fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Kinh Doanh – Kinh Tế – Chính Trị

Lời Giới Thiệu

Trong thời đại kinh tế toàn cầu và hội nhập hiện nay, thương mại và doanh nghiệp, trên cả hai lãnh vực vĩ mô và vi mô, là hai bộ phận chủ yếu thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, chỉ mới trong khoảng hai thập niên gần đây, thương mại và doanh nghiệp Việt Nam mới bắt đầu phát triển và còn cần rất nhiều kiến thức cũng như kinh nghiệm để có thể hoạt động mạnh mẽ và tồn tại trên sân chơi quốc tế.

Trên trường quốc tế đã vậy, ngay tại trong nước, doanh nhân Việt Nam cũng cần được nhận thức lại và đánh giá đúng đắn về vị thế của họ trong xã hội. Dưới thời phong kiến, giới doanh thương bị xếp hạng chót trong bực thang xã hội (sĩ, nông, công, thương), và, “còn nhớ cách đây vài chục năm, doanh nghiệp doanh nhân vẫn được coi là ‘con buôn’ là những thành phần ‘phi vô sản’… ‘Đi buôn nói ngay không bằng đi cày nói dối,’ doanh nhân bị nhục mạ và hạ thấp nhân phẩm, coi họ không bằng một anh nông dân nói dối.”[1] Thêm vào đó, khi nói đến thương mại và doanh nghiệp, người Việt Nam ta thường chỉ nghĩ đến buôn bán hàng hóa và hình ảnh tiêu biểu nhất là những cửa hàng do gia đình quản trị, trên quy mô nhỏ hẹp trong xóm trong làng, chứ không nghĩ đến việc phát triển dịch vụ hay buôn bán hàng hóa trên quy mô lớn. Trong khi đó, cũng phát xuất từ một tiệm tạp hóa bán lẻ, 7-Eleven đã trở thành một tập đoàn bán lẻ trên thế giới, chỉ nhờ vào một sáng kiến là trở thành “cửa hàng tiện lợi.”[2] Người Việt Nam cũng không thua kém gì ai về sáng kiến thương mại, nhưng cũng như chính quan niệm hạn hẹp về vị thế xã hội của thương mại, những sáng kiến này chưa được đề cao và cổ xúy đúng mức.

Tuy nhiên, các cơ sở thương mại nhỏ, kể cả tại những nước tiên tiến hay đang phát triển, lại là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa, trước hết là tạo ra công ăn việc làm và là nguồn tài chính góp phần gia tăng đáng kể GDP của đất nước. Sau khi Luật Doanh nghiệp mới ra đời, con số doanh nghiệp tại Việt Nam đã tăng lên 1 triệu doanh nghiệp,[3] và theo báo Nhân Dân số ra ngày 26 tháng 6, 2006, các doanh nghiệp này đã đóng góp tới 40% tổng sản lượng nội địa của Việt Nam.[4] Con số doanh nghiệp tăng trưởng là điều đáng mừng, nhưng cách thức các cơ sở thương mại nhỏ đang hoạt động vẫn còn chưa thoát ra được những tập quán tiểu thương, gia đình, thiếu tiên liệu, quản trị và kế hoạch dự phòng; đó là chưa kể đến kiến thức về tiếp thị và kế toán.

Trước nhu cầu này, Học Viện Công Dân tuyển dịch sang Việt ngữ các tài liệu về thương mại và kinh doanh bao gồm các kiến thức và thực hành về quản trị điều hành doanh nghiệp đã được tiêu chuẩn hóa từ các nước theo kinh tế thị trường hoặc từ các định chế kinh tế thế giới, với ước mong là những tài liệu được tuyển dịch này sẽ là những viên gạch góp phần xây dựng “doanh trí” và doanh nghiệp Việt Nam. Mọi ý kiến, dóng góp xin liên lạc về info@icevn.org

Bản quyền của tất cả những tác phẩm, tài liệu được phiên dịch sang Việt ngữ và đăng tải trên website của Học Viện Công Dân thuộc Học Viện Công Dân. Mọi sử dụng, trích hoặc dùng lại tại nơi khác xin liên lạc với Học Viện và ghi rõ nguồnhttp://www.icevn.org

Ghi Chú:

[1]Tuấn Anh, “Doanh nhân-Nếu được tôn vinh 365 ngày,” Cẩm Nang Doanh Nghiệp, số 13/10/2006

[2] 7-Eleven hiện diện tại 12 nước trên thế giới, trong đó có 6 nước ở Á châu: Nhật Bản, Đài Loan, Mã Lai, Singapore, Thái Lan và Hong Kong. Cho tới năm 2003, 7-Eleven đã có 25 ngàn cửa tiệm trên 12 nước.

[3] UNDP, 1 June 2003: One Million Jobs Created By New Enterprise Law in Viet Nam

[4] Báo Nhân Dân điện tử: New Enterprise Law to create level playing ground for businesses