fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Tại sao người ta lại tin vào thuyết âm mưu?

David Ludden

Dường như gia đình nào cũng có một ông chú hay bác tên Ba, lúc nào cũng nói miết về những thuyết âm mưu tại những buổi tiệc trong những ngày lễ; những thuyết âm mưu đại loại như thế này: Cuộc tấn công 9/11 là do chính phủ dàn dựng. Phi thuyền đáp xuống mặt trăng được quay ở phim trường Hollywood. Oswald không phải là thích khách duy nhất trong vụ ám sát tổng thống Kennedy. Và đừng để tôi phải nói về toàn cầu bị nóng lên. Nhiệt độ mùa Giáng sinh năm nay xuống thấp đến mức kỷ lục mà các ngươi muốn ta tin là thế giới đang thực sự nóng lên? Bỏ đi tám!

Có lẽ ta cũng nên thông cảm với chú/bác Ba, hay ít ra cũng hiểu từ đâu mà ông có những sự tin tưởng như vậy. Tại sao có một số người tin vào thuyết âm mưu dù có khó tin đến thế nào chăng nữa? Đây chính là câu hỏi mà nhà tâm lý học người Anh tên Karen Douglas và các đồng nghiệp đặt ra trong một bài viết gần đây, in trong tạp chí Đường hướng hiện tại trong Khoa học Tâm lý.

Các nhà nghiên cứu này đã tìm ra những lý do khiến cho người ta tin vào thuyết âm mưu; những lý do này có thể được gom thành ba nhóm:

  • Ước muốn hiểu được sự kiện và có được sự chắc chắn [trước những bất ổn]
  • Ước muốn kiểm soát [được những gì bất ổn] và có sự an toàn.
  • Ước muốn duy trì hình ảnh bản thân tích cực.

Hãy cùng tìm hiểu những động lực này:

Ước muốn hiểu biết và sự chắc chắn. Tìm cách giải thích những sự kiện là ước muốn tự nhiên của con người. Ta luôn luôn hỏi tại sao những sự kiện lại xảy ra theo cách mà nó xảy ra? Tại sao trời lại cứ mưa đúng vào ngày tôi muốn đi chơi? Tại sao nàng bỗng dưng lại lạnh lùng với tôi như thế? Tại sao anh không thể hiểu điều tôi đang cố nói với anh?

Và ta không chỉ đặt những câu hỏi. Ta cũng nhanh chóng tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó—không nhất thiết đó là những câu trả lời đúng, nhưng là những câu trả lời làm cho ta thấy thoải mái và phù hợp với thế giới quan của mình. Trời đang mưa vì tôi luôn luôn xui xẻo. Nàng hững hờ với tôi vì khi nàng không được làm theo ý mình thì nàng không chịu được. Anh không thể hiểu điều tôi nói vì anh chẳng chịu nghe gì cả.

Tất cà chúng ta đều có những niềm tin sai lầm, nghĩa là, những điều ta tin là thật nhưng thật ra không phải vậy. Thí dụ, nếu bạn tin rằng Sydney là thủ đô của nước Úc, thì bạn là nạn nhân của niềm tin sai lầm. Nhưng khi bạn đối mặt với sự thật Canberra là thủ đô của Úc, bạn sẽ dễ dàng thay đổi suy nghĩ của mình. Sau rốt, bạn chỉ nhận tin sai lầm thôi và bạn cũng chẳng đặt tâm tình vào chuyện đó.

Những thuyết âm mưu, theo định nghĩa, cũng là những niềm tin sai lầm. Nhưng những người tin vào thuyết âm mưu có sự ràng buộc nhất định khi duy trì chúng. Thứ nhất, họ đã cố tìm hiểu lời giải thích của thuyết âm mưu cho một sự kiện [mà họ quan tâm] hoặc là tìm đọc sách vở, tra cứu website, hay xem những chương trình truyền hình ủng hộ niềm tin của họ. Sự không chắc chắn là một trạng thái [tâm lý] rất khó chịu và những thuyết âm mưu mang lại cho họ cảm giác dễ hiểu và chắc chắn làm cho họ cảm thấy thoải mái.

Ước muốn kiểm soát và có an ninh. Con người cần cảm thấy rằng họ đang kiểm soát, làm chủ cuộc đời họ. Thí dụ, nhiều người cảm thấy an toàn hơn khi họ lái xe thay vì là hành khách. Dĩ nhiên, ngay cả người lái xe giỏi nhất cũng có thể bị tai nạn vì những lý do ngoài sự kiểm soát của họ.

Tương tự như vậy, thuyết âm mưu có thể tạo ra cho những người tin vao những điều đó một cảm giác kiểm soát và an ninh. Điều này đặc biệt đúng khi những gì ngược lại với thuyết âm mưu khiến chọ cảm thấy bị đe doạ. Thí dụ, giả như nhiệt độ toàn cầu đang tăng gia một cách khốc liệt do hoạt động của con người gây ra, thì tôi phải khổ sở tìm cách điều chỉnh lại lối sống của tôi. Nhưng nếu các chuyên gia và chính trị gia đảm bảo với tôi rằng sự nóng lên toàn cầu là một trò lừa bịp, thì tôi có thể duy trì cách sống hiện tại của mình. Loại lý luận có động cơ[1] này là một thành phần quan trọng trong niềm tin thuyết âm mưu.

Ước muốn duy trì hình ảnh bản thân tích cực. Nghiên cứu cho thấy những người cảm thấy bị coi rẻ hay gạt ra ngoài lề xã hội thường tin vào các thuyết âm mưu hơn. Tất cả chúng ta đều có mong muốn duy trì hình ảnh bản thân tích cực, thường xuất phát từ những vai trò của chúng ta trong cuộc sống—công việc và mối quan hệ của chúng ta với gia đình và bạn bè. Khi chúng ta biết rằng chúng ta tạo ra sự khác biệt tích cực trong cuộc sống của những người khác — như cha mẹ, vợ/chồng, bạn bè, giáo viên hoặc người cố vấn — chúng ta thấy cuộc sống của chính mình là đáng giá và chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân.

Nhưng, giả như chú/bác Ba đang sống nhờ trợ cấp khuyết tật và đã từ lâu rồi không đi làm việc. Ông ấy cảm thấy bị loại ra khỏi xã hội. Nhưng ông ấy cũng có rất nhiều thì giờ để lướt internet tìm những thông tin về thuyết âm mưu và ổng có thể “chat” với những người có cùng sự tin tưởng như ông. Như thế, sự tin tưởng vào thuyết âm mưu tạo cho chú Ba một cảm giác là thành viên của một cộng đồng.

Chưa hết, sự tìm tòi của chú Ba về những thuyết âm mưu tạo cho ông một cảm giác mình là người quan trọng vì có được những thông tin đặc quyền. Hầu hết những người tin rằng trái đất đang nóng lên là chuyện có thật và vaccine là an toàn không làm như chú Ba vì họ hiểu và tin vào khoa học. Đúng hơn, họ tin các chuyên gia. Và khi chú Ba thu thập tất cả các “bằng chứng” chống lại sự nóng lên toàn cầu, rất khó để đưa ra một phản biện hợp lý. Tất cả những gì bạn có là cảm giác rằng thuyết âm mưu có vẻ quá phức tạp để trở thành sự thật, nhưng từ quan điểm của chú Ba, rõ ràng là chú ấy biết nhiều về chủ đề hơn bạn.

Để kết luận, chúng ta đã hiểu rõ về điều gì thúc đẩy người ta tin vào các thuyết âm mưu. Đó là, họ làm như vậy vì ba nhu cầu cơ bản mà tất cả chúng ta đều có: hiểu thế giới xung quanh, cảm thấy an toàn và kiểm soát, và duy trì hình ảnh bản thân tích cực. Nhưng liệu những niềm tin về thuyết âm mưu có thực sự giúp con người thỏa mãn những nhu cầu này hay không?

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi sinh viên đại học tiếp xúc với các thuyết âm mưu, họ sẽ tăng cảm giác bất an. Điều này đã khiến một số nhà nghiên cứu kết luận rằng niềm tin thuyết âm mưu là niềm tin tự đánh bại. Tuy nhiên, như Douglas và các đồng nghiệp của cô chỉ ra, hầu hết sinh viên đại học có rất ít động lực để tin vào các thuyết âm mưu ngay từ đầu. Họ cho rằng điều thực sự cần thiết là một số nghiên cứu được thiết kế cẩn thận nhằm kiểm tra trực tiếp những người đã tin vào thuyết âm mưu.

Bất kể kết quả của những nghiên cứu trong tương lai này ra sao, câu hỏi thực sự đối với chúng ta bây giờ là làm thế nào để đối phó với chú Ba trong cuộc sống của chúng ta. Bạn có thể đưa ra lời phản bác để thuyết phục ông ấy từ bỏ các thuyết âm mưu của mình, nhưng bạn không chắc sẽ thành công. Điều này là do bạn đang tranh cãi sự thật, trong khi chú Ba đang bảo vệ cảm giác an toàn và cảm giác tích cực của mình về bản thân. Và đối với tất cả chúng ta, hình ảnh bản thân luôn lấn át sự thật.

Tài liệu tham khảo: Douglas, K. M., Sutton, R. M., & Cichocka, A. (2017). The psychology of conspiracy theories. Current Directions in Psychological Science, 26, 538-542.

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, December 2020

Tác giả: David Ludden, Ph.D., là giáo sư tâm lý học tại đại học Georgia Gwinnett College.

NGUỒN: https://www.psychologytoday.com/us/blog/talking-apes/201801/why-do-people-believe-in-conspiracy-theories

[1] Lý luận có động cơ (motivated reasoning): loại lý luận bị ảnh hưởng bởi thiên kiến, cảm xúc ,và ăn sâu vào trong bản năng (Psychology Today: https://www.psychologytoday.com/us/basics/motivated-reasoning)