Luận về Những Nguy cơ Mâu thuẫn giữa các Tiểu bang
(Tiếp theo)
Alexander Hamilton
Cùng đồng bào tiểu bang New York:
Cũng đã có nhiều người tự hỏi, với một vẻ đầy tự tin rằng, nếu các tiểu bang bị phân chia thì họ sẽ có lý do gì để khiêu chiến với nhau? Câu trả lời đầy đủ có thể là tất cả những lý do đã được các nước trên thế giới dùng đến, trong những thời điểm khác nhau, để đưa nhân loại vào trong những cuộc tranh chấp đẫm máu. Tuy vậy, điều đáng buồn cho chúng ta là, câu hỏi này đòi hỏi một cách trả lời cá biệt hơn thế. Còn có nhiều lý do tranh chấp ở gần với chúng ta, tuy đã có những biện pháp được quy định trong hiến pháp liên bang để ngăn cản, nhưng chúng ta cũng có đủ luận cứ để hình dung được những gì có thể xẩy ra, nếu những ngăn cản đó bị tháo gỡ.
Những tranh chấp về lãnh thổ luôn luôn được xem là một trong những nguồn gốc tranh chấp lớn nhất trong quan hệ giữa các nước. Có lẽ một phần lớn những cuộc chiến tranh đã giáng xuống nhân loại đều đã phát xuất từ căn nguyên này. Cái căn nguyên này sẽ vẫn tồn tại nguyên vẹn trong thời đại chúng ta. Hiện trong lãnh thổ chúng ta vẫn có những vùng đất chưa có người cư ngụ, và một số những tranh chấp trên những vùng đất này vẫn chưa được giải quyết. Một sự phân chia liên bang sẽ lại đưa đến những tranh chấp trên tất cả những vùng đất đó. Ai cũng đều biết rằng hiện nay vẫn còn những cuộc tranh cãi rất gay go về quyền sở hữu trên những vùng đất mà cho đến cuộc cách mạng vừa qua, vẫn còn chưa được phân chia cho ai, và vẫn còn được coi như là thuộc Anh Hoàng. Những tiểu bang bao trùm những vùng đất nói trên đã nhận những vùng đất này thuộc chủ quyền của họ, có nhiều người khác thì cho rằng những vùng đất này nay đã thuộc quyền sở hữu của Liên bang; đặc biệt là những vùng đất phía Tây, mà do chiếm đoạt được từ người bản xứ (Indians) hayđược họ nhượng lại. Những vùng đất này trước đây được đặt dưới quyền sở hữu của Anh Hoàng, cho đến khi chúng được nhượng lại qua hiệp ước hòa bình. Tất cả những vùng đất này, dầu sao đi nữa cũng đã trở thành một tài sản thủ đắc của Liên Hiệp các Tiểu bang qua một hiệp ước được ký kết với một nước ngoài. Để giải quyết những tranh chấp có thể xẩy ra, Quốc hội Liên bang đã khôn khéo trao quyền sở hữu những vùng đất đó cho Liên bang để bảo vệ quyền lợi của tập thể. Giải pháp này đã giúp giải quyết những tranh chấp có thể xẩy ra. Nếu giải tán Liên hiệp các Tiểu bang, thì những tranh chấp nói trên sẽ tái diễn, và những tranh chấp mới cũng có thể xuất hiện. Hiện nay, ngoài những phần đất có quyền sở hữu từ trước, phần lớn những vùng đất hoang tại miền Tây đều thuộc quyền sở hữu của Liên bang do sự chuyển nhượng [từ tiểu bang qua Liên bang]. Nếu Liên bang không còn nữa, thì những tiểu bang đã nhượng đất cho Liên bang trước đây sẽ đòi lại những vùng đất của mình. Những tiểu bang khác cũng sẽ đòi quyền sở hữu trên một số đất đó vì cho rằng họ cũng phải được chia phần trên những vùng đất chung đó. Luận cứ của họ sẽ là tất cả các tiểu bang đều góp phần vào việc chiếm hữu được những vùng đất nói trên. Trong trường hợp ngoài sự dự liệu của mọi người, nếu tất cả các tiểu bang đều công nhận rằng mình đều có quyền sở hữu trên một phần của toàn vùng đất đó, thì việc ấn định tỷ lệ chia đất cũng sẽ gặp trở ngại khó vượt qua. Mỗi tiểu bang đều sẽ có một cách tính tỷ lệ sở hữu riêng rẽ, và sẽ rất khó có thể dung hòa được cách phân chia tỷ lệ khác nhau giữa các tiểu bang một cách ôn hòa.
Do dó, trong vùng đất bao la của miền Tây, chúng ta có thể hình dung được một môi trường bỏ ngỏ cho những tranh chấp, mà sẽ không thấy có một lực trọng tài hay một người phân xử nào khả dĩ giải quyết được những tranh chấp đó. Lịch sử cho thấy rằng lúc đó, gươm giáo sẽ lại được dùng để làm trọng tài giải quyết những mâu thuẫn này. Trường hợp tranh chấp giữa Connecticut và Pennsylvania về vùng đất Wyoming báo cho ta biết là chớ có lạc quan là sẽ có được một sự dung hợp dễ dàng cho những khác biệt giữa hai phía. Những điều khoản của Liên Hiệp các Tiểu bang đòi hỏi những bên tranh chấp phải chấp nhận sự phán xử của tòa án Liên bang. Tại Tòa án Liên bang, tòa đã phân xử theo chiều hướng có lợi cho Pennsylvania. Connecticut cho thấy rằng đã không thỏa mãn với phán quyết của tòa cho đến khi, qua đàm phán, người ta đã tìm ra một đền bù xứng đáng cho sự thiệt thòi của Connecticut. Ở đây không nói đến cách hành xử của từng tiểu bang. Connecticut chắc chắn đã nghĩ rằng mình bị xử thiệt thòi. Và tiểu bang cũng như cá nhân con người, rất khó chấp nhận một quyết định mà họ cho rằng thiệt thòi cho phía họ.
Những ai đã có cơ hội để chứng kiến cuộc tranh chấp giữa tiểu bang New York và quận Vermont cũng đã thấy sự chống đối của các tiểu bang, kể cả các tiểu bang không liên hệ đến vụ tranh chấp. Vào lúc đó, sự sống còn của liên bang cũng sẽ bị đe dọa, nếu New York đã không nhượng bộ và nhất quyết dùng bạo lực để hành xử quyền hạn của mình.
Trong cuộc tranh chấp đó, có hai nguyên do chính [xuất phát từ phía các tiểu bang không tham gia trực tiếp vào cuộc tranh chấp]: (1) lòng ganh tỵ của một số tiểu bang không muốn cho New York trở nên quá mạnh và (2) một số người đã có trong tay quyền sở hữu trên những vùng đất do chính quyền của quận Vermont cấp phát. Những tiểu bang chống lại New York, như New Hampshire, Massachusetts, và Connecticut, dường như có chủ ý muốn phân chia New York hơn là muốn bảo vệ cho quyền lợi của tiểu bang mình. New Jersey và Rhodes Island thì muốn bảo vệ cho sự độc lập của Vermont. Trong khi đó, Maryland cũng ngả theo họ cho đến lúc nhận ra được một sự thông đồng giữa Vermont và Canada.Vì đều là những đơn vị lãnh thổ nhỏ cho nên những tiểu bang này không có thiện cảm với sự lớn mạnh của tiểu bang New York. Và nếu đi sâu vào để tìm hiểu những nguyên do tranh chấp, người ta có thể thấy được rất nhiều yếu tố có thể đưa đến tranh chấp giữa các tiểu bang, nếu họ rơi vào tình tranh bị phân chia.
Những sinh hoạt thương mại cũng là một nguồn gốc tranh chấp. Những tiểu bang ở vào vị thế kém cũng muốn tìm cách thoát khỏi tình trạng yếu kém của mình, để được hưởng những ưu đãi của các lân bang. Mỗi tiểu bang, hay liên hiệp tiểu bang sẽ theo đuổi một chính sách thương mại đặc biệt riêng cho mình. Tình trạng đó sẽ đưa đến những sự khác biệt, sự thiên vị trong quan hệ, và ngay cả tẩy chay nhau; những điều này chắc chắn sẽ tạo ra mầm mống mâu thuẫn. Kể từ khi mới đến định cư trên những lãnh thổ này cho đến nay, chúng ta đã quen với những giao dịch, dựa trên sự bình đẳng, và những thói quen này sẽ làm cho những khác biệt giữa chúng ta dễ trở thành những điều gây bất mãn. Nên, chúng ta phải sẵn sàng gọi cho đúng tên những thiệt hại mà trong thực tế gây ra bởi những hành vi chính đáng của một nước độc lập đang theo đuổi những quyền lợi riêng rẽ của họ. Tinh thần dám làm, thể hiện qua sinh hoạt thương mại của người dân Mỹ đã cho thấy họ luôn tìm cách cải tiến. Cái tinh thần phóng khoáng đó sẽ khó có thể chấp nhận những ràng buộc thương mại chỉ nhằm mục đích tạo thế thuận lợi cho riêng một tiểu bang nào đó. Việc vi phạm những luật lệ do một bên gây ra, và một bên thì cố ngăn chặn không cho những vi phạm này xảy ra, chắc chắn sẽ đưa đến những hành vi bạo lực, trả đũa và rồi thì chiến tranh.
Việc ấn định những luật lệ thương mại cũng sẽ tạo cơ hội cho một vài tiểu bang có thể biến những tiểu bang khác thành những chư hầu. Trường hợp giữa New York, Connecticut và New Jersey là một thí dụ điển hình. Để gia tăng lợi tức, New York đã phải ấn định thuế nhập cảng. Cư dân của hai tiểu bang kia cũng phải chịu một phần lớn những thuế này, vì cũng tiêu thụ những loại hàng do New York nhập cảng. New York không muốn và cũng không thể miễn những loại thuế này cho cư dân hai tiểu bang kia. Người dân New York cũng không muốn rằng cư dân hai tiểu bang đó được miễn trừ những khoản thuế mà chính họ phải đóng. Không kể là việc phân biệt giữa những người thọ thuế của từng tiểu bang là điều rất khó khăn. Liệu rằng Connecticut và New Jersey sẽ chấp nhận để cho New York bắt mình đóng thuế trong bao nhiêu lâu? Liệu rằng New York có thể giữ được lợi thế mà các tiểu bang láng giềng đều cho là một lợi thế quá đáng và bất công? Liệu chúng ta có thể nắm giữ được lợi thế đó dưới áp lực của một bên là Connecticut và sự trợ giúp của New Jersey? Chỉ có người cả gan mới dám trả lời rằng có.
Những khoản công trái của Liên Bang cũng là một nguyên do tranh chấp giữa các tiểu bang hay liên hiệp tiểu bang riêng biệt. Trước tiên là việc phân chia phần nợ cho mỗi tiểu bang, và sau đó là thể thức và lịch trình thanh toán những khoản nợ đó, đều là những vấn đề dễ đưa đến bất hòa. Làm sao có thể tìm được phương thức phân chia phần nợ để cho tất cả các tiểu bang đều thỏa thuận. Không có một phương thức nào có thể được đưa ra mà không đem đến những sự phản đối. Dĩ nhiên, mỗi đề nghị sẽ gặp sự phản đối của các tiểu bang có quyền lợi đối nghịch. Ngoài ra còn có nhiều quan điểm khác biệt giữa các tiểu bang về cách thức hoàn trả những món nợ công cộng. Có vài tiểu bang, hoặc là chẳng buồn để tâm tới sự quan trọng của tín dụng quốc gia, hoặc là dân chúng những tiểu bang này chẳng có một chút quyền lợi trực tiếp nào đến vấn đề này, cho nên, trở nên thờ ơ, nếu không muốn nói là ác cảm với việc phải trả nợ của cả quốc gia. Họ sẽ phóng đại những khó khăn trong việc phân chia khoản nợ. Tại một vài tiểu bang, còn có thêm một vấn đề phức tạp khác. Những món tiền mà các công dân của họ đã cho Liên bang vay còn nhiều hơn là phần nợ do tiểu bang của họ đã cho Liên bang vay. Những tiểu bang này sẽ đòi hỏi một cách phân chia phần nợ công bằng và hữu hiệu hơn. Những sự chậm trễ của nhũng tiểu bang con nợ sẽ khiến cho những tiểu bang chủ nợ nóng lòng. Nỗ lực tìm một giải pháp hữu hiệu sẽ bị đình hoãn do những khác biệt về quan điểm và những sự trì trệ cố tình. Công dân của các tiểu bang sẽ kêu ca, những nước ngoài muốn những đòi hỏi chính đáng của họ phải được thỏa mãn, và nền an ninh giữa các tiểu bang sẽ bị đe dọa từ cả hai phía.
Hãy giả sử là có được một giải pháp phân chia những phần nợ một cách hợp lý, thì sẽ vẫn có nhiều tiểu bang nại lý do là khi đem ra áp dụng, giải pháp phân chia này gây trở ngại cho tiểu bang này hơn là cho tiểu bang khác. Những tiểu bang nào cảm thấy bị thiệt thòi hơn sẽ tìm cách sửa đổi, trong khi những tiểu bang khác sẽ chống đối lại những sửa đổi đó vì nó sẽ làm tăng gánh nạng đối với họ. Sự từ chối của những tiểu bang này sẽ là lý do để cho những tiểu bang kia từ chối trả nợ và từ đó sẽ đưa đến những tranh cãi. Ngay như nếu phương thức được đem ra áp dụng có công bằng trên nguyên tắc đi nữa, thì cũng vẫn sẽ có nhiều tiểu bang trả nợ chậm trễ vì không có phương tiện, vì quản lý tài chính, hay quản lý việc công sai lầm, hay có khi chỉ là do con người không muốn dùng tiền để trả nợ thay vào đó là dùng tiền để thỏa mãn những nhu cầu tức thời. Tình trạng thiếu nợ, vì bất cứ lý do gì, cũng sẽ đưa đến những khiếu nại, tố cáo và cãi nhau. Không có điều gì dễ khuấy động sự yên bình giữa các quốc gia cho bằng sự kiện phải chấp nhận những nhiệm vụ tài chính bằng nhau trong khi không được hưởng những quyền lợi đồng đều. Một nhận xét hiển nhiên, vừa đúng vừa rất tầm thường là, không có gì khiến cho con người dễ cải nhau cho bằng những tranh chấp về tiền bạc.
Những luật lệ vi phạm quyền kết ước cá nhân, tới mức trở thành sự xâm lấn lên quyền của tiểu bang có công dân bị xâm hại, cũng có thể trở thành một nguyên do tranh chấp. Ta không có quyền mong đợi sẽ có một tinh thần công bằng hơn và phóng khoáng hơn ngự trị trên các cơ quan lập pháp của các tiểu bang, mà nếu không có thêm các biện pháp kiềm chế, thì các cơ quan này cũng sẽ đưa ra những đạo luật mà ta đã từng thấy nhiều lần bị dân chúng xem thường.Ta cũng đã chứng kiến việc tiểu bang Connecticut sẵn sàng trả đòn với Rhodes Island về những bất công do cơ quan lập pháp của Rhodes Island đã gây nên. Chúng ta có thể nghĩ rằng, trong những trường hợp tương tự, và dưới những điều kiện khác, một cuộc tranh chấp, không phải bằng văn thư mà bằng gươm giáo, sẽ xẩy ra để trừng trị những vi phạm đáng ghê tởm về bổn phận đạo đức và công bằng xã hội.
Khả năng thành lập những liên minh bất tương hợp giữa các tiểu bang hoặc các liên minh khác nhau với các nước ngoài, và tác dụng của tình trạng đó với nền hòa bình của toàn thể đã được trình bày đầy đủ qua những tham luận trước. Từ những nhận định đã được trình bày về chủ đề này, ta phải rút ra kết luận sau đây rằng: Nước Mỹ, nếu không được kết hợp lại hoàn toàn, hay chỉ được kết hợp bởi mối dây lỏng lẻo của một liên minh, thì các liên minh hay tranh chấp đó, dù tấn công hay phòng thủ, sẽ khiến ta dần dà bị dính vào những trận đồ đầy nguy hiểm của chính trị và chiến tranh tại Âu châu, và khi nước Mỹ bị chia ra manh múm vì những bất hòa mang tính chất hủy diệt đó, sẽ trở thành một con mồi của những mưu toan cùng bộ máy quyền lực của những kẻ thù của toàn bộ các tiểu bang. Chia để trị [1] sẽ trở thành châm ngôn của bất cứ nước nào hoặc thù ghét hoặc sợ hãi chúng ta.[2]
[1] Divide et Impera: Chia để Trị
[2] Nhằm giúp cho toàn bộ chủ đề của các tham luận này được trình bày trước công luận càng sớm càng tốt, chúng tôi dự trù sẽ in các bài tham luận bốn lần mỗi tuần-vào thứ Ba trên tờ New York Packet, và thứ Năm trên tờ Daily Advertiser.