Elie Wiesel
Thuyết trình ngày 12 tháng 4, 1999, Washington, D.C.
LGT. Elie Wiesel được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1986 qua những hoạt động chống lại bạo lực, đàn áp, và kỳ thị chủng tộc. Wiesel sinh năm 1928 tại Romania; ông là người gốc Do Thái. Năm 1940, Đức Quốc Xã chia một phần lãnh thổ Romania cho Hungary. Thành phố Sighet nơi gia đình ông sinh sống bị chuyển sang cho Hungary, và năm 1944, Hungary cho phép quân đội Đức trục xuất những người Do Thái tại đây và giam họ trong trại tập trung Auschwitz. Mẹ và hai em của Wiesel bị đầy đọa và chết trong trại tập trung này. Wiesel và cha bị đưa sang trại Buchenwald, và người cha bị chết vì kiệt sức tại đây, chỉ vài ngày trước khi trại này được Quân Đoàn III của Mỹ giải phóng. Sau chiến tranh, Wiesel hành nghề ký giả, dạy học, và viết văn. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, cuốn “Đêm Tối” khi phát hành lần đầu tiên không được dư luận chú ý. Xuất bản năm 1960, cuốn sách chỉ bán được hơn một ngàn ấn bản, nhưng sau đó đã được tái bản nhiều lần và in ra hàng triệu ấn bản. Năm 2006 cuốn “Đêm Tối” bán được sáu triệu cuốn chỉ riêng tại Hoa Kỳ. Tác phẩm này đã được dịch ra 30 thứ tiếng. Di cư sang Mỹ năm 1955, Wiesel đã viết hơn 40 cuốn sách gồm cả tiểu thuyết lẫn ký sự. Ông được tặng thưởng Huy chương Vàng của Quốc hội Mỹ và Huân chương Tự do của Tổng thống Mỹ năm 1985. Đây là bài phát biểu của Wiesel tại Tòa Bạch Ốc trong buổi tiệc đánh dấu một thiên niên kỷ sắp qua đi.
***
Ngày này, năm mươi bốn năm trước đây, một thiếu niên Do Thái thức giấc trong một thành phố nhỏ miền Cao nguyên Carpathian, một thành phố cách thành phố Weimar yêu dấu của Goethe[1] không xa lắm, trong một nơi mà cái tên của nó đã bị nguyền rủa muôn đời: trại tập trung Buchenwald. Cuối cùng cậu đã được tự do, nhưng sao trong tim cậu không có một niềm vui. Cậu nghĩ rằng có lẽ sẽ chẳng bao giờ vui được nữa. Được quân đội Mỹ giải thoát một ngày trước đó, cậu đã thấy những quân nhân này nổi điên lên trước những cảnh tượng mà họ chứng kiến trong trại tập trung. Và nếu cậu sống được cho đến khi thành một ông lão, cậu sẽ suốt đời cám ơn cơn điên đó của lính Mỹ, cũng như cám ơn lòng nhân hậu của họ. Dù cậu không hiểu được họ nói gì, nhưng ánh mắt của họ đã nói cho cậu rõ là chính họ sẽ mãi mãi ghi nhớ những hình ảnh này và là những nhân chứng sống.
Và ngày hôm nay, tôi đứng đây, trước mặt Tổng thống, người Tổng Tư lệnh của quân đội đã giải phóng cho tôi và hàng chục ngàn người khác, trong lòng tôi tràn ngập sự biết ơn sâu xa đến nhân dân Hoa Kỳ. “Lòng tri ân” là chữ mà tôi trân trọng. Lòng tri ân là điều xác định nhân tính trong con người. Và tôi xin ngỏ lời biết ơn tới bà Hillary, Phu nhân tổng thống Mỹ, về những điều bà đã nói và những điều bà đã làm cho trẻ con trên thế giới, cho những kẻ vô gia cư, cho những nạn nhân của bất công, cho những nạn nhân của số mệnh và xã hội. Và tôi xin cám ơn tất cả quý vị có mặt nơi đây.
Chúng ta đang đứng trước thềm một thế kỷ mới, một thiên niên kỷ mới. Di sản của thế kỷ đang qua là gì? Ta sẽ nhớ đến thế kỷ đã qua như thế nào trong thiên niên kỷ mới? Một điều chắc chắn là nó sẽ bị phán xét, một cách nghiêm khắc, cả về phương diện đạo đức và siêu hình. Những sự thất bại này đã che phủ một bóng đen trên nhân loại: hai cuộc Đại Chiến, vô số cuộc nội chiến, một chuỗi những cuộc ám sát vô nghĩa lý (Gandhi, anh em Kennedy, Mục sư Martin Luther King, Tổng thống Sadat, Thủ tướng Rabin), những cuộc tắm máu ở Cambodia và Alegria, Ấn Độ và Pakistan, Ireland và Rwanda, Eritrea và Ethiopia, Sarajevo và Kosovo; sự phi nhân của trại tập trung Xô-viết và thảm kịch Hiroshima. Và, trên một bình diện khác, dĩ nhiên, còn có trại tập trung Auschwitz và trại Treblinka.[2] Có quá nhiều bạo động; có quá nhiều sự vô cảm.
Sự vô cảm là gì? Theo từ nguyên, nó có nghĩa là “không có cảm xúc.” Đó là một trạng thái lạ lùng và trái tự nhiên, một trạng thái mà trong đó đường ranh giữa sáng và tối, bình minh và hoàng hôn, tội ác và hình phạt, tàn bạo và nhân đạo, tốt và xấu bị mờ đi. Tiến trình của vô cảm và những hậu quả không thể tránh được của nó là gì? Vô cảm có phải là một triết lý sống hay không? Có cái gọi là triết lý vô cảm hay không? Liệu ta có thể xem vô cảm là một đức tính không? Có phải đôi lúc chúng ta cũng cần áp dụng vô cảm để giữ cho mình không bị hóa điên, để sống một cách bình thường, để thưởng thức một bữa ăn và cốc rượu ngon, khi thế giới quanh ta đang trải qua những biến động tang thương?
Dĩ nhiên, vô cảm có thể trở nên hấp dẫn–hơn thế nữa, còn có sức mê hoặc. Tránh đừng nhìn nạn nhân thì vẫn dễ hơn. Tránh đi đừng để những cảnh tượng đó làm cản trở công việc của ta, giấc mơ và hy vọng của ta thì vẫn dễ hơn. Vì, thực ra, dính vào nỗi đau và sự tuyệt vọng của người khác vẫn là điều gây nên rắc rối và làm cho ta ngượng nghịu. Thế nhưng, đối với người vô cảm, hàng xóm của họ đâu có nghĩa gì đâu, cho nên, sự sống của họ cũng chẳng có ý nghĩa gì. Nỗi đau ngấm ngầm hay lộ liễu của họ chẳng ăn thua gì đến kẻ vô cảm. Sự vô cảm biến tha nhân trở thành một khái niệm trừu tượng.
Ở đó, đằng sau những cánh cổng đen của trại tập trung Auschwitz, cảnh tượng thê thảm nhất là cảnh của những tù nhân vẫn thường được gọi là “người Hồi giáo.” Quấn mình trong những tấm chăn rách nát, họ ngồi hay nằm trên mặt đất, mắt nhìn trừng trừng vào cõi không, họ không biết họ là ai và đang ở đâu–họ là những người xa lạ với môi trường chung quanh. Họ không còn cảm thấy đau đớn, đói, khát nữa. Họ không sợ gì nữa. Họ không cảm gì nữa. Họ đã chết rồi mà chưa biết đó thôi.
Được nuôi dưỡng trong truyền thống Do Thái giáo, một số người trong chúng tôi cảm thấy rằng bị nhân loại từ bỏ chưa phải là điều chung cục. Chúng tôi cảm thấy rằng bị Chúa từ bỏ còn đáng sợ hơn là bị hình phạt của Ngài. Thà là chịu hình phạt của một Thượng Đế bất công còn hơn là có một Đấng Tối cao vô cảm. Đối với chúng tôi, bị Chúa chối từ là một hình phạt nặng nề hơn là trở thành nạn nhân của cơn thịnh nộ của Ngài. Người ta có thể sống xa Thượng Đế, nhưng không thể sống ở bên ngoài Thượng Đế. Thượng Đế ở cùng với chúng ta ở bất cứ nơi đâu. Ngay cả trong cơn khốn khổ. Ngay cả trong khi đau đớn.
Nói cách khác, vô cảm trước sự đau khổ của đồng loại chính là điều làm cho con người trở nên bất nhân. Vô cảm, thực ra, còn nguy hiểm hơn là thù hận và giận dữ. Sự giận dữ có khi cũng là nguồn cảm hứng của sáng tạo. Trong cơn giận, ta có thể viết lên những vần thơ tuyệt bút hay những bản hòa tấu tuyệt hảo. Ta đang tạo ra một điều gì đó đặc biệt cho nhân loại vì ta đang nổi giận trước những bất công mà ta đang chứng kiến. Nhưng sự vô cảm không bao giờ tạo nên sự sáng tạo. Ngay cả cơn thù ghét cũng có lúc tạo ra tác động. Vì thù ghét, ta chống lại nó. Ta phản đối nó. Ta vô hiệu hóa nó.
Sự vô cảm không gợi ra được một sự đáp ứng nào từ người khác. Sự vô cảm không phải là một sự đáp ứng. Sự vô cảm không phải là sự khởi đầu; nó là sự kết liễu. Và, vì vậy, sự vô cảm luôn luôn là bạn hữu của kẻ thù, vì nó làm lợi cho kẻ áp bức hung hăng, chứ không phải cho nạn nhân của những kẻ này; những kẻ mà nỗi đau được phóng đại lên nhiều lần khi họ cảm thấy bị quên lãng. Người tù chính trị ở trong xà-lim, những trẻ em đói khát, những người tị nạn vô tổ quốc–những người mà nếu ta không ngó ngàng gì đến cảnh ngộ của họ, nếu ta không cất đi nỗi cô đơn của họ chỉ bằng họ một tia hy vọng thôi, thì chính ta đã xua đuổi họ ra khỏi ký ức của nhân loại. Và khi khước từ nhân tính của họ, ta đã phản bội nhân tính của chính mình.
Sự vô cảm, vì thế, không những là một tội lỗi, nó chính là một hình phạt.
Và đây chính là một trong những bài học quan trọng nhất của thế kỷ đang qua đi, một thế kỷ gồm vô số những thí nghiệm cả xấu lẫn tốt.
Ở chốn mà tôi đã ra đi, xã hội chỉ gồm có ba loại người: những kẻ sát nhân, nạn nhân, và những kẻ bàng quan. Trong những giờ phút đen tối nhất, bên trong những khu tập trung người Do Thái và trong những trại tử thần, chúng tôi đã cảm thấy bị bỏ rơi, và quên lãng. Hôm nay tôi rất vui khi thấy bà Clinton nói rằng chúng ta đang tưởng niệm lại cái biến cố đó, cái thời kỳ đó, và bây giờ ta có Ngày Tưởng Niệm Nạn nhân của Trại Tập trung Quốc Xã.
Trong những ngày đen tối đó, niềm an ủi khốn khổ của chúng tôi là niềm tin rằng trại Auschwitz và Treblinka là những bí mật được Quốc Xã bảo vệ chặt chẽ, rằng những nhà lãnh đạo của thế giới tự do không biết có những gì đang xảy ra sau những cánh cổng sơn đen và hàng rào kẽm gai, và rằng họ không biết gì về cuộc chiến chống lại người Do Thái của quân đội Hitler và đồng lõa của chúng gây ra chính là một phần của cuộc chiến chống quân Đồng Minh. Nếu những vị lãnh đạo này mà biết được, chúng tôi nghĩ như thế, chắc họ sẽ can thiệp dù phải nghiêng trời lấp biển. Họ sẽ dõng dạc lên án những hành động sát nhân đó. Họ sẽ ném bom xuống những đường xe hỏa dẫn đến nhà tù Birkenau[3], chỉ cần ném bom đường xe hỏa, một lần thôi.
Và bây giờ chúng tôi biết được, học được, khám phá ra được là Ngũ giác Đài và Bộ Ngoại giao biết.[4] Và nhân vật nổi tiếng cư ngụ trong Nhà Trắng lúc ấy, và cũng là một nhà lãnh đạo kiệt xuất–tôi nói điều này với sự xót xa và đau khổ, vì, ngày hôm nay, đúng là ngày giỗ thứ 54 của ông–tổng thống Franklin Delano Roosevelt chết vào ngày 12 tháng 4, 1945. Cho nên ngày hôm nay ông vẫn còn hiện diện đối với tôi và với chúng ta. Ta không thể phủ nhận ông là một nhà lãnh đạo xuất chúng. Ông đã động viên nhân dân Mỹ và cả thế giới để tham chiến, đã đưa hàng trăm ngàn những chiến sĩ can trường của Mỹ vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa Phát-xít, chống chế độ độc tài, chống Hitler. Và cũng đã có rất nhiều thanh niên ngã xuống trên chiến trường. Thế nhưng, chân dung của ông trong lịch sử của dân Do Thái-tôi phải nói điều này-chân dung đó có khuyết điểm.
Câu chuyện não lòng của chiếc tàu St. Louis là một câu chuyện điển hình. Sáu mươi năm trước đây, hàng hóa chở trên chiếc tàu đó là những con người, gần một ngàn người Do Thái, và con tàu này đã bị buộc quay trở lại nước Đức Quốc Xã của Hitler. Và [đáng lưu ý là] chuyện này xảy ra sau khi đã có những cuộc bách hại người Do Thái, sau những cuộc tàn sát người Do Thái do nhà nước chủ trương với hàng trăm cửa tiệm của người Do Thái bị phá hủy, đền thờ bị đốt phá, hàng ngàn người bị nhốt vào trại tập trung. Và con tàu đó, đã cặp được vào bờ của nước Mỹ rồi, đã bị buộc quay trở lại. Tôi thật không hiểu nổi. Roosevelt là một người tốt, có trái tim nhân lành. Ông hiểu được những ai là ngưởi cần được giúp đỡ. Thế thì tại sao ông không cho phép những người tị nạn này được xuống tàu? Một ngàn người, có thấm vào đâu so với nước Mỹ vĩ đại, một quốc gia dân chủ và rộng lượng vào bậc nhất trong lịch sử hiện đại. Tại sao? Tôi không hiểu nổi. Tại sao lại lãnh đạm, vô cảm ngay tại thượng tầng quyền lực, trước những đau khổ của nạn nhân?
Nhưng cũng có những người cảm động trước thảm trạng của chúng tôi. Những người không phải là Do Thái; họ là những người theo Thiên Chúa giáo, những người mà chúng tôi gọi là “Những Dân Ngoại đạo Công chính,” những người mà hành động quên mình và anh hùng của họ đã làm vinh danh cho đức tin của họ. Tại sao lại chỉ có ít người như thế? Tại sao lại có những nỗ lực lớn lao hơn để cứu những tên sát nhân SS[5] sau khi chiến tranh chấm dứt thay vì cứu những nạn nhân trong chiến tranh? Tại sao lại có những đại công ty của Mỹ tiếp tục giao thương với nước Đức của Hitler mãi cho tới năm 1942? Đã có những tin tức, và những tin tức này đã được chứng minh bằng tài liệu, là quân đội của Đức không có khả năng tấn công nước Pháp nếu không có xăng dầu do Mỹ bán. Ta giải thích sự vô cảm của họ như thế nào đây?
Thế nhưng, thưa quý vị, cũng có những điều tốt lành xảy ra trong thế kỷ tang thương này: sự bại trận của chủ nghĩa Quốc Xã; sự sụp đổ của chủ nghĩa Cộng Sản; sự hồi sinh của nước Do Thái trên mảnh đất của cha ông họ; sự tiêu vong của chủ nghĩa Phân Chủng; hiệp ước hòa bình giữa Do Thái và Ai Cập; hiệp ước hòa bình tại Ireland. Và ta hãy nhớ lại một phiên họp, đầy kịch tính và cảm động giữa thủ tướng Rabin và lãnh tụ Arafat mà chính Tổng thống Clinton đã triệu tập ngay tại phòng họp này. Tôi đã có mặt trong phiên họp đó và sẽ không bao giờ tôi quên được.
Và dĩ nhiên chúng ta phải nhớ tới quyết định chung giữa Hoa Kỳ và NATO để can thiệp vào Kosovo và cứu những nạn nhân, những người tị nạn, đã xua đuổi khỏi quê hương của họ bởi một người, một người mà vì những tội ác của y, phải bị buộc tội chống lại nhân loại.
Nhưng lần này, thế giới không im lặng nữa. Lần này, chúng ta đã trả lời. Lần này, chúng ta can thiệp.
Liệu điều này có nghĩa là ta đã học được bài học từ quá khứ chăng? Liệu điều này có nghĩa là xã hội đã thay đổi không? Có phải nhân loại đã trở nên bớt vô cảm và có tình người hơn không? Chúng ta đã có thực sự học được từ kinh nghiệm của chính mình chưa? Chúng ta đã bớt chai lì trước cảnh ngộ của những nạn nhân của sự tẩy rửa sắc tộc và những hình thức bất công khác đang diễn ra ở những nơi xa và ngay cả ở những nơi gần gũi với chúng ta không? Có phải sự can thiệp có chính nghĩa vào Kosovo ngày hôm nay, sự can thiệp do chính Tổng thống lãnh đạo, là một sự cảnh báo có tính cách trường kỳ, rằng sẽ không bao giờ những sự trục xuất, khủng bố trẻ con và cha mẹ của chúng, được dung túng ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới không? Liệu điều này có làm cho những kẻ độc tài ở những nơi khác trên thế giới phải chùn tay không?
Thế rồi còn những đứa trẻ con thì sao? Ôi, ta thấy chúng trên truyền hình, ta đọc về chúng trên báo chí, với tấm lòng tan nát. Số phận của chúng là số phận thê thảm nhất, một số phận không thể tránh được. Khi người lớn gây chiến, trẻ con bị héo úa và tàn lụi. Ta thấy những gương mặt và đôi mắt của trẻ thơ. Ta có nghe thấy tiếng cầu xin của chúng không? Ta có cảm được nỗi thống khổ và sự đau đớn của chúng không? Mỗi phút lại có một trẻ thơ chết vì bệnh tật, bạo lực và đói khát.
Một số trẻ thơ này–ôi, có quá nhiều trẻ thơ–có thể được chúng ta cứu vớt.
Và do đó, một lần nữa, tôi nghĩ về cậu bé Do Thái từ phố núi Carpathian. Cậu đã cùng bước đi với tôi, người mà năm tháng đã biến thành một ông lão, đi qua những năm dài đấu tranh và kiếm tìm chân lý. Và cùng nhau, chúng tôi và chúng ta bước về thiên niên kỷ mới, mang theo một nỗi lo sợ sâu xa cùng một niềm hy vọng phi thường.
© Học Viện Công Dân 2012
Nguồn: http://www.americanrhetoric.com/speeches/ewieselperilsofindifference.html
[1] Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832) là một đại văn hào và nhà bác học của nước Đức thời hiện đại (cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19). Tác phẩm nổi tiếng nhất của Goethe là vở kịch thơ trường ca Faust, một bi kịch của kẻ bán linh hồn cho quỷ Satan.
[2] Treblinka là trại diệt chủng do Đức Quốc Xã thành lập trên đất Ba Lan. 850 ngàn người Do Thái và Romania đã bị giết bằng hơi ngạt tại trại này.
[3] Birkenau là khu trại dành để giết tù nhân hàng loạt bằng hơi ngạt, nơi được Himmler mệnh danh là nơi thực hiện “giải pháp cuối cùng cho vấn đề Do Thái.” Ba triệu người Do Thái bị giết trong trại này (hai triệu rưỡi bị giết vì hơi ngạt, 500 ngàn chết vì đói và bịnh tật).
[4] Ngũ Giác Đài (Pentagon): Bộ Quốc Phòng Mỹ.
[5] SS, chữ viết tắt của chữ Schutzstaffel, lúc đầu là lực lượng vũ trang bán quân sự để bảo vệ đảng Quốc Xã và Hitler, do Himmler chỉ huy, nhưng sau đã phát triển thành cấp sư đoàn. Đồng phục của SS là màu đen, và huy hiệu là Sọ người. Quân số của SS lên đến trên một triệu người vào năm 1945.