fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Quyền Phản Kháng

JAMES BOVARD

Nhiều chính trị gia cứ nói như thể người dân có bổn phận phải tuân phục và sùng kính chính quyền. Nhưng có vài điều còn nguy hiểm hơn là chấp nhận ý tưởng cho rằng chính quyền có quyền đòi hỏi người dân phải tuân phục vô điều kiện.

John Locke, trong Hai Luận thuyết về Chính quyền, viết trong thập niên 1680, khi người dân Anh đang bị dày vò dưới sự chuyên chế ngày một gia tăng của những nhà vua họ Stuart, đã nói: “Điều mà thần dân, hay cả ngoại kiều mà định dùng bạo lực xâm phạm tài sản của bất kỳ ai, thì bạo lực có thể được dùng để chống lại sự xâm phạm đó; điều này ai cũng đồng ý. Nhưng nếu quan chức khi làm như vậy, thì quyền dùng sức mạnh của người dân để phản kháng lại bị từ khước: dường như những kẻ có đặc quyền do luật pháp ban cho lại dùng quyền lực đó để vi phạm luật pháp, và qua hành vi này thôi đã đặt họ ở vị trí tốt hơn những người anh em khác.”

Locke đã chứng minh quyền lực của kẻ cai trị không được đặt trên bục đạo đức cao hơn bất kỳ kẻ tội phạm nào: “Nếu một tên cướp xông vào nhà tôi và kề dao vào cổ buộc tôi phải ký giấy chuyển nhượng tài sản, thì hành vi đó có cho y cái quyền trên tài sản của tôi không? Tương tự như cái quyền dựa trên lưỡi kiếm của một kẻ chinh phục bất chính dùng sức mạnh buộc người khác phải phục tùng. Sự thiệt hai và tội phạm tương đương với nhau, dù do kẻ đội vương miện  hay do một tên vô lại tiểu tốt gây ra. Danh vị và và số người tuỳ tòng của kẻ gây tội không có nghĩa lý gì đối với tội phạm đã gây ra, ngoại trừ là làm cho tội thêm nặng.”

Chẳng có khái niệm nào về quyền tối thượng của nhà nước có thể biện minh cho sự mở rộng quyền lực của chính quyền vượt quá giới hạn của quyền chính trị. Thật là ngớ ngẩn khi kỳ vọng rằng chính quyền sẽ thoái hoá từ từ, từng bước một, xuống tình trạng man rợ phi luật pháp—như thể đó là một chuyến xe lửa có lịch trình đi xuống hoả ngục chính trị và người dân có thể xuống những ga dọc theo tuyến đường. Người ta không nhớ những dạng quyền lực chính trị có thể nhanh chóng biến những hành vi văn minh thành sự tha hồ cướp đoạt và bạo lực trên diện rộng. Hầu hết những người đi dạo trên đường phố của những thành phố ở nước Đức trong cuối thập niên 1920 chẳng bao giờ nghi rằng, chỉ trong vài năm, chính quyền Đức sẽ ban hành một chính sách diệt chủng. Tương tự như thế, một số người viếng thăm Moscow năm 1913 hay Phom Penh năm 1969 chắc chắn sẽ không thấy được sự man rợ lấp ló ở góc đường. Những chính trị gia rất ít khi đưa ra những lời cảnh báo chính thức là họ sẽ lạm dụng quyền lực thủ đắc được như thế nào.

Một khi ý tưởng và những nguyên tắc tôn sùng quyền lực vô giới hạn được chấp nhận, thì chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi quyền lực đó được sử dụng theo những phương thức làm chấn động những người đã mặc nhiên công nhận sự bành trướng quyền lực. Như Nghị sĩ John Taylor nhận xét năm 1821, “Sự chuyên chế trên hình thức là bước đầu tiên đưa tới sự chuyên chế trên thực thể.”

Chỉ là những lời nói xuông

Những cuộc thảo luận về quyền chính trị chỉ là những lời nói xuông trừ phi người dân có quyền phản kháng lại sự chuyên chế. Đạo luật Dân quyền New Hampshire, được soạn thảo năm 1784, tuyên bố rằng: “Lý luận bất phản kháng chống lại quyền lực tuỳ tiện, và áp bức là lý luận ngớ ngẩn, mang tính chất nô lệ, và huỷ hoại điều tốt và hạnh phúc của nhân loại.” Thế nhưng rất nhiều những tổ chức chính trị cũng như hàn lâm lại không cả dám nghĩ đến quyền phản kháng.[1]

Bất cứ sự thảo luận nào về quyền phản kháng phải khởi đầu từ nhận thức phạm vi mà chính quyền đã và đang trở thành kẻ đàn áp. Như Locke đã nói, “Chỉ có một điều quy tụ người ta lại để nổi loạn, và đó là sự đàn áp.”

Lịch sử đầy dẫy những chính quyền chuyên chế đáng bị những nạn nhân của nó tiêu huỷ. Ta có thể nói vào thời điểm nào một chính quyền đặt mình vào tình trạng chiến tranh với người dân? Người dân có thể dựa vào tiêu chuẩn hay thước đo nào để biết rằng khi nào họ có quyền dùng sức mạnh kháng cự lại quyền lực phi pháp? Ở Bosnia, ở Rwanda, hay ở những nơi mà những cuộc sát nhân tập thể vừa xảy ra, người dân hiển nhiên có thể sử dụng sức mạnh sát thương tới mức tối cần để bảo vệ cho chính mình và gia đình không bị tàn sát bởi lực lượng cuồng nộ của chính quyền, hay của những đám côn đồ được chính quyền bao che. Và ở Mỹ, người da đen hiển nhiên có quyền chống lại một cách hoà bình luật phân cách chủng tộc trong thập niên 1950 và 1960, và có quyền dùng sức mạnh chống lại những cuộc tấn công của cảnh sát và thường dân khác.

Rủi thay, không có một tiêu chuẩn rõ rệt nào để người dân biết khi nào thì thôi không phục tùng chính quyền nữa. Và, tiếc thay, đa số những tổ chức chính trị, như Giáo hội Anh giáo trong thập niên 1680, vẫn rao giảng bổn phận phản kháng thụ động trên suốt con đường dẫn đến lò sát sinh chính trị.

Hành động Bất bạo động Hữu hiệu

Những hành động bất bạo động, trong đa số trường hợp, là phương tiện nhằm kềm chế quyền lực hữu hiệu hơn hành động bạo lực rất nhiều. Giết một chính khách đàn áp dân thường tạo ra sự thông cảm và tôn trọng bộ máy đàn áp mà chính khách đó chỉ huy. Nhiều cuộc mưu toan ám sát hay ám sát thành công trở thành cái cớ cho chính quyền gia tăng đàn áp gấp đôi. Điều thiết yếu đầu tiên cho sự cải cách hoà bình là tạo cho người dân ý thức họ cần dùng đến bao nhiêu lực để buộc chính quyền phải khuất phục. Vào thời điểm cao trào phản đối chiến tranh Việt Nam, chưa tới năm phần trăm dân Mỹ tích cực phản đối chiến tranh, nhưng những cuộc phản đối này về tâm lý đã làm tê liệt chính phủ Johnson và đóng một vai trò quan trọng trong sự hoang tưởng[2] của chính phủ Nixon về những người bất đồng chính kiến và dẫn đến vụ Watergate.

Những cuộc [biểu tình] phản đối có mục tiêu rõ rệt, dứt khoát và khôn ngoan có thể chọc thủng tấm áo giáp “hợp pháp” bao bọc những người chỉ huy và viên chức của chính quyền đàn áp. Và một khi ánh hào quang hợp pháp bị phá vỡ, thì cái “chi phí giao dịch” của chế độ chuyên chế bị tăng vọt. Mỗi người khi hiểu được những quyền và tự do của mình trở thành một rào cản nữa chống lại sự bành trướng quyền lực của chính quyền. Như triết gia Etienne de la Boétie nhận xét trong thế kỷ 16, “Chính người dân là những người cho phép, hay nói đúng hơn, là tự buộc mình thành những kẻ thần phục, vì khi chấm dứt sự thần phục, họ cũng sẽ chấm dứt tình trạng nô lệ của mình.”

Trong phần phân tích cuối cùng, [ta thấy], sự tối thượng của chính quyền bị giới hạn bởi chí khí của người dân. Nếu người công dân có sự tự trọng và can đảm—và phương tiện để bảo vệ những quyền của họ—sự nhũng lạm của chính quyền sẽ bị ngăn chặn. Sử gia Thomas Babington Macaulay, năm 1832, đã xác quyết rằng người Anh trong những thập niên 1500 “thật sự là những người tự do. Thật ra, họ không có vẻ bề ngoài là được tự do, nhưng họ thực sự có tự do. Họ đã chẳng có một hiến pháp tốt đẹp—nhưng họ có cái…mà, không có một hiến pháp nào có được, khiến kẻ cầm quyền phải uý kỵ—đó là sức mạnh và tinh thần dám sử dụng sức mạnh [khi cần].”

Cũng có lúc sự phản kháng hoà bình trở thành vô ích. Như Locke đã từng viết, “Con người chẳng bao giờ có thể được an toàn khỏi sự áp chế của độc tài, nếu không có phương cách thoát khỏi sự áp chế, cho đến khi họ hoàn toàn bị khuất phục bởi sự chuyên chế.” Cũng cùng một thể ấy bất cứ một người dân nào cũng có quyền tự vệ chống lại kẻ cướp hay sát nhân, cho nên người dân, nói chung, có quyền tự vệ chống lại bạo lực của những kẻ săn mồi chính trị hung bạo.

Theo Joyce Lee Malcolm trong cuốn sách xuất bản năm 1994 mang tựa đề Quyền Giữ và Mang Vũ khí: Nguồn gốc Quyền của Người Mỹ gốc Anh, Tu chính án thứ Hai được đặt căn bản trên sự công nhận rằng người dân có quyền sở hữu nững phương tiện để chống lại sự chuyên chế của chính quyền. Những cuộc thảo luận về các biện pháp kiểm soát vũ khí của Liên bang vẫn thường chú trọng vào điểm xem liệu một số vũ khí nào đó có nhằm “mục đích thể thao” hay không. Nhưng, nếu những nhà lập quốc viết thêm một đoạn vào Tu chính thứ Hai chỉ định rằng người dân “sẽ có quyền sở hữu vũ khí để đi săn thỏ,” thì bản Hiến pháp chắc chắn sẽ bị đa số bác bỏ vì người dân Mỹ đã được cảnh báo là những chính khách đã có ý nới rộng quyền lực của họ.

Quyền phản kháng chính quyền của người dân có tỷ lệ thuận với sức mạnh chính quyền dùng đàn áp người dân. Nếu chính quyền, nói chung, tôn trọng những quyền của người dân, thì người dân phải nghĩ rằng cũng có lúc vì sai lầm mà chính quyền vượt quá quyền lực hợp pháp của mình. Khi có sự nhũng lạm xảy ra, người dân có bổn phận phải tìm những biện pháp giải quyết hoà bình trước khi phản kháng bằng bạo lực.

Tôn trọng những người vô tội

Dù có một một số người Mỹ nghĩ rằng chính quyền liên bang là bất hợp pháp, nhưng những cuộc tấn công giết hại những người vô tội là những hành vi không thể biện minh được. Cuộc đánh bom vào toà nhà Liên bang tại thành phố Oklahoma năm 1995[3] là hành vi không thể tha thứ được, và những kẻ gây ra cuộc tấn công đó đáng bị xử tử hình. Người dân hầu như không có quyền giết những viên chức chính quyền vô tội cũng như viên chức chính quyền không có quyền giết những người dân phản kháng ôn hoà.

Nếu những kẻ ủng hộ chính quyền tập trung quyền lực e sợ sự phản kháng của người dân, thì có lẽ chính quyền chỉ nên vi phạm một số ít quyền của họ. Phong trào dân quân[4] tại nước Mỹ trở nên cao trào sau khi xảy ra những vụ giết người do chính quyền liên bang gây ra tại Ruby Ridge, bang Idaho, và Waco, bang Texas. Sự kiện không có một viên chức liên bang nào chịu trách nhiệm pháp lý về những cái chết này không khỏi khiến cho nhiều người giả định rằng chính quyền đã vượt khỏi sự kiểm soát và là mối đe doạ nghiêm trọng đến quyền và sự an toàn của họ.

Chính quyền tự nó không có quyền, nhưng chỉ sở hữu những quyền lực này làm điều kiện cần thiết để bảo vệ và giữ gìn những quyền của người dân. Quyền lực do sự tối thượng mà chính quyền có được nhiều chừng nào, thì cái lý thuyết quyền tối thượng lại phủ nhận toàn bộ mục đích tạo ra chính quyền chừng ấy. Khi các chính khách nới rộng quyền lực của họ vượt quá giới hạn hợp lý, chính họ, chứ không phải người dân đang chống lại sự áp bức chính trị, mới là kẻ triệt tiêu sự hợp pháp của nhà nước.

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, Dec 2019

Tác giả:
James Bovard là tác giả của 10 cuốn sách, gồm có: Public Policy Hooligan, Attention Deficit Democracy, and Lost Rights: The Destruction of American Liberty.

Nguồn: http://fee.org/the_freeman/detail/the-right-of-resistance#ixzz2CXyCrFtM

[1]  Đọc thêm bài “Hoang tưởng về sự hoang tưởng trong chính trị Mỹ,” Tạp chí The Freeman: Ideas on Liberty, August 1999, pp. 27-30.

[2] Hoang tưởng (paranoia) là một hội chứng tâm lý cho rằng có người nào đó tìm cách hãm hại mình.

[3]  Toà nhà Liên bang tại thành phố Oklahoma bị Timothy McVeigh và Terry Nichols đặt bom ngày 19 tháng 4, 1995 khiến 168 người chết và làm bị thương hơn 680 người. Đây là một cộc khủng bố nội địa. McVeigh bị xử tử hình và Nichols bị tù chung thân.

[4]  Phong trào dân quân (militia movement) gồm những tổ chức dân sự trong đó có những phần tử võ trang; phong trào phát triển cao trong thập niên 1980 và 1990.