Hội đồng Tối cao
Thể thức này cho thấy, đây là một hành động kết hợp bao gồm sự cam đoan hai chiều giữa tập thể và cá nhân. Có thể nói, khi cam kết với chính mình, mỗi cá nhân bị trói buộc bởi hai phía: khi là thành viên của Hội đồng tối cao, kẻ đó bị ràng buộc với những cá nhân khác; và khi là phần tử của nhà nước, anh ta lại bị ràng buộc với Hội đồng tối cao. Tuy nhiên, điều luật dân sự cho rằng ‘không ai bị ràng buộc khi tự cam kết với chính mình’ không áp dụng được trong trường hợp này, bởi có một khác biệt lớn giữa bổn phận đối với chính mình và bổn phận đối với tập thể, trong đó, mình là một thành viên.
Ta còn phải lưu ý rằng những quyết nghị lập nên từ các cuộc thảo luận công khai có khả năng trói buộc mọi cá nhân với Hội đồng tối cao nhưng vì hai chức năng khác nhau, bởi lý do đối nghịch nên lại không thể trói buộc Hội đồng tối cao với chính nó. Vì như thế là đi ngược lại với bản chất của một cơ cấu chính trị nếu Hội đồng tự đặt mình dưới điều luật mà mình không thể vi phạm. Vì chỉ có thể xét mình dưới một chức năng duy nhất nên Hội đồng tối cao là một cá nhân tự cam kết với chính mình; sự kiện này cho thấy rõ ràng: không có hoặc không thể có một loại luật căn bản nào ràng buộc được một đội ngũ dân chúng, ngay cả đến khế ước xã hội cũng thế. Việc này không có nghĩa là cơ cấu chính trị không thể cam kết với các cơ cấu khác [quốc gia khác], miễn là các cam kết này không vi phạm khế ước xã hội [tạo thành hội đồng tối cao]; bởi vì, khi liên hệ với bên ngoài, Hội đồng tối cao trở thành một tác nhân bất khả phân, một cá nhân.
Tuy nhiên, vì cơ cấu chính trị (Hội đồng tối cao) chỉ có thể hiện hữu từ sự bất khả xâm phạm của khế ước, cho nên, Hội đồng tối cao sẽ không bao giờ tự cam kết với mình, hay đối với một người ngoại cuộc [nước khác], để làm một điều gì đó vi phạm đến khế ước nguyên thủy như chuyển nhượng một phần của mình hoặc quy phục một Cộng Đồng khác. Vi phạm khế ước––nhờ đó mình sinh tồn––là tự hủy vì rằng cái không sẽ tạo ra không.
Ngay khi một đám đông tập họp thành một cơ cấu, ta không thể xúc phạm một thành viên mà không đụng chạm đến cơ cấu đó, cũng như không thể xúc phạm đến cơ cấu mà không làm các thành viên của nó phật lòng. Thế nên, quyền lợi và bổn phận buộc cả hai phía phải giúp nhau, và chính những thành viên này phải tìm cách kết hợp, trong cả hai khả năng [vừa là thành viên của Hội đồng tối cao, vừa là thành viên của nhà nước], tất cả những thuận lợi có được.
Vì Hội đồng tối cao được hình thành bởi những cá nhân đã tạo ra nó, nên Hội đồng không có cũng như không thể có quyền lợi gì trái nghịch với họ; và tất nhiên Hội đồng chẳng cần có bảo đảm gì đối với các thành viên, bởi Hội đồng không thể nào có ý muốn làm tổn thương tất cả các thành viên, hay cho bất kỳ một thành viên nào. Tất cả chỉ vì bản chất của Hội đồng tối cao đơn thuần là như vậy.
Tuy nhiên, mối liên hệ giữa các thành viên và Hội đồng tối cao, tuy cùng chung quyền lợi nhưng không có gì chắc chắn về những cam kết của các thành viên nếu Hội đồng tối cao không tìm ra phương cách để bảo đảm lòng trung thành của họ.
Thực vậy, mỗi cá nhân, với tư cách là một con người, có thể có nguyện vọng khác hoặc trái ngược với nguyện vọng chung đứng ở vị trí một công dân. Quyền lợi riêng rẽ của anh ta có thể khác với quyền lợi chung. Sự hiện hữu tuyệt đối và sự độc lập tự nhiên của anh ta có thể làm anh ta tin rằng đóng góp cho mục tiêu chung là một đóng góp tự nguyện và mất mát của đóng góp này gây tổn thất cho tha nhân ít hơn là cho anh ta; và hơn thế nữa, khi quan niệm rằng pháp nhân tinh thần–Hội đồng tối cao–chỉ là một nhân vật hư cấu, chứ không phải là một con người thực, anh ta có thể ao ước thụ hưởng các quyền lợi công dân mà không sẵn sàng làm tròn bổn phận của mình. Kéo dài mãi sự bất công như thế, hẳn sẽ khiến cơ cấu chính trị tiêu vong.
Để cho khế ước xã hội không phải là một công thức rỗng tuếch, nó phải hàm chứa sự cam đoan. Sự cam đoan này tự nó có thể mang lại sức mạnh cho những người khác, rằng kẻ nào từ chối không tuân thủ nguyện vọng chung sẽ bị mọi người cưỡng hành. Sự kiện này không có nghĩa gì khác hơn là kẻ đó bị bắt buộc để được tự do; bởi đây là điều kiện bảo đảm cho mỗi công dân khi hiến mình cho đất nước, tránh được sự ỷ lại của những kẻ khác. Đây là bí quyết hoạt động của guồng máy chính trị; chỉ có sự kiện đó mới hợp pháp hoá được các cam kết dân sự, nếu không, chúng sẽ vô nghĩa, độc đoán và có khả năng bị lạm dụng một cách kinh khủng.