Phần IV
Bàn Về Khả Năng Hiện Tại của Mỹ và Một Số Cảm Nghĩ Rời
Tôi chưa bao giờ gặp một người, ở bên Anh hay bên Mỹ, mà chưa từng thú nhận rằng sự tách biệt giữa hai nước, sẽ xảy ra không vào lúc này thì cũng vào lúc khác: Và không có thí dụ nào cho thấy là chúng ta đã thiếu suy xét khi đưa ra nhận định này mà chỉ cố gắng trình bày thực trạng đã chín muồi hay thích hợp cho sự độc lập của Lục địa Mỹ.
Vì tất cả mọi người đều đồng ý về việc tách biệt giữa hai nước, chỉ có khác nhau về thời điểm, cho nên để tránh phạm phải lỗi lầm, hãy làm một cuộc khảo sát tổng quát và cố gắng hết sức để xác định xem thời điểm đó là lúc nào. Nhưng ta không cần phải tìm kiến đâu xa, cuộc khảo sát đã chấm dứt vì thời điểm đó đã tới với chúng ta. Sự đồng ý chung của mọi người và sự đoàn kết vinh quang của tất cả mọi điều đã là bằng cớ chứng minh cho điểm này.
Sức mạnh lớn nhất của chúng ta không nằm ở số lượng mà ở sự đoàn kết; tuy nhiên con số [binh sĩ] chúng ta hiện có cũng đủ sức để đẩy lui quyền lực của tất cả thế giới. Lục địa chúng ta, ngay lúc này, có một lực lượng nhân sự có vũ trang và kỷ luật lớn nhất so với những nước khác dưới bầu trời, và sức mạnh của lực lượng này đã đạt đến đỉnh cao nhất mà không một thuộc địa riêng rẽ nào có thể yểm trợ nổi, và toàn bộ các thuộc điạ, khi kết hợp lại mới có thể hoàn thành được sứ mạng này, ở mức độ nhiều hơn hay ít hơn mức độ này một chút thì có thể tạo ra những ảnh hưởng tai hại. Lực lượng bộ binh của ta đã đủ rồi, còn về vấn đề hải quân, ta không thể không nhận thức rằng nước Anh sẽ chẳng bao giờ chịu đóng một chiến thuyền tại Mỹ nếu Lục địa này còn nằm trong tay Anh quốc. Vì thế ta chẳng nên làm kẻ tiên phong đi trước cả trăm năm theo hướng này [để đóng chiến thuyền], mà sự thực là nên hạn chế lại số tàu chiến, vì cây gỗ sẽ mỗi ngày bị hao mòn dần và những cây còn lại sẽ nằm sâu trong rừng và khó cho việc thu hoạch.
Nếu Lục địa có đông cư dân, thì sự đau khổ của họ dưới những hoàn cảnh hiện tại là những khổ đau không thể chịu đựng nổi. Ta càng có nhiều phố cảng bao nhiêu, thì ta càng phải tốn công vừa để bảo vệ, vừa để không bị mất thành vào tay địch quân. Con số hải cảng của ta hiện nay là con số tỷ lệ đẹp đẽ với nhu cầu của chúng ta, và ai cũng phải tham dự, không có ai được quyền nhàn tản. Sự giảm thiểu thương nghiệp giúp cho có thêm phương tiện để xây dựng quân đội, và những nhu cầu của quân đội tạo ra thương nghiệp mới.
Chúng ta không mắc nợ ai hết, và nếu ta có phải vay nợ trong việc này, thì đó sẽ là một kỷ vật vinh quang cho đức tính của chúng ta. Nếu ta có thể để lại cho hậu thế một mô hình chính quyền ổn định, một hiến pháp tự nó độc lập, thì cái giá nào phải trả cũng vẫn là giá hời. Nhưng nếu ta tiêu hàng triệu đồng chỉ để hủy bỏ vài đạo luật đê tiện và chỉ nhằm tấn công cái nội các hiện tại, thì điều đó không đáng cho ta phải tốn kém như vậy. Làm như vậy ta đang sử dụng hậu duệ của ta một cách độc ác nhất, vì ta đã để lại cho chúng công việc lớn lao phải làm và một món nợ trên lưng mà chúng chẳng được hưởng lợi gì hết. Tư tưởng như vậy không xứng đáng với những người có danh dự, và là đặc tính thực của một tấm lòng hẹp hòi và của chính trị gia vụ lợi.
Món nợ mà chúng ta có thể phải gánh chịu không đáng để cho ta quan tâm, nếu ta hoàn thành được nhiệm vụ. Không có nước nào mà lại không mang nợ. Một món nợ của quốc gia là một sự liên kết [giữa những công dân của] quốc gia; và khi mà món nợ này không có lãi, thì nó không phải là cái cớ để than phiền. Nước Anh bị áp lực của một món nợ lên đến 140 triệu bảng,[1] và tiền lời phải trả cho món nợ này lên tới bốn triệu bảng. Và để bù lại cho món nợ này, nước Anh có một lực lượng hải quân to lớn; nước Mỹ không mang nợ ai hết, và cũng chẳng có một lực lượng hải quân; tuy nhiên, chỉ cần có khoản tiền bằng một phần hai mươi của món nợ quốc gia của nước Anh, Mỹ cũng có thể có một lực lượng hải quân to lớn. Hải quân của Anh, ngay lúc này, không có giá trị hơn ba triệu rưỡi bảng.
Ấn bản thứ nhất và thứ nhì của tiểu luận này không có phần bảng chiết tính dưới đây, tôi đính kèm trong ấn bản này để minh chứng cho lập luận nêu trên.[2]
Phí tổn của việc đóng một chiến thuyền theo mỗi loại, rồi trang bị nào buồm, nào lèo lái, phụ tùng, súng đạn, cùng với lương của trưởng thủy thủ và thợ mộc trong tám tháng, được ông Burchett, Bộ trưởng Hải quân tính như sau:
Tàu chiến có | Phí tổn (pounds sterling) |
100 khẩu súng | 35.553 |
90 | 29.886 |
80 | 23.638 |
70 | 17.795 |
60 | 14.197 |
50 | 10.606 |
40 | 7.558 |
30 | 5.846 |
20 | 3.710 |
Từ những con số này ta có thể tính dễ dàng giá trị, hay nói đúng hơn là phí tổn của hải quân Anh quốc trong năm 1757, năm mà lực lượng hải quân Anh hùng mạnh nhất với con số tàu chiến và súng theo biểu dưới đây:
Số chiến thuyền | Súng | Phí tổn mỗi chiếc | Phí tổn mỗi loại |
6 | 100 | 35.553 | 213.318 |
12 | 90 | 29.886 | 358.632 |
12 | 80 | 23.638 | 283.656 |
43 | 70 | 17.785 | 764.755 |
35 | 60 | 14.197 | 496.895 |
40 | 50 | 10.606 | 424.240 |
45 | 40 | 7.558 | 340.110 |
58 | 20 | 3.710 | 215.180 |
85 tàu tuần tra, tàu đánh bom và hỏa thuyền | 2000 | 170.000 | |
Chi phí còn lại cho súng | 233.214 | ||
Tổng Phí tổn | 3.500.000 |
Không có nước nào trên quả đất này mà lại được nằm ở một vị trí thuận lợi và may mắn, hoặc có được khả năng nội tại để xây dựng một hạm đội như nước Mỹ. Nào gỗ, nào dầu hắc, nào sắt, nào là dây thừng dây chão đều là những sản phẩm thiên nhiên của Mỹ. Chúng ta không cần phải đi mua từ nước ngoài. Trong khi đó nước Phổ—nước kiếm được những khoản lợi nhuận lớn lao khi cho người Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha thuê tàu chiến của họ—phải nhập cảng những vật dụng này cho tàu chiến của họ. Ta nên quan niệm rằng việc xây dựng một hạm đội cũng giống như tạo ra một món hàng thương mại mà chính nó là sản phẩm tự nhiên do chúng ta tạo nên. Nó là một sản phẩm tốt nhất mà ta có thể bỏ tiền ra mua được. Một lực lượng hải quân khi xây dựng xong có giá trị hơn phí tổn phải bỏ ra rất nhiều. Và như thế chẳng phải là một điểm hay trong chính sách quốc gia khi kết hợp được cả thương mại và quốc phòng. Chúng ta hãy xây dựng hải quân; nếu không còn cần nữa, ta có thể bán những tàu chiến này đi; và như thế ta hoán đổi tiền giấy lấy vàng thật và bạc thật.
Còn về điểm cung cấp nhân sự để điều hành hạm đội, người ta thường hiểu rất sai lầm về điều này; đó là không cần đến một phần tư nhân sự trên tàu là thủy thủ đâu. Thuyền trưởng Tử Thần, thuyền trưởng của chiếc tàu Kinh Khủng (một loại tàu của tư nhân được nhà nước ủy nhiệm để tấn công tàu ngoại quốc khi chiến tranh xảy ra), trong trận thủy chiến gay go nhất vừa qua, chỉ có 20 thủy thủ trên tàu, mặc dù cũng có thêm khoảng 200 người khác phụ việc. Một vài thủy thủ có khả năng sẽ có thể hướng dẫn cho đủ một số người không phải thủy thủ mà vẫn làm được công việc trên tàu. Vì thế, chưa bao giờ mà khả năng xây dựng hải quân của ta lại thuận lợi như bây giờ, vật liệu và gỗ đóng tàu đang có sẵn, ngư nghiệp của ta đang bị ngăn trở, thủy thủ và thợ đóng tàu đang bị thất nghiệp. Những tàu chiến trang bị 70 hay 80 súng đã từng được đóng tại New-England cách đây 40 năm, thì tại sao bây giờ lại không làm được? Kỹ nghệ đóng tàu là niềm hãnh diện lớn nhất của Mỹ, và chẳng bao lâu thì Mỹ sẽ dẫn dầu thế giới [về phương diện này]. Những đế quốc vĩ đại ở phương đông đa số nằm trong nội địa và vì thế không có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ. Phi châu còn là một nước man rợ; và không có một thế lực nào ở Âu châu mà lại có một bờ biển dài rộng như của Mỹ, hay có sẵn nguồn cung cấp vật liệu nội địa. Điều gì mà thiên nhiên đã cho kẻ này, thì lại giữ lại không cho kẻ khác. Chỉ riêng với nước Mỹ, thiên nhiên đã ưu đãi cho có đủ cả hai. Đế quốc Nga mênh mông là thế mà gần như bị đóng cửa không có đường ra biển; vì thế tài nguyên từ những cánh rừng vô tận, dầu hắc, mỏ sắt, thừng chão chỉ là những món đồ buôn bán mà thôi.[3]
Về vấn đề an toàn, liệu chúng ta có cần một hạm đội không? Chúng ta không còn là trẻ con như 60 năm trước; lúc đó ta có thể để của cải ngoài đường, thực ra là ngoài ruộng vì đã có đường đi đâu, và ngủ ngon lành mà không cần khóa cửa. Tình hình bây giờ đã khác rồi, và phương pháp để bảo vệ cũng nên được cải tiến theo với sự gia tăng tài sản của chúng ta. Một bọn cướp biển tầm thường, 12 tháng trước đây, có thể tiến theo sông Delaware và vây hãm thành phố Philadelphia và bắt thành phố này phải đóng cống phẩm theo ý chúng ấn định; và sự thể tương tự như vậy cũng có thể xảy ra ở những nơi khác. Nói cho đúng hơn, bất kỳ một kẻ bạt mạng nào, chỉ có một chiếc tàu với 14 hay 16 tay súng cũng có thể đi ăn cướp cả lục địa và thủ đắc được cả nửa triệu đồng. Đó là những trường hợp buộc ta phải để ý, và nêu lên sự cần thiết phải có sự bảo vệ của hải quân.
Có một số người sẽ nói rằng sau khi ta làm huề với Anh quốc, thì nước Anh sẽ bảo vệ chúng ta. Nói như thế chẳng phải là dại dột lắm ư, nếu ta nghĩ là Anh quốc sẽ giữ hải quân đóng trong những hải cảng của ta? Lý lẽ thông thường cho ta thấy rằng cái sức mạnh mà đã từng muốn đè nén chúng ta, so với những sức mạnh khác, thì khó lòng và bất xứng để trở thành một sức mạnh bảo vệ chúng ta. Sự xâm chiếm có thể được tiến hành dưới tình hữu nghị giả dối; và chính chúng ta, sau cuộc kháng chiến lâu dài và can đảm, cuối cùng lại bị lừa trở thành nô lệ. Còn nếu tàu chiến của nước Anh không được phép đậu trong hải cảng của ta, tôi xin hỏi làm thế nào mà nước Anh bảo vệ chúng ta được? Một lực lượng hải quân ở cách ba bốn ngàn dặm chẳng giúp được gì nhiều, và trong trường hợp khẩn cấp lại càng vô dụng. Vì thế, nếu từ nay về sau ta phải tự bảo vệ, thì tại sao ta lại không tự đảm nhiệm việc này?
Cái danh sách những chiến hạm của Anh quốc vừa dài, vừa kinh khủng, nhưng chưa tới một phần mười của những chiến hạm này có thể tham chiến được cùng một lúc, con số thì có đó nhưng chỉ để đếm và tên của tàu vẫn được giữ trong danh mục một cách trang trọng, dù cái tàu đó chỉ còn lại một miếng ván tàu: và chưa đến một phần năm những dụng cụ trên chiếc tàu đó có thể sử dụng được và chỉ để làm đồ phụ tùng. Vùng biển Đông và Tây Indies, Địa-trung-hải, Phi châu, và những vùng khác mà nằm dưới quyền kiểm soát của Anh khiến cho hải quân Anh phải đáp ứng nhu cầu [bảo vệ] cho những vùng này. Phần vì có thành kiến, phần vì không quan tâm, ta đã có một quan niệm sai lầm về hải quân Anh quốc, và cho rằng ta cũng cần có một lực lượng tương ứng để đối phó với hải quân Anh, và vì lý do đó đã giả thiết rằng ta cũng cần có một lực lượng hải quân to lớn như vậy, một điều mà hiện nay không thực tế, nhưng lập luận này đã được những kẻ Tory “nằm vùng,” theo phái bảo hoàng, cổ xúy để làm nản chí công cuộc của ta từ lúc khởi đầu. Lập luận này thật quá sai với sự thực; vì nếu Mỹ chỉ cần có một phần hai mươi lực lượng hải quân của Anh, thì Mỹ đã quá mạnh so với hải quân Anh rồi; bởi vì ta không có và cũng không tuyên bố là phần đất ngoại quốc nào thuộc thẩm quyền của ta, nên toàn bộ lực lượng sẽ được sử dụng để bảo vệ vùng duyên hải của ta, vùng biển mà trên đường dài có lợi điểm gấp hai lần hơn lực lượng mà phải đi ba hay bốn ngàn dặm mới có thể tấn công chúng ta, cùng với khoảng đường dài khi trở về để tu sửa và tăng cường lực lượng. Và mặc dù Anh quốc, với hạm đội sẵn có, có thể kiểm soát sự giao thương của ta với Âu châu, ta lại có một lợi thế hơn để kiểm soát giao thương giữa Anh đối với vùng biển Tây Indies,[4] vì vùng biển này nằm ngay trong vùng lục địa Mỹ châu nên số phận vùng này hoàn toàn nằm trong tay ta.
Nếu ta không nghĩ là phải giữ một lực lượng hải quân trong thời bình, thì cũng có vài phương thức có thể áp dụng được. Nếu ta trả một số lệ phí cho những nhà buôn để đóng tàu và mướn họ phục vụ trên những chiếc tàu có hai mươi, ba mươi, bốn mươi hay năm mươi súng (tiền lệ phí này tỷ lệ với sự thiệt hại và mất mát gây ra cho nhà buôn), thì chỉ cần năm mươi hay sáu mươi tàu chiến như vậy, trên mỗi tàu chỉ cần vài vệ binh thường trực, cũng đủ cung cấp cho ta một lực lượng hải quân đủ mạnh mà không bị mang cái gánh nặng ác hại mà Anh quốc vẫn lớn tiếng than phiền; đồng thời cũng không bị những thiệt hại như hạm đội của Anh, trong thời bình thì chỉ nằm chờ mục nát ở trên ụ. Kết hợp sức mạnh của thương mại và quốc phòng là một chính sách khôn ngoan; vì khi sức mạnh và sự giàu có nằm trong tay ta, ta không cần phải sợ bất kỳ kẻ thù nào ở bên ngoài.
Ta có rất nhiều những vật liệu cần cho quốc phòng. Những cây gai dầu mọc rất xum xuê nên ta không cần phải mua thừng chão. Mỏ sắt của ta có chất lượng cao hơn sắt của các nước khác. Vũ khí cá nhân của ta tương đương với bất kỳ nước nào trên thế giới. Ta có thể chế đại bác một cách dễ dàng. Chất hỏa tiêu và thuốc súng ta đang sản xuất hàng ngày. Kiến thức của ta đang được cải tiến từng giờ. Sự quyết tâm là một đặc tính nội tại của người Mỹ và ta đã chứng tỏ được lòng can đảm từ trước đến giờ. Vì vậy, chúng ta muốn cái gì? Tại sao ta lại lưỡng lự? ta không thể mong đợi điều gì từ nước Anh ngoại trừ sự hủy hoại. Nếu nước Anh lại được đưa vào trong chính quyền của Mỹ thêm một lần nữa, thì lục địa này sẽ không đáng cho ta sinh sống. Sự ganh ghét sẽ luôn luôn xảy ra, sự nổi loạn sẽ xảy ra liên miên; và ai sẽ là người đứng ra dẹp loạn? Ai sẽ liều mạng mình để buộc đồng bào của mình phải vâng phục ngoại bang? Sự khác biệt giữa Pennsylvania và Connecticut, liên quan đến vài vùng đất chưa được xác định rõ ràng, cho thấy vai trò tầm thường của chính quyền Anh quốc, và chứng minh một cách đầy đủ là không có một quyền lực nào có thể điều hòa những vấn đề của Lục địa [một cách hữu hiệu] bằng chính cái chính quyền của Lục địa.
Một lý do nữa tại sao bây giờ là thời điểm thích hợp hơn so với những lúc khác, là, khi ta càng có ít người, thì càng còn nhiều đất chưa có người ở. Những vùng đất này thay vì bị nhà vua xài phí phạm cho những kẻ tùy tùng, có thể được ta dùng để trả không những những món nợ hiện tại của ta, mà còn nguồn yểm trợ liên tục cho chính quyền. Không có nước nào dưới bầu trời này có được sự thuận lợi như thế.
Tình trạng non trẻ của những thuộc địa, như người ta vẫn thường gọi, không phải là một tình trạng đối nghịch mà là ủng hộ cho sự độc lập. Chúng ta có một số dân vừa đủ, chứ nếu mà đông hơn, thì ta lại có thể kém đoàn kết hơn. Điều này đáng để cho ta ghi nhận rằng khi một nước càng có đông dân hơn, thì quân đội của nước đó càng ít và nhỏ hơn. Về phương diện quân sự, quân số thời xưa đông hơn quân số thời hiện đại: và lý do thì cũng rất hiển nhiên. Vì giao thương là hệ quả của sự gia tăng dân số, người ta do đó, bị thu hút vào những dịch vụ thương mại mà không còn để ý đến điều gì khác. Giao thương làm giảm đi tinh thần ái quốc cũng như quốc phòng. Lịch sử có đủ bài học để dạy cho ta rằng những thành tích can đảm nhất vẫn luôn luôn được thực hiện trong những nước còn non trẻ. Nước Anh vì sự gia tăng thương mại đã bị mất tinh thần chiến đấu. Thành phố Luân-đôn, không kể đến dân số, cứ cam chịu sự sỉ nhục với sự kiên nhẫn của một tên hèn. Người ta khi càng có nhiều điều để mất, thì họ lại càng ít muốn mạo hiểm. Những người giàu có, coi vậy cũng chỉ là nô lệ cho sự sợ hãi và chịu khúm núm vâng phục quyền lực nhưng vẫn ăn ở hai lòng khi cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ.
Tuổi trẻ là thời điểm thuận tiện nhất để gieo trồng những tập quán tốt, điều này đúng với cá nhân cũng như với quốc gia. Ta có thể nói là rất khó khăn, hay bất khả, để tạo ra một chính quyền trên Lục địa này chỉ trong nửa thế kỷ. Những sự khác biệt về quyền lợi được tạo ra bởi sự gia tăng thương mại và dân số sẽ tạo ra sự hiểu lầm và hỗn loạn. Thuộc địa này sẽ chống thuộc địa kia. Những thuộc địa nào có khả năng có thể coi thường sự trợ giúp của thuộc địa khác, và khi mà những kẻ vừa tự hào vừa dại dột kiêu hãnh về những sự khác biệt cỏn con đó, thì bậc thức giả phải than lên rằng sự liên hiệp các thuộc địa chưa từng được hình thành. Vì thế thởi điểm hiện tại là thời điểm đúng đắn nhất để thành lập liên hiệp các thuộc địa. Mối dây thân thuộc giữa các thuộc địa khi còn non trẻ và tình hữu nghị giữa các thuộc địa khi cùng chịu hoạn nạn, là hai trong những yếu tố có tính chất lâu dài và không thể thay đổi được. Sự liên hiệp hiện nay của chúng ta được đánh dấu bởi hai đặc tính này: chúng ta còn trẻ và chúng ta cùng chịu gian nan; nhưng sự hòa hợp của chúng ta đã chống lại được những khó khăn đó, và tạo nên một vùng đất đáng ghi nhớ cho hậu duệ của ta được sống trong vinh quang.
Thời điểm hiện nay, tương tự như vậy, là một thời điểm đặc biệt, mà mỗi nước chỉ có được một lần, tức là thời điểm mà nước đó tự thành lập cho mình một chính quyền. Phần lớn các quốc gia đã bỏ lỡ cơ hội này, và vì thế mà phải chịu nhận luật pháp do những kẻ chinh phục áp đặt, thay vì tự mình làm luật cho chính mình. Đầu tiên, họ có một ông vua, rồi mới xây dựng một mô hình chính quyền; trong khi đó, những điều khoản hình thành chính quyền phải được quyết định trước, rồi mới cử người ra để thi hành. Nhưng hãy học lấy sự khôn ngoan từ sự sai lầm của những nước khác, để mà nắm lấy thời cơ hiện tại—XÂY DỰNG MỘT CHÍNH QUYỀN ĐÚNG ĐẮN NGAY TỪ ĐẦU.
Khi Chinh phục Vương William thống trị được Anh quốc, nhà vua đã dùng lưỡi kiếm ban hành luật bắt dân Anh phải tuân theo; và chỉ đến khi chúng ta cùng đồng ý với nhau rằng nếu cái trung tâm chính quyền của Mỹ không được tạo ra một cách hợp pháp và có thẩm quyền, thì ta vẫn sẽ phải đối đầu với mối nguy là cái chính quyền đó sẽ bị những kẻ vô lại may mắn chiếm cứ và đối xử với ta như dân Anh bị William đối xử. Thế thì, còn đâu là tự do của ta? Còn đâu là tài sản của ta? Về phương diện tôn giáo, tôi cho rằng đó là một bổn phận không thể thiếu được của mọi chính quyền để bảo vệ những tín đồ tuyên xưng đức tin của họ, và tôi thấy rằng, về phương diện tôn giáo, đó là bổn phận chính mà chính quyền phải thi hành. Ta hãy ném tung sang một bên sự nhỏ mọn của tâm hồn, sự ích kỷ của nguyên tắc, mà những kẻ tuyên xưng đức tin một cách chật hẹp cứ muốn giữ rịt lấy, thì khi đó ta sẽ được giải phóng khỏi sự sợ hãi. Sự ngờ vực là bạn đồng hành của những tâm hồn nhỏ nhen và là sự suy sụp của mọi xã hội tốt lành. Riêng về phần tôi, tôi hoàn toàn tin tưởng và ý thức rằng đó là ý chỉ của Đấng Toàn Năng khi để cho con người có nhiều ý kiến và sự đa dạng khác nhau về tôn giáo: Điều này tạo nên một lãnh vực rộng lớn hơn cho lòng tốt của Cơ đốc nhân. Nếu chúng ta cùng suy nghĩ theo một hướng, thì khuynh hướng tôn giáo của ta sẽ thiếu đi sự thử thách cần thiết. Và trên nguyên tắc phóng khoáng này, tôi xem những người theo hệ phái tôn giáo khác nhau trong vòng chúng ta như những đứa con cùng chung một gia đình, chỉ khác nhau bởi cái tên gọi trong danh xưng Cơ đốc.
Ở trang 40,[5] tôi đã đưa ra vài ý nghĩ về đặc tính của hiến chương Lục địa, (vì tôi chỉ định đưa ra những gợi ý, chứ không phải kế hoạch chi tiết) và bây giờ, tôi xin được nhắc lại chủ đề này, qua nhận định rằng, cái hiến chương này phải được hiểu là một giao ước nghiêm chỉnh gồm những bổn phận mà toàn thể chúng ta cùng ký kết để yểm trợ quyền của những phần riêng biệt, dù đó là tôn giáo, tự do cá nhân, hay tài sản. Một sự thỏa thuận qua thương thảo rốt ráo về quyền lợi của mọi phía được tôn trọng sẽ tạo nên những người bạn về lâu về dài.
Tương tự như vậy trong một phần đã bàn ở trên, tôi đã nhắc tới sự cần thiết phải có một sự đại diện rộng rãi và bằng nhau, và không có vấn đề chính trị nào đáng để cho ta quan tâm hơn là vấn đề này. Một con số nhỏ những cử tri, hay con số nhỏ những đại biểu đều gây ra nguy hiểm như nhau. Nhưng nếu con số đại biểu không những vừa nhỏ vừa không bằng nhau, thì sự nguy hiểm càng gia tăng. Thí dụ khi những “Quân Tình nguyện”[6] đệ trình kiến nghị đến Hạ viện Pennsylvania; chỉ có 28 đại biểu có mặt, trong số đó có tám đại biểu thuộc quận Buck bỏ phiếu chống và có bảy đại biểu thuộc quận Chester cũng bỏ phiếu chống. Thành thử cả tỉnh này coi như được cai trị bởi hai quận mà thôi, và sự nguy hiểm này vẫn thường được nhắc tới. Một hành động khác tương tự đã xảy ra trong nhiệm kỳ vừa qua mà ta cũng khó lòng bào chữa cho hành vi này, là Hạ viện đã tự tiện cho mình quyền lực trên cả những đại biểu của tỉnh. Điều này phải là một điều cảnh báo cho người dân, khi trao quyền lực của mình cho người khác. Khi các đại biểu tới họp thì được trao cho một bản hướng dẫn đã được soạn sẵn, một hành vi mà ngay cả một học sinh cũng thấy là không hợp lý và đúng nguyên tắc, nhưng đã được một vài người, [thực ra là] một số rất ít người bàn soạn với nhau ngoài phiên họp, chấp thuận và đưa vào trong phòng họp, rồi thì được biểu quyết thông qua và áp dụng cho toàn bộ thuộc địa. Như thế, giả sử rằng toàn thể thuộc địa biết được là Hạ viện đã có ý đồ riêng về một số những chương trình công cộng cần thiết, thì người dân sẽ chẳng ngần ngại gì mà cho rằng những đại biểu đó không xứng đáng nhận được lòng tin của quần chúng.
Những điều cấp thiết khiến cho ta dễ chấp nhận nhiều thứ miễn sao thuận tiện thì thôi, sự kiện này nếu cứ để tiếp tục thì sẽ khiến cho ta bị thoái chí. Lợi và quyền là hai điều khác nhau. Khi những tai ương xảy ra cho Mỹ khiến ta cần phải bàn thảo với nhau, thì ta chưa có sẵn một phương pháp nào hết, hay là có được một phương pháp thích hợp cho thời điểm đó, để mà chỉ định những thành viên từ quốc hội của những thuộc địa lại [thành một ủy ban]—những người mà sự khôn ngoan của họ đã bào tồn được lục địa này không bị suy tàn— để bàn thảo biện pháp ứng phó. Nhưng với một khả năng gần như chắc chắn là chúng ta không thể KHÔNG có một Quốc Hội, những người ủng hộ cho sự thiết lập một trật tự tốt đẹp [cho quốc gia], phải thừa nhận rằng cái phương thức chọn lựa đại biểu cho cơ quan đó, đáng cho ta phải dành thì giờ cân nhắc. Và tôi xin đặt câu hỏi này cho những học giả nghiên cứu về con người, là chẳng phải sự đại diện và bầu cử là một quyền lực quá lớn để trao cho chỉ một cơ quan nắm giữ? Khi ta hoạch định [mô thức của chính quyền] cho hậu thế, ta cần phải nhớ rằng đức hạnh không có tính di truyền.
Đôi khi ta học được những nguyên lý tuyệt hảo từ kẻ thù của mình, và vẫn thường bị sửng sốt vì những sai lầm họ phạm phải; Ngài Cornwall (một trong những đại thần của Bộ Ngân khố) đã coi bản kiến nghị của Quốc hội New York với sự miệt thị, bởi vì ông ta nói, cái cơ quan đó chỉ có 26 đại biểu, một con số cỏn con như vậy thì chẳng thể nào đại diện hợp cách cho toàn thể được. Chúng ta phải cám ơn ông ta về nhận xét thực thà này.[7]
ĐỂ KẾT LUẬN, một số người có thể xem những điều kết luận sau đây là lạ lùng, hoặc là họ vẫn cứ không chịu suy nghĩ như vậy, điều đó không quan trọng. Nhưng đã có những lý do mạnh mẽ và nổi bật để chứng minh rằng không có điều gì có thể giải quyết sự vụ giữa ta và Anh quốc một cách mau chóng cho bằng một sự tuyên bố xác định và công khai về sự độc lập của Mỹ. Một số những lý do này gồm có:
THỨ NHẤT. Theo một tập quán giữa các nước, khi có hai nước đang đánh nhau, thì một số những nước khác không dính dáng gì đến sự tranh chấp giữa hai nước, có thể đứng ra làm trung gian và đưa ra những điều kiện sơ bộ cho hòa bình: nhưng nếu Mỹ tự xem mình là thần dân của Anh quốc, thì không có nước nào dù có ý tốt đến đâu có thể điều giải được. Vì thế, trong tình trạng hiện tại của ta, ta và Anh quốc cứ tiếp tục tranh chấp với nhau mãi mãi.
THỨ HAI. Thật là phi lý nếu ta giả thiết rằng Pháp và Tây-ban-nha sẽ giúp cho ta phương tiện, nếu ta chỉ nghĩ là dùng sự trợ giúp đó nhằm tu sửa mối bất hòa và củng cố lại quan hệ giữa Anh và Mỹ; bởi vì những nước đó sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng.
THỨ BA. Nếu ta vẫn tuyên xưng là thần dân của Anh quốc, thì dưới mắt các nước khác, chúng ta trở thành những kẻ phiến loạn. Điều này sẽ trở thành tiền lệ và có thể tạo nên mối nguy hiểm cho nền hòa bình tại ngay nước của họ, vì người dân vừa là thần dân vừa là phiến loạn có vũ trang. Chúng ta, trong tình trạng hiện tại, có thể giải quyết được sự nghịch lý này. Nhưng để kết hợp được hai ý tưởng thần phục và chống đối, cần phải có một tư tưởng tinh tế hơn và quá cao siêu khiến cho giới bình dân không hiểu nổi.
THỨ TƯ. Giả như ta có một bản tuyên cáo và gửi bản tuyên cáo này đến những nước khác; trong bản tuyên cáo này ta nêu lên những nỗi khổ sở mà ta đã gánh chịu và những phương thức hòa bình mà ta đã sử dụng để yêu cầu Anh quốc thay đổi nhưng không có kết quả gì hết; đồng thời tuyên bố rằng, vì không còn có thể sống hạnh phúc và an ninh dưới sự cai trị tàn bạo của triều đình Anh quốc, ta đã bị buộc phải cắt đứt mọi quan hệ với nước Anh; và cam đoan ý định hòa bình của ta cũng như ý muốn giao thương mậu dịch đối với họ. Văn bản này sẽ tạo ra nhiều ảnh hưởng tốt đối với Lục địa của ta hơn là đưa một chuyến tàu chỉ để chở những thỉnh nguyện thư sang Anh quốc.
Với tình trạng hiện tại là thần dân của Anh quốc, những nước khác sẽ không tiếp chúng ta và cũng không lắng nghe cảnh ngộ của chúng ta. Tập quán chung của mọi nước đều không cho phép việc này xảy ra, cho đến khi ta trở nên độc lập và trở thành một quốc gia ngang hàng với những nước khác.
Những điều này, đối với nhiều người có thể vừa lạ lùng, vừa khó khăn; nhưng cũng giống như những điều khác mà ta đã bỏ lỡ, sẽ dần dần trở nên quen thuộc và dễ chịu, và cho đến khi nền độc lập được tuyên bố, Lục địa này sẽ giống như một người cứ liên tục trì hoãn hết ngày này đến ngày khác và không chịu làm những điều mà dù họ biết đó là những việc phải làm, nhưng họ không cảm thấy hứng thú gì lắm, vừa không muốn làm, vừa ước ao rằng tự nó sẽ qua đi, và vì thế cứ bị sự cần thiết đó ám ảnh.
PHỤ LỤC
Khi ấn bản đầu tiên của tiểu luận này được phổ biến, hay nói cho đúng hơn, trùng với ngày đó Bài Diễn Văn của Vua George III[8] đã được phổ biến tại thành phố này. Nếu đây là điềm báo trước sự ra đời của tiểu luận này, thì phải nói là không có thời điểm nào thích hợp và cần thiết hơn lúc này. Cái khuynh hướng thiên về bạo lực của một phía cho thấy sự cần thiết theo đuổi một lý thuyết khác của phía bên kia. Người ta đã sẵn sàng để trả thù. Và bài diễn văn, thay vì làm cho người ta kinh sợ, lại mở một con đường cho những nguyên lý vững chắc đòi độc lập .
Nghi thức, và ngay cả, sự im lặng, dù phát xuất từ bất kỳ động lực nào, cũng có khuynh hướng gây ra tổn thương nếu không biểu lộ được thái độ phản cảm nhỏ nhoi nào trước những hành vi ác độc và hạ tiện; vì vậy, nếu ta chấp nhận nguyên lý này, thì ta phải chấp nhận kết luận là Bài diễn Văn của Vua George III, một bài văn mang tính chất côn đồ và đê tiện, đáng để cho Quốc hội và nhân dân Mỹ nguyền rủa và lên án. Tuy thế, vì sự bình ổn nội địa của một nước, phần lớn lệ thuộc vào sự GIẢN DỊ của cái mà ta có thể gọi là TƯ CÁCH QUỐC GIA, thành ra nhiều khi tốt hơn là cứ bỏ qua những vi phạm như thế bằng sự khinh miệt không nói ra, thay vì sử dụng những phương thức mới để bày tỏ phản cảm mà cũng chẳng phải là sáng kiến gì mới mẻ đối với kẻ bảo hộ hòa bình và an ninh của chúng ta. Và, có lẽ, phần lớn vì sự tế nhị khôn ngoan này mà Bài Diễn Văn cho đến nay chưa bị công luận mổ xẻ. Bài Diễn Văn, nếu nó có thể được gọi như vậy, chẳng là gì khác hơn là một sự phỉ báng ác ý và trơ tráo chống lại sự thật, chống lại lợi ích chung, và chống lại sự hiện hữu của loài người; và là một phương pháp mang tính chất khoa trương và chính thức đem con người làm sinh tế cho những bạo chúa. Nhưng sự tàn sát nhân loại hàng loạt như vậy là một trong những đặc quyền, và là hậu quả chắc chắn của những ông vua; vì thiên nhiên không biết họ, nên họ cũng không biết [quy luật của] thiên nhiên, và mặc dù những ông vua là do người dân tạo ra, họ không biết đến dân chúng, và đã trở thành chúa tể của những người đã tạo ra họ. Bài Diễn văn có một điểm hay, đó là, nó được viết ra không phải để lừa dối, ngay cả chúng ta cũng không bị lừa dối bởi những ngôn từ trong bài diễn văn này. Sự tàn bạo và chuyên chế hiện rõ trên trang giấy. Ta không thể hiểu lầm được. Và khi ta đọc, mỗi một dòng đều thuyết phục ta rằng kẻ săn thú trong rừng, những thổ dân Da Đỏ dốt nát và trần trụi, vẫn còn ít man rợ hơn là ông Vua của Anh quốc.
Ngài John Dalrymple, người vẫn được cho là tác giả của bài luận văn theo phái dòng Tên với những lời lẽ đầy oán trách, mang cái tên trá ngụy là “Diễn từ của Nhân dân Anh quốc đối với Cư dân ở Mỹ,” có lẽ đã từ cái giả thuyết cao ngạo cho rằng dân Mỹ sẽ bị đe dọa bởi sự khoa trương và tính cách của nhà vua, dù rằng ai cũng biết tính cách thật sự của nhà vua như thế nào (điều này cho thấy sự thiếu khôn ngoan của Ngài John). Ngài John nói: “Nếu các ngươi muốn ca tụng chính quyền (ám chỉ Hầu tước Rockingham khi đạo luật Thuế Trà bị hủy bỏ), điều này ta thấy không có vấn đề gì cả, nhưng điều này không công bằng nếu các ngươi lại không ca tụng nhà vua, người mà chỉ cần một cái gật đầu thôi thì những quan chức kia mới được phép thi hành.” Đây chính là [sự thể hiện] chủ nghĩa bảo thủ cực đoan có nhân chứng hẳn hòi! Đây chính là sự thờ phụng thần tượng trơ tráo: Và những ai mà có thể bình tĩnh nghe và tiêu hóa cái lý thuyết này, là kẻ đã từ bỏ khả năng suy luận và đã tự rút mình khỏi cộng đồng nhân loại, và đáng được xem như là kẻ đã từ bỏ tư cách con người và hạ mình xuống hàng động vật, và bò một cách hèn hạ trên quả đất như một loài sâu.
Tuy nhiên, tới nay thì những điều nhà Vua nói hay làm cũng chẳng có gì quan trọng nữa; nhà vua đã gian ngoan bội ước với tất cả mọi bổn phận thuộc về đạo đức và đối với con người, chà đạp lên thiên nhiên và lương tâm dưới gót chân của mình, và qua tính tình láo xược và độc ác vốn có, đã thu được cho chính mình một sự căm ghét của toàn dân. BÂY GIỜ là lúc mà Mỹ phải tự lo cho mình. Nước Mỹ cũng giống như một gia đình lớn và trẻ trung, mà bổn phận là phải chăm lo cho tài sản của mình, chứ không phải dùng tài sản của mình để ủng hộ một thế lực đang trở thành một sự sỉ nhục, [không xứng đáng] với cái tên gọi Cơ-đốc nhân—Hỡi các bạn, những người chịu trách nhiệm chăm sóc nền luân lý và đạo đức cho quốc gia, dù theo bất kỳ hệ phái tôn giáo nào, cũng như những người chịu trách nhiệm trực tiếp bảo hộ sự tự do công cộng, nếu các bạn thực sự mong ước sẽ bảo vệ đất nước của mình không bị nhiễm độc bởi sự suy đồi ở Âu châu, các bạn phải, dù không nói ra, mong muốn tách rời Mỹ khỏi Anh quốc—Nhưng hãy để phần suy niệm về đạo đức tùy theo mỗi người, phần nhận xét của tôi chỉ chú trọng vào những tiêu đề chính sau đây.
Thứ nhất. Tách ra khỏi nước Anh chính là vì quyền lợi của nước Mỹ.
Thứ hai. Giữa Hòa Giải và Độc Lập, điều nào dễ nhất và thực tế nhất? Tôi có thêm vài nhận xét như sau:
Để ủng hộ lập luận thứ nhất, tôi có thể, nếu tôi nghĩ đó là điều thích hợp, đưa ra ý kiến của những bậc thức giả hàng đầu và có nhiều kinh nghiệm nhất trên lục địa này, mà tình cảm và ý tưởng của họ, chưa được công luận biết đến. Trên thực tế đây là một quan điểm hiển nhiên; đó là không có nước nào mà bị lệ thuộc vào nước khác, bị hạn chế về thương mại, bị gò bó và xiềng xích vào quyền lực lập pháp, lại có thể tạo cho mình được sự nổi trội về vật chất. Nước Mỹ chưa biết được thế nào là giàu có, phong phú; và mặc dù đã tạo được nhiều sự tiến bộ chưa từng có trong lịch sử các nước, sự tiến bộ này cũng chỉ mới ở tình trạng non trẻ, so với khả năng mà nước Mỹ sẽ đạt được, nếu nước Mỹ có và nên có cho chính mình quyền lực lập pháp trong tay. Nước Anh, ngay bây giờ đang thèm thuồng một cách say mê một điều mà nếu có thủ đắc được cũng chẳng giúp được gì nhiều cho mình; còn về phía sự lưỡng lự của Lục địa Mỹ, thì sẽ dẫn đến sự suy sụp cuối cùng nếu vấn đề này cứ bị sao lãng. Nước Anh được lợi là nhờ ở giao thương với Mỹ, chứ không phải chinh phục nước Mỹ, và phần lớn những lợi ích này sẽ được duy trì lâu dài, nếu hai nước độc lập với nhau như Pháp với Tây-ban-nha; vì có nhiều hàng hóa mà cả hai nước đều không tìm ra được thị trường tốt hơn. Nhưng sự độc lập của Mỹ đối với Anh quốc hay với các nước khác lại là vấn đề chính yếu và duy nhất đáng cho ta tranh luận, đây cũng là điều mà, giống như mọi sự thật khác, vì do nhu cầu mà ta phát hiện ra, sẽ trở nên mỗi ngày một sáng tỏ và vững chắc thêm.
Thứ nhất. Bởi vì kết quả cũng sẽ xảy ra, không vào lúc này thì lúc khác.
Thứ hai. Bởi vì càng trì hoãn lâu chừng nào, thì lại càng khó mà hoàn thành được công việc.
Tôi vẫn thường tự tiêu khiển trong những cuộc họp mặt công cũng như tư, qua sự nhận định thầm lặng mà thôi, về sự rỗng tuếch nhưng nghe có vẻ hay ho trong lập luận của những kẻ nói mà không nghĩ. Và trong vô số những lập luận như vậy, lập luận sau đây là phổ thông nhất: Nếu sự đoạn tuyệt xảy ra khoảng 40 hay 50 năm sau, thay vì BÂY GIỜ, thì nước Mỹ có lẽ sẽ có nhiều khả năng để mà tháo bỏ sự lệ thuộc. Tôi xin được trả lời rằng khả năng quân sự của chúng ta, TẠI THỜI ĐIỂM NÀY, phát xuất từ kinh nghiệm dành được từ cuộc chiến tranh vừa qua, mà nếu để qua 40 hay 50 năm, thì kinh nghiệm này sẽ bị mai một rồi. Lục địa này, cho đến lúc đó, sẽ không còn một ông tướng hay sĩ quan quân đội nào nữa; và chúng ta, hay con cháu của ta, sẽ dốt nát về những vấn đề quân sự như những người thổ dân Da Đỏ. Và chỉ cần một điểm này thôi, nếu để ý cho kỹ, cũng đủ để chứng minh mà không ai có thể bác bỏ được, đó là thời điểm hiện tại là thời điểm thích hợp nhất so với những lúc khác. [Nhưng] những người này còn suy luận thêm—khi cuộc chiến lần trước chấm dứt, chúng ta có kinh nghiệm, nhưng thiếu quân lính; và 40 hay 50 năm nữa, ta sẽ có quân số nhưng thiếu kinh nghiệm; vì thế thời điểm thích hợp hơn phải là một điểm nào đó giữa hai thái cực để số lượng của vế đầu (kinh nghiệm) vẫn còn gần đủ, và đạt được sự gia tăng đúng mức của vế sau (quân số): Và thời điểm đó chính là thời điểm hiện tại.
Tôi xin độc giả tha thứ cho sự đi lạc đề này, vì nó không nằm dưới tiêu đề tôi đặt ra lúc đầu, và lại trở lại vấn đề này nữa qua nhận định dưới đây.
Nếu mối quan hệ được hàn gắn với Anh quốc, và nước này vẫn giữ quyền cai trị và chủ quyền trên nước Mỹ, (nhưng với tình trạng đã xảy ra như hiện nay, thì vấn đề này đã coi như đã bị bỏ qua không bàn tới nữa), thì ta sẽ tự mình từ bỏ đi chính cái phương tiện giúp ta làm giảm đi món nợ ta đang mang hoặc có thể sẽ phải vay. Giá trị của những vùng đất nằm sâu trong nội địa của một số tỉnh đang âm thầm bị tước đoạt bởi sự bành trướng không chính đáng của Canada, chỉ tính với giá năm bảng Anh cho mỗi một trăm mẫu (Anh), thì giá trị cũng lên tới 25 triệu đồng tiền của bang Pennsylvania, và tiền thuế đất nếu chỉ tính giá một xu Anh một mẫu thôi, cũng lên tới hai triệu hàng năm. Nếu ta chỉ bán những vùng đất này thôi, thì có thể giảm nợ rất nhiều mà không bắt ai phải gánh chịu nhiều hơn, và người dân sẽ không phải đóng nhiều tiền thuế đất, và khi cần đến sẽ được dùng để yểm trợ cho chi phí hàng năm của chính quyền. Không cần biết bao lâu mới trả xong nợ, nhưng tiền thâu được từ những vùng đất bán đi là để trả nợ, và quốc hội sẽ, trong lúc đó, giữ nhiệm vụ bảo quản số tiền này.
Bây giờ tôi bàn đến tiêu đề thứ hai, tức là, giữa hai kế hoạch Hòa Giải và Độc Lập, kế hoạch nào dễ nhất và thực tế nhất, và có vài nhận xét sau đây.
Kẻ nào mà [biết] sử dụng [quy luật] thiên nhiên để hướng dẫn cho lý luận của mình, thì lý luận đó khó lòng mà phản bác được. Trên nguyên tắc đó, tôi trả lời Sự Độc Lập là một vấn đề đơn giản và duy nhất, hoàn toàn do ta kiểm soát; còn Sự Hòa Giải, là một vấn đề quá sức rắc rối và phức tạp và lại dính líu đến một triều đình bất nhất và xảo trá. Và đây là một câu trả lời chắc chắn, không còn nghi ngờ vào đâu được.
Tình trạng hiện tại của Mỹ thật là đáng báo động cho những ai có khả năng suy ngẫm. Nước Mỹ không có luật pháp, không có chính quyền, không có quyền lực nào ngoại trừ cái quyền được tạo nên từ đầu và được triều đình Anh ban cho. Người Mỹ đoàn kết với nhau bởi một mối tình cảm [đặc biệt] chưa từng có trên đời, nhưng tình cảm này cũng có thể thay đổi, và còn có những kẻ thù bí mật đang tìm cách tiêu diệt. Điều kiện hiện tại của ta, là, có sự Lập Pháp mà không có luật pháp; có sự khôn ngoan mà không có kế hoạch [hành động]; có một hiến pháp mà không có tên; và cái điều lạ lùng đáng ngạc nhiên là có một sự Độc Lập hoàn hảo lại đi đòi lệ thuộc. Trường hợp này là một trường hợp không có tiền lệ, chưa hề có một trường hợp nào như vậy xảy ra; và ai có thể nói được hậu quả của nó sẽ ra sao? Không có ai mà tài sản có thể được bảo đảm trong cái hệ thống [chính trị] xộc xệch như thế này được. Tâm trí của quần chúng thì tản mạn, và vì không có mục tiêu xác định, họ tha hồ suy nghĩ theo sự tưởng tượng và thị hiếu nhất thời. [Trong tình trạng này], không có gì là tội lỗi, không có gì là phản bội; vì thế mạnh ai nấy sống theo ý mình muốn. Những người Mỹ theo phe bảo thủ Tory của Anh, không dám tụ họp lại một cách hung hăng, nếu họ biết rằng mạng sống của họ, qua hành động đó đã bị luật pháp của nhà nước tước bỏ. Một lằn ranh phân biệt nên được vạch ra giữa một bên là lính Anh bị buộc phải ra trận, và một bên là những người dân Mỹ tự vũ trang. Những người lính Anh là những tù nhân, còn những người Mỹ là những kẻ phản bội. Một bên từ bỏ tự do, còn bên kia thì từ bỏ mạng của mình.
Mặc dù chúng ta cũng có khôn ngoan đấy, nhưng cũng có một nhược điểm rõ rệt trong một số những hành vi của ta mà [có thể] khích động người ta đi đến bất hòa. Cái dây lưng dùng để thắt chặt các thuộc địa lại với nhau thì lại được thắt quá lỏng lẻo. Và nếu ta không có hành động đúng lúc, thì sau này sẽ quá trễ không thể làm gì nữa cả, và ta sẽ rơi vào một tình trạng mà Hòa Giải hay Độc Lập cũng sẽ không còn thiết thực nữa. Nhà vua và những kẻ tùy tùng vô dụng của ông ta là nững người rất giỏi trong trò chơi phân hóa Lục địa, và trong chúng ta không thiếu gì những kẻ, những nhà in chẳng hạn, sẽ bận rộn phao truyền những điều lừa dối được bọc trong những hoa ngôn rỗng tuếch. Một lá thư, chứa đầy sự giả nhân giả nghĩa và lập luận khéo léo để đánh lừa người khác, đã xuất hiện một vài tháng trước đây trên hai tờ báo ở New York, và trên hai tờ báo tương tự như vậy, là một bằng chứng cho thấy có những người chẳng thiết gì đến công lý và sự chân thật cả.
Khi bị dồn vào hoàn cảnh khó xử và chân tường, người ta dễ nói đến chuyện hòa giải: Nhưng những người như vậy có thật sự quan tâm đến sự khó khăn của nhiệm vụ này và sự nguy hiểm có thể xảy ra, nếu Lục Địa này bị phân chia? Họ có tiếp nhận những ý kiến khác nhau của những người mà hoàn cảnh của những người này cũng như của họ? Họ có tự đặt mình vào vị trí của những kẻ phải chịu đau khổ mà tất cả những gì họ có đã bị cướp đoạt mất, và của những người lính đã hy sinh TẤT CẢ cho sự bảo vệ quốc gia của mình? Nếu sự tiết chế khờ khạo của họ chỉ nhằm phục vụ cho trường hợp riêng tư của họ mà thôi mà bất kể đến những người khác, thì kết quả sẽ thuyết phục họ rằng họ đã “chỉ biết một mà không biết hai.”
Một số người nói rằng ta nên nhớ đến biến cố 1763:[9] Tôi xin trả lời rằng, nước Anh bây giờ không còn quyền lực để đáp ứng thỉnh cầu này, và nước Anh cũng sẽ chẳng đưa ra đề nghị này. Và giả sử là nước Anh đưa ra đề nghị này đi và nó được chấp thuận, tôi xin đặt một câu hỏi có tình có lý là, Cái triều đình hủ bại và không thể tin được này làm sao giữ được lời hứa? Một quốc hội khác, nói cho đúng hơn, ngay cả cái quốc hội hiện tại, cũng có thể hủy bỏ trách nhiệm này, với cái cớ là đề nghị này được thành hình dưới áp lực của sức mạnh, hay đó là một quyết định thiếu suy xét. Trong trường hợp đó, ta biết đi đâu để khiếu kiện đây?—Đối với quốc gia, nói chuyện luật pháp không được; súng đại bác là luật sư của Triều đình, và lưỡi kiếm chứ không phải công lý mà là chiến tranh sẽ quyết định sự tranh chấp. Để trở lại thời điểm 63, nếu chỉ có luật lệ áp dụng cho một thuộc địa thì không đủ, nhưng trong hoàn cảnh của chúng ta, lại chỉ áp dụng cho một thuộc địa. Những phố thị của ta bị tiêu hủy và bị hỏa tai được tu sửa hay xây dựng, những thiệt hại của tư nhân được đền bù, những món nợ công (vay cho việc chiến tranh) được thanh toán; nếu không thì ta sẽ lâm vào tình trạng xấu xa hàng triệu lần hơn cái lúc mà những người chủ trương đề nghị này mong muốn. Đề nghị này, nếu được Triều đình đáp ứng một năm trước đây, sẽ chinh phục được trái tim và linh hồn của Lục Địa—nhưng bây giờ thì đã quá trễ, “Ta đã vượt qua sông Rubicon.”[10] Ngoài ra, việc vũ trang, chỉ để thi hành việc hủy bỏ một đạo luật có dính dáng tới tiền bạc, có vẻ không chính đáng theo luật của thiên nhiên, và cũng gớm ghiếc với tình cảm của con người, cũng như dùng vũ lực bắt người khác phải vâng lời. Mục tiêu, của cả hai phía, không biện minh được cho phương tiện, vì mạng sống của con người quá quý giá để phung phí vào những chuyện lặt vặt như vậy. Chỉ có bạo lực của một đạo quân khi được sử dụng và đe dọa đến chính bản thân ta, tiêu hủy tài sản của ta, xâm lấn đất nước ta bằng lửa đạn, mới đáng để cho ta phải dùng đến vũ khí: Và cái thời điểm khi việc tự vệ bằng vũ trang trở nên cần thiết, thì tất cả mọi sự thần phục với nước Anh phải bị chấm dứt; và sự độc lập của Mỹ, phải được nhìn nhận là đã được xác định bởi kỷ nguyên này và phổ biến rộng rãi cho bàn dân thiên hạ biết, khi khẩu súng hỏa mai đầu tiên khai hỏa vào quân Mỹ. Lập luận này nhất quán, không phải do tình huống nhất thời, hay được diễn dịch thêm do tham vọng, nhưng là sản phẩm của một chuỗi những biến cố mà trách nhiệm không thuộc về người dân thuộc địa.
Tôi sẽ kết luận những nhận xét này bằng những gợi ý đúng lúc và đầy thành ý. Chúng ta nên cân nhắc là có ba cách để có thể tác động được đến sự độc lập; và MỘT trong BA cách này, sẽ quyết định số phận của Mỹ. Ba cách đó là: tiếng nói hợp pháp của nhân dân Mỹ qua Quốc Hội; bằng sức mạnh quân sự; hay bằng [sự nổi loạn] của đám đông—không phải tất cả những binh sĩ của ta đều là công dân và không phải số đông của những người này đều là những người có suy nghĩ phải trái; đức hạnh, như tôi đã nói không có tính di truyền hay vĩnh viễn. Nếu sự độc lập xảy ra theo cách thứ nhất, ta có mọi cơ hội và sự khích lệ ngay trước mắt để hình thành một bản hiến pháp thuần khiết nhất và cao nhã nhất trên trái đất. Ta có, trong phạm vi khả năng của mình, đủ quyền lực để khởi đầu lại thế giới. Ngày sinh của một thế giới mới ở trong tầm tay ta, và [đa số] nhân loại, có lẽ cũng nhiều bằng số người đang ở Âu châu, sẽ nhận được phần tự do của mình trong chỉ một vài tháng. Phản ánh của điều này là một điều đáng ghê sợ—và theo quan điểm này, thật là nhỏ mọn và lố bịch khi một số người yếu đuối và có tư lợi tranh luận về những điều lặt vặt khi bàn đến vấn đề liên quan đến cả thế giới.
Nếu chúng ta thờ ơ và không để ý đến giai đoạn thuận tiện và đang mời gọi này, và [để] sự độc lập sau đó bị ảnh hưởng vì những phương cách khác, thì trách nhiệm của hệ quả này chính ta hay những kẻ mà đầu óc đầy thành kiến và nhỏ hẹp, những kẻ có tập quán chống đối lại phương pháp này mà chẳng chịu suy nghĩ gì hết, phải gánh chịu trách nhiệm. Có nhiều lý do ủng hộ cho chủ trương độc lập, những lý do này ta nên suy nghĩ trong riêng tư hơn là để người khác nói cho nghe ngoài công luận. Bây giờ ta không nên bàn thảo về vấn đề xem có nên đòi độc lập hay không, nhưng nêu ưu tư về việc hoàn thành nhiệm vụ này trên một căn bản chắc chắn, an toàn, và trong danh dự, và khó khăn hơn là không chịu bắt tay vào công việc. Mỗi ngày qua thuyết phục ta về nhu cầu này. Tất cả mọi người, ngay cả những người bảo hoàng Tories (nếu còn có những thành phần này giữa chúng ta) nên là những người hăng hái nhất để cổ xúy cho chủ trương độc lập; vì, khi các ủy ban được bổ nhiệm lúc ban đầu, sẽ bảo vệ họ không chịu sự thịnh nộ của quần chúng. Cho nên, một mô hình chính quyền khôn ngoan và được thiết lập đúng đắn, sẽ là phương tiện chắc chắn và duy nhất để bảo vệ họ một cách liên tục. Do đó, nếu họ không có đủ đức tính để trở thành những người theo đảng Whigs,[11] thì họ cũng nên có đủ sự thận trọng và khôn ngoan để ước mong một nền độc lập.
Tóm lại, sự Độc Lập là mối dây duy nhất có thể liên kết và giữ chúng ta lại với nhau. Chúng ta sẽ thấy được mục tiêu của ta, tai ta sẽ từ chối một cách hợp pháp để không nghe đến những mưu toan ám muội của kẻ thù ác độc. Ta sẽ trở thành đồng đẳng với Anh quốc, vì ta có lý do để kết luận là niềm kiêu hãnh của Triều đình Anh quốc sẽ không bị tổn thương nhiều lắm nếu điều đình với nước Mỹ về những điều khoản hòa bình, hơn là điều đình về những khoản chiến phí với những “thần dân phản loạn” đã từng bị thống trị. Chính sự trì hoãn của ta sẽ khuyến khích Anh quốc có thêm hy vọng chinh phục, và sự chậm tiến của ta sẽ có khuynh hướng kéo dài thêm cuộc chiến. Như ta đã thấy là biện pháp đình chỉ giao thương để khiếu kiện những bất mãn với triều đình cũng chẳng đi tới đâu, bây giờ hãy thử bằng phương pháp khác, bằng cách tự giải quyết những bất mãn này một cách độc lập, và đưa ra đề nghị mở lại giao thương. Những người theo phái trọng thương và có suy nghĩ ở Anh quốc, cũng sẽ ủng hộ chúng ta; bởi vì, có hòa bình cùng với giao thương, thì vẫn có lợi hơn là đánh nhau mà không có gì hết. Và nếu đề nghị này không được chấp nhận, ta có thể đề nghị với những triều đình khác.
Trên những cơ sở này, tôi xin chấm dứt phần thảo luận này. Và vì chưa có ai đưa ra được sự phản bác những lập luận tôi trình bày trong những ấn bản trước, điều đó phải được xem là đúng, dù đó chỉ là một bằng chứng tiêu cực, [để] chứng minh rằng hoặc là lý thuyết này không thể bị phản bác, hoặc là thành phần những người ủng hộ cho lý thuyết này quá đông để bị phe nhóm khác chống lại. Vì thế, thay vì nhìn nhau bằng con mắt tò mò đầy nghi kỵ, chúng ta hãy nắm lấy những người hàng xóm bằng bàn tay yêu thương chân thật, liên kết lại để vạch ra một lằn ranh, như một hành vi của sự quên lãng sẽ chôn đi trong ký ức những mối bất đồng trước đây. Hãy để cho những danh xưng Whig và Tory bị tuyệt chủng; và đừng nghe đến điều gì khác, ngoại trừ [điều sau đây]: Người Công Dân Tốt, Một Người Bạn Cởi Mở và Tháo Vát, Và Là Một Người Đức Độ Ủng Hộ Cho Những Quyền Của Con Người Và Cho Sự Tự Do và Độc Lập Của Nước Mỹ.
Thư Ngỏ Gửi Hội Những Người theo Đạo Quaker
Kính gửi quý vị Đại biểu của Hội Những Người theo Đạo Quaker, hoặc những quý vị đã quan tâm đến bài viết của tôi, mang tựa đề “Lời Chứng Thời Xưa và Những Nguyên tắc của Đạo Quaker được Canh tân có Liên quan đến Nhà vua và Chính quyền, và tạo ra náo động tại nhiều miền trên đất Mỹ gửi đến cho tất cả mọi người.”
Tác giả của bài viết này, là một trong số ít người, chưa bao giờ mạo phạm tôn giáo bằng sự nhạo báng hoặc than phiền về bất kỳ một hệ phái tôn giáo nào cả. Trách nhiệm của con người với tôn giáo là đối với Thượng Đế chứ không phải đối với con người. Vì vậy, lá thư này gửi đến quý vị không phải là một lá thư về tôn giáo mà về chính trị, dù chỉ điểm sơ qua, một vài vấn đề mà những nguyên tắc tĩnh lặng của đức tin được tuyên xưng đã chỉ thị quý vị đừng dính vào. Như quý vị đã, dù không có thẩm quyền chính đáng để làm việc này, tự cho mình là đại điện cho toàn giáo phái Quakers; cho nên, tác giả của bài này, để ở ngang tầm với quý vị, đã vì nhu cầu mà đặt mình vào vị trí của những người đã tán thành những bài viết và nguyên lý mà qua đó lời chứng quý vị nhắm tới chỉ trích: Và người đó đã chọn tình huống đặc biệt này, để, quý vị có thể phát hiện nơi y cái tính chất kiêu ngạo mà chính quý vị không tự nhận thấy nơi chính mình. Vì cả y lẫn quý vị đều không được coi là ĐẠI BIỂU CHÍNH TRỊ.
Khi người ta đi trật khỏi đường ngay lẽ thẳng, chẳng trách gì họ sẽ bị vấp và ngã. Điều này được thể hiện rõ ràng trong cách thức mà quý vị dùng để làm lời chứng, rằng chính trị, (khi được quan niệm như một tập thể những người có một tín ngưỡng) không phải là con đường đúng đắn của quý vị; vì dù nó có vẻ rất thích hợp với quý vị, nó cũng chỉ là một mớ hỗn độn gồm cả xấu lẫn tốt đem trộn vào nhau một cách thiếu khôn ngoan, và điều kết luận rút ra từ đó thì vừa trái lẽ vừa trái với tự nhiên.
Trong hai trang đầu tiên [của luận cứ của quý vị] (và toàn bộ chưa tới bốn trang), chúng tôi phải công nhận sự cố gắng của quý vị, và cũng mong nhận được sự đối xử lịch sự tương xứng, vì tình yêu và ước vọng hòa bình không phải chỉ những người theo đạo Quaker mới có, mà đó là điều tự nhiên cũng như ước vọng của tất cả những ai thuộc những hệ phái tôn giáo khác nhau. Và trên căn bản này, khi ta đang gắng sức để kiến tạo cho mình một bản Hiến pháp Độc lập, thì ta mới vượt trội hơn nhau về niềm hy vọng, cứu cánh, và mục đích. KẾ HOẠCH CỦA CHÚNG TÔI LÀ HÒA BÌNH VĨNH CỬU. Chúng tôi cũng đã mệt mỏi vì những tranh chấp với Anh quốc và không thấy có một mục đích tối hậu nào khác hơn là sự phân cách vĩnh viễn. Hành động của chúng tôi trước sau như một, vì nhằm để trình bày một nền hòa bình vĩnh viễn và không bị gián đoạn, chúng tôi đành phải chịu những xấu xa và gánh nặng của hôm nay. Chúng tôi đang nỗ lực và sẽ tiếp tục nỗ lực để tách ra và giải kết một mối liên hệ mà đã khiến cho máu phải đổ đầy tràn trên đất nước của chúng ta; và mối liên hệ đó, nếu còn được giữ lại dù chỉ trên danh nghĩa không thôi, cũng sẽ là nguyên nhân trí tử tạo nên bởi những mối bất hòa trong tương lai của cả hai quốc gia.
Chúng tôi chiến đấu không phải để trả thù hay để chinh phục; cũng không phải vì kiêu căng hay vì nhiệt tình; chúng tôi không dám xúc phạm tới thế giới bằng hạm đội hay quân đội của mình, hay đi tàn phá thế giới để cướp đoạt của cải. Bên dưới những tàng lá nho trong vườn nhà, chúng tôi đang bị tấn công; ngay trong nhà, ngay trên mảnh đất quê hương, chúng tôi đang gánh chịu tai họa của bạo lực. Chúng tôi xem kẻ thù của mình là những tên thảo khấu và những kẻ trộm ngày, và vì chúng tôi không được luật pháp bảo vệ, nên phải trừng phạt những tên cướp này bằng phương tiện quân sự, và sử dụng đến lưỡi kiếm trong ngay cả trường hợp mà trước đây người ta vẫn dùng dây thòng lọng để treo cổ—Có lẽ chúng tôi thông cảm được nỗi khổ đau, nhục nhã và mất mát của những nạn nhân ở trên mọi miền của đất nước bằng một thứ tình cảm dịu dàng mà một số quý vị từ trong thâm tâm vẫn chưa cảm nhận được. Nhưng xin quý vị nên bảo đảm rằng sự sai lầm của quý vị không phải là nguyên do hay căn bản của những lời tuyên xưng của quý vị. Đừng đưa sự lạnh lẽo của linh hồn vào trong tôn giáo; cũng đừng trở thành những Cơ Đốc nhân mù quáng giáo điều.
Ôi những vị mục sư thiên vị về những nguyên lý đã được tuyên xưng của mình ơi. Nếu hành vi trang bị vũ khí được coi là tội lỗi, thì kẻ đầu tiên gây chiến mới phải là kẻ có tội, vì tất cả sự khác biệt nằm ở chỗ một sự tấn công có chủ ý và một sự tự vệ không tránh được. Vì thế, nếu quý vị giảng đạo từ lương tâm của mình, chứ không phải để tôn giáo của quý vị trở thành một trò hề chính trị, thì hãy tuyên bố giáo điều của quý vị cho kẻ thù của chúng ta đi, vì họ cũng đã vũ trang đó thôi. Hãy cho chúng tôi bằng chứng về sự thành tâm của quý vị bằng cách in ra và đệ trình cho triều đình Anh quốc, cho viên tổng tư lệnh tại Boston, cho những viên đô đốc và thuyền trưởng của những chiến hạm đang cướp bóc và tàn phá duyên hải của ta, và cho những tên sát nhân vô lại đang nhân danh Ngài Ngự, người mà quý vị đang tuyên xưng là thần dân.
Giả như quý vị có được tâm hồn lương thiện của Barclay,[12] quý vị sẽ giảng về sự sám hối cho Ngài Ngự của quý vị; quý vị sẽ nói cho Nhà Vua Đê tiện về những tội lỗi của y và cảnh cáo y về hình phạt đời đời. Xin quý vị đừng dùng những lời chỉ trích mang tính chất thiên vị chỉ để nhắm vào những người đã bị thương tổn và lăng mạ, nhưng hãy cư xử như những mục sư trung tín, lớn tiếng tố cáo [những vi phạm] và KHÔNG CHỪA MỘT AI HẾT. Xin đừng nói là quý vị đang bị bách hại, cũng như đừng cố tạo ra ấn tượng chúng tôi là những người đang thống trách quý vị về những điều mà chính quý vị tự mang vào người. Vì chúng tôi sẽ làm chứng trước tất cả mọi người rằng chúng tôi không than phiền vì quý vị là những người theo đạo Quaker, nhưng chính vì quý vị đã giả danh chứ không phải là những người Quaker chính thống.
Than ôi! Dường như vì một phần đặc thù trong lời tuyên xưng, và một phần khác trong cách hành xử của quý vị mà tất cả những tội lỗi đều giảm xuống và chỉ có thể được nhận thức qua hành động tự vũ trang của người dân mà thôi. Quý vị, theo chúng tôi, đã nhầm lẫn giữa đảng phái với lương tâm; bởi vì cái đặc tính chính của những hành động của quý vị thiếu sự đồng nhất—Và đối với chúng tôi, thật khó mà tin được nhiều điều mà quý vị giả bộ đắn đo; bởi vì chúng tôi đã thấy đó là những hành vi do cùng một số người thực hiện, những người mà ngay khi vừa tuyên bố là không theo đuổi phú quý vật chất trần gian, thì ngay lập tức lại hăm hở săn đuổi như sợ hết giờ và với lòng khát khao mà chỉ có cái Chết mới thỏa mãn được.
Câu kinh thánh trong sách Châm Ngôn mà quý vị trích dẫn trong trang thứ ba của lời chứng của quý vị như thế này: “Khi tánh-hạnh của người nào làm đẹp lòng Thượng Đế, thì Ngài cũng khiến các thù-nghịch người ở hòa-thuận với người;”[13] là một câu trích rất là thiếu khôn ngoan, vì nó cũng tương tự như một bằng chứng là tánh hạnh của nhà vua (mà quý vị đang muốn ủng hộ) KHÔNG làm đẹp lòng Thượng Đế, nếu không thì triều đại của nhà vua đã giữ được an bình.
Bây giờ tôi xin bàn đến phần sau cùng trong lời chứng của quý vị, và đối với phần này thì tất cả những gì đã bàn ở trên chỉ là phần giới thiệu.
“Từ khi chúng tôi được ơn gọi để tuyên nhận ánh sáng của đức Jesus Ki-tô, những nguyên tắc và sự suy xét mà chúng tôi đã giữ được thể hiện qua lương tâm của chúng tôi cho tới tận hôm nay: đó là việc xây dựng và phế bỏ vương triều hay chính quyền là một đặc quyền kỳ diệu của Thượng Đế vì những nguyên do mà chỉ có Ngài mới biết được. Đó không phải là việc của chúng ta mưu toan xía vào; cũng không phải để ta bận tâm với những việc quá sức của mình, chứ đừng nói tới việc mưu toan lật đổ hay khôi phục. Ta chỉ nên cầu nguyện cho nhà vua, cho sự an toàn của đất nước và điều lành đến với mọi người—làm như vậy thì ta có thể sống một đời sống bình an và thanh thản trong đức tin và sự lương thiện DƯỚI MỘT CHÍNH QUYỀN ĐÃ ĐƯỢC THƯỢNG ĐẾ HÀI LÒNG MÀ LẬP NÊN CHO CHÚNG TA”—Nếu đây quả thực là những nguyên tắc mà quý vị tuyên xưng, thì tại sao quý vị lại không tuân theo chúng? Tại sao quý vị lại không để cái công việc, mà quý vị gọi là Việc của Chúa, cho Ngài? Những nguyên tắc này buộc quý vị chờ đợi trong sự kiên nhẫn và khiêm nhường cho đến khi cái biến cố ảnh hưởng đến mọi người sẽ xảy đến theo ý của Thượng Đế. Vì thế, duyên cớ nào khiến cho quý vị phải đưa ra Lời Chứng Chính Trị, nếu quý vị thực sự tin tưởng vào những nguyên tắc này? Và sự kiện quý vị cho ấn hành lời chứng này đã chứng tỏ hoặc là quý vị không tin gì về những điều mình nói, hoặc không có đủ đức hạnh để thực hành những điều mình tin tưởng.
Những nguyên tắc của giáo phái Quaker có khuynh hướng khiến cho người ta trở thành những thần dân an phận của bất kỳ và mọi chính quyền nào được dựng lên để cai trị họ. Và nếu việc thiết lập lên và phế truất những ông vua hay chính quyền là đặc quyền của Thượng Đế, thì chắc chắn là Ngài sẽ không để cho ta chiếm lấy quyền này: như thế, chính cái nguyên tắc này buộc quý vị phải chấp thuận mọi điều, mà đã xảy ra, hay có thể xảy đến cho những ông vua là công việc của Thượng Đế. Oliver Cromwell ơi, xin cám ơn ông.[14] Vua Charles Đệ nhất, như vậy, không phải bị giết vì tay người; và nếu kẻ cầm quyền hiện nay, kẻ đang hãnh diện bắt chước theo vua Charles, cũng gặp sự bất đắc kỳ tử, thì những tác giả và nhà xuất bản Lời Chứng của quý vị, vì tuân theo cái lý thuyết mà quý vị đã tuyên xưng, phải hoan nghênh sự kiện này. Các ông vua không bị lật đổ vì phép lạ, cũng như những sự thay đổi chính quyền không xảy ra bằng những phương thức nào khác hơn là những phương thức thông thường do con người thực hiện; và đó là phương thức mà chúng tôi đang sử dụng. Ngay cả sự phiêu tán của người Do Thái, dù được đấng Cứu Chuộc báo trước, cũng do vũ khí và bạo lực gây nên. Vì thế, nếu như quý vị không muốn trở thành phương tiện cho một phe, thì quý vị cũng không nên trở thành kẻ phá rối phía bên kia; mà nên chờ đợi sự ngã ngũ trong yên lặng. Trừ phi quý vị có thể đưa ra bằng cớ về quyền lực thiêng liêng để chứng minh rằng đấng Toàn Năng, người đã tạo ra cái tân thế giới này và đặt nó ở cái vị trí xa cách nhất, tách rời khỏi mọi phần của cựu thế giới, từ đông sang tây, nhưng lại không hài lòng về việc lục địa này đòi độc lập với cái triều đình Anh quốc thối nát và trụy lạc. Trừ phi quý vị có thể chứng minh được điều này, thì làm sao mà quý vị dám dựa trên nguyên tắc của mình để biện minh cho hành vi khích động những người mà “đã đoàn kết vững chắc với nhau vì cùng ghê tởm những bài viết, những biện pháp, như là chứng cớ của sự mong muốn và kế hoạch nhằm cắt đứt mối quan hệ sung sướng mà chúng tôi đã từng có với triều đình Anh, và sự thần phục chính đáng nhà vua, hay những quan lại do nhà vua phái đi.”
Đây chính là một cái tát vào mặt! những người mà trong đoạn văn ở trên đã thụ động và yên lặng từ bỏ cái quyền thiết lập, thay đổi, và truất phế vua chúa và chính quyền của mình và giao quyền đó cho Thượng Đế, bây giờ nhớ lại những nguyên tắc của mình, và đòi dự phần vào công việc này. Có thể nào sự kết luận, mà vừa được trích dẫn đúng đắn ở đây, có thể là kết quả của cái lý thuyết do quý vị đề ra? Sự bất nhất [trong lập luận] thiệt quá rõ ràng, không có ai là không thấy; sự vô lý và ngớ ngẩn của nó thiệt quá sức khôi hài; và những kết luận như vậy, chỉ có thể do những người mà sự hiểu biết đã bị làm cho tối tăm vì tinh thần hẹp hòi và tranh chấp của một đảng phái chính trị đang tuyệt vọng.
Tôi chấm dứt phần nhận xét lời chứng của quý vị tại đây (phần này không nhằm xúi giục ai ghét bỏ quý vị, mà chỉ để cho họ đọc và xét đoán một cách công bằng); tôi xin được thêm vào một nhận xét về câu sau đây: “việc xây dựng và phế bỏ vương triều,” phải hiểu là dựng một người thường lên làm vua, và phế bỏ một người đang là vua. Và xin giải thích xem điều này có dính dáng gì đến trường hợp hiện tại? Chúng ta không muốn dựng nên hay phế đi một ông vua, cũng không muốn tạo ra hay phá đi một chính quyền, mà chỉ muốn đừng có dây dưa gì với chuyện này cả. Vì thế, lời chứng của quý vị, dù nhìn dưới góc cạnh nào, cũng chỉ làm cho sự nhận định của quý vị mất giá trị, và còn vì nhiều lý do khác nữa, quý vị nên giữ những nhận định này cho riêng mình hơn là in và phổ biến ra.
Lý do thứ nhất là những lời chứng này có khuynh hướng làm giảm giá trị và sỉ nhục mọi tôn giáo, và là một điều cực nguy hiểm cho xã hội vì biến tôn giáo trở thành một phần tử trong những cuộc tranh luận chính trị.
Thứ hai, những lời chứng này phô bày ra cho mọi người thấy có một số người mà một số lớn đã từ chối việc ấn hành và cũng không ủng hộ những lời chứng chính trị, như đã được quan tâm tới ở đây.
Thứ ba, những điều này có khuynh hướng làm hỏng sự hài hòa và tình hữu nghị của lục địa mà chính quý vị, qua sự đóng góp hào phóng và lòng nhân đức đã góp một bàn tay để tạo ra; và sự bảo tồn sự hài hòa và hữu nghị này là kết quả quan trọng nhất của tất cả chúng ta.
Tới đây, tôi xin chào tạm biệt quý vị mà không có chút giận dữ hay oán trách trong lòng. Tôi thành khẩn ước ao rằng, đã là người và là Ki-tô hữu, quý vị luôn luôn được hưởng mọi quyền tự do về tôn giáo và dân sự; và để đổi lại, quý vị cũng sẽ là phương tiện giúp cho những người khác hưởng được những quyền này; nhưng [rủi thay], đó lại là cái thí dụ mà quý vị đã không thận trọng khi trộn lẫn tôn giáo với chính trị; đó là điều sẽ bị mọi cư dân của Mỹ chối từ và lên án.
Thomas Paine
[1] 1 pound (lb) = đơn vị đo trọng lượng của Anh tương đương với khoảng 0.45 kg. Đơn vị này được chuyển sang tiền tệ thành bảng Anh, dùng ngân bản vị (pounds sterling: sterling là loại bạc tinh chất đến 92%). £ là dấu hiệu chỉ đồng bảng Anh. Giá trị tiền tệ hiện nay của 1£ tương đương với $1.60 US.
[2] Xem thêm Lịch sử Hải quân của Entic, phần giới thiệu, trang 56 –(ghi chú của Paine).
[3] Nước Nga có bờ biển dài nhất thế giới, 37.653 km, nhưng vùng biển phía bắc giáp Bắc Cực nên quanh năm bị đông đá, không di chuyển được. Còn vùng biển phía đông giáp Thái-bình-dương, biển Bering, biển Okhost, và một phần biển Nhật-bản; phía tây là một đoạn ngắn thuộc biển Baltic và Hắc Hải.
[4] Tây Indies (West Indies) là vùng biển gồm những hòn đảo thuộc địa của Anh nằm trong vùng biển Caribbean bao gồm một phần Vịnh Mễ-tây-cơ, Bắc Mỹ, phía đông Trung Mỹ và phía bắc của Nam Mỹ.
[5] Trang 40 theo ấn bản năm 1776.
[6] Quân Tình nguyện (Associators): khi chiến tranh xảy ra giữa Anh và Mỹ, song song với việc trưng binh của chính quyền thuộc địa, người dân có thể tình nguyện lập những đoàn hương quân để chiến đấu cùng với quân chính phủ.
[7] Độc giả nào muốn hiểu rõ hơn về hệ quả của sự chọn lựa số lượng đại biểu vừa đông vừa bằng nhau, nên đọc những tài liệu nghiên cứu chính trị của Burgh – (ghi chú của Paine).
[8] Diễn văn của Vua George III tại Quốc hội Anh, ngày 26 tháng 10, 1775.
[9] Hiệp ước 1763 chấm dứt chiến tranh giữa Anh cùng các thuộc địa ở Mỹ và Pháp. Trong trận chiến tranh này, Pháp thua trận và phải nhường nhiều phần đất trên lục địa Mỹ cho Anh quốc như vùng Quebec và Thung lũng Ohio, và Anh quốc nhường vùng Louisiana và hải cảng New Orleans cho Tây-ban-nha vì đã giúp Anh trong cuộc chiến này. Cuộc chiến này không đưa nước Anh và thuộc địa lại gần với nhau, vì quân Anh coi thường dân thuộc địa là quê mùa, thiếu văn hóa, còn người dân thuộc địa thì lại không muốn nhận lệnh từ ai hết. Hệ quả của cuộc chiến này là người dân thuộc địa cảm thấy gần gũi nhau hơn, một mối dây tạo thành Chủ nghĩa Quốc gia trong tương lai.
[10] Sông Rubicon là con sông ngăn đôi nước Ý thời Cộng hòa La-mã. Luật La-mã (49 BC) cấm quan chức và tướng lãnh không được dẫn quân vào địa phận của Ý. Những ai vi phạm sẽ bị coi như có âm mưu tạo phản và tước hết quyền hành. Julius Cesar dẫn quân vượt sông Rubicon và thay đổi thể chế tại La-mã. Hành động “vượt sông Rubicon” có nghĩa là chuyện đã rồi.
[11] Đảng Whig, chủ trương thiết lập nền quân chủ lập hiến, đối lập với đảng Tory chủ trương quân chủ tuyệt đối.
[12] Robert Barclay là nhà thần học đầu tiên và vĩ đại nhất của giáo phái Quaker. Ông đã hệ thống hóa lý thuyết thần học của Quaker thành một hệ thống giáo lý và chứng minh rằng Quaker không có điều gì đi ngược lại với tín lý của Cơ-đốc hay chống lại triều đình Anh quốc cùng Anh giáo.
[13] Châm Ngôn 16:7
[14] Oliver Cromwell là một lãnh tụ và chính trị gia đầy thủ đoạn, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Nội Chiến Anh (1642-1651) giữa Quốc Hội và Phe Bảo Hoàng. Phe Bảo Hoàng thua và Vua Charles đệ Nhất bị xử tử. Cromwell lên nắm quyền lãnh đạo như một vị hoàng đế, nhưng không nhận tước hiệu này (kiểu như Chúa Trịnh của VN chăng?) Một hệ quả của cuộc Nội Chiến là chế độ quân chủ tại Anh được thay thế bởi chế độ cộng hòa.