fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Quyển VII

Chương 1

Những ai muốn tìm hiểu mô hình chính quyền nào là mô hình tốt đẹp nhất, trước hết, phải xác định xem một cuộc đời đáng sống nhất là một đời sống như thế nào. Khi ta còn chưa biết chắc về điều này, thì ta cũng không biết chắc được cái mô hình chính quyền nào là tốt đẹp nhất. [Tuy nhiên,] trong trật tự của thiên nhiên, ta có thể đoán được những người sống một đời sống tốt đẹp là những người được sống trong một chính thể tốt đẹp nhất mà hoàn cảnh cho phép. Do đó, trước hết, ta nên xác định thế nào là một cuộc đời đáng sống, và xét xem một đời sống như vậy có phải là một đời sống tốt đẹp nhất cho cả cá nhân và chế độ hay không?

Trong những phần thảo luận bên ngoài Học Viện, ta đã bàn về những yếu tố tạo nên một đời sống tốt đẹp nhất; ở đây chỉ xin nhắc lại sơ lược. Chắc chắn ai cũng đồng ý rằng, để có một đời sống tốt đẹp, con người cần có ba “cái tốt” – vật chất, thể chất, và tinh thần. Chắc chắn rằng, chẳng ai có thể nói mình là người hạnh phúc mà lại nhút nhát đến nỗi sợ cả một con bọ bay qua, hay thiếu tiết độ và khôn ngoan mà phạm vào tội ác chỉ để thỏa mãn lòng ham mê ăn uống, hay hy sinh cả người bạn thân thiết vì những lợi ích cỏn con, hay có một thể chất và tâm tính yếu nhược như một đứa bé. Hầu như ai cũng công nhận những điều này, nhưng con người khác nhau về mức độ hoặc xếp những giá trị này có cao có thấp. Có người nghĩ rằng, chỉ cần một phần đạo đức vừa phải thôi là đủ rồi mà chẳng đếm xỉa gì đến việc giới hạn lòng ham muốn của cải, tài sản, danh vọng, quyền lực, vân vân. Đối với những người này, ta chỉ cần đưa ra những sự thật mà ai cũng công nhận; đó là, người ta không có đức hạnh hay không giữ được đức hạnh bằng vật chất bên ngoài, nhưng có được vật chất bên ngoài là nhờ vào đức hạnh. Còn những người có hạnh phúc, không kể hạnh phúc về thể xác hay tinh thần, thường là những người đã dày công tu dưỡng đức tính, tâm trí, và chỉ có một số vật chất bên ngoài vừa đủ, chứ không phải là những người có thừa mứa vật chất bên ngoài, nhưng lại nghèo nàn về đức tính. Nhận xét này không những chỉ là kết quả của kinh nghiệm, mà nếu nghĩ cho kỹ, sẽ thấy rất phù hợp với luận lý. Ta thấy rõ tất cả vật chất bên ngoài đều có giới hạn, và cũng như mọi dụng cụ, hoặc những thứ gì hữu dụng cho con người, thì khi có nhiều quá những thứ này sẽ làm hại con người, hoặc là không còn hữu dụng cho con người nữa. Đối với tinh thần hay tâm hồn, trái lại, những gì làm tốt cho tâm hồn thì càng có nhiều càng tốt, và đó mới xứng đáng gọi là hữu dụng. Một cách tổng quát, ta có thể nói mà không cần chứng minh là nếu tình trạng tốt nhất của vật A tốt hơn tình trạng tốt nhất của vật B, thì A cũng tốt hơn B.  Cho nên, nếu tinh thần được xem là cao cả hơn vật chất hay thể chất, theo cả nghĩa tuyệt đối và tương đối, thì ta phải đồng ý là tình trạng tốt nhất của tâm hồn cũng phải cao cả hơn tình trạng tốt nhất của vật chất hay thể chất. Tóm lại, vì tinh thần mà người ta cần đến vật chất và thể chất, và người khôn nên chọn những gì làm lợi cho tinh thần, chứ không chọn những gì làm lợi cho vật chất hay thể chất mà có hại đến tinh thần.

Ta hãy thừa nhận rằng, khi đức hạnh và sự khôn ngoan của một người được thể hiện qua hành động càng nhiều bao nhiêu, thì người đó càng có được hạnh phúc nhiều bấy nhiêu. Thượng Đế là bằng chứng cho chân lý này, vì hạnh phúc và phước hạnh là tự tính của Thượng Đế chứ không phải từ ngoại vật. Từ đó, ta có thể phân biệt được đâu là vận may và đâu là hạnh phúc. Con người có thể do sự tình cờ và ngẫu nhiên mà có được những điều tốt đẹp “thân ngoại chi vật,” và ta gọi đó là vận may; nhưng chẳng có ai đạt được sự công chính và điềm đạm (qua đó có được hạnh phúc) vì tình cờ hay ngẫu nhiên cả, [mà phải qua một quá trình tu tập]. Tương tự như thế, và cùng một lý luận, ta có thể suy ra, một quốc gia hạnh phúc là một nước tự nó đã có một nền đạo đức tốt nhất và có những hành động đúng đắn, bởi vì người ta không thể làm “tốt” nếu không làm “đúng.” Cả cá nhân và quốc gia cũng vậy, không thể có những hành vi đúng đắn mà lại thiếu đức hạnh và sự khôn ngoan. Như vậy, sự can đảm, công bình, và sự khôn ngoan của một nước cũng có cùng một hình thức và bản chất như những đức tính giúp cho cá nhân có được sự khôn ngoan, công bằng, và điều độ.

Sự trình bày này chỉ đủ làm phần khai từ cho lập luận của chúng ta mà thôi, vì tôi không thể không nhắc tới hay đi sâu vào chi tiết của những vấn đề này, nhưng thêm nữa thì đó lại là phạm vi của một ngành học khác.

Tới đây, ta có thể giả thiết rằng, một đời sống tốt nhất cho cả cá nhân và nhà nước là một đời sống đức hạnh cộng với sự đầy đủ về vật chất và thể chất để thực hành được những hành động tốt. Nếu có ai còn muốn tranh luận về luận cứ này, ta đành phải bỏ qua và sẽ trở lại với họ trong một trường hợp khác.

Chương 2

Vấn đề kế tiếp cần được thảo luận là hạnh phúc của cá nhân và của quốc gia giống nhau hay khác nhau? Câu trả lời thật hiển nhiên vì ai cũng đồng ý là hạnh phúc của cả hai giống như nhau. Đối với những người cho rằng hạnh phúc của cá nhân nằm ở chỗ có nhiều của cải, thì họ cũng cho rằng một nước có hạnh phúc là một nước giàu có về vật chất. Đối với những người cho rằng phải có uy quyền như một nhà độc tài mới là hạnh phúc, thì họ cũng cho rằng một nước có hạnh phúc là một đế quốc cai trị nhiều nước khác. Còn những người cho rằng một đức hạnh mới tạo nên hạnh phúc, cũng cho rằng một nước càng có đạo đức chừng nào thì nước đó càng có hạnh phúc chừng đó. Có hai điểm ta cần xem xét ở đây. Câu hỏi thứ nhất có hai phần: đời sống của một người công dân [có những bổn phận và nghĩa vụ đối với đất nước], và đời sống của một ngoại kiều chẳng có mối dây quan hệ chính trị nào hết, thì đời sống nào đáng sống hơn? Và câu hỏi thứ hai: mô hình chính quyền nào là mô hình tốt nhất, hay điều kiện tốt nhất của một nước là điều kiện nào, giả thiết rằng ai cũng muốn tham gia vào chính sự, hoặc là chỉ có một đa số nào đó mà thôi? Vì câu hỏi thứ hai liên quan đến những suy tư và bàn luận chính trị mà chúng ta cũng đang thảo luận về chính trị , nên đó sẽ là chủ đề chính của chúng ta.

Ta thấy hiển nhiên rằng, mô hình chính quyền tốt nhất là một chính quyền trong đó mọi người, bất kể là ai, đều có thể sinh hoạt theo đúng khả năng cao nhất của họ và sống một đời sống hạnh phúc. Nhưng ngay cả đối với những người đồng ý rằng một đời sống đức hạnh là một cuộc đời đáng sống nhất cũng có quan điểm khác nhau về vấn đề sau: giữa hai đời sống của những người tích cực tham gia vào chính sự và đời sống của những người không cần đến của cải vật chất–đời sống của những triết gia, thì đời sống nào có ý nghĩa và đáng sống hơn? Cả hai đời sống này—của triết gia và của chính khách—được những người cổ xúy cho đức hạnh, không những thuộc thời đại của chúng ta mà còn thuộc những thời đại trước, tán thưởng. Nhưng phân định giữa hai đời sống này, đời sống nào là đời sống tốt đẹp hơn, thì lại không phải là việc dễ dàng, vì một người khôn ngoan, cũng giống như một nước khôn ngoan, nhất thiết phải tổ chức đời sống của mình nhằm đạt được cứu cánh tốt nhất. Đó là những người cho rằng, sự cai trị độc đoán đối với người khác là điều cực đại bất công, còn việc phải áp dụng luật lệ hợp hiến đối với người khác, dù những luật lệ này chính đáng, cũng là một sự trở ngại lớn lao cho phúc lợi cá nhân của một người. Những người khác lại có quan điểm trái ngược, họ cho rằng, đời sống thật sự của con người là đời sống nhập thế của hành động thực tiễn và chính trị, và đức hạnh là những gì mà cả nhà lãnh đạo lẫn người dân thường phải thực hành. Lại có những người cho rằng, chỉ có quyền lực độc đoán mới đem lại hạnh phúc; thực ra, có những nước mà toàn bộ cứu cánh của luật pháp và cơ cấu chính trị đều nhắm tới việc thống trị những nước lân bang, và tuy tại hầu hết các nước, luật pháp thường gồm rất nhiều điều hỗn tạp, nhưng một khi đã nhắm vào mục đích nào, thì mục đích chính yếu vẫn là duy trì quyền lực: như ở Sparta và Crete, hệ thống giáo dục và đa số luật lệ được ban hành đều có khuynh hướng trọng võ và chiến tranh.Và trong tất cả những nước có đủ sức để thôn tính nước khác, thì tinh thần trọng võ và trọng chiến được đề cao, như ta thấy ở các sắc dân Scythian, Ba Tư, Thracian, và Celts. Một số nước còn khuyến khích và cổ xúy những đức tính quân sự, như ở Carthage, trai tráng được kính trọng qua số băng đeo tay, biểu hiệu của những chiến trận mà họ đã tham gia. Ở Macedonia, có một đạo luật buộc những ai chưa từng giết quân thù (ngoài mặt trận) chỉ được dùng dây thừng làm thắt lưng chứ không được thắt đai, và tại Scythya, những ai chưa từng giết quân thù, không được uống chung ly rượu được chuyền tay trong một số lễ hội. Tại Iberia, một nước hiếu chiến, xung quanh mồ mả của những chiến binh, người ta dựng những tháp nhỏ tượng trưng cho số quân thù đã bị chiến binh này giết chết. Tại những nước khác, còn nhiều cách thức, một số do luật pháp ấn định, một số do tục lệ mà thành.

Những người có một chút suy tư sẽ lấy làm lạ, tại sao một nhà lãnh đạo quốc gia lại luôn luôn nghĩ đến việc thống trị những nước khác, dù cho họ có chịu hay không. Dựa trên căn bản nào mà những điều không hợp pháp lại là công việc của nhà lãnh đạo quốc gia hay của nhà lập pháp? Cai trị mà không đếm xỉa gì đến có sự công bằng hay không thì chắc chắn là điều bất hợp pháp, bởi vì có sức mạnh chưa hẳn lúc nào cũng đúng. Không có một ngành nghề nào hay khoa học nào tương đương với kiểu cai trị độc đoán như thế này. Y sĩ hay thuyền trưởng chẳng hạn, chẳng có ai nghĩ là họ sẽ dùng đến sự cưỡng bách bệnh nhân hay thủy thủ đoàn phải nghe theo họ. Thế mà có nhiều người vẫn nghĩ rằng, sự cai trị độc tài là nghệ thuật trị nước, và những gì họ xem là bất công hay bất lợi cho họ, thì họ cũng chẳng ngại ngùng xấu hổ gì khi áp dụng cho kẻ khác. Họ đòi hỏi phải được cai trị công bằng, nhưng chẳng buồn quan tâm đến những người khác khi bất công xảy đến với những người này. Cách hành xử như vậy là phi lý; trừ phi một bên được sinh ra để phục vụ bên kia. Trong trường hợp đó, người ta có quyền chỉ huy, không phải tất cả những người khác, nhưng chỉ đối với những người sinh ra để phục vụ mà thôi. Người ta không đi săn người để ăn thịt hay làm của tế lễ, nhưng chỉ săn thú để làm lương thực hay của lễ, vì mục đích của thịt thú rừng là để ăn và làm vật tế.  Chắc chắn cũng có những nước sống hạnh phúc trong tình trạng tự cô lập, và ta cũng có thể giả thiết là những nước như vậy được cai trị khéo léo với những luật lệ tốt đẹp; và vì thế, những nước như vậy không phải được thành lập nhằm vào mục tiêu chiến tranh hay chinh phục nước khác—tất cả những điều như vậy phải bị gạt bỏ khỏi hiến pháp. Cho nên, ta thấy rõ ràng, những mưu đồ chiến tranh, dù được nhiều người xem là điều vinh dự, không phải là cứu cánh tối thượng mà chỉ là phương tiện. Và nhà lập pháp giỏi nên suy xét xem làm thế nào để cho các nước, các giống dân khác nhau và những cộng đồng có thể sống một đời sống tốt đẹp, trong đó, hạnh phúc là điều họ có thể đạt được. Việc ban hành những luật lệ không phải lúc nào cũng như nhau, khi có những nước chung quanh, nhà lập pháp còn phải nghiên cứu những phương sách nào nên làm đối với những đặc tính khác nhau của từng nước và những biện pháp nào là thích hợp trong quan hệ đôi bên.  Nhưng cứu cánh của một nhà nước lý tưởng là gì, ta sẽ bàn tới trong những chương sau.

Chương 3

Bây giờ ta hãy xét đến quan điểm của những người đồng ý rằng, đời sống đức hạnh là cuộc đời đáng sống nhất, nhưng khác nhau ở cách thực hiện. Một bên cho rằng, phải từ bỏ quyền lực chính trị, và nghĩ rằng, đời sống của con người tự do là một đời sống tốt đẹp nhất, khác hẳn với đời sống của con người chính trị; trong khi đó, bên kia lại cho rằng, đời sống của con người chính trị mới là đời sống tốt đẹp nhất. Lập luận của phái thứ hai cho rằng, những ai không làm gì hết––sống một đời tự do, thì không thể làm tốt, và những hoạt động đạo đức đồng nghĩa với hạnh phúc. Cả hai phái đều có phần đúng và có phần sai. Phái thứ nhất có lý khi xác định rằng, đời sống của con người tự do tốt hơn đời sống chủ nhân của nô lệ, bởi vì chẳng có gì cao cả trong việc cai quản nô lệ, hay khi sai phái nô lệ làm việc hầu hạ mình. Nhưng khi cho rằng, sự cai trị nào cũng có tính chất chủ tớ như giữa chủ nhân và nô lệ thì cũng sai nốt, vì có một sự khác biệt lớn lao giữa luật lệ đối với người tự do và luật lệ đối với nô lệ, vì bản chất của người tự do và nô lệ vốn dĩ khác nhau. Điều này ta đã bàn đến trong Chương thứ nhất rồi. Phái thứ nhất còn có một sai lầm khác khi cổ võ cho “vô vi,” và ca tụng sự xuất thế, vì hạnh phúc chính là sự hoạt động, và hành động của những người khôn ngoan và công bằng là sự thể hiện của những gì xứng đáng gọi là cao nhã.

Nhưng có lẽ vẫn có những người, dù chấp nhận tiền đề này, cho rằng nắm được quyền lực tối thượng là điều tối ưu, bởi vì người có quyền lực tối thượng sẽ có thể thực hiện nhiều hành vi cao cả nhất. Nếu ta chấp nhận lý luận này, thì phải chấp nhận rằng, người có khả năng cai trị, thay vì nhường nhịn cho hàng xóm của mình, nên chiếm hết quyền lực của y; người cha không cần đếm xỉa gì đến con, con cái đối với cha mẹ, hay bạn bè đối với nhau cũng vậy. Họ không cần phải quan tâm đến ai hết khi so sánh với cái mục đích cao hơn này, vì điều tốt đẹp nhất là điều mà ai cũng mong ước, và có quyền lực để làm nhiều hành vi cao cả chính là điều tốt nhất. Lập luận này cũng có thể có phần đúng nếu ta cho rằng, những kẻ đi ăn cướp là để đạt lấy điều tốt đẹp. Nhưng không phải như vậy, vì họ đã đặt sai giả thuyết. Hành động của người cai trị không thể nào được coi là đáng kính, nếu người đó không quan tâm và lo toan cho những người dưới mình, như người chồng đối với vợ, cha đối với con, hay chủ nhân đối với tôi tớ. Do đó, những ai đã phạm luật, làm những việc xấu xa (cứu cánh biện minh cho phương tiện) không thể nào lấy lại được vị thế cao quý mà họ đã đánh mất khi đã đi chệch khỏi con đường đức hạnh, bằng bất kỳ những thành công dù lớn lao đến thế nào. Trong một xã hội bình đẳng, những người bình đẳng đều có quyền giữ chức vụ trong chính quyền như nhau. Nhưng nếu những người không bình đẳng lại được hưởng như những người bình đẳng, và những người bình đẳng lại bị đối xử không bình đẳng, thì đó là điều đi ngược với tự nhiên, và chẳng có gì đi ngược với tự nhiên mà lại tốt đẹp được. Thành ra, nếu một ai có đức hạnh siêu việt và có khả năng để thực hiện những gì tốt đẹp nhất, thì ta phải đi theo và vâng lời người đó thôi. Nhưng, người đó phải có cả khả năng hành động lẫn đức hạnh.

Nếu nhận định của chúng ta đúng và hạnh phúc được xem như là hoạt động đức hạnh, thì một đời sống hoạt động là đời sống tốt nhất cho cả quốc gia, nói chung, và cá nhân, nói riêng. Một đời sống hoạt động không nhất thiết phải là những hoạt động liên quan đến người khác như một số người vẫn nghĩ, cũng không phải chỉ là những tư tưởng thực tiễn để khi thực hiện đưa ra những kết quả cụ thể, nhưng còn là những ý tưởng và suy tư mà tự nó đã độc lập và trọn vẹn. Vì hoạt động đức hạnh bao gồm những hành vi thuộc loại này là cứu cánh, và ngay cả trong trường hợp có những hành vi được thể hiện ra bên ngoài, thì những hành vi này đã được điều khiển bởi tư tưởng độc lập và trọn vẹn trong tâm trí. Tương tự như thế, không nhất thiết một nước chọn “bế quan tỏa cảng” là một nước không hoạt động, vì sự hoạt động, cũng như những điều khác, có thể xảy ra theo từng phần và có nhiều cách để những phần khác nhau của một nước có hành vi tương tác với nhau. Điều này cũng đúng đối với từng cá nhân. Bởi vì nếu điều này mà sai, thì cả Thượng Đế và vũ trụ––tác nhân không có những hoạt động gì khác hơn là những hoạt động trên năng lực nội tại––còn lâu mới được coi là toàn hảo. Do đó, một cách hiển nhiên, đời sống tốt nhất cho cá nhân cũng là đời sống tốt nhất cho quốc gia và nhân loại nói chung.

Chương 4

Trong những chương trước, ta đã bàn về những mô hình khác nhau của chính quyền. Trong những phần còn lại, điểm đầu tiên ta sẽ bàn đến là một nhà nước lý tưởng cần có những điều kiện nào, vì một nhà nước (dù lý tưởng đi nữa) cũng không thể nào hiện hữu được nếu không có nguồn cung cấp những phương tiện sống. Và như vậy, ta phải giả thiết trước một số những điều kiện, tưởng tượng thôi, nhưng không hẳn là không thể có được. Phải có một số dân nào đó, một vùng đất để cho họ sinh sống, và những điều tương tự như vậy. Cũng giống như người thợ dệt, thợ đóng tàu, hay những ngành nghề khác, cần phải có những vật liệu thích hợp cho công việc của họ (và vật liệu càng được lựa chọn kỹ bao nhiêu, thì thành quả cũng sẽ tốt hơn bấy nhiêu), nhà lãnh đạo hay nhà lập pháp cũng phải có những vật liệu thích hợp cho việc xây dựng một nhà nước lý tưởng.

Trong những vật liệu mà nhà lãnh đạo cần trước nhất, là dân số: nhà lãnh đạo phải xác định con số bao nhiêu thì vừa và người dân phải có những đặc tính như thế nào. Sau đó là diện tích và đặc tính của đất đai. Đa số nghĩ rằng, một nước muốn có hạnh phúc thì nên là một nước lớn; nhưng ngay cả khi điều này đúng đi nữa, họ cũng không biết thế nào là lớn và thế nào là nhỏ. Họ đánh giá sự lớn mạnh của quốc gia bằng dân số; nhưng thực ra, họ không nên chú trọng vào con số mà phải chú trọng vào khả năng của nước đó. Một quốc gia, cũng giống như một con người, có một chức năng phải thi hành, và nước nào được tổ chức tốt nhất để chu toàn được chức năng, thì nước đó được xem là nước “lớn” nhất. Điều này cũng giống như khi ta nói Hippocrates là một vĩ nhân, không phải là vì ông là một người to lớn hơn người khác, mà vì ông là một bậc thầy về y học. Ngay cả khi ta tính sự lớn mạnh của một nước bằng con số, ta cũng không thể gồm hết tất cả mọi người, vì trong một nước, chắc chắn sẽ có nào là nô lệ, người thường trú, và cả ngoại kiều; cho nên, ta chỉ có thể kể những ai là công dân và là phần tử thiết yếu của nước đó mà thôi. Con số công dân mới là bằng chứng về sự lớn mạnh của một nước. Nhưng, nếu một nước chỉ sản sinh ra được thật nhiều thợ mà lại thiếu binh sĩ, thì cũng không được coi là lớn mạnh. Một nước lớn mạnh không hẳn là một nước đông (công) dân. Thêm vào đó, kinh nghiệm cho thấy, một nước đông dân hiếm khi được cai trị tốt, vì tất cả những nước nổi tiếng có một nền chính trị tốt đều là những nước có dân số giới hạn. Cứ theo luận lý mà bàn, ta sẽ có cùng một kết luận như sau: bởi vì luật pháp có nghĩa là trật tự, và một hệ thống luật pháp tốt tạo nên một sự ổn định trật tự tốt. Nhưng, đối với một số thật đông người thì không thể tạo nổi trật tự trong số đông này được. Công việc thiết lập trật tự trong một con số vô hạn là công việc và sức mạnh của thần thánh––một sức mạnh giữ mọi vật, mọi loài trong vũ trụ lại với nhau. Cái đẹp [của vũ trụ] được thể hiện qua con số nhiều và khối lượng lớn, và nước nào kết hợp được cả khối lượng lớn với trật tự, thì nước đó được xem là nước tốt đẹp nhất. Nhưng diện tích của nước nào cũng có giới hạn, như kích thước của những vật khác–thảo mộc, thú vật, vật dụng. Những thứ này sẽ mất đi khả năng thực hành chức năng của nó hoặc sẽ bị hư hỏng nếu nó trở nên quá lớn hoặc quá bé. Thí dụ, một chiếc tàu chỉ dài có một sải tay, hay một chiếc tàu dài hơn một phần tư dặm, thì không thể gọi là chiếc tàu được, tuy nhiên, cũng có khi người ta đóng một chiếc tàu quá lớn hoặc quá nhỏ, nhưng chiếc tàu đó dùng để di chuyển thì không được dễ dàng.  Tương tự như thế, một nước khi có quá ít dân, thì cũng không thành một nước được vì thiếu tính chất tự túc; còn khi quá đông, thì thỏa mãn được tính chất tự túc vì đông người cung ứng được mọi nhu cầu cho nhau, nhưng vẫn không là một nước, vì rất khó để mọi người đồng ý trên một cơ cấu chính trị. Tỷ như ai sẽ là thống soái của muôn vạn dân, và ai sẽ là truyền lệnh sứ cho mọi người cùng biết nếu không có giọng nói oang oang của Stentor?

Một nước chỉ bắt đầu hiện hữu khi đạt được một dân số đủ lớn để tạo nên một đời sống tốt đẹp trong một cộng đồng chính trị. Một nước, thực ra, nếu có dân số hơi vượt quá con số “đủ” này, có thể trở thành một nước lớn mạnh hơn. Nhưng, như ta đã bàn, phải có một giới hạn. Con số giới hạn đó là gì, thì qua kinh nghiệm, ta thấy cũng không khó xác định cho lắm. Cả người cầm quyền và người dân đều có chức năng riêng biệt phải thực hiện; chức năng của người cầm quyền là cai trị và phân xử, [còn chức năng của người dân là bầu ra người cầm quyền]. Nhưng, nếu người dân muốn bầu ra người xứng đáng, căn cứ trên tài năng của họ, thì người dân cần phải biết rõ về tư cách và phẩm hạnh của ứng viên; nếu không, việc bầu cử sẽ sai lầm và việc cai trị đất nước hay phán xử cũng sai nốt. Khi dân số quá đông, việc chọn nơi cư trú của họ cũng tùy theo ý thích; đây là một việc nên tránh. Thêm nữa, khi dân số quá đông, ngoại kiều và thường trú nhân cũng dễ dàng làm những việc chỉ có công dân mới có quyền làm, vì dân số đông quá, ai kiểm tra cho nổi? Như vậy, cái giới hạn về dân số tốt nhất cho một nước là con số vừa đủ để một nước có thể tự túc trong mọi sinh hoạt vật chất của đời sống và có thể kiểm tra dân số một cách dễ dàng [để người dân đều biết rõ khả năng và tài đức của nhau]. Đến đây ta đã bàn tạm đủ về diện tích và dân số của một nước.

Chương 5

Ta cũng sẽ áp dụng nguyên tắc tương tự như nêu trên trong việc ấn định lãnh thổ quốc gia: ai cũng muốn có một lãnh thổ tự nó có thể hoàn toàn tự túc ; đó là một lãnh thổ sản xuất được những gì con người cần, vì tự túc có nghĩa là có được mọi điều, không thiếu thứ gì hết, và có thể sản xuất được mọi loại nông phẩm. Còn về diện tích và phạm vi thì lãnh thổ phải đủ rộng để người dân có thể sống nhàn hạ trong tự do, tiết độ. Vấn đề đặt ra giới hạn như vầy là đúng hay sai, ta sẽ bàn thêm trong phần sau, khi bàn đến việc sử dụng đúng đắn tài sản và của cải: một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi, vì con người vẫn có khuynh hướng thiên về những gì thái quá, một số người chủ trương phải có đời sống xa hoa, một số khác lại quá bủn xỉn, bần tiện.

Việc xác định đặc tính của địa thế của lãnh thổ, nói chung, thật ra cũng không khó lắm, và ta cũng phải ghi nhận quan điểm của những nhà quân sự: đó là, địa thế phải đủ hiểm trở để ngăn quân giặc, nhưng cũng phải thuận tiện cho dân cư đi lại. Thứ hai, như đã bàn ở trên là vấn đề kiểm kê dân số phải dễ dàng, thì vấn đề lãnh thổ cũng vậy, phải dễ quan sát mới dễ bảo vệ. Về vị trí của thủ đô quốc gia, nếu ta có thể chọn lựa được, nên chọn ở chỗ thuận đường giao thông, đường bộ cũng như đường thủy. Điều này liên quan đến hai nguyên tắc. Thứ nhất, vị trí của thủ đô cũng là trung tâm quân sự của cả nước phải thuận lợi cho việc điều quân bảo vệ toàn lãnh thổ; thứ hai, phải thuận lợi cho việc thương mại, vận chuyển cùng phân phối lương thực cũng như sản vật của cả nước.

Chương 6

Việc thông thương bằng đường biển sẽ có lợi cho một nước được tổ chức và cai trị khéo léo hay không là một vấn đề vẫn thường được bàn cãi. Có người cho rằng, việc đưa những người xa lạ đã lớn lên dưới những luật lệ khác nhập cư để khiến cho dân số gia tăng là điều làm phương hại đến trật tự tốt đẹp của đất nước; sự gia tăng này là điều không thể tránh khỏi khi có hàng đoàn thương buôn đường biển tới lui giao dịch; điều này sẽ khiến cho việc cai trị gặp khó khăn. Ngoài những mối quan ngại này, về phương diện quốc phòng và kinh tế (trao đổi nhu yếu phẩm), thực ra, một nước có thông thương đường biển vẫn có lợi thế hơn những nước không có đường biển. Về phương diện phòng thủ, quân đội sẽ dễ chống trả với sự tấn công của kẻ thù trên tuyến phòng thủ hoặc là đường biển hoặc là đường bộ. Còn về tấn công, tấn công bằng hai mặt thủy bộ sẽ có nhiều lợi thế hơn là chỉ tấn công trên một mặt trận. Thêm nữa, một nước cũng cần nhập cảng những sản phẩm mà trong nước không sản xuất được, cũng như xuất cảng những gì thặng dư. Thực ra, một nước nên trở thành một thị trường để đáp ứng nhu cầu của chính mình, chứ đừng nên trở thành một thị trường cho những nước khác vào buôn bán. Những nước trở thành thị trường cho thế giới buôn bán là những nước nhằm tìm kiếm lợi nhuận; nhưng một nước không nên tìm kiếm những lợi nhuận như vậy, bởi thế, một quốc gia không nên biến mình thành nơi thị tứ cho thế giới. Ngày nay, ta thấy tại nhiều nước, những hải cảng thường được đặt cách biệt ở ngoại vi, không gần mà cũng không xa lắm trung tâm thành phố, và trung tâm thành phố thì có tường thành bao bọc và đồn lũy bảo vệ. Những thành phố nào thiết kế theo kiểu này được hưởng lợi nhờ giao dịch với hải cảng, và tường thành cùng luật lệ cho phép ai được giao dịch với ai, đã tạo thành rào chắn những ảnh hưởng xấu do ngoại nhân mang đến.

Ta thấy hiển nhiên một nước có lực lượng hải quân tương đối mạnh là một lợi thế của nước đó không chỉ về phương diện phòng thủ. Một nước không những phải có sức mạnh đáng nể đối với chính dân của mình mà còn đối với những lân bang nữa để, nếu cần, có thể hỗ trợ cho lân bang bằng đường biển cũng như đường bộ. Lực lượng hải quân lớn cỡ nào thì vừa, còn tùy vào đặc tính của mỗi nước. Nếu một nước muốn đóng vai trò tích cực trong quan hệ và lãnh đạo các nước khác, thì lực lượng hải quân cũng phải tương xứng với vai trò này. Dân số không cần phải tăng gia để đáp ứng cho lực lượng hải quân, vì thủy thủ đương nhiên là công dân rồi, tức là những người tự do có quyền kiểm soát và chỉ huy trạo phu. Còn trạo phu thì không thiếu gì từ những nông nô hay lao động.  Ngày nay, ta còn thấy điều này được áp dụng như tại Heraclea [trên bờ Hắc Hải] chẳng hạn. Tuy là một nước nhỏ so với nhiều nước khác, Heraclea vẫn có một hạm đội đáng nể. Tới đây là phần kết luận của đề tài liên quan đến lãnh thổ, hải cảng, thị trấn và mối quan hệ của những điều này với sức mạnh hải quân và thông thương đường biển.

Chương 7

Sau khi đã bàn về dân số, ta sẽ bàn về những tính chất mà người dân của một nhà nước lý tưởng phải có. Điều này cũng rất dễ hiểu đối với những ai đã từng quan sát những quốc gia nổi tiếng trong cõi Hy-lạp  và những sắc dân sinh sống rải rác trong cõi này. Những người sống trong khí hậu lạnh ở Âu châu là những người đầy nhiệt huyết, hăng hái nhưng lại thiếu thông minh và khéo léo; do đó, họ còn sống tương đối tự do, nhưng lại không có tổ chức chính trị cũng như thiếu khả năng cai trị người khác. Trong khi đó, những người sống ở Á châu có được sự khôn ngoan và khéo léo, nhưng lại thiếu nhiệt huyết và sự hăng hái, cho nên, lại bị người khác áp chế và ở trong trạng thái nô lệ. Nhưng giống dân Hy-lạp , sinh sống trong khu vực ở giữa hai cực này, cho nên tính chất cũng trung dung, vừa có sự hăng hái nhiệt tình, vừa có sự khôn ngoan. Do đó, giống dân này tiếp tục được sống tự do và có thể sống với nhau trong những tổ chức chính trị. Và khi kết hợp lại thành một nước, họ có khả năng cai trị cả thế giới. Những sự khác biệt ta bàn ở trên, thực ra, cũng hiện hữu trong những bộ lạc khác nhau của Hy-lạp . Có bộ lạc chỉ có một bản tính, hoặc là khôn ngoan, hoặc là can đảm, trong khi những bộ lạc khác có sự phối hợp cả hai đức tính kể trên. Ta thấy hiển nhiên  sắc dân nào vừa khôn ngoan vừa can đảm là sắc dân dễ được nhà lập pháp hướng dẫn tới đời sống đức hạnh nhất. Có người cho rằng, nhà lãnh đạo nên tỏ ra thân thiện đối với những người mà họ quen biết, và khó khăn đối với kẻ lạ. Đó là thái độ của những người nóng tính. Nhiệt tình là một phẩm tính của tâm hồn, giúp cho ta kết bạn và cho ta khả năng yêu thương. Nhưng cũng chính nhiệt tình khiến cho ta trở nên tức giận và khích động hơn khi ta nghĩ là bị người thân quen xúc phạm. Đó cũng chính là lý do mà Archilochus, khi than phiền về bạn bè của mình, đã diễn tả bằng câu: “Càng quen thì lại càng đau.”

Mọi người, ai cũng có khuynh hướng muốn chỉ huy người khác và yêu chuộng tự do. Khuynh hướng này được đặt trên phẩm tính của nhiệt tình, vì nhiệt tình có tính chất chỉ huy và rất khó chế ngự. Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là nhà lãnh đạo phải có thái độ hung hăng, khó chịu đối với những người lạ, vì ta không nên nổi nóng đối với bất kỳ ai, và nhà lãnh đạo là người có tâm hồn cao thượng thì không thể có bản chất hung hăng được, và chỉ nên nổi giận đối với những kẻ làm việc ác, có tâm địa xấu xa. Điều này, như đã trình bày trước đây, là một tình cảm mà người ta cảm nhận rất mạnh mẽ, nhất là đối với những người được coi là bạn nhưng lại đối xử xấu với họ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ, ngoài việc bị tổn thương thực sự vì hành động xấu của người bạn, người ta còn bị tổn thương vì sự vô ơn của người bạn. Cho nên có câu nói: “Thương nhau lắm cắn nhau đau,” và “nồi da xáo thịt.”

Tới đây ta đã xác định gần xong con số và tính cách của người dân, cũng như diện tích và lãnh thổ thiên nhiên của một nước. Tôi nói là “gần xong,” vì trên thực tế, ta không nên quá để ý đến những chi tiết trong lý thuyết về một nhà nước lý tưởng.

Chương 8

Cũng giống như trong hợp chất thiên nhiên, những điều kiện của một hợp chất không nhất thiết phải là những phần tử hữu cơ của nó.  Cho nên, trong một nước hay trong bất cứ một sự kết hợp nào tạo nên một thể thống nhất, không phải điều kiện cần thiết nào cũng là một bộ phận hữu cơ. Thành viên của một nhóm người nhất thiết phải có một điều nào đó giống nhau và chung nhất cho toàn thể mà điều đó họ có thể chia đều cho nhau hoặc là không đều nhau, thí dụ như thực phẩm, đất đai hay bất kỳ thứ nào khác.

Nhưng khi có hai vật mà một là phương tiện, còn một là mục đích, thì hai vật này chẳng có gì chia sẻ chung với nhau hết, ngoại trừ một đằng là tiếp nhận những gì mà vật kia cung cấp. Thí dụ cho dễ hiểu, giữa người thợ và những dụng cụ của anh ta, có một mối quan hệ nhất định cần cho công việc; giữa căn nhà và người xây nhà, chẳng có mối tương quan nào hết, nhưng tay nghề của người thợ lại là điều cần thiết cho việc xây dựng căn nhà. Cũng như thế, nhà nước cần có tài sản, nhưng tài sản, dù gồm có cả những con người sinh sống trong đó, không phải là một bộ phận của nhà nước; bởi vì nhà nước không phải chỉ là một cộng đồng gồm những con người sống trong đó mà thôi, mà còn là một cộng đồng bình đẳng, nhắm đến một đời sống tốt đẹp nhất có thể được.

Vì hạnh phúc là điều tốt đẹp cao nhất, bởi vì đó là đức hạnh đã được thể hiện và hoàn chỉnh qua tu tập mà chỉ có một số người đạt được, còn những người khác thì chỉ có rất ít ỏi hay không có chút nào hết, ta thấy những phẩm chất khác nhau của con người rõ ràng là lý do tại sao lại có nhiều loại quốc gia khác nhau cùng với nhiều mô hình chính quyền khác nhau—những người khác nhau tìm kiếm hạnh phúc theo những cách khác nhau và bằng những phương tiện khác nhau. Ta phải xét xem, đối với sự hiện hữu của một nước, những điều nào là không thể thiếu được, tức là gồm có những bộ phận của một nước và những điều kiện cần thiết. Muốn vậy, ta hãy liệt kê những chức năng của một nhà nước và qua đó sẽ thấy những điều ta cần biết là gì:

Trước hết, phải có nông (thức ăn); thứ hai, phải có công, vì đời sống cần có nhiều dụng cụ; thứ ba, phải có binh khí, vì thành viên của một cộng đồng cần có vũ khí để duy trì uy quyền chống lại sự bất tuân của thần dân và chống lại ngoại xâm; thứ tư, phải có tài chánh cho nhu cầu nội địa và mục tiêu chiến tranh; thứ năm, thực ra phải là thứ nhất mới đúng, phải có một tôn giáo mà cả cộng đồng thờ phụng; thứ sáu, và điều này là điều quan trọng nhất, là quyền lực để quyết định xem điều nào phù hợp với lợi ích chung và thế nào là công bình trong cách cư xử giữa người dân với nhau.

Đó là những chức năng mà một nhà nước cần có. Vì nhà nước không phải chỉ là một hỗn hợp những con người, mà là một sự kết hợp nhằm đạt đến những mục tiêu của đời sống, và nếu thiếu bất cứ một trong những điều này, ta thấy cộng đồng đó không thể nào đạt được tình trạng tự túc. Một nước, do đó, nên được xây dựng nhằm đạt mục tiêu là thực hiện cho bằng được những chức năng này. Một nước phải có nông dân để làm ra thực phẩm, và công, nghệ nhân để làm ra dụng cụ, có chiến binh, có thành phần giàu có, có giai cấp tu sĩ và quan tòa để quyết định điều gì là cần thiết và có lợi cho quốc gia.

Chương 9

Sau khi đã xác định những điểm này, ta còn phải xét xem có cần để cho công dân chia nhau làm mọi nghề cần thiết hay không? Liệu mọi người phải vừa là nông dân, nghệ nhân, ủy viên, quan tòa, hay giao những nghề này cho những người khác nhau, hoặc chỉ có một số người làm một số nghề nào đó, còn lại thì ai làm cũng được? Những sự sắp xếp khác nhau hiện hữu trong những hiến pháp khác nhau, thí dụ như mọi người đều phải tham gia mọi công việc như nhau, hoặc là chỉ có một số người phụ trách nhiệm vụ nào mà thôi: trong chế độ dân chủ, tất cả dân chúng đều tham gia mọi việc của đất nước; trong chế độ quả đầu, thì theo cách thức ngược lại.

Vì ta đang bàn đến mô hình chính quyền tốt đẹp nhất, nghĩa là một chính quyền mà nhà nước được hạnh phúc nhất (và hạnh phúc, như đã nói ở trên, không thể hiện hữu nếu không có đức hạnh), cho nên, một nước mà được cai trị tốt nhất và có những người dân tuyệt đối công chính, chứ không phải chỉ tương đối theo những nguyên tắc của hiến pháp mà thôi, thì người dân của nước đó không thể là những người thợ, hay thương nhân được—đời sống như vậy là một đời sống hèn mọn và có hại cho sự phát triển đức hạnh. Người dân cũng không thể là nông dân, vì sự thư nhàn là điều kiện cần thiết để phát triển đức hạnh và thi hành những bổn phận chính trị.

Chưa hết, trong một nước, cần có giai cấp chiến binh và nghị viên, tức là những người quyết định vấn đề luật pháp và lợi ích của đất nước. Đây là một lãnh vực đặc biệt của đất nước. Ta có nên phân biệt hai giai cấp này hay giao cả hai chức năng này cho cùng một người? Ta thấy rõ ràng là cả hai chức năng này phải giao cho hai người khác nhau: chiến binh cần sức khỏe, còn nghị viên cần sự khôn ngoan.

Đối với những người khác nhau, ta thấy điều kiện thể chất và việc tương ứng với nhau trong từng giai đoạn. Một mặt, có những việc làm đòi hỏi phải có trí tuệ, có những việc cần tới sức khỏe thể chất. Nhưng mặt khác, vì thật khó cho những người có khả năng sử dụng sức mạnh lại chịu phục tùng người khác mãi mãi, thành ra những người có khả năng sử dụng vũ khí luôn luôn có thể quyết định số phận của một cơ cấu chính quyền. Cho nên, cả hai chức năng này, trong một cơ cấu chính trị lý tưởng, nên giao cho cùng một người, nhưng không phải cùng một thời điểm mà theo một thứ tự được thiên nhiên ấn định, tức là cho người trẻ có sức mạnh và người lớn tuổi có sự khôn ngoan. Một sự phân phối bổn phận như vậy vừa có lợi, vừa công bằng vì được đặt trên nguyên tắc dùng người theo khả năng.

Ngoài ra, giai cấp cai trị nên là những người sở hữu tài sản, vì họ là công dân, và công dân của một nước phải ở trong tình trạng tốt về cả tài chánh lẫn thời giờ; còn những người thợ hay ngành nghề khác không có thì giờ tu tập đạo đức, nên không có phần trong đất nước. Điều này suy ra từ nguyên tắc đầu tiên của chúng ta là: hạnh phúc không thể hiện hữu nếu không có đức hạnh, và một nước không thể được xem là có hạnh phúc chỉ cho một phần nhỏ công dân thôi, mà phải cho tất cả công dân. Thế nên, công dân phải sở hữu tài sản, còn nông dân thì có thể dùng nô lệ, hay những quân rợ Perioeci.

Trong những giai cấp ta vừa kể ra, còn lại là giai cấp tu sĩ. Cách thức tổ chức cơ cấu của giai cấp này, ta cũng biết rõ ràng rồi. Nông dân và công nhân không nên được bổ nhiệm vào giai cấp này, vì chỉ có công dân mới được vinh danh Thần linh mà thôi. Công dân của một nước được chia làm hai giai cấp: chiến sĩ và nghị viên; sự thờ phụng Thần linh là công việc phải được những người thuộc hai giai cấp này thực hiện nghiêm túc. Vì cũng là một sự nghỉ ngơi cho những người đã qua thời hoạt động tích cực, cho nên, những người lớn tuổi trong giai cấp này nên nhận nhiệm vụ làm tăng lữ.

Ta đã xác định đâu là những điều kiện cần thiết, và đâu là những bộ phận của một nước: nông dân, công nhân, và giới lao động chân tay là những bộ phận cần thiết cho sự hiện hữu của nhà nước, ngoại trừ bộ phận chiến sĩ và nghị viên. Những phần tử này là những phần tử khác biệt nhau. Có những phần tử khác biệt nhau mãi mãi (như những phần tử thuộc điều kiện cần thiết), còn những phần tử khác thì khác nhau theo từng giai đoạn (như sự chuyển hóa từ giai cấp chiến sĩ [trẻ tuổi], sang giai cấp nghị viên [lớn tuổi]).

Chương 10

Sự kiện một nước nên được chia thành nhiều giai cấp, và giai cấp chiến sĩ phải được tách ra khỏi giai cấp nông dân, chẳng phải là điều gì mới mẻ, hay mới vừa được những triết gia về chính trị khám phá ra. Hệ thống này đã được thực hiện liên tục từ thời Ai cập và Crete cho đến ngày nay và được tạo nên, như truyền thuyết đã nói, bởi luật pháp do vua Sesostris của Ai cập và vua Minos của Crete ban hành. Định chế ăn chung (tập thể) cũng được thiết lập từ thời cổ, như từ thời vua Minos ở Crete, và xưa hơn nữa như ở Italy.

Những sử gia người Ý kể rằng, có một vị vua tên là Italus, vua xứ Oenotria; vì thế, dân Oenotria còn được gọi là dân Ý (theo tên vua Italus), và cái tên nước Ý được dùng để gọi vùng đất mũi nằm giữa Scylletic và Vịnh Lametic của Âu châu. Khoảng cách giữa hai vùng đất đó chỉ khoảng nửa ngày đường. Những sử gia này cho rằng, Italus đã chuyển hóa dân Oenotria từ lối sống chăn nuôi mục súc sang nông nghiệp, và ngoài những luật lệ khác do chính mình đặt ra, ông là người ấn định lối sống theo bữa ăn tập thể. Ngay cả bây giờ, hậu duệ của Italus còn duy trì định chế này và một số những luật lệ khác.

Nằm bên cạnh Ý đại lợi về phía Tyrrhenia là nơi sinh sống của dân Opici, những người mà bây giờ và cả ngày xưa nữa được gọi là người Ausones; và về hướng Iapygia và Vịnh Ionia, trong khu vực gọi là Siritis, có giống dân Chones rất giống với dân Oenotria. Và chính từ vùng này, đã xuất phát định chế ăn tập thể; còn sự phân chia thành giai cấp từ thời Ai cập trong triều đại Sesotris thì còn xa xưa hơn cả thời đại của vua Minos.

Thực ra, những điều này và vô số điều khác đã được người ta sáng chế ra nhiều lần trong suốt dòng lịch sử mà ta không thể đếm nổi. Có lẽ vì nhu cầu của sự sống, nên con người đã phát minh ra những phương tiện phải có, và khi đã có những phương tiện này rồi, thì theo luật tự nhiên, những thứ khác tô điểm và làm phong phú thêm cho đời sống cũng gia tăng theo. Từ đó, ta có thể suy luận rằng, sự phát triển những định chế chính trị cũng tương tự như vậy. Nước Ai cập đã là chứng nhân tính chất cổ đại của những điều này, vì người Ai cập có lẽ là một giống người cổ xưa nhất trong tất cả mọi giống dân, và luật lệ cùng với một cơ cấu chính trị không thay đổi của họ chẳng biết đã có từ thời nào. Ta nên tận dụng những gì tốt đẹp nhất đã được khám phá và tránh đi những khuyết điểm của chúng.

Ta đã nhận xét rằng, đất đai nên thuộc quyền sở hữu của những ai có vũ khí và quyền tham gia vào chính sự, và giai cấp nông dân nên được xem là một giai cấp khác hẳn hai giai cấp kể trên, và cũng đã xét xem giới hạn địa hình và bản chất của lãnh thổ nên như thế nào. Bây giờ, ta nên bàn về sự phân phối đất đai và đặc tính của giai cấp nông dân, vì tài sản không nên được xem là của tập thể như một số người vẫn thường nghĩ, nhưng sự sử dụng tài sản chung(của người khác) chỉ có thể được thực hiện do sự đồng ý của chủ nhân mà thôi, và không thể để cho một công dân nào bị đói vì thiếu thốn thức ăn.

Về phần những bữa ăn tập thể, người ta đã từng đồng ý: những nước được tổ chức đàng hoàng nên có những bữa ăn như vậy. Đây là những lý do khiến ta chấp nhận ý kiến này. Những bữa ăn tập thể nên được dành cho tất cả mọi công dân. Nhưng, như thế lại là điều khó khăn cho người nghèo, vì không dễ gì bắt họ vừa đóng góp phần của họ vào bữa ăn tập thể vừa lo những chi phí khác cho gia đình. Những chi phí dùng cho việc tế tự tôn giáo nên do công quỹ đài thọ.

Đất đai, do đó, nên được chia làm hai phần: công điền và tư điền; và mỗi phần cũng nên được chia nhỏ thêm, như một phần của công điền dành cho việc tế tự, phần khác thì dùng để trang trải chi phí những bữa ăn tập thể. Còn tư điền, nên chia làm hai: một phần nằm gần biên giới, phần kia gần trung tâm, để mỗi công dân được có hai phần đất; họ có thể có đất đai ở cả hai chỗ. Chia đất như vậy thì công bằng và có khuynh hướng tạo ra sự nhất trí giữa người dân với nhau trong những cuộc chiến tranh biên giới. Nếu không,  sẽ có một số người, ở gần biên giới, luôn luôn sẵn sàng có những cuộc xung đột với lân bang; còn một số khác, ở xa biên giới, lại quá cẩn trọng trong những cuộc chiến như vậy, bởi e rằng sẽ bị mất danh dự [vì mang tiếng là hiếu chiến]. Do đó, đã có luật lệ tại vài nơi cấm không cho những công dân sống gần biên giới được tham dự vào việc bàn thảo về chiến tranh với lân bang, vì sợ rằng quyền lợi cá nhân sẽ làm cho sự phán đoán của họ bị lệch lạc.

Vì những lý do trên, đất đai nên được phân chia như đã trình bày. Cách tốt đẹp nhất là dùng làm nông dân những người khác chủng tộc, không có ý chí và đã bị bắt làm nô lệ; vì không có ý chí, những tên nô lệ này thích hợp cho việc đồng áng và không tạo phản. Cách thứ hai là dùng người ngoại quốc như những người rợ Perioeci, hay những sắc dân có phẩm chất thấp kém hơn; một số dân này có thể được dùng làm nô lệ cho cá nhân công dân và dùng vào việc canh tác tư điền của họ; số nô lệ còn lại là tài sản của quốc gia và dùng vào việc canh tác công điền. Dưới đây, ta sẽ xét xem cách thức đúng đắn để đối xử với nô lệ như thế nào, và việc sử dụng tự do làm phần thưởng cho sức lao động của nô lệ mang lại lợi ích ra sao.

Chương 11

Ta đã thấy rằng, một nước nên vừa giáp biển vừa giáp đất liền, và thông thương được trên cả lục địa càng xa càng tốt. Bàn về địa điểm của một nước [lý tưởng], ta thấy, nếu nước đó có được bốn điều sau đây thì thật là may mắn. Thứ nhất là sức khỏe—đây là điều cần thiết: một nước nên hướng về phía đông và được gió từ hướng đông là gió tốt nhất thổi tới; sau sức khỏe là những nơi không bị gió bấc, tức là những nước [hướng về phía nam] có mùa đông ôn hòa hơn. Vị thế của trung tâm thủ đô nên thuận lợi cho cả việc quản trị chính trị lẫn chiến tranh; đồng thời thuận lợi cho dân chúng tụ họp, nhưng lại khó khăn cho quân thù tiến chiếm.

Một nước cũng phải có nguồn nước thiên nhiên phong phú từ sông từ suối; nếu không có nguồn nước thiên nhiên, thì phải có những hồ dự trữ nước mưa thật lớn lao để ngừa trường hợp nguồn nước bị cắt đứt khi có chiến tranh. Vì sức khỏe của người dân cũng bị ảnh hưởng bởi tình trạng vệ sinh nhà cửa nơi họ cư ngụ và môi trường họ sinh sống, nên cũng phải có những biện pháp đặc biệt để lo những vấn đề vệ sinh công cộng và sử dụng nước sạch. Điểm này hết sức quan trọng, vì những chất ta dùng thường xuyên nhất và nhiều nhất cho cơ thể là nước và không khí. Cho nên, trong những nước khôn ngoan, nếu thiếu nước sạch từ sông suối và nếu nguồn nước dự trữ cũng không tốt, thì phải dành riêng ra phần nước nào để uống và phần nào để dùng vào những việc khác.

Về đồn lũy, mỗi một mô hình chính quyền khác nhau có kế hoạch khác nhau. Thành trì ở trên núi, còn gọi là thượng thành,  thì phù hợp với chế độ quân chủ hay quả đầu, còn thành trì ở đồng bằng thì thích hợp với chế độ dân chủ. Đối với chế độ quý tộc, cả hai loại này đều không thích hợp mà lại cần có nhiều thành trì ở những nơi xung yếu hơn.  Còn về quy hoạch thành phố, đường xá và nhà cửa của dân chúng, nên làm sao cho thích hợp và tiện lợi theo mô hình của Hippodamus.  Nhưng đối với vấn đề an ninh khi có chiến tranh, cách thức xây dựng nhà cửa và đường xá theo kiểu cổ, tức là không theo một đường lối nào hết, có lẽ lại thích hợp hơn, vì kẻ lạ, nếu có thâm nhập vào cũng khó tìm đường ra, và quân bên ngoài cũng khó tìm đường vào. Một nước, do đó, nên có cả hai cách thức xây dựng nhà cửa và đường xá: xây nhà và đường xá theo kiểu nông dân trồng nho, tức là đan chen với nhau theo hình ngũ điểm.  Không nên quy hoạch cả thành phố theo đường bàn cờ nhưng theo từng vùng mà thôi. Làm như vậy, sẽ kết hợp được vừa vẻ mỹ quan, vừa vấn đề an ninh.

Về việc xây dựng những bức lũy (tường thành) chung quanh để bảo vệ thị quốc vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều người cho rằng, một nước giỏi dùng binh không cần đến thành lũy; đây là một quan niệm sai lầm, vì ta đã thấy có nhiều nước tự hào về khả năng quân sự của mình và không cần đến thành lũy, đã bị thua trận trên thực tế.  Lý luận này cho rằng, núp sau thành lũy thì đâu chứng tỏ được sự can đảm khi đối đầu với quân thù có quân số và khả năng tương đương. Nhưng, khi quân thù đông hơn gấp bội cả về phẩm lẫn số lượng tấn công, và thường thường là như vậy, thì khó lòng có được những người lính dũng cảm dám đương đầu. Trong trường hợp này, để tránh bị diệt vong và lăng nhục (bị bắt làm nô lệ), những thành lũy vững chắc nhất là một sự cần thiết về phương diện quân sự, nhất là khi những dụng cụ và vũ khí công đồn ngày càng trở nên tối tân và chính xác hơn. Không có thành lũy bảo vệ thì cũng ngớ ngẩn như chọn chỗ lập quốc nơi đồng trống, bỏ ngỏ cho quân địch tiến vào, hay như làm nhà không tường vì sợ người ở trong nhà trở nên hèn nhát. Ta phải nhớ rằng, những nước có thành lũy bảo vệ có hai sự chọn lựa khi chiến tranh: phòng thủ sau thành lũy, và tấn công; còn những nước không thành lũy bảo vệ, chỉ có một sự lựa chọn mà thôi.

Nếu những lập luận của ta hữu lý, một nước không những cần phải có thành lũy mà còn phải có vẻ mỹ quan nữa, vừa hữu dụng cho những mục tiêu chiến tranh, vừa có khả năng chống lại những vũ khí tối tân dùng để phá thành. Vì quân tấn công dùng đủ mọi cách để chiếm thượng phong, quân phòng thủ cũng phải dùng mọi phương tiện cổ điển và sáng chế ra những phương tiện mới để phòng thủ. Khi một nước đã chuẩn bị kỹ càng, thì không có quân thù nào dám nghĩ đến việc xâm lăng nữa.

Chương 12

Nếu thành lũy được chia thành từng đoạn có trạm gác, tháp canh theo những khoảng cách thích hợp, và công dân được phân phối theo nhưng bàn ăn tập thể, thì tại những trạm gác, cũng nên thiết lập những bàn ăn tập thể theo cách vẫn thường được áp dụng. Bàn ăn chính dành cho chức sắc, nên đặt ở chỗ thích hợp, thường là trong những dinh thự dùng để thờ phượng, ngoại trừ những đền thờ đã được luật pháp hay sấm ngữ từ Delphy  ấn định riêng cho việc tế tự. Địa điểm này nên được cất ở chỗ cao ráo để người dân từ xa cũng có thể nhìn thấy được đó là chỗ của những vị đức cao vọng trọng. Bên dưới địa điểm này là một nơi công cộng dành riêng cho những người tự do mà dân Thessaly gọi là “quảng trường tự do”. Nơi này chỉ dành cho những người tự do mà thôi, còn những người thợ thuyền, nông dân, thương nhân đều bị cấm chỉ không được vào, trừ phi có việc bị quan gọi đến. Nếu nơi này cũng được dùng làm nơi thi đua thể thao của những bậc trưởng thượng, thì lại càng tốt hơn nữa. Trong cuộc thi đua thể thao, nên phân chia ra theo những lứa tuổi khác nhau; một số quan chức hợp cùng với đám thiếu niên, còn thanh niên trưởng thành hợp cùng với số quan chức còn lại. Sự hiện diện của quan chức trong hai nhóm người như vậy sẽ khiến cho đám thanh niên có một thái độ khiêm tốn và e dè thực sự trong quan hệ với nhau.  Ngoài ra, cũng nên có một quảng trường cho thương nhân, nhưng chỗ này phải cách xa “quảng trường tự do” và thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa bằng cả hai đường thủy, bộ.

Khi bàn về quan chức, ta phải nhớ đến một giai cấp nữa của công dân; đó là giai cấp tu sĩ. Bàn ăn tập thể của tu sĩ cũng phải được đặt ở nơi xứng đáng, gần những đền thờ. Những viên quan lo về giao kèo, kết án, triệu tập xét xử, cùng những người quản lý nơi thị tứ hoặc thành thị nên có một chỗ hội họp gần quảng trường hay nơi công cộng; nơi thích hợp nhất là gần với quảng trường dành cho thương nhân. Quảng trường tự do dành cho những sinh hoạt của đời sống nhàn tản, còn quảng trường thương mại dành cho những nhu yếu khác của đời sống.

Ở miền quê, cũng nên tổ chức tương tự như vậy. Những viên chức ở miền quê, thường được gọi là Quan Kiểm Lâm hay Thanh Tra, cũng phải có những trạm gác và bàn ăn tập thể khi thi hành công vụ; còn đền đài, nên rải đều ra khắp miền quê, có nơi để thờ cúng thần thánh, có nơi dành cho những anh hùng quá cố.

Ta không cần cứ phải quan tâm đến những chi tiết như thế này, vì chỉ mất thì giờ. Điều khó khăn không phải ở chỗ tưởng tượng ra, mà là ở chỗ thực hiện những điều này. Ta có thể tha hồ bàn về những chi tiết phải có thế này thế nọ, nhưng khi thực hiện, còn tùy vào hoàn cảnh nữa. Vì vậy, ta sẽ chấm dứt phần này ở đây.

Chương 13

Bây giờ, ta có thể bàn về cơ cấu chính trị, tức là hiến pháp của một nước. Nhưng trước hết, ta phải xác định xem, một nước vừa có hạnh phúc, vừa được cai trị khéo léo gồm có những phần tử nào, và những phần tử này phát xuất từ đâu ra. Để đạt được tình trạng hạnh phúc, bất cứ điều gì cũng vậy, cần có hai thứ: thứ nhất là xác định cho đúng cứu cánh, và thứ hai là có phương tiện để đạt được cứu cánh đó. Cứu cánh và phương tiện có thể phù hợp với nhau, nhưng cũng có thể trái ngược với nhau. Có lúc, người ta xác định được mục đích đúng đắn, nhưng khi hành động lại không đạt được mục đích. Có lúc, người ta có những phương tiện tốt đẹp nhưng lại có mục đích không đúng. Cũng có khi, cả hai mục đích và phương tiện đối chọi lẫn nhau. Thí dụ, trong ngành y khoa, những y sĩ chẳng những không hiểu hết bản chất của bệnh trạng, mà cũng không có cả những phương tiện hữu hiệu để trị bệnh. Để đạt được tình trạng tốt đẹp, trong cả nghệ thuật lẫn khoa học, cứu cánh và phương tiện phải được chú trọng ngang nhau.

Một đời sống tốt đẹp, tức hạnh phúc, là cứu cánh mà con người ai cũng muốn có. Có người đủ sức để đạt được cứu cánh này cho mình; có những người khác, vì thiếu may mắn, hay vì trời không cho có được khả năng như kẻ khác, nên không đạt được mục đích này, vì đời sống tốt đẹp đòi hỏi phải có những điều kiện vật chất bên ngoài. Đối với những ai trời cho khỏe mạnh, họ sẽ ít cần những thứ cần thiết bên ngoài hơn những người yếu đuối. Có những người trời cho có đủ điều kiện và sức khỏe để sống một đời sống tốt đẹp, lại đi lầm đường. Nhưng vì mục đích của ta là tìm hiểu xem mô hình chính quyền nào là mô hình tốt nhất, nghĩa là dưới thể chế chính trị nào, một nước được cai trị tốt nhất; và vì một nước được cai trị tốt nhất là một nước có cơ hội và điều kiện tốt nhất để đạt được hạnh phúc, cho nên, trước hết ta phải xác định thật rõ: thế nào là bản chất của hạnh phúc.

Tôi đã trình bày trong cuốn Đạo Đức Học (nếu những lý lẽ nêu lên trong cuốn sách đó có giá trị), hạnh phúc là sự thể hiện toàn hảo của đức hạnh qua hành động một cách tuyệt đối chứ không phải tương đối. Tính từ “tương đối” được dùng để chỉ những hành động cần thiết phải làm, còn “tuyệt đối” để chỉ những hành động mà tự nó là điều tốt. Thí dụ, hãy xem những hành động công chính như thi hành những hình phạt chính đáng. Thi hành những hình phạt chính đáng là điều tốt và hợp với công lý, nhưng nếu cả cá nhân lẫn nhà nước không cần dùng đến hình phạt (dù công chính) thì vẫn tốt hơn. Ngược lại, những hành động nhằm khen thưởng đúng đắn [một cá nhân nào đó] là những hành động công chính tuyệt đối. Hành động tương đối (trừng phạt dù công chính) cũng chỉ là một sự lựa chọn lấy cái đỡ xấu hơn (giữa một cái xấu là phạm luật và cái xấu ít hơn là trừng phạt). Còn những hành động tuyệt đối là nền tảng và là sự sản sinh ra những điều tốt. Một người tốt vẫn có thể sống tốt lành trong tình trạng nghèo khổ và bệnh tật hay trong những hoàn cảnh xấu xa khác của cuộc sống; nhưng, người đó chỉ có thể có được hạnh phúc trong tình trạng đối nghịch lại với tình trạng kể trên (như đã trình bày trong lý luận về đạo đức, một người tốt là người, vì bản chất là người đức hạnh [hiểu theo nghĩa tuyệt đối], sẽ sử dụng một cách tốt nhất những điều kiện tốt đẹp do hoàn cảnh tuyệt đối mang lại).  Những điều này thường khiến ta nghĩ một cách sai lầm rằng, những vật chất bên ngoài là nguyên nhân tạo nên hạnh phúc; nhưng, nói như thế cũng như cho rằng, khi nghe tấu một bản nhạc hay là vì cây đàn tốt chứ không phải do tài nghệ của nhạc sĩ.

Từ những nhận định trên, ta có thể suy ra là có những điều nhà lập pháp phải có sẵn [từ trong thiên nhiên] trong một nước, còn những điều thiếu sót, chính nhà lập pháp phải từ khả năng của mình tạo ra. Và như thế, ta chỉ có thể nói rằng: ước gì đất nước của ta được thành lập với những điều kiện tốt đẹp mà thiên nhiên và vận may ưu đãi (ta phải công nhận quyền lực của thiên nhiên và vận may trong vấn đề này); còn việc quốc gia có trở nên đạo đức và tốt lành hay không, không phải là vấn đề của may rủi nữa mà là kết quả của kiến thức và những hoạt động có mục đích rõ rệt. Một quốc gia chỉ có thể trở nên đạo đức khi những công dân––những người tham gia vào chính sự––là những người có đức hạnh, và trong đất nước của chúng ta, tất cả công dân đều tham gia vào chính sự. Như vậy, ta phải tìm hiểu xem phương thức nào khiến cho người ta trở nên có đức hạnh. Dĩ nhiên, một tập thể công dân có thể là một tập thể tốt và đạo đức mà không nhất thiết mỗi cá nhân công dân phải tốt. Nhưng dù sao, khi mọi công dân đều trở nên có đức hạnh thì vẫn tốt hơn, vì cái tốt chung vẫn là tập hợp những cái tốt của từng cá nhân.

Có ba điều khiến cho con người trở nên tốt và có đức hạnh; đó là do bản năng thiên phú, do tập quán, và qua lý tính (khả năng suy nghĩ và phán đoán). Trước hết, xét về phương diện thiên nhiên, ta thấy con người, chứ không phải những “con” (loài động vật) nào khác, mới có cả những quan năng về phần hồn lẫn phần xác. Nhưng, có những phẩm chất, dù người ta có được từ lúc mới sinh, cũng không giúp ích gì trong việc phát triển nhân cách, vì bị thói quen làm thay đổi, hoặc tốt hơn, hoặc xấu hơn. Những loài động vật sống theo bản năng bẩm sinh, dù có một vài loài, trong một số trường hợp nào đó, bản năng bẩm sinh cũng bị thay đổi bởi tập quán. Con người, và chỉ con người mới có được lý trí. Vì thế, đối với con người, phải có sự hòa hợp của cả ba thành tố: bản năng thiên nhiên, tập quán và lý tính, thì mới trở nên tốt được, vì không phải lúc nào ba thành tố này cũng hòa hợp với nhau; như ta đã từng thấy con người, vì sự dẫn dắt của lý trí, làm rất nhiều việc trái ngược với bản năng và tập quán. Trong chương trước, ta đã thấy rằng, bản năng thiên nhiên được uốn nắn dễ dàng qua bàn tay của nhà lập pháp. Vấn đề còn lại là công việc của giáo dục. Ta học được điều gì đó, một phần là nhờ ở tập quán (thực hành) và một phần là nhờ ở sự chỉ dạy (liên quan đến lý trí).

Chương 14

Vì mọi xã hội chính trị đều được tạo thành bởi những người cai trị và những người bị trị, ta hãy xét xem mối quan hệ giữa hai giai cấp này như thế nào: liệu giai cấp cầm quyền cứ vĩnh viễn cầm quyền hay hai giai cấp này luân phiên thay đổi cho nhau? Công cuộc giáo dục công dân như thế nào sẽ tùy theo cách ta trả lời câu hỏi này. Giả sử có một số người nào đó có tài năng siêu tuyệt hơn những người khác, như thần nhân và những anh hùng siêu việt hơn con người (về cả thể chất và trí tuệ), thì vai trò lãnh đạo và cai trị của họ thật là rõ ràng và không còn có thể bàn cãi gì được nữa. Nhưng, điều này thật khó có thể xảy ra, và [ta thấy] vua chúa cũng chẳng có dấu hiệu gì là siêu tuyệt hơn thần dân của mình như trong tường thuật của Scylax  về vua chúa và dân chúng tại Ấn Độ. Cho nên, trên rất nhiều phương diện, ta phải kết luận rằng, mọi công dân nên luân phiên thay nhau lúc làm dân, lúc làm quan. Sự bình đẳng gồm có sự đối xử đồng đều với tất cả mọi người đồng đẳng, và không một chính quyền nào có thể tồn tại nếu không được xây dựng trên căn bản công bình. Nếu một chính quyền bất công, mọi người trong nước sẽ đoàn kết lại với nhau (kể cả với nông nô) để làm cách mạng, và với số quan quân cộng lại cũng không thể chống nổi với số dân đông đảo đã đoàn kết lại với nhau. Nhưng, sự kiện nhà cai trị phải có khả năng vượt trội hơn dân chúng là điều ai cũng công nhận. Đây là vấn nạn mà nhà lập pháp phải giải quyết––một mặt, bảo đảm có người cầm quyền tài giỏi, và mặt khác, ai cũng được luân phiên cầm quyền. Ta đã bàn về vấn đề này rồi [trong Chương 9]. Thiên nhiên đã giúp ta giải quyết vấn nạn này bằng sự khác biệt giữa tuổi trẻ và tuổi già, qua đó, những người lớn tuổi giữ vai trò lãnh đạo. Khi còn nhỏ tuổi, ta thường dễ dàng chấp nhận sự lãnh đạo của người lớn, và cũng chẳng có người nhỏ tuổi nào nghĩ mình giỏi hơn những bậc tiền bối, nhất là khi đủ tuổi trưởng thành thì cũng đến phiên mình được hưởng và đảm nhận vai trò lãnh đạo.

Như vậy, ta kết luận là trên một phương diện, người cai trị lẫn người dân có điểm giống nhau [vì cùng là một người, khi nhỏ thì chịu sự lãnh đạo, khi lớn lên thì đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo], nhưng khác nhau trên phương diện khác. Và như thế, việc giáo dục cũng vừa giống nhau, vừa khác nhau. Tục ngữ có câu: “nếu muốn chỉ huy giỏi, thì trước hết, phải học cách vâng lời”. Như đã trình bày trong những phần đầu, chính quyền được điều hành theo hai cách. Cách thứ nhất nhằm phục vụ quyền lợi của người cầm quyền, và cách thứ hai nhằm phục vụ quyền lợi của người dân. Cách thứ nhất, ta thường gọi là chế độ độc tài, cách thứ hai là chế độ của những người tự do. [Những người trẻ tuổi và tự do, trước hết, phải học vâng lời]. Một số những mệnh lệnh bắt buộc người tự do phải thi hành một công việc nào đó, và công việc này không khác gì với những công việc mà người nô lệ phải làm, nhưng những công việc này khác nhau vì ý định của người cầm quyền. Cho nên, có một số việc hạ tiện (dành cho nô lệ), nhưng những người trẻ tuổi tự do vẫn rất hãnh diện thi hành. Không phải vì bản chất của công việc mà vì mục đích của công việc khiến cho công việc trở thành ti tiện hay vinh dự. Hơn thế nữa, ta thấy rằng, đức hạnh của người công dân và người cầm quyền cũng tương tự như đức hạnh của một người tốt, và cũng chính một người vừa là người dân vừa là người cai trị, bởi vậy, nhà lập pháp phải chú ý đến việc đào tạo người dân trở nên tốt, đến những phương thức nào để đạt được mục đích này, và cứu cánh của một đời sống hạnh phúc là gì.

Phần tinh thần của con người được chia làm hai phần, một phần là lý trí tuân theo lý tính và phần kia tuân theo lý tính.  Khi nói rằng một người tốt, đó là bởi vì người đó có đức hạnh trong cả hai phần. Những người chấp nhận lý luận này đều thấy rõ ràng cứu cánh của đời sống thuộc về phần có lý tính, vì trong thế giới thiên nhiên cũng như trong nghệ thuật, những phần tử nào thuộc thứ cấp luôn luôn đóng vai trò trợ giúp cho những phần tử cao cấp , và trong hai phần của tinh thần, phần lý tính được coi là cao cấp hơn. Lý tính, theo cách nói thông thường, cũng được chia thành hai loại; đó là thực tiễn và lý thuyết. Từ đó suy ra, những hành động của con người cũng được phân loại tùy theo lý tính thực tiễn hay lý thuyết. Những ai có thể làm được cả ba loại hành động––những hành động thuộc về lý trí có tính chất thực tiễn, những hành động thuộc về lý trí có tính chất lý thuyết, và những hành động do lý trí hướng dẫn––hay chỉ có hai loại mà thôi, cũng thấy được loại hành động nào cao cấp và nên làm hơn. Đời sống con người cũng được chia làm hai phần: công việc và thư nhàn, hay chiến tranh và hòa bình, và những loại hành động nhắm tới những điều cần thiết, hữu dụng cũng như những mục tiêu cao cả. Sự kiện con người thích làm những hành động này hơn hành động khác cũng phải dựa trên nguyên tắc về các hành động cao cấp và thứ cấp của tinh thần. Người dân trong một nước phải có khả năng sống một đời sống hoạt động, và chiến đấu khi có chiến tranh, nhưng lại càng cần phải có khả năng sống thư nhàn trong hòa bình. Họ phải có khả năng chế tạo ra những vật dụng nhu yếu cho cuộc sống, nhưng đồng thời cũng phải có khả năng làm những việc tốt đáng vinh danh hơn thế nữa. Những điều này nhà lập pháp phải lưu tâm khi soạn thảo luật pháp, phải cân nhắc những phần, những chức năng khác nhau của tinh thần, và trên hết, phải biết cứu cánh là gì và phần nào là phần tốt hơn. Trẻ con và công dân thuộc lứa tuổi còn đi học, phải được rèn luyện trên nguyên tắc này. Ngay cả những nước trong cõi Hy-lạp  thời nay, những nước nổi tiếng là có những hiến pháp tốt đẹp nhất, nhà lập pháp của những nước này cũng vẫn chưa kiến tạo hệ thống chính quyền của họ hướng tới mục đích tốt đẹp nhất, hay đưa ra những luật lệ và giáo dục hướng tới tất cả mọi đức tính, mà lại theo thói thường, chỉ nhắm tới những gì có ích hay có lợi. Nhiều tác giả hiện đại cũng có quan điểm tương tự: họ ca tụng hiến pháp của Sparta, ca ngợi nhà lập pháp Sparta đã đặt chiến tranh và chinh phục làm mục đích duy nhất của quốc gia. Quan điểm này đã bị phủ nhận bởi cả lý thuyết lẫn thực tiễn. Người ta thèm muốn có được một đế quốc với hy vọng sẽ thu tóm được của cải nhờ vào sự chinh phục kẻ khác; trên quan điểm này, Thibron và những kẻ viết về hiến pháp Sparta đã ca tụng nhà lập pháp của xứ này, vì người dân Sparta, được huấn luyện để đương đầu với hiểm nguy, đã tạo được quyền lực lớn lao. Nhưng có điều chắc chắn: người dân Sparta hiện nay không có hạnh phúc khi thấy đế quốc của họ đã mất, và nhà lập pháp của họ cũng đã sai lầm. Bởi vì thật là khôi hài khi một mặt, người dân Sparta tiếp tục tuân thủ luật pháp và làm theo những gì nhà lập pháp thiết chế, mặt khác, cũng chẳng có ai xía vào công việc nội bộ của họ, thế mà họ đã bị mất đi phần tốt đẹp nhất của đời sống!

Những nhà tư tưởng này còn sai lầm về mô hình chính quyền nào nhà lập pháp nên lựa chọn. Chính quyền tự do thì cao nhã hơn và bao hàm nhiều đức tính hơn chính quyền độc tài. Một nước không thể được xem là hạnh phúc, và nhà lập pháp không thể được ca tụng vì đã huấn luyện dân chúng của mình đi chinh phục và thống trị những nước lân bang; đó là một điều cực xấu. Dựa trên lập luận này, người dân nào cũng nên, và nếu có thể thì chiếm lấy quyền lực trong nước của mình––thế mà chính người dân Sparta cũng coi là một trọng tội khi kết án tướng Pausanias, người đã có tước trọng quyền cao, tội soán đoạt ngôi vua. Không có nguyên tắc nào cũng như luật lệ nào đặt việc tranh quyền đoạt lợi làm mục tiêu lại có thể được xem là hữu ích hay chính đáng, dù cho cá nhân hay cho quốc gia. Những điều này nhà lập pháp cần phải khắc ghi vào tâm trí dân chúng của mình.

Người dân cũng không nên được dạy về chiến tranh với mục tiêu bắt người khác làm nô lệ;  nhưng chỉ để tự vệ, không để mình bị nước khác bắt làm nô lệ, và xây dựng đế quốc nhằm đạt được mục tiêu tốt cho người dân trong nước, chứ không phải để đàn áp thống trị kẻ khác; và sau cùng, trở thành chủ nhân của những kẻ đáng bị làm nô lệ. Thực tế cũng như lý luận đều chứng minh: nhà lập pháp nên hướng những hoạt động và phương tiện của nhà nước vào việc thiết lập hòa bình và đời sống thư nhàn cho dân chúng. Như ta đã thấy, những nhà nước quân sự thường chỉ có được an ninh khi đang có chiến tranh, nhưng sụp đổ khi đã lập thành đế quốc; điều này cũng giống như sắt thép sẽ bị rỉ sét khi không dùng đến trong hòa bình. Và bởi thế, chính nhà lập pháp là người bị chê trách, vì đã chẳng bao giờ dạy dân biết sống đời sống hòa bình.

Chương 15

Vì mục đích tối hậu của cuộc đời cá nhân và của nhà nước giống nhau, cho nên, người có mục đích cuộc đời tốt đẹp nhất và mục đích của một hiến pháp tốt đẹp nhất cũng phải giống nhau. Cũng thế, ta thấy hiển nhiên là đối với cả cá nhân và nhà nước, cần phải có đức tính thư nhàn, vì như ta đã bàn nhiều lần, sau thời chiến là thời bình, và sau thời giờ làm việc là thời giờ nghỉ ngơi. Nhưng, sự thư nhàn và sự rèn luyện tâm trí có thể được phát huy, không những qua những đức tính được thực tập lúc nhàn rỗi, mà còn qua những đức tính hữu ích trong công việc. Muốn có đời sống thư nhàn, trước hết, con người cần có những nhu yếu phẩm. Một nước, do đó, trước hết phải có tính tự chế, không hoang phí xa hoa, can đảm, và có khả năng chịu đựng, vì như tục ngữ có câu: “Kẻ nô lệ không có thời giờ nhàn rỗi,” và những ai không dám đương đầu với hiểm nguy như những đại trượng phu, sẽ bị quân thù đô hộ. Lòng can đảm và sức chịu đựng là đức tính cần có trong công việc; suy tư triết lý (sự khôn ngoan) là đức tính cần có trong lúc thư nhàn; sự tiết chế và công bình cần có trong cả hai trường hợp, và còn cần hơn nữa nhất là trong thời bình và nhàn rỗi, vì trong chiến tranh, người ta cần phải công chính và tiết độ, còn khi hòa bình, được hưởng chiến lợi phẩm và thư nhàn, người ta dễ sinh thói hư tật xấu.  Còn những người tài giỏi và có được hầu như mọi tài sản trên đời, như những cư dân của “Hòn đảo Hạnh phúc,” thì họ lại là những người cần có sự tiết độ và công bình hơn ai hết. Những người này cần có sự khôn ngoan, tiết độ và công bình, và càng được thư nhàn nhiều bao nhiêu cộng với vật chất dư thừa, họ càng cần những đức tính này bấy nhiêu. Ta có thể thấy dễ dàng lý do một nước muốn được hạnh phúc, cần phải có những đức tính này. Nếu người ta bị chê cười vì [một lý do nào đó] mà không có khả năng hưởng dụng của cải vật chất của cuộc đời, thì những người này còn đáng bị coi khinh hơn nữa nếu họ không biết dùng những của cải này trong lúc thư nhàn––những người có khả năng cao trong hành động và chiến tranh, nhưng khi có hòa bình và thì giờ rảnh rỗi, lại sinh hoạt không khá hơn gì kẻ nô lệ.  Bởi vậy, ta không nên trau dồi đức tính theo kiểu người Sparta, vì dù họ có cùng quan điểm với mọi người về thế nào là điều tốt đẹp cao cả nhất, họ lại khác với tất cả khi cho rằng, điều tốt đẹp đó có thể đạt được qua sự trau dồi một đức tính duy nhất mà thôi, tức là đức tính dũng cảm trong chiến tranh. Họ đã [sai lầm khi] xem những của cải vật chất bên ngoài có giá trị cao hơn những điều tốt đẹp do việc trau dồi đức tính mang lại. Chính việc ta phải trau dồi những đức tính chỉ vì đó mới là điều cần thiết cho một đời sống hạnh phúc, như ta đã lập luận từ trước đến nay. Vấn đề còn lại là xét xem bằng cách nào và phương tiện nào ta có thể đạt được mục đích này.

Ta đã xác định rằng, để đạt được tình trạng tốt, con người cần có ba điều kiện là thể chất tốt (do bẩm sinh), những thói quen tốt, và lý tính. Ta cũng xác định những điều kiện nào là cần thiết để trở thành công dân tốt (Chương VII). Tới đây, ta phải xét xem, trong việc huấn luyện trẻ con, nên bắt đầu bằng tập cho chúng những thói quen tốt hay tập cho chúng suy nghĩ và vận dụng lý trí trước? Hai cách thức huấn luyện này phải hài hòa với nhau, không những ở chỗ phương pháp nào cần dạy trước, mà cả hai phương pháp phải nhắm đến cùng mục đích cao nhất; nếu không, những nguyên lý của lý tính có thể bị áp dụng sai lầm, không đạt được lý tưởng cao nhất của đời sống, và sự huấn luyện qua tập quán cũng có thể mắc những khuyết điểm tương tự. Có một điều hiển nhiên ngay từ đầu, đó là trong tất cả mọi sự, sự sinh sản nào cũng có bước khởi đầu của nó (như cha mẹ phải kết hợp với nhau mới sinh sản ra con cái), nhưng kết quả của những bước khởi đầu đó chỉ là những bước dẫn tới một mục đích tối hậu xa hơn.  Đối với con người, lý trí và tâm trí là những mục đích tối hậu mà con người nhắm tới; cho nên, việc rèn luyện thói quen tốt và lễ phép phải được bắt đầu từ lúc mới sinh. Thứ hai, vì tinh thần và thể xác là hai thực thể, và tinh thần cũng có hai phần là lý tính và phi-lý tính, tương ứng với hai tình trạng––lý trí và bản năng. Theo thứ tự, cơ thể của con người có trước tinh thần, cho nên, phần phi-lý tính hiện hữu trước phần lý tính. Bằng chứng là những hành vi có tính chất bản năng như giận dữ, ham muốn đều thể hiện rất rõ đối với trẻ con từ lúc mới sinh, còn sự hiểu biết và phân biệt phải trái chỉ phát triển khi chúng lớn lên. Như thế, việc huấn luyện thể chất phải đi trước việc huấn luyện về tinh thần, thứ đến là việc huấn luyện để kiềm chế những hành vi bản năng, nhằm để phát triển lý trí. Và việc huấn luyện thể chất, nói chung, nhằm để phát triển tâm trí.

Chương 16

Vì nhà lập pháp cần lưu tâm đến việc nuôi nấng con trẻ trong quốc gia sao cho chúng sẽ có được sức vóc khỏe mạnh nhất, cho nên, điều đầu tiên nhà lập pháp cần chú ý đến chính là sự kết hợp hôn phối của người dân––mấy tuổi thì nam nữ nên lập gia đình, và phải hội đủ những tiêu chuẩn về thể chất như thế nào? Để ấn định những luật lệ về hôn nhân, nhà lập pháp phải để ý đến tuổi thọ của con người, thời gian cơ thể phát triển đầy đủ cho việc truyền giống, và sức khỏe của vợ chồng không khác biệt nhau bao nhiêu, vì có trường hợp người chồng còn khả năng sinh sản mà người vợ lại không có khả năng sinh con, hay người vợ còn khả năng thụ thai mà người chồng lại không còn khả năng sinh sản. Đó thường là những vấn đề sinh ra bất hòa trong gia đình. Sau đó, nhà lập pháp phải để ý đến lúc nào những cặp vợ chồng nên có con cái; không nên để xảy ra trường hợp con cái nhỏ tuổi hơn cha mẹ nhiều quá, vì lúc đó, cha mẹ đã quá già để được hưởng sự yêu thương của con cái, hay để dạy dỗ chúng nên người. Cũng không nên để cho những cặp vợ chồng trẻ tuổi có con sớm quá, vì cha mẹ sẽ không lớn tuổi hơn con cái là bao nhiêu, và con cái, trong trường hợp này, sẽ thiếu kính trọng cha mẹ và sẽ gây tranh chấp trong việc quản trị gia đình.  Điểm thứ ba, cũng là điểm mà chúng ta đã đi lạc đề lúc nãy, là nhà lập pháp phải lưu tâm đến những điều kiện sinh sản ra những đứa trẻ khỏe mạnh.

Những điều đáng lưu tâm này có thể được giải quyết nếu ta chú trọng vào một điểm: vì khoảng thời gian sinh sản của mỗi thế hệ thường được giới hạn trong khoảng 70 tuổi cho đàn ông và 50 tuổi cho đàn bà, việc kết hợp hôn nhân nên tương ứng với những khoảng thời gian này. Đàn ông và đàn bà lấy nhau khi còn quá trẻ, sẽ bất lợi cho việc sinh sản ra con cái khỏe mạnh; trong thiên nhiên, con cái của những loài động vật còn non trẻ đều bị nhỏ con, kém phát triển, và thường có khuynh hướng sinh ra giống cái. Điều này cũng đúng với con người, như ta đã thấy trong những nước có tập tục cho trai gái lấy nhau sớm, con cái của họ thường nhỏ con và yếu đuối; thêm vào đó, phụ nữ trẻ khi sinh con gặp nhiều khó khăn và bị tử vong cao hơn. Một số người cho rằng, đó mới là ý nghĩa đích thực của câu sấm dành cho dân Troezen––ám chỉ nhiều thiếu nữ chết vì lấy chồng lúc còn quá trẻ, chứ không liên quan gì đến việc cày cấy trên những luống đất mới. Ngoài ra, việc lập gia đình lúc còn nhỏ tuổi cũng ảnh hưởng đến việc tiết độ: phụ nữ lấy chồng sớm thường dễ phóng túng hơn, còn nam giới thì cơ thể bị còi cọc vì tinh trùng còn chưa phát triển đúng mức. Vì thế, phụ nữ nên lấy chồng khi được mười tám tuổi, còn đàn ông nên lấy vợ lúc ba mươi bảy tuổi. Đó là lứa tuổi sung mãn nhất, và sẽ tương ứng với nhau về thể chất khi tuổi già. Còn con cái, nếu được sinh ra ngay sau khi cha mẹ lấy nhau, thì sẽ đến tuổi đảm đương được trách nhiệm gia đình khi người cha bước vào tuổi già bóng xế năm 70 tuổi.

Ngoài lứa tuổi thích hợp cho hôn nhân, ta còn phải để ý đến mùa trong năm nữa. Theo tục lệ hiện hành, người ta thường tổ chức hôn lễ vào mùa đông, và đó là điều đúng đắn. Những cha mẹ trẻ cũng nên học những kiến thức từ y sĩ và những nhà khoa học tự nhiên: y sĩ cho những lời khuyên tốt về chăm sóc sức khỏe, những nhà khoa học tự nhiên cho những lời khuyên về hướng gió tốt xấu, thường thì gió bấc tốt hơn gió nam.

Điều kiện thể trạng nào của cha mẹ sẽ có lợi nhất cho việc sinh ra con khỏe mạnh là đề tài ta sẽ xét kỹ hơn khi bàn về việc giáo dục trẻ con, còn bây giờ, chỉ cần vài nhận xét chung. Thể trạng của một lực sĩ thì không thích hợp cho đời sống của một công dân hay cho sức khỏe cũng như sự sinh sản con cái, hay thể chất yếu đuối của người bệnh hoạn cũng thế. Người đàn ông phải làm quen với công việc lao động, nhưng không nên quá mức hay chỉ nghiêng về một phía, như lực sĩ. Người đàn ông phải có khả năng về thể lực để làm những việc của một ngưởi tự do. Những nhận xét về thể chất này dành cho cả đàn ông lẫn đàn bà.

Phụ nữ khi có thai, phải cẩn thận và chăm sóc sức khỏe của mình như tập thể dục và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Để tập thể dục, nhà lập pháp có thể ra luật yêu cầu những phụ nữ có thai phải đi bộ mỗi ngày đến một đền thờ nào đó để thờ phụng những thần thánh lo về sinh sản. Còn tâm trí của những bà mẹ không nên bận tâm suy nghĩ nhiều quá, vì con cái sẽ có bản chất giống mẹ như cây trái mọc lên từ lòng đất.

Còn một vấn đề nữa, trong trường hợp nào trẻ con sinh ra được nuôi dưỡng hay bỏ cho chết trên lưng đồi.  Nên có đạo luật không cho nuôi những đứa trẻ sinh ra bị dị dạng, tật nguyền, hay số trẻ con vượt quá mức dân số ấn định. Nếu tục lệ không cho phép bỏ con, thì không nên ra luật; nhưng nếu những cặp vợ chồng có nhiều con quá, thì nên phá thai trước khi bào thai có sự cảm nhận và sự sống. Điều này có hợp pháp hay không còn tùy vào vấn đề sự sống và cảm nhận được quyết định như thế nào.

Sau khi đã quyết định xem đàn ông và đàn bà nên lập gia đình vào tuổi nào, kế tiếp, ta nên định xem đến tuổi nào thì những cặp vợ chồng này còn tiếp tục việc sinh sản cho quốc gia. Đàn ông quá già hay quá trẻ đẻ con ra thường bị khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tâm trí; con cái của người cha già, thường có thể chất yếu đuối. Tuổi giới hạn nên nằm trong khoảng thời gian phát triển cao độ của trí tuệ, và thông thường, lứa tuổi thích hợp nhất, như một số thi sĩ đã đo lường đời sống bằng những thời kỳ bảy năm, là vào khoảng từ 37 tới 50 tuổi. Khoảng bốn hay năm năm sau đó, đàn ông không nên có con nữa, mà những sinh hoạt tình dục chỉ nhằm để duy trì sức khỏe hay những lý do khác.

Còn với tội gian dâm, đó là một tội đáng bị lên án và phỉ nhổ đối với cả nam lẫn nữ, nếu xảy ra khi hai người còn là vợ chồng. Nếu việc này xảy ra trong thời kỳ còn có thể sinh sản, kẻ phạm tội phải bị trừng phạt bằng cách tước đi một số quyền lợi tương ứng với tội phạm.

Chương 17

Sau khi trẻ con được sinh ra, cách nuôi trẻ có một ảnh hưởng lớn lao đến sức mạnh thể chất của chúng. Từ những thí dụ trong thế giới loài vật và từ những nước muốn xây dựng tập quán quân sự cho dân chúng của họ, ta thấy những thức ăn nào có nhiều sữa là những thức ăn thích hợp nhất cho con người, và càng ít rượu chừng nào thì càng tốt chừng đó, nếu muốn giữ gìn sức khỏe.

Những cách thức người ta bắt trẻ con phải tập lúc còn nhỏ tuổi, cũng rất hữu dụng. Nhưng, để giữ cho xương cốt còn mềm mại của trẻ con không bị cong, một số nước đã dùng đến những dụng cụ giúp cho thân thể của chúng được thẳng thắn. Tập trẻ con chịu đựng sức lạnh khi còn nhỏ, cũng là một phương thức hay, giúp chúng khỏe mạnh và rèn luyện cơ thể chúng cho nhiệm vụ quân sự sau này. Vì thế, nhiều sắc dân man rợ đã đem nhúng trẻ sơ sinh xuống suối nước lạnh; những nước khác, như dân xứ Celts chẳng hạn, chỉ quấn con nít bằng những tấm vải mỏng. Con người nên được tập luyện càng sớm càng tốt để chịu đựng những khó khăn mà cơ thể phải có khả năng đối phó; nhưng tiến trình này nên được thực hiện tiệm tiến. Còn trẻ con, từ sự ấm áp tự nhiên của chúng, có thể được huấn luyện để dễ dàng chịu lạnh. Những sự huấn luyện này nên được áp dụng từ giai đoạn đầu tiên của cuộc sống.

Giai đoạn kế tiếp kéo dài cho đến năm tuổi. Trong giai đoạn này, không nên bắt trẻ con phải học hay lao động, để cho sự phát triển của chúng không bị cản trở; nhưng nên có những hoạt động vừa phải để cho tứ chi của chúng không bị thiếu hoạt động. Ta có thể làm được việc này bằng nhiều cách, một cách là dùng những trò chơi, nhưng những trò chơi này không nên quá thô bạo hay quá yếu ớt. Quan Chưởng Giáo, như tên gọi, phải cẩn thận khi lựa chọn những truyện tích nào mà người lớn có thể kể cho trẻ con nghe, vì những điều này nên được thực hiện nhằm chuẩn bị cho nghề nghiệp của đứa trẻ sau này, và nên hướng về những nghề nghiệp mà sau này chúng sẽ tha thiết theo đuổi. Những nơi nào có luật cấm không cho con nít la khóc, thì đó là điều sai lầm, vì sự la khóc của đứa nhỏ sẽ giúp cho nó phát triển, một cách để tập luyện cơ thể của chúng. Sự gia tăng tiếng nói (tiếng la) có ảnh hưởng tạo nên sức mạnh tương tự như sự nén hơi khi cần phải lấy sức. Quan Chưởng Giáo cũng phải để ý theo dõi cách thức trẻ em được nuôi dưỡng, đặc biệt  chú ý, không để cho chúng có nhiều quan hệ với kẻ nô lệ hầu hạ trong nhà. Vì cho đến khi trẻ con được bảy tuổi, chúng vẫn ở trong nhà, và như vậy, vì  tuổi còn nhỏ , chúng sẽ dễ bị ảnh hưởng và nhiễm những việc xấu xa mà chúng nghe hay thấy được. Thực ra, không có việc gì mà nhà lập pháp phải quan tâm cẩn thận hơn là ngăn ngừa những lời nói xấu xa, bỉ ổi, cộc cằn, vì chỉ cần thốt ra những lời nói đáng xấu hổ, chẳng bao lâu, sẽ dẫn đến những hành động đáng khinh. Trẻ con, do vậy, không bao giờ được cho phép nhắc lại hay nghe những điều xấu xa, đáng xấu hổ. Một người tự do mà bị bắt gặp đang nói hay làm những việc bị cấm vì đáng khinh, nếu y còn quá trẻ chưa được dự vào những bữa ăn tập thể, nên bị mắng và phạt đòn. Còn những người lớn tuổi mà có cách cư xử như quân nô lệ (ngôn ngữ thô bỉ), sẽ bị giáng chức. Vì chúng ta không cho phép sử dụng những lời bất nhã, ta cũng phải cấm những hình ảnh hoặc ngôn từ khiếm nhã, bất lịch sự trên sân khấu. Nhà cai trị phải coi chừng, không để cho những hình ảnh tiêu biểu những hành vi khiếm nhã tại nơi công cộng, ngoại trừ trong đền thờ những vị thần mà trong lễ hội luật pháp cho phép có những lời tục tĩu, hay cho phép những người trưởng thành được thờ phượng như là bổn mạng của chính họ hoặc vợ con họ. Nhưng nhà lập pháp không nên cho phép tuổi trẻ được xem những hài kịch hay thi ca trào phúng cho đến khi họ đủ tuổi tham dự những bữa ăn tập thể và uống rượu mạnh; đến lúc đó, sự giáo dục đã giúp cho họ đủ vững mạnh để chống lại những ảnh hưởng xấu rồi.

Ta chỉ mới nhận định vấn đề này một cách vắn tắt, nhưng cũng đủ trong phần này; ta sẽ trở lại vấn đề này và sau khi thảo luận kỹ lưỡng hơn, sẽ xét xem nên hay không nên cho phép những sự tự do như vậy, và nếu cho phép thì theo cách thức như thế nào.

Theodorus, một kịch sĩ chuyên đóng bi kịch, đã có lý khi nói rằng ông ta sẽ không cho phép bất kỳ một kịch sĩ nào, dù là kịch sĩ hạng hai đi chăng nữa, được xuất hiện trên sân khấu trước ông, vì khán giả [có khuynh hướng] yêu mến những giọng nói mà họ được nghe lần đầu tiên. Nguyên tắc này áp dụng đồng đều cho con người cũng như sự vật, vì ta luôn luôn thích nhất những gì mình gặp lần đầu tiên.

Như thế, ta phải giữ cho tuổi trẻ cách xa những điều gì xấu, nhất là những gì dẫn đến thói hư hoặc lòng thù ghét. Khi trẻ qua được năm tuổi, trong hai năm sau đó, chúng nên nhắm vào những mục tiêu mà chúng sẽ học sau này. Giáo dục nên được chia thành hai giai đoạn trong đời một người: từ bảy tuổi tới tuổi dậy thì, và từ dậy thì tới hai mươi mốt tuổi. Những thi sĩ, nói chung, đã có lý khi chia tuổi của con người theo những thời kỳ bảy năm; nhưng ta nên để ý là sự phân chia này đã được thiên nhiên ấn định rồi, vì nghệ thuật và giáo dục bổ túc những gì mà thiên nhiên khiếm khuyết.

Trước hết, ta sẽ tìm hiểu xem những luật lệ nào liên quan đến trẻ con đã được ban hành, và sau đó, sự chăm sóc trẻ con là trách nhiệm của nhà nước hay của tư nhân mà đã trở thành tập quán thông thường hiện nay, và sau cùng, những luật lệ này nên là những luật lệ như thế nào.