fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Quyển VI

Chương 1

Chúng ta đã xem xét một số những mô hình khác nhau của quyền lực tối cao trong một nước cùng với những cấu trúc những cơ quan luật pháp và điều hành quốc gia, và những mô hình nào thích hợp với chế độ nào. Ta cũng bàn qua về nguyên nhân gây nên sự sụp đổ hay sự duy trì những chế độ khác nhau.

Chế độ dân chủ và các loại chế độ khác cũng có nhiều loại; cho nên, ta sẽ bàn xem những phương thức tổ chức như thế nào thì có lợi và thích hợp với loại nào, cùng với những điều chưa được bàn tới.  Thêm vào đó, ta sẽ bàn về những sự phối hợp của những phương thức này, vì những sự phối hợp như vậy khiến cho những mô hình hiến pháp chồng tréo với nhau, như chế độ quý tộc lại có đặc tính của quả đầu và chính quyền theo hiến pháp lại có khuynh hướng dân chủ. Khi bàn về những sự phối hợp vẫn còn chưa được bàn đến, tôi muốn nói đến những điều sau đây: khi cơ quan lập pháp và sự bầu cử những viên chức chính quyền được quy định (bởi hiến pháp) theo quả đầu, cơ quan tư pháp theo kiểu quý tộc, hay khi tòa án và quốc hội theo hình thức quả đầu và bầu cử quan chức theo kiểu quý tộc, hay bất kỳ kiểu nào, nhưng không tạo được sự hài hòa trong cấu trúc của nhà nước.

Ta đã xem xét mô hình dân chủ nào hay mô hình quả đầu nào thì thích hợp với nhà nước nào và dân chúng nào? Thêm vào đó, không những ta phải xét xem cơ cấu chính trị nào thì thích hợp nhất với nhà nước nào, mà còn phải xét xem những mô hình này được thành lập như thế nào?

Trước hết, hãy bàn về chế độ dân chủ, và từ đó, ta sẽ thấy được một chế độ tương phản với chế độ dân chủ mà ta thường gọi là chế độ quả đầu. Nhằm đáp ứng mục đích của cuộc khảo sát này, ta cần phải xác định rõ ràng tất cả những phần tử và đặc tính của chế độ dân chủ, vì những chính quyền dân chủ khác nhau phát xuất từ sự phối hợp những đặc tính và phần tử này mà thành. Có nhiều loại chính quyền dân chủ khác nhau, và sự khác nhau do hai nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân thứ nhất đã được bàn tới rồi; đó là sự khác biệt về dân số. Vì nhân dân gồm nhiều phần tử khác nhau như nông dân, thợ thuyền, hay lao động, và nếu phần tử thứ nhất và thứ hai kết hợp với nhau, hay cả ba phần tử kết hợp lại, thì không những sẽ tạo nên một chế độ có thể tốt hơn hoặc xấu hơn, nhưng bản chất của chế độ cũng sẽ bị thay đổi theo. Nguyên nhân thứ hai sẽ được bàn tới sau đây: những đặc tính và thuộc tính của dân chủ, khi được kết hợp lại, sẽ tạo thành những mô hình chính trị khác nhau. Một chế độ dân chủ có thể sẽ có ít đặc tính dân chủ, một chế độ khác có thể có nhiều hơn, và một chế độ khác nữa có thể có tất cả những đặc tính dân chủ. Dù để xây dựng một mô hình dân chủ mới hay để sửa đổi một mô hình có sẵn, đó là một lợi điểm khi ta hiểu được những sự khác nhau này. Những nhà lập quốc đã cố kết hợp tất cả mọi phần tử trong xã hội, dựa trên ý niệm của vài loại hiến pháp; nhưng đó chính là những sai lầm mà tôi đã nêu ra khi bàn về sự duy trì và sụp đổ của nhà nước. Trong chương này, ta sẽ đưa ra những nguyên tắc, đặc tính và cứu cánh của mỗi loại chính quyền dân chủ.

Chương 2

Căn bản của một nhà nước dân chủ là tự do, theo quan niệm thông thường, là một đặc tính chỉ có được trong một nhà nước dân chủ. Đó cũng chính là điều mà người ta cho rằng là cứu cánh cao cả của mọi nền dân chủ. Một nguyên tắc của tự do: tất cả mọi người, theo thứ tự, đều là người cai trị và bị trị, và thực ra, sự công bằng trong dân chủ là sự áp dụng bình đẳng theo đa số, chứ không phải theo tỷ lệ. Như vậy, [ý kiến của] đa số phải là ý kiến tối thượng, và những gì mà đa số chấp thuận phải là chung kết và công bằng. Mỗi một công dân, theo quan điểm này, phải có sự bình đẳng; và như thế, trong chế độ dân chủ, người nghèo có nhiều quyền lực hơn người giàu vì số người nghèo đông hơn và ý kiến của đa số là tối thượng. Đây chính là một khái niệm về tự do mà tất cả những người dân chủ đều công nhận là nguyên tắc của nhà nước. Một quan điểm khác về tự do là người ta có quyền sống theo ý thích của mình; đó tức là quyền của người tự do, vì nếu không được sống theo ý thích của mình là dấu hiệu của một người nô lệ. Đó là đặc tính thứ hai của dân chủ, từ đó đưa đến lập luận : nếu có thể được, con người không nên bị cai trị bởi bất cứ người nào khác, còn nếu đó là điều bất khả thi, mỗi người sẽ tuần tự đóng vai trò cai trị và bị trị. Và đó là những khái niệm về tự do dựa trên sự bình đẳng.

Trên căn bản và nguyên tắc này, ta sẽ tiến hành cuộc khảo sát những đặc tính của chế độ dân chủ như sau: [Về phương diện hành pháp,] viên chức chính quyền phải từ dân và do dân bầu ra; mọi người sẽ tuần tự lãnh nhiệm vụ cai trị và bị trị; sự bổ nhiệm vào tất cả mọi chức vụ, ngoại trừ những chức vụ đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng đặc biệt, phải được tiến hành qua bốc thăm; tài sản không được đặt thành tiêu chuẩn để ứng cử hay bầu cử, còn nếu có, thì chỉ rất tượng trưng; không có ai sẽ giữ cùng một chức vụ hai lần hay hơn, ngoại trừ trường hợp đặc biệt của những chức vụ trong quân đội; nhiệm kỳ của tất cả mọi chức vụ, hay đa số các chức vụ được ấn định trong một thời gian ngắn mà thôi. [Về phương diện tư pháp,] tất cả công dân, hay những quan tòa có khả năng được công dân bầu ra, sẽ xét xử tất cả mọi sự tranh tụng, hoặc trong những trường hợp thật quan trọng như kiểm toán tài chính các cơ quan chính quyền, những vấn đề liên quan đến hiến pháp, hay những khế ước liên quan đến tư nhân. [Về phương diện lập pháp,] đại hội đồng sẽ có thẩm quyền tối cao trên mọi vấn đề của quốc gia, hay ít ra thì cũng trên những vấn đề thật quan trọng. Người đứng đầu hành pháp sẽ không có thẩm quyền tối cao nào hết về những vấn đề của quốc gia, còn nếu có, thì chỉ trên một số ít vấn đề mà thôi.

Trong tất cả những chức vụ điều hành, ủy ban điều hành là hình thức dân chủ nhất trong chế độ dân chủ, nếu không có đủ phương tiện để trả lương cho tất cả mọi người dân tham gia vào việc điều hành nhà nước.  Nhưng khi được trả lương, ủy ban điều hành lại mất đi quyền lực này, vì người ta khi được trả lương, sẽ kéo nhau tham gia vào mọi việc như ta đã bàn trong những phần trước. Đặc tính kế tiếp của dân chủ là những người phục vụ chính quyền được trả lương. Khi có đủ phương tiện, tất cả những người tham gia vào quốc hội, tòa án, hành chính đều có lương; nếu không đủ phương tiện, chỉ trả lương cho những người làm việc trong tòa án, ủy ban điều hành, hay quốc hội; còn nếu vẫn không đủ nữa, thì tối thiểu, phải trả lương cho những người làm việc trong những ủy ban mà phải ăn chung với nhau.  Cũng cần ghi nhận ở đây: nếu những đặc điểm của chế độ quả đầu gồm có gia thế, tài sản, và học thức, thì chế độ dân chủ tương phản hẳn lại, gồm hạ dân, nghèo khổ, và thiếu học thức. Một đặc tính nữa của dân chủ là chấm dứt chính sách cho quan chức được cai trị suốt đời, nhưng nếu vẫn còn một vài chức vụ do hiến pháp cổ để lại, thì phải tước bớt quyền lực của những chức vụ đó, và thay đổi bằng cách lựa chọn qua bốc thăm thay vì qua lá phiếu. Đó là những đặc tính chung cho tất cả mọi nền dân chủ. Nhưng nền dân chủ đúng nghĩa nhất cho những người dân sống trong chế độ đó được đặt trên nguyên tắc dân chủ sau đây: đó là, tất cả mọi người đều phải được tính bằng nhau; bởi vì sự bình đẳng có nghĩa rằng người nghèo không nên có nhiều quyền hạn hơn người giàu, và không thể là những người cai trị duy nhất. Quyền cai trị phải được chia sẻ đồng đều tùy theo số người của mỗi giai cấp. Làm như vậy, ta có thể tin rằng tự do và bình đẳng sẽ được bảo đảm trong quốc gia.

Chương 3

Vấn đề kế tiếp là làm thế nào để đạt được sự bình đẳng như vậy? Liệu ta có nên ấn định cho 1000 người nghèo có tiêu chuẩn tài sản tương đương với 500 người giàu?  Và liệu ta có để cho 1000 người nghèo này có quyền lực ngang với 500 người giàu không? Nếu không theo phương thức này, ta có nên, một mặt giữ nguyên tỷ lệ, nhưng tuyển ra từ hai khối cùng một số đại biểu và trao cho họ quyền điều hành chính quyền và xử án? Theo nguyên tắc dân chủ, phương thức nào là phương thức công bình hơn––đại biểu hay theo đa số? Những người dân chủ sẽ cho rằng sự công bình chính là ý nguyện của đa số, còn những người theo quả đầu sẽ cho rằng công bình là ý nguyện của đa số người có tài sản. Cả hai nguyên tắc này đều có sự bất bình đẳng và bất công. Nếu công bình là ý nguyện của một thiểu số có tài sản, thì bất cứ ai có tài sản trội hơn tài sản của tất cả những người giàu cộng lại, sẽ đương nhiên nắm trọn quyền hành; nhưng đó lại chính là hình thức độc tài. Còn nếu công bình là ý nguyện của đa số, thì như ta đã bàn trong những phần trên, khối dân nghèo sẽ nhân danh đa số để cưỡng đoạt tài sản của thiểu số người giàu. Để tìm được một nguyên lý về bình đẳng mà cả hai khối đều đồng ý, ta phải xét xem họ quan niệm như thế nào về công lý?

Cả hai phe đồng ý rằng những gì đa số công dân quyết định, thì những điều đó trở thành luật. Đồng ý như vậy, nhưng cũng còn có điểm cần lưu ý, vì quốc dân do hai giai cấp giàu, nghèo tạo thành. Những điều được xem là luật phải được tất cả hai giai cấp đồng ý, hay chỉ thành phần đa số của hai giai cấp đồng ý; còn nếu họ bất đồng ý, thì những gì được chấp thuận là bởi đa số hay bởi những người có khả năng cao hơn? Giả dụ có 10 người giàu và 20 người nghèo, và một đề nghị được 6 người giàu chấp thuận và 15 người nghèo bác; 4 người giàu không đồng ý lại liên minh với số 15 người nghèo không đồng ý, và 5 người nghèo còn lại liên minh với 6 người giàu. Trong trường hợp như vậy, ý nguyện của phe nào có tiêu chuẩn tổng cộng cao hơn, sẽ chiếm ưu thế. Còn nếu tiêu chuẩn tổng cộng bằng nhau, cách giải quyết cũng không khó lắm, như trong trường hợp tòa án bị hai số phiếu ngang nhau,  thì rút thăm hay những biện pháp thích hợp khác đều được cả. Về phương diện lý thuyết, thật khó để định nghĩa thế nào là công bằng và bình đẳng, về phương diện thực hành, còn khó hơn nhiều vì không dễ thuyết phục những kẻ mạnh đừng xâm lấn quyền lợi của kẻ yếu. Kẻ yếu lúc nào cũng đòi hỏi công bằng và bình đẳng, nhưng kẻ mạnh lại chẳng buồn quan tâm đến những điều này.

Chương 4

Trong bốn mô hình chế độ dân chủ, như đã trình bày trong các phần trước, mô hình tốt nhất là mô hình hiện hữu trước nhất [trong bản phân loại] và cổ nhất, theo sự phân loại tự nhiên của dân chúng. Dân chúng thích hợp nhất cho chế độ dân chủ là dân chúng làm nghề nông. Nếu đa số dân chúng là nông dân hay chăn nuôi, thì việc thiết lập một chế độ dân chủ là điều dễ dàng. Vì là những người nghèo, nông dân không có thì giờ nhàn rỗi, cho nên, họ cũng không có thì giờ để tham gia hội họp, và bởi vì không có đủ các nhu cầu của đời sống, họ phải luôn luôn làm việc và không thèm khát tài sản của người khác. Thực ra, họ cảm thấy làm việc đồng áng còn vui thú hơn là tham gia vào chính sự, những việc chẳng đem lại lợi lộc gì nhiều cho họ, vì đa số nông dân quan tâm đến lợi nhuận thu hoạch được hơn là danh vọng. Bằng chứng là trong những chế độ độc tài thời cổ, cũng như trong những chế độ quả đầu, người dân vẫn kiên nhẫn chịu đựng nếu họ vẫn được phép làm ăn và tài sản của họ không bị tước đoạt, và họ sẽ trở nên giàu có hay ít ra cũng thoát khỏi cảnh nghèo túng. Thêm vào đó, người nông dân có quyền bầu ra quan chức và buộc những quan chức phải chịu trách nhiệm trong công vụ; cho nên, những tham vọng của người dân, nếu họ có tham vọng, cũng dễ được thỏa mãn. Có những trường hợp cho thấy đa số quần chúng cảm thấy hài lòng khi có một chút quyền lực như ở Mantinea, dù họ không được bầu ra quan chức (quan chức được tuần tự lựa ra từ một số người mà thôi), nhưng họ có quyền bình nghị.

Ta có thể xem hình thức chính quyền kiểu này tại Mantinea là một mô hình dân chủ. Như vậy, mô hình này thỏa mãn hai điều kiện là tiện lợi và theo đúng truyền thống như mô hình dân chủ ta vừa bàn tới, tức là mọi người dân đều có quyền bầu ra viên chức, kiểm tra hoạt động của chính quyền, và xử án; nhưng những chức vụ quan trọng phải được bầu ra từ những người có đủ tiêu chuẩn (về tài sản); chức vụ càng cao thì tiêu chuẩn càng phải cao. Còn nếu không có chức vụ nào đòi hỏi phải có tiêu chuẩn (về tài sản), thì những ai có khả năng đặc biệt phải được bổ nhiệm. Dưới mô hình chính quyền như vậy, chắc chắn người dân sẽ được cai trị tốt (vì những chức vụ luôn luôn được những người tài đức nhất đảm nhiệm; như thế, người dân sẵn lòng bầu ra những người này và không có ai đố kỵ người tài giỏi). Những người giỏi và thành phần quý tộc cũng hài lòng vì không bị những người bất tài và thấp kém hơn cai trị. Còn những người được bầu ra sẽ cai trị công minh, vì nếu không, sẽ phải chịu trách nhiệm với công chúng. Mỗi người đều có trách nhiệm đối với người khác, cũng như không thể để cho ai muốn làm gì theo ý thích thì làm. Bởi vì khi ta cho phép tự do tuyệt đối, thì sẽ chẳng thể nào kềm chế được cái xấu vốn tiềm ẩn trong bản chất của con người. Nhưng nguyên tắc quy định trách nhiệm sẽ bảo đảm được sự tốt đẹp nhất cho một nước: người tài ba cai trị không thể làm bậy, vì người dân có quyền chính đáng buộc người cầm quyền chịu trách nhiệm về những việc làm sai trái. Ta thấy hiển nhiên đây là một loại chế độ dân chủ tốt đẹp nhất. Tại sao như vậy? Bởi vì mọi người dân cùng ở một giai cấp như nhau. Một số những điều luật cổ trong hầu hết các nước, và tất cả những điều này đều hữu dụng khi quy định mọi người phải làm nghề nông. Luật lệ quy định rằng, không có ai được sở hữu đất đai quá một giới hạn nào đó, hoặc là nếu đã làm chủ quá nhiều đất đai, thì vùng đất đó không được ở gần trung tâm thị trấn hoặc gần khu vực tường thành. Trước đây, có nhiều nước cấm người ta không được bán đi phần đất hương hỏa của gia đình. Còn có một điều luật tương tự mà người ta bảo là do Oxylus ban hành, quy định người dân không được cầm thế hết đất đai để mượn tiền mà phải giữ lại một phần nào đó để sinh sống. Nếu không có luật lệ như vậy, thì luật lệ của dân Aphytis có thể được dùng để điều chỉnh những sai trái xảy ra. Tại Aphytis, dù dân đông đất hẹp, nhưng mỗi người đều có đất để sinh sống và đất đai được kê vào sổ bộ, dù diện tích ít ỏi nhưng ngay cả người nghèo nhất cũng đủ tiêu chuẩn để tham gia chính sự.

Nông dân là những người thích hợp nhất để xây dựng chế độ dân chủ. Sau nông dân là những người làm nghề chăn nuôi. Những người này có nhiều điểm giống với nông dân, nhưng đời sống ngoài thiên nhiên giúp cho họ có thân thể cường tráng, nhanh nhẹn, cho nên cũng thích hợp để trở thành người lính chiến đấu. Người dân trong những chế độ dân chủ khác thua xa những người này vì đời sống của họ kém hơn nhiều; trong những ngành nghề của họ, như nhà buôn, thợ thuyền, hoặc nhân công, không có chỗ cho đạo đức phát triển. Những ngành nghề này đòi hỏi họ phải đi đến nơi thị tứ để buôn bán hoặc tìm việc làm, thành ra họ có thể tham dự vào những cuộc bàn thảo trong nghị hội. Còn nông dân, vì sống tản mác nơi đồng quê, nên không tụ họp thường xuyên, hay cảm thấy có nhu cầu phải hội họp. Nếu lãnh thổ rộng lớn quá, vượt xa khỏi nơi thị thành, việc kiến tạo một chế độ dân chủ ưu tú hay một chính thể theo hiến pháp cũng không phải là điều khó; bởi vì đa số dân chúng sẽ bị buộc phải cư ngụ nơi đồng quê, và nếu còn một thiểu số cư ngụ trong thành thị, thì nghị hội không được nhóm họp nếu những người dân ở miền quê không thể đến tham dự. Ta đã bàn qua chế độ dân chủ đầu tiên và là chế độ tốt nhất nên được kiến tạo như thế nào, và thấy rõ ràng những loại chế độ bị chệch khỏi mô hình đúng đắn là những chế độ kém hơn, và dân số trong mỗi loại này cũng thuộc bậc thấp hơn.

Mô hình cuối cùng của dân chủ là mô hình bao gồm mọi giai cấp và là mô hình không phải nước nào cũng xây dựng được, mà nếu có xây dựng được, thì cũng không tồn tại được lâu dài, trừ phi được điều hành bởi luật pháp và phong tục. Những nguyên nhân gây ra sự sụp đổ của chế độ dân chủ và các loại khác đã được bàn tới trong những chương trên. Để xây dựng một nền dân chủ bao gồm nhiều giai cấp và gia tăng sức mạnh của người dân, nhà lãnh đạo thường thu nạp càng nhiều dân chúng càng tốt, cho họ tư cách công dân, không những bao gồm những công dân hợp pháp, mà còn ngay cả những kẻ bất hợp pháp, và những người chỉ có cha hoặc mẹ là công dân. Bởi vì một chế độ như vậy không thể để sót thành phần nào. Đó cũng là đường hướng những kẻ mị dân thường tiến hành, dù rằng điều đúng đắn phải làm là không được gia tăng thêm dân số khi số thường dân vượt quá số quý tộc và thành phần trung lưu. Quá con số này, cơ chế chính trị bị hỗn loạn, phần tử quý tộc trở nên mất bình tĩnh và không còn kiên nhẫn với chế độ dân chủ nữa, như trường hợp nổi loạn xảy ra tại Cyrene. Người ta thường không để ý đến điều xấu nhỏ, nhưng khi điều xấu đã gia tăng thì nó đập ngay vào mắt. Những biện pháp được Cleithenes sử dụng khi muốn gia tăng quyền lực của dân chủ tại Athens, hay những biện pháp được những nhà sáng lập ra chính quyền bình dân tại Cyrene là những biện pháp hữu dụng cho chế độ dân chủ cực đoan. Những biện pháp này gồm có: thành lập những bộ tộc mới, giảm con số những nghi thức tế tự riêng tư của những bộ tộc và chuyển những nghi thức được cho phép thành những nghi thức tiến hành nơi công cộng. Nói một cách khác là sáng chế ra những biện pháp nhằm trộn lẫn những sắc dân vào với nhau và xóa bỏ những mối quan hệ cũ. Thêm nữa, những biện pháp do những nhà độc tài đưa ra thoạt trông có vẻ rất dân chủ, thí dụ như cho phép nô lệ có một số tự do (trong chừng mực nào đó, điều này có thể có lợi), hay cho phụ nữ và trẻ con một số tự do nào đó, và cho mọi người muốn sống ra sao tùy thích. Những chính quyền như vậy sẽ được nhiều người ủng hộ, vì người ta, đa số, thích sống phóng túng hơn là sống trong tiết độ.

Chương 5

Chỉ kiến tạo một thể chế dân chủ thôi, không phải là việc duy nhất và chính yếu của một nhà lập pháp, hay của bất cứ ai muốn lập nên một nhà nước, vì bất kỳ một nhà nước nào, dù được thiết lập tồi đến đâu đi nữa, cũng tồn tại được một vài ngày. Điều khó khăn hơn nhiều là sự bảo tồn và duy trì chế độ. Nhà lập pháp, do đó, nên nỗ lực xây dựng một nền móng vững chắc dựa trên những nguyên tắc liên quan đến sự tồn vong của nhà nước, tránh những phần tử làm sụp đổ nhà nước, và làm luật–thành văn hay bất thành văn–bao hàm những yếu tố bảo vệ sự tồn tại của nhà nước. Nhà lập pháp không được nghĩ đến những biện pháp nào sẽ tạo ra một chế độ hoặc là dân chủ nhất hoặc là quả đầu nhất, mà phải nghĩ đến những biện pháp giúp chế độ tồn tại lâu dài nhất. Những kẻ mị dân trong thời đại chúng ta thường dùng biện pháp tịch thu tài sản của người giàu (qua hình thức phạt tiền thật nặng và xung vào công quỹ) hòng làm cho người nghèo được vui lòng. Nhưng, những ai nghĩ đến phúc lợi của quốc gia, phải phản đối những đạo luật như vậy, và đề nghị rằng tài sản tịch thu không được xung vào công quỹ, mà phải được đưa vào nơi tế tự. Làm như vậy, kẻ giàu, người nghèo đều phải tránh không dám làm bậy vì đều bị phạt như nhau, còn người dân, vì thấy không có lợi ích gì, nên sẽ cẩn thận hơn khi kết án người khác. Những cuộc xử án công cộng nên giảm tới mức tối đa, và những kẻ cáo gian phải bị phạt nặng, vì người ta thường tố cáo thành phần quý tộc (có tài sản) hơn là thành phần bình dân. Tuy nhiên, chính sách hợp lý vẫn là đối xử với mọi người dân (bất kể giàu nghèo) như nhau, còn nếu không làm được tốt như vậy, thì cũng đừng khiến cho nhân dân phải coi nhà nước là kẻ thù.

Vì hình thức cuối cùng và tệ nhất của dân chủ là khi số công dân tăng lên đông đảo, khi đó, sẽ khó lòng kêu họ đi họp tại nghị hội nếu họ không được trả lương, còn nếu trả lương, lại không có tiền và phải đưa gánh nặng này lên thành phần quý tộc (nhà nước thu được tiền từ thuế đánh lên tài sản hoặc từ tài sản bị tịch thu hoặc từ sự xử phạt sai trái của tòa án; những cách này đều đưa đến sự sụp đổ của những nền dân chủ). Cho nên, tôi đề nghị rằng, nếu không có tiền trả lương, chính quyền không nên triệu tập nghị hội thường xuyên; còn tòa án, nên có nhiều người tham gia, nhưng những phiên xử chỉ nên kéo dài vài ngày mà thôi. Hệ thống này có hai lợi điểm: thứ nhất, người giàu sẽ không còn sợ phải bị thu thêm nhiều thuế, dù họ không được trả lương còn người nghèo được trả lương; thứ hai, những vụ tranh tụng sẽ được xét xử tốt hơn vì những người giàu, dù không thích phải bỏ việc tư đi làm việc công, cũng sẵn sàng bỏ ra vài ngày đi xử án.

Khi nhà nước đã có thu nhập [để trả lương] thì những kẻ mị dân không được theo thói quen đòi phân phối số tiền thặng dư lại cho người nghèo; họ đã có tiền lương rồi và luôn luôn muốn có nhiều hơn nữa; phân phối tiền thặng dư cho người nghèo cũng như đổ nước vào rổ. Nhưng, những nhà dân chủ thực sự phải chú tâm đến họ và không để cho họ trở nên quá nghèo, vì sự nghèo đói sẽ làm mất đi tính chất của dân chủ. Đó là lý do tại sao phải có những biện pháp giúp họ có được tài sản lâu bền. Và đó cũng là sự quan tâm của mọi giai cấp. Những thu nhập vào công quỹ nên được tích lũy lại và phân phối cho người nghèo một số lượng thích hợp nào đó để họ làm vốn canh tác hay buôn bán. Còn nếu không đủ ngân quỹ để phân phối cho tất cả cùng một lúc, thì nên tuần tự chia cho những bộ tộc, và trong cùng thời gian đó, người giàu nên trả lương cho người nghèo để họ đi họp nghị hội, cũng như được miễn khỏi làm những dịch vụ công cộng vô ích khác. Nhờ vào những chính sách như vậy, nhà nước tại Carthage giữ được lòng yêu mến của nhân dân. Một chính sách là tuần tự lựa ra trong số những người nghèo và phái họ về các tỉnh làm việc có lương. Những người giàu và quý phái có lòng tốt cũng bảo trợ một số người nghèo, giúp vốn cho họ làm ăn. Một thí dụ khác là chính sách của xứ Tarento  cũng đáng cho ta mô phỏng. Những người giàu trong xứ này chia sẻ tài sản với người nghèo, và nhờ đó mà thu phục được cảm tình của dân nghèo. Ngoài ra, họ còn chia chức vụ chính quyền làm hai loại, một loại do dân bầu , một loại được lựa chọn qua sự bốc thăm. Làm như vậy, mọi người đều có thể tham gia qua sự lựa chọn may rủi, và bảo đảm sự điều hành khéo léo vì những người có khả năng mới được bầu ra. Tương tự như vậy, trong cùng một cơ quan, cũng có thể có hai loại viên chức, một do bốc thăm lựa ra, và phần còn lại do bầu cử.

Tới đây ta đã bàn khá đủ về những cách thức để thiết lập chế độ dân chủ như thế nào.

Chương 6

Từ những sự khảo sát vừa qua, tìm hiểu những yếu tố tạo nên cơ cấu chính trị của chế độ quả đầu cũng không khó lắm. Ta chỉ cần lý luận từ phía đối nghịch và so sánh mỗi dạng của chế độ quả đầu với dạng tương đương của chế độ dân chủ.

Mô hình đầu tiên và cũng là mô hình ít khắc nghiệt nhất của chế độ quả đầu rất giống với chính quyền theo hiến pháp (mô hình tốt nhất của dân chủ). Trong chế độ này, có hai tiêu chuẩn (tài sản) để tham gia chính sự: một tiêu chuẩn cao, một tiêu chuẩn thấp––tiêu chuẩn thấp dành cho những chức vụ cấp thấp nhưng không thể thiếu được và tiêu chuẩn cao dành cho những chức vụ cao hơn. Những ai đã hội đủ tiêu chuẩn tài sản cũng phải có quốc tịch, làm như vậy để cho số người có thể tham gia vào chính quyền đông hơn số người không phải là công dân; và những công dân mới nhập quốc tịch cũng nên được tuyển từ giai cấp khá giả hơn. Nguyên tắc này, nếu xiết chặt hơn chút nữa về tiêu chuẩn tài sản, sẽ tạo ra một mô hình khác của chế độ quả đầu, nếu cứ tiếp tục xiết chặt thêm, sẽ trở thành chế độ của bè phái và chuyên chế nhất trong các loại quả đầu; chế độ này tương đương với chế độ dân chủ cực đoan, cần phải được luôn luôn cảnh giác vì tính chất xấu xa của chế độ. Những người khỏe mạnh có thể chịu đựng được nhiều sự gian lao về thể chất; những con tàu vững chắc cộng thêm với thủy thủ đoàn lành nghề có thể chịu đựng nhiều sóng gió. Nhưng, nếu con người có thể chất yếu đuối, hay con tàu rệu rạo cùng với thủy thủ đoàn bất tài, thì chỉ cần một sai lầm nho nhỏ cũng đủ tiêu vong. Do đó, những mô hình chính quyền xấu nhất cần phải được nhà cầm quyền quan tâm kỹ hơn. Trong chế độ dân chủ, dân số đông đảo là yếu tố giúp cho chế độ được bảo tồn (công bằng được bảo đảm theo tỷ lệ), còn chế độ quả đầu chỉ được bảo tồn khi sự tham gia vào chính quyền của người dân được đặt trên tài năng.

Chương 7

Vì dân chúng có thể được chia làm bốn loại––nông dân, thợ thuyền, buôn bán, và lao động chân tay, cho nên quân đội cũng được chia làm bốn loại––kỵ binh, trọng binh, khinh binh, và hải quân. Khi một nước chọn kỵ binh làm chủ lực (vì địa thế ), thì nước đó thường theo chế độ quả đầu, vì chỉ người giàu mới có phương tiện để nuôi ngựa. Khi lực lượng quân sự là trọng binh,  nước đó sẽ theo mô hình thứ hai của chế độ quả đầu, vì tổ chức lực lượng trọng binh cũng cần dân chúng giàu có. Nhưng, những nước có khinh binh hay hải quân thường theo chế độ dân chủ, và ngày nay, những lực lượng này rất đông đảo. Khi có tranh chấp giữa chế độ dân chủ và quả đầu, chế độ quả đầu thường phải chịu thua. Chế độ quả đầu có thể dùng phương thức của những tướng lãnh là kết hợp một lực lượng khinh binh trừ bị cùng với chủ lực là kỵ binh và trọng binh. Khi nội bộ một quốc gia có xung đột, người nghèo thường có lợi thế hơn người giàu vì trang bị nhẹ, dễ tấn công trọng binh và kỵ binh. Một chế độ quả đầu mà tạo ra một lực lượng quân sự từ giai cấp dưới, là tự tạo nên một thế lực chống lại chính mình. Do đó, vì yếu tố tuổi tác, những người cầm quyền của chế độ quả đầu nên cho con cái của họ, khi còn trẻ, được huấn luyện trong lực lượng khinh binh, để khi đến tuổi trưởng thành, những thanh niên này sẽ trở thành những chiến sĩ khinh binh thực thụ.

Những người lãnh đạo trong chế độ quả đầu cũng nên nhường một số chức vụ trong chính quyền cho những người khác, hoặc (như tôi đã bàn qua) cho những người có đủ tiêu chuẩn tài sản, hoặc theo như cách thức ở Thebes, cho những người đã thôi không làm những nghề hạ tiện trong một khoảng thời gian nào đó, hoặc như ở Massalia,cho những người có tài năng, dù họ có là công dân hay không. Những chức quyền cao nhất nên nằm trong tay của giai cấp cai trị, nhưng không những không được trả lương mà còn phải đóng thêm tiền cho những chức vụ như vậy. Làm như thế, những người khác sẽ không ham muốn những chức vụ đó nữa và cũng không bất mãn khi thấy những người cai trị được hưởng những đặc quyền, vì chẳng khác nào họ đã phải trả một giá đắt cho những đặc quyền đó. Những viên chức giữ quyền cao, khi nhậm chức, cũng nên dâng những của tế lễ thật thịnh soạn và xây dựng những công thự trong thời gian tại chức. Những điều này khiến cho dân chúng, khi tham dự lễ hội, thấy rằng đất nước của họ được trang hoàng đẹp đẽ bởi những đồ tế tự và dinh thự nguy nga, sẽ không nẩy lòng muốn thay đổi chế độ, còn những nhà quý tộc sẽ được nhớ ơn nhờ sự hào phóng của họ. Nhưng, tiếc thay, đó không phải là những phương thức mà những chế độ quả đầu ngày nay áp dụng. Những kẻ quả đầu ngày nay tham lam của cải lẫn danh vọng, mà ta phải gọi họ là những kẻ dân chủ ti tiện mới đúng. Tới đây ta đã bàn đủ về cách thức các chế độ dân chủ và quả đầu nên được thiết lập như thế nào.

Chương 8

Những đề tài kế tiếp chúng ta sẽ bàn tới là việc tổ chức đúng đắn những cơ quan trong chính quyền, bản chất và chức năng những cơ quan này như thế nào và phải cần có bao nhiêu cơ quan? Không một nước nào có thể hiện hữu được nếu không có những cơ quan chính quyền cũng như không một nhà nước nào có thể được điều hành tốt nếu không có những cơ quan để giữ gìn trật tự và sinh hoạt hài hòa. Trong những nước nhỏ, như ta đã bàn qua, không cần phải có nhiều cơ quan chính quyền, nhưng trong những nước lớn hơn thì cần phải có nhiều hơn, và ta phải xem xét cẩn thận xem cơ quan nào có thể được kết hợp với nhau, và những cơ quan nào cần phải tách riêng.

Trong những cơ quan cần thiết, cơ quan đầu tiên là cơ quan quản trị thị trường; một chức quan phải được đặt ra để kiểm tra những giao kèo buôn bán và giữ gìn trật tự. Điều này cần thiết vì trong mọi nước ta không thể tránh khỏi việc có người mua và kẻ bán để đáp ứng những nhu cầu của đời sống; đây là cách thức dễ dàng nhất để giúp cho một nước đạt được tình trạng tự túc và đáp ứng được mục đích của con người khi quần tụ lại thành một quốc gia. Cơ quan thứ hai, cũng tương tự như cơ quan thứ nhất, là cơ quan giám sát và tô điểm cho nhà cửa trong thành phố và công thự, tu bổ đường xá và cầu cống, và ngăn ngừa những cuộc tranh chấp về diện tích nhà cửa của dân. Cơ quan này vẫn thường được gọi là cơ quan Công chánh gồm có nhiều ban khác nữa. Khi nước càng đông dân, những ban này do nhiều người khác nhau chịu trách nhiệm, thí dụ, người lo về tường thành, người lo về đồi núi, người lo về hải cảng. Tương tự như vậy, nên có một cơ quan phụ trách tài nguyên của toàn quốc như cơ quan Kiểm lâm. Ngoài ba cơ quan trên, cần phải có cơ quan chuyên thu thuế và phân phối ngân khoản cho những cơ quan khác. Cơ quan này gọi là Bộ Ngân khố. Một cơ quan nữa lưu trữ tất cả những giao kèo ký kết giữa tư nhân với nhau, những cáo trạng của tòa, và tất cả những tài liệu khác. Cơ quan này cũng có thể được chia làm nhiều ban nhỏ, nhưng tất cả do một chưởng quan đứng đầu.

Kế đến là một cơ quan mà nhiệm vụ rất cần thiết [cho xã hội] và cũng rất khó điều hành, đó là cơ quan phụ trách việc thi hành hình phạt, hay thu tiền phạt, cũng như giam giữ tù nhân. Sự khó khăn của cơ quan này xuất phát từ cái tiếng xấu dính liền với nó; chẳng có ai muốn làm việc này, trừ phi họ thu được nhiều lợi nhuận, và những người chịu làm thì cũng chỉ thi hành luật pháp cho có lệ. Thế nhưng, cơ quan này rất cần thiết vì những phán quyết của tòa sẽ chẳng có ý nghĩa gì, nếu không được thi hành. Và vì xã hội không thể hiện hữu được nếu không có luật pháp, thì xã hội cũng sẽ không thể hiện hữu được nếu luật pháp không được thi hành. Vì đây là cơ quan ai cũng ghét, cho nên, cơ quan này không nên giao cho một bộ phận cai quản, mà chia ra làm nhiều ban phụ trách những lãnh vực khác nhau. Tương tự như vậy, nên chia cho nhiều người đảm nhận những nhiệm vụ khác nhau trong cơ quan thuế vụ. Những hình phạt nên do những quan chức thi hành và những số tiền phạt nào do quan chức hết nhiệm kỳ ấn định nên được những quan chức kế nhiệm thi hành. Còn trong trường hợp những quan chức đang tại chức, thì quan chức quyết định hình phạt và quan chức thi hành án phạt nên là những người khác nhau. Thí dụ, nếu quản lý thị trường ra lệnh phạt thương nhân, thì nhân viên của thị trưởng có nhiệm vụ đi thu tiền phạt. Làm như vậy, người thi hành án phạt ít bị ghét bỏ hơn và sẽ dễ hoàn thành chức trách hơn; ngược lại, nếu người thi hành án phạt lại cũng là người ra lệnh phạt, người đó sẽ bị coi là kẻ thù và rất khó thi hành công vụ.

Cũng có nơi, trách nhiệm được phân biệt rõ ràng giữa viên chức bắt người và viên chức giam giữ tù nhân, như trường hợp “Ủy ban Mười Một”  ở Athens. Ủy ban này có quyền ra lệnh bắt người, nhưng cơ quan khác có nhiệm vụ giam giữ. Các biện pháp tương tự cũng nên được áp dụng cho những cơ quan khác để đỡ bị người dân chán ghét. Ai cũng biết nhiệm vụ cai ngục là cần thiết, nhưng những người tốt lại không muốn làm, còn những kẻ bất lương thì lại không tin được, vì chính những người này còn cần bị canh giữ chứ đừng nói đến việc đi canh giữ người khác. Bởi thế, nhiệm vụ này không nên trao cho một người thường xuyên canh giữ tù nhân, mà nên giao cho những đội thanh niên (đã qua huấn luyện quân sự) do những quan chức khác nhau chỉ huy.

Đây là những quan chức không thể thiếu được và phải được xếp hạng đầu tiên. Kế tới là những cơ quan cũng quan trọng không kém, như xếp hạng cao hơn và đòi hỏi những viên chức có nhiều kinh nghiệm và lòng trung thành với quốc gia hơn. Đó là những quan chức giữ nhiệm vụ bảo vệ thành trì và những nhiệm vụ quân sự khác. Trách nhiệm của những quan chức này trong thời chiến cũng như thời bình là bảo vệ thành trì, tập họp và chỉ huy dân chúng. Tại một số nước, có nhiều cơ quan lo về quốc phòng, một số nước khác lại có ít hơn, còn những nước nhỏ, chỉ có một. Những quan chức này được gọi là tướng soái. Nếu những nước có cả kỵ binh, khinh binh, cung thủ, hoặc hải quân, thì mỗi ngành khác nhau do một sĩ quan riêng biệt chỉ huy, như đô đốc, tướng soái quân kỵ hoặc tướng soái khinh binh. Bên dưới mỗi cấp tướng là những cấp tá, vân vân, và tất cả những sĩ quan này thuộc về bộ chiến tranh và bộ chỉ huy quân sự.

Nhưng vì có nhiều cơ quan, nếu không muốn nói là tất cả, sử dụng công quỹ, cho nên phải có một cơ quan giám sát và kiểm toán chi thu, đồng thời không giữ thêm nhiệm vụ nào khác nữa. Những quan chức này có nhiều tên gọi khác nhau: kiểm toán, kiểm soát tài chánh, hay kế toán. Bên cạnh những cơ quan này còn có một cơ quan cao cấp hơn lo về đệ trình những vấn đề cần thảo luận, phê chuẩn tại nghị viện, và chủ tọa những phiên họp của nghị viện. Có nơi gọi cơ quan 10 người này là ủy ban sơ bộ, vì họ sẽ thảo luận trước, xem những vấn đề nào cần đưa ra nghị viện, còn trong chế độ dân chủ thì gọi là ủy ban quốc hội. Những ủy viên này là những quan chức chính trị chính yếu của một nước.

Ngoài ra, còn cần có những quan chức phụ trách về tôn giáo, tu bổ, bảo quản những giáo đường, và những vấn đề khác liên quan đến tôn giáo. Trong những nước nhỏ, chỉ cần có một quan chức là đủ, nhưng trong những nước lớn, cần có quan chức phụ trách về đào tạo giáo sĩ, tổng giám sát tế tự, bảo quản giáo đường và những linh vật. Ngoài ra, còn có những chức quan phụ trách những buổi tế lễ chung cho cả nước mà lễ vật được dâng lên từ những tế đàn công cộng. Những viên chức này thường được gọi là tế quan.

Đó là tất cả những cơ quan cần thiết cho một quốc gia và có thể được tóm tắt như sau: cơ quan lo về tôn giáo, quốc phòng, tài chánh, thị trường, công chánh, tư pháp, thư khố, lao thất, giám sát tài chánh, và cuối cùng là lập pháp. Tại những nước bình yên và giàu có, còn có những giám quan lo về đức hạnh phụ nữ, trẻ con, giáo dục, thể dục và những cuộc tranh tài thể thao. Một số những cơ quan này không thuộc chế độ dân chủ, như chức giám quan của phụ nữ và trẻ con––những người nghèo không có nô lệ phải dùng cả vợ con làm việc nhà.

Cuối cùng: có ba cơ quan cao nhất trong một nước. Đó là giám sát luật pháp, ủy ban sơ bộ, và nghị hội. Trong ba cơ quan này, cơ quan giám sát thích hợp với giai cấp quý tộc, ủy ban sơ bộ thích hợp với giai cấp quả đầu (người giàu), và nghị hội là một định chế dân chủ (người nghèo). Tới đây ta đã bàn đủ về các loại cơ quan khác nhau của chính quyền.