơi cho đã trọn một tuần.” Với ông Iliad là thi phẩm phải nghiền ngẫm, không phải như buổi đầu tác phẩm sắp xếp để ngâm nga. Đi vào thi phẩm như bước vào mê cung bao la đầy tình tiết, độc giả thiếu kinh nghiệm sẽ vất vả ghê gớm mới tìm thấy đường ra. Bởi lẽ biết khán giả của mình đã hiểu, thi sĩ đưa vào tác phẩm mà không giải thích vô số ẩn ngữ rút ra từ huyền thoại, diễn tả bóng gió xem ra khó hiểu đối với người không hiểu thần thoại và huyền thoại Hy-lạp. Xuất hiện như kỷ niệm sống động từ quá khứ, một số nhân vật tăng thêm chuyện phụ. Như Nestor chẳng hạn, lúc nào cũng sẵn sàng trở lại chiến trường thời niên thiếu giữa người Pylian và người Epeian. Hoặc như Phoinix gia sư cao niên của Achilleus trong khúc 9 khi đi thuyết phục kể cho tướng quân hay tính tình Meleagros. Như muốn bày tỏ lòng ngưỡng mộ, thi sĩ ưa ám chỉ huyền thoại đã được tiền nhân đề cập, tỉ như chuyện Herakles hay chuyện thành Thebes bị bảy anh hùng kéo tới tấn công. Tình huống thay đổi, kết thúc đột ngột nhiều vô kể, độc giả lạc trong chuyện hành quân, tấn công, phản công, thắng trận, thua trận nối tiếp diễn ra tạo ấn tượng có vẻ lộn xộn. Mấy trăm nhân vật, nhiều người trùng tên. Có hai nhân vật quan trọng tên Aias; hai Opheltios: một Troian, Euryalos đâm chết (6.20), một Achaian, Hektor hạ sát (11.302); ba Oreste: một Achaian, Hektor cho về chín suối (5.705), một Achaian, con Agamemnon (9. 142), một Troian, Leonteus phái đi chầu trời (12.193); năm Chromios: một Achaian, tùy tùng của Nestor (4.295), một Troian, con Priam, Diomedes bắt ra nghĩa địa (5.160), một chỉ huy người Lykian, Odysseus kết thúc cuộc đời (5.677), một Troian, Teukros đưa về bên kia thế giới (8.275), một Troian chỉ huy dưới quyền Hektor và Aineias (17.218). Đôi khi nhân vật gọi tên qua tên bố đẻ, thậm chí ông nội. Vì thế Achilleus được gọi là công tử Peleus hoặc Aiacide, hiền điệt Aiakos. Patroklos được gọi là công tử Menoitios, Diomedes được gọi là công tử Tydeus. Chữ Atreus hoặc Atreides dùng để gọi cả Agamemnon lẫn Menelaos. Thanh niên đẹp trai người Troian cuỗm Helen mang về xứ được gọi khi là Pâris, khi là Alexandros. Ngay cả người Hy-lạp cũng được gọi bằng tên khác nhau: Danaan, Achaian, Argive.
Chuyển dịch Iliad tôi căn cứ vào nguyên tác xuất bản năm 2003 ở Cyprus, cùng lúc tham khảo bản dịch tiếng Đức của Eduard Schwartz (thơ song ngữ Hy-Đức), tiếng Anh của George Chapman (thơ), Theodore Alois Buckley (văn xuôi), Lord Derby (thơ), Andrew Lang, Walter Leaf, Ernest Meyers (văn xuôi), E. V. Rieu (văn xuôi), Robert Fitzgerald (thơ), Martin Hammond (văn xuôi), Richmond Lattimore (thơ), Robert Fagles (thơ), Samuel Butler (văn xuôi), Ennis Rees (thơ), bản dịch trứ danh tiếng Tây-ban-nha của Luis Segalá y Estalella (văn xuôi), bản dịch tiếng Pháp của Eugène Lasserre, Paul Mazon, Mario Meunier (cả ba đều văn xuôi). Tôi tự hiểu muốn trung thực và chính xác người dịch không được phép quên Homer là thi sĩ tuyệt vời, sử dụng từ ngữ, nhất là động từ như ảo thuật gia sử dụng pháp kiếm trên sân khấu. Tôi tự hiểu thiếu sót to lớn là người dịch xao lãng vẻ diệu kỳ trong thơ ông. Và tôi tự hiểu bất luận thế nào người dịch cũng phải tránh xúc phạm nàng thơ trong thi tập.
Trung thành với nguyên tác qua ý nghĩ vừa kể tôi quyết định sử dụng văn xuôi chuyển ngữ thi tập, luôn luôn cố gắng giản dị, sáng sủa, chính xác. Chính xác là bổn phận đầu tiên của người dịch thận trọng. Tuy nhiên, chính xác không có nghĩa là nô lệ ngôn từ, mù quáng phục vụ ngữ vựng. Trong trường hợp Homer chính xác thôi không đủ. Hơn thế, người dịch còn phải thêm vẻ duyên dáng vào nét trung thực sao cho qua tiếng Việt cũng phô diễn hương vị hấp dẫn tuyệt diệu của áng thơ biểu lộ tuyệt vời. Muốn dịch Homer qua tiếng mẹ đẻ ở Anh, ở Pháp, ở Đức, ở Tây-ban-nha, theo chỗ tôi biết, năm trăm năm qua học giới bốn xứ đã đưa ra nhiều ý kiến có tính cách hướng dẫn, chỉ định, thậm chí đe dọa, lên án trong khi hàng ngũ dịch giả bốn xứ không thiếu người sở đắc bút pháp độc đáo, học vấn uyên thâm, rung động nồng nàn. Theo họ, nhất là Matthew Arnold, muốn đúng với văn phong, thi tài Homer, thơ hay văn đều cần vừa dịu dàng vừa hùng tráng, vừa mãnh liệt vừa hồn nhiên, vừa đanh thép vừa mềm mại, vừa diễm tuyệt vừa thi vị.
Mặt khác, bắt tay thực hiện công việc, tôi tự hiểu thi tập của Homer sáng tác là để ngâm, không phải để đọc; ngâm trước khán giả chỗ công cộng, không đọc một mình trong tư phòng. Diễn xuất ở nơi đông đảo, trong bữa tiệc tại nhà quý tộc sang trọng, nhà trưởng giả giàu có, nhiệm vụ là “khoản đãi” qua sinh hoạt đặc biệt, vừa tao nhã vừa lịch thiệp, kể chuyện bằng thơ mô tả sự tích lịch sử, cảnh sống quá khứ, tay bấm phím, miệng ngâm thơ, ca công vừa bước đi vừa biểu diễn không những mua vui cho thực khách, mà còn cố gắng làm đẹp lòng chủ nhân. Trong khi đề cao tổ tiên, tô thắm dòng họ, trước hết phải làm thế nào cho khán giả chú ý, ca công thường phục sức lộng lẫy. Ngồi trên ghế như ngai vàng giữa đại sảnh tay cầm cành nguyệt quế, đầu đội vòng hoa màu vàng, ca công sửa soạn phô diễn tài nghệ. Nếu diễn xuất Iliad ca công sẽ khoác áo choàng màu đỏ như màu son, màu máu. Nếu diễn xuất Odyssêy ca công sẽ khoác áo choàng màu đỏ như màu mận chín. Dàn dựng tráng lệ như vậy là nhằm tạo cảm giác tự hào đồng thời khích lệ ca công. Nhiệm vụ của ca công là chuyển tải mục đích giáo huấn, thực hiện sứ mạng đạo đức, thẩm mỹ, giáo dục đối với công dân toàn quốc. Cuối thế kỷ V ttl. hùng biện gia Isocrates thành quốc Athens nhận định:”Người ta ngâm thơ Homer là để khuyến khích tuổi trẻ tích cực ngưỡng mộ người xuất hiện trên chiến trường thành Troa, đồng thời nung nấu tâm hồn tuổi trẻ ước muốn bắt chước chiến công của họ.” Ngâm như vậy cũng là sức mạnh tao đàn giúp người lớn tuổi khỏi quên áng thơ đã học khi nhỏ mài đũng quần trên ghế nhà trường. Nhờ ca công thi phẩm khả ái, khả kính của Homer qua biết bao năm tháng lấy lại vẻ tươi tắn, mát rượi của dòng suối tràn trề sức sống. Giọng ngâm sang sảng khi trầm khi bổng, dáng điệu lúc thoăn thoắt lúc nhịp nhàng, sức mạnh huyễn hoặc phát xuất từ phẩm từ, cụm từ lặp đi lặp lại, nhạc điệu nội tại do cảm hứng gây nên, tất cả trở thành giao cảm lan tỏa qua tiếng nói truyền cảm làm hơi thơ ấm áp, lửa thơ nồng nàn trong thi tập già nua sống lại như vừa mới chào đời. Nghe lời thơ dặt dìu ngân nga, khán giả chăm chú sẵn sàng buông mình vào im lặng, và sẵn sàng đón nhận, thầm hiểu, vì thời gian giới hạn, vì phạm vi đề tài, những gì cuộc ngâm chưa phô diễn cho nghe.
Chuyển dịch thi sĩ Homer, theo văn hào Montaigne, “tác giả duy nhất trên thế giới chưa bao giờ khiến người đọc bực bội, buồn chán, lúc nào cũng tỏ ra với người đọc mình khác hẳn, lúc nào cũng tươi nở vừa mới mẻ, vừa dịu dàng,” tôi cố gắng trung thực, trong sáng, giản dị, óng ả. Cầu mong Thi Thần vui lòng trợ giúp để tôi hoàn tất việc làm nặng nề, mặc dù theo đường nôm na, bình dân, chuyển ngữ thi phẩm vừa phong phú vừa ý nhị ra đời cách nay trên dưới ba ngàn năm.
Markham, Canada 10.2005
Đỗ Khánh Hoan
[1] Ngày xưa gọi là Hellas, ngày nay gọi là Ellas, diện tích 131.944 km2, gồm 26% đồng bằng,15% rừng rú, 70% núi đồi, dân số bây giờ gần 10 triệu, đất nước Homer, Sappho, Thales, Euclid, Pythagores, Archimedes,Aristote, Platon, Socrates có nhiều đảo nhất địa cầu,hơn cả Nam Dương lẫn Tô Cách Lan, số đảo khả sinh mạn đông 500, mạn tây 115, mỗi đảo là thế giới riêng biệt, dân cư vài trăm, vài ngàn, vài vạn.
[2] Trong thần thoại Hy-lạp chàng là thủ lãnh đoàn hào kiệt Argonaut lái tầu Argo đi Kolchis tìm bộ lông cừu kỳ diệu, có biệt danh đá luyện vàng, con Aeson, quân vương Iolcos đóng đô ở Thessaly. Em cùng cha khác mẹ là Pelias âm mưu chiếm đoạt Iolcos. Vì muốn bảo toàn tính mạng, chàng được gửi đến thụ giáo quái vật Centaur đầu người mình ngựa. Trở về là thanh niên cường tráng, chàng được Pelias hứa cho thừa hưởng ngai vàng nếu tìm được bộ lông cừu kỳ diệu, yêu cầu xem ra bất khả, công tác khác nào mò trăng dưới nước. Tuy nhiên, sau nhiều phiêu lưu, nhờ có nữ phù thủy Medea giúp đỡ chàng lấy trộm được báu vật, quân vương thân phụ người yêu không hay; chàng lấy nàng làm vợ. Hai người trở về, Medea hạ sát Pelias, nhưng bị con trai ông đánh đuổi, phải tới Korinth nương nhờ Creon. Chẳng bao lâu chàng bỏ nàng lấy con gái Creon. Phụ bạc và hậu quả của phụ bạc trở thành đề tài lý tưởng Euripides khai thác trong kịch phẩm Medea.
Còn gọi là Dardanelles, người Thổ-nhĩ-kỳ gọi là Canakale Bogazi. Eo biển phía tây bắc Thổ-nhĩ-kỳ dài 61km nối biển Aegean với biển Marmara, rộng chừng 6,7 km, nằm giữa bán đảo Gallipolli, tây bắc châu Âu và lục địa Tiểu Á, sâu khoảng từ 55m tới 100m, giữ vai trò ý nghĩa trong lịch sử. Hellespont là nơi diễn ra chuyện tình éo le, bi thảm trong thần thoại Hy-lạp giữa nữ tu Hero và chàng trai Leander. Hellespont giữ vị trí chiến lược. Do vậy muốn đề phòng và tự vệ, thành Troa đem quân trấn thủ phía tây nam. Năm 480 ttl. dưới quyền chỉ huy của Xerxes I, quân Ba-tư dùng thuyền làm cầu vượt qua thực hiện chiến dịch xâm lăng. Năm 334 ttl. đại đế Alexandros, vua Hy-lạp, cũng hành động
tương tự trong cuộc chinh phạt Ba-tư. Eo biển từ trước tới giờ vẫn giữ vai trò quan trọng về kinh tế và chiến lược như cửa ngõ từ Địa-trung-hải đi vào Istanbul và Hắc hải. Năm 1807 hạm đội Anh nhòm ngó; trong đệ nhất thế chiến phe
đồng minh muốn mà không chiếm nổi. Eo biển còn giữ vai trò quan trọng trong chính trị quốc tế. Darnados là quân vương người Troian, thành phố mang tên ông gần thành Troa trên đất Troad là nơi năm 85ttl. Mithradates VI (vua Pontus) ký hòa ước với Sulla (tướng La-mã). Vì thế người sau lấy tên đặt cho eo biển là Dardanelles.
[3] Vì sao thi tập Iliad và Odyssêy chia thành 24 khúc đánh dấu bằng mẫu tự alpha đến omega người sau không rõ; sự thể có lẽ bắt đầu từ Zenodotos, học giả Hy-lạp, giám đốc thư viện Alexandria (Ai-cập) khoảng năm 284 ttl. tu chính, phê bình, xuất bản tác phẩm của thi sĩ Hy-lạp, đặc biệt thi tập của Homer.
[4] Tâm lý Agamemnon miêu tả hết sức khéo léo, xác đáng. Bề ngoài có vẻ can trường, song bên trong là người nhu nhược, chao đảo, hoàn toàn thiếu nghị lực, nhất là không chịu nhận trách nhiệm. Chỗ này cho thấy tấn công thành Troa có vẻ do quân lính muốn hay không.
[5] Sự kiện quân Troian tiến ra cho thấy phía Achaian bất ổn. Bị bao vây, cắt đứt đường ra biển, họ chỉ có thể áp dụng chiến thuật phòng ngự, canh tường bảo vệ thành.
[6] Sự thể có vẻ phi lý, vì Priam thiếu gì cơ hội nghe kể diện mạo tướng tá Achaian. Song cũng dễ hiểu và thi vị vì đây là lần đầu thi tập giới thiệu Helen, miêu tả sơ qua Agamem- non, Aias cùng mấy người trong nhóm.
[7] Động lực thúc đẩy Hektor làm vậy ở đây và trong khúc 7 hoàn toàn tự nhiên; không có lý do đặc biệt nào vì sao người dưới không thưa chuyện với hoàng hậu. Rõ ràng thi sĩ muốn cho ta thấy Hektor, nhân vật dễ thương nhất trong thi tập, ở vị thế liên hệ khác nhau với tư cách con, chồng, cha, anh, thủ lĩnh. Chủ súy là người bảo vệ ước mơ chủ súy hiểu sẽ tuyệt vọng. “Do vậy trong trí, trong lòng ta biết thế nào ngày đó cũng tới, thành Troa thiêng liêng sẽ tàn lụi, cả Priam lẫn thần dân trang bị thương giáo bằng cây tần bì sẽ tiêu ma” (6.447-49). Dù thế chủ súy vẫn kiên nhẫn, hy vọng trong tuyệt vọng, cuối cùng bị Achilleus đâm chết.
[8] Achilleus là nhân vật hào hiệp, đa cảm, nguyên tắc sống ở đời của tướng quân là bảo vệ và thèm khát danh dự tối đa; thêm vào đó là tình cảm sâu sắc, lâu bền với bạn bè, trong số phải kể Patroklos. Việc tướng quân từ chối đề nghị của Agamemnon đã dứt khoát đẩy tướng quân vào đường sai trái; tướng quân không tỏ vẻ kính trọng thích đáng đối với người bề gì cũng là bề trên, và cũng không quan tâm tới đòi hỏi của đồng đội. Tức giận trở thành coi thường quyền uy của người khác và phẫn uất trở thành ước muốn nắm giữ quyền lực của mình.
[9] Theo J. J. Van Dooren, Chmpion, Paris, 1926.