Lawrence Reed
Lawrence Reed
Trong thời đại Minh Trị, Nhật Bản không phải là một thiên đường tự do. Nhưng sang đến năm 1900, đất nước này đã có một sự tự do đáng kể, đã công nghiệp hoá và thịnh vượng hơn. Và hiện đại hơn hẳn ba thập niên trước đó.
Chế độ bế quan toả cảng, phong kiến và độc tài quân phiệt đã cai trị quốc gia Nhật Bản ở châu Á từ năm 1603 đến năm 1868. Thởi kỳ này được biết đến là thời kỳ của Mạc phủ Đức Xuyên Gia Khang (Tokugawa Shogunate). Sự tan rã của chế độ này xảy ra nhanh hơn vì sự xuất hiện bất ngờ của hạm đội Mỹ do Phó Đề đốc Matthew Perry chỉ huy vào năm 1853. Perry đòi Chính phủ Nhật Bản ở Tokyo cho phép công dân Nhật được giao thương với các thương gia phương Tây.
Perry, người gốc tiểu bang Rhode Island, thường được giới thiệu trong sách giáo khoa là người tiên phong ở Thái Bình Dương của chủ nghĩa đế quốc Mỹ, kẻ phá rối hòa bình và đe dọa lối sống của người Nhật. Có một số sự thật về điều đó, nhưng nó không tiêu cực như bề ngoài. Nhiều người Nhật hoan nghênh việc tiếp xúc với Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đến giao thương. Họ coi sự xuất hiện của Perry như một sự giải phóng. Hàng năm, sự kiện này được tổ chức tại các lễ hội ở cả Newport, Rhode Island và ở Shimoda, Nhật Bản, đánh dấu sự khởi đầu của một tình bạn lâu dài chỉ bị gián đoạn bởi bi kịch của Thế chiến thứ hai.
Tất nhiên, những người theo chủ nghĩa truyền thống và dân tộc chủ nghĩa ở Nhật Bản không hài lòng với sự xâm nhập của phương Tây. Quan điểm của họ sau này sẽ biện minh cho việc xây dựng quân đội để bảo đảm chủ quyền đất nước và ngăn chặn “các hiệp ước bất bình đẳng” mà phương Tây áp đặt lên đất nước Nhật. Việc xây dựng quân sự đó cuối cùng sẽ thúc đẩy tham vọng của Nhật Bản về các cuộc phiêu lưu đế quốc ở nước ngoài.
Trong 15 năm sau chuyến phiêu lưu của Perry, sự thống trị của chế độ độc tài quân phiệt ở Tokyo đã suy giảm. Nội chiến đã nổ ra. Khi khói súng tan trong vài ngày đầu tháng 1 năm 1868, chế độ Mạc phủ đã biến mất và một cuộc đảo chính mở ra một kỷ nguyên mới của sự thay đổi đấy ấn tượng. Ta gọi đó là Thời kỳ Cải cách, hay thời kỳ Minh Trị Duy tân.
Sự kiện quan trọng đó đã đưa Mutsuhito 14 tuổi lên ngôi, được gọi là Hoàng đế Minh Trị (Minh Trị có nghĩa là “sự cai trị sáng suốt”). Ông trị vì trong 44 năm tiếp theo. Nhiệm kỳ của ông có lẽ là nhiệm kỳ có ảnh hưởng lớn nhất trong số 122 vị hoàng đế của Nhật Bản tính đến thời điểm đó. Đất nước đã chuyển mình từ sự cô lập phong kiến sang một nền kinh tế tự do hơn, nối kết với thế giới và khoan dung hơn ở quê nhà.
Năm 1867, Nhật Bản là một đất nước khép kín, đứng trên cả hai chân trong quá khứ. Nửa thế kỷ sau, nước này đã trở thành một cường quốc lớn trên thế giới. Quá trình chuyển đổi đáng chú ý này bắt đầu với cuộc Duy tân Minh Trị. Hãy nhìn vào những cải cách đã làm thay đổi Nhật Bản như thế nào.
Trong nhiều thế kỷ, hoàng đế Nhật Bản có rất ít quyền hành. Chức vụ của ông chủ yếu mang tính nghi lễ, với quyền lực thực sự nằm trong tay một tướng quân hoặc trước đó là nhiều sứ quân. Hiệu quả tức thì của cuộc Duy tân Minh Trị là đưa hoàng đế trở lại ngai vàng với tư cách là nhà cai trị tối cao của quốc gia.
Vào tháng 4 năm 1868, chế độ mới ban hành “Thệ ngôn Hiến chương,” liệt kê những cách thức cải cách đời sống chính trị và kinh tế của Nhật Bản. Những cải cách này gồm có thành lập nghị hội của các đại biểu, chấm dứt những cách hành xử “xấu xa” như sự phân biệt giai cấp và giới hạn các sự lựa chọn nghề nghiệp, và cởi mở đối với văn hoá và kỹ thuật nước ngoài.
Sau khi dọn dẹp tàn dư nổi loạn của chế độ Mạc phủ cũ, Hoàng đế Minh Trị đảm nhận vai trò là nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của người Nhật, để các bộ trưởng cai trị đất nước dưới danh nghĩa của ông. Một trong số họ, Mori Arinori đã đóng vai trò then chốt trong việc tự do hóa Nhật Bản. Tôi coi Arinori là “Tocqueville của Nhật Bản” vì những chuyến đi sâu rộng và những quan sát sâu sắc của ông về nước Mỹ.
Chính quyền Minh Trị thừa hưởng thách thức trước mắt về tình trạng lạm phát giá cả; đồng tiền trước đây làm bằng vàng gần như nguyên chất, đã trở nên hư hỏng đến mức các thương gia thích sử dụng những đồng tiền giả cũ thay vì những đồng mới hơn, đã xuống cấp. Năm 1871, Đạo luật tiền tệ mới được thông qua, đưa đồngYen trở thành phương tiện trao đổi của đất nước và gắn chặt với vàng. Bạc đóng vai trò là đồng tiền phụ.
Một đồng tiền hợp lý hơn mang lại sự ổn định cho hệ thống tiền tệ và giúp xây dựng nền tảng cho sự tiến bộ kinh tế ngoạn mục. Những cải cách quan trọng khác cũng thúc đẩy tăng trưởng và niềm tin vào một nước Nhật mới.
Các rào cản hành chánh đối với thương mại đã được tinh giản và một cơ quan tư pháp độc lập được thành lập. Công dân được trao quyền tự do đi lại trong nước. Sự cởi mở mới với thế giới đã dẫn đến việc người Nhật đi du học và người nước ngoài đầu tư vào Nhật Bản. Thí dụ, thủ đô của nước Anh (London) đã giúp người Nhật xây dựng các tuyến đường sắt quan trọng giữa Tokyo và Kyoto và từ các thành phố đó đến các cảng lớn vào những thập niên 1870. Môi trường mới cũng khuyến khích người dân Nhật Bản tiết kiệm và đầu tư.
Trong nhiều thế kỷ, tầng lớp chiến binh (samurai) nổi tiếng về kỹ năng, kỷ luật và lòng dũng cảm trong trận chiến. Họ cũng có thể tàn bạo và trung thành với những địa chủ địa phương có quyền lực. Với con số gần hai triệu người vào cuối những năm 1860, các samurai đại diện cho các trung tâm quyền lực cạnh tranh với chính phủ Minh Trị. Để bảo đảm đất nước không rơi vào tình trạng hỗn loạn hoặc dưới sự cai trị của quân đội, hoàng đế đã thực hiện một bước đi phi thường là bãi bỏ samurai bằng sắc lệnh. Một số được đưa vào quân đội quốc gia mới, trong khi những người khác tìm được việc làm trong kinh doanh và các ngành nghề khác nhau. Việc mang kiếm samurai chính thức bị cấm vào năm 1876.
Năm 1889, Hiến pháp Minh Trị có hiệu lực. Nó tạo ra một cơ quan lập pháp gọi là Nghị viện Hoàng gia (Diet), bao gồm Hạ viện và Viện Quý tộc (tương tự như Viện Quý tộc của Anh quốc). Các đảng chính trị nổi lên, mặc dù quyền lực tối cao của hoàng đế, ít nhất là trên giấy tờ, không hề có ai dám dị nghị. Tuy nhiên, đây là trải nghiệm đầu tiên của Nhật Bản với các đại diện được bầu cử phổ thông. Hiến pháp tồn tại cho đến năm 1947, khi sự chiếm đóng của Mỹ dẫn đến một hiến pháp mới được soạn thảo dưới sự giám sát của Thống Tướng Douglas MacArthur.
Hiện đại hóa trong thời kỳ cải cách này đã tạo ra các luật kiểu phương Tây quản lý thuế, ngân hàng và thương mại. Trật tự phong kiến cũ tan biến thành nền kinh tế thị trường phần lớn, sở hữu tư nhân và sự nổi lên của doanh nghiệp Nhật Bản. Thông tin liên lạc trên khắp Nhật Bản đã được cập nhật. Sàn giao dịch chứng khoán đã thành hiện thực. Đến cuối thế kỷ, Nhật Bản là một cường quốc thống nhất, có khả năng đánh bại các đối thủ hùng mạnh như Trung Quốc (1894) và Nhật Bản dưới thời Minh Trị không phải là thiên đường tự do. Chính phủ chỉ chấp nhận những lời chỉ trích có tính biểu tượng mà thôi. Những gì mà Nghị viện Hoàng gia thực sự có thể ban hành đã bị hạn chế bởi Hoàng đế và các bộ trưởng của ông. Giáo dục, mặc dù được phổ biến rộng rãi hơn nhiều, vẫn do chính phủ kiểm soát. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc được áp dụng. Việc bỏ phiếu cho các cơ quan công quyền chỉ giới hạn ở một bộ phận nhỏ dân chúng, chủ yếu là những người giàu có. Thuế cao, một phần là do chính phủ chi mạnh tay vào cơ sở hạ tầng và quân đội.
Nhưng nước Nhật vào năm 1900 đã được tự do hơn, đã được công nghiệp hóa và thịnh vượng hơn và hiện đại hơn đáng kể so với chỉ ba thập kỷ trước đó. Ngay cả một chút tự do cũng có thể giải phóng năng lực sáng tạo của con người.
Hoàng đế Minh Trị băng hà năm 1912, chấm dứt thời đại mang tên ông. Người kế nhiệm ông, Hoàng đế Taisho, chủ trì một chính sách đối ngoại ngày càng bành trướng. Khi các cường quốc châu Âu bận rộn với chiến tranh từ năm 1914 đến năm 1918, Nhật Bản bắt đầu đưa ra các yêu cầu về tài nguyên và lãnh thổ đối với Trung Quốc và Thái Bình Dương. Về vấn đề đó, người Nhật đã mô phỏng một số hoạt động đế quốc của Đức và Anh trong khu vực—một chính sách cuối cùng có thể dẫn đến chiến tranh với Mỹ.
Cùng với những nhiều điềm báo, các biện pháp còn phôi thai của Minh Trị nhằm xây dựng các định chế dân chủ đã bị dập tắt từ trứng nước khi ảnh hưởng của quân đội ngày càng gia tang trong thập niên 1930. Bạn cũng biết việc gì đã xảy đến sau đó.
Trong cuốn sách chuyên khảo uy tín về thời đại Minh Trị, W.G. Beasley mô tả cuộc duy tân Minh Trị là “điểm khởi đầu lịch sử cho quá trình hiện đại hóa Nhật Bản.” Nhấn mạnh sự thay đổi nhanh chóng, Beasley lưu ý rằng “Chỉ trong một thế hệ, Nhật Bản đã có thể khẳng định một vị trí trong số các quốc gia hùng mạnh và ‘khai sáng’trên thế giới.
Để hiểu về nước Nhật hiện đại, ta không thể bỏ qua thời kỳ tạo nên hiện đại hóa: Minh Trị Duy Tân 1868–1912.
Nông Duy Trường chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, November 2024
Tác giả: Lawrence Reed là Cựu Chủ tịch của Foundation for Econimic Education (FEE.org). Bài viết này được trích từ cuốn sách “Unleashing The Sun” của Lawrence Reed.