fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 4

Các giới hạn của quyền tối thượng

Nếu Nhà nước là một pháp nhân tinh thần mà đời sống là sự kết hợp của các thành viên, và nếu bổn phận quan trọng nhất là bổn phận gìn giữ sự sống còn của mình, thì nó phải có một sức mạnh toàn bộ có tính cưỡng chế để di chuyển và sắp xếp mỗi phần tử sao cho có lợi nhất cho tập thể. Cũng như thiên nhiên cho mỗi con người quyền tối hậu trên việc sử dụng tay chân của mình, khế ước xã hội cho cơ cấu chính trị một quyền tối hậu trên các thành viên của mình; và chính quyền này là quyền tối thượng khi được hướng dẫn bởi ý chí tập thể.

Nhưng ngoài con người công cộng ta phải xét đến các cá nhân tạo ra con người công cộng. Đời sống và sự tự do của những cá nhân này đương nhiên là độc lập với con người công cộng. Vậy thì ta phải phân biệt rõ các quyền của người công dân và quyền của Hội đồng Tối cao[1] và các bổn phận mà các công dân phải có khi là thần dân, cũng như quyền tự nhiên mà họ được hưởng trong tư cách là con người.

Tôi công nhận rằng, qua khế ước xã hội,mỗi người chuyển nhượng một phần sức mạnh, của cải và tự do của họ mà cộng đồng cho là quan trọng và cần kiểm soát, nhưng ta cũng phải thừa nhận rằng chỉ có Hội đồng Tối cao mới là chủ thể duy nhất để xét xem điều gì là quan trọng.

Tất cả các việc mà mỗi công dân làm để giúp ích cho quốc gia thì phải làm tức khắc ngay khi Hội đồng Tối cao đòi hỏi ; nhưng về phía mình Hội đồng Tối cao không thể bắt người dân gánh chịu những gì vô ích cho cộng đồng. Ngay Cộng đồng cũng không thể có cái ý muốn đó: bởi vì dưới luật của lý trí cũng như duới luật của thiên nhiên không có gì có thể xảy ra mà không có nguyên nhân.

Những cam kết của chúng ta với cơ cấu xã hội có tính bắt buộc bởi vì chúng liên hệ hai chiều; và bản chất của chúng là khi mà ta thực hiện lời cam đoan ta không thể làm việc cho kẻ khác mà không làm việc cho chúng ta. Tại sao ý chí tập thể luôn luôn đúng, vì ai mà chẳng nghĩ đến “mỗi người,” nghĩa là có cả anh ta trong đó, khi bỏ lá phiếu của mình để quyết định cho cả tập thể. Sự việc này chứng minh rằng sự bình đẳng về quyền và ý niệmvề sự công bằng do sự bình đẳng ấy tạo ra, bắt nguồn từ sự ưu đãi mà mỗi người tự dành cho mình, và theo đúng bản chất của con người. Việc ấy chứng minh rằng để có thể thực sự là ý chí tập thể, thì ý chí tập thể phải có tính phổ thông đối với mọi đối tượng, cũng như tự trong bản chất; rằng ý chí tập thể phải đi từ tất cả mọi người để áp dụng cho tất cả mọi người, và rằng nó sẽ mất tính ngay thẳng tự nhiên của nó khi nó thiên về một đối tượng cá biệt nào đó; nếu không thì chúng ta phán xét về một cái gì xa lạ với chúng ta mà không có một nguyên tắc công bằng xác thực nào để tự hướng dẫn.

Thực vậy, khi có vấn đề về một sự kiện hay một quyền cá biệt về một điểm đã không được quy định bởi một quy ước tổng quát có từ trưóc, thì vấn đề này có thể bị tranh cãi. Đó là một vụ trong đó các cá nhân liên hệ là một bên, và dân chúng là một bên, nhưng tôi không thấy được một luật nào phải theo và quan toà nào ngồi xử. Trong trường hợp đó thật là lố bịch nếu ta đề nghị đưa một vấn đề ra để có một quyết định tức thì của ý chí tập thể. Quyết định đó chỉ có thể là kết luận đoạt được của một trong những phe phái, và như vậy, đối với phe phái kia, đó chỉ giản dị là một ý chí xa lạ, cá thể và có thể không công bằng và bị sai lầm. Vậy thì cũng như một ý chí cá nhân không thể đại diện cho ý chí tập thể, thì cũng vậy ý chí tập thể thay đổi bản chất khi đối tượng của mình là một cá thể và như vậy không thể có quyết định về một người hay một sự kiện. Khi dân chúng thành Athens bổ nhiệm hay cách chức các người cầm quyền, tôn vinh người này, trừng phạt kẻ khác, và thi hành các chức năng cai trị của mình một cách bừa bãi bằng một số sắc lệnh, thì dân chúng không còn ý chí tập thể nữa, nói cho sát nghĩa, dân chúng không còn hành xử như là một Hội đồng Tối cao nữa, mà như là một quan toà. Sự việc này có thể xem như là trái ngược với các quan điểm thịnh hành, nhưng tôi cần phải có thời gian để trình bày ý kiến của tôi.

Qua những gì nói trên đây, ta thấy rằng ý chí tập thể không phải là số lượng người bỏ phiéu mà là cái quyền lợi chung kết hợp họ lại; bởi vì trong hệ thống này mỗi người cần phải phục tùng các điều kiện mà anh ta áp chế cho những kẻ khác: một sự hoà hợp đáng phục giữa quyền lợi và luật pháp, với sự hoà hợp này, các cuộc thảo luận công cộng có một tính cách công bằng sẽ biến đi tức khắc khi bất cứ một việc riêng rẽ nào đuợc nêu lên, chỉ vì không có một quyền lợi chung để kết hợp và giúp nhận dạngra luật của quan tòa và luật của phe phái.

Dù tiếp cận đến nguyên-lý [kể trên] từ khía cạnh nào đi nữa, chúng ta cũng đi đến cùng một kết luận rằng khế ước xã hội đặt ra giữa các công dân một sự bình đẳng đặc thù, kết hợp tất cả với nhau trong cùng những điều kiện, và do đó, cùng hưởng những quyền như nhau. Như vậy, bởi bản chất của khế ước, mọi hành động của Hội đồng Tối cao, tức là những hành động chính đáng của ý chí tập thể ràng buộc hay làm lợi đồng đều cho tất cả mọi công dân, thế nên Hội đồng Tối cao chỉ nhìn nhận cơ cấu của quốc gia, và không phân biệt giữa những người làm nên nó. Nói một cách chính xác thì hành động của Hội đồng Tối caolà gì? Đó không phải là một quy ước giữa một người trên và một người dưới, nhưng đó là một quy ước giữa một cơ cấu và mỗi thành viên của nó. Nó hợp pháp vì được căn cứ trên khế ước xã hội, và công bằng vì chung cho tất cả mọi người; ích lợi vì không có đối tượng nào khác ngoài ích lợi chung, và vững vàng vì được bảo đảm bởi sức mạnh quần chúng và quyền lực tối thượng. Chừng nào mà các thần dân chỉ phải theo các quy ước như vậy, họ không tuân lệnh ai khác ngoài ý chí của chính mình; và nếu hỏi rằng quyền của Hội đồng Tối cao và của các công dân rộng đến đâu, là hỏi các công dân có thể cam kết đến mức nào với chính họ; mỗi người đối với tất cả, và tất cả đối với mỗi người.

Từ chỗ này, ta có thể thấy rằng quyền tối thượng, tuy rằng tuyệt đối, thiêng liêng và không thể bị xâm phạm nhưng không vượt qua và không thể vượt qúa giới hạn của các quy ước tổng quát [a], và rằng mỗi người có thể hoàn toàn sử dụng phần của cải và phần tự do mà các quy ước ấy để lại cho anh ta; cho nên Hội đồng Tối cao không bao giờ được quyền đặt gánh nặng trên một người này nhiều hơn người kia, vì làm như vậy việc đó trở thành việc riêng rẽ, và Hội đồng Tối cao không còn thẩm quyền nữa.

Khi mà các sự khác biệt ấy đã được công nhận, thật khó mà nghĩ được rằng, trong khế ước xã hội, lại có một cá nhân nào thật sự từ bỏ [quyền lợi của mình], vì lẽ vị trí mà họ có hiện nay nhờ khế ước xã hội thật là tốt hơn vị trí mà họ có trước kia. Thay vì từ bỏ, họ đã làm một sự trao đổi có lời: thay vì một lối sống tạm thời và không ổn định, họ có một đời sống tốt hơn và ổn định hơn; thay vì sự độc lập thiên nhiên, họ có được sự tự do; thay vì có thể làm hại người khác họ được sự an toàn cho chính họ; và thay vì một sức mạnh mà kẻ khác có thể đánh đổ, họ được một quyền mà sự kết hợp xã hội làm cho trở nên vô địch. Đời sống của họ, mà họ đã hiến dâng cho quốc gia, được quốc gia luôn luôn che chở; và khi họ liều mạng sống để bảo vệ quốc gia, họ chẳng làm gì hơn là trả lại những gì mà họ đã nhận được. Chẳng phải những gì mà họ phục vụ quốc gia là những gì mà khi còn sống trong tình trạng thiên nhiên họ phải làm nhiều hơn và nguy hiểm hơn, vì ở đó họ không tránh khỏi phải liều mạng đánh nhau để bảo vệ sự sống còn của họ, hay sao? Thật ra ai cũng phải tòng quân khi đất nước cần đến; nhưng cũng không ai phải tự chiến đãu cho chính mình. Chẳng lẽ vì những gì đã đem lại an ninh cho chúng ta, chúng ta lại không thể chịu một phần nguy hiểm mà chúng ta phải chịu khi sự an ninh đó bị tước đi hay sao?

Ghi chú

[1] Tôi xin những người đọc kỹ đừng hối hả kết tội là tôi mâu thuẩn. Tôi không thể tránh việc đó được vì sự nghèo nàn của ngôn ngữ; nhưng xin hãy chờ đợi.

[a] Trong chương IV, phần 8, nói về tôn giáo, Rousseau viết rằng: “Cái quyền đối với thần dân mà khế ước xã hội cho Cộng Đồng không đi quá các mức của lợi ích công.”