Nông Duy Trường
Mở đầu
Nói đến cách mạng là ta nghĩ ngay đến những cuộc thay đổi xã hội “long trời lở đất.” Lịch sử con người trong vòng 250 năm trở lại đã chứng minh điều đó: khởi đầu với cuộc Cách mạng Mỹ năm 1776, rồi tới cách mạng Pháp 1789, rồi tới cách mạng Tân Hợi 1911, rồi tới cách mạng Bolshevik 1917, rồi tới cách mạng mùa thu 1945. Tất cả những cuộc cách mạng này đều khởi đầu bằng bạo lực vũ trang, đều có đổ máu và thương vong. Nhưng ngoại trừ Mỹ, sau cuộc cách mạng nước Mỹ tạo được ngay sự ổn định và phát triển cho đến ngày nay. Hậu quả của những cuộc cách mạng nêu trên là bạo loạn: cách mạng Pháp 1789 đưa đến bạo loạn cùng cực khiến cho quân đội phải trở lại nắm quyền; kết quả của cách mạng Tàu, Nga,Việt Nam cũng đẫm máu tương tự. Thế thì cách mạng là gì? Bài viết này sẽ dựa trên định nghĩa về cách mạng sau đây: “Cách mạng là một sự thay đổi toàn diện, triệt để, và hướng thượng.” Tất cả mọi sự thay đổi xã hội nào mà không đạt được tiêu chí “hướng thượng” thì chỉ là những cuộc nổi loạn không hơn, không kém. Thế nhưng có phải cách mạng phải có yếu tố bạo lực, vũ trang hay không? Những cuộc cách mạng xảy ra trong hậu bán thế kỷ 20 cho thấy cách mạng không nhất thiết phải cần dùng tới bạo lực. Trong bài viết này ta sẽ khảo sát một trong những cuộc cách mạng đó—cuộc cách mạng thầm lặng tại Québec—và để rút ra một số bài học từ cuộc cách mạng này.
Vài nét về lịch sử Québec
Québec là một tỉnh bang của Canada theo thể chế liên bang. Về phương diện địa lý, Québec thuộc Bắc Mỹ Châu, về phương diện nguồn gốc thuộc về Pháp và về phương diện chính trị thuộc về Anh (theo thể chế Nghị Viện). Québec do thuyền trưởng Jacques Cartier tìm ra và chiếm đóng nhân danh vua Francis đệ nhất của Pháp vào năm 1534. Vào ngày 3 tháng 7 năm 1608, thuyền trưởng Samuel de Champlain đưa chiến thuyền vào đóng ở hữu ngạn sông St Lawrence tại nơi mà thổ dân da đỏ gọi là Kébec (Québec). Cho đến năm 1642, một thuộc địa được thành lập mang tên là Ville Marie, gồm có một trại lính, một bịnh viện, một nhà thờ và 70 dân cư. Ville Marie chính là Montréal sau này.
Trong cuộc chiến tranh giữa các thực dân, Anh đánh bại Pháp tại Montréal và chiếm đóng Québec năm 1760. Cuộc chiến Pháp- Anh kết thúc bằng một hòa ước ký tại Paris, theo đó Pháp nhượng lại cho Anh toàn bộ Canada và các lãnh thổ liên hệ. Năm 1774, đạo luật Québec (Québec Act) công nhận việc sử dụng Pháp ngữ và hệ thống dân luật của Pháp cũng như hệ thống lãnh chúa tại vùng Canada nói tiếng Pháp. Năm 1791, đạo luật Hiến Pháp (Constitutional Act) thiết lập chế độ Nghị viện tại Canada và cho phép những người Canada gốc Pháp quyền ứng cử, bầu cử. Canada được chia làm hai tỉnh bang, gồm có Canada Thượng, nói tiếng Anh với York (Toronto là thủ đô), và Canada Hạ, với đa số dân chúng nói tiếng Pháp (Québec). Năm 1840, đạo luật Liên bang (Union Act) thống nhất Canada Thượng và Hạ thành một chính quyền thống nhất. Năm 1867, trong một bản Công bố về Đạo luật Bắc Mỹ thuộc Anh (Proclamation of the British North America Act), liên bang Canada được chính thức thành lập.
Căn cứ vào lịch sử hình thành Québec, chúng ta thấy được vấn đề sắc tộc là vấn đề chính yếu gây chia rẽ trong dân chúng sống tại tỉnh bang này. Dân Québec nói tiếng Pháp (Francophone), dù đông hơn thành phần nói tiếng Anh, vẫn là thành phần thấp cổ bé miệng trong xã hội vì đa số là nông dân, ít học, bị dân Canada nói tiếng Anh kỳ thị và giành hết địa vị cao trong xã hội nhờ có trình độ học thức cao hơn. Ngay cả khi có trình độ tương đương, người Québecois cũng bị thua thiệt trước người Canada nói tiếng Anh (Anglophone). Tình trạng này kéo dài có thể nói từ khi Québec được thành lập, vì tỉnh bang này là nhượng địa của Pháp cho Anh quốc, người dân Québec, bị coi như một thứ con hoang bị bỏ rơi và bị người Anh khinh thị. Mãi cho đến năm 1960, cuộc Cách Mạng Thầm Lặng được phát động và thay đổi hầu như toàn diện hệ thống xã hội, văn hóa và chính trị của Québec.
Cuộc Cách Mạng Thầm Lặng
Một số phần tử trí thức Québecois ý thức được thân phận thấp cổ bé miệng và bị kỳ thị, chèn ép của mình nên đã âm thầm tìm cách xoay chuyển tình thế bằng cách tham gia vào sinh hoạt chính trị của tỉnh bang để qua lá phiếu tìm cách nắm chính quyền. Năm 1960 là năm đánh dấu cuộc phát động cuộc Cách Mạng Thầm Lặng tại Québec với sự thắng cử của đảng Tự Do do Jean Lesage lãnh đạo. Mục tiêu của cuộc Cách Mạng Thầm Lặng gồm có (1) cải tổ kinh tế và tiêu chuẩn xã hội cho dân chúng Québec và (2) tạo sự vị nể của toàn Liên bang đối với dân gốc Pháp hoặc nói tiếng Pháp.
Để đạt được hai mục tiêu nói trên, Lesage tiến hành các chính sách cải tổ sâu rộng hệ thống giáo dục. Trước đây, hệ thống giáo dục tỉnh bang do Giáo hội đảm nhiệm, chú trọng nhiều về khoa học nhân văn, chương trình cải tổ giáo dục đặt hệ thống giáo dục dưới sự điều hành của chính quyền và chú trọng nhiều hơn về khoa học thiên nhiên, thương mại và kỹ thuật. Không những chỉ thay đổi về nội dung chương trình giáo dục, chính quyền còn tạo điều kiện dễ dãi qua các học bổng để khuyến khích dân Québec theo đuổi học vấn. Một cải cách thứ hai quan trọng không kém trong tiến trình cuộc Cách Mạng Thầm Lặng và việc quốc hữu hóa các công ty Thủy-Điện tại Québec. Chương trình này thu hút được rất nhiều kỹ sư Canada gốc Pháp về lại Québec làm việc. Chương trình này không những chỉ đem lại nguồn tài chính cho tỉnh bang mà còn gây được thanh thế và “chấn hưng dân khí” qua các khẩu hiệu: “Ta có thể làm được,” “Ta làm chủ lấy nhà ta,” vân vân.
Tuy nhiên sự khác biệt giữa dân nói tiếng Anh và tiếng Pháp vẫn còn sâu rộng, nhất là trong thập niên 60. Một số dân Québec lập luận chỉ có hoàn toàn ly khai khỏi liên bang mới giải quyết xong mối mâu thuẫn trầm kha giữa hai dân tộc. Mặt Trận Giải Phóng Québec (Front De Libération Du Québec) được thành lập năm 1963 cổ võ sự ly khai. Một tổ chức khác mang tên Quân Đội Giải Phóng Québec ( L’ Armée de Libération de Québec) gồm các thành viên trẻ tuổi hơn, quá khích hơn, chủ trương dùng bạo lực giành độc lập cho Québec. Trong suốt thập niên 70, tình hình chính trị tại Québec rối ren vì các thành phần quá khích dùng khủng bố để đạt mục tiêu chính trị, như bắt cóc và ám sát Bộ trưởng Lao Động Pierre Laporte. Các hành vi khủng bố chính trị này cũng không đi tới đâu vì tình hình rối ren khiến Ottawa gửi quân đội tới Québec để giữ an ninh trật tự, lại càng khiến dân Québec bất mãn thêm.
Trong lúc đó, một nhân vật khác nổi bật lên trên vũ đài chính trị Québec, ông René Levesque. Levesque từng là Bộ trưởng trong Nội các của Lesage, nhưng có một quan niệm khác về sự độc lập của Québec. Năm 1976 Levesque và Đảng Québecois (Parti Québecois- PQ) thắng cử và cầm quyền tại Québec. Một số các đạo luật quan trọng được thông qua, trong đó có đạo luật quy định Pháp ngữ là ngôn ngữ chính tại Québec, nhưng vẫn liên kết với Canada về kinh tế và thị trường. Tuy nhiên, chủ trương này của PQ đã bị đánh bại qua cuộc trưng cầu dân ý đầu thập niên 80.
Nói tóm lại, cuộc Cách Mạng Thầm Lặng phát xuất từ sự khác biệt về chủng tộc và văn hóa kéo theo các sự phân cách khác về xã hội. Để thay đổi tình trạng này, các phần tử lãnh đạo tiến hành cách mạng bằng cách tích cực tham gia vào chính trị để nắm chính quyền hầu có thể thi hành được các chính sách canh tân. Khi Lesage nắm quyền vào năm 1960, đó là thời điểm đánh dấu sự khởi động cách mạng. Nhìn chung các chương trình của Lesage nhằm cải tổ xã hội, ta thấy bước đầu tiên ông làm là “Khai Dân Trí” – Giáo dục là trọng điểm của Cách Mạng Thầm Lặng: Người dân Québecois nói tiếng Pháp được khuyến khích, nâng đỡ, trợ giúp để học hành. Sau nữa là “Chấn Dân Khí” qua các chương trình kỹ thuật và kỹ nghệ nặng gây nên niềm tự hào dân tộc như “Ta có thể làm được,” hoặc “Ta làm chủ lấy nhà ta.” Và sau nữa là cải tổ dân sinh, san bằng sự bất công trong nấc thang xã hội. Điểm cần đáng lưu ý là để cải tổ được dân sinh, chính người dân phải có khả năng tương ứng với địa vị xã hội của họ (một kỹ sư gốc Pháp và kỹ sư gốc Anh phải được đối xử bình đẳng, chứ không phải thực hiện cách mạng vô sản làm xáo trộn trật tự xã hội, như ta đã biết).
Cuộc Cách Mạng Thầm Lặng xảy ra từ năm 1960 và tiệm tiến thay đổi bộ mặt của xã hội. Hai mục tiêu cách mạng do Lesage chủ trương coi như đã đạt được. Người dân Québecois đã giành được vị thế xã hội ngang bằng với dân nói tiếng Anh và dân Canada gốc Pháp cũng đã tạo được uy tín và nể trọng của dân Canada nói tiếng Anh trên toàn Liên bang. Chúng ta sẽ không bàn về chủ trương đòi độc lập của Levesque và đảng PQ của ông ta có chính đáng hay không, qua cuộc Cách Mạng Thầm Lặng, chúng ta rút được các bài học sau:
Thứ nhất, cuộc Cách Mạng này xảy ra trong bối cảnh một nước dân chủ, trong đó các phe nhóm, đảng phái chấp nhận trò chơi dân chủ để nắm chính quyền. Thứ hai, đối tượng đấu tranh của cách mạng không phải là chính quyền độc tài đương nhiệm cần phải lật đổ, cho nên, vấn đề bạo lực không được đặt ra. Thứ ba, chính quyền chỉ là phương tiện để thực hiện mục tiêu cách mạng, chứ không phải là cứu cánh của cách mạng. Khi nắm được chính quyền thì các chính sách cải cách sẽ dễ dàng được thực hiện hơn, nhờ ở phương tiện và chính danh (legitymacy). Thứ tư, mục tiêu tối hậu của cách mạng là xây dựng, cho nên tiến trình cách mạng là một tiến trình trường kỳ, liên tục và toàn diện. Cuộc Cách Mạng Thầm Lặng được khởi động từ năm 1960, đến nay gần 40 năm, mới từng bước đạt được những mục tiêu đề ra.
Kết Luận
Điểm qua các cuộc Cách Mạng Nhung tại Đông Âu, cũng như Cách Mạng Thầm Lặng tại Québec, chúng ta rút được hai mẫu số chung sau đây:
Thứ nhất, sự chuyển đổi ôn hòa từ phe độc tài (Cộng Sản tại Đông Âu) sang phe dân chủ là một đặc thù của lịch sử, tùy thuộc vào nhiều yếu tố không kiểm soát được – cán cân lực lượng quốc tế thay đổi, ý thức của phe độc tài về xu hướng thời đại, chứ không phải muốn là được.
Thứ hai, tiến trình cách mạng là một tiến trình động (dynamic) không tuân theo một quy luật nhất định mà phải linh động theo tình thế và đối tượng đấu tranh. Cũng là đối tượng đấu tranh đó (chính quyền cộng sản tại Tiệp, Hung và Ba Lan), nhưng trong các biến cố Mùa Xuân Prague 68, Ba Lan và Hung Gia Lợi năm 1956 đều có máu đổ và bạo lực; cũng chính đối tượng đó lại chấp nhận chuyển quyền trong ôn hòa trong bối cảnh chính trị cuối thập niên 80. Trong khi đó đối tượng đấu tranh của cuộc cách mạng do Gandhi chủ trương và Cách Mạng Thầm Lặng tuân thủ những “ luật chơi” khác với các chế độ độc tài.
© Học Viện Công Dân, Sept 2016