fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 3

Chương III

Vấn đề khi nào công dân được coi là một công dân chính đáng lại liên quan đến một vấn đề đã được tìm hiểu trước đây [ở phần đầu của Chương 1]. Vì có một vấn đề song song liên quan đến nhà nước: khi nào một hành vi được coi là một hành vi của nhà nước. Thí dụ như hành vi thay đổi từ thể chế quả đầu hay độc tài cá nhân (bạo chúa) sang dân chủ. Trong những trường hợp như vậy người dân từ khước thực hiện các bổn phận đã được giao ước [trong hiến pháp], trên căn bản là nhà độc tài, chứ không phải nhà nước, buộc họ phải tuân theo giao ước. Họ lập luận rằng có những hiến pháp được thiết lập bởi sức mạnh, chứ không vì lợi ích chung. Thế nhưng lý luận này cũng đúng trong chế độ dân chủ, vì chế độ dân chủ cũng có thể được thiết lập nên bởi bạo lực, và như thế một hành vi của chế độ dân chủ có thể  cũng không hơn hay chẳng kém gì hành vi của chế độ quả đầu hay độc tài cá nhân. Vấn đề này lại dẫn đến một vấn đề khác: ta dựa trên nguyên tắc nào để cho rằng nhà nước vẫn giống như cũ, hay đã bị đổi khác đi? Nếu ta chỉ xét đến lãnh thổ hay cư dân, thì đó là một cái nhìn thiển cận, vì lãnh thổ có thể bị phân cách và dân cư có người sống ở vùng này, người ở vùng khác. Điều này, coi vậy cũng không phải là vấn đề quá khó; ta chỉ cần nhận định rằng từ ngữ “nhà nước” là một từ ngữ mơ hồ, chưa được định nghĩa đúng đắn.

Cũng có người đặt vấn đề: Khi nào người dân cùng sống tại một nơi được xem là tạo nên một quốc gia?-giới hạn của nó ở chỗ nào? Chắc chắn không phải là bức tường thành bao quanh lãnh thổ, vì ta có thể xây một bức trường thành bao quanh cả vùng Peloponnesus.[1] Tương tự như vậy, ta cũng có thể liệt kê Babylon[2] và mọi thị-quốc có tầm vóc của một quốc gia; nhưng Babylon, lịch sử kể lại, đã bị địch quân chiếm đóng cả ba ngày rồi, mà nhiều người dân còn chưa biết. Vấn nạn này [một nước nên lớn đến chừng nào (gồm nhiều phần lãnh thổ khác nhau) mà vẫn được coi là một nước duy nhất], tốt hơn, nên để dịp khác ta sẽ bàn tới, bởi đây đơn giản chỉ là nhiệm vụ của nhà lãnh đạo phải quyết định xem quốc gia nên rộng lớn tới cỡ nào và có nên bao gồm nhiều lãnh thổ khác nhau hay không.[3]

Bây giờ hãy trở lại vấn đề người dân cư trú trên lãnh thổ. Liệu ta có xem những người dân cùng một giống, cư ngụ trên cùng một nơi từ đời này sang đời khác không có gì thay đổi, cho nên quốc gia cũng không thay đổi, dù người dân có sinh ra và chết đi, như ta bảo dòng sông hay ngọn núi bao giờ cũng vẫn như thế dù nước cứ chảy trôi đi mãi? Hay là ta lại bảo rằng các thế hệ người dân cũng thay đổi giống như nước của dòng sông, cho nên nhà nước cũng thay đổi? Vì nhà nước là một sự hội tụ và hợp tác của công dân theo một hiến pháp và một cơ cấu chính trị nào đó, cho nên, khi hình thức chính quyền thay đổi và trở nên khác đi với hình thức cũ, thì ta có thể nói là nhà nước đó không còn giống như cũ nữa; cũng giống như ban đồng ca của hài kịch khác với ban đồng ca của bi kịch, dù cả hai ban đều có cùng các ca công.[4] Tương tự như vậy, ta bảo mọi sự hội tụ hay phối hợp các phần tử sẽ khác đi khi hình thức phối hợp đó bị thay đổi; thí dụ, một hợp âm có cùng những nốt nhạc sẽ khác đi khi được kết hợp theo âm thể Dorian hay Phrygian.[5] Và nếu điều này được xem là đúng, thì hiển nhiên một nhà nước có còn giống như trước hay không là do hiến pháp có được giữ nguyên hay không, và ta vẫn có thể gọi bằng cùng một tên, còn cư dân của nước đó có thay đổi hay không, điều đó không quan trọng. Còn một vấn đề nữa là một nhà nước có nên hay không nên tiếp tục giữ các giao ước sau khi thay đổi hình thức chính quyền.

 


[1] Peloponnesus là vùng bán đảo thuộc miền trung Hy lạp ngày nay. Vùng này thời xưa gồm nhiều quốc gia (còn gọi là thị-quốc, city state), ngay cả thành Athens cũng được coi như một nước vào thời của Aristotle.

[2] Babylon là một thị quốc thuộc khu vực Mesopotamia, Iraq ngày nay. Babylon cũng đuợc coi là một trong 7 kỳ quan của thế giới thời cổ.

[3] Theo Ernest Barker, đoạn văn này có nghĩa: việc ấn định ranh giới và kích thước lãnh thổ thuộc về nghệ thuật lãnh đạo và cai trị, chứ không thuộc vấn đề được nêu ra trong chương này là lý thuyết về các đặc tính tạo nên quốc gia.

[4] Ca kịch cổ Hy lạp có hai thể loại: bi kịch hoặc hài kịch. Những vở kịch này được trình diễn tại những hý viện lớn ngoài trời (amphitheater). Ngoài các nhân vật chính trong kịch, trong cả hai loại hình bi kịch và hài kịch, ca kịch cổ Hy lạp còn có ban đồng ca đóng vai trò dẫn giải câu chuyện, bình luận về tâm lý và diễn biến của vở kịch, giữa những màn của vở ca kịch.

[5] Dorian và Phrygian là hai âm giai trong âm nhạc cổ Hy lạp.