fbpx

Giáo Dục

Sự Quan trọng của Giáo dục Cơ bản

Amartya Sen[1]

 

Diễn văn của Amartya Sen tại

Hội nghị về Giáo dục của các Quốc gia trong khối Liên Hiệp Anh tại Edinburgh

Tôi rất hân hạnh có dịp được nói chuyện trong buổi họp ngày hôm nay tại hội nghị về giáo dục của các quốc gia trong khối Liên Hiệp Anh. Tôi cũng rất vui mừng quý vị đã chọn Edinburgh là địa điểm cho buổi hội nghị quan trọng này. Tôi rất lấy làm tự hào đã có  mối quan hệ cá nhân  đối với Edingburg, vì được là cựu môn sinh của hai trường đại học ở đây, tức là đại học Edinburg University và đại học Heriot-Watt University (dù mối quan hệ đó chỉ có tính cách danh dự nhưng nó cũng khiến cho tôi thấy mình thật sự đã là môn sinh tại đây), và cũng vì tôi là hội viên của Hội Hoàng gia tại Edinburg và cũng nhờ những các quan hệ khác đối với thành phố lớn lao này. Vì vậy tôi xin chào mừng quý vị tới thành phố đẹp đẽ này và đã đến với cộng đồng trí thức tuyệt vời của thành phố, mà tôi đã được vinh dự là một hội viên du mục, và cũng có thể gọi là một học sĩ lang thang.  Nhưng  với lời chào mừng đó, tôi cũng phải nói thêm rằng không có chỗ nào thích hợp hơn để thảo luận về vấn đề “thu hẹp hố cách biệt về giáo dục” ngay tại thành phố của Adam Smith và David Hume,[2] là hai nhân vật đã từng chủ trương mạnh nhất và sớm nhất về giáo dục cho quần chúng.

Tại sao lại rất quan trọng là phải thu hẹp sự cách biệt về giáo dục, và xoá bỏ sự chênh lệch lớn lao giữa khả năng tiếp cận giáo dục, khả năng gia nhập vào hệ thống giáo dục và giữa các thành quả về giáo dục ? Trong những lý do khác nhau, có một lý do quan trọng nhất đó là điều này rất quan trọng để tạo ra một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn. HG Wells, trong tác phẩm Sơ lược về Lịch sử của ông, đã không nói quá khi ông nói rằng: “Lịch sử của nhân loại càng ngày càng trở nên một cuộc chạy đua giữa giáo dục và tai biến.”  Nếu chúng ta tiếp tục để một phần lớn của dân chúng ở trên thế giới ra ngoài quỹ đạo của giáo dục, thì chúng ta đã khiến cho thế giới trở thành không những thiếu công bằng, mà lại còn thiếu an toàn nữa.

Sự bất ổn trên thế giới hiện nay còn lớn hơn cả những sự bất ổn đầu thế kỷ thứ 20 là thời đại của H.G. Wells. Thực vậy, từ khi có những biến cố kinh hoàng ngày 11 tháng 9 năm 2001 – và những biến cố sau đó – thế giới đã trở nên hoàn toàn quan tâm tới những vấn đề bất an về vật chất. Nhưng sự bất an do con người tạo ra có thể có nhiều hình thức – không phải chỉ bằng khủng bố và bạo lực. Thực vậy, vào đúng ngày 11 tháng 9 năm 2001, có nhiều người chết vì bịnh AIDS hơn là vì cuộc bạo động chính trị trong vụ phá hoại khủng khiếp tại New York. Sự bất an của con người có thể phát triển dưới nhiều dạng khác nhau, mà những bạo lực vật chất mới chỉ là một hình thức thôi.  Tuy điều rất quan trọng là phải chống lại khủng bố và tệ nạn diệt chủng (trong hai công cuộc này giáo dục cũng có thể có một vai trò rất lớn lao, mà tôi sẽ trình bày dưới đây), chúng ta cũng phải nhận ra bản chất muôn mặt của sự bất an của con người và những sự thể hiện khác nhau của tình trạng bất an đó.

Như ta đã thấy, mở rộng phạm vi và gia tăng sự hữu hiệu của giáo dục cơ bản có thể giữ một vai trò ngăn ngừa rất mạnh làm giảm những sự bất an của con người dưới mọi hình thức khác nhau.  Chúng ta cũng nên xem xét qua về những cách thức trong  đó xoá bỏ sự cách biệt và xoá bỏ sự sao lãng về giáo dục có thể đóng góp vào việc giảm bớt bất an của con người trên thế giới.

Vấn đề cơ bản nhất liên hệ tới sự kiện rất sơ đẳng là nạn mù chữ và không biết tính toán chính nó là một hình thức bất an.  Không biết đọc biết viết hay biết tính toán hay truyền đạt với những người khác là một sự thiếu sót rất lớn lao.  Trường hợp bất an trầm trọng nhất là sự thiếu sót thật sự, và không thể nào tránh né được tình trạng đó do số mệnh. Đóng góp đầu tiên và nhanh chóng nhất của sự thành công của giáo dục trong trường học là  trực tiếp giảm bớt sự thiếu sót lớn lao đó – tức là sự bất an cùng cực đó – mà  nó đã tiếp tục làm hại biết bao cuộc sống trong phần lớn thế giới và cả trong Liên Hiệp Anh nữa.

Sự khác biệt mà giáo dục cơ bản có thể đem lại cho cuộc sống  có thể nhận thấy dễ dàng.  Giáo dục hiện nay đã được coi trọng ngay cả trong những gia đình nghèo nhất. Bản thân tôi đã có được cảm giác tuyệt vời khi thấy rằng tầm quan trọng về giáo dục đã được nhận thấy dễ dàng bởi những gia đình nghèo khó và thiếu thốn nhất. Điều này phát xuất từ những nghiên cứu về giáo dục tiểu học tại Ấn-Độ mà chúng tôi đang tiến hành (qua quỹ “Ủy thác Pratichi” – là một quỹ có mục đích phát huy giáo dục cơ bản và giáo dục đồng đều cho nam nữ mà tôi có hân hạnh lập ra tại Ấn-Độ và Bangladesh bằng số tiền thưởng giải Nobel mà tôi đã được năm 1998). Kết quả của cuộc nghiên cứu của chúng tôi cho thấy điều đáng chú ý là các bậc cha mẹ ngay tại trong những gia đình nghèo khó, túng bấn nhất cũng đều mong mỏi cho con cái được một nền giáo dục cơ bản, để khi lớn lên không bị thiệt thòi ghê gớm mà chính họ là các bậc cha mẹ đã phải trải qua.

Thực vậy, trái với lời người ta thường nói, chúng tôi không nhận thấy có một sự do dự nào của các bậc cha mẹ trong việc muốn cho con – con gái cũng như con trai – đi học, và muốn  cho các con có cơ hội được đi học mà không quá tốn kém, lại hữu hiệu và an toàn, ngay trong những vùng lân cận nơi họ sinh sống. Lẽ dĩ nhiên, có những nhiều trở ngại để thực hiện giấc mơ của các bậc cha mẹ.  Hoàn cảnh kinh tế của gia đình thường khiến cho họ khó có thể cho con đi học, nhất là khi phải trả tiền học.

Cái trở ngại không đủ khả năng tài chánh phải được xoá bỏ một cách cương quyết tại các nước thuộc khối cộng đồng Anh – và ngay cả trên thế giới nữa.   Lẽ dĩ nhiên, tôi cũng biết được rằng có một vài người chủ trương áp dụng hệ thống thị trường, muốn để lực thị trường ấn định học phí. Nhưng chủ trương này là một sự sai lầm bởi vì xã hội có nghĩa vụ cần cho tất cả các con em có những cơ hội thiết yếu được đi học. Thực vậy, Adam Smith là người đã có những phân tích về sức mạnh và tầm ảnh hưởng của kinh tế thị trường trước đây 250 năm, khi ông ở Kirkcaldy (không xa đây lắm), đã hùng hồn đưa ra những lý do tại sao để thị trường ấn định học phí là một điều sai lầm:

Ông viết: “Một sự chi tiêu dù rất nhỏ cũng có thể khuyến khích, và ngay cả áp đặt lên hầu hết tất cả mọi người, sự cần thiết phải có những phần thiết yếu của giáo dục.”

Cũng còn có những trở ngại khác nữa. Đôi khi các trường thiếu nhân viên (nhiều trường tiểu học tại các nước đang phát triển chỉ có mỗi một giáo viên), và các cha mẹ thường lo lắng về sự an toàn của các con, nhất là các con gái (đặc biệt trong trường hợp giáo viên không tới được trường, hình như là một điều khá thông thường ở nhiều nước nghèo). Thường thường thì những sự do dự của cha mẹ cũng có cơ sở hợp lý, và những thiếu sót này cần phải được giải quyết.

Ngoài ra còn có những trở ngại khác nữa. Những gia đình rất nghèo thường phải trông đợi vào sự đóng góp công sức của tất cả mọi người trong gia đình, ngay cả các trẻ em, và điều này sẽ ảnh hưởng tới vấn đề cần cho các con em đi học. Cách sinh sống đáng buồn như vậy, tuy phát sinh từ cuộc sống khó khăn, cũng cần phải được loại bỏ, bằng cách đưa ra những quy định cũng như làm cho mọi người đều thấy rõ những lợi ích kinh tế của học vấn. Điều này dẫn chúng ta tới vấn đề thứ nhì trong việc hiểu rõ sự đóng góp của học vấn trong việc làm giảm bớt sự bất an của con người. Giáo dục cơ bản có thể rất quan trọng trong việc giúp người ta kiếm được việc làm hay là làm những công việc có lợi. Sự liên hệ về kinh tế đó, tuy lúc nào cũng có, ngày nay lại còn có tính cách then chốt hơn trong một thế giới toàn cầu hoá càng ngày càng nhanh, trong đó việc kiểm soát phẩm chất và sản xuất theo với các quy định chặt chẽ là điều quan trọng.

Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy tất cả những trường hợp nhanh chóng dùng cơ hội để phát triển thương mại trên thế giới để giảm nghèo đều là do có giáo dục cơ bản đã phát triển rộng rãi. Thí dụ tại nước Nhật vào giữa thế kỷ thứ 19, người ta đã thấy việc này một cách rất rõ ràng. Quy tắc Cơ bản về Giáo dục được ban hành vào năm 1872 (một thời gian ngắn sau công cuộc duy tân của Minh Trị năm 1868),  đã ghi rõ sự quyết tâm của dân chúng để bảo đảm là “không có một cộng đồng nào có gia  đình thất học, không một gia đình nào có người thất học.” Như vậy – bằng cách thu hẹp hố ngăn cách về giáo dục – nước Nhật đã bắt đầu lịch sử phát triển kinh tế rất đáng chú ý. Tới năm 1910, dân Nhật đã hoàn toàn biết chữ, ít ra là đối với thế hệ trẻ. Và tới năm 1913, tuy lúc đó  vẫn còn nghèo hơn nước Anh và nước Mỹ, nhưng Nhật đã xuất bản nhiều sách hơn cả nước Anh và nhiều gấp đôi hơn cả số sách xuất bản tại nước Mỹ. Sự tập trung vào giáo dục một phần lớn đã ấn định tính chất và vận tốc của sự tiến bộ xã hội và kinh tế của Nhật.

Sau này, nhất là trong hậu bán thế kỷ thứ 20, Nam Hàn, Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore, và các nền kinh tế khác tại Đông Á cũng đi theo con đường đó và tập trung vào phát triển giáo dục tổng quát. Sự tham gia rộng rãi vào nền kinh tế toàn cầu có thể rất khó khăn nếu dân chúng không biết đọc biết viết, hay không biết sản xuất theo các quy  định và các đòi hỏi kỹ thuật, và nếu không thực hiện được sự kiểm soát phẩm chất.

Điều thứ ba là khi dân chúng bị thất học, thì khả năng để hiểu và sử dụng quyền trước luật pháp của họ cũng có thể bị giới hạn, và sự sao lãng về giáo dục cũng có thể dẫn tới những các sự thiếu sót khác.  Thực vậy, điều này là một khuynh hướng thường xảy ra cho những người ở trong giai cấp tận cùng của bậc thang xã hội, các quyền của họ thường không có trên thực tế vì họ không biết đọc và không biết những gì mà họ có quyền đòi hỏi, và đòi hỏi ra sao.  Hố ngăn cách về giáo dục rõ ràng là một yếu tố tạo ra khác biệt về giai cấp.

Hố ngăn cách đó cũng có liên hệ tới vấn đề giới tính bởi vì sự ngăn cách này có thể là một vấn đề quan trọng đối với sự an toàn của phụ nữ. Vì thất học cho nên phụ nữ không có được những quyền mà họ phải có. Không biết đọc và biết viết là một trở ngại quan trọng đối với những người phụ nữ thuộc thành phần yếu kém, bởi vì điều này sẽ khiến cho họ không sử dụng được ngay cả những quyền rất hạn chế của họ mà họ có thể có được theo luật pháp (như quyền sở hữu đất, quyền sở hữu tài sản, hay là quyền khiếu nại những sự phán xét hay sự đối xử không công bằng). Có những quyền trước pháp luật thường được quy định trong bản điều lệ nhưng những quyền đó không được sử dụng bởi những người muốn khiếu nại bởi vì họ không biết đọc những bản điều lệ đó. Những sự khác biệt về học vấn do đó có thể dẫn tới sự bất ổn định bằng cách cô lập những thành phần yếu kém không cho họ tiếp xúc được với những phương tiện và đường lối để  vượt ra khỏi tình trạng yếu kém  đó.

Điều thứ tư, sự thất học cũng sẽ làm cho các thành phần yếu kém trong xã hội không có những cơ hội chính trị để nói lên tiếng nói của họ, bởi vì nó giảm khả năng của họ tham gia vào chính trường và để biểu lộ và trình bày những yêu cầu của họ một cách hữu hiệu. Điều này có thể đóng góp trực tiếp vào những sự bất an của họ, bởi vì không có tiếng nói trong chính trị có thể khiến cho họ không có ảnh hưởng và không được đối xử một cách công bằng.

Điểm thứ năm, giáo dục cơ bản có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề về y tế nói chung và bệnh dịch nói riêng. Sự quan trọng trong các vấn đề giáo dục chuyên môn về y tế có thể dễ nhìn thấy (chẳng hạn như tìm hiểu về cách lây lan của bệnh và làm cách nào để ngăn ngừa bệnh).  Nhưng giáo dục tổng quát cũng có thể mở rộng cách suy nghĩ của con người và tạo ra sự hiểu biết trong xã hội một cách rất quan trọng khi đối diện với những vấn đề liên quan tới bệnh dịch. Thực vậy, một số các tài liệu nghiên cứu cho thấy rằng giáo dục tổng quát có một ảnh hưởng lớn lao đối với sức khoẻ hơn những giáo dục chuyên môn về y tế.

Điểm thứ sáu là những công trình thực tế trong những năm vừa qua đã cho thấy sự tôn trọng tương đối và quan tâm tới vấn đề an sinh của phụ nữ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi việc biết đọc biết viết của phụ nữ và việc tham gia một cách có ý nghĩa vào các quyết  định trong gia đình và ngoài xã hội.  Ngay cả vấn đề sống còn của phụ nữ so với nam giới tại các nước đang phát triển (đã gây ra tệ nạn ghê gớm là có hàng trăm triệu “phụ nữ bị mất tích”) hình như cũng giảm rõ rệt – và có thể đựợc trừ bỏ – cùng với sự tiến triển về việc nâng cao quyền lực của phụ nữ, mà trong đó vấn đề biết chữ là một yếu tố cơ bản.

Cũng có nhiều chứng cớ cho thấy tỷ số sinh đẻ có khuynh hướng giảm nhiều khi phụ nữ có nhiều quyền năng hơn. Điều này không làm cho ta ngạc nhiên, bởi vì những người vất vả vì con nhất chính là các người phụ nữ trẻ vì họ phải sinh đẻ nuôi dưỡng nhiều con. Nói chung, bất cứ điều gì có thể cải thiện được khả năng quyết định của họ và các điều quan tâm của họ được chú ý nhiều hơn đều có thể ngăn ngừa việc sinh sản quá nhiều. Chẳng hạn qua một cuộc nghiên cứu đối chiếu giữa các miền khác nhau tại Ấn Độ, ta thấy rõ ràng là sự giáo dục của phụ nữ và công ăn việc làm của phụ nữ là hai yếu tố có nhiều quan trọng tới vấn đề giảm tỷ lệ sinh đẻ.  Trong cuộc nghiên cứu rộng rãi đó, sự giáo dục phụ nữ và việc làm của phụ nữ là hai biến số duy nhất có ảnh hưởng về thống kê đáng kể trong việc giải thích sự thay đổi khác nhau về tỷ lệ sinh sản trong giữa 300 vùng ở trong Ấn Độ. Khi hiểu những sự khác biệt giữa các vùng, chẳng hạn như tiểu bang Kerala tại India có một tỷ số sinh sản chỉ có 1.7 (tức là nói một cách tổng quát mỗi một cặp vợ chồng có 1.7 đứa con) ngược lại ở trong nhiều vùng mà các cặp vợ chồng có từ bốn con trở lên, thì sự khác biệt đó có thể được giải thích một cách rõ ràng là do trình độ  giáo dục phụ nữ khác nhau.[3]

Cũng có nhiều chứng cớ cho rằng giáo dục phụ nữ và biết đọc biết viết có khuynh hướng giảm tỷ lệ tử vong trong trẻ em. Những yếu tố này và những mối liên quan khác chứng tỏ sự giáo dục cho phụ nữ và các tổ chức giúp thêm quyền lực cho phụ nữ (và cái tầm hoạt động rộng rãi của các tổ chức đó) cho thấy rằng sự khác biệt về giới tính trong giáo dục đã gây ra những thiệt hại lớn lao về xã hội.

Cho tới bây giờ, tôi chỉ mới tập trung vào các sự khác biệt về mức tiếp cận, tình trạng được hội nhập vào tập thể hay các thành tích là yếu tố tạo ra những sự khác nhau giữa nhóm người này với nhóm người khác.  Nhưng bây giờ cũng là một dịp tốt để chúng ta suy nghĩ một chút về những sự thiếu sót khác có thể có trong các chương trình học.   Lẽ dĩ nhiên, nội dung của chương trình học hiển nhiên phải thích hợp với các vấn đề đào tạo ra các khả năng kỹ thuật (như là khả năng về điện toán) để giúp tham gia vào thế giới hiện tại.  Nhưng cũng còn có những vấn đề khác nữa, vì học vấn có thể ảnh hưởng rất nhiều vào bản thân của một người và vào cách mà chúng ta tự nhìn chúng ta và nhìn người khác.

Vấn đề này đã được chú ý tới mới đây trong một bối  cảnh đặc biệt về vai trò của các trường tôn giáo chính thống, và chúng ta cần phải lưu tâm tới việc các trường này làm thâu hẹp cái tầm nhìn, nhất là đối với các trẻ em, mà một nền giáo dục thiếu phóng khoáng và khép kín có thể đưa tới. Điều quan trọng mà chúng ta cũng phải nhìn nhận là việc thiếu các trường sở công để cho các con em đi học; tình trạng thiếu trường công cũng thường là một nguyên nhân quan trọng khiến cho có nhiều người cho con em theo học tại các trường lập ra bởi các nhóm chính trị cực đoan.

Thực vậy, bản chất của giáo dục là yếu tố cốt lõi cho hoà bình thế giới. Mới đây, có một luận điệu rất sai lầm đưa ra cái gọi là “sự  đụng độ của các nền văn minh” (đặc biệt là do Samuel Huntington phổ biến) đã được nhiều người biết tới. Điểm quan trọng là chúng ta phải nhận ra rằng tính cách gây chia rẽ của loại lý thuyết này không phải chỉ do cái tư tưởng ngu xuẩn của nó cho rằng sự đụng độ là điều không thể tránh được (chúng ta sẽ bàn tới điểm là ‘có đụng độ hay không’).  Hơn thế nữa luận điệu này cũng rất nông cạn khi chỉ nhìn con người dưới một góc cạnh duy nhất, và coi con người chỉ là một thành phần của một nền văn minh này hay một nền văn minh khác (được xác định phần lớn trên cơ sở tôn giáo), mà không để ý tới những mối liên hệ gắn bó khác của con người.

Lý luận này có hai điểm sai lầm. Thứ nhất là việc phân loại rất thô thiển. Chẳng hạn Ấn Độ thì được xếp vào loại văn minh Ấn độ giáo (Hinduism), mặc dầu Ấn Độ có tới 130 triệu người theo đạo Hồi (tức là một dân số bằng cả dân số của cả nước Anh và nước Pháp cộng lại). Ấn Độ có nhiều người theo đạo Hồi hơn phần lớn các “quốc gia gọi là Hồi giáo” trên thế giới. Sự phân loại của Huntington chỉ làm vừa lòng những người chủ trương giáo phái Ấn Độ giáo.

Cái lỗi lầm thứ hai là cho rằng tôn giáo của mỗi người đủ để có thể xác định bản chất của người đó. Nhưng bản chất của con người thường có nhiều thành phần khác nhau, liên hệ tới dân tộc, ngôn ngữ, địa phương, giai cấp, nghề nghiệp, lịch sử, tôn giáo và các niềm tin chính trị, vv.   Một người Hồi giáo Bangladesh thì không chỉ là một người Hồi giáo mà còn là một người dân Bengali và có thể là rất tự hào về kho tàng phong phú của văn chương Bengali và các thành quả văn hoá khác.   Cũng như vậy, lịch sử của thế giới Ả rập mà một trẻ em Ả rập ngày nay có thể liên hệ với thì không hẳn chỉ là những thành tích của Hồi giáo (mặc dầu đây là những thành tích quan trọng), nhưng mà còn tới những thành tích khác không có tính cách tôn giáo trong các lãnh vực như toán học, khoa học, và văn học là những thành phần gắn bó với lịch sử Ả rập. Ngay cả cho tới bây giờ, khi một nhà khoa học tại Imperial College, chẳng hạn, dùng từ “algorithm” (thuật toán), thì nhà khoa học đó một cách vô tình đã tôn vinh những sáng tạo của nhà toán học Ả rập vào thế kỷ thứ 9 là Al-Khwarizmi. Chính tên của nhà khoa học này đã là nguồn gốc của từ algorithm (còn từ “”algebra”, đại số học, thì đã xuất phát từ tác phẩm của ông ta, là “Al Jabr wa-al-Muqabilah”).

Xác định con người trên cơ sở phân loại nền văn minh dựa theo tôn giáo chính nó có thể góp tạo ra sự bất an về chính trị, bởi vì quan điểm này coi con người một cách đơn thuần là thuộc về “thế giới Hồi giáo”, “thế giới Tây phương”, “thế giới Ấn Độ giáo”, “thế giới Phật giáo”, vv… Phân loại con người mà không để ý tới các yếu tố khác ngoài tôn giáo tức là đã đặt họ vào trong những phe phái thù nghịch với nhau.  Cá nhân tôi tôi cũng cho rằng chính phủ nước Anh đã nhầm lẫn khi mở rộng, thay vì phải thu hẹp lại, các trường công lập dựa trên căn bản tôn giáo, khi chính phủ nước Anh mở các trường Hồi giáo, trường  Ấn Độ giáo, trường Sikh, thêm vào các trường thuộc đạo Ki Tô đã có sẵn, nhất là các trường tôn giáo mới này không cho trẻ em có nhiều cơ hội để trau dồi cách lựa chọn có suy xét và để quyết định những các thành phần của bản chất của các em (liên hệ tới ngôn ngữ, văn chương, tôn giáo, chủng tộc, lịch sử văn hoá, các quan tâm về khoa học, vv). Đây là điều cần phải quan tâm tới.   Không những chúng ta cần thảo luận phần quan trọng của những đặc tính nhân bản có chung của chúng ta, mà chúng ta còn cần nhấn mạnh là sự đa dạng của chúng ta có thể thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và chúng ta phải dùng tới sự phán đoán của chúng ta để quyết định chúng ta tự nhận định về chúng ta như thế nào.

Sự quan trọng của các chương trình học không theo giáo phái và không có tính cách phường hội để giúp mở mang, thay vì là thu hẹp, tầm lý luận là một điều chúng ta phải luôn luôn nhấn mạnh. Shakespeare đã nói “có người sinh ra đã là người tốt, có người làm được những việc tốt, và cũng có những người đã được hoàn cảnh tốt thúc đẩy cho họ.” Trong khi dạy dỗ các trẻ em, chúng ta cần phải bảo đảm chúng ta không đưa những điều nhỏ nhen vào trong sự suy nghĩ của giới trẻ.

Ý tưởng của Khối Liên Hiệp Anh cũng là một điều góp vào cái triết lý của cách suy nghĩ khoáng đạt đó.  Chính Nữ hoàng, với tư cách là người đứng đầu Liên Hiệp Anh, đã trình bày cái viễn tượng cơ bản này một cách rõ rệt và mạnh mẽ trước đây nửa thế kỷ, ngay sau khi Nữ hoàng lên ngôi vào năm 1953:

“Khối Liên Hiệp Anh… là một quan niệm hoàn toàn mới dựa trên những phẩm chất cao quý nhất của tinh thần con người: đó là tình hữu nghị, sự tín nghĩa và lòng yêu chuộng tự do và hoà bình.”

Giáo dục cơ bản có thể giữ một vai trò then chốt để phát huy tinh thần hữu nghị và lòng tín nghĩa, và bảo vệ quyết tâm cho tự do và hoà bình. Điều này đòi hỏi một mặt là tất cả mọi người phải được có các phương tiện giáo dục, và mặt khác là các trẻ em phải được tiếp thu các tư tưởng từ nhiều nguồn khác nhau, từ nhiều góc độ khác nhau, và phải được khuyến khích để tự suy nghĩ và tự lý luận.

Giáo dục cơ bản không phải chỉ là một sự sắp xếp để đào tạo các kỹ năng (tuy đó cũng là một điều quan trọng), mà nó cũng phải giúp cho sự nhận thức về bản chất của thế giới, với tính cách đa dạng và phong phú, và nhận chân sự quan trọng của tự do và lý luận cũng như tinh thần hữu nghị.  Chưa bao giờ mà sự hiểu biết như vậy – cái nhãn quan như vậy – lại cần thiết như hiện nay.

© Học Viện Công Dân 2014

Người dịch: Song Ngọc

Nguồn: http://www.theguardian.com/education/2003/oct/28/schools.uk4/print

 


[1] Amartya Kumar Sen là nhà kinh tế học Ấn Độ. Năm 1998, ông được trao giải Nobel kinh tế do những đóng góp về khoa kinh tế phúc lợi . Ông là người Á châu đầu tiên được giải thưởng này. [ND]

[2] Adam Smith đã từng diễn giảng tại Đại học Edingburg – David Hume sinh ra và qua đời tại Edingburg và là cựu sinh viên của trường Đại học Edingburg [ND]

[3] Tiểu bang Kerala có tỷ số biết đọc biết viết 93.91% (2013), cao nhất Ấn độ (ND).