fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 4

Chương IV

Có một điểm liên quan đến vấn đề vừa được bàn đến ở trên: Liệu đức tính của một người tốt và một công dân tốt có giống nhau hay không? Nhưng trước khi thảo luận vấn đề này, ta phải có được một số khái niệm tổng quát về đức tính của công dân. Cũng như một người thủy thủ, công dân là thành viên của một cộng đồng. Những thủy thủ có những chức năng khác nhau; người này thì chèo, kẻ kia thì lái, người này thì quan sát khí tượng hay các thuyền bè khác, kẻ khác thì được gọi bằng chức năng mà họ được giao phó. Dù tên chính xác để chỉ đức tính của mỗi thủy thủ là do chức năng riêng của mỗi người, nhưng cũng có một định nghĩa chung dùng cho tất cả mọi người. Bởi vì tất cả cùng có chung một mục tiêu là thực hiện cuộc hải trình được an toàn. Tương tự như vậy, công dân này thì khác với công dân kia, nhưng mục đích chung là sự an toàn của cộng đồng. Cộng đồng này chính là cơ cấu chính trị; đức tính của công dân, do đó, phải liên quan đến cơ cấu chính trị mà họ là thành viên. Vậy thì, nếu có nhiều hình thức chính quyền, thì hiển nhiên, đức tính của một người công dân tốt sẽ không thể nào được xem là tuyệt đối; trong khi đó, một người được gọi là tốt phải có đức tính mà ai cũng phải công nhận. Như thế, một người công dân tốt không nhất thiết phải có những đức tính của một người tốt.

Ta cũng có thể lý giải vấn đề này theo một hướng khác, đó là xét từ quan điểm của một cơ cấu chính trị tuyệt hảo. Nếu một nhà nước không thể được tạo nên bởi tất cả những người tốt, nhưng mỗi công dân thực hiện thật tốt nhiệm vụ được giao phó, thì nhà nước đó vẫn được coi là tốt; nhưng bởi vì tất cả các công dân không thể nào giống nhau, do đó, đức tính của người tốt và của công dân không thể trùng nhau. Tất cả mọi người phải có đức tính của người công dân tốt, thì khi đó, và chỉ khi đó, nhà nước mới được coi là tuyệt hảo; nhưng không hẳn tất cả mọi người sẽ có đức tính của người tốt, trừ trường hợp ta giả thiết là trong một nhà nước tốt (tuyệt hảo), mọi công dân đều là những con người tốt.
Thêm nữa, ta có thể so sánh nhà nước, một tổng thể gồm nhiều phần tử khác nhau, với một con người: gồm có thể xác và tinh thần, tinh thần lại có lý trí và lòng ham muốn; thể xác gồm có gia đình, chồng vợ, của cải, chủ nhân và nô lệ, và những phần tử khác nhau. Như thế đức tính của tất cả mọi công dân không thể nào giống nhau, cũng như sự xuất sắc của người ca trưởng không giống như của các ca viên. Từ những nhận xét này, tôi đã chứng minh rằng đức tính của công dân tốt và của người tốt không thể hoàn toàn và tuyệt đối giống như nhau.

Thế nhưng liệu có trường hợp nào mà đức tính của một công dân tốt và của một người tốt trùng hợp với nhau? Ta có thể trả lời rằng một nhà cầm quyền tốt là một người “tốt” và “khôn ngoan,” và những ai muốn trở thành nhà cầm quyền phải là người khôn ngoan. Ta cũng thấy rằng nhà cầm quyền được giáo dục theo cách đặc biệt; chẳng phải các hoàng tử được huấn luyện chuyên môn về thuật kỵ mã và quân sự? Như thi hào Euripides[1] đã cho nhân vật của mình, là một ông vua, nói về giáo dục cho hoàng tử:

“Đừng dạy những gì cao siêu, nhưng là những gì đất nước cần hơn cả.”

Câu này cho thấy nhà cai trị được huấn luyện đặc biệt. Như vậy, ta có thể cho rằng, trong trường hợp nhà cai trị, đức tính của công dân và đức tính của một người tốt hoàn toàn giống nhau. Nhưng vì đối tượng là công dân thường, cho nên, đức tính của một công dân và của một người tốt không thể nào hoàn toàn giống nhau, dù có thể giống nhau trong một vài trường hợp đặc biệt [khi công dân trở thành nhà cai trị], vì đức tính của nhà cai trị khác với đức tính của công dân. Cũng chính vì sự khác nhau này mà Jason,[2] người xứ Pherae, đã nói: “Ta cảm thấy đói khi ta không còn là một bạo quân,[3]” câu nói này cho thấy ông không biết sống đời sống thường dân như thế nào. Nhưng, trên mặt khác, người ta cũng có thể lý luận rằng người ta thường được ca ngợi vì có được cả hai đức tính: biết cai trị và biết phục tùng, và công dân là người có cả hai đức tính này. Cho nên, nếu ta cho rằng đức tính của một người tốt là biết cai trị,[4]và đức tính của công dân gồm cả hai, thì ta không thể xem hai đức tính này ngang nhau. Bởi vì, có nhiều khi người cai trị và kẻ bị trị phải học những điều khác nhau; thí dụ như trường hợp của chủ nhân là người phải biết những gì liên quan đến những công việc lao động chân tay, không có nghĩa là chủ nhân phải biết làm những việc đó, nhưng biết điều khiển nhân công làm những việc đó (làm những việc lao động chân tay là tự hạ giá trị của chủ nhân). Còn những kẻ làm những công việc lao động chân tay đó thuộc nhiều loại khác nhau, thí dụ như những người thợ thủ công, đúng như tên gọi, là những người sống bằng sức lao động của bàn tay, hay những người thợ máy.  Đó là lý do tại sao vào thời cổ, tại vài nước, giai cấp lao động không được tham gia vào chính sự-một đặc quyền mà họ chỉ có được dưới một chế độ cực kỳ dân chủ. Hẳn rằng một người tốt, một chính trị gia, và một công dân tốt không cần phải học những nghề của giai cấp hạ tiện trừ trường hợp thỉnh thoảng phải chính tay làm; nếu họ cứ tiếp tục làm những việc này thành thói quen, thì chẳng còn phân biệt được đâu là chủ nhân đâu là nô lệ.

Nhưng ở đây ta không bàn đến luật lệ kiểu này (quy định quan hệ giữa chủ nhân và nô lệ); còn có một loại luật lệ khác áp dụng trên những công dân tự do và bình đẳng về giai cấp; luật lệ đó là sự phục tùng luật pháp, nghĩa là người cai trị phải học tuân lệnh, giống như muốn học các bổn phận của một tướng kỵ binh hay bộ binh, thì trước hết phải phục vụ trong kỵ binh hoặc bộ binh và tuân lệnh của các vị tướng này, và rồi mới nắm quyền chỉ huy đại đội hay trung đoàn. Tục ngữ có câu: “Kẻ nào chưa từng học vâng lời, không thể trở thành một người chỉ huy giỏi.” Hai đức tính đó không giống nhau, nhưng người công dân tốt phải có khả năng thực hiện cả hai: biết cách cai trị như một người tự do và biết cách vâng lời như một người tự do. Đó là những đức tính của một công dân. Và, mặc dù đức tự chủ và công bình của người cai trị có khác với đức tính đó của người bị trị, đức tính của một người tốt bao gồm cả hai đức tính này; bởi vì đức tính của một người tốt vừa là một người tự do và là một người dân, tức là đức công bình, bao gồm các loại đức tính khác nhau,[5] một loại giúp cho y cai trị, và một loại giúp cho y vâng lời, các đức tính này khác nhau như thể đức tự chủ và công bình của đàn ông khác với các đức tính đó của đàn bà. Một người đàn ông sẽ bị xem là nhu nhược nếu anh ta không can đảm hơn một người đàn bà dũng cảm, và một người phụ nữ sẽ bị xem là lắm chuyện nếu không tự kiểm soát được cách ăn nói của mình bằng một người đàn ông. Vai trò của đàn ông và đàn bà trong gia đình cũng khác nhau; bổn phận của đàn ông là đem về của cải, còn đàn bà thì tích trữ những của cải đó. [Trong tất cả các đức tính,] Trí[6] là một đức tính chỉ dành cho người cai trị; ngoài ra, các đức tính khác cả người cai trị cũng như thần dân đều nên có như nhau. Người dân không cần tới đức Trí, nhưng cần có quan điểm đúng. Ta có thể so sánh người dân giống như là người thợ chế tạo sáo, còn nhà cai trị thì giống như người thổi sáo hay người sử dụng sáo.[7]
Từ những nhận định trong chương này, ta có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi liệu đức tính của một người tốt và của một công dân tốt có giống nhau hay không, và nếu giống nhau thì giống ở phương diện nào và đến mức độ nào.

 


[1] Euripides là một trong ba thi hào trứ danh của cổ Hy Lạp (hai thi hào kia là Aeschylus và Sophocles). Ông đã trước tác 95 vở bi kịch. Lúc còn sinh tiền, Euripides luôn thua sút hai thi hàoAeschylus và Sopholces trong các cuộc thi trình diễn bi kịch Dionysia được tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, văn phong giản dị của Euripides và bi kịch của ông lại tạo được ảnh hưởng sâu rộng đến các kịch tác gia La Mã đời sau, và ngay cả các kịch tác gia cổ điển của Pháp thời hiện đại.

[2] Jason, người Pherae, trở thành vua xứ Thessaly và mở mang Thessaly thành một thị-quốc thời cổ Hy lạp.

[3] Bạo quân, dịch từ Hy lạp tyrannos (tiếng Anh là tyrant), không có nghĩa là một nhà vua tàn bạo hay người cai trị chuyên chế theo nghĩa hiện đại. Tyrannos chỉ những người nắm quyền cai trị một cách bất hợp pháp không theo hiến pháp quy định. Các “ngụy vương” thời cổ Hy lạp thường là những nhà quý tộc bất mãn với chế độ và tìm cách nắm quyền qua mưu toan với các thành phần dân chúng không được tham gia vào chính quyền như thành phần thương nhân; từ tyrannos không có nghĩa xấu là tàn ác, bạo ngược như ta hiểu ngày nay (theo Jona Lendering tại http://www.livius.org/tt-tz/tyrant/tyrant.html).

[4] Một người tốt, theo Ernest Baker, là người có được sự khôn ngoan đạo đức, nghĩa là có khả năng chế ngự (cai trị) những sự ham muốn, biết cách ứg xử trước những khó khăn về đạo lý thể hiện qua những sự chọn lựa khôn ngoan, và đó là đức tính của nhà cai trị.

[5] Theo người Hy lạp thời đó, đức tính của một người tốt vừa là một công dân gồm có bốn thể: tự chủ, công bình, can đảm, và khôn ngoan.

[6] Bản dịch của  Barker dùng từ “prudence” và Jovett dùng “practical wisdom” để chỉ đức tính chủ đạo của mọi đức tính. Người dịch dùng Trí để dịch hai từ này. Sự cẩn trọng (prudence) đòi hỏi có sự khôn ngoan, hiểu biết và kiến thức, đồng thời đưa ra được những phán đoán đúng đắn và thực dụng trong cách xử thế. Tuy nhiên, việc thi hành những phán đoán khôn ngoan đó cần tới dũng (can đảm) và công bình vì kết quả của những phán đoán này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi thành phần liên can. Thí dụ, một vị tướng có trí là người phải biết cân nhắc các chiến thuật dựa trên kiến thức thu thập được, sự hiểu biết về lực lượng ta và địch để quyết định lấy một chiến thuật, sau đó vị tướng còn cần có can đảm để thi hành quyết định của mình mà ảnh hưởng của nó sẽ liên quan đến sự an nguy của ba quân.

[7] Ta có thể hiểu sự so sánh này như sau: người thợ làm sáo chỉ cần biết làm sáo cho đúng cách, người thổi sáo mới cần biết lúc nào khoan, lúc nào nhặt, và đó là đức tính của nhà cai trị. Thí dụ này, thật ra khá khó hiểu, như Barker trình bày là ta không nhận thấy mối quan hệ giữa nhà cai trị và người dân tương ứng với người làm sáo và người thổi sáo.