fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Lợn Không Biết Bay: Nghĩ về Chính Trị Qua Lăng Kính Kinh Tế

Russell Roberts

 

Đôi khi, muốn làm cho đúng cũng khó.

Cô Mimi và anh Richard Farina là một đôi vợ chồng ca sĩ hát nhạc dân ca trong thập niên 60. Richard qua đời trong một tai nạn xe gắn máy xảy ra ngay sau buổi tiệc ăn mừng sinh nhật 21 tuổi của Mimi. Thiệt là một bi kịch thảm khốc. Tại tang lễ của Richard, ca sĩ Judy Collins đã hát truy điệu với ca khúc thành danh của cô, nhạc phẩm Amazing Grace. Ta có thể tưởng tượng giây phút xúc động đó. Tiếc thay, chị của Mimi không hiện diện tại đám tang, nếu có mặt trong ngày buồn ấy thì cô cũng sẽ hát một bài. Cô tên là Joan Baez,[1] đang tham dự một chuyến trình diễn tại Âu Châu. Cô gửi điện tín cho Mimi biết là cô quyết định ở lại Âu Châu, thay vì bay về để an ủi em gái. Tại sao? Joan giải thích, vì chính Richard muốn cô làm như vậy, để qua những cuộc biểu diễn này, người ta có thể biết đến dòng nhạc của Richard nhiều hơn. Qua một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau đó, Mimi thố lộ rằng thật ra Richard có lẽ lại muốn Joan bỏ ngang cuộc trình diễn vì bị khủng hoảng tinh thần khi nghe tin về cái chết của anh.

Thêm một thí dụ xảy ra hàng ngày, khi một người bạn điện thoại cho bạn để kể một chuyện quan trọng nhưng bạn đang rất bận. Sau một lúc, bạn kết thúc cuộc nói chuyện với lời chào, “Thôi, tao không làm phiền mày nữa.” Thật ra, bạn muốn nói “Tao phải ngừng đây,” nhưng chúng ta cố gắng nói sao cho nghe cho bớt vị kỷ hơn.

Trong chúng ta có nhiều động lực. Ta luôn bị giằng co giữa cái tốt cho bản thân và sự ích lợi của người khác, giữa việc nên làm, việc dễ làm với việc nhanh tiện. Đôi khi ta chọn con đường hy sinh quên mình. Phí tổn và lợi ích có ảnh hưởng đến sự chọn lựa của chúng ta. Nếu Joan Baez đang biểu diễn tại California thay vì Âu Châu, phí tổn của chuyến về dự tang lễ sẽ thấp hơn. Có thể vì vậy cô sẽ quyết định có mặt tại buổi tang lễ ấy. Nếu người bạn khóc lóc trong điện thoại, có lẽ chúng ta sẽ nói chuyện lâu hơn cho dù ta đang có nhiều việc cần làm.

Tuy nhiên, khi ta chọn con đường vị kỷ, rất hiếm khi ta thú nhận cảm nghĩ thật của mình. Ta tìm một lý do tốt đẹp để che đậy hành động của mình. Khi huấn luyện viên của một đội bóng từ chức, hoặc vì ông ta dở không làm được việc, hoặc vì có việc khác lương khá hơn, ông ta sẽ tuyên bố rằng ông bỏ việc vì muốn dành thêm thì giờ cho gia đình.

Lợn không biết bay

Các chính trị gia cũng như chúng ta vậy. Họ cảm thấy khó xử sự sao cho đúng. Họ tuyên bố là họ sống theo những nguyên tắc đạo đức, nhưng khi nguyên tắc của họ đụng chạm với những điều lợi thực tế, họ thường tìm cách biện minh cho quyền lợi bản thân của họ. Nếu họ hy sinh đạo đức và lý tưởng để thăng tiến bản thân, chắc chắn họ sẽ giải thích rằng làm thế chỉ vì cho thế hệ mai sau, cho môi trường, hoặc ít ra là cho lợi ích xã hội.

Lợn không biết bay. Chính trị gia, cũng chỉ là người phàm như chúng ta, họ phản ứng theo nhuận thưởng. Trong họ trộn lẫn lòng vị tha và sự ích kỷ, vậy tại sao ta lại ngạc nhiên khi những nhuận thưởng thúc đẩy họ làm điều sai, chỉ vì quyền lợi cho chính bản thân họ? Tại sao ta lại bị họ lừa gạt qua lời tuyên xưng nguyên tắc đạo đức, qua lời tuyên bố họ sẽ tận tâm vì lợi ích của dân?a (xem thêm “The Logic of Political Survival” trong Phụ Chú (a)).

Chúng ta nhận các chính trị gia là đại biểu và họ thường tuyên bố rằng họ đấu tranh cho quyền lợi của chúng ta. Tuy nhiên, nếu nghĩ kỹ hơn, chúng ta hiểu rằng những quyền lợi rất đa dạng và không chính trị gia nào thực sự có thể đấu tranh cho tất cả mọi người. Đương nhiên, sẽ đến lúc quyền lợi và ham muốn của hai phe va chạm, và chính trị gia buộc phải lựa chọn giữa quyền lợi của đa số và quyền lợi của một nhóm riêng. Bên nào sẽ thắng?

Câu trả lời tùy theo những hạn chế mà các chính trị gia đang đối mặt. Và trong một hệ thống chính trị mà những cuộc bầu cử có ý nghĩa và có thi đua, các chính trị gia thường theo đuổi các chính sách nhằm làm hài lòng dân chúng. Còn các nhà độc tài thì có nhiều quyền lực để theo đuổi lợi ích bản thân, mặc cho sự mất mát của nhân dân.b

Thế nào đi nữa, dẫu các chính trị gia có bị kiềm chế bởi sự cạnh tranh, trên thực tế, họ vẫn có thể xoay sở để theo đuổi quyền lợi bản thân, tại vì dân trí của cử tri vẫn chưa hoàn hảo. Dân chúng có thể hiểu biết sai lạc. Hoặc ngây thơ về luận lý. Đối với người dân, tìm hiểu rõ tình hình là một việc tốn kém. Ngay trong một nước dân chủ, đây là cơ hội để các chính trị gia đặt quyền lợi của các nhóm đặc biệt lên trên quyền lợi của toàn dân.

Người bán rượu lậu và người theo đạo Baptist

Kẽ hở trong một nền dân chủ dẫn đến vài kết quả bất thường. Chính trị gia có thể vừa làm đúng và vừa làm sai. Tại sao lại như thế được? Đọc câu chuyện dưới đây ta sẽ hiểu rõ hơn. Điều lạ lùng hơn là, nếu dân chúng không chú ý thật kỹ, những thông tin thiếu sót có thể làm chúng ta chấp nhận cho các chính trị gia làm sai nhưng lại nói ngược rằng họ làm đúng,

Bruce Yandle mượn câu chuyện những người bán rượu lậu và những người theo đạo Baptist để giải thích một hiện tượng nghịch lý khi một mục tiêu tốt xung đột với mục tiêu của nhóm quyền lợi đặc biệt.

Khi hội đồng thành phố cấm bán rượu vào ngày Chủ nhật, người theo đạo Baptist mừng rỡ, vì uống rượu trong ngày của Chúa là sai. Nhóm bán rượu lậu cũng ăn mừng vì nhu cầu của món hàng của họ sẽ gia tăng.

Nhóm theo đạo Baptist đã cho các chính trị gia cái bình phong để họ làm điều mà nhóm bán rượu lậu mong muốn. Không một chính trị gia nào nói rằng chúng ta nên cấm bán rượu vào ngày chủ nhật để làm giàu thêm cho nhóm bán rượu lậu–nhóm này cũng là nhóm người đang ủng hộ cuộc tranh cử của ông ta. Chính trị gia này giơ một tay cao lên trời thề thốt và nói đến lòng thành của ông đối với đạo đức. Với bàn tay kia ông chìa ra thu nhận tiền ủng hộ (hoặc hối lộ) của nhóm bán rượu lậu.

Yandle nêu lên rằng hầu như tất cả mọi luật lệ với ý đồ tốt đều bị lợi dụng bởi những người buôn lậu – đó là các nhóm người trục lợi trên lý tưởng của những người đấu tranh và người làm từ thiện.

Nếu lý thuyết của Yandle chỉ có thế thôi, có lẽ bạn sẽ nói rằng chính trị đã tạo nên những đôi “bạn đời” kỳ cục. Nhưng tình hình thực còn nản hơn thế. Thường thường người dân đòi có luật lệ nhưng cuối cùng họ chẳng để ý là luật lệ ấy được tạo ra như thế nào (chữ in nghiêng của người dịch). Tại sao chúng ta cần để ý? Chúng ta rất bận rộn vì phải lo cho đời sống riêng cơ mà. Nhưng bọn trục lợi thì khác. Họ có phần hùn rất lớn trong cách thức kiến tạo luật lệ. Khi đi vào chi tiết của luật lệ mới là lúc họ trổ tài xếp đặt. Cho nên nhiều khi, chính trị gia đặt ra nhiều chi tiết có ích cho bọn trục lợi thay vì có lợi cho dân chúng.

Robert Byrd, người bạn của nhóm trục lợi

Trong thập niên 1970, khí thải sulphur dioxide từ những ống khói của các nhà máy điện phía Tây nước Mỹ đã gây ra nạn mưa acid ở vùng Đông Bắc. Lời kêu gọi thanh lọc không khí vang dội – những nhà quan tâm bảo vệ cho môi trường và dân chúng đòi hỏi lập ra đạo luật. Chuyện này không khó. Chúng ta biết rằng cách giảm bớt sự tiêu xài một vật gì đó – là làm cho nó đắt hơn lên. Do đó, biện pháp ít tốn kém nhất để giải quyết nạn mưa acid là đánh thuế lượng khí thải từ ống khói nhà máy. Đây là động lực khiến các nhà máy điện phải tìm phương pháp giảm bớt lượng khí thải. Dần dần, kỹ thuật tốt hơn sẽ được phát triển và bằng cách đó gánh nặng trả thuế sẽ giảm đi.

Tuy nhiên Quốc Hội Mỹ đã không dùng biện pháp đánh thuế. Họ áp đặt một kỹ thuật. Năm 1977, Đạo Luật Không Khí Sạch (Clean Air Act) được sửa đổi, bắt buộc mọi nhà máy điện phải gắn máy lọc hơi đốt trong ống khói. Ống khói với máy lọc đắt không ngờ — khoảng $100 triệu đô-la một cái. Ống khói mới làm sạch khí thải, nhưng cũng làm giàu cho các xưởng sản xuất ra nó. Những hãng sản xuất máy lọc nằm trong tay những người trục lợi. Họ bắt tay với những nhà quan tâm bảo vệ môi trường kêu gọi chính phủ đặt ra đạo luật này. Cũng không tệ lắm. Có lẽ máy lọc hơi đốt là kỹ thuật tốt nhất và cho dù có bị đánh thuế thì các hãng sản xuất máy lọc cũng vẫn có lời.c

Nhưng thật ra nhóm trục lợi chính lại là các công ty khai thác than đá tại tiểu bang West Virginia. Nếu chính phủ áp dụng quy chế đánh thuế nhằm giảm bớt khí thải sulfur dioxide, điều đó có lẽ mới là động lực chính đẩy mạnh việc làm sạch không khí. [Nhưng chính phủ lại không làm như vậy]. Có hai cách làm sạch không khí. Một cách là sử dụng kỹ thuật lọc khí đốt. Cách thứ nhì là dùng loại than đá sạch hơn. Than đá sạch (chứa ít lưu huỳnh) đến từ các tiểu bang miền Tây. Than đá bẩn (chứa nhiều lưu huỳnh hơn) đến từ tiểu bang West Virginia. Nghị sĩ Byrd xuất thân từ West Virginia. Ông ta làm mọi cách để đưa ra đạo luật dùng máy lọc khí đốt. Đương nhiên là vì bảo vệ môi trường, vì bảo tồn không khí trong sạch, vì tương lai con em, và chỉ thế thôi. Nhưng cũng là vì nhóm bạn của ông ta trong nghề buôn than đá. Chúng ta có được không khí sạch hơn, nhưng phải đạt được điều đó với cái giá quá cao không đích đáng.[2]

Vì tương lai của thế hệ mai sau

Trong những trường hợp tệ nhất, khi cả hai phe trục lợi và phe đạo đức trở thành liên minh với nhau, thì nhiều dự tính tốt không những bị quên lãng hoặc bị hao tổn hơn, mà còn bị phá hỏng.

Bộ trưởng Tư pháp tại vài tiểu bang đã đe dọa khởi kiện các hãng sản xuất thuốc lá với lý do họ gây tổn thất cho công quỹ khi thuốc lá làm cho dân bị đau ốm. Cuối cùng, các hãng thuốc lá chịu đền bù qua một giao kèo phức tạp được ký kết. Giao kèo này buộc các hãng thuốc lá đóng thuế cao hơn và tiền thuế dùng để tài trợ cho các chương trình sinh hoạt cho trẻ em; giao kèo nhận được sự hoan nghênh từ các nhà đấu tranh chống thuốc lá và những công dân quan tâm đến thuế và sức khỏe của người dân thường. Đó là một ngày tự hào cho mọi người. Ai có thể chống lại kết quả ấy? À, có thiểu số phàn nàn rằng toàn thể quá trình đã vi phạm hiến pháp và giảm bớt tự do. Người ta giải thích rằng, hãy nhìn lại các lợi ích: Tập đoàn buôn thuốc lá bị trừng phạt, việc hút thuốc lá bị bài trừ, và trẻ em được khỏe mạnh hơn.d

Thế nhưng sự việc không xảy ra như ta nghĩ. Câu chuyện còn có tình tiết khác. Nhưng có ai để ý? Có bao nhiêu người quan tâm đến việc hút thuốc lá thật sự theo dõi xem giao kèo được thực hành ra sao? Chỉ cần biết đại khái là đủ: các hãng thuốc lá bị phạt, trẻ em được bảo vệ. Tuy nhiên nhóm trục lợi không chỉ quan tâm đến điểm chung chung, mà còn chú ý sâu vào chi tiết. Đúng, hãng thuốc lá bị “đánh” thuế cao. Nhưng họ lại chuyển tiền thuế này xuống đầu người mua thuốc lá bằng cách tăng giá. Phải, giá tăng có nghĩa là bán được ít hơn, tuy nhiên mức lời của hãng thuốc lá vẫn gia tăng vì cấu trúc của giao kèo. Giao kèo gây khó khăn và đòi hỏi tốn kém rất cao nếu các hãng sản xuất thuốc lá mới (chưa có thương hiệu) muốn tham gia cạnh tranh trong thị trường thuốc lá. Do đó, các hãng thuốc lá hàng hiệu cứ việc tăng giá vì những hãng mới muốn trở thành đối thủ đã bị ở thế thiệt thòi.

Vậy ra các hãng thuốc lá là bọn trục lợi. Họ ăn lời nhờ vào cái giao kèo này. Nhưng lần này bọn trục lợi thực sự chính là nhóm luật sư giúp cho những ông bộ trưởng tư pháp trong vụ kiện. Mỗi năm họ lãnh $500 triệu đô-la tiền công. Đúng, họ làm việc rất mệt nhọc. Có một luật sư kiếm được $92,000 đô-la một giờ. Một giờ, đúng vậy! Thật là một công việc rất nhọc nhằn. Tôi tin rằng họ kiếm tiền xứng đáng. Tất cả là vì thế hệ con em mà. Bạn nhớ không?

Không Bỏ Sót Trẻ Em Nào

Khi nghe cái tên “Không Bỏ Sót Trẻ Em Nào” của một đạo luật, bạn biết ngay là cả đống người trục lợi sẽ ra mặt. Cứu vớt trẻ em là đề tài rất được nhiều người ưa chuộng và do đó sẽ mang lại biết bao cơ hội sáng lạn. Chương trình “Biết Đọc Trước Đã (Reading First)” là một phần trong đạo luật này với $1 tỷ đô-la nhằm giúp đỡ các trường trong những khu nhà nghèo phát triển chương trình đọc sách. Ai ủng hộ chương trình này? Tất cả mọi người!

Nhưng làm thế nào để thực hiện chương trình? Theo lời Bộ Giáo Dục: “Rất đơn giản, Đọc Trước Đã chú trọng vào kết quả, và sẽ trợ giúp mọi phương pháp dạy đọc đã được thử nghiệm.”

Nghe tuyệt vời quá, phải không bạn? Một chương trình dạy đọc cho học sinh nghèo dựa theo các phương pháp thực thụ. Quả là một trái phá chính trị. Tuy nhiên tôi tự hỏi không biết các người ủng hộ nồng nhiệt có tí khái niệm gì về cái phương pháp nhằm đạt mục tiêu cao cả này không.

Tờ Washington Post đăng tin như sau:

Nhân viên bộ giáo dục và một số công ty đã gây áp lực đối với trường học trong nhiều quận, khiến các trường chọn mua mớ sách vở chưa được thử nghiệm và mua các tài liệu dạy đọc gần như chưa từng qua quy trình thẩm định chuyên môn. Các hãng sản xuất ra các bộ sách và tài liệu đó đã trả huê hồng và lương cho các hãng thầu cho chương trình “Đọc Trước Đã,” và họ cũng là người góp ý cho các tiểu bang xin trợ cấp, và làm chủ tọa các buổi họp xét đơn xin trợ cấp. Chính ông Roderick N Paige, là cựu Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục, cùng với người dàn dựng nên chương trình này cũng làm việc cho một ông chủ trong nhóm hãng trên. Ông chủ nọ là người quyên tiền hạng gộc cho tổng thống Bush.

Nhưng rõ ràng chương trình “Đọc Trước Đã ” này đã mang lại sự phát triển thương mại cho ngành xuất bản sách giáo khoa và cho những sản phẩm tài liệu được Bộ Giáo Dục ưa chuộng. Tỉ dụ, Công Ty sản xuất Voyager Passport có trị giá khoảng $5 triệu đô-la trước khi khởi xướng chương trình, mà về sau, ông Randy Best, người sáng lập công ty và cũng là người ủng hộ tài chính cho tổng thống Bush và đảng Cộng Hòa, đã bán công ty với giá $380 triệu đô-la. Ông ta mướn ông Lyon và ông Paige làm nhân viên.

Nghe mà nản phải không? Nhưng hãy lạc quan lên nào – ly nước thật ra đã đầy được một nửa, chứ không phải đang bị vơi một nửa. Cho dù chi tiết trong đạo luật của một nền dân chủ bị nhóm trục lợi thao túng, ít ra nhìn chung chiều hướng của đạo luật thường đi theo nguyện vọng của nhân dân. Số lợi tức bị phân tán đến một nhóm đặc biệt nào đó thật nhỏ nhoi so với số tiền các nhà độc tài có thể chuyển vận đến bạn bè họ trong một thể chế thiếu vắng sự đại diện cho dân và sự kiềm chế của bầu cử tự do.

George Stigler và Ralph Nader

Chúng ta hãy tỏ ra thực tế khi nói tới các chính trị gia. George Stigler[3] từng đối chiếu lý thuyết chính trị của mình với lý thuyết của Ralph Nader.[4] Theo Nader, tất cả mọi khía cạnh xấu xa của chính phủ xuất phát từ việc bầu cử lầm người. Nếu chúng ta bỏ phiếu bầu đúng người, ta đã có được luật lệ tốt hơn. Stigler phản biện rằng bầu ai lên cũng chẳng khác gì nhau – sau khi nhậm chức, ai cũng đáp ứng theo nhuận thưởng. Họ tự thuyết phục bản thân rằng họ đang làm điều đúng, có thể vì họ thực sự tin tưởng như thế, hoặc là để có thể làm đúng cũng cần phải phạm sai lầm vài lần.

Là một người theo thuyết của Stigler, tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào các nhà chính trị nên ít khi tôi bị thất vọng. Ngay cả những chính trị gia được coi là có đạo đức, họ cũng tính toán theo luật lệ hai mặt đồng hành (buôn rượu lậu và Baptists). Ronald Reagan[5], tổng thống và là nhà hùng biện bảo vệ cho chính sách thương mại tự do, lại là người đã áp đặt nhiều chỉ tiêu trên món hàng xe nhập từ Nhật Bản. Đây là đường lối làm việc khắp nơi trên thế giới.

Theo cái nhìn về chính trị của một kinh tế gia, lý tưởng và đảng phái không quan trọng với các chính trị gia bằng những nhuận thưởng. Sự khác nhau giữa những đảng phái trong một nền dân chủ được thể hiện ở từ ngữ họ dùng để phân bua cho việc làm của họ, thay vì chính những việc làm đó. Đảng Cộng Hòa nói về tự do kinh tế và nguy cơ đại chính phủ nhưng họ lại tăng thêm tầng lớp trong chính phủ. Đảng Dân Chủ nói về lòng nhiệt thành của họ đối với các công đoàn và nguy cơ thương mại tự do nhưng họ lại hiếm khi áp đặt giá thuế và chỉ tiêu.

Bài học sau cùng cho các vị bảo vệ luật lệ và các công dân quan tâm là hãy cẩn thận khi ao ước một điều gì đó. Điều mang lại ích lợi tốt nhất cho dân chúng thật khó sống sót trong quá trình lập pháp vốn nhiêu khê như một nhà máy làm xúc-xích. Kết quả không khi nào hoàn hảo.

Do đó, khi bạn nghe các chính trị gia tuyên bố rằng họ quan tâm đến dân chúng hoặc con em hoặc môi trường hoặc sức khỏe, thì hãy giữ chặt ví tiền của bạn và canh chừng xem có người trục lợi nào lẩn quẩn gần đó hay không. Bọn họ lúc nào cũng chờ sẵn.

Phụ Chú

(a) Quyển sách The Logic of Political Survival, của các tác giả Bruce Bueno de Mesquita, Alastair Smith, Randolph Siverson và Jane Morrow, đã xem xét tầm ảnh hưởng của trách nhiệm cử tri đối với kết quả chính trị.

(b) Blogger Bryan Caplan khai triển về những vấn đề này trong cuốn sách: The Myth of the Rational Voter: Why Democracies Choose Bad Policies

(c) Vai trò của than đá bẩn trong nghị trình soạn thảo đạo luật được ghi lại trong quyển sách của tác giả Bruce Ackerman và Willaim Hassler, với tựa đề Clean Coal, Dirty Air or How the Clean Air Act Became a Multibillion-Dollar Bail-out for High-Sulfur Coal Producers. Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) thường áp dụng chính sách chỉ huy-và- kiểm soát, thay vì chính sách phân quyền để giải đáp các vấn đề môi trường; trong khi chính những chính sách phân quyền mới tạo điều kiện cho sự nảy mầm của sáng kiến. Xin tham khảo thêm qua bài viết của Robert Crandall “Pollution Controls” trong sách Concise Encyclopedia of Economics.

(d) Jeremy Bulow viết bài phân tích giao kèo thuốc lá này trong báo Milken Institute Review. Ông nói giao kèo trên là sự “bí hiểm.” Tôi nghĩ ông đã nhẹ lời. Một bản giao kèo phức tạp thường để che dấu sự phân phối lợi tức và những phí phạm đáng xấu hổ nếu bị phanh phui trên chính trường. Tôi chưa hề gặp một kinh tế gia nào (chứ đừng nói tới người trí thức) hiểu được và có thể giải thích về cách người ta định giá sữa tươi tại Hoa Kỳ. Nếu ta gọi các luật lệ trong ngành thực phẩm sữa là “byzantine” (Byzantine là nền xã hội thời đế quốc Byzantine, nghĩa bóng là bí hiểm), tức là ta đã nhục mạ người sống trong thời kỳ ấy.

© Học Viện Công Dân 2011

Nguồn: http://www.econlib.org/library/Columns/y2007/Robertspolitics.html

 


[1] Joan Baez là một ca sĩ dân ca nổi tiếng của Hoa Kỳ, cùng thời với Bob Dylan. Joan còn được giới yêu âm nhạc biết đến qua những hoạt động phản chiến, ồn ào chống chiến tranh tại Việt Nam trong thập niên 1960. Khi làn sóng thuyền nhân (boat people) Việt Nam xảy ra trong thập niên 70-80, cô đã phản tỉnh và phản đối những vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền CSVN. Cô cũng là đồng sáng lập viên của Tổ chức Ân Xá Quốc tế (phân hội Hoa Kỳ) trong thập niên 1970.

[2] Khi bị bắt buộc dùng máy lọc khí đốt, thì các nhà máy không cần phải dùng than sạch, mà vẫn tiếp tục dùng than bẩn của West Virginia, giúp cho kỹ nghệ than của West Virginia tiếp tục đứng vững.

[3] George Stigler là kinh tế gia người Mỹ đoạt giải Nobel về kinh tế năm 1982.

[4] Ralph Nader là một luật sư người Mỹ gốc Lebanon, và đã từng bốn lần ra tranh cử tổng thống Mỹ.

[5] Tổng thống đời thứ 40 của Mỹ nhiệt thành ủng hộ chính sách mậu dịch tự do.