Richard T. De George
Thuật ngữ ” đạo đức kinh doanh” được dùng trong rất nhiều trường hợp và lịch sử của nó thay đổi tùy theo những vấn đề liên quan nào sẽ được bàn thảo. Lịch sử này sẽ cũng thay đổi phần nào tùy theo quan điểm người viết trong từng trường hợp cá biệt, cũng như tùy theo quan điểm của sử gia về quan niệm đạo đức, cộng với những dữ kiện họ sẵn có trong tay hoặc sẽ tìm ra, hoặc mức độ quan trọng mà người viết sử gán cho những sự kiện đó. Vì thế, dựa trên những chi tiết khác nhau, câu chuyện tôi kể hôm nay sẽ không giống với câu chuyện của những người khác sẽ kể, và có thể dẫn đến những cuộc bàn luận vì nhiều người không đồng ý kiến với tôi. Như thế chẳng tốt hơn là ai cũng cùng một ý kiến, cùng lập đi lập lại mãi những chi tiết giống nhau?
Câu chuyện tôi kể sẽ có ba hướng, vì tôi tin là thuật ngữ đạo đức kinh doanh được sử dụng ít ra trong ba ý nghĩa khác nhau, nhưng vẫn liên quan với nhau. Những ý nghĩa này đương nhiên sẽ là những điểm chính để bàn thảo về đề tài trên đây.
Ý nghĩa đầu tiên của thuật ngữ này liên quan đến những sự phát triển trong thời gian gần đây và liên quan đến giai đoạn từ khoảng chừng đầu thập niên 1970, khi mà thuật ngữ “đạo đức kinh doanh” được sử dụng thường xuyên ở Hoa Kỳ. Nguồn gốc của ý nghĩa này có thể tìm thấy trong môi trường học viện, nơi xuất phát những bài khảo luận hay hội thảo có tính chất hàn lâm trong lãnh vực giảng dạy, nghiên cứu và xuất bản. Đó là một hướng của câu chuyện.
Khi thuật ngữ này được dùng rộng rãi trong giới truyền thông và công chúng, nó thường trở thành đồng nghĩa với những vụ bê bối trong doanh nghiệp hay tổng quát hơn, có thể cho là “những luật lệ trong kinh doanh.” Bằng ý nghĩa rộng này, lịch sử của chữ đạo đức kinh doanh trở về cái nguồn gốc của chữ kinh doanh, là những trao đổi thương mại và sau này cũng có nghĩa là những hệ thống kinh tế. Đó là một hướng khác của câu chuyện.
Hướng thứ ba của của câu chuyện liên quan đến ý nghĩa thứ ba của đạo đức kinh doanh. Nó hướng đến một phong trào trong phạm vi thương trường hay là phong trào nhằm tạo dựng rõ ràng một nền đạo đức trong cơ cấu của doanh nghiệp qua những quy phạm và cùng những viên chức và hội đồng kiểm tra đạo đức doanh nghiệp. Thêm vào đó, thuật ngữ này đã được dùng rộng rãi trên toàn thế giới, cho dù cái ý nghĩa của nó bên Âu châu thì phần nào khác cái ý nghĩa dùng ở Hoa Kỳ.
Ý nghĩa “Quy luật đạo đức” trong “đạo đức kinh doanh”
Theo nghĩa rộng, quy luật đạo đức trong doanh nghiệp đơn giản chỉ là sự áp dụng những điều đạo đức hàng ngày hay quy phạm đạo đức vào việc kinh doanh. Có lẽ thí dụ dễ nhớ nhất là những luật lệ đạo đức từ Mười Điều Răn trong Kinh Thánh, mà ngày nay vẫn còn là điều hướng dẫn được nhiều người dùng đến. Cụ thể như điều khuyên về sự trung thực và thành thật, hoặc điều ngăn cấm về trộm cắp hay ganh tỵ là những điều vẫn thường được áp dụng. Một vài khái niệm về quản lý có thể tìm thấy trong Kinh Thánh, cũng như những khái niệm đã được áp dụng vào kinh doanh. Những truyền thống hay tôn giáo khác cũng có những văn bản thiêng liêng hay cổ xưa dùng để hướng dẫn con người trong mọi lãnh vực, kể cả kinh doanh, qua nhiều thế kỷ, và vẫn còn tiếp tục được áp dụng.
Nếu chuyển từ lãnh vực tôn giáo sang triết lý, chúng ta cũng có một truyền thống lâu đời tương tự. Plato được biết đến qua những cuộc thảo luận về pháp luật của ông trong tác phẩm “Cộng Hòa Luận,” và Aristotle đã bàn thật rõ ràng những mối quan hệ kinh tế, thươmg mại và mậu dịch dưới nhan đề “hộ gia đình” trong tác phẩm “Chính Trị Luận” của ông. Nhận định của Aristotle về mậu dịch, trao đổi, sở hữu, trưng thu, tiền tệ và tài sản hầu như cũng còn ảnh hưởng đến ngày nay. Ông đưa ra nhiều điều phán xét về sự tham lam và việc lạm dụng quá đáng sức lực con người để theo đuổi sự giàu có. Ông cũng chỉ trích việc cho vay nặng lãi vì nó liên quan đến lợi nhuận của bản thân tiền tệ hơn là từ quá trình trao đổi mà trong đó đồng tiền chỉ là một phương tiện.[1] Aristotle cũng đưa ra định nghĩa cổ điển về sự công bằng: những người đồng đẳng phải được đối xử bình đẳng, sòng phẳng trong giao dịch “tiền nào của nấy,” và sự tưởng thưởng tương xứng với công lao.[2]
Ở phương Tây, sau khi La Mã suy tàn, giáo lý Cơ Đốc trở thành tư tưởng chủ đạo, và dù đã có nhiều sự thảo luận khác nhau về sự giàu nghèo, về chủ quyền và sở hữu, vấn đề kinh doanh vẫn chưa được nói đến một cách có hệ thống, ngoại trừ trong nội dung của pháp lý và dựa theo sự thành thật trong việc mua bán. Ta thấy điều này trong lập luận của Thomas Aquinas về việc bán hàng hóa đắt hơn giá trị thật của chúng với giá bán cao hơn là giá mua. Và dựa trên lập luận của Aristotle, Aquinas chỉ trích vấn đề cho vay nặng lãi.[3] Tuy nhiên, ông cũng biện minh cho sự vay mượn hợp lý từ những người sẵn sàng cho vay lấy lời.
Luther, Calvin và John Wesley, là ba trong số những người theo chính sách Cải Cách cũng đã bàn thảo về vấn đề mậu dịch và kinh doanh và đã đi tiên phong trong việc phát triển quy luật đạo đức trong công việc (lương tâm nghề nghiệp) của người tín đồ đạo Tin Lành.[4] Tác phẩm “Tôn giáo và Sự Phát triển của Chủ nghĩa Tư bản“[5] của R. H. Tawney lý giải một cách thuyết phục rằng tôn giáo là một phần căn bản trong sự phát triển chủ nghĩa cá nhân và của nền thương mại như ta thấy trong giai đoạn hiện đại này. Tuy nhiên, giai đoạn này lại tìm cách ly khai tôn giáo khỏi thế gian và ly khai chính trị khỏi tôn giáo. Trong quá trình này, kinh tế và hoạt động kinh tế cũng bị tách biệt khỏi tôn giáo và liên kết với chính trị để tạo nên cái gọi là kinh tế-chính trị học.
John Locke đã khai triển chính sách cổ điển về quyền bảo vệ tài sản như là một quyền hạn tự nhiên. Theo ông, con người có được tài sản nhờ kết hợp sức lao động với những gì họ tìm thấy trong thiên nhiên.[6] Adam Smith, người được xem là cha đẻ của nền kinh tế hiện đại qua tác phẩm “Khảo sát về Nguồn gốc và Bản chất của sự Giàu có của Quốc gia,” khai triển khái niệm sức lao động của Locke thành một “lý thuyết về giá trị của lao động.” Hiện thời, các nhà bình luận xem ông là người cổ xúy cho nền kinh tế “tự do” và chú trọng vào thành ngữ “bàn tay vô hình” của ông. Nhưng các nhà bình luận này quên rằng Smith cũng từng là một triết gia về đạo đức và là tác giả của tác phẩm “Lý thuyết về Tính chất Đạo đức của Tình cảm.” Theo ông, hai lãnh vực đạo đức và kinh tế không thể tách biệt được. John Stuart Mill, Immanuel Kant, G. W. F. Hegel đều viết về những đề tài kinh tế và sự phân phối tài sản công bằng. Tuy nhiên, Karl Marx, nổi bật lên như một người phê phán chủ nghĩa tư bản sắc bén nhất khi chủ nghĩa này phát triển trong thế kỷ 19. Sự phê phán của Marx dưới hình thức này hay hình thức khác vẫn tiếp diễn đến ngày nay, ngay cả khi không đề cập đến Marx.
Marx nhận định rằng chủ nghĩa tư bản được xây dựng trên sự bóc lột sức lao động. Đó là một nhận định thật sự hay chỉ là một lời phê phán đạo đức, cũng là điều còn phải bàn cãi, nhưng có lẽ nó đã được xem là lời chỉ trích về đạo đức vì “sự bóc lột” là một thuật ngữ tố cáo có tính cách đạo đức và hình như Marx có vẻ thiên về tố cáo sự bất công. Nhận định của Marx dựa trên sự phân tích của ông về “lý thuyết về giá trị thặng dư lao động,” qua đó tất cả giá trị kinh tế có được từ sức lao động của con người mà ra. Theo Marx, món hàng hóa duy nhất không được bán đúng giá là sức lao động. Các công nhân được trả công ít hơn là giá trị họ sản xuất ra. Sự sai biệt giữa giá trị mà các công nhân sản xuất ra và giá mà họ được trả công là nguồn gốc của lợi nhuận cho chủ hãng hay chủ của những phương tiện sản xuất. Nếu các công nhân được trả công bằng giá trị mà họ sản xuất ra thì sẽ không có lợi nhuận và chủ nghĩa tư bản sẽ biến mất. Thay vào đó là chủ nghĩa xã hội và dần dà là chủ nghĩa cộng sản, trong đó, mọi tài sản đều là của chung toàn xã hội (trái ngược với của cá nhân), và trong đó mọi thành viên của xã hội sẽ làm việc theo khả năng và hưởng theo nhu cầu của họ. Kết quả sẽ là sẽ có một xã hội (từ từ sẽ là cả thế giới) không còn sự bóc lột cùng sự phân biệt mà giới công nhân trong những xã hội tư bản phải chịu đựng.
Khái niệm “bóc lột” đã được Lenin khai triển trong tác phẩm “Chủ Nghĩa Đế Quốc: Giai đoạn Tột cùng của Chủ nghĩa Tư bản,” trong đó ông đã nhận định rằng sự bóc lột công nhân trong những nước phát triển đã giảm bớt và điều kiện làm việc của giới công nhân đã được nâng cao vì sự bóc lột tồi tệ nhất đã được đem qua các thuộc địa. Sự phê phán của ông đã được nhiều nhà phê bình đương thời áp dụng; họ cho rằng những công ty đa quốc gia thâu được lợi nhuận bằng cách bóc lột công nhân tại những nước kém phát triển hơn.
Lập luận của Marx ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới công nhân thời đó và góp phần lập ra phong trào lao động, qua đó giúp cải thiện điều kiện làm việc của công nhân. Frederich Engels, người cộng tác với Marx, nhận định thế giới được phân chia bởi những người theo Marx và những người theo tôn giáo. Rồi những người theo lý thuyết Marx tìm cách chinh phục tâm hồn của giới công nhân. Đức Giáo Hoàng Leo XIII, không chấp nhận để đạo đức bị mất vị thế cao cả và vai trò của đạo đức trên hành vi của con người, đã ban hành Tông thư Giáo hoàng đầu tiên về vấn đề công bằng xã hội: Rerum Novarum. Tông thư này nhằm phản đối lập luận của Marx và biện minh cho quyền tư hữu, đồng thời đưa ra câu trả lời cho sự bóc lột qua khái niệm đồng lương hợp lý, là tiền lương đủ nuôi sống người công nhân cần kiệm và lương thiện cùng với vợ con họ.[7] Những đức giáo hoàng sau này đã theo gương Giáo hoàng Leo. Năm 1931, Đức Giáo Hoàng Pius XI viết Quadegesimo Anno (Tông thư sau 40 năm) đả kích, cả hai chủ nghĩa xã hội xô-viết và chủ nghĩa tư bản “tự do” về phương diện đạo đức. Luận đề này được tiếp nối bởi Đức Giáo Hoàng John Paul đệ II trong Laborem Exercens (Tông thư về Lao động, 1981) và Centesimus Annus(Tông thư kỷ niệm 100 năm, 1991). Năm 1984 Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ cũng đã ban hành một Lá Thư Giám Mục với cùng quan điểm, nhưng cởi mở hơn đối với hệ thống kinh doanh tự do của Hoa Kỳ. Mục đích của những tông thư này không đề cử ra một hệ thống kinh tế nào cả, mà chỉ để nhấn mạnh rằng bất kỳ hệ thống kinh tế nào cũng không được mâu thuẫn với những nguyên lý đạo đức Thiên Chúa Giáo và cải thiện những điều kiện làm việc của quảng đại quần chúng, nhất là cho những người nghèo người kém may mắn. Cho nên, dù những đức giáo hoàng phê phán các cấu trúc kinh tế hiện hữu, điều các ngài khẳng định vẫn chủ yếu là mọi cá nhân phải sống theo những quy luật đạo đức, kể cả phải làm những việc từ thiện.
Mặc dù không có một quyền lực trung ương để ban hành nhữnh chỉ thị như tông thư giáo hoàng, truyền thống đạo Tin Lành cũng vẫn giống truyền thống bên Thiên Chúa giáo. Có lẽ nhân vật trong đạo Tin Lành có nhiều ảnh hưởng nhất trong vấn đề này là Reinhold Niebuhr mà tác phẩm “Con người Đạo đức và Xã hội Vô luân“[8] phê phán sắc bén chủ nghĩa tư bản của ông đã trở thành giáo trình căn bản trong những hội nghị hay học viện thần học. Năm 1993, Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới đã đưa ra bản “Tuyên ngôn Đạo đức Toàn cầu” để lên án sự phá hoại những hệ thống môi sinh của trái đất, sự nghèo túng, đói khát và sự bất bình đẳng đã đưa nhiều gia đình vào cảnh tan nát.
Quan niệm đạo đức trong kinh doanh tiếp tục cho đến ngày nay. Nói chung, ở Hoa Kỳ điều này tập trung vào những cách hành xử đạo đức hay luân lý của các cá nhân. Chính trong ý niệm này mà nhiều người khi bàn thảo về vấn đề đạo đức kinh doanh, đã đưa ra tức khắc các thí dụ về những hành vi vô đạo đức hay vô luân của nhiều cá nhân. Trong khái niệm đó, cũng có sự phê phán các công ty đa quốc gia đã sử dụng sức lao động của trẻ em hay là trả mức lương chết đói cho công nhân ở những nước kém phát triển Sự phê phán này cũng nhắm vào những công ty đã mua nguồn hàng từ những hãng xưởng bóc lột sức lao động công nhân. Nhiều người trong giới kinh doanh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi đức tin theo tôn giáo và những quy thức luân lý trong hoạt động kinh doanh của họ. Aaron Feuerstein là một điển hình. Khi hỏa hoạn thiêu hủy hầu hết cơ xưởng Malden Mills của ông, ông đã trả lương đều cho các công nhân cho đến khi ông có thể xây dựng lại. Ông thường công khai nói rằng ông chỉ làm điều mà đức tin trong đạo Do Thái của ông chỉ dạy.
Hướng này của câu chuyện có lẽ là hướng đầu tiên trong suy nghĩ của một người bình thường khi nghe thuật ngữ đạo đức kinh doanh. Giới truyền thông truyền bá những câu chuyện về ban lãnh đạo Enron làm việc vô đạo đức hay về những hoạt động phi đạo đức của Arthur Andersen hay WorldCom,vân vân, và công chúng xem như đây là điều tiêu biểu cho sự hiện diện và cho những nhu cầu về đạo đức kinh doanh. Điều họ đề cập là sự cần thiết của đạo đức trong kinh doanh.
Đạo đức Kinh Doanh — Một Ngành Học Thuật
Nếu ta xem Đạo đức kinh doanh như là một ngành học thuật hoặc là một phong trào trong doanh nghiệp, thì nó có một lịch sử gần hơn. Trong hướng thứ hai của câu chuyện này, ta sẽ xét xem đạo đức kinh doanh như một ngành học thuật.
Thập niên 1960 đánh dấu một sự thay đổi thái độ về xã hội ở Hoa Kỳ và về thương mại. Thế chiến thứ hai đã qua, chiến tranh lạnh đang hiện diện và chiến tranh Việt Nam là lý do đưa đến nhiều sự chống đối về chính sách công và đến cái gọi là sự kết hợp quân sự-công nghiệp; những sự chống đối này khiến cho quần chúng gia tăng sự phê phán và đòi hỏi kiểm soát chính quyền nhiều hơn nữa. Phong trào Đòi Dân quyền đã được công luận để ý. Hoa Kỳ ngày càng trở nên một lực lượng kinh tế thống lãnh trên trường quốc tế. Những công ty đa quốc gia có gốc ở Mỹ đang lớn lên cả về tầm vóc lẫn tầm quan trọng. Công ty lớn hình thành thay thế những công ty nhỏ và vừa trong hình ảnh xã hội của thương mại. Kỹ nghệ hóa chất mở mang với nhiều sáng chế và trong sự vươn lên đó mang theo những tai họa môi sinh trong tầm mức chưa từng có trước đây. Tinh thần của những sự chống đối dẫn đến phong trào bảo vệ môi sinh, đến sự hình thành quyền của người tiêu thụ và sự chỉ trích những công ty đa quốc gia.
Các công ty chịu sự công kích và chỉ trích của công chúng đã phản ứng bằng cách khai triển khái niệm về trách nhiệm xã hội. Họ khởi xướng những chương trình này và chi phí nhiều tiền nhằm quảng cáo cho những chương trình này và những ảnh hưởng tốt trong việc phục vụ đời sống xã hội. Cái nghĩa chính xác của “trách nghiệm xã hội” thay đổi tùy theo ngành kỹ nghệ và công ty. Nhưng cho dù đó là việc trồng lại rừng hay cắt giảm ô nhiễm hay nâng cao sự đa dạng trong lực lượng nhân công, tinh thần trách nhiệm xã hội đã là thuật ngữ dùng để phản ánh những hoạt động có ích cho xã hội của một công ty và thường thường, những hoạt động đó được ngầm hiểu là để bù đắp cho những hoạt động vô luân lý hay đi ngược lại lợi ích xã hội mà công ty đó đang bị kiện cáo. Những học viện về kinh doanh đáp ứng bằng cách khai triển những khóa học về trách nhiệm xã hội hay những chủ đề về xã hội trong ngành quản trị – những khóa học đó ngày nay vẫn còn thịnh hành. Trong thập niên 1960, phần nhiều những khóa học đó nhấn mạnh về luật lệ và quan điểm của giới quản lý, mặc dù chẳng bao lâu quan điểm của giới công nhân, giới tiêu thụ và công chúng đã được đưa thêm vào. Các sách giáo khoa đã không chú tâm một cách hệ thống đến lý thuyết đạo đức, và đã có khuynh hướng chú trọng đến những nghiên cứu thực nghiệm hơn là đến sự phát triển hay sự bênh vực cho những tiêu chuẩn dùng để đánh giá những hoạt động của doanh nghiệp.
Lịch sử của phong trào tinh thần trách nhiệm xã hội là một câu chuyện của chính nó và là câu chuyện mà mỗi người viết lại một cách khác nhau. Một câu chuyện, viết bởi Archie Carroll, mô tả tinh thần trách nhiệm xã hội như là một kim tự tháp kết nối bốn loại trách nhiệm mà các cơ sở kinh doanh có: Phần đáy là kinh tế, rồi đến pháp lý và đạo đức và rồi là lòng nhân đạo. Và mặc dù nhiều người đại diện cho tinh thần trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp cho rằng họ đã áp dụng đạo đức trong kinh doanh trước khi vấn đề này trở thành phổ thông và tuyên xưng rằng những điều họ làm chính là đạo đức kinh doanh. Nhưng chắc chắn đấy không phải là loại đạo đức kinh doanh mà tôi sắp kể dưới đây.
Đạo đức kinh doanh được xem là một ngành học thuật trổi lên vào thập niên 1970. Trước thời này cũng đã có vài khóa học được gọi bằng tên này; và có vài nhân vật, như Raymond Baumhart,[9] đã bàn tới lãnh vực đạo đức và kinh doanh. Phần lớn những vấn đề đạo đức, nếu được bàn thảo đến, đã được giải quyết trong những khóa học về vấn đề xã hội. Những nhà thần học hay nghiên cứu về tôn giáo cũng như các chuyên gia về truyền thông tiếp tục viết và giảng dạy vấn đề này; các giáo sư trong ngành quản trị tiếp tục viết và nghiên cứu vấn đề trách nhiệm xã hội của cơ sở kinh doanh. Thành phần và chất xúc tác mới dẫn đến lãnh vực đạo đức kinh doanh là sự xuất hiện của một số lượng đáng kể những triết gia đã đem lý thuyết về đạo đức và những phân tích triết lý để bàn luận về nhiều loại đề tài kinh doanh khác nhau. Sự xuất hiện của ngành đạo đức kinh doanh nàylà kết quả của sự giao tiếp của lý thuyết đạo đức với những việc nghiên cứu thực nghiệm và sự phân tích các trường hợp và vấn đề được khảo sát..
Norman Bowie định ngày sinh của ngành đạo đức kinh doanh học là vào tháng 11 năm 1974, qua hội nghị đầu tiên về chủ đề đạo đức kinh doanh được tổ chức ở trường Đại học Kansas. Kết quả đạt được là một tuyển tập luận đề đầu tiên đã được dùng trong những khóa học mới về ngành này mở ra ào ạt về sau. Chỉ từ lúc đó những hoạt động rộn ràng kể trên mới được khai triển chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Năm 1979, ba tuyển tập trong ngành đã xuất hiện: Lý thuyết Đạo đức và Kinh doanh của Tom Beauchamp và Norman Bowie, Các Vấn đề Đạo đức trong Kinh doanh: Qua Lăng kính Triết học của Thomas Donaldson và Patricia Werhane, và Các Vấn dề Đạo đức trong Doanh nghiệp của Vincent Barry. Năm 1982, những quyển sách đầu tiên trong ngành học này viết bởi một tác giả duy nhất xuất hiện; đó là Đạo đức Kinh doanh của Richard De George và Đạo đức Kinh doanh: Khái niệm và Các Trường hợp Khảo sát của Manuel G. Velasquez. Những quyển sách này có ngay một thị trường đang sẵn sàng đón nhận và những khóa học về đạo đức kinh doanh trong những phân khoa triết học và những trường dạy kinh doanh đã phát triển một cách nhanh chóng. Như thế, số lượng sách giáo khoa đã theo đó mà gia tăng gấp bội.
Ngành học này đã phát triển tương tự như ngành đạo đức trong y khoa, cũng đã trổi lên mười năm trước trong thập niêm 1960, và cái danh xưng cũng song hành với ngành học trước – mặc dù ngay cả một điều là thuật ngữ “đạo đức kinh doanh” có nên được chấp nhận hay không cũng đã được bàn thảo trong vòng một nhóm tương đối nhỏ những người đã xúc tiến khởi xướng điều cơ bản để trở thành một ngành học thuật. Công trình tiên khởi của John Rawls năm 1971, Một Lý thuyết về Công lý, đã giúp cho việc áp dụng vấn đề đạo đức và những đề tài kinh tế và kinh doanh được các triết gia ở học viện chấp nhận hơn trước. Trong khi phần lớn những tác giả viết về đề tài xã hội là các giáo sư trong lãnh vực kinh doanh, thì phần lớn những tác giả viết về đạo đức kinh doanh đầu tiên lại là các giáo sư triết học, một số những người này giảng dạy trong các học viện về kinh doanh. Điều phân biệt ngành đạo đức kinh doanh, một ngành riêng biệt, với những vấn đề xã hội trong lãnh vực quản trị là:
1) Dù tinh thần trách nhiệm xã hội có thể đã và sẽ được những doanh nghiệp định nghĩa nhằm che giấu những việc không tốt đẹp đã làm và để có thể trình bày trước công luận là họ đang giúp ích cho xã hội, đạo đức tự nó có những tiêu chuẩn độc lập mà doanh nghiệp không thể ảnh hưởng được.
2) Trong chiều hướng đó, ngành đạo đức kinh doanh đã khiến cho doanh nghiệp, ít nhất phải đắn đo về cách thức làm ăn của họ — hơn rất nhiều so với cái khuynh hướng của tinh thần trách nhiệm xã hội từng có. Nếu chúng ta nhìn lại cái kim tự tháp của Archie Carroll, ta không thể xem đạo đức là một điều đi theo sau kinh tế và pháp luật, nhưng nó phải là những hạn chế trên các hoạt động kinh tế hay là cơ sở để biện minh cho việc ban hành các đạo luật về hành xử đạo đức trong doanh nghiệp và để đề cử ra thêm những hạn chế pháp lý khác nhằm đáp ứng với thực tế. Kết quả là ngành đạo đức kinh doanh và những nhà nghiên cứu về nó không được giới kinh doanh tiếp đón nồng hậu, vì ngành này mang đến nhiều sự đe dọa cải cách, lại được thuyết giảng bởi những người không phải đối mặt với những khó khăn thực tế của công ty.
Sự phát triển của ngành học này không được dễ dàng và những học giả nghiên cứu trong ngành cũng trước tiên chịu sự đón tiếp lạnh nhạt của các bạn đồng nghiệp trong các khoa triết học, những người trong lãnh vực kinh doanh và trong các học viện kinh doanh. Nhóm người đầu tiên trong khoa triết không xem vấn đề kinh doanh có giá trị về mặt triết lý đáng để theo đuổi, và rất nhiều người đã có định kiến chống kinh doanh. Nhóm những người sau chất vấn các nhà triết học có được gì hay ho từ vấn đề này để đem vào lãnh vực kinh doanh. Những cố gắng ban đầu gặp nhiều khó khăn, và càng ngày càng nhiều người theo vào ngành học này trong đó thường là những người thiếu hiểu biết hay thực sự đi theo những cuộc bút chiến nhằm công kích hoặc bênh vực giới kinh doanh. Nhiều nhà quan sát cho rằng ngành đạo đức kinh doanh chỉ là một phong trào thời thượng rồi cũng sẽ mau chóng phai tàn. Nhiều người khác hiểu lầm mục đích của ngành học này và xem nó như là phương tiện cung ứng sự biện minh hay một lý lẽ cho bất kỳ chuyện gì mà giới kinh doanh muốn làm. Ngành học này đã trải qua nhiều năm để tự khẳng định chính mình, để định ra những tiêu chuẩn học tập khắt khe theo đúng chuẩn mực, và đã được công nhận. Là một ngành học, nó bao gồm những căn bản về đạo đức trong kinh doanh, trong quyền tư hữu, và trong nhiều hệ thống kinh tế khác nhau.
3) Mặc dù ngành học này có quan tâm đến giới quản lý và công nhân như là những con người đứng đắn có trách nhiệm cũng như có quyền lợi, nó chú trọng nhiều hơn đến công ty, với cấu trúc và những hoạt động, kể cả những chức năng kinh doanh bao gồm thị trường, tài chánh, quản trị và sản xuất. Những vấn đề liên quan, như môi trường bị ảnh hưởng qua những hoạt động kinh doanh được trình bày trong hầu hết các khóa học hay sách giáo khoa, và vấn đề đuợc chú trọng ngày càng nhiều là hoạt động của các công ty đa quốc gia.
Những cuộc thảo luận ban đầu giới thiệu cho các sinh viên hai kỹ năng cơ bản để thảo luận về luân lý, một dùng bởi phe chủ trương “công lợi” (những người cho rằng hoạt động để cung cấp ích lợi nhiều nhất cho nhiều người nhất là đúng) và một bởi phe “đạo nghĩa” (cho rằng bổn phận, công lý và quyền hạn không thể bị giảm thiểu theo tác động của lợi ích). Những khuynh hướng khác chẳng bao lâu cũng đã được giới thiệu, bao gồm luật tự nhiên, đức hạnh đạo đức (dựa theo Aristotle) và lòng nhân hợp đạo lý (thường được giới chủ trương nam nữ bình quyền sử dụng). Cuộc thảo luận triết lý ban đầu liên quan đến tình trạng đạo đức của các công ty, về vấn đề sử dụng ngôn ngữ đạo đức có thích hợp không khi nói về hành vi của các công ty này, hay là đối tượng đúng đắn nhất cho việc đánh giá phương diện đạo đức chỉ là con người và các hành động của nó. Điều tranh cãi đó không được giải quyết hoàn toàn nhưng phần nhiều các tác giả chấp nhận là đã có nhiều tư tưởng đóng góp vào các hoạt động và chính sách cho các công ty cũng như vào những cá nhân làm việc trong đó.
Sự phát triển ngành đạo đức kinh doanh, để hỗ trợ cho một nền đạo đức thông thường, đã bị bế tắc ở điểm nào? Và ai là đối tượng?
Những người trong ngành triết học đưa thêm một khuôn mẫu lý thuyết vào những lãnh vực còn khiếm khuyết. Trong khuôn mẫu đó, họ kết hợp cả khuynh hướng trách nhiệm cá nhân (đã được chú trọng trong đạo đức doanh nghiệp) lẫn khuynh hướng trách nhiệm xã hội (áp dụng đạo đức vào các hệ thống kinh tế, vào các định chế doanh nghiệp, và vào sự hoạt động của các công ty).
Vấn đề đạo đức thông thường và đạo đức trong kinh doanh như đã được trình bày là những chuyện bình thường, liên quan đến mọi khía cạnh đạo đức trong doanh nghiệp. Nhân viên không nên ăn cắp của công ty và công ty thì không nên lường gạt khách hàng. Không ai cần một chuyên gia đạo đức để chỉ cho họ chuyện này cả. Nhưng nếu đó chỉ là những điều mà khoa đạo đức học kinh doanh đóng góp cho ngành học này thì sự đóng góp đó quả thực là nông cạn. Thực ra, những nhà đạo đức học trong kinh doanh không những đã đưa ra thêm những luận cứ chứng minh rằng những quyết định theo lẽ thường là những quyết định đúng đắn, mà còn cung cấp thêm phương tiện lý luận để thảo luận một cách khôn ngoan hơn về tính cách đạo đức của những vấn đề mới. Họ có thể tham gia và đã tham gia vào những cuộc tranh luận như vậy-thí dụ như cuộc thảo luận về tính chất hợp lý của những chính sách “hành động tích cực”[10] nhằm trợ giúp thành phần thiểu số, hay một cách cơ bản hơn thảo luận về định nghĩa của hành động tích cực. Những nhà đạo đức học phân tích và bảo vệ quyền của công nhân, như quyền đình công, tính chất đạo đức trong việc quyết định lương bổng của phụ nữ trong doanh nghiệp tương đương với nam giới, thế nào là hối lộ và tố cáo sai phạm, vân vân. Ta có thể thấy được những đóng góp này qua những tạp chí chuyên đề bao gồm nhiều vấn để đã được thảo luận, soi sáng, và đã đưa đến kết luận. Tính chất đạo đức của những việc như mua lại những công ty đang thua lỗ với giá rẻ, đe dọa chiếm hữu doanh nghiệp bằng cách mua đa số cổ phiếu,[11] xuất cảng việc làm, tái phối trí cơ cấu doanh nghiệp đều là những vấn đề phức tạp mà quy luật đạo đức thông thường chưa có câu trả lời rõ ràng hay có những sự phán xét đúng sai rõ rệt. Thật là lạ khi ta thấy rằng chẳng có công ty nào trước khi quyết định bỏ một số tiền lớn đầu tư mà lại không nghiên cứu cẩn thận và chu đáo, nhưng cũng có những người nghĩ rằng những sự phán xét đạo đức phải được thực hiện tức khắc không cần thì giờ để suy nghĩ, thảo luận gì hết. Hãng Levi-Strauss, nổi tiếng lâu năm về việc bảo vệ uy tín và giá trị, đã thành lập một ủy ban cao cấp nghiên cứu trong suốt ba tháng để xem có nên đầu tư vào Trung Hoa hay không.
Tuy nhiên, nếu những người trong ngành đạo đức kinh doanh chỉ viết bài cho chính họ, người ta có thể chất vấn về sự thiết thực của những điều đó. Những gì họ viết giúp chuyển tải tài liệu đến một số lớn giảng viên dạy ngành này, và qua đó, ảnh hưởng một số lớp sinh viên sau này sẽ trở thành giảng viên. Thêm nữa, nhiều người trong giới kinh doanh cũng tìm đọc những tài liệu về đạo đức kinh doanh và nhờ những tác giả này làm cố vấn về những vấn đề đạo đức hay nhờ họ soạn những quy luật đạo đức cho công ty hoặc soạn thảo những chương trình huấn luyện về đạo đức. Giới truyền thông cũng thường nhờ những người trong ngành học này hướng dẫn, giúp đỡ hay đưa ra những lời trích yếu ngắn gọn để đưa tin (sound bite). Các học giả trong ngành này cũng đã có những nỗ lực để mở ra cuộc đối thoại với giới kinh doanh và cho tới nay thường thì cũng thành công. Do thế, đối tượng của những học giả đó không chỉ còn là các đồng nghiệp hay giới sinh viên mà còn là giới quản trị công ty và công chúng nói chung. Trung gian giữa các học giả trong thư phòng và người điều hành công ty là giới tư vấn không nằm trong môi trường học viện, mà phần nhiều trong số đó sử dụng những tài liệu chuyên đề này để thu thập tin tức mới mẻ nhất và theo dõi những lập luận theo hay chống lại những phe phái khác nhau. Những người này không chỉ đóng vai trò trung gian nhưng theo một ý nghĩa nào đó, còn là người thông dịch để chuyển hóa những thuật ngữ khô khan thành ra ngôn ngữ của giới kinh doanh.
Hơn nữa, sự phát triển của một ngành học thuật không chỉ giới hạn trong các sách giáo khoa và các khóa học. Điều khác biệt giữa những bài viết rời rạc, riêng rẽ lúc ban đầu và những hội nghị xuất phát từ sự phát triển của ngành đạo đức kinh doanh sau những năm giữa của thập niên 1970 chỉ là do chính trong thời gian sau này ngành đã được định chế hóa ở nhiều mức độ khác nhau. Vào giữa thập niên 1980, đã có ít nhất là 500 khóa học trong ngành được giảng dạy trên toàn quốc cho 40,000 sinh viên. Không những chỉ có ít nhất là 20 sách giáo khoa và ít ra là 10 tủ sách, mà còn có những hội đoàn, trung tâm, và tạp chí riêng cho ngành này nữa.
Đạo đức Kinh doanh Hội được thành lập vào năm 1980. Cuộc hội nghị đầu tiên của Hội đã được tổ chức chung với hội nghị của Hiệp hội Triết học Mỹ vào tháng 12 ở Boston. Những hội đoàn khác đã chú tâm nhiều đến vấn đề đạo đức kinh doanh, kể cả khoa Những Vấn Đề Xã Hội trong Ngành Quản Trị, của Học Viện Quản Trị, thành lập năm 1976. Những hội đoàn khác cũng mọc lên, như là Hiệp hội Quốc tế về Doanh nghiệp và Xã hội. Lại còn có những hội đoàn khác nữa, hội thì chuyên môn hóa, hội thì bao quát, cũng được hình thành. Một số học giả bên Âu châu cũng đã bắt đầu chú ý đến sự phát triển này bên Hoa Kỳ và đã tổ chức hội nghị đầu tiên năm 1987. Nhiều quốc gia riêng biệt ở Âu châu dần dần cũng lập nên những hệ thống hay hội đoàn về đạo đức kinh doanh cho riêng họ. Nhìn chung thì phương cách của Âu châu trong lãnh vực này chú trọng nhiều hơn vào kinh tế và những cấu trúc xã hội và ít để ý hơn đến các hoạt động của các công ty, so với phương cách bên Hoa Kỳ. Cả hai phương cách đều được góp chung lại trong Hiệp hội Quốc tế về Doanh nghiệp, Kinh tế và Đạo đức được thành lập năm 1989. Hội đoàn này đã giúp cho các hội đoàn quốc gia trên toàn thế giới lập nên các hội đoàn chuyên về đạo đức kinh doanh ở mức độ địa phương hay trên địa bàn lớn hơn, cho nên bây giờ đã có nhiều hội đoàn như thế ở cả những nước đã phát triển hay kém phát triển.
Song song với những sự phát triển này là sự thiết lập những trung tâm về đạo đức kinh doanh ở nhiều học viện và sự thành lập một số các tạp chí chuyên ngành, thêm vào những tạp chí khác đã từng có đăng tải các bài vở về lãnh vực này. Trung Tâm Đạo Đức Kinh Doanh của trường Bentley College đã được thành lập năm 1976 và tiếp tục là một trong những trung tâm dẫn đầu trong ngành này. Hơn một chục những trung tâm như thế đã xuất hiện trong vòng 10 năm sau đó, và nhiều trung tâm nữa đã được thiết lập trong Hoa Kỳ và tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các tạp chí như Tạp chí Đạo đức Kinh doanh phát hành số đầu tiên tháng 2 năm 1982, Tứ Nguyệt San Đạo đức Kinh doanh phát hành số đầu tiên tháng 1 năm 1991 và Đạo đức Kinh doanh: Những Vấn đề tại Âu châu, tháng 1 năm 1992. Vài tạp chí khác trong cùng ngành cũng đã xuất hiện sau đó.
Ngành học này đã tiếp tục phát triển theo với sự kinh doanh. Vào giữa thập niên 1980, kinh doanh hiển nhiên đã có tầm vóc thế giới và những chủ đề về ngành đạo dức kinh doanh đã theo đó được mở rộng. Tác phẩm của Thomas Donaldson, Đạo đức trong Đạo đức Kinh doanh (1989), đã là công trình đầu tiên trình bày lãnh vực đạo đức kinh doanh thế giới một cách có hệ thống và theo sau đó là tác phẩm của Richard De George, Cạnh tranh Lành mạnh trong Thị trường Quốc tế (1993). Dưới nhãn quan của vấn đề toàn cầu hóa trong kinh doanh, các công ty đa quốc gia đã chú tâm đến những vấn đề luân lý liên quan đến những tổ chức quốc tế, như Cơ Quan Mậu Dịch Thế Giới. Tương tự, khi mà kinh doanh đã hướng ngày càng nhiều đến Thời Đại Tin Học, ngành đạo đức kinh doanh cũng đã chuyển hướng chú tâm đến những vấn đề do sự chuyển hướng này tạo nên.
Vào năm 1990, đạo đức kinh doanh đã được hoàn chỉnh thành một ngành học thuật. Mặc dù những học giả từ buổi ban đầu đã tìm cách mở rộng mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, lịch sử về sự phát triển của ngành này như là một phong trào trong doanh nghiệp, dù có liên hệ với sự phát triển trong học thuật, vẫn được xem là có một tiểu sử riêng của nó.
Đạo Đức Kinh Doanh – Một Phong Trào
Đạo đức kinh doanh được xem như một phong trào có liên quan đến sự hình thành những cơ cấu trong doanh nghiệp để giúp cho cả doanh nghiệp lẫn nhân viên hoạt động có đạo đức nhằm đối trọng lại với những cơ cấu đem lại phần thưởng cho những hành vi vô đạo đức. Những cơ cấu đạo đức gồm có sự phân biệt trách nhiệm rõ rệt giữa những phần vụ, một bộ quy luật đạo đức doanh nghiệp được công bố hẳn hoi, một chương trình huấn luyện về đạo đức trong doanh nghiệp, một chức vụ pháp quan đạo đức của công ty, một đường dây liên lạc khi nhân viên cần giúp đỡ (hot line), một phương tiện nhằm chuyển tải những giá trị trong phạm vi nội bộ và để xây dựng và duy trì một nền văn hóa doanh nghiệp của công ty. Một số công ty đã luôn luôn cổ võ và phát huy đạo đức doanh nghiệp và đã xây dựng công ty và văn hóa doanh nghiệp theo những mô thức nhằm khuyến khích và kiện toàn những hành vi đạo đức của toàn doanh nghiệp. Bảng Tín Điều nổi tiếng của công ty Johnson & Johnson được Chuẩn tướng Robert Wood Johnson soạn thảo và ấn hành năm 1943.[12] Nhưng đa số những doanh nghiệp trong thập niên 1960 chẳng quan tâm lắm đến việc tổ chức những cơ cấu như vậy trong doanh nghiệp của họ. Điều này đã dần dần được thay đổi và sự thay đổi này đã trở thành một phong trào khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp–trước áp lực của công luận, của giới truyền thông, của chính lương tâm của giới chủ nhân và nhất là của các đạo luật–đã tổ chức những cơ quan phụ trách đạo đức doanh nghiệp trong công ty của họ. Ta đã thấy những đại doanh nghiệp đưa ra những chương trình trách nhiệm xã hội để ứng phó với những chỉ trích về hành vi đạo đức của doanh nghiệp trong thập niên 1960, phong trào đạo đức doanh nghiệp cũng có nguồn gốc và xuất phát trong giai đoạn này.
Đạo luật về Dân Quyền của Hoa Kỳ năm 1964 là đạo luật đầu tiên góp phần vào việc khởi xướng phong trào đạo đức kinh doanh. Đạo luật này đã cấm kỳ thị dựa trên chủng tộc, màu da, tôn giáo hay quốc gia gốc của người dân trong các cơ sở công cộng có liên hệ đến nền thương mại cấp liên bang, cũng như ở những phương tiện hay nơi giải trí công cộng. Nhiều công ty cũng đã thành lập thêm những bộ phận lo về vấn đề bình đẳng cơ hội trong các ban quản lý nhân sự để bảo đảm áp dụng đúng theo luật lệ trên, và tổng quát là bảo đảm giới kinh doanh thấu đáo về những chuyện như kỳ thị, bình đẳng cơ hội và lương bổng đồng đều cho cùng công việc làm. Điều này trở lại cũng đã dẫn đến những sự thấu đáo hơn về các quyền lợi của giới công nhân nói chung, và về sự cần thiết để các công ty Hoa Kỳ chấp nhận các quyền đó. Đạo luật của Hoa Kỳ về sự An Toàn và Sức Khỏe Nghề Nghiệp vào năm 1970 đã củng cố thêm những đòi hỏi phải công nhận các quyền lợi của giới công nhân một cách nghiêm chỉnh hơn. Trong cùng năm, đạo luật về Bảo Vệ Môi Sinh cũng đã buộc giới kinh doanh bắt đầu thay đổi phương cách tính toán, bao gồm luôn những chi phí mà trước đây được xem là tạo ra ảnh hưởng ngoại vi–thí dụ việc thải ra những chất độc hại có ảnh hưởng đến môi trường.
Năm 1977, sau một loạt những chuyện tai tiếng bao gồm cả việc hối lộ của những công ty Hoa Kỳ ở nước ngoài, kể cả chuyện hối lộ 12 triệu Mỹ kim của công ty Lockheed đã đưa đến sự sụp đổ của chính phủ Nhật thời đó, chính quyền Hoa Kỳ đã thông qua “Đạo luật chống Hối lộ ở Ngoại quốc.” Đạo luật này có tính cách lịch sử vì nó là văn kiện đầu tiên nhằm khống chế hoạt động của các công ty Hoa Kỳ ở nước ngoài. Đạo luật này ngăn cấm các công ty Hoa Kỳ trả một số tiền lớn (hay giá trị tương đương) cho những viên chức cao cấp của những nước khác để được ưu đãi đặc biệt. Trước khi có đạo luật này, nhiều công ty đã chấp nhận chính sách khước từ trả tiền hối lộ như là một nguyên tắc luân lý. Công ty IBM, công ty Motorola cũng như những công ty khác đã được xem là theo sát chính sách này. Đạo luật này bắt buộc mọi công ty phải tuân thủ những quy thức đạo đức hiện hành. Tuy nhiên, phe chống đối phàn nàn là điều này làm cho các công ty Hoa Kỳ chịu thiệt thòi khi đối diện với các công ty các nước khác cho phép trả tiền hối lộ. Chính quyền Hoa Kỳ cũng đã cố gây áp lực để khuyến khích các nước khác cùng áp dụng theo, và cuối cùng thì hai mươi năm sau, những nước trong khối OECD[13] đã đồng ý thừa nhận những đạo luật tương tự.
Năm 1978, công ty General Motors và một nhóm những công ty khác của Hoa Kỳ đã công nhận cái gọi là Sullivan Principles, những nguyên lý quyđịnh hoạt động của các công ty này ở Nam Phi châu. Những công ty ký tên vào đó đồng ý là họ sẽ không theo chính sách kỳ thị và đàn áp chủng tộc ở Nam Phi và sẽ thực thi vấn đề bình quyền để khống chế chính sách đàn áp chủng tộc, không chỉ bằng cách không theo chính sách đó mà còn là vận động chính phủ Nam Phi thay đổi chính sách. Thực thi đúng những Nguyên Lý này là một cách mà các công ty Hoa Kỳ có thể biện minh cho việc kinh doanh của họ ở Nam Phi. Những nguyên lý này được các công ty chấp nhận một phần vì áp lực của công luận nhằm buộc những công ty này không được làm ăn và phải ra khỏi Nam Phi. Nguyên Lý này cũng đã trở thành một mẫu mực cho những luật lệ tự nguyện khác về các hoạt động của những công ty trong rất nhiều tình huống mà tính chất đạo đức không rõ ràng.
Vào khoảng thập niên 1980, nhiều công ty đã bắt đầu đáp ứng tới những lời kêu gọi phải lập ra những cơ quan liên quan đến đạo đức, và ngày càng nhiều công ty chấp nhận những quy luật đạo đức và tổ chức những chương trình huấn luyện cho nhân viên về đạo đức doanh nghiệp. Mỗi một làn sóng về những chuyện tai tiếng, hình như xảy ra khoảng mỗi mười năm một lần, càng tạo thêm áp lực cho các công ty phải đưa vấn đề này vào trong cấu trúc của họ. Năm 1984, thảm họa của công ty Union Carbide xảy ra ở một cơ xưởng ở Bhopal, Ấn Độ,[14] giết hàng ngàn người và làm bị thương hàng trăm ngàn người khác, đã làm thế giới chú trọng vào ngành kỹ nghệ hóa chất. Điều nầy đã đưa đến việc chấp nhận luật lệ tự nguyện về các hành vi đạo đức của ngành kỹ nghệ hóa chất, gọi là Responsible Care, trở nên một khuôn mẫu cho các ngành kỹ nghệ khác. Năm 1986, để đáp ứng với một loạt các sự việc bất thường được tường trình trong các hợp đồng trong ngành quốc phòng, một bản tường trình của ủy ban đặc nhiệm về tình trạng bất thường đã dẫn đến việc thiết lập một Dự Thảo của Kỹ Nghệ Quốc Phòng về vấn đề Đạo Đức và Hành Vi trong Kinh Doanh và đã được hai phần ba các hãng thầu chủ yếu cho quốc phòng ký kết (và chẳng bao lâu sau, số lượng đó đã tăng lên đến con số 50). Mỗi công ty ký vào văn kiện đó đồng ý sẽ có một bản luật lệ về đạo đức, sẽ thực hiện những chương trình huấn luyện về đạo đức cho nhân viên của họ, thiết lập những cơ cấu giám sát để phát hiện những việc làm bất chính đáng, chia sẻ với nhau những phương thức có hiệu quả nhất và chịu trách nhiệm trước công luận.
Dự Thảo của Kỹ Nghệ Quốc Phòng là một khuôn mẫu cho một nỗ lực quan trọng nhất của chính quyền và góp phần vào sự phát triển của phong trào đạo đức kinh doanh; đó chính là đạo luật Quy định Xử phạt của Liên bang đối với các công ty vào năm 1991.
Đạo luật đó nhằm khuyến khích các công ty thiết lập một hệ thống kiểm soát đạo đức bên trong cơ cấu tổ chức của họ. Nếu một công ty có thể chứng tỏ là đã có những bước tiến hợp lý để ngăn chặn và phát hiện những hành vi vô đạo đức, và nếu chẳng may bị buộc tội về những hành động bất hợp pháp, tội trạng của công ty đó có thể được giảm khinh đáng kể. Những bước tiến hợp lý gồm có quy luật về đạo đức hay tư cách nhân viên, có viên chức cao cấp giám sát tổng quát, có chương trình huấn luyện đạo đức, có hệ thống giám sát và báo cáo (như là “đường dây nóng-hot line”) và có hệ thống chế tài cũng như ứng phó với những trường hợp vi phạm. Tiền phạt có thể lên đến 290 triệu Mỹ kim và có thể được giảm cho đến 95% nếu một công ty có thể chứng minh một cách cụ thể là có lập ra những cơ cấu hành chánh rõ ràng để giúp ngăn chận những hành vi vô đạo đức và phạm pháp.
Kết quả là những nỗ lực được phối hợp hài hòa trong hầu hết những công ty lớn nhằm kết hợp những cấu trúc phụ trách về đạo đức vào cơ cấu tổ chức của các công ty. Điều đó dẫn đến sự hình thành một chức vụ mới trong công ty là Corporate Ethics Officer (Giám Đốc chuyên về Đạo đức Doanh nghiệp) và đến năm 1992 thì đã có sự thành lập Hội Đoàn của các Giám Đốc Đạo đức Doanh nghiệp.
Phần thưởng trên mặt pháp lý gần đây nhất về vấn đề đạo đức trong các công ty là Đạo Luật Sarbanes-Oxley vào năm 2002, được thông qua sau những sai phạm của các công ty Enron, WorldCom, Arthur Andersen và những công ty sáng giá khác. Một trong những điều mà đạo luật này đòi hỏi là các CEO và CFO phải xác nhận sự ngay thẳng và chính xác của những những bản tường trình tài chính (sẽ là tội hình sự nếu họ biết có những điểm vi phạm mà không báo cáo) và một bộ quy luật về đạo đức cho các viên chức cao cấp của công ty, đồng thời báo cáo hoạt động của công ty mở rộng cho công chúng giám sát nhiều hơn.
Những công ty có những cách thức khác nhau để đáp ứng với áp lực của luật pháp và công luận. Nhưng ngôn ngữ nói về trách nhiệm xã hội thay vì đạo đức vẫn là ngôn ngữ thường được sử dụng hơn. Biện pháp tự đề ra những chuẩn mực đạo đức kinh doanh và tự kiểm soát vẫn là biện pháp phổ thông được những công ty áp dụng, nhưng cũng có một số công ty tình nguyện mời những giám sát viên độc lập theo dõi và đánh giá hoạt động của họ về phương diện đạo đức trên cả ba lãnh vực chính sách, thực hành và tại những phân xưởng. Khái niệm “Báo cáo Tài chính Ba điểm” gồm có tài chính, xã hội, và môi trường, thay vì chỉ có báo cáo tài chính lời lỗ, đang được một số công ty áp dụng. Những phương thức báo cáo khác cũng rất thịnh hành gồm có báo cáo về tình trạng bảo vệ môi sinh và kiểm toán xã hội; nhưng những báo cáo loại này khác nhau rất nhiều về nội dung cũng như hình thức. Công cuộc đầu tư vào quỹ đạo đức là một khía cạnh khác của phong trào đạo đức kinh doanh; nhà quản lý những quỹ đầu tư đạo đức đề nghị cổ đông khuyến khích những công ty hoạt động có đạo đức hơn bằng những khuyến nghị của mình.
Phong trào đạo đức kinh doanh không phải chỉ hạn hẹp trong Hoa Kỳ. Những nước khác cũng đã đề ra những chính sách tương tự như của Hoa Kỳ, và Liên Hiệp Quốc cũng đã khai triển một hiệp ước tự nguyện, Global Compact for Corporations. Hiệp ước này được chính quyền của nhiều nước ủng hộ và có chín nguyên tắc chỉ đạo tập trung vào các vấn đề nhân quyền, tiêu chuẩn lao động và bảo vệ môi sinh. Hơn 1500 công ty trên toàn thế giới đã tham gia hiệp ước này, và có lẽ hình như là ngày càng nhiều công ty cảm nhận áp lực phải ký nhận nó và tôn trọng những tiêu chuẩn đã được yêu cầu.
Phong trào đạo đức kinh doanh, cũng như ngành học về nó đã bắt rễ sâu rộng. Những quan tâm về vấn đề đạo đức trong doanh nghiệp vẫn còn tiếp tục. Ngành Đạo đức Kinh doanh học đã đóng góp cho những cuộc hội thảo, nghiên cứu và giảng dạy thông tin về những vấn đề liên quan đến đạo đức trong doanh nghiệp và phong trào đạo đức kinh doanh. Phong trào đạo đức kinh doanh đáp ứng hai ngành kể trên và trở lại tương tác với chúng. Cả ba ngành cùng nhau dựng nên lịch sử của đạo đức kinh doanh trong cái nghĩa rộng rãi nhất.
Trên phương diện học thuật, nhìn lại khoảng ba mươi năm qua, rất nhiều vấn đề đã được đúc kết. Một sử gia quan tâm về quá khứ chứ không phải tương lai. Nhưng nhìn về tương lai, ta dễ dàng thấy là còn nhiều chuyện để làm. Cả hai việc toàn cầu hóa và bước vào Thời Đại Tin Học đang thay đổi phương cách kinh doanh và những vấn đề mà đạo đức kinh doanh phải đối diện. Nếu đạo đức kinh doanh có thể tồn tại và thích hợp với thời đại mới, nó cũng cần phải chuyển hướng theo.
Nếu có một điều mà câu chuyện tôi vừa kể mà ta có thể học được, đó là vấn đề đạo đức trong kinh doanh không phải chỉ là một thời trang như bị gán lúc ban đầu hay cũng không phải là một lối nói nghịch hợp đã bị giễu cợt là vô ích. Nó là một địa bàn hoạt động rất linh hoạt và phức tạp và đang phát triển trên nhiều mức độ, bởi ba hướng mà tôi vừa đề cập quyện vào nhau một cách phức tạp, sinh động và tuyệt vời. Chúng ta có thể trông đợi tất cả ba hướng đó vẫn còn linh động và tương tác nhau trong tương lai tới đây.
© Học Viện Công Dân 2011
Tài liệu tham khảo
Aquinas, Thomas St., Summa Theologiae
Aristotle, Politics; Nicomachean Ethics, ed. Roger Crisp, Cambridge: Cambridge University Press, 2000.
Barry, Vincent, Moral Issues in Business (Belmont, Calif.: Wadsworth, 1979).
Beauchamp, Tom and Norman Bowie, Ethical Theory and Business ( Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1979; 6th ed, 2001)
Baumhart, Raymond, “How Ethics Are Businessmen?,” Harvard Business Review, 39 (4) (1961)).
Bowie, Norman E., “Business Ethics,” in New Directions in Ethics, ed. Joseph P. DeMarco and Richard M. Fox, New York: Routledge & Kegan Paul, 1986.)
De George, Richard Business Ethics (N.Y.: Macmillan, 1982; 5th ed., Prentice-Hall, 1999).
De George, Richard T., “The Status of Business Ethics: Past and Future,” Journal of Business Ethics,6 (1987), pp. 201-211.
De George, Richard, Competing with Integrity in Internal Business (New York: Oxford University Press, 1993)
Donaldson, Thomas and Patricia Werhane, Ethical Issues in Business: A Philosophical Approach (Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1979; 7th ed., 2002)
Donaldson, Thomas, The Ethics of Business Ethics (New York: Oxford University Press, 1989).
John Paul II, Pope, Laborem Exercens (1981); Cenesimus Annus (1991).
Lenin, V. I., Imperialism: The Highest Stage of Capitalism (1917).
Leo XIII, Pope, Rerum Novarum, 1891.
Locke, John, “Of Property,” Second Treatise: An Essay Concerning the True Original, Extent and End of Civil Government.
Niebuhr, Reinhold, Moral Man and Immoral Society (New York: Scribner’s, 1932).
Pius XI, Pope, Quadragesimo Anno (1931).
Plato, Republic.
Rawls, John, A Theory of Justice (Cambridge, Mass., Belknap Press of Harvard University Press, 1971).
Smith, Adam, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations; The Theory of Moral Sentiments.
Stackhouse, Max L., Dennis P. McCann and Shirley J. Roels, with Preston N. Williams, eds, On Moral Business: Classical and Contemporary Resources for Ethics in Economic Life (Grand Rapids, Mich.: William B. Eerdmans Publichsing Company, 1995).
Tawney, R. H. Religion and the Rise of Capitalism (New York: Harcourt, Brace and Co., 1926).
U. S. Catholic Bishops, “Economic Justice for All: Pastoral Letter on Catholic Social Teaching and the U.S. Economy,” 1986.
Velasquez, Manuel G, Business Ethics: Concepts and Cases (Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1982; 5th ed., 2002)
Walton, Clarence, Corporate Social Responsibilties (Belmont, Calif., Wadsworth Pub. Co., 1967).
Tác giả:
Richard T. De George là Giáo sư Xuất sắc ngành Triết học và Quản trị Kinh doanh đồng thời là Giám đốc Trung tâm Quốc tế về Đạo đức Doanh nghiệp tại Viện Đại học Kansas. Ông là tác giả của hơn 180 bài khảo luận và cũng là tác giả hay chủ biên của 20 cuốn sách gồm có: Đạo đức trong Kỹ nghệ Tin học và Doanh nghiệp (2003), Đạo đức Kinh doanh(1999) ấn bản thứ 5 và đã được dịch sang tiếng Nga, Nhật, Hoa, và Serbia, và cuốn Cạnh tranh Lành mạnh trong Thị trường Quốc tế (1993); cuốn sách này cũng được dịch sang tiếng Hoa.
Bài khảo luận trên được trình bày tại hội nghị Đạo đức Kinh doanh Quốc tế lần thứ ba năm 2005 do Trung tâm Markula Nghiên cứu về Đạo đức Ứng dụng bảo trợ.
[1] Aristotle, Politics, Book I, especially Ch. 8-10.
[2] Aristotle, Nicomachean Ethics, ed. Roger Crisp (Cambridge: Cambridge University Press, 2000), p. 88.
[3] Summa Theologiae, II-II, Question 77.
[4] (See Max L. Stackhouse, Dennis P. McCann and Shirley J. Roels, with Preston N. Williams, eds., On Moral Business: Classical and Contemporary Resources for Ethics in Economic Life (Grand Rapids, Mich.: William B. Eerdmans Publishing Company, 1995).
[5] New York: Harcourt, Brace and Co., 1926.
[6] (John Locke, “Of Property,” Second Treatise: An Essay Concerning the True Original, Extent and End of Civil Government).
[7] Rerum Novarum, nos. 45-46.
[8] New York: Scribner’s, 1932.
[9] How Ethics Are Businessmen?” Harvard Business Review, 39 (4) (1961) and Clarence Walton Corporate Social Responsibilities (Belmont, CA: Wadsworth Publishing Co., 1967).
[10] “Affirmative action” là một tập hợp những chính sách nhằm tạo bình đẳng về cơ hội cho dân chúng tại Mỹ bất kể sắc tộc, giới tính, hay tôn giáo. Thuật ngữ này được tổng thống Kennedy dùng lần đầu tiên năm 1961. Theo chính sách này, một công ty, trường học của Mỹ phải hội đủ chỉ tiêu thu dụng bao nhiêu phần trăm người da màu, phụ nữ, vân vân.
[11] Thuật ngữ “greenmail” là một thuật ngữ mới gồm blackmail và greenback (đồng đô-la), tức là dùng tiền để đe dọa một công ty bằng cách mua đủ số cổ phiếu để nắm quyền kiểm soát khiến cho công ty này phải tìm cách mua lại số cổ phiếu với giá cao hơn.
[12] Chuẩn tướng Robert Wood Johnson là con trai của Robert Wood Johnson đệ nhất, người sáng lập ra công ty dược phẩm Johnson & Johnson năm 1886. Tướng Johnson gia nhập quân đội năm 1942.
[13] OECD (Organization of Economic Co-operation and Development): Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển được thành lập năm 1961, gồm có 34 nước thành viên, đa số là những nước thuộc Âu châu. Chỉ có Nhật và Nam Hàn là 2 nước Á châu tham dự trong tổ chức này.
[14] Union Carbide, một công ty hóa chất của Mỹ có liên doanh với chính phủ Ấn Độ, và có xưởng chế tạo hóa chất tại Bhopal, Ấn Độ. Biến cố xảy ra vào đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 tháng 12, 1984, khi hóa chất độc hại bị rò rỉ và tác hại đến cả hàng trăm ngàn người. Con số người chết ngay lập tức là 2259 người; các cơ quan của chính phủ Ấn ước tính có khoảng 15 ngàn người chết trong thảm họa này.