Eleanor Marchant and Arch Puddington
Vào tháng 11 và 12 năm 2004, trong biến cố nay được gọi là Cách mạng màu Cam, hàng triệu công dân Ukraine đã biểu tình trên đường phố nhằm đòi hỏi có những cuộc bầu cử tự do và trung thực. Vào tháng 9, 2007 hàng chục ngàn người Miến-điện, do những nhà sư lãnh đạo, đã diễn hành trong hòa bình trên đường phố Rangoon nhằm thách thức chế độ quân phiệt đang cầm quyền. Dù những cuộc phản đối này đều có chung đặc tính bất bạo động, nhưng chỉ có một cuộc đấu tranh dẫn đến sự chuyển tiếp thành công sang dân chủ.
Đối với nhiều người trong cộng đồng quốc tế, niềm tin vào sức mạnh chuyển hóa của hành động bất bạo động được gia tăng khi cuộc Cách mạng màu Cam dẫn đến cuộc bầu cử công bằng đưa lãnh tụ đối lập Viktor Yushchenko trở thành tổng thống. Phong trào Ukraine cùng những phong trào dân sự bất bạo động khác đã thành công ở hầu hết mọi phần đất của quả địa cầu và ở những nơi có hoàn cảnh khác biệt như Philippines, năm 1985-86, và Georgia, năm 2013-14.
Nhưng gần đây nhất, sự thất bại của những cuộc phản đối do những nhà sư lãnh đạo ở Miến Điện và Tibet đã khiến cho một số người hoài nghi về sự hữu hiệu của hành động bất bạo động. Thêm nữa, ở ba nước, nơi được gọi là những cuộc cách mạng màu đã xảy ra–Georgia, Lebanon, và Kyrgyzstan–những thu hoạch cho nền dân chủ rốt cuộc bị xói mòn vì hành động của cả chính quyền và phe đối lập chính trị. Một vài năm qua đã có một vài, thực sự nếu có, những phong trào bất bạo động được coi là thành công trong việc chuyển hóa sang chế độ dân chủ.
Những kết quả xấu tốt lẫn lộn đặt cho ta một câu hỏi là liệu ta có thể xác định được những điều kiện tiềm ẩn đã có từ trước mà tạo sự thuận lợi cho sự nổi lên, thành công, hay thất bại của những phong trào dân sự không. Tài liệu nghiên cứu này, mang tựa đề Tạo Môi trường thuận lợi cho phong trào dân sự và Động thái của sự chuyển tiếp dân chủ, được thực hiện nhằm cung cấp những dữ kiện và phân tích hầu giúp cho ta trả lời những câu hỏi này.
Bối cảnh của Cuộc Nghiên cứu
Động lực dẫn đến cuộc nghiên cứu Tạo Môi trường thuận lợi cho phong trào Dân sự bắt nguồn từ sự chú ý của những nhà nghiên cứu về một tài liệu khác của Freedom House cộng tác với Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu về Đấu tranh Bất bạo động năm 2006. Tài liệu này có tựa đề Tự do đã Chiến thắng Như thế nào? Tập trung vào những động thái chính trị tại 67 nước đã có những chuyển tiếp dân chủ hơn ba thập niên qua.
Tài liệu nghiên cứu này đánh giá mỗi nước theo ba yếu tố: (1) mức độ ảnh hưởng của xã hội dân sự trên tiến trình chuyển đổi trong tương quan với những kẻ đang nắm quyền, (2) sức mạnh và sự cố kết của liên minh dân sự bất bạo động, và (3) nguồn gốc của bất kỳ sự bạo động đã xảy ra. Quan sát ba yếu tố này, những nhà nghiên cứu có thể xác định xem nước nào có được sự chuyển tiếp mạnh mẽ, do dân sự lãnh đạo và bất bạo động, và liệu xem những điều kiện như thế có đưa tới một hệ thống dân chủ với xác suất cao hay không.
Tài liệu nghiên cứu Tự do đã thắng như thế nào cho thấy những sự thay đổi chế độ thành công nhất là kết quả của những hành động của những lực lượng chính trị nội địa đã áp dụng các phương thức đấu tranh và phản kháng bất bạo động. Những phong trào dân sự bất bạo động như thế đã xuất hiện trong nhiều tình trạng khác nhau về chính trị, kinh tế, hay yếu tố xã hội. Bản nghiên cứu này cũng cho thấy thêm rằng có một mối tương quan rất mật thiết giữa ba yếu tố: sự hiện hữu của những phong trào dân sự bất bạo động, sự thay đổi chế độ, và viễn cảnh lâu dài của tự do trong một nước. Nói cách khác, sự trỗi dậy của phong trào phản kháng bất bạo động mạnh mẽ dường như là một yếu tố quan trọng bảo đảm sự thành công lâu dài của hệ thống dân chủ.
Những kết quả này có một số những hàm ý quan trọng trong việc hoạch định chính sách. Một trong những kết quả này cho thấy cách hay nhất để cổ động cho sự chuyển tiếp dân chủ là đầu tư vào sự thành lập đời sống xã hội dân sự sinh động. Điều nữa là những người yểm trợ kể cả trong và ngoài nước nên khuyến khích những người lãnh đạo của những tổ chức dân sự nên liên kết thành một liên minh rộng lớn để đấu tranh cho thay đổi dân chủ.
Kết quả chính của tài liệu nghiên cứu thứ nhất—hành động dân sự bất bạo động vẫn thường là yếu tố thiết yếu cho sự chuyển tiếp thành công sang chế độ dân chủ—đã tạo nên cuộc thảo luận giữa những học giả và những nhà làm chính sách về nhu cầu cần phải tiếp tục khảo sát thêm để xem yếu tố môi trường nào, nếu có, thuận lợi cho sự xuất hiện của những phong trào như vậy. Tài liệu nghiên cứu Tạo Môi trường thuận lợi cho phong trào Dân sự đã ra đời như một công cụ để phân tích sâu rộng hơn cái giả thuyết cho rằng những phong trào dân sự, ủng hộ dân chủ và có cơ sở rộng rãi trong quần chúng có thể xuất hiện trong bất kỳ một cơ cấu xã hội nào, mà không bị ảnh hưởng bởi những yếu tố xã hội, kinh tế, hay chính trị.
Dữ kiện và Phương pháp nghiên cứu
Tài liệu nghiên cứu Tạo Môi trường thuận lợi cho phong trào Dân sự dùng dữ kiện do Freedom House thu thập từ năm 1972 và từ những nghiên cứu khác về dân chủ hóa hay chuyển tiếp chính trị đã xảy ra trong cùng một khoảng thời gian.
Để được dùng trong nghiên cứu này, một nước cần phải đáp ứng được ba tiêu chuẩn: (1) có dân số đông hơn một triệu người, (2) có sự chuyển tiếp thành công sang dân chủ trong khoảng thời gian Freedom House thực hiện kháo sát về Tự Do trên Thế giới, và (3) có đủ dữ kiện có sẵn về những yếu tố môi trường xảy ra trong thời kỳ nghiên cứu được thực hiện.
Có tất cả 64 nước hội đủ ba tiêu chuẩn này và được chia làm hai nhóm: (1) những nước đã có kinh nghiệm về phong trào dân sự trong những năm ngay trước khi xảy ra chuyển tiếp dân chủ, và (2) những nước không có những phong trào dân sự trong những năm ngay trước khi chuyển tiếp sang dân chủ. Trong nhóm thứ nhất có 37 nước—8 nước ở châu Mỹ-Latinh, 7 nước ở Á châu, 7 nước ở Phi châu, và 15 nước ở Trung và Đông Âu và cựu Xô-viết (CEE/FSU). Trong nhóm thứ hai có 27 nước—5 nước ở châu Mỹ-Latinh, 10 nước ở Phi châu, 2 ở Á châu, 7 nước thuộc cựu Xô-viết, 2 nước ở Tây Âu, và 1 nước ở Trung Đông.
Yếu tố dùng để đánh giá
Những nước trong danh sách khảo sát được đánh giá theo những yếu tố sau: phát triển kinh tế; chế độ chính trị; sự tập trung quyền lực; và sự phân cực xã hội theo lằn ranh sắc tộc, ngôn ngữ, hay tôn giáo. Một bản tường trình chi tiết về mỗi nước được đính kèm theo mỗi bản đánh giá, gồm có tin tức về chế độ chính trị hiện hữu từ trước, tiến độ của sự chuyển tiếp, và tính chất bền vững của hệ thống dân chủ do sự chuyển tiếp mang lại.
…
Những kết quả chính của công trình nghiên cứu
Nếu tất cả những yếu tố được đánh giá tương đương, một nước nghèo về kinh tế cũng có nhiều cơ hội để nuôi dưỡng một phong trào dân sự thành công như một nước kỹ nghệ và giàu có hơn. Thực ra, nghiên cứu về các nước trong báo cáo này bao gồm nhiều trường hợp của những xã hội nghèo khổ đã có kinh nghiệm chuyển tiếp dân chủ do sự thúc đẩy của những phong trào dân sự tích cực. Có hai thí dụ nổi bật là hai nước ở Tây Phi là Mali và Niger.
Trước khi có sự chuyển tiếp dân chủ năm 1991, lợi tức bình quân đầu người (GDP) của Mali chỉ có $250, và tuổi thọ trung bình chỉ vào khoảng 46 tuổi. Niger cũng có những con số thống kê về nghèo khó trước khi chuyển tiếp dân chủ năm 1999; lợi tức đầu người là $970, và tuổi thọ trung bình là 44 tuổi. Ngược lại Argentina có lợi tức bình quân $9732 và tuổi thọ ước tính khoảng 71 tuổi lúc xảy ra chuyển tiếp dân chủ năm 1983. Trong suốt quá trình chuyển tiếp năm 1984, Brazil cũng có những chỉ số kinh tế cao. GDP là $6.064, và tuổi thọ trung bình là 64 tuổi.
Sự phân cực xã hội theo lằn ranh sắc tộc, ngôn ngữ, hay tôn giáo cũng chỉ có ít ảnh hưởng tới tiềm năng tạo ra sự đối lập dân sự [có gắn bó chặt chẽ giữa nhiều tổ chức]. Yếu tố phân cực xã hội, theo kết quả phân tích thống kê, cho thấy không có mối tương quan nào với sự chuyển tiếp dân chủ. Điều này được thể hiện qua sự kiện là những nước đồng nhất [chủng tộc] như Nam Hàn hay Ba-lan và những nước đa dạng như Benin[1]hay Brazil cùng có thể nuôi dưỡng những phong trào dân sự bất bạo động mà cuối cùng dẫn đến sự chuyển tiếp dân chủ.
Thí dụ như nước Benin có chỉ số phân cực 0.8196 (1 là rất phân cực và 0 là rất đồng nhất), và có sự khác biệt rất lớn về các nhóm sắc tộc; có ít nhất là tám ngôn ngữ địa phương chính được sử dụng thường xuyên cùng với ngôn ngữ chính là tiếng Pháp. Nhưng sự đa dạng này đã không cản trở 40.000 người xuống đường biểu tình chống lại luật lệ độc tài của Tổng thống Matthieu Kerekou và chọn dân chủ. Yếu tố này cũng không cản trở phong trào chống đối lan ra khắp nước và thay đổi vĩnh viễn quang cảnh chính trị. Trong lúc đó, Ba-lan có chỉ số phân cực là 0,0519 và 95% dân số theo đạo Công Giáo, 96% dân số thuộc sắc tộc Ba-lan; nước này là một trong những nước đồng nhất nhất trong cuộc nghiên cứu. Tuy nhiên, Ba-lan cũng có thể phát triển và nuôi dưỡng một phong trào dân sự có cơ sở rộng khắp trong quần chúng và đã buộc chính quyền cộng sản phải ngồi vào bàn thương thyết năm 1989 và cuối cùng đem đến thay đổi dân chủ.
Có một điểm rất đáng cho ta lưu ý là mô hình chế độ chính trị hầu như không có ảnh hưởng gì đến triển vọng phát triển và nổi lên của phong trào dân sự. Trong tất cả những loại chế độ chính trị, độc đảng là mô hình phổ biến nhất, vì sự lan tràn của chủ nghĩa cộng sản sau Thế chiến thứ Hai. Có tổng cộng 27 trong số 64 nước trong cuộc nghiên cứu này do một đảng cai trị trước khi xảy ra chuyển tiếp, với 52% cơ hội là những nước này sẽ kinh qua một phong trào dân sự. Có tới 86% (18 nước) trong số 21 nước cựu xô-viết thuộc loại này, và trong số những nước này 61% (11 nước) đã có kinh nghiệm xây dựng một phong trào dân sự rộng rãi trước khi chuyển tiếp dân chủ. Số phần trăm cũng hầu như tương đương với các mô hình chế độ khác.
Một yếu tố có ảnh hưởng quan trọng tới sự nổi dậy của phong trào dân sự như một số nhỏ những nước có tiềm năng quan trọng đã biểu lộ: sự tập trung quyền lực có ảnh hưởng tích cực tới sự nổi lên của phong trào dân sự mạnh mẽ và đoàn kết, có đủ sức mạnh để tạo ra sự thách thức với chế độ hiện hữu. Nói cách khác, quyền lực chính trị càng được phân tán tới những nhà lãnh đạo hay chính quyền địa phương trong cả nước nhiều chừng nào, thì càng ít có cơ hội cho một phong trào dân sự thành công với tầm vóc quốc gia nổi lên.
Dữ liệu trong bản nghiên cứu này cho thấy có rất ít trong số 37 nước, mà có một phong trào dân sự bất bạo động, có bất cứ một sự phân quyền nào trước khi có chuyển tiếp dân chủ. Thực ra, chỉ có tám nước có cơ chế chính quyền như vậy mà thôi, và ba trong số này là những nước thuộc châu Mỹ-La tinh. Hàm ý của sự kiện này là hầu hết những chế độ độc tài, dù là do quân đội hay cá nhân cai trị, giữ quyền kiểm soát quyền lực chính trị tập trung ở trung ương, hơn là phân quyền ra cả nước.
…
Những Hàm ý về Chính sách
Có nhiều sự chuyển tiếp từ chế độ độc tài không dẫn đến một xã hội dân chủ tự do. Khi những nhà độc tài hay hệ thống chính trị khép kín bị sụp đổ, không có nghĩa là dân chủ sẽ là mô hình thay thế, thí dụ như tại Nga, Belarus và những nước cựu xô-viết đã chứng minh. Tương tự như vậy, ngay cả khi sự chuyển tiếp chính trị dẫn đến chính quyền dân chủ, một phong trào dân sự bất bạo động cũng không phải lúc nào cũng là phương tiện đưa đến kết quả đó.
Tuy nhiên, tài liệu nghiên cứu nguyên thủy Tự do đã thắng như thế nào đã cho thấy khi có một phong trào bất bạo động mạnh mẽ được dùng như một phương tiện đưa tới kết quả dân chủ, hệ thống dân chủ được tạo lập sau đó có nhiều cơ hội trở thành ổn định và tồn tại hơn. Tóm lại, đối với những quyết định về chính sách liên quan đến việc phát huy dân chủ, cái kết quả bất ngờ nhất của cuộc nghiên cứu Tạo môi trường thuận lợi cho phong trào dân sự là hệ thống chính trị tập trung có thể tạo thuận lợi cho sự nổi lên của những phong trào dân sự thiên về dân chủ thành công.
Những kết quả của cuộc nghiên cứu Tạo môi trường thuận lợi cho phong trào dân sự cho thấy rằng một cách để nuôi dưỡng sự nổi dậy của những nền dân chủ mới được bền vững là khuyến khích có sự đối thoại giữa những nhóm dân sự đa dạng trong nội địa và tạo ra cơ chế để xây dựng sự hợp tác giữa những tổ chức này.
Kết luận
Tài liệu nghiên cứu Tự do đã thắng như thế nào của Freedom House cho thấy những cộng đồng có phong trào dân sự được sự ủng hộ rộng rãi của quần chúng và sử dụng những phương tiện bất bạo động có thể trở thành yếu tố quan trọng để bảo đảm cho sự chuyển tiếp thành công và ổn định của hệ thống dân chủ được thiết lập sau sự chuyển tiếp.
Bản nghiên cứu Tạo môi trường thuận lợi cho phong trào dân sự và những Động thái của sự Chuyển tiếp Dân chủ đã cung cấp thông tin và dữ liệu củng cố cho kết luận nêu trên. Tài liệu này cũng lập luận rằng những tác nhân quốc tế và quốc nội nên tìm những cách khuyến khích những tổ chức xã hội dân sự trong những nước độc tài tiến tới những hoạt động chung. Cuối cùng, áp lực do những liên minh đoàn kết rộng rãi của những phong trào dân sự sử dụng sự phản kháng bất bạo động có thể tạo ra sự khác biệt trong cuộc đấu tranh để thay thế sự đàn áp chính trị bằng một trật tự dân chủ và cởi mở.
Nông Duy Trường lược dịch
© Học Viện Công Dân March 2017
[1] Benin, một nước ở Tây Phi, là cựu thuộc địa của Pháp nên ngôn ngữ chính thức là Pháp ngữ.