fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 5

Quyền sống và chết

Một câu hỏi thường được đặt ra là, do đâu mà các cá nhân, trong khi không có quyền tự định đoạt về mạng sống của mình, lại có thể chuyển nhượng cho Hội đồng Tối cao một quyền mà họ không có? Cái khó khăn để trả lời câu hỏi này đối với tôi dường như là ở chỗ câu hỏi ấy được đặt sai. Ai cũng có quyền liều mạng sống của mình để bảo vệ nó. Có ai bao giờ lại nói rằng một người nhảy ra khỏi cửa sổ để thoát một vụ cháy nhà là phạm lỗi tự tử? Có ai chết trong một cơn bão lại bị kết án vì khi bước chân lên tàu đã biết sẽ có nguy hiểm?

Mục đích tối hậu của khế ước xã hội là bảo tồn các thành viên. Kẻ nào muốn đạt được mục đích cũng cần có phương tiện, nhưng các phương tiện nào bao giờ cũng bao gồm một số rủi ro, và cả mất mát nữa. Kẻ nào muốn bảo tồn mạng sống của mình bằng mạng sống của những người khác thì cũng phải sẵn sàng hiến mạng sống của mình cho người khác khi cần thiết. Hơn nữa, người dân không phải là kẻ có quyền phán xét về các sự nguy hiểm khi luật pháp muốn anh hy sinh tánh mạng mình; khi người cầm quyền nói: “Anh nên chết cho quyền lợi của Quốc gia,” thì anh phải chết; vì anh được sống trong an ninh cho đến ngày nay là nhờ được quốc gia bảo vệ, và cũng bởi vì mạng sống của anh không còn là một tặng vật của thiên nhiên, mà là một món quà có đìều kiện của quốc gia ban cho anh.

Án tử hình mà các kẻ phạm tội bị kết án có thể được nhìn dưới cùng một lý lẽ: chính vì ta không muốn chết dưới tay một kẻ sát nhân nên ta đồng ý rằng sát nhân thì phải đền mạng. Trong khế ước này, [khi đồng ý có án tử hình] không phải chúng ta chấp nhận để mất mạng sống của ta, mà chính là để bảo vệ nó, và cũng chẳng ai nghĩ rằng [khi đồng ý có án tử hình] thì họ sẽ bị treo cổ.

Ngoài ra, mọi kẻ bất lương, khi vi phạm luật xã hội, đã trở thành kẻ nổi loạn và kẻ phản bội quốc gia; khi vi phạm luật xã hội, y không còn là thành viên của xã hội nữa và đã tuyên chiến ngay cả với xã hội. Trong trường hợp này, sự bảo tồn Quốc Gia mâu thuẩn với sự bảo tồn mạng sống của kẻ đó, và như thế một trong hai phải chết; khi giết một tội phạm, ta không giết một công dân mà là giết một kẻ thù. Sự xét xử, và phán quyết [của tòa] là những bằng chứng rằng kẻ đó đã vi phạm khế ước xã hội, và như vậy, kẻ đó không còn là thành viên của quốc gia nữa. Và vì anh ta là một thành viên trong cộng đồng đã vi phạm khế ước nên anh ta phải bị lưu đày ra khỏi cộng đồng, hay là bị xử án tử hình như là một kẻ thù của cộng đồng; vì một kẻ thù không phải là một con người đạo đức mà chỉ là một con người, và như vậy quyền chiến tranh cho phép giết kẻ chiến bại.

Nhưng người ta sẽ nói rằng sự kết án một kẻ có tội là một hành động đặc thù. Tôi công nhận việc đó; vì vậy sự kết án này không thuộc về chức năng của Hội đồng Tối cao; đó là một quyền mà Hội đồng Tối cao có thể trao mà không thể tự mình thi hành. Tôi không thay đổi trong sự suy nghĩ của tôi, nhưng tôi không thể trình bày tất cả cùng một lúc. Chúng ta có thể nhận định thêm rằng sự trừng phạt thường xuyên luôn luôn là dấu hiệu của nhược điểm hay sơ suất của chính quyền. Không có một kẻ làm bậy nào mà ta không thể giúp họ trở thành một phần tử tốt. Quốc gia không thể kết án tử hình một kẻ nào, ngay cả trong trường hợp để làm gương, nếu chúng ta có thể để cho họ sống mà không gây nguy hiểm cho ta.

Chỉ có Hội đồng Tối cao mới có quyền ân xá hay giảm án sau khi quan tòa đã tuyên bố kết án tội phạm. Phải nhấn mạnh rằng quyền hạn này không được rõ rệt và cũng được sử dụng trong những trường hợp rất hiếm. Trong một quốc gia mà guồng máy cai trị được hoàn hảo thì sẽ có rất ít sự trừng phạt – không phải vì sự khoan hồng tăng mà vì ít tội phạm, chính những lúc quốc gia suy tàn là những lúc mà tội ác gia tăng vì quốc gia không bảo đảm sẽ trừng trị được tất cả những tội phạm. Dưới thời Cộng Hoà La Mã, cả Thượng viện lẫn các quan chấp chính tối cao đều không muốn áp dụng sự ân xá, ngay cả dân chúng cũng vậy, tuy rằng đôi khi họ cũng có thu hồi bản án của họ. Ân xá thường xuyên sẽ khiến cho những kẻ tội phạm lờn mặt và ai cũng biết là việc này sẽ đưa đến kết quả như thế nào. Nhưng tôi cảm thấy lòng tôi bảo nhỏ rằng mình nên ngừng bút nơi đây: hãy để những vấn đề này cho những bậc lương thiện không bao giờ phạm lỗi và không bao giờ cần đến sự khoan hồng.