Lawrence Reed
LGT: Lawrence Reed viết bài này vào năm 2017 để đánh dấu 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga—một cuộc cách mạng tàn bạo, phi nhân đáng kinh tởm nhất của nhân loại trong thế kỷ 20.
Khi cuộc Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Vĩ đại đến ngày kỷ niệm một trăm năm, điều quan trọng là phải nhớ lại sự tàn phá mà nó đã gây ra.
Thứ hai, ngày 16 tháng 10 năm 2017
Tuyên truyền của Liên Xô trước đây trong nhiều thập kỷ đã gọi nó là “Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tháng Mười Vĩ đại”, sự kiện quan trọng đưa Vladimir Lenin lên nắm quyền và mở đầu cho bảy mươi bốn năm cầm quyền của Đảng Cộng sản. Hôm nay (Thứ hai, 16 tháng Mười, 2017) chúng ta sắp đến ngày kỷ niệm một trăm năm của cuộc cách mạng đó.
Nó không phải là một ngày kỷ niệm mà bất cứ ai cũng nên kỷ niệm.
Đối với những người chân chính ở khắp mọi nơi, thì không có gì về thảm kịch năm 1917 của nước Nga đáng để tưởng nhớ. Tuy nhiên, mọi thứ về cuộc cách mạng đó đều phải ghi nhớ — để rút ra những bài học quan trọng. Cuộc tàn sát tạo ra bởi hệ tư tưởng lên nắm quyền cách đây một thế kỷ có thể mãi mãi là một tội ác lớn nhất trong biên niên sử về sự sa đọa của con người. Nếu bạn không chắc hệ tư tưởng đó là gì hoặc gọi nó là gì, có lẽ bài viết này sẽ hữu ích.
Trước đây 49 năm tôi trở thành một nhà hoạt động vì quyền tự do để phản đối cuộc xâm lược của Liên Xô vào Tiệp Khắc. Vì vậy, một phần vì lý do cá nhân, tôi không thể để cột mốc trăm năm này trôi qua mà không ghi nhận nó theo một cách nào đó.
Các nạn nhân của chế độ Xô Viết và các chế độ chuyên chế khác mà nó sinh ra trong thế kỷ 20 lên tới con số 100 triệu, nhưng liệu có bài báo, cuốn sách hoặc bộ sưu tập đồ sộ nào về các chế độ chuyên chế đó có bao giờ ghi lại đầy đủ và trung thực những câu chuyện về sự đau đớn và hy sinh của các nạn nhân đó không? Dĩ nhiên là không. Vì vậy, với sự hạn chế đó, tôi chọn để nhắc tới sự kiện này bằng cách nói với bạn một chút về chỉ hai người trong số 100 triệu đó. Tên của họ là Gareth Jones và Boris Kornfeld.
__________
Gareth Richard Vaughan Jones sinh ra ở xứ Wales vào ngày 13 tháng 8 năm 1905. Cha mẹ ông đều là những nhà giáo dục trung lưu quyết tâm cho con trai của họ có được nền giáo dục tốt nhất có thể. Đến năm 25 tuổi, chàng trai trẻ Gareth đã có bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Nga của Đại học Wales và Cao đẳng Trinity tại Đại học Cambridge. Cựu Thủ tướng Anh David Lloyd George đã thu dụng anh ta gần như ngay lập tức với tư cách Cố vấn Đối ngoại của mình, một nhiệm vụ đáng chú ý đối với một chàng trai 25 tuổi.
Gareth hẳn đã nghĩ mình sẽ có một tưong lai tươi sáng. Anh ấy không biết rằng anh ấy sẽ sớm trở thành một nhà báo nổi tiếng trên thế giới, và đã chết trước sinh nhật lần thứ 30 của mình.
Vào đầu những năm 1930, Jones đã thực hiện hai nhiệm vụ tìm hiểu thực tế tại Liên Xô của Stalin. Ông đã xuất bản một số bài báo được đón nhận trên các tờ báo lớn của phương Tây về những quan sát của mình. Trước chuyến thăm thứ ba vào tháng 3 năm 1933, ông đã thu thập được thông tin đáng tin cậy rằng tình trạng ở Ukraine, khi đó là một trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô, đang rất tồi tệ. Ông quyết tâm tự tìm hiểu và dự tính thực hiện nhiệm vụ thứ ba vào tháng 3 năm 1933.
Một tháng trước chuyến hành trình định mệnh đó, Jones được các quan chức ở Đức mời viết về một cuộc biểu tình chính trị ở Frankfurt. Adolf Hitler vừa được bổ nhiệm làm Thủ tướng vào tháng Giêng. Ba ngày trước vụ đốt cháy Reichstag ngày 27 tháng 2, Jones là một trong số ít những người có mặt trên máy bay đến cuộc biểu tình đó cùng với Adolf Hitler và Joseph Goebbels. Khi chứng kiến quần chúng ca tụng về người sẽ sớm nắm quyền “Fuhrer”, Jones cảm nhận được những rắc rối sẽ xảy ra . Sau này ông viết, giá như chiếc máy bay mà ông đi cùng Hitler và Goebbels bị rơi, thì lịch sử châu Âu đã khác đi rất nhiều.
Sau khi làm nhiệm vụ ở Đức, Jones đến Moscow vào tháng Ba. Đi từ đó đến Ukraine bị cấm, nhưng ông ta đã tránh né các nhà chức trách Liên Xô và tìm đường đến Ukraine. Những điều ông nhìn và nghe thấy khiến ông kinh hoàng. Đến cuối tháng, ông trở lại Berlin và báo cáo với thế giới. Trong một bài báo đăng trên tờ New York Evening Post, tờ Manchester Guardian của Anh và nhiều tờ báo khác, ông viết:
Tôi đi qua các ngôi làng và mười hai nông trại tập thể. Khắp nơi đều có tiếng kêu khóc, “Không có bánh mì. Chúng tôi sắp chết.” … Tôi đi bộ xuyên qua vùng đất đen vì đó đã từng là vùng đất nông nghiệp phì nhiêu nhất và vì các phóng viên đã bị cấm đến đó để tận mắt chứng kiến những gì đang xảy ra.
Trong xe lửa, một người Cộng sản xác nhận với tôi rằng không có nạn đói. Tôi ném một vỏ bánh mì của mà tôi đang ăn vào một ống nhổ. Một nông dân cùng đi nhặt nó ra và ăn một cách thèm thuồng. Tôi ném một vỏ cam vào ống nhổ và người nông dân lại nắm lấy nó ăn ngấu nghiến. Người Cộng sản không dám nói gì nữa.
Tôi đã ở lại qua đêm trong một ngôi làng nơi từng có 200 con bò mà bây giờ chỉ còn có sáu con. Những người nông dân đang ăn thức ăn gia súc và chỉ còn đủ ăn một tháng. Họ nói với tôi rằng nhiều người đã chết vì đói. Hai người lính đến bắt một tên trộm. Họ cảnh báo tôi không được đi ban đêm, vì có quá nhiều người đàn ông tuyệt vọng vì sắp ‘chết đói’.
“Chúng tôi chờ chết” là lời chào với tôi… “Đi xa hơn về phía nam. Ở đó họ không có gì cả. Nhiều nhà có người chết hết rồi,” họ khóc.
Jones đã bước vào một trong những tội ác kinh tởm nhất của Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Vĩ đại: Holodomor năm 1932-33. Còn được gọi là Nạn đói Khủng bố-và Diệt chủng Ukraina, đây là một thảm họa có chủ đích, do giới lãnh đạo cao cấp tạo ra, cướp đi sinh mạng của từ bốn đến mười triệu người. Từ Stalin trở xuống, chính quyền Cộng sản đã tạo ra tình trạng đó để đè bẹp sự phản kháng của người Ukraine đối với việc cưỡng bức tập thể hóa nông nghiệp. Hai năm và hàng triệu người chết sau đó, Stalin tuyên bố trong một bài phát biểu, “Cuộc sống đã được cải thiện, các đồng chí. Cuộc sống đã trở nên yên vui hơn ”.
Trong Bloodlands: Europe Giữa Hitler và Stalin, nhà sử học Timothy Snyder đề cập đến nạn ăn thịt đồng loại lan rộng trong thảm họa đó:
Sống sót là một cuộc đấu tranh về đạo đức cũng như thể chất. Một nữ bác sĩ đã viết thư cho một người bạn vào tháng 6 năm 1933 rằng cô ấy vẫn chưa trở thành người ăn thịt người, nhưng “không chắc rằng tôi sẽ không trở thành một người vào thời điểm bức thư của tôi đến tay bạn.” Người tốt chết trước. Chính những người không chịu ăn cắp hoặc làm gái mại dâm là những người chết trước. Những người cho người khác thức ăn đã chết. Những người không chịu ăn xác chết cũng chết. Những người từ chối giết đồng loại của họ cũng chết. Cha mẹ chống lại việc ăn thịt đồng loại đã chết trước con cái của họ.
Gareth Jones, 27 tuổi, là nhà báo đầu tiên tiết lộ về nạn đói kinh hồn của Ukraine cho thế giới bên ngoài. Ngày nay không có người đáng tin cậy nào phủ nhận rằng trận đói đã xảy ra. Nhưng vào tháng 3 năm 1933, Jones bị sốc khi thấy những tiết lộ của mình vấp phải sự tố cáo của một số nhà báo kỳ cựu và có uy tín cao.
Đứng đầu trong số những người từ chối là phóng viên thân Liên Xô Walter Duranty của New York Times. Vào ngày 31 tháng 3, Duranty đã viết một bài cho The Times, khẳng định là báo cáo của Jones là bịa đặt. Thậm chí ông còn trích dẫn các nguồn tin của Điện Kremlin (như thể là đáng tin cậy) cho rằng Jones là một kẻ nói dối trắng trợn.
Duranty chưa bao giờ xin lỗi về những cáo buộc chống lại Jones, cũng như chưa bao giờ rút lại lời tuyên truyền “không có nạn đói”. Sau đó, ông đã được một giải thưởng Pulitzer cho “sự đưa tin” của mình về Liên Xô. Nhiều thập kỷ sau, The Times thừa nhận rằng các bài báo của ông đã trở thành “một số bài báo tồi tệ nhất xuất hiện trên tờ báo này.” Duranty là một ví dụ kinh điển về những người mà Vladimir Lenin đã miệt thị cho là “những kẻ ngốc hữu dụng”. (Ngày nay vẫn còn đầy rẫy những hạng người như vậy. Bạn có thể tìm hiểu thêm về những người đó trong các tác phẩm của nhà xã hội học Paul Hollander, tại đây, tại đây và tại đây.
Matxcơva căm thù việc Jones đã tìm cách vào Ukraine trái với mong muốn của họ. Nói cho thế giới biết về tình trạng ở đó đã khiến ông ta bị chính thức ghi vào sổ đen. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Maxim Litvinov (người mà Jones đã phỏng vấn ở Moscow) đã viết một bức thư riêng cho Lloyd George, thông báo với ông rằng đồng nghiệp của ông là ông Jones sẽ không bao giờ được phép vào Liên Xô nữa.
Hai năm sau, Jones và một nhà báo người Đức đưa tin về các sự kiện ở Trung Quốc đầy biến động. Họ bị bắt bởi những tên cướp: hai ngày sau người Đức được thả ra nhưng Jones bị giữ thêm mười sáu ngày nữa. Sau đó, trong hoàn cảnh bí ẩn vào ngày 12 tháng 8 năm 1935 — một ngày trước sinh nhật lần thứ 30 của mình — Jones bị bắn chết. Như một bộ phim tài liệu của BBC cho thấy, bằng chứng buộc tội giết người có liên hệ rất nhiều với cảnh sát mật Liên Xô.
Hai tuần sau khi Jones bị sát hại, David Lloyd George đã bày tỏ lòng kính trọng đối với người bạn trẻ của mình:
Vùng đó trên thế giới đầy những âm mưu xung đột và một hoặc những phần tử quan tâm có lẽ biết rằng ông Gareth Jones biết quá nhiều về những gì đang diễn ra … Ông có niềm đam mê tìm hiểu những gì đang xảy ra ở nước ngoài ở bất cứ nơi nào có rắc rối, và để theo đuổi các cuộc điều tra của mình, ông không bao giờ sợ rủi ro … Tôi đã luôn sợ rằng có lúc ông có thể mạo hiểm quá mức. Không có gì thoát khỏi tầm quan sát của ông, và ông không bao giờ chịu lùi bước trước một chướng ngại khi ông nghĩ rằng ông có thể tìm ra một sự thật đáng kể nào đó. Ông có biệt tài tìm luôn luôn ra những sự việc quan trọng.
Gareth Jones đã không còn sống để chứng kiến lời báo cáo can đảm của mình được minh xác, nhưng ngày nay kỷ niệm của anh ấy vẫn được tôn vinh trong ký ức của người dân Ukraine, và được coi là một anh hùng dân tộc.
________
Chính xác Boris Nicholayevich Kornfeld được sinh ra vào lúc nào, bây giờ dường như không ai biết chắc chắn. Ngày nay chúng ta có thể không biết gì về anh ấy nếu không phải vì một vài đoạn trong cuốn sách nổi tiếng của một người đàn ông — bây giờ, tôi chỉ gọi ông ấy là Mr.X — người đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời và thậm chí có thể đã giúp cứu người.
Chúng ta biết rằng vào cuối những năm 1940, Kornfeld là một tù nhân bị giam giữ tại Ekibastuz, một trại lao động cưỡng bức khét tiếng ở Siberia thuộc Liên Xô. Chúng ta biết rằng Kornfeld là một bác sĩ và đôi khi được lệnh phải chăm sóc các tù nhân khác. Anh ta là người Do Thái nhưng dường như bị ảnh hưởng bởi đức tin và chủ nghĩa khắc kỷ của các tù nhân Cơ đốc trong trại nên anh ta đã cải đạo. Anh cảm thấy bị thôi thúc mạnh mẽ khi phải nói cho các người khác về Cơ đốc giáo, mặc dù làm như vậy rất nguy hiển cho chính anh.
Trong cuốn sách nổi tiếng của mình, ông X viết về cuộc gặp gỡ này của ông với bác sĩ Kornfeld:
Sau khi được giải phẫu, tôi nằm trong khu phẫu thuật của một bệnh viện trại. Tôi không thể di chuyển. Tôi nóng và phát sốt, nhưng dù sao suy nghĩ của tôi không tan thành mê sảng, và tôi biết ơn bác sĩ Boris Nikolayevich Kornfeld, người đã ngồi bên cạnh giường vải của tôi và nói chuyện với tôi suốt buổi tối. Đã tắt đèn nên tôi không bị nhức mắt. Không có ai khác trong lán.
Ông ấy nhiệt tình kể cho tôi nghe câu chuyện dài về sự chuyển đổi của ông ấy từ đạo Do Thái sang đạo Cơ đốc. Tôi ngạc nhiên về niềm tin của người cải đạo mới, trước những lời nói hăng hái của ông ta.
Chúng tôi biết nhau rất ít, và ông ấy không phải là người chịu trách nhiệm điều trị cho tôi, nhưng đơn giản là không có ai ở đây mà ông ấy có thể chia sẻ cảm xúc của mình. Ông ấy là một người hiền lành và tốt tính. Tôi không thể thấy điều gì xấu ở ông ấy, và tôi cũng không biết điều gì xấu về ông ấy.
Tuy nhiên, tôi đã thận trọng vì Kornfeld hiện đã sống hai tháng bên trong bệnh viện doanh trại, mà không ra ngoài. Ông ta đã đóng cửa ở đây, tại nơi làm việc của mình, và tránh đi xung quanh trại.
Điều này có nghĩa là ông ấy sợ bị giết. Trong trại của chúng tôi mới đây đã có phong trào cắt cổ các ‘ăng-ten’[1] . Sự kiện này có ảnh hưởng. Nhưng ai có thể đảm bảo rằng chỉ có những ‘ăng-ten’ mới bị cắt cổ? Một tù nhân đã bị cắt cổ trong một trường hợp rõ ràng là để giải quyết một mối hận thù ghê tởm. Do đó, việc Kornfeld tự giam mình trong bệnh viện không nhất thiết chứng minh rằng anh ta là một ‘ăng-ten.’
Đã khuya rồi. Cả bệnh viện chìm trong giấc ngủ. Kornfeld đang kể nốt câu chuyện của mình… Tôi không thể nhìn thấy khuôn mặt của anh ấy. Qua cửa sổ chỉ thấy những phản chiếu rải rác của ánh đèn từ bên ngoài trại. Cánh cửa từ hành lang lấp lánh ánh đèn điện màu vàng. Nhưng trong giọng nói của anh có những điều thần bí khiến tôi rùng mình.
Đó là những lời cuối cùng của Boris Kornfeld. Không ồn ào, anh ta đi vào một trong những lán gần đó và nằm xuống đó để ngủ. Mọi người đã ngủ. Không có ai mà anh ta có thể nói chuyện. Tôi cũng đi ngủ.
Tôi bị thức giấc vào buổi sáng vì có tiếng động người chạy thình thịch trên hành lang; những người trật tự đang mang thi thể của Kornfeld đến phòng phẫu thuật. Anh ta đã bị đập tám nhát vào sọ bằng vồ của người thợ trát vữa khi đang ngủ. Anh chết trên bàn mổ, không tỉnh lại.
Ông X “nổi tiếng” đã viết những lời đó là ai? Không ai khác chính là Aleksandr Solzhenitsyn, mười năm tù trong nơi mà sau này ông đã đặt cho cái tên bất tử là Quần đảo Gulag và là tựa đề của một trong những tác phẩm văn học và lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Solzhenitsyn, sau đó đưọc tặng giải Nobel nhận rằng Kornfeld đóng một vai trò quan trọng trong quyết tâm tinh thần và tâm linh của ông để chịu đựng những tình cảnh khủng khiếp. Khi bản thảo Gulag được lén chuyển ra và xuất bản ở phương Tây vào năm 1973, nó đã thổi bay những gì còn sót lại trong huyền thoại về “thiên đường công nhân” của chủ nghĩa xã hội Liên Xô.
Boris Kornfeld không chỉ là một con số. Anh ta, cũng như 80 hay 90 hay 100 triệu nạn nhân khác của Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Vĩ đại, là một con người thực sự. Anh có tên, có gia đình, có kế hoạch và tham vọng, thích và không thích, vui và buồn. Rất may, anh ấy cũng còn một chút nhân cách. Anh ấy đã chia sẻ sự thật và nguồn cảm hứng và bị khổ sở vì nó. Nhưng chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng với lòng dũng cảm của anh ta, được truyền vào tâm hồn của một người khác, anh ta đã giúp kết thúc một Đế chế Ác Quỷ thực sự.
Tôi chắc chắn rằng Gareth Jones sẽ rất hài lòng với kết quả đó.
Những lời nói thêm này của Solzhenitsyn cho tôi một kết luận thích hợp. Hãy nghĩ về những lời nói đó:
Chủ nghĩa xã hội dưới bất kỳ hình thức nào đều dẫn đến sự hủy diệt hoàn toàn tinh thần của con người và san bằng nhân loại cho đến chết.
Ở những nơi khác nhau trong nhiều năm, tôi đã phải chứng minh rằng chủ nghĩa xã hội – đối với nhiều nhà tư tưởng phương Tây là một loại vương quốc công lý – trên thực tế đầy cưỡng bức, quan liêu, tham nhũng và tham ô, và vì những đặc tính cố hữu của nó chủ nghĩa xã hội không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của cưỡng bách.
Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười Vĩ đại là một tai họa ghê gớm nhất. Chúng ta không thể – và không bao giờ – bào chữa cho nó.
Ghi chú của Tác giả: Xin đừng quên tham dự sự kiện quan trọng trăm năm này vào ngày 7 tháng 11 năm 2017, tại Washington, D.C., tổ chức bởi Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản.
Trần Lương Ngọc chuyển ngữ
©Học Viện Công Dân Jul 2022
Tác giả: Lawrence W. Reed là Chủ tịch danh dự của FEE (Foundation for Economic Education), Humphreys Family Senior Fellow, và Ron Manners Global Ambassador for Liberty, sau khi đã phục vụ gần 11 năm với tư cách là chủ tịch của FEE (2008-2019). Ông là tác giả của cuốn sách xuất bản năm 2020, Was Jesus a Socialist? và Real Heroes: Incredible True Stories of Courage, Character, and Conviction và Excuse Me, Professor: Challenging the Myths of Progressivism. Theo dõi tại LinkedIn và Like trang nhân sĩ của ông trên Facebook. Trang mạng của ông là www.lawrencewreed.com.
Nguồn: https://fee.org/articles/a-revolution-to-always-remember-but-never-celebrate/
[1] ‘ăng-ten’: tù nhân bí mật làm báo cáo cho trại [Chú thích của ngưòi dịch]