fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

NHẬT BẢN ĐÃ ĐI TỪ VĂN HÓA CAO SANG VĂN HÓA SAMURAI NHƯ THẾ NÀO

Lawrence W. Reed

Người Mỹ, người châu Âu và người châu Phi biết rất nhiều về quá khứ của chính họ nhưng có lẽ không biết nhiều về lịch sử của một quốc gia xa xôi và quan trọng là Nhật Bản. Điều này cũng dễ hiểu. Tiếng Nhật là một ngôn ngữ khó học. Trong phần lớn lịch sử Nhật Bản, các nhà lãnh đạo đất nước này đã đóng cửa không cho người nước ngoài vào và cô lập công dân của họ ở trong nước. Nền văn hóa này đôi khi được gọi là “bí hiểm.”

Nhưng càng tìm hiểu về Nhật Bản tôi càng thấy nó hấp dẫn. Tôi chỉ đến thăm nước Nhật một lần, cách đây gần 40 năm, khi đó tôi chưa biết nhiều về quá khứ của nó. Bây giờ tôi biết được nhiều câu chuyện có thật trong lịch sử Nhật Bản khiến tôi muốn quay lại và tìm hiểu thêm.

Ví dụ, bạn có biết rằng một nô lệ da đen từ Đông Phi đã đến Nhật Bản vào cuối thế kỷ 16 và cuối cùng trở thành một chiến binh và võ sĩ (samurai) nổi tiếng? Tên của samurai này là Yasuke. Yasuke kết bạn với lãnh chúa hùng mạnh Oda Nobunaga (Chức điền Tín trường), người ban đầu bị sốc vì màu da của người da đen đến mức đã ra lệnh tẩy sạch màu da đen. Khi Yasuke bước ra từ cuộc “tẩy da” cũng vẫn đen đủi như trước, Yasuke nhận được sự tôn trọng đặc biệt từ Nobunaga và người dân Nhật Bản. Vào năm 2019, Thomas Lockley và Geoffrey Girard đã viết một cuốn tiểu sử tuyệt vời về ông có tựa đề Samurai Châu Phi.

Hay bạn đã từng nghe nói về William Adams, một thủy thủ người Anh bị đắm tàu ở Nhật Bản vào đầu thế kỷ 17, người đã vươn lên vị trí cao trong triều đình Nhật Bản? Câu chuyện của ông đã được ghi lại trong tiểu sử Samurai William của Giles Milton. Cuốn tiểu thuyết lịch sử năm 1975 của James Clavell,có tựa đề Lãnh Chúa (Shogun), dựa trên câu chuyện của Adams và được dựng thành phim truyền hình nhiều tập nổi tiếng với sự tham gia vai diễn của tài tử Richard Chamberlain vào năm 1980.

Bạn có biết rằng Mông Cổ đã toan tính xâm lăng Nhật Bản vào thế kỷ 13, và đã bị “thổi bay” bởi một cơn bão tàn khốc theo đúng nghĩa đen? Hạm đội Mông Cổ đã bị phá hủy bởi thứ mà người dân địa phương gọi là “thần phong” (kamikaze), có nghĩa là “gió thần.” Đó là một từ mà người Mỹ biết đến khá đau đớn trong Thế chiến thứ hai.

Lịch sử Nhật Bản thường được trình bày dưới dạng một chuỗi các thời đại hoặc “thời kỳ.” Tại FEE.org, gần đây tôi đã viết về Thời kỳ Chiến Quốc (Sengoku), Thời kỳ Muromachi và một nhân vật nổi tiếng từ Thời kỳ Cải cách của Minh Trị Duy tân chẳng hạn.

Để cân bằng bài viết này, tôi muốn giới thiệu với độc giả về Thời kỳ Bình An (Heian) kéo dài 400 năm bắt đầu từ năm 794 sau Công Nguyên. Nó bắt đầu với sự nở rộ của nghệ thuật và văn học và kết thúc vào năm 1185 với chế độ Mạc phủ đầu tiên, còn dược gọi là chế độ độc tài quân sự.

Thời kỳ Heian được đặt tên như vậy vì Hoàng đế Hoàn Vũ (Kanmu) đã chuyển thủ đô từ Nara đến Heian-kyo (Kyoto ngày nay) vào năm 794. Từ dành cho thành phố này có nghĩa là “Thủ đô của Hòa bình và Yên tĩnh.” Thời kỳ Heian được biết đến như một mốc son đối với hoàng đế Hoàn Vũ và triều đình của ông. Sự phân quyền dần dần làm giảm quyền lực ở trung tâm Nhật Bản, điều này phần nào giải thích cho cuộc cải cách văn hóa đi kèm với nó.

Nếu có một Thời đại hoàng kim của văn hóa Nhật Bản thì Thời kỳ Heian đủ tiêu chuẩn. Bất chấp dịch bệnh đậu mùa đã quét sạch một nửa dân số đất nước bắt đầu từ năm 812, các loại hình nghệ thuật mới và đặc thù của Nhật Bản vẫn xuất hiện và phát triển mạnh mẽ—trong thơ ca, thư pháp, văn học, kiến trúc, âm nhạc và vũ đạo.

Cuốn tiểu thuyết dài đầu tiên trên thế giới, “Truyện Nguyên thị (Genji),” được viết vào thời kỳ này bởi một cung phi trong triều đình tên là Murasaki Shikibu.

Ava Sato viết: “TÍnh chất văn hóa Heian được tinh luyện bởi cảm quan thẩm mỹ tinh tế, tập trung vào vẻ đẹp, sự tao nhã và cách cư xử lịch sự.” ‘Khái niệm ‘mono no aware’ (bản chất phù du của sự vật) đã trở thành trọng tâm trong cảm quan thẩm mỹ của người Nhật trong thời gian này.”

Bản thân thời kỳ Heian là chứng tích của sự phù du. Đến thế kỷ 11, các gia tộc đối địch nảy sinh và đánh lẫn nhau để giành quyền kiểm soát. Trong một câu chuyện buồn được lặp đi lặp lại khắp thế giới, lòng tham quyền lực đã trực tiếp dẫn đến nội chiến. Gia tộc Fujiwara cuối cùng đã nổi lên như những người cai trị thực sự của thời kỳ cuối thời Heian Nhật Bản, mang lại lợi ích cho hầu hết giới tinh hoa quý tộc địa chủ và làm cho thường dân xa lánh.

Cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài 5 năm trong Chiến tranh Genpei (1180–1185) đã kết thúc thời kỳ Heian và mở ra Chế độ Mạc phủ Kamakura (1185–1333), một chế độ độc tài quân sự. Trong 150 năm tồn tại,Nhật Bản có hai chính phủ— triều đình của một vị hoàng đế hầu như chỉ mang tính nghi lễ và bất lực ở Kyoto và trung tâm quyền lực thực sự nằm trong tay lãnh chúa (shogun) ở thành phố Kamakura.

Tầng lớp samurai xuất hiện vào cuối thời Heian với tư cách là chiến binh cho các gia tộc địa phương. Vào thời kỳ Kamakura sau này, samurai bao gồm quân đội của chế độ Mạc phủ. Tầng lớp samurai nổi bật ở Nhật Bản trong bảy thế kỷ tiếp theo cho đến khi bị bãi bỏ vào năm 1871. Giờ đây, hy vọng bạn biết nhiều hơn một chút về samurai so với những gì bạn đã học được từ các bản phác thảo của chương trình truyền hình Saturday Night Live như “Samurai Hotel” và “Samurai Delicatessen.”

Tình cờ, Học viện Khan cung cấp một lịch sử ngắn gọn nhưng đầy thông tin về samurai. Bộ phim bom tấn sử thi do Tom Cruise đóng vai chính năm 2003 “Người võ sĩ samurai cuối cùng” (The Last Samurai) đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình điện ảnh ngay cả ở Nhật Bản, mặc dù khán giả ở đó thường tin rằng bộ phim khiến các samurai có vẻ cao quý và đáng ngưỡng mộ hơn thực tế.

Lịch sử Nhật Bản có thể gây khó cho những người phương Tây mới biết đến nó, nhưng một nơi tốt để bắt đầu là cuốn Lịch sử Nhật Bản của R. H. P. Mason và J. G. Caiger.

Thoạt đầu, người Nhật có vẻ “bí hiểm.” Càng tìm hiểu về họ, người ta càng hiểu rằng có một chủ đề chung xuyên suốt lịch sử nhân loại ở khắp mọi nơi.

Để có thêm thông tin, xem:

The Heian Period: An Age of Art Ending in a Shogunate (video)

The Untold Story of Yasuke: From Slave to History’s First Black Samurai (video)

William Adams: Story of the English Samurai in Japan (video)

The Importance of William Adams, the English Samurai (video)

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© học Viện Công Dân, Feb 2024

Tác giả: Lawrence W. Reed là Chủ tịch tạm thời của tổ chức FEE. Ông đã làm chủ tịch của tổ chức này trong 11 năm, từ   2008-2019.

Nguồn: https://fee.org/articles/how-japan-went-from-high-culture-to-a-samurai-culture/