LAWRENCE W. REED
On ne saurait faire une omelette sans casser des oeufs.
Dịch nghĩa: “Ta không thể muốn làm món trứng chiên omellete mà không đập bể trứng.”
Khi thốt lên những lời đó năm 1790, Maximilian Robespierre đã hoan nghênh cuộc Cách Mạng Pháp kinh hoàng xảy ra một năm trước đó. Là một người theo chủ nghĩa trung ương tập quyền lão luyện và đã hoạt động không mệt mỏi để hoạch định đời sống của những người khác, Robespierre đã trở thành kiến trúc sư của giai đoạn đẫm máu nhất của cuộc Cách mạng Pháp-giai đoạn được mệnh danh là Thời kỳ Khủng bố 1793-1794. Robespierre và chiếc máy chém của ông ta đã đập vỡ hàng ngàn trái trứng trong một nỗ lực vô vọng nhằm áp đặt một xã hội tuyệt vời nhưng không tưởng lên trên toàn dân Pháp, một lý tưởng dựa trên những khẩu hiệu đầy quyến rũ “tự do, bình đẳng, huynh đệ.”
Nhưng, than ôi, Robesierre đã không làm được ngay cả một món trứng chiên, cũng như những tên côn đồ lên nắm quyền trong thập niên sau năm 1789. Chúng đã để lại một nước Pháp tan hoang, phá sản về kinh tế, chính trị, và đạo đức và tạo cơ hội cho sự độc tài của Napoleon Bonaparte.
Cũng giống như Robespierre, chẳng có món trứng chiên nào được thành hình từ những nỗ lực đập bể trứng của Lenin, Mao Trạch Đông, Pol Pot, Hitler, và Mussolini.
Kinh nghiệm của nước Pháp là một thí dụ của một mô hình gây phản cảm mà ta đã quá quen. Những người theo mô hình này, bạn có thể gọi họ bằng tên gì cũng được-những kẻ tả khuynh, những kẻ theo xã hội chủ nghĩa không tưởng, những kẻ quá khích chủ trương chính quyền kiểm soát toàn diện, những kẻ theo chủ nghĩa tập thể, hay trung ương tập quyền- đã xả rác trong lịch sử bằng những kế hoạch cao ngạo nhằm tái phối trí xã hội cho phù hợp với cái viễn tượng xây dựng “cái tốt chung” của họ cho nhân loại; những kế hoạch luôn luôn thất bại khi họ giết hay bần cùng hóa con người trong tiến trình của họ. Nếu chủ nghĩa xã hội có được một dòng mộ chí cuối cùng, thì đó sẽ là: “Đây là nơi an nghỉ của một quỷ kế được tạo nên bởi những kẻ cái gì-cũng-biết và rất hăng say trong việc mặc sức đập bể trứng, nhưng chưa hề bao giờ làm được món trứng chiên nào hết.”
Mọi thí nghiệm mang tính chất tập thể tả khuynh trong thế kỷ hai mươi đều được những nhà tư tưởng theo khuynh hướng tập quyền báo trước là sẽ mang lại Đất Hứa. “Tôi đã nhìn thấy tương lai và những thành quả của nó,” nhà trí thức Lincoln Steffen đã nói như vậy sau chuyến đi thăm nước Liên Xô của Stalin. Trên tờ New Yorker ấn hành năm 1984, John Kenneth Galbraith lý luận là Liên Xô đang có những bước tiến vĩ đại về kinh tế, một phần vì hệ thống xã hội chủ nghĩa đã “tận dụng” được nguồn nhân lực của quốc gia, tương phản với hệ thống tư bản kém hiệu năng của phương Tây. Nhưng theo Hắc Thư về Chủ nghĩa Cộng sản, một nghiên cứu có uy tín, dầy tới 846 trang, ấn hành năm 1997, ước lượng thì chủ nghĩa cộng sản đã giết 20 triệu người trong cái “thiên đường của công nhân.”[1] Thêm vào đó, Hắc Thư đã dẫn chứng bằng tài liệu con số tử vong trong những nước cộng sản khác: từ 45 tới 72 triệu người chết ở Trung Cộng, trong khoảng 1 triệu 3 đến 2 triệu 3 người chết tại Cambodia, 2 triệu người chết tại Bắc Hàn, 1 triệu 7 người chết tại Phi châu, 1 triệu rưỡi người chết ở Afghanistan, 1 triệu người chết ở Việt Nam, 1 triệu người chết ở Đông Âu, và 150 ngàn người chết ở Châu Mỹ Latin.
Bộ máy hành chính bất tài và cồng kềnh
Chưa hết, tất cả những chế độ sát nhân đó đều có nền kinh tế hết thuốc chữa; họ phung phí tài nguyên để chi cho công an và quân đội, xây dựng bộ máy hành chánh cồng kềnh và bất tài, và chẳng sản xuất được cái gì để có thể xuất cảng ra thị trường ngoài lãnh thổ của họ. Họ đã không “tận dụng” được cái gì hết ngoại trừ sức mạnh của công an. Trong mỗi một nước cộng sản trên toàn thế giới, câu chuyện đều giống nhau: rất nhiều trứng bị đập vỡ, nhưng không có trứng chiên. Đây là một sự thực, không có ngoại lệ.
F. A. Hayek[2] đã giải thích kết quả tất yếu này trong tác phẩm Đường dẫn tới chế độ nông nô, một tác phẩm kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng xuất bản năm 1944. Hayek cảnh cáo: tất cả mọi cố gắng nhằm thay đổi những kế hoạch cá nhân bằng kế hoạch trung ương sẽ đưa tới thảm họa và sự độc tài. Không thể có một viễn cảnh cao thượng nào có thể biện minh cho sự sử dụng bạo lực để đạt được viễn cảnh đó. Hayek viết, “Cái nguyên tắc cứu cánh biện minh cho phương tiện dùng trong đạo đức cá nhân được người ta dùng để phủ nhận mọi giá trị đạo đức. Trong đạo đức tập thể, nguyên tắc này tất yếu trở thành sự cai trị tối cao của nhà nước.”
Những tội ác tệ hại nhất của những người chủ trương nhà nước tập quyền tồi tệ nhất thường được giảm thiểu hóa hay bỏ qua bởi những người cùng phe nhưng ít cực đoan hơn, cho đó là sự “quá độ” của những người quá hăng say nhưng có ý định tốt. Những người biện hộ này phủ nhận bàn tay sắt và cho rằng nhà nước có thể đạt được sự bình đẳng và những mục đích tập thể bằng bao tay bọc nhung.
Nhưng cho dù đó là con đường “trung dung” kiểu Thụy Điển, “chủ nghĩa xã hội công nhân” kiểu Nam Tư, hay chủ nghĩa Fabian[3] kiểu Anh quốc, kết quả vẫn như nhau: trứng vỡ nát, nhưng không có trứng chiên.
Bạn có bao giờ để ý rằng những người chủ trương nhà nước tập quyền vẫn liên tục “cải cách” những công trình của họ không? Nào là cải cách giáo dục, cải cách y tế, cái cách phúc lợi xã hội, cải cách thuế vụ. Chính cái sự kiện họ cứ loay hoay “cải cách” hoài đã ngầm cho ta thấy là ngay từ 50 lần đầu tiên họ đã làm sai trật hết.
Cái danh sách này thì dài vô tận: chính sách y tế của Canada, chủ nghĩa phúc lợi của Âu châu, Chủ nghĩa Peron[4] của Argentina, chủ nghĩa xã hội hậu thuộc đại của Phi châu, cộng sản kiểu Cuba, và cứ thế kéo dài. Chưa có nơi nào trên thế giới mà những nhà nước tập quyền sản xuất được món trứng chiên. Ở mọi nơi-kết quả như nhau: trứng bị đập vỡ và bị bác chẳng còn ra hình thù gì nữa. Người dân ở những xứ này đời sống mỗi ngày một tệ hơn, bị bần cùng hóa và nháo nhác tìm câu trả lời ở chốn khác hay cơ hội để trốn đi. Những nền kinh tế bị hủy hoại. Lửa tự do bị dập tắt.
Ta có thể dùng điều này làm kết luận rằng nhà nước tập quyền không có được một mô hình thành công nào để trưng bày, không có món trứng chiên nào họ có thể dùng để khoe với mọi người là món chính trong cách nấu thực phẩm của họ, nhất là đối với những người yêu tự do như chúng ta. Thật ra, các kinh tế gia James Gwartney, Robert Lawson, và Walter Block trong khảo sát của họ mang tựa đề Tự do Kinh tế của Thế giới: 1975-1995, đã kết luận rằng “Không có một nước nào mà được đánh giá là có sự tự do kinh tế cao và bền vững trong hai thập niên qua mà lại không đạt được mức độ thu nhập cao. Ngược lại, không có nước nào mà có mức độ đánh gía kinh tế thấp đạt được mức thu nhập trung bình…Những nước có sự gia tăng cao nhất về tự do kinh tế trong thời kỳ này đã đạt được những mức tăng trưởng đáng khâm phục.”
Có lẽ không có ai giải thích bài học này hay hơn nhà kinh tế và chính trị gia lão luyện Frederic Bastiat 150 năm trước đây: “Và giờ đây khi các nhà lập pháp và những kẻ nghĩ mình-là-người làm-việc-tốt thấy họ đã gây ra bao thiệt hại khi áp đặt quá nhiều hệ thống lên xã hội, họ nên chấm dứt ở chỗ họ bắt đầu: Vất hết tất cả mọi hệ thống, và hãy thử tự do; vì tự do là sự công nhận niềm tin vào Thượng Đế và những công trình của Ngài.”
Bài này dược đăng lần đầu trên Tạp Chí Freeman năm 1999.
Về tác giả: Lawrence (Larry) Reed là Chủ tịch của Tổ chức FEE (Foundation for Economic Education) từ năm 2008, sau khia đã làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị trong thập niên 1990 và đã cộng tác bài vở với FEE từ thập niên 1970. Larry là giáo sư môn kinh tế học tại Đại học Northwood, bang Michigan từ năm 1977-1984 và là trưởng phân khoa Kinh tế tại đây từ 1982-1984.
© Học Viện Công Dân, March 2015
Nông Duy Trường chuyển ngữ
Nguồn: http://www.fee.org/the_freeman/detail/where-are-the-omelets
[1] Liên Xô
[2] Frederick August von Hayek là một nhà kinh tế học người Anh gốc Austria, cũng đồng thời là một triết gia về chính trị, cổ vũ cho chủ nghĩa tự do cổ điển và chủ nghĩa tư bản theo thị trường tự do nhằm đối kháng lại với những chủ trương xã hội chủ nghĩa hay nhà nước tập thể vào giữa thế kỷ 20. Hayek được xem là một trong những nhà tư tưởng về chính trị và kinh tế quan trọng nhất trong thế kỷ 20. Năm 1950, Hayek sang Mỹ giảng dạy tại Đại học Chicago. Hayke được giải Nobel Kinh tế năm 1974 cùng với kinh tế gia Gunnar Myrdal, và nhận được Huy Chương Tự Do của Tổng thống năm 1991. Hayek mất năm 1992, thọ 92 tuổi.
[3] Chủ nghĩa Fabian là chủ nghĩa của tổ chức Fabian (Fabian Society: Fabian Xã) xuất phát từ Anh quốc, được thành lập từ năm 1884, và chủ trương tiến hành chủ nghĩa xã hội qua các phương tiện tiệm tiến và cải cách. Đảng Lao Động Anh sử dụng một số nguyên tắc của chủ nghĩa Fabian. Ngày nay Fabian Xã hoạt động chuyên về nghiên cứu (think tank).
[4] Chủ nghĩa Peron (Peronism), được đặt tên theo tổng thống Juan Peron, là chủ nghĩa ở giữa hai cực tư bản và cộng sản và theo khuynh hướng nghiệp đoàn và có tính cách chuyên chế.