fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Kỷ nguyên Tự do Chính trị và Thịnh vượng tại Úc châu được mở ra nhờ Cuộc Săn Vàng

Những người đi tìm vàng trong thế kỷ 19 đã mang lại dân chủ và quyền tư hữu và thịnh vượng

đến với Úc châu

Lawrence W. Reed

Về phương diện lịch sử, vàng và sự tự do có một mối quan hệ chặt chẽ. Thật thế, điều đó chẳng phải là một sự khẳng định phóng đại, đó là hai mặt của một đồng tiền. Úc châu trong thập niên 1850 là một thí dụ điển hình.

Sự quyền rũ của vàng đã được ghi nhận từ thuở xa xưa đến nỗi cho là từ thời “tiền sử” thì cũng không phải là sai. Từ trước khi có văn tự ghi chép lại, vàng đã được con người trân quý. Mặc dù thứ kim loại màu vàng này cũng đã được tìm thấy ở mọi lục địa, mãi cho đếnnăm 1848 ở California và 1851 tại các tiểu bang New South Wales  và Victoria của Úc châu. Cuộc “săn vàng” đúng nghĩa mới   diễn ra trên diện rộng.

Cuộc săn vàng ở Úc bắt đầu từ năm 1851 đã mang lại một sự chuyển hoá ngoạn mục. Dân số Úc châu tằng gấp bốn lần từ 437,655 tới 1,7 triệu người chỉ trong hai mươi năm.

Trải qua hàng bao thế kỷ trước hậu bán thế kỷ 19, các chế độ độc tài đã nhanh tay cướp số vàng mới cho họ hay gửi quân đi ngăn chặn những người dân thường đi tìm vàng. Trong thập niên 1840 và 1850, cả California và Úc châu (mặc dù Úc châu được thành lập làm nơi lưu đày tù nhân từ Anh quốc) là những nơi được tự do hơn. Các ông vua tham lam và những kẻ thống trị vắng mặt tại hai nơi này. Một công dân binh thường có thể mua, hay thuê , hay nhận đại một mảnh đất hoang để đào và giữ cho mình số vàng đào được. Cơn sốt vàng ở cả California và Vùng đất Bên dưới (Land of Down Under) cách nhau nửa vòng trái đất, đã khiến một số lớn những kẻ cầu may di cư đến những nơi này và đào lên bất cứ thứ gì họ có thể tìm được.

Vàng có nhiều ứng dụng, từ luyện kim, đến đồ trang sức, đến nghệ thuật, nhưng ứng dụng quan trọng nhất trong lịch sử là vàng được người ta sử dụng như vật trung gian để trao đổi hay dùng như tiền tệ.

Thậm chí ngày nay, cụm từ “quý như vàng” vẫn được dùng như lời khen ngợi. Không ai có thể tuyên bố rằng thứ gì đó “tốt như tiền giấy không có bảo chứng” trừ phi cố ý mỉa mai.

Các chính quyền lớn, tham lam, đàn áp tự do thường ghét vàng, hoặc ít nhất là vàng nằm trong tay tư nhân như một loại tiền. Tại sao? Bởi vì họ không thể in nó. Bởi vì nó là đối thủ cạnh tranh đáng tin cậy để lấy niềm tin của người dân. Và bởi vì nó thể hiện sự trung thực, cái mà các chính trị gia không trung thực coi thường. Nếu họ mong muốn kiểm soát bạn hoặc làm giàu cho bản thân (hoặc cả hai), họ sẽ luôn tìm cách kiểm soát tiền bạc. Họ dường như biết một phiên bản của Quy tắc vàng theo bản năng: Người sở hữu vàng sẽ là người ra lệnh.

Với số lượng nhỏ, dễ vận chuyển, vàng tượng trưng cho sự giàu có được tập trung cao độ mà chủ nhân của nó có thể mang theo khi trốn khỏi chế độ đàn áp. Người ta đã nghĩ ra những cách khéo léo để làm điều đó, từ việc nhét nó vào răng cho đến sơn nó và nhét nó vào bánh xe ngựa. Khi các chính quyền hạ giá tiền giấy của họ, vàng là nơi ẩn náu chính mà mọi người chạy đến.

(Là một kim loại quý kim có giá trị với nhiều đặc tính giống như vàng, bạc đã thực hiện những nhiệm vụ tương tự như vàng trong lịch sử. Nó thường được dùng làm đồng tiền tuỳ theo sự lựa chọn tự do của những người tham gia thị trường.)

Trong một phần tư thế kỷ trước Cơn sốt vàng California, chính quyền thuộc địa Anh đã cố gắng giữ kín tin tức về sự phát hiện những cục vàng nhỏ ở phía đông nam Úc châu không cho công chúng biết. Họ lo sợ một cuộc nổi dậy lấy cảm hứng từ cơn sốt vàng giữa những phần tử xấu hơn trong xã hội xảy ra. Nhưng khi hàng ngàn người Úc rời đi để tham gia cuộc vui ở California, chính quyền Úc đã đảo ngược quyết định. Theo Bảo tàng Quốc gia Úc, thống đốc đã công bố phần thưởng cho bất kỳ ai có thể tìm thấy vàng với số lượng có thể sử dụng được về mặt thương mại. Với những khám phá lớn ở các bang New South Wales và Victoria vào năm 1851, cơn sốt đã diễn ra! Thậm chí nhiều người Úc đã đến California đã trở về nhà và bắt đầu đào bới.

 tMột trong những chức danh mà tôi tự hào được trao tặng tại FEE là “Đại sứ Toàn cầu vì Tự do” của Ron Manners, được đặt theo tên một người bạn Úc lâu năm và hào phóng, người hiểu rõ về kinh doanh vàng. Vào những năm 1980, ông thành lập công ty Croesus Mining và trong thời gian ông làm việc tại công ty

Ron cho biết: “Ảnh hưởng của hoạt động thăm dò và khai thác mỏ ở Úc rất sâu sắc. Ngay cả ngày nay, đó vẫn là lý do lớn nhất khiến đất nước sống sót sau cuộc khủng hoảng virus Corona và vẫn có thể thanh toán các khoản chi tiêu của mình.”

Chi tiêu năm ngoái cho hoạt động khai thác vàng ở nước Úc đã đạt kỷ lục mới, giúp nước này trở thành nước xuất khẩu vàng lớn thứ hai thế giới, sau Thụy Sĩ.[1] Sau khi kiếm được tài sản từ việc kinh doanh vàng, Ron đã thành lập Quỹ Giáo dục Kinh tế Mannkal và hỗ trợ các nhóm có tư tưởng tự do như FEE.

Các ngành công nghiệp phụ trợ từ nông nghiệp đến chăn nuôi phát triển mạnh mẽ. Vàng tài trợ cho các dự án đồ sộ về đường sắt và thủy lợi cũng như hiện đại hóa các thị trấn và thành phố. Bảo tàng Quốc gia Úc khẳng định rằng nhờ nguồn tài nguyên dồi dào từ các mỏ khai thác nên “Người Úc đã sớm có mức sống cao nhất trên trái đất.” Hơn nữa, có một mối quan hệ trực tiếp và sâu sắc giữa vàng và tự do ở Úc, phần lớn là do sự kiện mang tên Cuộc nổi dậy Eureka.

Trong cơn sốt vàng, những người khai thác mỏ (hay “thợ đào” như họ thường được gọi ở Úc) đã phải trả tiền cho chính quyền Anh để xin giấy phép khai thác vàng. Về cơ bản nó là một loại thuế, mặc dù các thợ mỏ không thể đi bầu. Ron Manners đã gọi sự độc quyền cấp phép khai mỏ khiến những viên chức cấp phép thành một “hội tư.”

Sử gia Alex McDermott của Đại học La Trobe ở Victoria ghi nhận rằng khi số lượng vàng gần bề mặt trái đất cạn kiệt, những người thợ mỏ phải làm việc chăm chỉ hơn và đào sâu hơn để tìm ra khoáng sản, tạo tiền đề cho cuộc đối đầu với chính quyền Anh:

Không gặp may mắn, nhiều thợ mỏ trốn tránh việc nộp phí giấy phép, trốn xuống hầm hoặc chạy trốn trong rừng khi cảnh sát theo định kỳ rà soát các mỏ vàng để kiểm tra giấy phép. Cảnh sát, một lực lượng khá thô lỗ và thô bạo, đã phản ứng bằng cách trấn áp. Ví dụ, bất kỳ ai bị phát hiện không có giấy phép —ngay cả khi họ để nó lại trong lều khi đi xuống mỏ ngập nước—đều bị bắt và đưa đến phòng giam. Nếu không có trại giam nào ở gần đó, họ có thể bị xích vào cây và để ở đó hàng giờ hoặc qua đêm.

Nói điều này khiến các thợ mỏ tức giận là đã đánh giá thấp vấn đề một cách đáng kể. Họ cho rằng họ là thần dân Anh tại một thuộc địa của Anh—chỉ vì họ đã đi thuyền nửa vòng trái đất để đến đó không có nghĩa là họ có thể bị tước bỏ các quyền và phải chịu những hình phạt như bỏ tù tùy tiện.

Điều này tương đương với việc “đóng thuế mà không có đại diện,”[2] và những người thợ mỏ đã nói như vậy bằng những lời lẽ tương tự, lặp lại những lời phản đối của những người Mỹ nổi dậy trong những năm 1770. Ron Manners thậm chí còn ít khoan nhượng với chính quyền và cảnh sát của họ ở Victoria hơn McDermott. Như ông đã nói,

“Lệ phí giấy phép được thu bởi một nhóm côn đồ có vũ trang không hề được trả lương. Họ đã được trả lương từ phí giấy phép mà họ đã thu được và quá trình thực hiện việc đó là đi đến những hầm mỏ và hét lên ‘Hãy xuất trình giấy phép!’ Sau đó, người đào phải leo lên thang một cách vất vả, xuất trình giấy phép rồi lại đi xuống thang. Sau đó khoảng một giờ, một tên côn đồ khác đến yêu cầu: ‘Hãy xuất trình giấy phép!’ Người thợ sẽ phải leo lên thang lần nữa. Họ không hoàn thành được bất kỳ công việc nào. Bạn có thể chịu đựng được điều vô nghĩa này trong bao lâu?”

Phí giấy phép hàng tháng mà những thợ mỏ bị buộc phải đóng tương đương với tiền lương một tuần. Đó là mức thuế khoảng 25 phần trăm và hầu như không có gì được đền đáp. Họ nói rằng tiền phạt là thuế nếu làm sai, và thuế là tiền phạt nếu làm tốt. Nhưng khoản thuế hoặc tiền phạt này đã bị buộc phải rút ra và nó được áp dụng cho dù họ có tìm thấy vàng hay không.

Khi các thẩm phán địa phương tuyên bố chủ nhân khách sạn Eureka ở Ballarat đã giết một thợ mỏ, những người thợ mỏ khác đã rất tức giận. Họ đốt khách sạn, sau đó yêu cầu Thống đốc thả những kẻ đốt phá, bãi bỏ giấy phép vàng và cấp cho đàn ông quyền bầu cử. Họ đốt giấy phép đào vàng của mình, xây dựng một pháo đài thô sơ mà họ gọi là Đồn Eureka và lần đầu tiên treo một lá cờ có hình chòm sao Thập tự Phương Nam. Lá cờ kể từ đó tượng trưng cho sự tự do chống lại sự chuyên chế của chính quyền thực dân và tinh thần độc lập của người Úc.

Khi biết tin quân Anh đang trên đường đến đánh dẹp cuộc nổi dậy, những người thợ mỏ ở Đồn Eureka đã tuyên thệ như sau: “Chúng tôi thề trước Thập tự Phương Nam rằng sẽ thực sự sát cánh cùng nhau và bảo vệ các quyền và tự do của mình!”

Những người thợ mỏ đã chiến đấu dũng cảm nhưng bị áp đảo về vũ khí đến mức trận chiến diễn ra vào ngày 3 tháng 12 năm 1854 gần Ballarat thuộc bang Victoria chỉ kéo dài 15 phút. Ba mươi thợ mỏ và năm binh sĩ đã thiệt mạng. Một trong những video được trích dẫn bên dưới bài viết này, Bảo tàng Quốc gia Úc ghi lại những sự kiện đặc biệt xảy ra sau đó:

Chính phủ có thể đã thắng trận nhưng lại thua trong cuộc chiến khi người dân Victoria ủng hộ một cách áp đảo những người thợ mỏ bị đánh bại. Những người nổi dậy được trắng án về tội phản quốc và giấy phép vàng được thay thế bằng “quyền của thợ mỏ,” cho phép những người thợ mỏ khai thác, bầu cử và chiếm đất trống với một khoản phí nhỏ hàng năm.

Các thợ mỏ sau đó đã được bầu vào Hội đồng Lập pháp của Victoria, bao gồm cả lãnh đạo của họ, Peter Lalor. Sự nổi lên của hoạt động vì các giá trị dân chủ đã trực tiếp dẫn đến những cải cách khác quan trọng đối với sự phát triển chính trị của nước Úc như một xã hội tự do—những cải cách như bỏ phiếu kín và cuối cùng là quyền bầu cử của phụ nữ (1908).

Kể từ Cơn sốt vàng năm 1851-71, hơn 2.500 tấn vàng đã được đổ ra từ các mỏ ở Tam giác vàng của Victoria. Dòng sông kim loại màu vàng đó đã tạo ra hai khối vàng lớn nhất từng được tìm thấy trên thế giới – cục vàng “Chào mừng người lạ” (173 lạng) và “Cục vàng chào mừng” (152 lạng).

Ron Manners giải thích một cách sâu sắc: “Chính những người khai thác vàng đã mang lại nền dân chủ cho thuộc địa và bảo vệ khái niệm về quyền tư hữu tài sản của người dân Úc.”

Điều đó quả là một kỳ tích, phải không bạn? Trong toàn bộ lịch sử của tiền giấy, tôi không thể nhớ lại trường hợp nào mà người ta có thể đưa ra tuyên bố có thể so sánh được, “Chính chính phủ với máy in đã mang lại dân chủ và bảo vệ quyền sở hữu.”

Vì vậy, với tất cả những lý do khiến các chính phủ không thích vàng, hãy thêm một lý do nữa: Sớm hay muộn, nó sẽ đánh bại họ. Ba lời chúc mừng dành cho những người khai thác vàng của Úc, quá khứ và hiện tại!

Xem thêm các thông tin dưới đây:

Defining Moments: Gold Rush (video) from National Museum of Australia

Defining Moments: Eureka Stockade (video) from National Museum of Australia

A Little Rebellion Now and Then Is a Very Good Thing! by Ron Manners

Australian History for Dummies by Alex McDermott

Australia by James Walker

Mannkal Economic Education Foundation

FacebookXFlipboardLinkedInRedditEmail

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân May 2024

Tác giả: Lawrence W. Reed là Cựu  Chủ tịch của FEE. Ông đã giữ chức vụ này trong 11 năm (2008-2019). Ông cũng là Thành viên cấp cao của Gia đình Humphreys của FEE và Đại sứ Toàn cầu của Ron Manners vì Tự do.

Nguồn: https://fee.org/articles/why-australia-s-gold-rush-ushered-in-political-freedom-as-well-as-wealth/

[1] Thuỵ Sĩ là nước đứng đầu thế giới về xuất cảng vàng đã tinh chế. Trung Hoa là nước sản xuất nhiều vàng thô nhât thế giới.

[2] Người dân thuộc địa Mỹ nổi dậy vì bị Anh quốc áp đặt nhiều thứ thuế. Họ từ chối đóng thuế vì không được có đại biểu tại Quốc hội Anh quốc, với khẩu hiệu “Không đóng thuế nếu không có đại biểu” (No tax without representation).