fbpx

Quản Trị và Lãnh Đạo

Yếu Tố Để Thành Công

Đinh Đức Hữu

Dịp này, chúng ta bàn tới yếu tố thành công có tính cách phổ thông, có thể áp dụng cho mọi người. Đó là:

  • Suy nghĩ cho thật kỹ để hiểu rõ mình muốn đạt được mục đích cao nhất đời mình là gì?
  • Luyện tập và khai phá khả năng lãnh đạo, chỉ huy và óc sáng tạo.
  • Khả năng tổ chức và dụng nhân.

Đời người chuyển động không ngừng từ khi chào đời tới lúc chết. Nên chúng ta có thể hình dung đời người như một chuyến du hành có khởi điểm, có đường đi và đích tới. Thử hỏi nếu chuyến du hành đó không có bản đồ cũng không biết mình đi đâu thì chắc chắn sẽ lạc đường hoặc không bao giờ tới đích được. Đời người cũng thế, biết bao nhiêu người đã chần chừ không quyết định vẽ cho mình một bản đồ trong đó mô tả những nét chính của cuộc đời mình như lựa chọn ngành học, tạo lập gia đình, kế hoạch làm việc và từng mục tiêu mình muốn chiếm lĩnh. Rồi thời gian trôi đi mà không nhắc nhở và chờ đợi, tới lúc giật mình nhìn lại thấy mình hụt hẫng, nhụt chí và sinh hoài nghi giống như người lái xe đường xa, lạc trên xa lộ. Lấy ví dụ có nhiều sinh viên khi bắt đầu đại học, họ không có quyết định dứt khoát là học ngành gì, nên phải đổi nhiều lần, vừa mất thời gian quí báu khiến mất đà ngay lúc đầu. Hay có những trường hợp chán nản buông xuôi và bỏ hẳn cơ hội tốt nghiệp đại học.

Nhiều bạn sau khi ra trường đi làm và vì không vạch cho mình mục tiêu và kế hoạch hành động nên cứ để mặc cho tình thế xoay vần. Rồi chỉ ba bốn năm sau mình thụ động, cứ loanh quanh công việc thông thường mà không lăn xả vào công việc khó nhiều trách nhiệm, mất đi cơ hội đưa ta vào vị trí chỉ huy. Đây là thời gian nguy hiểm nhất vì nếu không mau chóng thay đổi kịp thời để nhận định tình thế riêng mình, để có kế hoạch hướng về sự thành công, chúng ta sẽ tự biến mình thành người an phận. Sau đó suy diễn để tự bào chữa cho thất bại của mình như bị kỳ thị, mình không có thần thế bằng người kia hay mình thiếu khả năng hơn người khác. Để công việc chúng ta làm mang đến thành công bắt buộc công việc đó phải liên tục và kết chặt lại, hỗ tương cho nhau như trên một bàn cờ tướng và từ thành công này tiếp trợ cho thành công kế tiếp và bộ óc sáng suốt của chúng ta liên tục điều khiển các công việc đang làm dựa vào kế hoạch đã được vạch ra rõ ràng cho tương lai.

Người mình thường nói ông bà ấy có đường lối, người Mỹ gọi người đó là có Vision hay có road map cho hoạt động của họ. Bản đồ đời người do chính bộ óc của ta soạn thảo và linh động chuyển đổi từng ngày để đạt đến từng mục tiêu. Mục đích đời người của mỗi người khác, có mục tiêu ngắn hạn dài hạn, lớn nhỏ, dễ khó cần phải xác định rõ rệt thì chúng ta mới có động lực để đi tới. Người thợ giỏi phải miệt mài học hỏi làm việc có kế hoạch mới giỏi được. Buôn bán thành công cần có hiểu biết cặn kẽ thương trường, biết rõ ý muốn khách hàng, sẵn sang cạnh tranh với bạn hàng và phải luôn làm mới, làm rẻ.

Một khi đã có mục tiêu và kế hoạch chúng ta cần một yếu tố vô cùng quan trọng là niềm tin thành công. Niềm tin giúp ta vượt qua những khó khăn thử thách. Kế hoạch nào cũng có thiếu sót và công việc lớn nào cũng sinh ra những vấn đề phải đối phó. Mục tiêu càng lớn, kế hoạch càng tinh vi, trở ngại vẫn luôn rình rập đâu đó. Để khắc phục khó khăn trở ngại chỉ có niềm tin sắt đá mới giúp ta nảy sinh ra sáng kiến độc đáo để giải quyết công việc. Bộ óc của chúng ta rất lạ lùng, nó hành động theo tư tưởng của ta. Khi ta có niềm tin, tư tưởng tác động trên bộ não để tìm kiếm kinh nghiệm quá khứ, phân tích, đối chiếu, có khi tác động ngược lên tư tưởng và giúp ta suy nghĩ nảy ra sáng kiến mới để vượt khó khăn. Ngược lại nếu ta mất niềm tin khiến tư tưởng của ta hướng về sự thất bại và trí óc liền chụp lấy cơ hội bầy cho ta có đủ mọi lý lẽ để bỏ rơi công việc khiến ta thất bại.

Làm sao để ta có kế hoạch làm việc và có được niềm tin mạnh để thành công rực rỡ được!

Thượng đế dựng nên con người ai cũng có bộ óc và một số khả năng không mấy khác nhau. Muốn có mục tiêu và kế hoạch thì trước nhất cần phải ngồi xuống có cây bút và tập giấy để ta ghi xuống tất cả những ước muốn, hoài bão liên quan tới đời mình định làm. Tự mình phân tích khả năng mình, đánh giá, so sánh và ước tính những công việc lớn có phù hợp với khả năng mình không. Nếu lý trí ta cho thấy khả năng của ta thích hợp, ta mạnh dạn tiến tới và mỗi ngày ta sẽ bồi đắp, điều chỉnh cho thích hợp với hoàn cảnh. Việc này gần giống như ta làm một bài toán, nếu không có bảng đen phấn trắng hay giấy bút để viết ra các yếu tố cho sẵn theo thứ tự mạch lạc, rồi các định lý, công thức được viết xuống và từ đó ta tìm kiếm đáp số của bài toán. Giải được bài toán vì biết hệ thống các dữ kiện phức tạp lại cho dễ hiểu, sắp xếp các con số cho hợp lý và tạo liên hệ chặt chẽ giữa lý thuyết và con số với nhau giúp trí óc ta giải đáp được bài toán khó. Ngược lại nếu ta cứ tìm cách giải đáp trong đầu thì rất khó, khả năng này lâu lâu mới có một người làm được. Đặc biệt thói quen này nếu áp dụng hàng ngày sẽ mỗi ngày thêm tinh xảo và rất hữu hiệu, mang lại kết quả không ngờ. Xin các bạn làm thử sẽ hiểu điều tôi vừa trình bày.

Củng cố niềm tin bằng đời sống lạc quan

Chúng ta cần chú ý tới từ cách đi đứng, lời nói cho tới mọi hành động có tác động tới người xung quanh. Luôn vui vẻ hài hòa, không bực dọc, không buông ra những lời than vãn, khi gặp thất bại hãy bình tâm suy nghĩ tại sao thất bại và một khi đã tìm ra nguyên nhân rồi thì phải dứt khoát quên chuyện đó ngay, đừng dày vò hay nhắc nhở lại, hãy cho việc đó vào quá khứ và chỉ có hiện tại và tương lai mới là đáng kể. Để có được niềm tin thì đừng chất chứa trong đầu những việc thất bại, tình huống ngang trái hay bất cứ điều gì không có ích lợi cho mình. Trí óc ta sẽ ghi nhớ tất cả ngoại trừ ta làm chủ tình hình và ra lệnh cho óc ta chỉ ghi nhớ những thành công, những điều hay, dữ kiện tốt. Một khi óc ta chứa một khối vô tận những hình ảnh đẹp, dữ liệu hữu ích và tràn đầy gương thành công thì khi ta gặp khó khăn ta tìm về dữ liệu đó để tìm kiếm, lục soát cách giải quyết. Tự thói quen này giúp ta củng cố niềm tin và phấn chấn, lạc quan trên đường đời. Xin thề hứa với chính mình là bỏ ra ngoài tai những tin đồn nhảm nhí, những lời chửi bới, hoặc vô ơn người đời dành cho bạn.

Khả năng lãnh đạo và chỉ huy

Chúng ta hay sợ hãi khi nghe tới lãnh đạo và chỉ huy. Thực ra trong đời, ai cũng phải đảm nhiệm việc này, khác chăng là tầm vóc của tổ chức. Một thiếu phụ có hai con nhỏ cũng là một tổ chức mà bà ta đương nhiên đóng vai trò lãnh đạo và chỉ huy. Rộng lớn hơn, Tổng thống Hoa Kỳ điều khiển siêu cường độc nhất thế giới và gián tiếp điều khiển các sinh hoạt chính trị, kinh tế thế giới. Dù ở tổ chức tầm vóc nào đi nữa để lãnh đạo và chỉ huy thành công cần hội đủ các yếu tố tư tưởng sáng tạo, nghị lực chịu đựng và lòng vị tha. Lãnh đạo là vạch ra cho người khác mục tiêu để đi tới, không thể lầm lẫn giữa lãnh đạo và điều hành. Lãnh đạo như ngườI leo lên cây cao, phóng tầm nhìn ra thật xa để thấy từ xa có núi đồi, có sông rạch, có đường đi, rồi chuyển tin tức này cho người đội trưởng đang điều động đội viên của mình đi tới. Anh đội trưởng là người điều hành, tức là manager.

Người lãnh đạo đương đầu thường xuyên với hoàn cảnh mới, mục tiêu mới và không hoàn cảnh nào giống hoàn cảnh nào. Lãnh đạo chịu trách nhiệm tìm ra kế hoạch để đạt được mục tiêu, vậy nếu không có óc sáng tạo thì làm sao hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo, làm sao tìm ra giải pháp mới cho bối cảnh mới? Lãnh đạo phải tiên liệu dựa vào kinh nghiệm quá khứ phối hợp với tư tưởng sáng tạo hiện tại để đưa ra các giải pháp tiên liệu cho ngày mai. Tiên liệu là vận dụng trí tuệ để cố tìm ra đáp số cho một vấn đề mà yếu tố mình muốn biết để giải quyết vấn đề lại chưa có đầy đủ trong tay. Người tiên liệu giỏi luôn suy nghĩ và làm việc có phương pháp. Họ không lười biếng chỉ gom góp dăm ba dữ kiện rồi phỏng đoán sự việc. Ngược lại họ nghiên cứu sự việc thật kỹ lưỡng, phân tích tỉ mỉ, lập bản so sánh và từ đó rút ra kết luận dựa vào luận lý hợp lý và khách quan. Khả năng tiên liệu rất cần thiết cho người chỉ huy vì không biết, không hiểu việc trước đồng đội thì lấy đâu ra khả năng để hướng dẫn chỉ vẽ người khác. Giải pháp có cụ thể và khả thi hay không là nhờ vào người lãnh đạo dầy kinh nghiệm và có nhiều sáng kiến.

Vậy tư tưởng sáng tạo có quá khó không? Sáng tạo không có gì là ghê gớm, nhiều người vẫn hiểu lầm sáng tạo chỉ dành cho những nhà khoa học, văn thi sĩ lỗi lạc. Thực ra sáng tạo là một phương pháp kết hợp tư tưởng và hành động để giải quyết một công việc cho hiệu quả hơn, nhanh hơn và mang lại nhiều ích lợi hơn. Bà mẹ nội trợ ngồi suy nghĩ và cải tiến cách nấu nồi phở cho nhanh hơn, ngon hơn và được nhiều ưa thích là một hành vi sáng tạo. Nhà khoa học bỏ bao năm nghiên cứu, quan sát, phân tích, chứng nghiệm và tìm ra công thức để chế biến một loại thuốc tốt cứu nhân loại cũng là một công trình sáng tạo.

Lãnh đạo thành công đòi hỏi nghị lực chịu đựng và niềm tin sắt đá vào công việc mình đang đứng mũi chịu sào. Như đã trình bày, công việc càng lớn càng nhiều khó khăn và trở ngại bất ngờ. Nếu người chỉ huy không tự rèn luyện cho mình một thói quen, một đức tính can trường để chịu đựng thử thách thì khó vượt thoát được các trở ngại bất ngờ do công việc nảy sinh ra và do các đối thủ đưa tới. Lấy ví dụ trong thương trường, một giám đốc công ty, sau khi suy nghĩ và bàn bạc kỹ với bộ tham mưu, đã quyết định đầu tư vào một công trình tốn kém, có tính tiên phong và mạo hiểm. Khi công việc được 20% công trình gặp trở ngại vì kỹ sư trưởng bỏ việc, làm cho khách hàng mất tin tưởng vào công ty vì khách hàng có cảm tình sâu đậm với kỹ sư trưởng. Ngoài ra còn có áp lực nội bộ và những lời đồn đãi về thất bại vì giám đốc thiếu tính lãnh đạo,… Nếu vị giám đốc này không quen chịu đựng có lẽ phải bỏ cuộc, và thất bại này kéo theo thất bại khác. Vị giám đốc này đã bình tĩnh phân tích tại sao kỹ sư trưởng lại nghỉ. Sau đó ông tìm cách giải quyết, và ông gặp khách hàng để giữ vững niềm tin. Kết quả nhờ kiên trì giải quyết vấn đề cho hợp lý với nhiều ý tưởng mới, vị kỹ sư trưởng trở lại làm việc và khách hàng thêm kính nể vị giám đốc đã có giải pháp cho vấn đề.

Tóm lại, khi gặp nguy khốn người lãnh đạo phải có niềm tin sắt đá vào lòng chân thật của mình và sẵn sàng nhận trách nhiệm để chịu đựng khó khăn đè lên hai vai mình, nhưng quyết tâm không sợ hãi để giải quyết vấn đề.

Lòng vị tha của người lãnh đạo sẽ làm thay đổi ngườI khác. Ông A đã làm việc dưới quyền Giám đốc B nhiều năm. Một hôm ông A vào gặp ông B nói chuyện vẩn vơ và lấy hết can đảm nhận xét là ông B hay bất công với ông A vì ông B khen chê ông A bất thường, có thể cần phải đi bác sĩ tâm thần. Ông B im lặng hồi lâu rồi mỉm cười cám ơn ông A đã có lòng tốt nói lên sự quan tâm của mình đối với người chỉ huy trực tiếp. Ông B bình tĩnh phân tích cho ông A biết các lỗi lầm và khuyết điểm của ông ấy suốt nhiều năm, nói cho ông A biết là vì muốn thành thật và công bằng vớI ông A nên ông B sẵn sàng khen thưởng khi ông A chu toàn công tác có kết quả và cũng khiển trách ông A khi không chu toàn nhiệm vụ.

Khả năng tổ chức và cách dùng người

Để dễ hiểu chúng ta nhìn vào tổ chức một công ty có tầm cỡ. Chúng ta thấy lãnh đạo thuộc về hội đồng quản trị (Board of Directors) và vị chủ tịch hội đồng quản trị là tiêu biểu. Tổ chức, điều hành công ty được giao cho ban giám đốc đứng đầu là Tổng giám đốc. Hội đồng quản trị đưa ra đường lối, vạch ra đường hướng kinh doanh ngắn và dài hạn. Tổng giám đốc dựa vào đó để tổ chức hàng ngũ nhân viên, điều động công việc để đạt mục tiêu sinh lợi cho công ty.

Giám đốc điều hành giỏi cần các yếu tố sau đây:

Biết sắp đặt ưu tiên cho công việc và dùng thời giờ đúng mức vào công việc đó.

Công việc cần một tiếng thì đừng dây dưa ra cả ngày. Con người bình thường muốn được tự do và không muốn khép mình vào kỷ luật. Họ tránh né công việc quan trọng để vẩn vơ và làm những việc không quan trọng. Đến lúc cần kíp, họ làm ngày làm đêm. Nếu làm việc như vậy, chắc chắn là thất bại. Trong chúng ta ai cũng trải qua những năm đi học và kinh nghiệm chuẩn bị làm bài thi, học sinh đậu cao có nền tảng vững chắc và kiến thức sâu rộng là những người biết tổ chức, phân chia thời gian biểu và chăm làm bài tập. Trên đường đời sau này cũng không khác bao nhiêu. Người muốn làm giàu nhưng ngại khó, không cần kiệm rồi khi gặp công việc khó tìm cách tránh né lấy đâu ra yếu tố để thành công. Khi vào tuổi bốn mươi thể lực suy giảm, trí óc bớt minh mẫn và nhìn về quá khứ đầy thất bại nên sinh chán nản, bỏ cuộc làm uổng phí một đời người.

Các nhà quản trị chia công việc ra làm bốn loại:

Loại 1: công việc quan trọng gấp rút cần phải làm ngay, không thể chần chờ.

Loại 2: công việc quan trọng được xếp đặt có kế hoạch, chuẩn bị từng bước và làm từ từ không vội vã.

Loại 3: công việc không quan trọng, như đi họp những buổi họp thông thường, đọc thư hằng ngày.

Loại 4: công việc không quan trọng và đi la cà nói chuyện, bàn chuyện đá banh, gọi điện thoại cho người yêu.

Sau khi tìm hiểu và thống kê, kết quả cho thấy người thành công là người làm việc theo mẫu công việc loại 2. Nhóm người này biết việc nào là ưu tiên và quan trọng, họ chú tâm vào để lập kế hoạch chuẩn bị chu đáo và vì thế họ không phải hấp tấp để làm hỏng việc và không rơi vào tình huống của loại công việc loại 1. Nhóm người làm việc theo loại 1, tuy biết việc nào quan trọng nhưng vì không chuẩn bị nên luôn để phút chót để giải quyết, vì vậy bị dồn nén và phạm nhiều lầm lỗi làm hỏng việc. Nhóm người thuộc loại 3 và 4 không thể đảm nhận chức vụ gì quan trọng được vì họ luôn phật phờ, loay hoay cho qua ngày. Thoáng nhìn qua thấy họ rất bận rộn, nhưng thực tế không làm việc gì quan trọng và cũng không mang lại lợi ích nhiều. Tiếc rằng trong công sở rất nhiều người thuộc loại 3 và 4. Tổ chức nào có nhiều loại người 3 và 4 chắc chắn sẽ sụp đổ. Nếu là tổ chức chính trị thì không bao giờ đoạt được chính quyền. Công ty kinh doanh thì phải sập tiệm, phá sản. Người chỉ huy ở loại 1 hay quát tháo, mệt mỏi vì lúc nào cũng bị dồn ép làm việc gấp rút.

Người tổ chức giỏi là người biết cách để bộ óc được thảnh thơi không cần phải chứa đựng quá nhiều tin tức, dữ kiện không quan trọng. Cuốn sách và cây bút giúp ích đắc lực cho bộ óc được nhàn hạ. Đặc biệt như viết dữ kiện xuống trang giấy tự nhiên trí óc ta quan sát và nhìn ra nhiều cách để giải quyết vấn đề. Dùng sách bìa cứng loại khổ lớn để biên chép cho thoải mái và lưu giữ lại để tra cứu khi cần thiết. Ta dùng nhiều cuốn, hết cuốn này sang cuốn khác và đó là một kho tàng quý báu để ta tìm hiểu trong cuộc sống và sau này để lại cho hậu thế. Mỗi buổi sáng khi ngồi vào bàn làm việc ta bỏ ra mười phút để ghi xuống công việc trong ngày cần phải làm, từ quan trọng đến ít quan trọng, sau đó duyệt xét lại công việc ngày hôm trước xem việc nào chưa làm thì cần bổ túc cho kịp. Xong việc nào ta thoải mái gạch đi và tự cho mình một phần thưởng. Phương pháp này rất có kết quả, xin bạn làm thử.

Người xưa nói dụng nhân như dụng mộc. Ý nói phải biết khả năng của ngườI để giao việc cho đúng người, đúng việc. Cây to cứng dùng làm cột, cành nhỏ mềm làm song cửa… Người nhiều tài năng đức độ xin mời vào nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy. Người ít khả năng, trao việc dễ làm để tránh hỏng việc. Làm sao biết được khả năng của người khác? Cách tốt nhất là cứ giao việc cho họ. Kết quả của công việc đo lường tài năng người đó và cứ như thế ta sắp đặt người vào đúng công việc. Tuy nhiên phải dứt khoát đừng để tình cảm chi phối một khi đã biết phải thay đổi người hay việc là ta phải hành động ngay. Cũng cần quan sát và lưu ý tới mình giao việc liên tục một thời gian, giúp ta lượng định chính xác về người đó. Ngặt một nỗi ít ai chịu chú ý vào công việc quan trọng này nên nhiều khi đánh giá sai lạc khả năng của người khác.

Cuối cùng để đạt thành công cho đời người, đóng góp cho nhân quần xã hội hoặc ngay trong mọi liên hệ từ tình cảm, thương trường nếu ta biết dung hòa tìm được giải pháp để không có kẻ thắng người thua, vinh nhục và người thành công thực sự luôn là người biết mình, hiểu người. Không những thành công cho mình và còn thành công cho người mới thực sự là người hạnh phúc. Vậy muốn đóng góp vào việc xây dựng quê hương, ngay từ bây giờ ta cần nuôi dưỡng một lý tưởng cao đẹp và tạo được thành công cho chính mình ngay bây giờ.

© Học Viện Công Dân 2007

Vài nét về tác giả:

Kỹ sư Đinh Đức Hữu là kỹ sư Việt Nam đầu tiên đạt được bằng Senior Reactor Operator của Cơ quan Kiểm soát Nguyên tử Hoa Kỳ. Ông tốt nghiệp Kỹ sư cơ khí tại Đại học New Orleans, Louisiana, Cao học ngành Cơ khí tại Đại học Tulane, và từng là Kỹ sư trưởng tại lò nguyên tử Waterford III. Năm 1993 ông thành lập American Technologies, Inc. (ATI), một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ khoa học kỹ thuật, đặc biệt trong lãnh vực nguyên tử và môi sinh cho chính quyền Hoa Kỳ và các đại công ty.

Bài viết này được trích từ bài nói chuyện của Kỹ sư Đinh Đức Hũu tại trại Lên Đường – Huấn luyện Kỹ Năng Lãnh Đạo do Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam (http://www.vhkhvn.org/) tổ chức năm 1998 tại Texas.