William Ralph Brody
LGT. Giáo sư William Brody, nguyên là Viện trưởng Viện Đại học Johns Hopkins từ 1996-2008. Johns Hopkins là một trong những đại học nổi danh nhất của Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp cử nhân ngành Kỹ sư Điện tại MIT, sau đó là văn bằng Bác sĩ Y khoa và Tiến sĩ ngành Kỹ sư Điện tại Viện Đại học Stanford, California.Giáo sư Brody đặc biệt chú trọng vào chương trình giáo dục bậc cử nhân (undergraduate), với chương trình giáo dục toàn diện chứ không chỉ chú trọng vào lãnh vực chuyên môn. Giáo sư Brody viết rất nhiều tiểu luận về đủ lãnh vực như khoa học, văn chương, giáo dục, và ông còn tư vấn cho chính phủ Mỹ về những vấn đề khoa học và phát minh. Bản thân Giáo sư Brody cũng là một nhà phát minh có nhiều đóng góp cho kỹ thuật ứng dụng vào y học như CAT scan và MRI. Hiện nay Giáo sư Brody là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sinh Vật Học Salk (Salk Institute for Biological Studies) do Bác sĩ Jonas Salk thành lập năm 1960.
***
Khi tôi nói với người khác là tôi sinh ra và lớn lên ở California, có lúc tôi thấy được là họ đang tưởng tượng ra hình ảnh của Baywatch hay Beverly Hills, 90210.[1] Thực ra, cuốn phim American Graffiti[2] có lẽ giống với hoàn cảnh tuổi nhỏ của tôi hơn. Lớn lên tại Thung lũng San Joaquin–vòng đai nông nghiệp của California có khí hậu nóng và khô –tôi thấy gần gũi với Chùm Nho Phẫn nộ của Steinbeck[3] hơn là với những vườn nho xanh mướt của Thung lũng Napa[4] hay những vườn cam của Pasadena.
Nói đến Steinbeck thì nói vậy thôi, chứ tôi chưa bao giờ thích môn Anh văn và luận văn khi đi học. Không phải tại vì đó là bản tính của tôi đâu, nhưng mà vì những thầy cô dạy môn (Anh) Văn của tôi dạy chán quá. Trong khi đó tôi lại có những thầy cô dạy toán và khoa học hay hết xẩy, ngay từ hồi tôi học lớp bảy; những vị này đã tạo cho tôi một căn bản thật vững chắc khi học lên đại học và hậu đại học. Ít khi nào tôi đọc sách ngoài lớp học lắm, và nếu như tôi có đọc, thì chỉ toàn là sách về toán hay khoa học hơn là sách về lịch sử hoặc tiểu thuyết. Đó chính là hồi ức về kỷ niệm thời trung học của tôi.
Chẳng có gì khó hiểu khi thầy cô môn Văn không thể cạnh tranh với những đồng nghiệp dạy toán và khoa học. Chẳng phải vì họ dạy dở, nhưng tại thầy cô dạy toán dạy quá hay. Chẳng cần biết vì lý do gì, sự quá khác biệt giữa thầy cô dạy văn và thầy cô dạy toán làm cho tôi bực mình quá. Có một lần, tôi nhớ là tôi đã lên xin thầy hiệu trưởng cho đổi sang lớp Văn của thầy khác vì trong lớp của thầy này tôi chẳng học được điều gì mới.
Những điều đó hoàn toàn thay đổi khi tôi lên lớp 12. Câu chuyện như thế này. Ngày đầu niên học, lúc đang xem thời khóa biểu, thì tôi cảm thấy bụng nhói lên, khi thấy ghi: “Tiết thứ ba: 11 giờ sáng, môn Văn lớp 12, cô Agness Hoffman, phòng 214C.”[5] Dù tôi chưa hề gặp cô Hoffman bao giờ, chỉ thấy tên của cô thôi là cũng đủ làm cho a-xít trong bao tử tôi trào ra gấp 10 lần–đủ biết tiếng tăm của cô lẫy lừng đến đâu rồi. Cô Hoffman chính thị là loại thầy cô khiến cho học trò bị đau bao tử, dù cô chẳng bao giờ bị căn bệnh này.
Với chiều cao khoảng 1 thước sáu, hơi đẫy đà một chút, khoảng tứ tuần, da dẻ hồng hào, cặp mắt nhìn thấu tâm tư học sinh, và dễ nổi nóng, cô Hoffman quả là có tướng đáng nể. Nhưng chúng tôi bắt đầu niên học cũng nhẹ nhàng dễ chịu–cho đến kỳ thi giữa khóa đầu tiên. Cả lớp phải đọc một câu truyện do John Cheever viết, đăng trên Nguyệt San Atlantic. Bây giờ khi nhớ lại, sau khi đọc qua một hai lượt, tôi thấy câu truyện này quá sức khó hiểu. Nhưng không sao, kinh nghiệm học Văn cho tôi biết là những câu hỏi kiểm tra sự thấu triệt của học trò môn Văn trong kỳ thi giữa khóa cũng tương tự như những câu hỏi thi mãn khóa môn Tiếp thị Thể thao tại Đại học Georgia, đại loại như “trong một trận bóng rổ được chia làm mấy phân nửa,” hay như kiểu câu hỏi của Gã Quạu Marx, “Ai được chôn trong mả của tướng Grant?”
Rủi thay, sau câu hỏi đầu tiên, tôi mới té ngửa. Thiệt là bị tổ trác, và tôi không thể nào bịa ra câu trả lời cho được. Không những tôi không hiểu bài văn, tôi còn không hiểu luôn câu hỏi hỏi cái gì nữa. Nhưng dù sao được tiếng là học sinh giỏi và tôi hy vọng là cộng với tính ngoan ngoãn, thì tối thiểu tôi cũng được điểm C.[6]
Đó là bài học nhớ đời. Ta chỉ có thể bịa câu trả lời đến một mức nào đó thôi. Ngày hôm sau, một con F đỏ chót nằm chình ình trên bài thi của tôi, không có “nếu,” “nhưng” gì sất. Tệ hơn nữa là cuối trang giấy còn có dòng chữ của cô Hoffman: “Vui lòng gặp cô sau giờ học!” Cô đã nắm được tẩy của tôi. Tôi chỉ là một cái thùng rỗng, một nhà thông thái về toán nhưng lại rỗng tuếch về khả năng văn chương.
Tôi chẳng thể nói là bị cô Hoffman “giũa” te tua là không đáng tội, nhưng thiệt là cũng khó nuốt. Điều cô nói thiệt là rõ ràng: “Brody, em tưởng là em có thể xoay xở và không cần học mà cũng đậu được lớp này hả, điều đó thì còn lâu lắm mới được.” Nói vậy chứ cô Hoffman không phải là một “bà chằng” như tôi sợ. Cô cho tôi một cơ hội là sẽ cho một bài khác và ra một bài thi khác để giúp cho tôi khỏi bị đại họa ăn trứng vịt.
Khỏi nói thì bạn cũng biết, bài văn kế tiếp còn khó hơn và phức tạp hơn, nhưng tôi đã dành hết thì giờ bỏ ăn bỏ ngủ cả cuối tuần, căng óc ra để học bài. Và rồi thì, voilà, đến 11 giờ đêm Chủ nhật, tôi đã ngộ ra được chân lý. Ngày thứ Hai tôi thi lại môn Văn và đậu vẻ vang.
Và như thế đó. Tôi vốn chưa bao giờ phải học vất vả bất kỳ một lớp nào, trước và sau khi học lớp Văn với cô Hoffman. Ngoài việc phải đọc những chương sách bắt buộc, mỗi tuần cô còn ra bài tập luận văn, có khi chỉ cần viết có một đoạn văn ngắn. Thế mà tôi cũng phải đổ mồ hôi và bấn loạn lên, nào là viết đi rồi viết lại có mỗi một bài luận mà vẫn thấy chưa vừa ý (bạn phải nhớ là thời đó chưa có máy vi tính đâu nhé, vất vả lắm khi phải viết đi viết lại). Có khi tôi nhận lại bài luận của mình thì thấy có nhiều vết mực đỏ và nhận xét của cô Hoffman hơn cả những chữ mà tôi viết trong bài luận. Tôi phải vật lộn vất vả với luận văn, nhưng nhờ vậy mà tôi học. Đau thương, đúng vậy, nhưng mà hân hoan [vì thành quả đạt được]. Cuối cùng tôi được điểm A trong kỳ thi cuối khóa, và cô Hoffman cũng đã tha thứ cho sự thất bại lúc đầu của tôi và cho tôi điểm A- toàn môn học.[7]
Nhờ cô Hoffman mà tôi học được cách đọc sách và học được cách viết luận. Hơn thế nữa nhở đó mà tôi trở nên thích thú với việc đọc và viết; cả hai điều này trở thành niềm vui cá nhân, và dĩ nhiên là khả năng này đã giúp tôi rất nhiều trong việc học lên cao và trong nghề nghiệp sau này.
Tôi vẫn còn có một điều ân hận cho đến bây giờ. Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi chưa bao giờ gặp lại cô Hoffman và chưa hề có cơ hội để ngỏ lời cám ơn chân thành của tôi về những công sức cô đã vun đắp cho tôi. Cô thấy là tôi có khả năng để tiến xa trên đường học vấn nhưng tôi chỉ có thể đạt được mục đích đó nếu cô đặt tiêu chuẩn của cô thật cao và không chấp nhận những gì thấp hơn tiêu chuẩn đó. Rồi cô cho tôi cơ hội thứ hai để chứng tỏ khả năng và rèn luyện những khả năng đó cho tốt hơn.[8] Cô rất khó, nhưng tôi biết là cô khó như vậy chỉ vì cô thương và lo học trò của mình.
Rất nhiều học sinh trung học khi đến viếng Viện đại học Johns Hopkins đã nói với tôi là đây quả là một trường rất tốt, nhưng họ không muốn học ở đây bởi vì nó “khó quá.” Việc học không phải là một việc dễ dàng hay có thể tiên đoán được. Nhưng, những người thầy giỏi nhất biết rằng những kỳ vọng họ đặt càng cao bao nhiêu, thì học trò của họ càng học được nhiều bấy nhiêu. Tình thương học trò của những thầy cô giỏi nhất là thứ tình thương “yêu cho roi cho vọt,” như cô Hoffman đã làm, để giúp học trò đạt
đến trình độ cao nhất. Sự học là công việc khó khăn và vất vả.
© Học Viện Công Dân 2011
Nguồn: http://www.jhu.edu/gazette/2005/06sep05/06brody.html
[1] Baywatch và Beverly Hills, 90210 là hai chương trình truyền hình rất ăn khách ở Mỹ. Baywatch là phim bộ về một toán nhân viên cứu người bị đắm tại bãi biển ở Los Angeles. Bộ phim này ăn khách nhờ các diễn viên trẻ trung, xinh đẹp và hấp dẫn trong trang phục áo tắm. Beverly Hills, 90210 là bộ phim về các cô cậu con nhà thời thượng cư ngụ tại khu sang trọng nhất của Hollywood trong sinh hoạt học đường từ trung học đến đại học.
[2] American Graffiti là một phim về lứa tuổi thanh thiếu niên lớn lên trong thập niên 1960 tại Mỹ.
[3] Một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của Mỹ. Ông được giải Nobel Văn chương năm 1962.
[4] Napa Valley là nơi nổi tiếng về trồng nho làm rượu vang của Mỹ, nằm ở phía bắc cùa California, gần San Francisco. Pasadena nổi tiếng về kỹ nghệ trồng cam, thuộc về Quận Cam nơi có nhiều người Việt sinh sống.
[5] Mỗi học sinh trung học ở Mỹ có thời khóa biểu riêng theo từng em và theo từng tín chỉ (credit). Nếu đã lấy gần đủ tín chỉ tốt nghiệp, học sinh lớp 12 chỉ cần lấy những tín chỉ còn thiếu và thì giờ còn lại có thể giúp cho văn phòng hay thư viện. Học sinh được sắp lớp để học từng môn và phải đổi phòng mỗi khi đổi tiết học. Giáo viên có phòng học riêng và học sinh đến từng phòng để học khác với VN là học sinh ở trong lớp, còn giáo viên đến lớp học.
[6] Cách cho điểm của Mỹ thường theo chữ, có nơi còn thêm dấu + hay dấu trừ -, như sau: A: 95-100; A-: 90-94; B+: 86-89; B: 85; B-: 80-84,…Điểm F là dưới 60 điểm, là rớt. Thang điểm là 100.
[7] Mỗi môn học ở Mỹ kéo dài 1 khóa học (semester) khoảng 18 tuần, trong 18 tuần có 3 học kỳ (6 tuần/học kỳ). Trong một khóa học có kỳ thi giữa khóa (mid-term) và kỳ thi cuối khóa (final). Điểm của toàn môn học là trung bình của từng học kỳ, mid-term, và final.
[8] Tác giả đã dùng lối chơi chữ khi viết: “to prove, and improve, myself.”