fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 6

Khế ước xã hội:

Tôi nghĩ rằng đến một lúc nào đó sức mạnh của con người sẽ không đủ để duy trì sự sống còn của mình trước những trở ngại và khó khăn do thiên nhiên gây ra. Loài người sẽ bị diệt vong, nếu tiêp tục sống trong tình trạng sơ khai này mà không tìm cách cải thiện nó.

Vì con người không thể tạo ra những sức mạnh mới mà chỉ kết hợp và điều khiển những sức mạnh sẵn có, họ không còn cách nào để tự bảo tồn ngoài cách kết hợp lại tất cả các sức mạnh để vượt qua các chướng ngại. Họ phải tìm cách làm cho các sức mạnh ấy hoạt động một cách nhịp nhàng và được thúc đẩy bởi một động cơ duy nhất.

Sự kết hợp các sức mạnh này chỉ có thể hình thành với sự hợp tác của nhiều người; nhưng vì sức mạnh và sự tự do của mỗi người là hai công cụ quan trọng nhất cho sự sống còn của họ, thì làm sao họ có thể từ bỏ chúng mà không tổn hại đến quyền lợi và không bỏ quên sự săn sóc chính bản thân mình. Sự khó khăn trong vấn đề này, là ở chỗ: “Tìm ra một hình thức kết hợp để bảo vệ và che chở bản thân và tài sản của mỗi thành viên bằng tất cả sức mạnh chung, đồng thời, mỗi cá nhân, trong khi kết hợp bản thân mình với tất cả mọi người vẫn có thể chỉ nghe lời chính mình và vẫn được tự do như trước.” Lời giải của vấn đề căn bản này nằm ngay trong Khế ước xã hội.

Các điều khoản của bản khế ước được quy định một cách chính xác đến nỗi một sự thay đổi nhỏ cũng đủ làm cho chúng trở nên vô dụng và vô hiệu. Vậy nên, tuy rằng các điều khoản ấy chưa bao giờ được công bố một cách chính thức, chúng ở đâu cũng giống nhau, ở đâu cũng được mặc nhiên và công khai chấp nhận; cho đến khi khế ước bị vi phạm, mỗi cá nhân sẽ thu hồi lại những quyền và sự tự do nguyên thủy của mình, và sẽ mất đi sự tự do mà khế ước cho anh ta hưởng.

Các điều khoản ấy – nếu được hiểu chính xác – có thể được rút gọn lại trong một điều: sự chuyển nhượng hoàn toàn của mỗi thành viên với tất cả quyền của mình cho cộng đồng; có nghĩa là, trước hết, khi mỗi người tự dâng hiến hoàn toàn thì tình trạng của mọi người đều ngang nhau; và ai nấy đều có quyền lợi tương xứng như nhau.

Thêm nữa, với sự chuyển nhượng không hạn chế, sự kết hợp không thể nào tốt hơn được nữa và mỗt thành viên không còn gì để đòi hỏi hơn nữa. Bởi vì, nếu một số cá nhân giữ lại một số quyền nào đó và vì không có thượng cấp để giải quyết vấn đề giữa họ và cộng đồng thì đến một lúc nào đó mỗi cá nhân sẽ tự trở thành quan toà cho chính mình cũng như sẽ có thể đòi làm quan toà của tất cả mọi người, như thế tình trạng nguyên thủy sẽ tiếp tục và sự kết hợp sẽ trở thành vô hiệu hay độc đoán.

Sau hết, mỗi cá nhân khi tự dâng hiến cho tất cả là không dâng hiến cho ai hết; và vì mình và mỗi thành viên kia cùng trao đổi các quyền như nhau, mình lấy lại cái gì mình mất, và mình có nhiều sức mạnh hơn để gìn giữ cái mình có. Và nếu ta gạt bỏ khỏi khế ước cái gì không phải là bản chất của nó, thì khế ước được tóm lược như sau: “Mỗi chúng ta đặt con người và sức mạnh của mình dưới sự điều khiển tối cao của nguyện vọng tập thể; và trong khả năng tập thể đó, chúng ta đón nhận mỗi thành viên như là một thành viên bất khả phân của tập thể’’.

Cùng lúc, thay vì từng cá nhân riêng rẽ, sự tập hợp của tất cả các người có quyền đầu phiếu, tạo ra một cơ cấu có tính tập thể và đạo đức; và cơ cấu này tự nó có sự đồng nhất, bản ngã, đời sống và ý chí của riêng nó. Cơ cấu công cộng này, do sự kết hợp của tất cả mọi người, trước kia được gọi là Cộng Đồng Dân Chúng (City) [4][d]. Nay có tên là Cộng Hoà (Republic) hay Cơ Cấu Chính Trị (body politic). Cơ cấu này còn được các thành viên của nó gọi là Nhà nước (State) khi không hoạt động, Hội đồng Tối cao (Sovereign) khi hoạt động, và Cường Quốc (Power) khi so sánh với các nước khác. Những người tham gia vào cơ cấu được gọi chung là nhân dân (people) và một số thì lại được gọi là công dân (citizens) khi có chân trong quyền lực của nhà nước, và được gọi là thần dân khi bị đặt dưới pháp luật của quốc gia. Nhưng các danh từ này hay bị lẫn lộn và bị hiểu lầm: phải biết cách phân biệt chúng khi chúng được dùng một cách chính xác.

© Học Viện Công Dân

Chú thích

[4]Ý nghĩa đích thực của từ này hầu như đã bị mất hẳn trong thời đại tân tiến này; phần đông mọi người nhầm lẫn phố thị (town) với thị-quốc (city), và thị dân với công dân. Họ không biết rằng nhà cửa làm thành phố thị, nhưng chỉ có công dân mới làm nên thị-quốc. Dân Carthage ngày xưa đã trả một giá đắt cho lầm lẫn này. Tôi chưa bao giờ đọc được danh hiệu công dân dành cho thần dân của các ông vua, kể cả từ thời cổ Macedonia tới Anh quốc thời nay, dù rằng họ được gần với tự do hơn nhiều người. Người Pháp thì dùng từ công dân ở mọi chốn, bởi vì, cứ xem tự điển của họ thì rõ, họ chẳng biết nó nghĩa là gì nữa, nếu không, họ đâu có mắc phải tội tiếm dụng như thế; theo họ, từ này chỉ giai cấp xã hội, chứ không phải quyền hợp pháp. Khi Bodin nói về công dân và thị dân, ông ta đã lẫn lộn hai từ này một cách thảm hại. Ông d’Alembert tránh được lầm lẫn này; trong bài viết về Geneva, ông đã phân định bốn loại người (năm, nếu kể cả ngoại kiều) sinh sống trong phố thị của chúng ta. Chỉ có hai trong năm loại người này tạo nên nhà nước Cộng hoà. Các tác giả người Phap khac, theo như tôi biết, không hiểu nghĩa đích thực của từ công dân.

[d] City (Cité) Nay có nghĩa là thành phố nhưng đối với Rousseau có nghĩa là Cộng Đồng Dân Chúng sống trong thành phố.