LỜI GIỚI THIỆU
Bối Cảnh Lịch Sử của Hoa Kỳ
Sau khi Columbus tìm ra lục địa Mỹ châu năm 1492, Đế quốc Tây-ban-nha bắt đầu bành trướng thế lực vào vùng Tây bán cầu và chiếm hữu vùng đất Mexico đến vùng Nam Mỹ châu. Sau đó các nước Âu châu khác như Bồ-đào-nha, Hà-lan, Thụy-điển và Pháp cũng lần lượt tiến vào lục địa Mỹ châu. Mãi đến hơn 100 năm sau nước Anh mới có mặt tại Mỹ châu và thiết lập vùng định cư Jamestown (1607) và sau đó dần dần thành lập những thuộc địa dọc theo vùng đất miền đông của lục địa Mỹ châu.
Các thuộc địa của Anh tại Mỹ (từ nay gọi là thuộc địa) nằm dọc theo vùng biển miền đông của Mỹ châu, tại ba miền riêng biệt: (1) New England gồm có các thuộc địa New Hampshire, Massachusetts, Rhode Island, và Connecticut; (2) Miền Trung, gồm có New York, New Jersey, Pennsylvania, và Delaware; và (3) Miền Nam gồm có Virginia, Maryland, North Carolina, South Carolina, và Georgia.
Nguyên Nhân Tạo Thành Thuộc địa
Những nguyên nhân đưa đến việc Anh quốc thiết lập thuộc địa tại Mỹ châu có thể xếp vào ba loại chính sau đây. Thứ nhất là lý do kinh tế. Nước Anh vào đầu thế kỷ 17 bắt đầu trở thành một cường quốc kinh tế và có một hạm đội hùng mạnh. Sau khi đánh bại hạm đội của Tây-ban-nha vào cuối thế kỷ 16, nước Anh lại càng tự tin hơn khi bành trướng thế lực của mình ra bên ngoài. Những công ty cổ phần được những thương gia theo phái trọng thương thành lập và cổ vũ cho việc tìm thuộc địa tại Mỹ châu với mục đích thu hoạch tài nguyên thiên nhiên và quý kim như vàng, bạc, mở rộng thị trường cho những sản phẩm đã được chế tạo, và cuối cùng là đất đai cho những người di dân. Kết quả của động lực kinh tế là sự thành lập khu định cư tại Jamestown, 1607.
Thứ hai là lý do tôn giáo. Phong trào Cải cách Tôn giáo và sự hình thành các giáo phái Tin Lành[1] phát triển mạnh mẽ chống lại cả Công giáo và Anh giáo về những giáo điều và nghi thức thờ phụng mà họ cho là không hợp lý. Kết quả của những đòi hỏi cải cách này là sự đàn áp của giáo hội và của chính quyền Anh quốc. Trước sự bách hại này những giáo dân Tin Lành muốn tìm đến vùng đất mới, vừa cách xa với mẫu quốc, vừa có đất đai để canh tác và sinh sống để tự do thờ phụng theo tín ngưỡng của mình. Có hai nhóm chính di dân vì lý do tôn giáo là nhóm “Hành Hương” và nhóm “Thanh giáo.” Nhóm “Hành Hương” (Pilgrim) định cư tại Plymouth, Massachussetts, còn nhóm theo “Thanh giáo” (Puritan: làm cho thanh sạch tôn giáo), đông hơn, định cư tại Massachussetts, 1629.
Lý do thứ ba là xã hội và chính trị. Tình trạng phát triển kỹ nghệ của Anh đưa đến nạn thất nghiệp. Vùng đất mới sẽ giúp giải quyết vấn nạn này. Thêm vào đó là tính phiêu lưu mạo hiểm của dân Anh, và ước muốn có nhiều tự do chính trị hơn, nhất là đối với những thành phần đối lập với triều đình. Triều đình Anh vì cũng muốn kềm chế các cường quốc khác bằng những tiền đồn của mình ở bên ngoài, nên đã khuyến khích di dân sang Mỹ lập thuộc địa.
Trong ba nguyên nhân dẫn đến sự thành lập thuộc địa, nguyên nhân tôn giáo là nguyên nhân mạnh mẽ nhất, chính là xương sống và sức sống giúp cho người dân thuộc địa chống chỏi lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Khu định cư Jamestown, được thành lập vì lý do kinh tế đã phải bỏ cuộc sau những khó khăn của hoàn cảnh địa lý. Sau năm đầu tiên chỉ còn 38 người, trong tổng số 144 di dân, là còn sống sót không bị chết đói. Sử gia sau này lý giải là những người di dân tại Jamestown bị cảnh cáo là nếu họ không tạo ra tài sản, thì sự yểm trợ tài chánh cho họ sẽ chấm dứt; cho nên, thay vì làm lụng để sinh nhai, đa số chỉ lo đi tìm vàng.[2]
Đặc Tính Của Thuộc Địa
Dù người dân thuộc địa vẫn tự xem họ là người Anh, nhưng hoàn cảnh địa lý và thiên nhiên đã thay đổi nếp suy nghĩ của họ. Thứ bậc giai cấp trong xã hội tại quê nhà không còn ý nghĩa quan trọng như trước, vì tại vùng đất mới, nỗ lực của cá nhân mới là sự quan trọng, quyết định không những sự thành bại của cá nhân, mà còn sự sinh tồn của cả gia đình. Chẳng bao lâu, thuộc địa Mỹ trờ thành “miền đất của cơ hội.”
Tại vùng đất hoang dã này, người Mỹ thuộc địa đã tự tạo cho mình một chế độ và hệ thống chính trị, phải nói là có một không hai trong lịch sử loài người từ trước tới bấy giờ. Đó là hệ thống chính trị tự-quản (self-governing). Các cơ quan chính quyền được lập ra hoàn toàn do sự đồng ý của mọi người dân thuộc địa. Viện Đại biểu Virginia là cơ quan lập pháp đầu tiên tại thuộc địa Virginia do cử tri nam giới từ 17 tuổi trở lên bầu ra.[3]
Tính chất địa lý khác nhau của ba miền tạo ra ba nền kinh tế khác nhau. Vùng New England, nhờ ở địa thế và khí hậu, có thể canh tác được nhiều loại nông sản và hoa màu. Nông gia tại New England sau khi đã canh tác đủ dùng, bán thực phẩm thặng dư cho miền Nam hoặc xuất cảng xuống những nước vùng Carribean. Lâu dần, thương mại và mậu dịch trở thành thế mạnh kinh tế của vùng New England. Vùng Miền Nam, vì địa lý và khí hậu, chỉ thuận tiện cho việc độc canh một thứ duy nhất là thuốc lá hoặc bông vải, cho nên, phát triển theo hướng kinh tế đồn điền, chứ không phát triển thành những đô thị lớn như ở vùng New England. Vùng Miền Trung cũng phát triển theo hướng tương tự. NewYork khởi đầu phát triển nhờ trao đổi lông thú với người Da đỏ, sau đó trở thành một hải cảng quan trọng cho mậu dịch. Pennyslvania phát triển nhở sản xuất nông phẩm dồi dào. Những người theo đạo Quaker trở thành những nhà buôn giàu có của thuộc địa Mỹ châu.[4]
Nguyên Nhân Dẫn Đến Cuộc Cách Mạng Mỹ
Như đã trình bày ở trên, người dân Mỹ tại thuộc địa tuy vẫn thần phục triều đình Anh quốc, nhưng cũng đã quen với nếp sống tự trị, tự quản. Nếu không có biến cố trọng đại nào xảy ra, có lẽ lịch sử đã đổi khác và nước Mỹ đã không hiện hữu trên trái đất này. Tuy nhiên, sau cuộc Chiến tranh Bảy năm (1754-1763), một cuộc thế chiến gồm có các cường quốc lúc bấy giờ và xảy ra tại Bắc Mỹ châu (còn được người Mỹ gọi là Cuộc chiến Pháp và Da đỏ), và Âu châu. Cuộc chiến này khiến cho Anh quốc kiệt quệ và ban hành một loạt những đạo luật buộc dân thuộc địa phải đóng thuế để giúp nước Anh. Có những đạo luật rất hà khắc, thí dụ như đạo luật “Đồn trú Quân đội” (Quartering Act, 1765) quy định chính quyền thuộc địa phải lo chỗ ăn ở cho binh sĩ Anh; sang năm 1766, đạo luật này mở rộng cho binh sĩ Anh đóng quân ở những nơi công cộng, và đạo luật về Chính quyền tại Massachussetts (Massachussetts Act, 1774) hủy bỏ Sắc chỉ thành lập thuộc địa và cho chính quyền Anh quốc toàn quyền kiểm soát những cuộc họp tại địa phương.
Thêm vào đó là những khoản thuế kỳ lạ đánh vào dân thuộc địa. Đạo luật về thuế đầu tiên trực tiếp đánh vào dân thuộc địa là đạo luật Tem (Stamp Act, 1765). Căn cứ theo đạo luật này, mọi văn kiện pháp lý, như bằng khoán, hôn thú, khai sinh, v.v, phải được viết trên một loại giấy có đóng dấu đặc biệt, rồi sau đó mọi loại báo chí, văn phòng phẩm, ngay cả bộ bài 52 lá cũng phải đóng loại thuế này. Nhưng đạo luật thuế gây căm phẫn và mang tiếng nhất là Thuế Trà (Tea Act, 1773), một hình thức giúp cho Công ty Đông Ấn của Anh giữ vai trò độc quyền về mậu dịch. Người Mỹ phản ứng bằng cách tẩy chay và không cho tàu chở hàng của Đông Ấn vào cảng của Mỹ. Khi ba chiếc tàu hàng chở trà vào cảng Boston, thì dân Boston nổi loạn và ném hết những kiện hàng trà xuống biển. Dân thuộc địa, tuy vậy, cũng đã tìm cách thương thuyết với triều đình Anh nhưng bất thành, và câu nói bất hủ: “Không đóng thuế nếu không có đại biểu tại quốc hội” đã trở thành lời kêu gọi phản kháng lại Anh quốc. Nhằm tạo được sự nhất trí về phương pháp đối phó, Quốc hội các Thuộc địa được triệu tập. Một số các đề nghị của Quốc hội Thuộc địa được trình lên Quốc hội Anh quốc, nhưng bị Quốc hội Anh bỏ qua không xét, rồi thì đến vụ quân Anh nổ súng vào Boston và tìm bắt những nhà Ái quốc, thì nước đã vỡ bờ. Các thuộc địa Mỹ chọn con đường cách mạng để giành độc lập từ tay Anh quốc (từ tháng Tư, 1775 Anh và Mỹ đã chạm súng lần đầu tiên tại Lexington, Massachussetts, và lần thứ hai tại Bunker Hill, Boston, tháng Sáu, 1775).
Tác Giả và Tác Phẩm
Thomas Paine[5] (1737-1809) sinh tại Thetford, Norfolk, Anh quốc, trong một gia đình theo đạo Quaker.[6] Thuở nhỏ Paine không được học hành nhiều, chỉ xong bậc tiểu học, và sau đó tập làm việc nhà với cha của ông, làm nghề may áo nịt ngực của phụ nữ. Khi lớn lên, Pain có làm cho Sở Thuế Gián Thâu một thời gian, nhưng cũng không thành công. Trong thời gian này Paine bắt đầu sinh hoạt chính trị, tham gia vào hội đồng thành phố và thành lập một câu lạc bộ tranh luận về những vấn đề chính trị. Khi làm nhân viên thâu thuế, Paine đòi tăng lương và, khi không được thỏa mãn, đã viết một bài luận văn trần tình về cảnh khổ của nhân viên thâu thuế mang tựa đề Trường hợp của nhân viên thâu thuế. Bài luận này đã khiến Paine bị đuổi việc và lên London làm thầy giáo. Tại đây, cơ duyên đã khiến cho Paine gặp Benjamin Franklin[7], và Franklin đã khuyến khích Paine sang Mỹ lập nghiệp. Dù là một người Anh, những hoạt động của Paine trong quá trình giành độc lập cho nước Mỹ từ Anh quốc đã khiến ông trở thành một trong những quốc phụ của nước Mỹ.
Paine đến Pennsylvania vào cuối năm 1774 và bắt đầu nghề viết báo. Tác phẩm đầu tiên của Paine được xuất bản tại Mỹ là tiểu luận Nô Lệ Phi Châu tại Mỹ vào năm 1775. Trong tiểu luận này Paine đã chỉ trích sự bất công và vô nhân đạo của chính sách nô lệ của dân Mỹ. Cũng trong thời kỳ này, Paine làm đồng-chủ biên của Tạp chí Pennsylvania. Trong lúc ở tại Pennsylvania, ông cảm nhận được sự căng thẳng và tinh thần nổi dậy của người dân thuộc địa ngày càng dâng cao, nhất là sau khi xảy ra vụ Tiệc Trà Boston và thuế Trà do chính phủ Anh đánh vào dân thuộc địa Mỹ, năm 1773.[8] Không những Paine ủng hộ quan điểm của dân thuộc địa Mỹ chống lại việc thu thuế, mà còn cho rằng người dân Mỹ có quyền tách rời, không lệ thuộc vào nước Anh nữa. Những ý tưởng và lập luận cổ xúy cho sự “độc lập” này được Paine nung nấu và cho ra đời bằng tiểu luận Lẽ Thường (Common Sense) vào tháng Giêng năm 1776.
Common Sense là một cụm từ phổ thông trong Anh ngữ, dùng để chỉ những kiến thức và nhận thức cơ bản và hợp lý mà con người có lý trí, bất kể ở trình độ học vấn nào, cũng đều nhận thức và công nhận như nhau; thí dụ như “bạo hổ bằng hà” là điều nguy hiểm mà ai cũng nhận thấy. Cho nên, “common sense” chính là những lý lẽ thông thường mà con người bình thường nào cũng hiểu được mà không cần phải lý luận. Trong tiểu luận này common sense được dịch là Lẽ Thường. Ngoài ra, theo Aristotle, những nhận thức thông thường—dựa trên cảm quan này—tạo thành một hệ thống gồm những nguyên lý cơ bản chi phối hành vi của con người và hoạt động của vũ trụ (mặt trời mọc đằng đông, lặn đằng tây, v.v). Do đó, tựa đề của tiểu luận Lẽ Thường cũng có thể được hiểu là “Những nguyên lý cơ bản.”
Khi Lẽ Thường được ấn hành, 120 ngàn ấn bản đã được bán hết chỉ trong ba tháng đầu tiên và 500 ngàn ấn bản trong năm đầu tiên, so với dân số thời đó là 2,5 triệu người, thì đây quả là một con số gây ấn tượng đáng nể.[9] Tiền tác quyền thu được Paine tặng hết cho quỹ quân đội cách mạng của George Washington. Trong thời gian chiến tranh cách mạng, Paine làm sĩ quan tùy viên cho tướng Washington, và dành thời giờ ban đêm để viết tiếp những tiểu luận khác cũng nổi tiếng không kém Lẽ Thường; một trong những tiểu luận đó là “Sự Khủng Hoảng,” một tiểu luận đã được Washington ra lệnh đọc cho toàn quân nghe, khi quân đội cách mạng đang lâm nguy trước sự tấn công của Anh quốc.
Sau khi cuộc Cách Mạng Mỹ thành công, Paine về lại Anh quốc năm 1787 vừa lúc cuộc Cách mạng Pháp 1789 sắp xảy ra, và Paine lại dính vào cuộc cách mạng này qua một luận cương mang nhan đề “Quyền của Con Người” nhằm ủng hộ cho chính nghĩa của cuộc Cách Mạng Pháp; không những thế, tiểu luận này còn phê bình và chỉ trích kịch liệt những định chế xã hội và quân chủ của Âu châu thời bấy giờ. Vì thế, chính quyền Anh đã ra lệnh xử khiếm diện Paine vì lúc này ông đã đi sang Pháp. Mặc dù là người nhiệt thành ủng hộ cách mạng, Paine lại không ủng hộ những chính sách quá khích của những kẻ cuồng tín cách mạng như Robespierre, nhất là khi phe quá khích đòi giết vua Louis XVI. Thái độ này của Paine khiến ông bị phe Robespierre bỏ tù và suýt nữa thì bị xử tử. Tin chắc là mình sẽ bị xử tử, Paine viết cuốn Thời của Lý Trí đả kích tất cả những hệ thống giáo hội có tổ chức là hủ bại. Nhờ một sự may mắn kỳ diệu, Paine bị “bỏ sót” trong số những tội nhân phải lên đoạn đầu đài, và được thả ra. Ông tiếp tục viết cho xong tác phẩm Thời của Lý Trí tại Mỹ. Ta có thể thấy ảnh hưởng của văn phong và lý luận của Paine trên những tác phẩm của các tác giả nổi tiếng của Mỹ như Thomas Jefferson, Abraham Lincoln, và ngay cả George Washington.
Thomas Paine mất năm 1809, thọ 72 tuổi, tại New York. Tại thành phố New Rochelle, NY, một thư viện được dựng lên để tưởng niệm Paine, và một pho tượng của ông được đúc và dựng tại đường King, thành phố Thetford, Norfolk, Anh quốc.
[1] Từ thế kỷ 16, Martin Luther đã khởi xướng phong trào cải cách Công giáo tại các nước Âu. Tại Anh do mục sư John Calvin chủ xướng.
[2] Theo “Lịch sử Hoa Kỳ” tại http://www.ushistory.org/us/
[5] Theo tài liệu từ http://www.spartacus.schoolnet.co.uk/PRpaine.htm
[6] Quaker, còn gọi là Hội Những Người Tín Hữu là một hệ phái của đạo Tin Lành, phát triển rất mạnh mẽ tại Mỹ. Nhưng tại Anh quốc đã từng bị bách hại nặng nề, tín hữu bị giam cầm trong giữa thập niên 1600. Sở dĩ Quaker bị giáo hội Anh giáo bách hại vì theo George Fox, người sáng lập ra Quaker, con người có thể thông công với trực tiếp với Thượng Đế qua cầu nguyện và đức tin. Vì bị bách hại trầm trọng, những người Quaker đã di dân sang Mỹ trong thế kỷ 17, nhưng tại Mỹ họ vẫn bị tiếp tục dè bỉu và đánh đập. Khi William Penn, một Tín Hữu, đến lập nghiệp và thành thống đốc của bang Pennsylvania, thì đời sống của người theo Quaker mới dễ thở hơn và phát triển mạnh mẽ tại bang này. Tín điều của Quaker gồm có: chống sở hữu nô lệ, chống chiến tranh, con người có thể tương thông (nói chuyện) trực tiếp với Thượng Đế, Kinh Thánh không phải là nguồn tri thức và tín lý duy nhất mà dựa vào đức tin của chính mình nhằm giải quyết những mâu thuẫn trong đời sống (và ngay cả trong Kinh Thánh nữa).
[7] Benjamin Franklin (1706-1790) là một vĩ nhân và là một nhà bác học của nước Mỹ, một trong những nhà quốc phụ, chính trị gia lỗi lạc, khoa học gia, nhà phát minh, triết gia, dù xuất thân cũng từ một gia đình rất bình dân, di dân sang Mỹ. Franklin chỉ được học xong tiểu học và phải đi tập việc với người anh trai trong ngành in. Chính nhờ công việc trong ngành in, Franklin tiếp cận được nhiều thông tin và sách vở và qua đó tự học và xây dựng vốn liếng tri thức của mình.
[8] Để giữ thế cạnh tranh cho Công ty Đông Ấn, công ty độc quyền nhập cảng trà vào nước Anh, trước sự nhập cảng trà của những nước khác, như Hà-lan chẳng hạn, chính phủ Anh đã miễn thuế cho công ty Đông Ấn 25%, và để bù lại khoản thu bị mất này, một đạo luật thuế mới gọi là Thuế Trà, được đánh lên người tiêu dùng ở thuộc địa Mỹ. Điều này khiến cho dân thuộc địa Mỹ bất mãn, vì họ bị đánh thuế mà không được phép có đại biểu trong quốc hội Anh để tranh đấu cho quyền lợi của họ. Câu nói trứ danh “Không đóng thuế, nếu không có dân biểu” là câu khẩu hiệu đã được sử dụng rộng rãi làm lời hiệu triệu nổi dậy của phong trào Tiệc Trà Boston.
[9] Sanjoy Mahajan. (2011), Freakanomics. Bản điện tử: http://www.freakonomics.com/2011/09/01/were-colonial-americans-more-literate-than-americans-today/