Peter Ackerman, Maciej Bartkowski, và Jack Duvall
Dân Ukraine không dùng những danh từ đao to búa lớn hay các hành động bạo lực để lật đổ nhà lãnh tụ chuyên chế và các tay sai của ông ta. Chống đối dân sự đã phá tan sự chính danh của một chính quyền áp bức và tham nhũng. Phong trào bất bạo động đã làm tan biến sự ủng hộ của dân chúng và lòng trung thành của phe hỗ trợ Victor Yanukovych.
Ngày 25 tháng 2 hãng thông tấn Reuters News loan tin một thanh niên 25 tuổi, đã từng học quân sự tại trung tâm huấn luyện sinh viên sĩ quan, được coi như là người khiến cho Victor Yanukovych phải bỏ chạy. Thanh niên đó đã phát biểu trong một cuộc mít-tinh tại Kyiv, đả kích các nhà chính trị Ukraine đã toa rập “với tên sát nhân” khi họ thỏa hiệp với Yanukovych vào ngày hôm đó, thanh niên này đã đòi “ngày mai vào 10 giờ sáng Yanukovych phải ra đi” — có người cho rằng đó là một lời đe dọa sẽ sát hại.
Như thường lệ, giới truyền thông đua nhau đăng tải hình ảnh các rào chắn và các lốp xe hơi bị đốt cháy. Bạo động thường được các giới truyền thông thích phổ biến, tuy nhiên điều này đã không xảy ra suốt trong thời gian 88 ngày của cuộc đấu tranh đưa Ukraine trở lại con đường dân chủ thực sự. Từ khi bắt đầu có các cuộc biểu tình tại Kyiv vào ngày 24 tháng 11 năm 2013 cho tới ngày Victor Yanukovych bỏ chạy khỏi thủ đô ngày 21 tháng 2 năm 2014, dân Ukraine đã liên tục dùng một loạt các chiến thuật bất bạo động khiến cho chính quyền phải khuất phục.
Maidan
Ba ngày sau ngày 21 tháng 11, khi chính quyền loan báo đã ngưng tiến hành một hiệp ước gia nhập Cộng đồng Âu châu, sự kiện này đã gây ra phản ứng phẫn nộ trong dân chúng: 100,000 người Ukraine đã cầm cờ Âu châu biểu tình tuần hành khắp trong thành phố, và một cuộc mít tinh của quần chúng đã chiếm đóng quảng trường Maidan ngay tại trung tâm thành phố.
Cuộc biểu tình, mệnh danh là “Maidan,” đã liên tiếp diễn ra với sự tham dự của hàng ngàn người thường xuyên cắm lều tại quảng trường và sau đó hàng trăm ngàn người, kẻ đứng người ngồi, đã tham gia vào những cuộc biểu tình lớn vào cuối tuần. Trong ba tháng phản kháng, người dân Ukraine đã thực sự cố ý tạo ra một cộng đồng chính trị tự quản ngay tại quảng trường trong mùa đông lạnh lẽo.
Trường đại học ngoài trời tại Maidan đã cung cấp hàng trăm cuộc thuyết trình và diễn đàn thảo luận suốt trong thời gian chiếm giữ quảng trường để trao đổi thông tin và huấn luyện quần chúng. Các luật sư đã phát động chương trình “Euromaidan SOS” để trợ giúp về pháp luật và tài chánh cho các nhà tranh đấu đang bị bắt giữ. Nhiều người đã tới tặng tiền, lương thực, quần áo, chăn mền và lều. Các cơ sở y tế—có cơ sở được trang bị tốt hơn là các bệnh viện địa phương—và các bếp để nấu thức ăn do hàng trăm người lập ra đã xuất hiện khắp nơi địa điểm biểu tình.
Ca nhạc đã được trình diễn trong quảng trường Maidan. Một trong các bài hát có tựa là “Vitya Ciao” – “Tạm biệt Victor” –(rõ ràng ám chỉ Victor Yanukovych), đã được đưa lên YouTube vào đầu tháng 12 và đã lan tràn như thác lũ, có gần triệu người xem. Tại Kyiv hàng trăm người cũng đã dừng lại hát bài quốc ca và sau đó đã được hát đi hát lại nhiều lần trong quảng trường Maidan. Những người biểu tình khuyết tật cũng xuống đường và lên mạng với những biểu ngữ như “Các ông có định bắn chúng tôi không?”, ám chỉ hành vi bạo động của cảnh sát đã bắn vào các người tranh đấu vào tháng giêng năm đó.
Maidan là ngọn đèn chỉ đường nhưng ánh sáng của ngọn đèn đã được phản chiếu tại nhiều nơi trong nước. Vào cuối tháng giêng nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại một số thành phố ở miền đông trong nước. Các cuộc biểu tình đó đã thu hút các sinh viên, các nhà trí thức, các nhà chuyên môn, nhân dân lao động, những người theo đạo Công giáo, đạo Chính thống và đạo Do Thái.
– Tại thành phố Odessa ở phía nam (được coi như là thành trì của Yanukovych) có một số cuộc biểu tình, trong đó có cuộc biểu tình có hàng ngàn người cầm cờ Ukraine kéo dài một nửa cây số.
– Theo đài BBC “tại thành phố Sumy ở phía đông bắc các người biểu tình đã chiếm đóng toà thị chính và một đại biểu quốc hội thuộc đảng đối lập Tổ quốc… đã đứng lên lãnh đạo hội đồng thành phố.”
– Chiến dịch “hạ bệ Lênin,” được coi là biểu tượng ngày tàn của một nhà cầm quyền lỗi thời, cũng lan tràn khắp nước.
Trong khi việc chiếm đóng trở thành một hiện tượng bình thường trong cuộc sống và là tiêu điểm định hướng của phe đối lập đối với tổng thống rõ ràng đã không được dân chúng tin tưởng, các người chống đối lại mở rộng thêm những chiến thuật. Một chiến dịch tẩy chay các sản phẩm của các công ty thuộc quyền sở hữu hay được biết là có quan hệ mật thiết đối với tập đoàn cai trị ủng hộ Yanukovych và các dân biểu thuộc đảng của ông ta đã đuợc phát động. Các người tổ chức đã nhắm vào hơn 200 cơ sở kinh doanh khắp trong nước Ukraine trong đó có ngân hàng, tiệm ăn, khách sạn, các trung tâm buôn bán, các công ty bán xe hơi, các tổ chức truyền thông trên mạng và qua báo chí, các sản phẩm rượu và các công ty bán sản phẩm sữa. Một số công ty đã phải đóng gói sản phẩm mình thành những sản phẩm không có nhãn hiệu để thu hút lại khách hàng. Nhóm tẩy chay chính trên Facebook có hơn 57.000 hội viên.
Cuộc chiến đấu nhanh chóng vượt ra khỏi vấn đề nguyên thủy—tức là việc Yanukovych từ chối không tham gia Cộng đồng Âu châu—là vấn đề đã khiến cho dân chúng nổi giận. Cuộc tranh đấu đó không chỉ giới hạn trong sự cạnh tranh giữa miền đông và miền tây của nước nhưng đã được đóng khung trong vấn đề là Ukraine có thể trở nên cởi mở và tiến bộ hơn hay là sẽ tiếp tục khép kín và bị cai trị bởi những tập đoàn tham nhũng phục vụ cho quyền lợi của giới cai trị. Thực vậy mục đích nguyên thủy của các người biểu tình là để áp lực Yanukovych phải ký hiệp ước gia nhập Cộng đồng Âu châu và hành động này đã được coi là sự chống đối sâu sắc đối với tương lai của quốc gia đang hướng về một tình trạng suy thoái lâu dài. Thông thường các phong trào quần chúng thường kích thích công chúng xét lại bản chất của chính dân tộc và điều đó cũng đã xảy ra vào mùa đông này tại Ukraine.
Đàn áp và phản ứng
Vào sáng sớm ngày 30 tháng 11 cảnh sát dùng dùi cui và vòi xịt hơi cay để giải tỏa công trường Maidan. Phẫn nộ về những hành động hung bạo đó, hàng ngàn người đã tràn ngập quảng trường và đòi Yanukovych phải từ chức. Khi đã nhúng tay vào việc bạo động, chính quyền thấy ngay rằng điều này đã thúc đẩy sự phát triển của phong trào bởi vì những người dân thường đều cảm thấy bất bình khi nhìn thấy những người như họ đã bị đánh đập, mà chính người đó lại không có một hành động đe dọa nào. Hành động bạo lực của nhà nước tự nhiên trở thành quá lố đối với tình huống mà họ đang phải trực diện trong chừng mực mà những chiến thuật của dân chúng luôn luôn đều không có tính cách bạo động.
Sức mạnh chính của những phong trào đang phát triển trở nên rõ ràng hơn vào ngày 14 tháng 12 khi có hai nhóm biểu tình khác nhau đã chiếm giữ hai công viên chỉ cách xa nhau có khoảng 500 m tại Kyiv. Một nhóm là cuộc biểu tình khổng lồ chống chính phủ đã chiếm hữu công viên một tháng trước đó còn nhóm kia là một cuộc biểu tình nhỏ hơn ủng hộ tổng thống đang bị nguy khốn. Một nhóm đã phát triển thành một phong trào còn nhóm kia thì không.
Ngày 16 tháng giêng chính phủ đã tự đào huyệt cho mình sâu hơn một chút nữa. Quốc hội Ukraine ban hành một đạo luật chống biểu tình quy định tiền phạt rất nặng đối với những người dựng lều, lập sân khấu hay đặt máy phóng thanh tại những nơi công cộng. Ba ngày sau đó, trong khi những cuộc đụng độ với cảnh sát thường xẩy ra hơn, lần đầu tiên có những người biểu tình bị bắn chết. Quốc hội lo sợ về những điều có thể xảy ra, đã hủy bỏ luật chống biểu tình và Yanukovych đã cách chức thủ tướng. Nhưng chỉ ba ngày sau đó một nhà lãnh tụ biểu tình đã bị bắt cóc và bị tra tấn. Những hành động bạo hành tự phát đã xảy ra trong cả hai nhóm ủng hộ và chống chính phủ.
Tuy sự gia tăng bạo động khiến cho dân chúng bớt tham dự vào các cuộc biểu tình—một hiện tượng thông thường ở trong các cuộc chống đối phần lớn là bất bạo động—nhưng sự gia tăng bạo lực đã có ảnh hưởng bất lợi cho chế độ của Yanukovych. Các lực lượng cơ động của công an đã bị chỉ trích là dùng bạo lực một cách quá mức đối với thành phần tranh đấu cực đoan chỉ trang bị bằng vũ khí thô sơ. Thực vậy phần lớn, nếu không nói là tất cả, những người biểu tình đã bị bắt hay bị bắn chết trong cuộc chống đối tại Ukraine đều không có vũ khí sát thương. Số thương vong trong những người biểu tình nhiều gấp 10 lần số thương vong của cảnh sát. Các video do người biểu tình ghi và phổ biến rất rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy hành động tàn sát đã hướng vào các người biểu tình dùng những tấm khiên mỏng có thể bị đạn xuyên thủng một cách dễ dàng. Các trường hợp sát hại như vậy đối với những người biểu tình không có võ khí càng làm cho dân chúng thêm phẫn nộ.
Một điều đáng chú ý là trong hoàn cảnh hỗn loạn như vậy phong trào chống đối bất bạo động càng trở nên sáng tạo. Ngày 20 và 21 tháng 2, dân chúng đã ngồi trên đường xe lửa để chặn một đoàn tàu chở 500 binh sĩ an ninh tiến tới thành phố Kyiv. Binh sĩ bắt buộc phải rời khỏi tàu và trở về doanh trại, không tới được địa điểm mà họ dự định tới. Dân chúng ở trong các thành phố khác dọc theo các trục lộ chính của Ukraine cũng đặt những rào cản và ngăn chặn các xe buýt chở những côn đồ (titushki) do chính phủ thuê, không cho họ vào được tới thủ đô. Một số tài xế taxi trong Kyiv cũng đã tự động cho nhóm côn đồ đi nhờ xe nhưng sau đó đã giao nhóm côn đồ cho những người biểu tình ngay tại công viên Maidan. Dân chúng cũng lập ra những tổ chức tự phòng để vô hiệu hóa và để ngăn chặn bọn côn đồ.
Với tinh thần đấu tranh cao độ, các người biểu tình đã dùng tới nhiều hành động ngăn cản khác, nhưng vẫn không có tính cách bạo động, bằng cách chiếm đóng các cơ sở của chính quyền tại Kyiv và các nơi khác trong nước. Chiến thuật này tạo khó khăn cho chính quyền bởi vì rất khó chiếm lại được một cơ sở đã được phòng bị một cách chu đáo nếu không có một lực lượng hùng mạnh. Cùng một lúc với sự chiếm đóng các cơ sở của nhà nước, các người tranh đấu đã gửi một thông điệp mạnh cho chính quyền là chính quyền càng ngày càng không nắm vững tình thế. Sự nhận định đôi khi làm cho hiện thực xẩy ra nhanh chóng hơn.
Phong trào Ôtô Maidan hay là phong trào Xe hơi Ukraine vào lúc cao điểm đã có hơn 1,000 cái xe hơi được dùng để liên lạc, ngăn chặn bạo động, và làm giảm các hành động cực đoan. Phong trào đó đã được dùng làm tai mắt của phong trào Maidan để theo dõi sự di chuyển của các lực lượng an ninh và của bọn côn đồ của chính quyền. Có lúc đoàn xe đó đã được dùng để bảo vệ tư dinh của tổng thống tạii Mezhyhirya ở ngoại ô Kyiv và đã làm cho Yanukovych tức điên người. Đoàn xe đó cũng bảo vệ các bệnh viện đang chăm sóc cho các người tranh đấu bị thương chống lại sự săn lùng của cảnh sát và bọn côn đồ. Đoàn xe đó cũng đi tuần trong các khu vực trong thành phố để ngăn chặn bọn côn đồ và đưa họ tới quảng trường Maidan để được giáo dục, làm cho cảm thấy bị xấu hổ và sau đó đã cho họ về nếu họ hứa là sẽ đi về nhà – và đa số các tên côn đồ đó đã làm như vậy.
Chiến thuật bất bạo động gây bất ổn này đã có hiệu lực đến nỗi chính quyền đã thẳng tay đàn áp các thành viên của Ôtô Maidan và họ thường bị cảnh sát chặn, đốt, phá hoại hay tịch thu xe.
Phe cực đoan – kiềm chế cực đoan
Nếu sự bạo hành của chính quyền và của bọn côn đồ titushka đã có ảnh hưởng bất lợi cho chính quyền thì ngược lại sự bạo động của những người chống đối có võ trang—hiện tượng mà trong phản đối dân sự gọi là phe cực đoan—nói chung không có ảnh hưởng bất lợi cho phe chống đối.
Mặc dầu có một thành phần chống đối cực đoan nhỏ – gồm một số những đơn vị tự vệ và khuynh hữu của Maidan – nhưng, nói chung, đã có lúc phe cực đoan này đã giữ một vai trò chiến thuật trong việc bảo vệ quảng trường. Những nhóm này không hẳn đã bảo vệ một cách hữu hiệu phong trào Maidan chống lại những hành động khiêu khích. Chẳng hạn cuộc biểu tình tuần hành tại Verkhovna Rada vào ngày 18 tháng 2 do một vài thành phần cực đoan trong phong trào lãnh đạo đã được coi là một sự nhầm lẫn về chiến lược khiến cho Maidan đã dễ bị cảnh sát tấn công.
Khi chính quyền đồng ý bắt đầu thương lượng vào cuối tháng giêng sau khi các cuộc bạo động đã bùng nổ trong cả hai bên phe biểu tình lẫn phe chính quyền, sự kiện này đã được một số những người đấu tranh coi là một thắng lợi rõ rệt cho phe cực đoan. Nhưng người ta được biết là Yanukovych đã không thực tâm muốn thương lượng mà đã dùng thời gian hưu chiến để chuẩn bị cho một cuộc đàn áp vào tháng Hai.
Điều nghịch lý là đối với quần chúng những khoảnh khắc oanh liệt của phe cực đoan của Maidan lại là các hành động tự kiềm chế ngăn chặn các bạo động chứ không phải là sự bạo động của họ. Có một sự khác biệt rất lớn về tinh thần kỷ luật khi các đơn vị tự vệ của Maidan thường bảo vệ cho các cảnh sát viên và các côn đồ khi họ bị bắt. Những người này bị dẫn đi để bêu xấu trên đường nhưng rốt cuộc họ đã được bảo vệ an toàn.
Tương tự như vậy trong một vài khoảnh khắc then chốt trong cuộc chống đối tại Kyiv ngay cả người lãnh đạo của phe khuynh hữu là Dmytro Yarosh cũng đã tỏ ra có tinh thần tự chế. Ông ta đã đưa ra một trong những lời tuyên bố quan trọng nhất vào ngày mùng 9 tháng 2 khi ông kêu gọi có những hành động kiên quyết chống lại chính quyền vì chính quyền đã không thả các tù nhân chính trị và không truy tố những người đó như họ đã hứa. Điều này có nghĩa là chấm dứt giai đoạn hưu chiến bán chính thức giữa chính quyền và các người chống đối đã được thi hành từ cuối tháng giêng. Trong lời tuyên bố người ta không thấy có một lời kêu gọi nào về vấn đề dùng võ lực hay sự đe dọa để làm hại tới thân thể. Thay vào đó hành động cực đoan nhất mà họ thực hiện là … bao vây các cơ sở của chính quyền.
Điều nghịch lý lớn hơn trong sự bạo động tại Ukraine không phải xuất phát từ những người hùa theo các cuộc phản đối mà lại chính là do các bài tường thuật nấy lửa của giới truyền thông ủng hộ họ.Giới truyền thông đã phóng đại những cuộc xô xát dữ dội không dự kiến trên đường phố lên tầm vóc của một chiến lược lớn, nhưng thực tế không phải như vậy. Ngày 24 tháng giêng, Fox News vội vàng thông báo là “có những quả cầu lửa lớn làm sáng rực bầu trời ban đêm tại trung tâm thành phố Kyiv và có những đám khói đen khổng lồ đã bốc lên từ các vỏ xe hơi bị đốt cháy tại các rào chắn do các người phản đối dựng lên. Các cuộc xô xát đã tiếp diễn tại các rào chắn cách xa ranh giới của cảnh sát đàn áp biểu tình và các người biểu tình phẫn nộ đã ném bom lửa, đá và pháo bông vào cảnh sát.” Tất cả các sự kiện này đều đã xảy ra nhưng nó không có ảnh hưởng gì tới kết quả của cuộc tranh đấu.
Trong phần lớn các trường hợp, những bạo động của nhóm cực đoan tại Ukraine không có vẻ dữ dội như các cuộc bạo động của các phong trào khác như phong trào của đảng Quốc đại Nam Phi (African National Congress, ANC) vào thập niên 1980 chống lại chính quyền phân biệt chủng tộc tại Nam Phi. Nhưng trong cuộc tranh đấu đó cũng như cuộc tranh đấu tại Ukraine, phe cực đoan chủ yếu chỉ muốn tạo ra một “hình ảnh bạo động” (một câu đưa ra bởi một cựu thành viên của ANC là Howard Barrell) để cho lên tinh thần và biểu dương tinh thần anh dũng của phe cực đoan chứ không phải thực sự muốn dùng các kế hoạch quân sự hay tranh đấu võ trang.
Cuối cùng điều làm cho Yakunovych bị tổn thương nhất về phương diện chính trị không phải là những cuộc tấn công bằng bom xăng của phe cực đoan mà là do 88 ngày khổ công vận động quần chúng khiến cho chính quyền luôn luôn ở trong thế bị động. Phong trào đã cố gắng hết sức để tạo ra những ảnh hưởng bất lợi cho chính quyền mỗi khi chính quyền áp dụng những phương pháp đàn áp. Phong trào mở rộng cơ sở quần chúng, đặt chính quyền vào tư thế khiến cho không còn tính cách chính danh và sau hết đã tạo ra những vụ đào ngũ của các nhân viên thừa hành hay ủng hộ chính phủ. Điều này xảy ra không phải do kết quả của các cuộc bạo động có hạn chế của những người phản đối mà là do phong trào đã khiến cho chính phủ thấy rằng họ không còn có thể có được sự hưởng ứng của quần chúng.
Các vụ ly khai
Các vụ ly khai trong chính quyền của Yanukovych, trong đó có các nhân viên ngoại giao, cũng như cảnh sát trong chính quyền đã xảy ra sau khi chế độ đã dùng bạo lực để đàn áp các sinh viên biểu tình hòa bình vào ngày 30 tháng 11. Tổng tư lệnh của Yakunovich cũng đã nộp đơn xin từ chức ngay sau khi cuộc tấn công xảy ra (đơn từ chức đã không được chấp thuận) và sau đó ông ta lại nộp đơn từ chức sau khi Yakunovich ban hành những đạo luật chống dân chủ vào ngày 17 tháng giêng. Một số các thị trưởng và thống đốc khắp trong nước Ukraine cũng đã tự nguyện từ chức hay bị dân chúng bắt buộc phải từ chức.
Các người biểu tình nhiều lần kêu gọi các lực lượng an ninh tại địa phương và quân đội phải công khai tuyên bố là họ có đứng về phe của dân chúng hay không. Vào tháng 12 các sĩ quan và cựu quân nhân tại Berkut đã kêu gọi các đồng nghiệp của họ đang còn phục vụ hành động theo Hiến pháp và không dùng bạo lực để đàn áp những người biểu tình. Một vài nhân viên cảnh sát — đặc biệt trong vùng tây Ukraine — đã từ chối không tuân theo mệnh lệnh của cấp trên trong bộ nội vụ. Các người khác tại Kyiv ra ngoài đường mang biểu ngữ tuyên bố là Yanukovych không còn là tổng thống của họ nữa. Trong một hành động được mọi người biết tới, một thanh niên đã từng phục vụ tại Berkut ly khai bởi vì ông ta nói rằng ông ta không muốn bắn vào người cha của ông đang tham gia phong trào maidan. Các nhà kinh doanh địa phương từ chối không nộp thuế cho chính quyền bởi vì họ nói rằng họ không muốn chính quyền dùng tiền của họ để trả cho bọn côn đồ hay dùng vào việc cảnh sát đàn áp dân chúng. Ngay cả trong vùng là căn cứ vững mạnh của Đảng trong Vùng – Dnipropetrovsk – hai doanh gia đã chống đối và đã cho loan báo không kiểm duyệt những tin về vụ ly khai của họ trên các đài truyền hình địa phương.
Vào những ngày cuối cùng của Yanukovych tại Kyiv 36 đảng viên của đảng cầm quyền trong vùng (con số này về sau lên tới 70) đã quyết định ly khai khỏi đảng cầm quyền và gia nhập đảng đối lập tại quốc hội ở Verkhovna Rada, để biểu quyết ủng hộ đạo luật ra lệnh cho các nhân viên an ninh phải rút ra khỏi các đường phố của Kyiv và trở về doanh trại. Yanukovych không còn có thể dựa vào sự tuân hành mệnh lệnh của đa số các dân biểu trong Quốc hội. Cùng ngày hôm đó, tay sai đắc lực của Yanukovych là Vitaliy Zakharchenko, Bộ trưởng Nội vụ, đã bỏ chạy sang Belarus, và sau đó chủ ngân hàng riêng của Yanukovych là Sergey Kurchenko cũng đã bỏ chạy.
Sự ra đi của họ hình như đã được thúc đẩy bằng sự ly khai quan trọng hơn của quân đội Ukraine. Trong ba tháng của phong trào phản kháng dân sự, Yanukovych đã cố gắng một cách tuyệt vọng để duy trì sự trung thành của quân đội. Người ta nói là ông ta đã bắt các sĩ quan trong quân đội Ukraine phải cam kết trung thành với ông ta, và những ai từ chối không ký sẽ bị cho xuất ngũ hay điều dộng đi nơi khác. Nhưng cuối cùng thì các tờ cam kết cũng chẳng có giá trị gì hơn một tấm giấy lộn.
Khi các tướng từ chối không thi hành lệnh, Yanukovych đã giáng chức và thuyên chuyển chủ tịch hội đồng liên quân vào một chức vụ khác vào ngày 19 tháng 2 và bổ nhiệm một người khác để thay thế – đó là một đô đốc hải quân được coi như là trung thành với chế độ. Vào ngày 20 tháng 2, vị đô đốc này đã lập tức ra lệnh điều động 4 lữ đoàn thiện chiến (2 lữ đoàn nhẩy dù và 2 lữ đoàn hải quân) tất cả khoảng từ 2.500 tới 3.000 binh sĩ từ vùng phía nam của Ukraine về Kyiv. Ngay ngày có lệnh đó, phó chủ tịch của hội đồng liên quân từ chức để phản đối việc chế độ muốn dùng quân đội để giải quyết mâu thuẫn trong nước.
Rốt cuộc chỉ có một lữ đoàn gồm 500 binh sĩ đã di chuyển khỏi Dnipropetrovsk vào ngày có lệnh chuyển quân nhưng chuyến xe lửa chở họ đã bị ngăn chặn bởi các người tranh đấu. Các người này sau đó đã lại chặn đường bộ khiến cho quân đội không thể tới được bằng xe buýt. Các lữ đoàn khác vẫn còn ở trong doanh trại. Khi Quốc hội đã ban bố luật phải rút quân ra khỏi thành phố Kyiv vào buổi tối ngày 20 tháng 2 các sĩ quan chỉ huy lữ đoàn đã viện dẫn luật đó để giải thích cho quyết định của họ không chuyển quân tới Kyiv. Hiển nhiên là lúc đó Yanukovych đã không còn cách nào để đàn áp phong trào.
Sự sụp đổ
Giữa ngày 18 và 20 tháng 2 đã có gần 100 người biểu tình bị sát hại tại Maidan ở Kyiv. Trong sự hỗn loạn tiếp theo đó vào ngày 19 tháng 2, khi cảnh sát Berkut và các lực lượng an ninh khác đã tràn ngập vào thủ đô, chính quyền tuyên bố tiến hành một cuộc hành quân “chống khủng bố” để đàn áp những người biểu tình. Tuy nhiên ngày hôm sau chính quyền đã bắt đầu tan rã do số người ly khai càng gia tăng, và vào buổi tối ngày 21 tháng 2 Yanukovych đã phải bỏ chạy khỏi Kyiv.
Về khía cạnh động thái cơ bản bằng cách nào mà các cuộc phản kháng dân sự có thể phá tan tính cách chính danh của một chế độ áp bức và sau đó đã khuyến khích sự ly khai của những thành phần thi hành lệnh của chính phủ hay ủng hộ chính phủ thì không có sự khác biệt nhiều trong diễn biến của cuộc sụp đổ của Victor Yanukovych năm 2014 với sự sụp đổ của Ferdinand Marcos tại Philippines năm 1986, của tướng Augusto Pinochet tại Chile năm 1988, bộ chính trị cộng sản tại Czechoslovakia (Tiệp khắc) năm 1989, Suharto tại Indonesia năm 1998, Milosevic tại Serbia năm 2000, hay Mubarak tại Ai cập năm 2011.
Các chế độ này đều rất khác nhau và các xã hội trong đó sự phản kháng dân sự đã thành công lại còn khác nhau hơn nữa. Nhưng các lực thể hiện qua các phong trào bất bạo động tại các quốc gia đó và những hành động mà họ đã thực hiện đều rất giống nhau: có một sự liên minh chính trị đa dạng nhưng đoàn kết, sự tham gia kiên trì và càng ngày càng gia tăng của những người dân thường vào các chiến thuật phối hợp, sự thách thức tính cách chính danh của chính quyền, lợi dụng các ảnh hưởng bất lợi do sự đàn áp của chính quyền để làm cho các biến cố biến chuyển rất nhanh và thúc đẩy sự ly khai của các của các người lãnh đạo quân đội và các ngành khác ngay cả với những người đã tiếp tục trung thành cho tới phút chót.
Trong hầu hết các cuộc tranh đấu bất bạo động thành công có 3 loại bạo động ở mức chiến thuật có thể gây khó khăn cho việc thi hành kế hoạch của phong trào. Đó là: sự tham gia của những thành phần có cảm tình với phong trào nhưng lại chủ trương hiếu chiến, (chữ in nghiêng để nhấn mạnh) những hành động bạo lực trên đường phố của những phần tử cực đoan tự phát, hay những hành động có tổ chức của phe cực đoan để làm cho phong trào có vẻ đẹp đẽ hơn và sau đó nói là một phần của cuộc cách mạng đã do họ lãnh đạo. Có hai mối nguy hiểm do các nhóm bạo động vô tổ chức tạo ra: bạo động ở nơi công cộng khiến cho công chúng có thể bớt tham gia và do đó có thể làm cho phong trào mất dần ảnh hưởng, và các hành động bạo động nhắm vào những người bảo vệ chế độ có thể làm mất khả năng họ muốn ly khai; và nếu không có sự ly khai của các lực lượng này thì ít khi phong trào có thể chống lại sự đàn áp của chính quyền.
Các hậu quả này đã có thể tránh được tại Ukraine bởi vì phong trào phát sinh từ Maidan vào tháng 11 đã tuyên bố là phong trào đã thực sự đại diện cho ý muốn của toàn thể nhân dân Ukraine và do đó đã khiến cho những người quan sát không thể nào quên hay bác bỏ. Vì đã bảo vệ được sự đáng tin cậy và tinh thần tranh đấu kiên cường nên phong trào tại Ukraine đã không bị phá hoại bởi những kẻ tham gia muốn bạo động trước khi phong trào đã thành công trong việc thực hiện sứ mạng tiên quyết của họ: đó là làm cho chính quyền mất sự tin tưởng của dân chúng và sự trung thành của lực lượng bảo vệ là những thành phần then chốt khiến cho Yanukovych vẫn còn nắm vững được quyền lực.
Trần Lương Ngọc chuyển ngữ
© Học Viện Công Dân, Dec 2016