fbpx

Đức Dục

Triết học và Đời sống Tốt đẹp

Mortimer J. Adler, Ph.D.

Dù những ý tưởng tôi dùng để trình bày, có thể lúc đầu có vẻ trừu tượng và lý thuyết, nhưng tôi nghĩ quý vị, dù là cá nhân hay đại diện cho tổ chức, sẽ thấy sự phân tích của tôi có giá trị thực dụng lớn lao.

Khi nói đến triết học, có hai câu hỏi mà bất cứ ai cũng có quyền hỏi. Thứ nhất, triết học có phải là kiến thức giống như kiến thức khoa học, dù phương pháp để sở đắc kiến thức triết học rõ ràng là khác với kiến thức khoa học không? Thứ hai, ngay cả cứ cho triết học là kiến thức đi, thì nó có phải là loại kiến thức hữu dụng, và nếu thực sự hữu dụng, thì ta dùng nó vào việc gì?

Câu trả lời của tôi đối với câu hỏi thứ nhất dứt khoát là “đúng như thế.” Tuy nhiên, trong giới hạn của bài này, tôi không thể giải thích đầy đủ cho quý vị những lý do cho câu trả lời này.

Tôi sẽ tập trung để trả lời câu hỏi thứ hai, dù câu trả lời này có phần tuỳ vào câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất. Trong tất cả những năm tôi dạy triết tại Viện Đại học Chicago, cứ mỗi đầu học kỳ lại có một vài sinh viên thông minh sáng láng, nêu lên câu hỏi: “Thưa giáo sư Adler, triết học nghe thật hấp dẫn…nhưng dùng nó vào việc gì?” Tôi đã biết ý người sinh viên này muốn nói gì qua từ ‘dùng’; tôi trả lời: “Chẳng dùng được vào việc gì hết.”

Và lý do khiến tôi nói như vậy vì người ta trên thế giới ngày nay đã dùng một nghĩa rất hạn hẹp khi nói về “kiến thức hữu dụng.”

Họ nghĩ đến những ứng dụng kỹ thuật mà khoa học đã biến thành hiện thực. Triết học không xây được cầu, không làm được bánh ngọt, không chữa được bệnh. Nếu ta hiểu “kiến thức hữu dụng” là loại kiến thức mà có thể áp dụng được trong kỹ thuật, thì triết học quả thật là vô dụng. Nhưng đó không phải là loại ứng dụng duy nhất của kiến thức.

Kiến thức trở nên hữu dụng khi hướng dẫn cho hành động cũng như khi là căn bản cho sự sản xuất. Và theo cái ý nghĩa thứ hai này của ‘sự hữu dụng’ mà triết học trở nên hữu dụng một cách thực tiễn, cho cá nhân và cả xã hội. Nó là chỉ thị để hướng dẫn hành vi và những nỗ lực của ta để hướng tới đời sống tốt đẹp cho cá nhân và để điều hành và vận hành một xã hội tốt đẹp  cho mọi người.

Nhưng triết học chỉ hữu dụng theo cách này nếu nó chỉ cho ta đâu là cứu cánh đích thực mà ta phải tìm tới và với phương tiện nào mà qua đó ta đạt tới được cứu cánh này. Triết học thực tiễn,  còn được hiểu là triết học chính trị và đạo đức, có thể giúp ta đạt được điều này.

Trong mọi lãnh vực của hành động, ‘cứu cánh’ và ‘phương tiện’ là hai từ chính yếu. Ta suy ngẫm để chọn ra cái phương tiện nào là tốt nhất chỉ khi ta biết được cứu cánh ta muốn đạt là gì. Vì nếu mỗi một mục đích mà ta theo đuổi lại tự nó là phương tiện cho một mục đích xa hơn, thì sự suy tư của ta trở nên không có cơ sở.

Thế thì cái cứu cánh tối hậu là gì? Liệu có một cái cứu cánh nào mà có một đặc tính mà ta buộc phải công nhận không? Câu trả lời, theo tôi có tính chất hiển nhiên, như thế này: cái cứu cánh tối hậu mà tất cả chúng ta nên hướng tới là cái mà khi đạt được thì ta không còn mong muốn thêm điều gì nữa, vì đạt được mục đích này đã thoả mãn tất cả mọi ước muốn của ta.

Có một mục đích như vậy cho cá nhân và cho xã hội không?

Mỗi người đều có nhu cầu theo ý thức của riêng mình

Từ ngữ ‘cái tốt’ và ‘cái mong muốn’ là hai từ có liên hệ. Không ai lại có thể không nhận thấy là khi ta nói về một điều gì đó ‘tốt,’ ta muốn nói đó là điều đáng ‘mong muốn’; và khi ta nói đó là điều ‘đáng mong muốn,’ ta muốn nói đó là điều ‘tốt.’

Đến đây thì lập tức có một câu hỏi nảy sinh. Có phải những điều mà ta gọi là ‘tốt’ đó chỉ vì đó là những điều mà ta mong muốn–sự mong muốn của ta tạo nên cơ sở cho cái ‘sự tốt’ của những điều đó–hay là ta nên mong muốn những điều đó vì chúng thực sự là những điều ‘tốt,’ dù ta có thực sự mong muốn chúng hay không? Mối quan hệ giữa cái tốt và cái mong muốn sẽ trở nên khác đi nếu lòng mong muốn của ta là căn bản hay nguyên nhân của những suy nghĩ của ta về những gì là tốt; hay, đảo lại, những điều đó là những điều tốt, ta nên mong muốn có được chúng.

Để hiểu được mối quan hệ song trùng giữa ‘cái tốt’ và ‘cái mong muốn,’ tôi muốn chỉ rõ sự khác biệt cơ bản nhất giữa sự mong muốn cá nhân và sự cần thiết tự nhiên, cả ‘cái muốn’ và ‘cái cần’ đều có chung một nghĩa là sự mong muốn. Cá nhân mỗi chúng ta có ý thức về những gì mình muốn. Người này muốn điều này, nhưng người khác lại không muốn điều đó mà muốn điều khác; những sự mong muốn ấy khác biệt nhau tuỳ theo từng người. Nhưng dù trong ý thức của ta, những mong muốn có khác nhau, tất cả chúng ta đều có những nhu cầu tự nhiên của con người.

Những nhu cầu của chúng ta đều giống nhau, không kể là những nhu cầu này có thể hiện cái ta muốn hay không. Thí dụ, là những sinh vật, tất cả chúng ta cần thực phẩm. Là những sinh vật xã hội, tất cả chúng ta cần có tình đồng loại và thương yêu. Là những người có sự tự do lựa chọn, ta cần có tự do. Ngay cả khi ta không muốn những thứ này-dĩ nhiên đa số chúng ta cũng muốn có-ta cũng cần có chúng. Và tất cả chúng ta cần có chúng, vì chúng ta là con người, cho dù sự mong muốn giữa người này và gia đình của họ có khác với những người khác.

Theo lẽ thường thì bất cứ ai cũng nhận thấy rằng trong đời của mình, ta thường muốn những điều ta không cần, hay muốn có nhiều hơn những gì ta cần có; và cũng có thể ta lại không muốn cái mà, thực ra ta cần phải có. Sau khi đã phân biệt sự khác nhau giữa muốn và cần, tôi xin nói rằng cái điều mà thực sự tốt cho chúng ta, dù ta có cố ý muốn có hay không, là cái điều mà đáp ứng và thoả mãn được những nhu cầu tự nhiên của ta. Và khi mà những điều cá nhân ta muốn không đồng nhất với nhu cầu tự nhiên, thì điều đó chỉ có vẻ tốt mà thực sự chưa hẳn là tốt.

Nguyên lý hiển nhiên

Sự khác biệt giữa điều có vẻ tốt và thực sự tốt có quan hệ với sự phân biệt giữa nhu cầu tự nhiên và mong muốn cá nhân.

Nếu triết học về đạo đức-tức là môn đạo đức học- tạo ra một cơ sở cho một nguyên lý rõ ràng, thì đạo đức học trước hết phải có một nguyên lý hiển nhiên nào đó được đa số công nhận là đúng. Tôi xin được trình bày với quý vị một nguyên lý như vậy.

Nói một cách đơn giản thì ta nên mong muốn mọi điều mà thực sự tốt đối với ta, và ta không nên muốn điều gì khác nữa. Nếu quý vị nghĩ điều đó đúng, đó là bởi vì quý vị nhận ra mối quan hệ giữa khái niệm về điều thực sự tốt và ý nghĩa của từ ‘nên.’

Thực ra, ta có thể mong muốn nhiều thứ mà không thực sự tốt cho ta, nhưng điều duy nhất ta nên ước muốn là những điều mà vì bản chất tự nhiên của con người là những điều thực sự tốt cho ta. Đây là cách diễn giải của tôi về cái mạng lệnh tuyệt đối, tức là bổn phận đạo đức cơ bản ràng buộc tất cả chúng ta.[1]

Qua những tuệ kiến ngắn này về nhu cầu tự nhiên và cái muốn cá nhân-những điều tốt thực sự và những điều có vẻ tốt-tôi nghĩ tôi có thể chứng minh rằng hạnh phúc không những là mục đích tối hậu mà tất cả chúng ta tìm kiếm, mà còn là một mục đích mà đối với tất cả chúng ta đều giống nhau, và vì là mục đích giống nhau, đó chính là mục đích mà ta nên tìm kiếm.

Tôi biết điều này có vẻ đối nghịch đối với nhiều người khi họ nói về hạnh phúc. Họ nghĩ rằng hạnh phúc là điều gì đó mà mỗi người tự định nghĩa cho mình, rằng việc mưu cầu hạnh phúc khác nhau tuỳ theo từng cá nhân khác nhau; nhưng tôi muốn chứng tỏ cho quý vị rằng những quan điểm thông thường như vậy thật là sai lầm.

Một câu nói không xong…

Không có ai nói, “Tôi muốn được hạnh phúc vì…” Không có người nào có thể hoàn tất câu nói đó được. Nếu ta có thể hoàn tất nó và đưa ra một lý do tại sao ta lại muốn hạnh phúc, thì hạnh phúc sẽ không phải là cái mục đích tối hậu mà có nghĩa là một điều gì đó ở ngoài tầm với.

Khi ta nhận ra là ta không thể nói, “Tôi muốn được hạnh phúc vì…” ta nhận ra rằng hạnh phúc không phải là một phương tiện để đạt cái gì khác, không phải là điều mà không còn để lại cho ta sự mong muốn nào khác nữa. Hạnh phúc, khi ta có được, là sự thoả mãn tất cả những mong muốn của ta. Đó là cứu cánh tối hậu, tuy nhiên, chỉ khi nó được nhận thức như một tổng thể bao gồm tất cả những gì mà thực sự tốt đẹp cho ta. Thánh Augustine nói, “Một người hạnh phúc là người có mọi điều mình mong muốn với điều kiện là không mong muốn điều sai quấy.” Điều kiện đó thật là quan trọng!

Phần lớn con người-thực ra, phần lớn những triết gia thời hiện đại-sử dụng khái niệm tâm lý hơn là khái niệm đạo đức khi nói về hạnh phúc. Ta sử dụng khái niệm tâm lý nếu ta nói, “Hôm qua tôi không khoẻ lắm, nhưng hôm nay tôi rất hạnh phúc,” cứ như thể ta có thể cảm nhận được hạnh phúc.

Phần lớn con người nghĩ là họ có thể cảm nhận được hạnh phúc, khi họ nói những câu như “Chúc bạn có thời giờ hạnh phúc” (have a good time) hay “Chúc bạn có một năm mới hạnh phúc,” (Happy New Year) họ đang nói về một trạng thái của cảm giác hay tâm trí, một trạng thái được thoả mãn trong khoảnh khắc, như thể bạn có thể hạnh phúc trong một ngày và không hạnh phúc vào ngày khác.

Khái niệm đạo đức của hạnh phúc không có gì liên quan đến cảm xúc hay tình cảm, mà liên quan đến sự tốt đẹp của toàn thể đời sống con người. Một đời sống hạnh phúc là một đời sống đã sống tốt đẹp, đủ đầy.

Chắc chắn là ta không nhắm đến cái mục đích tối hậu là hạnh phúc ngày hôm nay và không hạnh phúc vào ngày mai. Khi ta nói hạnh phúc là mục đích của ta, ta đang nói về sự tốt lành của cả một đời sống và rõ ràng là không có ai có thể cảm nghiệm được toàn bộ đời sống trong bất kỳ một khoảnh khắc nào.

Tôi nghĩ ta có thể nói trong suốt đời sống của mình là “Tôi đang trở nên hạnh phúc,” nhưng ta không thể, tại một thời điểm nào đó trong đời, nói “Tôi hạnh phúc,” vì cuộc đời ta vẫn chưa chấm dứt vào lúc đó.

Một đời sống hạnh phúc, một đời sống tốt lành, là một đời sống được làm cho phong phú bằng sự sở đắc những điều tốt thật sự. Những điều tốt thật sự tương ứng với, và thoả mãn những nhu cầu tự nhiên. Vì nhu cầu tự nhiên của con người đều giống nhau, hạnh phúc, hiểu cho đúng, thì đối với tất cả mọi người đều giống nhau.

Tôi xin dùng vài thí dụ để xác định những gì vừa trình bày. Xin bạn hãy cùng tôi quan sát một kẻ hà tiện, một kẻ hà tiện thành công tiêu biểu. Kẻ hà tiện này xem những đồng tiền vàng lấp lánh là điều tốt duy nhất mà y muốn.

Nếu hạnh phúc là sự thoả mãn những ham muốn cá nhân, kẻ hà tiện có quyền nói là y có những gì y muốn. Nhưng cả bạn và tôi biết rằng y là kẻ khốn khổ nhất trong mọi loài sinh vật, đời sống tẻ nhạt, sức khoẻ tồi tệ, bạn bè xa lánh và không tham gia được vào những hoạt động với người khác. Dù cho y có tự xưng là hạnh phúc, liệu có ai gọi y là người hạnh phúc không?

Quý vị phải chuẩn bị để chấp nhận [một sự thật] là khi người ta nói rằng họ hạnh phúc, họ bị lầm lẫn vì họ có khái niệm sai lầm về hạnh phúc. Thật rõ ràng, khái niệm về hạnh phúc của kẻ hà tiện là sai lầm và tôi có thể nói cùng một thể ấy về một gã ăn chơi thành công đã bỏ hết tâm sức để theo đuổi những khoái lạc của cảm xúc, hay về kẻ ham muốn quyền lực chỉ muốn có quyền trên người khác. Hãy để cho họ thành công. Hãy để cho họ có tất cả những gì họ muốn. Họ là những người khốn khổ, chứ không hạnh phúc. Họ sống đời sống còi cọc, vô nghĩa và đáng chán.

Cách thứ hai để quý vị thấy được sự thật trong những điều tôi trình bày nằm trong một câu trứ danh trong Bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ. Nguồn cảm hứng cao cả mà Jefferson đã có là khi ông lấy câu văn đã được viết trước về những quyền bất khả xâm phạm của con người: “Quyền sống, quyền hưởng tự do, và tài sản” và sửa lại thành “Quyền sống, quyền hưởng tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Nếu hạnh phúc trong đoạn văn đó có nghĩa là thoả mãn những ham muốn cá nhân, thì có thể có một chính quyền nào bảo đảm được cho mỗi công dân cái quyền mưu cầu hạnh phúc cho chính họ khi cái quyền này đưa đến sự xung đột giữa họ với nhau không? Nếu sự mưu cầu hạnh phúc có tính chất cạnh tranh, chứ không phải hợp tác, thì không có chính quyền nào có thể bảo đảm được cái quyền tự nhiên và bất khả xâm phạm là quyền mưu cầu hạnh phúc.

Hai phương tiện để đạt được hạnh phúc

Jefferson hiểu rằng hạnh phúc là điều mà đối với tất cả con người đều giống nhau vì nó không thoả mãn những ham muốn khác biệt của cá nhân, nhưng thoả mãn nhu cầu tự nhiên và cơ bản của con người.

Phương tiện để đạt hạnh phúc có hai loại. Có những phương tiện có tính cách tạo dựng, nghĩa là những cái tốt thật sự tương ứng với nhu cầu tự nhiên của ta. Những điều tốt cho cơ thể như sức khoẻ và sự khoái lạc; tốt cho tâm trí như kiến thức; tốt cho tư cách như đức hạnh; tốt cho giao dịch như tình bạn và tình yêu; tốt về chính trị như tự do chính trị; tốt về kinh tế như có chút ít tài sản và phương tiện sinh sống; tốt về xã hội như tự do đi lại và giáo dục.

Tất cả những điều tốt này là những điều tốt thật sự, vì chúng tương ứng với những nhu cầu tự nhiên. Bốn điều tốt đầu tiên là những điều mà tự  cá nhân có khả năng để đạt được toàn phần hay một phần nào đó.

Nhưng còn ba điều tốt sau cùng-về chính trị, kinh tế và xã hội-là những điều không hoàn toàn và đôi khi không có cả một phần nào nằm trong khả năng của cá nhân để đạt được vì chúng còn tuỳ vào những điều kiện bên ngoài, đòi hỏi phải có sự hành động của xã hội có tổ chức. Điều này rất quan trọng vì, khi mưu cầu hạnh phúc, cá nhân không có người giúp đỡ mà chỉ tự sức mình, sẽ không  có đủ khả năng. Cá nhân cần có hành động từ thiện của xã hội trợ giúp.

Có một phương tiện đặc thù mà tôi muốn bàn riêng ở đây. Phương tiện này không có tính chất tạo dựng, mà có tính chất hoạt động hay theo chức năng: phương tiện mà nhờ đó ta tìm được cách đạt được hạnh phúc tới mức cao nhất mà khả năng ta cho phép. Phương tiện đó là đức hạnh, thuộc về phạm trù đạo đức.

Trên nguyên tắc, đức hạnh hiện hữu trong thiên hướng đã trở thành tập quán; đó là sự yêu thích cái tốt thật sự thay vì cái có vẻ tốt bên ngoài. Một người có đức hạnh là người có khuynh hướng đi tìm một đời sống tốt đẹp chứ không phải một khoảng thời gian tốt đẹp.

Sự lựa chọn giữa một đời sống tốt đẹp cho cả đời và một khoảnh khắc tốt đẹp ngay bây giờ có lẽ là một chọn lựa đạo đức vẫn xảy ra hằng ngày và người đức hạnh chọn một đời sống tốt đẹp chứ không chọn một lúc tốt đẹp.

Người có đức hạnh là người có một tập quán về tâm trí, cá tính, và ý chí để chọn xem điều gì là thực sự tốt về lâu về dài đối lại với cái có sự tốt đẹp biểu kiến ở đây và ngay bây giờ. Và sự lựa chọn giữa dài hạn và ngắn hạn thử thách đức hạnh của ta trong từng giây phút.

Khi hiểu đức hạnh theo nghĩa này, tôi muốn đi từ cá nhân đến xã hội, vì khía cạnh xã hội của đức hạnh là điều mà ta gọi là công lý, tức là điều khiến ta phải xét đến cái tốt của những người khác và cái tốt của cả xã hội như một tổng thể.

Bổn phận đạo đức căn bản của con người

Nhưng trước khi bàn về điều này, tôi muốn nhắc lại một điều: bổn phận đạo đức căn bản của mỗi chúng ta không phải cho những người khác mà là cho chính chúng ta. Một trong những lầm lẫn to lớn trong triết học về đạo đức là sự sai lầm của ‘người-làm-việc-tốt,’ người mà chỉ nghĩ đến cái tốt cho người khác và không nghĩ đến cái tốt cho chính mình; và vì thế, người đó thực sự không nghĩ đến cái tốt cho người khác một cách sâu sắc hay làm cho hết sức.

Bổn phận đạo đức căn bản của mỗi chúng ta là tìm lấy hạnh phúc cho chính mình. Chúng ta có bổn phận tìm xem điều gì thực sự tốt cho ta; ta có bổn phận phải nỗ lực để tạo một đời sống tốt đẹp cho chính ta.

Nhưng khi tôi biết điều gì thực sự tốt cho tôi, tôi cũng biết người khác có những quyền gì, vì họ cũng có cùng những bổn phận đạo đức như của tôi. Họ cũng có bổn phận phải tạo một đời sống tốt đẹp cho họ như tôi vậy, vì chúng ta cùng là con người. Và nếu chúng ta có cùng bổn phận đạo đức như nhau, chúng ta cùng có những quyền như nhau, để sử dụng những phương tiện ta cần hầu hoàn thành được bổn phận đó.

Thật là phi lý khi bắt người ta có bổn phận đạo đức nhưng lại không cho phương tiện để thực hiện bổn phận đó. Vì mỗi người trong chúng ta có bổn phận đạo đức để tạo dựng một đời sống tốt đẹp cho mình; chúng ta có quyền để sử dụng phương tiện cần thiết để đạt mục đích đó. Khi tôi biết điều gì thực sự tốt cho tôi, tôi cũng biết điều gì đúng cho những người khác. Tôi biết những quyền của bạn là gì khi tôi biết điều gì là điều tốt cho tôi.

Và điều này đưa ta đến việc xét xem thế nào là công bằng, cả về phương diện cá nhân và xã hội. Là một cá nhân, công bằng buộc tôi có bổn phận không được làm tổn hại đến người khác, không được xâm chiếm hay vi phạm quyền của họ, không được lấy những điều thực sự tốt cho họ hay ngăn cản họ không đạt được điều mà thực sự tốt đẹp cho họ.

Nhưng sự công bằng cá nhân chưa đủ. Thêm vào đó ta còn cần có công bằng xã hội. Sự công bằng xã hội đòi hỏi xã hội, trong mọi cơ cấu của nó, tạo điều kiện thuận tiện và khuyến khích sự mưu cầu hạnh phúc và làm cho cá nhân điều mà y không thể tự mình làm được và những người khác cũng không thể làm cho y.

Trong lãnh vực của sinh hoạt của con người, có hai mục đích tối hậu. Đối với cá nhân, mục đích tối hậu là sự hạnh phúc của chính họ, gồm có tất cả những gì thực sự tốt đẹp cho một người, một cuộc đời đã được sống một cách tốt đẹp, được làm cho phong phú thêm bằng những điều tốt đẹp đó. Đó là mục đích mà ta nên tìm kiếm.

Nhưng còn đối với Nhà nước, đối với xã hội có tổ chức, mục đích là hạnh phúc của tất cả mọi người dân, một mục đích mà nhà nước phải phục vụ qua sự tăng tiến phúc lợi chung và tạo điều kiện cho cá nhân khi cần để tạo lấy đời sống tốt đẹp cho chính mình.

So sánh giữa những xã hội

Tôi xin trình bày với quý vị cái tiêu chuẩn đạo đức khách quan duy nhất để phân biệt đạo đức hay công lý của xã hội này tốt đẹp hơn của xã hội khác: một xã hội [được xem là] tốt đẹp hơn một xã hội khác nếu những điều kiện về kỹ thuật, kinh tế, chính trị, và xã hội là những điều kiện giúp cho đa số những người dân của xã hội đó có đời sống đàng hoàng tử tế xứng đáng của con người hơn là người dân của những xã hội khác.

Thước đo của tiêu chuẩn khách quan này là con số những người được hưởng những phương tiện này. Tôi không nói rằng đó là con số những cá nhân thành công khi mưu cầu hạnh phúc, vì hạnh phúc là sự mưu cầu của cá nhân và người ta có thể thất bại khi tìm kiếm hạnh phúc cho dù có đủ các phương tiện cần thiết. Nhưng bổn phận của xã hội là cung cấp cho tất cả mọi người những điều kiện họ cần để sống đời sống tốt đẹp và để cho họ tự do sử dụng những phương tiện này hữu hiệu hay không theo ý họ.

Theo tôi. những nước sau đây rõ ràng thoả mãn nguyên lý của tôi đề ra: Thuỵ-điển, Đan-mạch, Thuỵ-sĩ, Hà-lan, Bỉ, Canada, Mỹ, Úc, Tân-tây-lan.

Những xã hội này-có thể có thêm vài nước khác nữa-hiển nhiên là tốt hơn bất kỳ những xã hội nào đã từng hiện hữu trước đây. Không có xã hội nào trước những năm 1900 so sánh được với những xã hội này về phương diện tăng tiến phúc lợi chung để cho càng ngày càng có nhiều người có điều kiện hơn để tạo dựng cho họ đời sống đàng hoàng tử tế của con người.

Những xã hội này chắc chắn không phải là những xã hội toàn hảo-chỉ đơn giản là chúng tốt hơn, rõ ràng là tốt hơn rất nhiều so với những xã hội tước đoạt sự tự do của người dân và để mặc họ trong nghèo khổ và [chịu đựng] những điều kiện bất nhân của dốt nát và bệnh tật.

Điều tôi mới trình bày đã được xác nhận rõ ràng. Nếu ta lấy 1900 làm mốc thời gian trong lịch sử, tôi nghĩ ta có thể nói rằng đó là lằn ranh đánh dấu sự chuyển tiếp từ những xã hội mà đa số người dân sống trong áp bức sang những xã hội mà thành phần bị áp bức tương đối ít hơn.

Ta có thể suy diễn từ lằn ranh tiến bộ này không? Ta có thể hy vọng có xã hội trong tương lai mà sẽ tạo những điều kiện ngoại tại nhằm thăng tiến đời sống tốt đẹp cho tất cả mọi người và không có trường hợp ngoại lệ nào hết không?

Tôi hy vọng quý vị sẽ, như tôi, được hấp dẫn bởi sự suy diễn này, mà trả lời một cách khẳng quyết là có!

Nông Duy Trường chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, July 2015

Nguồn: http://www.themoralliberal.com/2012/10/23/philosophy-and-the-good-life/

 


[1] Mạng lệnh tuyệt đối (categorical imperative) do Immanuel Kant đề xướng là bổn phận đạo đức vô điều kiện, dựa trên lý tính, mà con người phải tuân theo trong mọi trường hợp bất kể mục đích hay khuynh hướng như thế nào [ND].