fbpx

Kinh Doanh - Kinh Tế - Chính Trị

Trung Quốc đảo lộn:

Cuộc sống trong thời Cách mạng Văn hóa hỗn loạn, đẫm máu của Mao

Weijian Shan [Đan Vĩ Kiến]

 

Tháng này đánh dấu kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và bắt đầu quá trình “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc. Vào cuối những năm 1970, Trung Quốc vẫn còn đang thoát ra khỏi bóng tối của cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông, cuộc cách mạng đã quét sạch hầu hết các định chế chính trị xã hội của đất nước và khiến nền kinh tế kém phát triển của nước này phải suy sụp.

Trung Quốc đã đạt được tiến bộ đáng kể kể từ đó; Trung Quốc ngày nay hầu như không giống với Trung Quốc thời kỳ đó. Nhưng trải nghiệm về Cách mạng Văn hóa – một thời kỳ biến động xã hội hỗn loạn và tàn bạo – vẫn còn in sâu trong ký ức của những người đã trải qua nó, bao gồm cả tôi và nhiều thành viên trong giai cấp thống trị đương thời của Trung Quốc. Mặc dù hầu hết trong số họ hiếm khi thảo luận công khai về vấn đề này, nhưng Cách mạng Văn hóa đã có tác động rõ ràng đến nhiều người hiện đang lãnh đạo Trung Quốc và các công ty lớn nhất đất nước.

Hai trường phái tư tưởng về cách cai trị Trung Quốc và quản lý nền kinh tế của nước này đã xuất hiện sau Cách mạng Văn hóa. Một số lãnh đạo cấp cao của đảng ủng hộ việc tự do hóa chính trị ở mức độ hạn chế và những cải cách thích hợp với thị trường. Những người khác theo chủ nghĩa nhà nước quản lý– nhấn mạnh vào việc trấn áp những người bất đồng chính kiến và kiên quyết ủng hộ các chính sách nhà nước. Cuộc tranh luận này vẫn làm Trung Quốc bối rối và là lăng kính chính mà qua đó hầu hết các nhà quan sát nước ngoài nhìn nhận nền chính trị Trung Quốc. Nhưng những người bên ngoài đôi khi không hiểu được cuộc tranh luận đã được hình thành như thế nào do kinh nghiệm chung của những người đã trải qua cuộc Cách mạng Văn hóa. Sống trong tình trạng rối loạn xã hội đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều tầng lớp tinh hoa Trung Quốc. Nó đã dẫn họ đến nhiều kết luận khác nhau về loại xã hội mà Trung Quốc nên có. Nhưng để hiểu được suy nghĩ và tầm nhìn khác nhau của họ, sẽ giúp hiểu được cuộc sống diễn ra như thế nào trong thời kỳ đen tối và căng thẳng đó. Kinh nghiệm của riêng tôi khá điển hình.

TRƯỜNG ĐÓNG CỬA

Đó là vào đầu mùa hè năm 1966 ở vùng ngoại ô phía tây Bắc Kinh. Tôi 12 tuổi và sắp tốt nghiệp tiểu học. Suốt những ngày nắng nóng, ve sầu kêu không ngớt. Tôi dành cả buổi chiều để ôn thi cuối kỳ.

Trong vài tháng qua, đã có tin đồn về Cách mạng Văn hóa. Trong một tài liệu mà cha tôi cho tôi xem, tôi đọc một số nhận xét của Mao chỉ trích hệ thống giáo dục. Mao cho biết giáo viên đối xử với học sinh như kẻ thù và các kỳ thi giống như “những cuộc tấn công bất ngờ.” Ông nói rằng một hệ thống như vậy không khuyến khích sự sáng tạo. Mao cho rằng những vị hoàng đế thành đạt nhất trong lịch sử Trung Quốc đều không được giáo dục tốt và những vị hoàng đế có trình độ học vấn cao nhất hóa ra lại là những kẻ thất bại. Ông cũng nói rằng học sinh nên được phép thì thầm nhắc nhau, trao đổi ghi chú và tham khảo sách giáo khoa trong kỳ thi. Những nhận xét này như tiếng nhạc vui vang lên trong tai những học sinh dễ bị ảnh hưởng, trong đó có tôi và các bạn tôi. Nhưng cuộc cách mạng dường như vẫn còn hơi xa vời đối với chúng tôi – nhưng đến một ngày vào tháng Sáu, nó đã không còn xa nữa.

Gao Jianjing, lớp trưởng ở trường tôi, phụ trách một nhóm học sinh quyết định tuần hành xuống Tòa thị chính Bắc Kinh. Họ nhân danh cách mạng nên không một giáo viên hay hiệu trưởng nào dám ngăn cản họ. Tôi ở lại: Tôi quá tập trung vào việc ôn thi cuối kỳ nên không bị phân tâm bởi những lời xì xào xung quanh.

Sau đó, Gao và những người khác nói với tôi rằng họ đã chứng kiến đám đông la mắng thị trưởng và phó thị trưởng. Họ nghe mọi người phát biểu về sự cần thiết của cách mạng. Và họ đã chứng kiến một nhóm các người cách mạng hành hung  Ma Lianliang (Mã Liên Lương, 1901 – 1966), một ca sĩ nổi tiếng về diễn xuất tuồng cổ[1], một trong những nghệ sĩ biểu diễn thành công nhất ở Trung Quốc nhưng lại bị truyền thông nhà nước lên án là “cỏ độc.” (Ma trước đó đã xuất hiện trong một bộ phim mà Mao tin rằng đã ngầm chỉ trích ông.) Ma bị gãy chân và bất tỉnh; trước cuối năm đó ông ấy chết vì vết thương.

Gao nói với tôi rằng những người cách mạng hô khẩu hiệu, diễn thuyết và đánh người được gọi là Hồng vệ binh. Đây là lần đầu tiên tôi nghe danh từ đó.

Điều này thú vị hơn nhiều so với việc ôn thi cuối kỳ. Có điều đáng kinh ngạc khi tôi biết rằng chính quyền nhà trường đã không làm gì để ngăn cản các bạn cùng lớp của tôi tuần hành đến Tòa thị chính. Nhà trường thậm chí còn cho xe buýt đến đón và đưa học sinh về. Chúng tôi nghe nói ở một số trường học, đặc biệt là trường trung học cơ sở và đại học, học sinh đã chống lại giáo viên và từ chối làm bài kiểm tra cuối kỳ.

Ngay sau chuyến đi đến Tòa thị chính, một số giáo viên của chúng tôi đã tố cáo một số đồng nghiệp của họ là “những phần tử xấu.” Chỉ qua một đêm, danh tiếng của một người có thể bị thay đổi. Có người dán áp phích khắp trường tuyên bố rằng đầu bếp trong nhà ăn là “phần tử xấu.” Tội ác của anh ta là có một bộ bài có hình phụ nữ khỏa thân mà anh ta đã mang về sau khi làm đầu bếp tại đại sứ quán Trung Quốc ở nước ngoài.

Trường học nhanh chóng rơi vào tình trạng hỗn loạn. Học sinh chúng tôi được biết rằng nhiều giáo viên đáng kính của chúng tôi thực tế là phần tử xấu. Tất cả chúng tôi đều yêu mến cô y tá của trường cho đến khi biết rằng cô ấy từng làm y tá cho quân đội Quốc Dân Đảng trong cuộc nội chiến. Bây giờ, cô ấy là kẻ thù giai cấp. Tại các cuộc mít tinh có cả giáo viên và học sinh tham dự, người ta thay nhau chỉ trích, làm nhục những “phần tử xấu” như vậy.

Một ngày nọ, tôi cùng một nhóm học sinh đột nhập vào phòng ký túc xá của giáo viên Cai, một giáo viên mỹ thuật. Trẻ trung và xinh đẹp, cô Cai được nhiều học sinh yêu mến lớp học của cô . Nhưng chúng tôi biết rằng cô ấy có một bức tượng nhỏ hình một người phụ nữ bán khỏa thân trên bàn trong phòng cô ấy. Nó rõ ràng là một đối tượng tư bản. Và thời thế đã thay đổi: giờ đây chúng tôi đã là những nhà cách mạng. Chúng tôi xông vào phòng cô ấy và đập vỡ bức tượng. Cô không dám thốt ra một lời, mặc dầu thường ngày cô rât có uy tín . Tất cả chúng tôi đều cảm thấy vui mừng và tự hào. Nhưng tôi cũng cảm thấy xót xa cho cô Cai khi nhìn thấy đôi mắt cô rưng rưng. (Mãi sau này tôi mới nhận ra bức tượng là bản sao thu nhỏ của tượng thần Vệ nữ Milo.)

BẠN NÓI RẰNG BẠN MUỐN CÓ MỘT CUỘC CÁCH MẠNG

Trường học hầu như không phải là nơi duy nhất mà Cách mạng Văn hóa đã đảo lộn mọi thứ. Đến cuối mùa hè, hệ thống tư pháp và thực thi pháp luật của đất nước đã ngừng hoạt động. Cảnh sát biến mất khỏi trạm hướng dẫn giao thông; người đi bộ, người đi xe đạp và các phương tiện giao thông có thể di chuyển tự do mà không cần người hướng dẫn giao thông. Đã có một đề xuất nghiêm túc về việc thay đổi hoàn toàn hệ thống đèn giao thông. Tại sao người ta phải dừng lại khi đèn đỏ, biểu tượng của cách mạng? Không. Màu đỏ là tín hiệu đi và màu xanh là tín hiệu dừng.

Tuy nhiên, sự đảo ngược vai trò ở trường học có vẻ đặc biệt kịch tính. Cuối mùa hè năm đó, tôi và một vài người bạn đến trường trung học nữ số 13 gần đó để xem một cuộc mít tinh quần chúng được gọi là “buổi đấu tố.” Những cuộc họp như vậy lúc đó được tổ chức khắp nơi ở Bắc Kinh, kể cả ở hầu hết các trường trung học cơ sở. Hồng vệ binh kéo lên sân khấu những người mà họ xác định là “phản cách mạng,” bao gồm cả quản lý và giáo viên trường học. Bọn phản cách mạng bị buộc phải thú nhận tội ác của mình; Hồng vệ binh đội những chiếc mũ giấy trắng cao trên đầu họ và đeo những tấm bảng gỗ nặng quanh cổ họ, ghi tên và những hành vi sai trái của họ. Lần lượt từng học sinh lên sân khấu tố cáo thầy cô.

Chẳng bao lâu sau, hành động này đã trở thành một khuôn mẫu đơn điệu. Tôi và các bạn lẻn ra khỏi buổi đấu tố và đi dạo quanh khuôn viên trường. Trời tối om, chỉ có vài ngọn đèn le lói. Ở góc sân thể thao, chúng tôi nhìn thấy một đống không có hình dạng trên mặt đất, được che phủ bằng một tấm giống như một tấm chăn. Có người nói với chúng tôi rằng đó là thi thể của hiệu trưởng trường. Một nhóm nữ sinh trong trường — tất cả đều là Hồng vệ binh — rõ ràng đã đánh cô đến chết vào sáng sớm hôm đó. Đám đông giận dữ đã quá bận rộn không có thì giờ để vứt xác đi.

Khi chúng tôi đang rời khỏi khuôn viên trường, chúng tôi nghe thấy tiếng la hét phát ra từ một tòa nhà gần đó. Tò mò, chúng tôi lén nhìn qua cửa sổ. Trong một căn phòng thiếu ánh sáng, chúng tôi thấy bốn, năm cô gái đứng thành vòng tròn, mỗi người vung một chiếc thắt lưng da lớn. Ở giữa vòng tròn đang quỳ một bà già trông có vẻ khoảng 60 tuổi. Đầu và cơ thể bà đầy máu. Bà đau đớn vô cùng, rên rỉ và khóc với giọng yếu ớt. Các cô gái thay phiên nhau dùng thắt lưng đánh bà. Họ đánh đập bà không thương tiếc. Sau này tôi mới biết người phụ nữ đó là hiệu phó của trường. Bà ấy đã không sống sót qua đêm đó.

Mao đã hứa rằng Cách mạng Văn hóa sẽ mang lại “sự hỗn loạn lớn dẫn đến sự thống trị vĩ đại.” Nhưng tôi đã bắt đầu nghĩ rằng nó chỉ dẫn đến hỗn loạn thêm mà thôi.

Trần Lương Ngọc chuyển ngữ

© Học Viện Công Dân, Sept 2023

Tác giả: WEIJIAN SHAN [Đan Vĩ Kiến] là Chủ tịch Tập đoàn và Giám đốc điều hành của PAG, một công ty đầu tư có trụ sở tại Hồng Kông. Bài viết này được viết lại từ cuốn sách của ông, Out of the Gobi: My Story of China and America (Wiley, 2019).

Nguồn: https://www.foreignaffairs.com/china/china-turned-upside-down-cultural-revolution-mao

[1] Kinh kịch (京劇/京 剧) hay kinh hí (京戲/京戏) là một thể loại ca kịch của Trung Quốc hình thành và phát triển mạnh tại Bắc Kinh vào thời vua Càn Long của vương triều nhà Thanh [Người dịch]