CHƯƠNG I
Dẫn Nhập
Đề tài của Tiểu luận này không phải về cái được gọi là Tự Do Ý Chí – chẳng may, người ta cứ sử dụng nó để đối kháng với cái được gọi sai lầm là Thuyết về Triết học Định mệnh Tất yếu[1] – mà đề tài này đề cập đến Tự Do Dân Sự hay Tự Do Xã Hội: bản chất và các giới hạn của quyền lực được xã hội sử dụng một cách hợp pháp đối với một cá nhân. Đây là một đề tài hiếm khi được nêu lên và ít khi được tranh luận một cách rộng rãi; nhưng nó có một ảnh hưởng sâu đậm đến các cuộc tranh luận trong thực tế ở thời đại này bằng sự hiện diện tiềm tàng của nó; và sớm hay muộn, nó sẽ được xem như là một vấn đề quan trọng trong tương lai. Đây không phải là một vấn đề mới mẻ; trong một ý nghĩa nào đó, nó đã chia rẽ nhân loại ngay từ thuở xa xưa; nhưng nay, với đà tiến bộ đạt được bởi nhiều dân tộc văn minh nhất, nó xuất hiện dưới nhiều dạng mới và đòi hỏi một sự bàn luận khác biệt hơn và cơ bản hơn.
Sự đấu tranh giữa Tự Do và Quyền Lực là một nét đặc trưng hiển nhiên trong các giai đoạn lịch sử quen thuộc với chúng ta, đặc biệt là lịch sử Hy-lạp, La-mã và Anh quốc. Nhưng vào thời cổ, sự xung đột này xảy ra giữa thần dân hay vài tầng lớp thần dân với người cai trị. Người ta quan niệm tự do như là một sự che chở đối với bạo quyền của giới cai trị. Giới cai trị và kẻ bị trị đương nhiên ở vào những vị trí đối nghịch nhau (trừ ra ở một vài giới cai trị tại Hy Lạp). Quyền lực nằm trong tay một Cá Nhân, một bộ lạc hay một tầng lớp trong xã hội chiếm được quyền cai trị qua sự kế vị hoặc chinh phục; nhưng trong bất cứ trường hợp nào, quyền ấy không được qua sự chấp thuận của dân chúng, và dù có thận trọng mấy chăng nữa, không một ai dám hay có thể liều lĩnh đặt vấn đề này với những người cầm quyền; quyền lực của người cai trị được xem như là cần thiết nhưng cũng rất nguy hiểm; vì đó là một vũ khí mà họ có thể tùy tiện quay ngược lại chống với thần dân của mình hay với những kẻ thù bên ngoài. Để tránh cho các phần tử yếu kém của cộng đồng không phải làm mồi cho đám kên kên đông đảo, ta cần phải có một con chim mạnh nhất để ngăn cản các con kia. Nhưng vì con kên kên chúa cũng phải có mồi ăn chẳng khác gì những con chim khác, nên tất cả phải luôn luôn sẵn sàng để tránh mỏ và móng vuốt của nó. Vì vậy, mục tiêu của những người ái quốc là phải đặt ra những giới hạn cho quyền lực của người cai trị, những giới hạn mà họ có thể chịu đựng được: sự giới hạn này được gọi là tự do. Có hai cách để đạt đến mục tiêu ấy. Cách thứ nhất là đạt được một số đặc miễn gọi là những tự do hay quyền chính trị; nếu vi phạm các đặc miễn này, người cai trị bị xem như là thiếu sót bổn phận của mình và một sự chống đối hạn chế hay một cuộc nổi dậy toàn diện được xem là chính đáng. Cách thứ hai – thường xảy ra gần đây hơn – là việc thành lập những kiểm soát dựa theo hiến pháp: theo đó, điều kiện để các quyết định quan trọng của người cai trị được thông qua là sự chấp thuận của cộng đồng hay của một cơ cấu đại diện cho quyền lợi của cộng đồng. Giới cai trị của phần đông các quốc gia Âu Châu, ít hay nhiều, đã bị ép buộc theo cách thứ nhất. Cách thứ hai lại khác hơn: xây dựng một thể thức như vậy hay là hoàn tất nó khi đã có một phần nào rồi, đã trở nên mục tiêu chính ở khắp mọi nơi của những con người yêu mến tự do. Và chừng nào mà nhân loại hài lòng trong việc chiến đấu chống một kẻ thù bằng cách sử dụng một kẻ thù khác và hài lòng vì có được những bảo đảm chống lại sự áp bức của người cai trị thì họ không có ước nguyện gì hơn nữa.
Nhưng, trong đà tiến của nhân loại, đến một lúc, con người thôi nhận thức rằng, sự việc các người cầm quyền có một quyền lực độc lập đi ngược lại với các quyền lợi của họ. Với họ, tốt hơn hết là các viên chức khác nhau của Quốc Gia phải là những người được họ chọn hoặc bầu ra để làm việc, những người được họ ủy quyền mà họ muốn bãi chức lúc nào cũng được. Họ cho rằng, chỉ với cách đó, họ mới có thể an tâm là không bao giờ bị chính quyền hiếp đáp. Dần dần sự đòi hỏi này – một nhu cầu mới mẻ có những người cai trị được bầu lên trong một thời gian nào đó – đã trở thành mục tiêu chính của những cố gắng của một đảng phái dân chủ, ở bất cứ nơi nào có một đảng phái như vậy; sự kiện này, trong một phạm vi rộng lớn, thay thế cho các nỗ lực trước kia nhằm hạn chế quyền lực của những người cai trị. Trong khi một số người tranh đấu để đặt quyền lực của người cai trị dưới sự giám sát của người bị trị thì một số người khác nghĩ rằng, ta đã quan trọng hóa vấn đề giới hạn cái quyền lực đó. Trước kia, dường như đó chỉ là phương cách độc nhất khi mà quyền lợi của người cai trị đi ngược với quyền lợi của dân chúng. Nay thì việc ta mong muốn là những người cai trị phải được đồng hoá với dân chúng: rằng, quyền lợi và ý chí của người cai trị phải trở thành quyền lợi và ý chí của quốc gia. Quốc gia không cần được che chở chống lại ý chí của chính mình. Không cần phải lo ngại rằng, quốc gia áp bức chính mình. Hãy để cho những nguời cai trị thực sự có trách nhiệm với quốc gia; họ có thể bị quốc gia nhanh chóng truất quyền; và quốc gia có thể tin tưởng khi giao quyền hành cho họ. Quyền lực của họ chính là quyền lực của quốc gia được tập trung dưới một dạng thích ứng cho việc hành xử. Lối suy nghĩ này – hay có thể nói là lối cảm nhận này – được rộng rãi phổ biến trong thế hệ cuối của chủ nghĩa tự do ở Âu Châu, và dường như đang chiếm ưu thế ở lục địa Âu Châu. Những người muốn áp đặt những hạn chế cho một chính phủ – trừ trường hợp một chính phủ bất hợp pháp – là những ngoại lệ trong giới những nhà tư tưởng chính trị Châu Âu. Và giờ đây, một khuynh hướng tương tự có thể bị áp đặt ở Anh Quốc nếu lúc đó hoàn cảnh được khuyến khích.
Nhưng, trong các lý thuyết chính trị, triết lý cũng như với con người, sự thành công có thể để lộ ra những sai lầm hay thiếu sót khi mà sự thất bại có thể che dấu chúng. Khái niệm cho rằng, dân chúng không cần tự giới hạn quyền lực trên chính mình có thể được xem như là hiển nhiên khi mà một chính phủ dân chủ chỉ có trong ước mơ hay khi ta đọc sách sử của các thời cổ xưa, nhưng khái niệm này cũng không bị giảm đi bởi những sự lầm lạc nhất thời của cuộc Cách Mạng Pháp. Các lầm lạc tệ hại nhất được gây ra bởi một thiểu số tiếm quyền không đại diện cho các cơ cấu dân chủ, mà là xuất xứ từ một cuộc nổi dậy đột ngột và đầy rối loạn chống lại một chế độ vương quyền và giới quý tộc. Tuy nhiên, với thời gian, một nền cộng hòa dân chủ xuất hiện trên một phần lớn của trái đất và đã chứng tỏ là một thành viên mạnh mẽ nhất trong cộng đồng các quốc gia; rồi sau đó, một chính phủ có trách nhiệm được dân bầu lên đã trở thành đối tượng cho các lời bình phẩm và chỉ trích mà người ta thường dành cho những biến cố lớn lao. Bây giờ thì những từ ngữ như “chế độ tự trị” hay “quyền của người dân cho dân” không diễn tả được tình trạng thật sự của vấn đề. Những “người dân” cầm quyền không hẳn luôn luôn là những người đồng bọn với những người bị trị; và cái “chế độ tự trị” nói trên kia không phải là mỗi người tự cai trị mình mà là mỗi người bị cai trị bởi tất cả những người kia. Hơn thế nữa, ý muốn của dân chúng trên thực tế là ý muốn của đa số hay là của thành phần hoạt động nhất trong dân chúng: của đa số hay của những kẻ thành công trong việc áp đặt mình là đa số; vậy có thể rằng, dân chúng muốn áp bức một phần trong bọn họ; và đây là một sự lạm dụng quyền lực mà ta phải đề phòng, cũng như phải đề phòng chống mọi sự lạm dụng quyền lực khác. Bởi thế, việc giới hạn quyền hành của chính phủ trên các cá nhân là một vấn đề rất quan trọng; ngay cả khi những người cầm quyền được đều đặn bầu lên và chịu trách nhiệm trước dân chúng, nghĩa là trước thành phần mạnh nhất. Quan niệm này đã chiếm được chỗ đứng không mấy khó khăn trong trí óc của các nhà tư tưởng và trong khuynh hướng của các tầng lớp quan trọng của xã hội Âu Châu- một xã hội, trong đó, các quyền lợi thực sự hay giả tưởng đều đối nghịch với ý thức dân chủ. Thế nên, ngày nay, trong các ước đoán chính trị, sự “chuyên chế của đa số” được xếp vào hàng các tai hại mà xã hội cần phải đề phòng.
Cũng như tất cả các sự bạo ngược khác, sự bạo ngược của đa số làm cho người ta kinh tởm và khiếp sợ, trước hết là sự hiện diện của nó trong các hành động của nhà cầm quyền. Nhưng những người có óc suy xét nhận thấy rằng, khi chính xã hội là kẻ bạo ngược – khi mà đám đông áp bức cá nhân – thì các phương tiện bạo ngược không chỉ được hạn chế vào những hành động của các viên chức chính trị. Xã hội có thể thi hành các quyết định của mình: nếu xã hội lấy những quyết định sai thay vì những quyết định đúng, hay là xen vào những vấn đề ngoài phạm vi của mình, thì xã hội đã thi hành một sự bạo ngược xã hội lớn lao, tệ hại hơn các loại bạo ngược chính trị khác; lý do là tuy rằng, sự bạo ngược xã hội không được áp đặt qua những hình phạt khắc nghiệt, nhưng nó không cho nhiều lối thoát và thấm nhập sâu xa vào các khía cạnh của đời sống xã hội và nô lệ hoá chính linh hồn của xã hội. Cho nên, che chở chống lại sự bạo ngược của viên chức chính trị là chưa đủ; cần phải che chở chống lại sự áp chế của dư luận và chống các khuynh hướng tình cảm đang ngự trị; chống lại khuynh hướng của xã hội muốn áp đặt những ý kiến và cách hành xử của mình đối với những kẻ bất đồng ý kiến bằng những phương cách khác ngoài những hình phạt hình sự. Ta còn phải chống lại khuynh hướng của xã hội muốn kiềm chế sự phát triển – hay nếu có thể được, ngăn ngừa sự hình thành – của bất cứ cá tính nào không hoà hợp với các đường lối của xã hội và buộc những thành phần đó thích nghi với mẫu mực mà họ đặt ra. Có một giới hạn cho sự can thiệp hợp pháp của dư luận quần chúng đối với tự do cá nhân; tìm kiếm giới hạn này và giữ cho nó không bị xâm phạm là một việc thiết yếu để bảo đảm cho sinh hoạt của nhân loại được tốt đẹp, cũng như để ngăn ngừa mọi chuyên chế chính trị.
Nhưng nếu không có một sự tranh luận nào về vấn đề này trên mặt lý thuyết, thì trên mặt thực tế, việc tìm cách đặt các giới hạn này ở đâu – tìm cái trung dung giữa tự do cá nhân và sự kiểm soát của xã hội – là một lãnh vực với bao vấn đề phải được giải quyết. Tất cả những gì giúp làm cho cuộc sống của chúng ta có giá trị đều dựa vào việc áp dụng những kiềm chế trên các hành động của những người khác. Vậy, sự áp đặt một số lề lối cư xử trở nên cần thiết, trước hết bởi luật pháp và sau đó bởi dư luận đối với những vấn đề nằm ngoài tầm tay của luật pháp. Những lề lối ấy là những lề lối nào: đó là vấn đề lớn lao đối với xã hội loài người, nhưng nếu ta bỏ ra ngoài một số trường hợp tiêu biểu nhất, thì đây là vấn đề có ít tiến bộ nhất. Không có hai thời đại nào và hiếm có hai quốc gia nào đã giải quyết vấn đề ấy một cách tương tự; và quyết định của một thời đại này hay một quốc gia này đã làm cho thời đại kia hay quốc gia kia ngạc nhiên. Tuy vậy, không có một dân tộc hay một quốc gia nào đã nhận thấy sự khó khăn trong vấn đề đó, xem như nhân loại đã luôn luôn đồng ý về việc kể trên. Những lề lối áp dụng được dân chúng xem như hiển nhiên và đúng đắn. Cái ảo tưởng rất phổ biến này là một trong những thí dụ về ảnh hưởng thần diệu của thói quen: thói quen, theo như tục ngữ đã nói, được xem không những là bản chất thứ hai của con người mà còn luôn luôn bị lầm lẫn với bản chất thứ nhất, vì thói quen là một vũ khí hữu hiệu đến nỗi không ai thấy cần thiết phải đặt vấn đề về nó, dù với tính cách tập thể hay cá nhân. Dân chúng đã có thói quen – và đã được khuyến khích làm như vậy bởi những kẻ tự phong mình là những nhà triết học – tin rằng, các nhận xét của mình trên những vấn đề như thế tốt hơn các lý luận, và như vậy, lý luận không còn cần thiết nữa. Trong thực tế, nguyên tắc quy định nhận thức của mỗi người về lề lối cư xử xuất phát từ quan niệm của mỗi người, quan niệm này là mỗi người đều có ý muốn chung rằng, ai cũng nên hành xử như mình. Thật vậy, không ai tự cho tiêu chuẩn phán đoán của mình là do ý thích của mình; nhưng một quan điểm về lề lối cư xử, nếu không có lý luận ủng hộ thì cũng chỉ được xem như một ý kiến cá nhân; nếu phải đưa ra những lý do giải thích tại sao làm như vậy, thì người ta nhận thấy đó là vì dựa theo sự lựa chọn của số đông. Tuy cho rằng sở thích của một người bình thường dựa theo sở thích của số đông, đối với người ấy, sở thích đó không những được xem như một tiêu chuẩn hợp lý nhất mà còn là một tiêu chuẩn để quy định tất cả các ý niệm của anh ta về đạo đức, thị hiếu và phép tắc – những ý niệm mà các tín điều trong tôn giáo của anh ta không đề cập một cách rõ ràng và giúp anh ta giải thích niềm tin của mình. Vậy nên quan điểm của con người khi khen cái này hay chê cái kia là kết quả của nhiều nguyên do: khi là lý trí; khi là thiên kiến hay mê tín dị đoan; khi là vì tình cảm xã hội; không hiếm khi là những tình cảm phi xã hội như ganh tị, ghen tuông, kiêu ngạo hay khinh bỉ; nhưng nhiều nhất là tham vọng, sợ hãi, lòng ích kỷ hợp lý hay không hợp lý. Nơi nào có một giai cấp đang chiếm ưu thế, phần lớn đạo lý của nơi đó xuất phát từ những quyền lợi của giai cấp ấy. Đạo lý giữa dân Spartans và dân Helots,[2] giữa địa chủ và nô lệ da đen, giữa hoàng tộc và thần dân, giữa giai cấp quý tộc và thường dân, giữa đàn ông và đàn bà phần lớn được tạo ra bởi những quyền lợi và tình cảm của giai cấp. Và những tình cảm nảy sinh ra từ đó lại tác động trên các quan điểm đạo đức của giai cấp chiếm ưu thế khi họ đối xử với nhau. Ngược lại, khi giai cấp chiếm ưu thế mất ảnh hưởng, hay khi vị trí ưu thế ấy không được dân chúng chấp nhận nữa, thì những tình cảm đạo đức thịnh hành trước đó thường không còn ở vị thế ưu việt nữa. Một nguyên lý có ảnh hưởng lớn khác – do luật pháp hay dư luận áp đặt – quy định lòng khoan dung hay không khoan dung là sự thần phục của con người trước những sở thích hay những ghét bỏ của các vị chủ thế tục hay các vị thần linh. Sự thần phục này tuy chủ yếu có tính cách ích kỷ, nhưng không phải là sự đạo đức giả; nó gây nơi ta một sự kinh tởm thực sự, và chính nó đã xô đẩy con người làm những việc như hoả thiêu các nhà phù thủy và dân dị giáo. Trong số những ảnh hưởng thấp hèn nhất, các quyền lợi tổng quát và hiển nhiên của xã hội, dĩ nhiên chiếm một phần – một phần lớn – trong việc hướng dẫn những quan niệm đạo đức của xã hội: tuy nhiên, những quan điểm ấy được hướng dẫn bởi những quyền lợi ít hơn là bởi những hậu quả của những thiện cảm hay ác cảm; và những thiện cảm và ác cảm này có ít nhiều liên hệ đến các quyền lợi của xã hội, nhưng có một ảnh hưởng lớn trong việc hình thành những loại đạo đức khác nhau. Chính các sở thích hay các ghét bỏ của xã hội hay của giai cấp có thế lực mạnh nhất đã tạo ra những lề lối cư xử với sự tiếp tay của luật pháp và dư luận. Và, nói một cách tổng quát, các thành phần trí thức tiến bộ đã không đặt lại vấn đề này mặc dù họ chống đối vài điểm chi tiết. Họ bỏ thì giờ để suy nghĩ về bản chất của các sở thích hay các ghét bỏ của xã hội mà không cần hỏi xem, các sự việc đó có thể trở thành những luật lệ cho con người không? Họ thích cố gắng thay đổi các cảm xúc của con người trên một số điểm cá biệt mà chính họ cũng không thích, thay vì hợp tác với những người chống đối để bảo vệ tự do. Riêng vấn đề tôn giáo là một vấn đề có tầm vóc lớn được mọi thành phần trong xã hội tranh luận một cách mạch lạc, ngoại trừ một số cá nhân riêng rẽ. Đó là một cuộc tranh luận có ích lợi trên nhiều khía cạnh, vì nó là một trường hợp điển hình đáng lưu ý về sự sai lầm của cái được gọi là ý thức đạo đức – vì đối với một người có đức tin mù quáng nhưng có lòng thành thì sự ghét bỏ thần học là căn bản ít bị hiểu lầm nhất trong quan niệm đạo đức của anh ta. Tuy nhiên, những người tiên phong trong việc ghét bỏ sự ràng buộc của cái gọi là Giáo Hội Thế Giới cũng không dễ gì chấp nhận sự tự do tín ngưỡng. Nhưng, sau khi các cuộc tranh cãi bớt sôi nổi, ta thấy không có phe nào thắng cả, và mỗi giáo hội hay giáo phái vẫn phải giữ các vị trí mà mình đã có từ trước; và các phe thiểu số, nhận thấy mình không có hy vọng nào để trở thành phe đa số, bắt buộc phải yêu cầu những kẻ mà họ không thể làm cho đổi đạo, cho phép họ được có tín ngưỡng khác. Vậy ta thấy rằng, chỉ trong cuộc tranh chấp đó mà các nguyên tắc lớn của các quyền lợi cá nhân đối với xã hội được thiết lập, và người ta công khai phản đối ý muốn của xã hội kiểm soát những phần tử chống đối. Các nhà văn lớn, những người đã đem tự do tín ngưỡng đến cho thế giới, đã định nghĩa tự do tín ngưỡng như là một quyền không thể bị tước đoạt được; đối với họ, không thể nào chấp nhận sự việc một con người phải báo cáo cho những kẻ khác biết về tín ngưỡng của mình. Tuy nhiên, sự bất khoan nhượng của con người đối với những gì mình tha thiết hiển nhiên đến nỗi gần như không nơi chốn áp dụng tự do tín ngưỡng – ngoại trừ ở những nơi nào mà con người có thái độ thờ ơ với tôn giáo và không muốn bị quấy rầy bởi những sự tranh cãi về thần học. Trong trí óc của phần lớn các tín đồ – và sự việc này cũng xảy ra tại các nước có tinh thần khoan dung cao nhất – sự dung thứ được xem như là một bổn phận mà người ta chấp nhận một cách ngấm ngầm và dè dặt. Người này có thể bất đồng ý kiến với cách quản lý của giáo hội nhưng không chấp nhận sự bất đồng về mặt giáo điều; người kia có thể dung thứ bất cứ ai ngoại trừ những người theo đạo Gia Tô chấp nhận Đức Giáo Hoàng và những người theo thuyết nhất thể (Unitarian)[3]; người khác không thể dung thứ bất cứ ai theo tôn giáo thiên khải (Revealed Religion)[4]; một số người nữa có lòng dung thứ rộng rãi hơn nhưng lại không chấp nhận niềm tin có một Đấng Duy Nhất và sự sống sau khi chết. Bất cứ ở nơi nào mà ý thức của đa số còn hiện hữu, thì kỳ vọng của con người muốn kẻ khác phải phục tùng mình vẫn không thuyên giảm.
Ở Anh quốc, vì trường hợp đặc thù của lịch sử chính trị, trong khi sự áp bức của dư luận còn nặng nề, thì áp lực của luật pháp có vẻ nhẹ nhàng hơn tại các nước khác ở Châu Âu; người dân rất đố kỵ với sự can thiệp của hành pháp và lập pháp vào đời sống riêng tư của họ; họ làm như vậy không phải để bảo vệ tự do cá nhân mà vì thói quen: một thói quen luôn luôn xem quyền lợi của chính phủ đối kháng với quyền lợi của công chúng. Đa số dân chúng chưa hiểu được rằng, quyền lợi của chính phủ là quyền lợi của dân, và những quan điểm của chính phủ là quan điểm của chính họ. Khi mà họ hiểu được việc đó, tự do cá nhân sẽ bị chính phủ lấn áp cũng như đã bị dư luận lấn áp rồi. Nhưng vào lúc này, hiện có một số lớn nhận thức sẵn sàng chống đối lại bất cứ cố gắng nào của luật pháp muốn kiểm soát các sinh hoạt mà cho đến giờ vẫn nằm ngoài tầm tay của chính phủ. Và chính phủ làm việc nêu trên mà không hề xét xem hoạt động nào thuộc quyền kiểm soát của mình và có hợp pháp hay không? Đến mức mà các nhận thức nêu trên, tuy rằng nói chung thì rất bổ ích, nhưng có thể đúng hay sai khi áp dụng trong những trường hợp đặc thù.
Trên thực tế, không có một nguyên tắc đáng tin cậy nào để xét xem sự can thiệp của chính phủ là đúng hay sai. Người ta quyết định tùy theo sở thích cá nhân. Một số người, ở bất cứ chỗ nào mà họ thấy có điều tốt nên làm và có điều xấu phải sửa sai, muốn thúc đẩy chính phủ can thiệp vào; trong khi đó, một số khác chẳng thà chịu đựng mọi sự xấu xa của xã hội hơn là chấp nhận cho chính phủ có nhiều cơ hội để can thiệp vào những vấn đề liên hệ đến quyền lợi của con người. Mỗi khi xảy ra một vấn đề đặc biệt, người ta lựa chọn đứng về phía bên này hay phía bên kia tùy theo (đường hướng chung) tình cảm của mình hoặc tùy theo mức độ quan tâm về vấn đề muốn giao thêm cho chính phủ; hay hơn nữa, tùy theo sự ước lượng của họ xem chính phủ sẽ thi hành việc ấy có đúng như họ mong muốn hay không hoặc sẽ không bao giờ thi hành. Thật hiếm khi thấy họ có được một quan điểm chung về những gì có thể được giao phó cho chính phủ làm. Và theo thiển ý , vì lẽ không có một luật lệ hay một nguyên tắc, cho nên hiện nay, phía này cũng thường vi phạm sai lầm như phía kia; số lần sai lầm trong việc kêu gọi sự can thiệp của chính phủ hay sự kết án chính phủ cũng gần như nhau.
Mục tiêu của Luận án này là đặt ra một nguyên tắc rất giản dị nhằm ấn định rõ ràng những sự liên hệ giữa xã hội và cá nhân trong tất cả những gì liên can đến sự sử dụng áp lực hay kiểm soát; các phương tiện sử dụng có thể là vũ lực thông qua luật pháp hay là áp lực của dư luận quần chúng. Nguyên tắc này ấn định rằng, con người, dù cá nhân hay tập thể, chỉ có thể can thiệp vào sự tự do hành động của người khác trong trường hợp cần thiết để tự vệ. Lý do duy nhất mà cộng đồng có thể viện ra để dùng vũ lực đối phó với một thành viên của mình là để ngăn trở kẻ đó làm tổn thương người khác. Việc sử dụng áp lực để ngăn cản một người không làm hại đến chính mình, vật chất cũng như tinh thần, không phải là một bảo đảm đầy đủ. Ta không có lý do hợp pháp để ngăn cấm một người làm việc này hay không làm việc nọ vì như vậy sẽ làm cho họ tốt hơn hay hạnh phúc hơn; hay là làm cho người khác thấy họ khôn ngoan hơn, đúng đắn hơn. Đó là những lý do hợp lý để khiển trách anh ta, lý luận với anh ta, thuyết phục hay năn nỉ anh ta; nhưng ta không có quyền ép buộc hay làm hại anh ta nếu anh ta hành động khác hơn. Sự ép buộc chỉ chánh đáng khi hành động của người đó gây thiệt hại cho người khác. Hành động duy nhất của một người mà xã hội nhận thấy có trách nhiệm là hành động đối với người khác. Nhưng đối với những gì liên hệ đến chính người đó, thì trên nguyên tắc, người đó có sự tự do tuyệt đối. Con người có quyền tối thượng đối với chính mình, thân thể cũng như trí tuệ. Ta không cần thiết phải lưu ý rằng, luận cứ trên đây chỉ áp dụng cho những người có tính năng trưởng thành. Ở đây, chúng ta không đề cập đến trẻ em, các thanh thiếu niên dưới tuổi trưởng thành quy định bởi pháp luật, như luật quy định tuổi trưởng thành dành cho nam giới hoặc nữ giới; những kẻ nào còn lệ thuộc vào sự che chở bởi những người khác đối với những hành động của chính mình hay đối với những nguy hiểm từ bên ngoài. Cũng chính vì lẽ đó, ta gạt ra những thời kỳ lạc hậu của xã hội, khi mà con người dường như còn trong tuổi ấu thơ. Người ta hiếm khi có thể lựa chọn những phương tiện giúp vượt qua các khó khăn quá lớn lao ở thuở ban đầu; vậy nên một vị quân vương có đầu óc tiến bộ có thể cho phép mình sử dụng bất cứ mọi phương tiện nào để đạt được mục đích. Chế độ chuyên quyền là một phương thức cai trị chính đáng để đối đầu với các bộ lạc man rợ với điều kiện nhắm vào mục đích cải thiện đời sống của họ, và các phương tiện ấy thực sự biện minh cho cứu cánh. Tự do, như là một nguyên tắc, chưa hề được áp dụng cho một tình huống trước thời kỳ nhân loại có thể cải thiện đời sống qua một cuộc thảo luận tự do và bình đẳng. Trước giai đoạn đó, con người chỉ có cách là tuyệt đối tuân theo mệnh lệnh của một Akbar[5] hay một Charlemagne[6] nếu họ may mắn kiếm được một nhân vật như vậy. Nhưng khi nhân loại có khả năng tự hướng dẫn mình trên con đường tiến bộ nhờ niềm tin vững chắc hay vì bị thuyết phục (đây là trường hợp xảy ra từ lâu đối với những quốc gia ta đang đề cập đến), thì sự cưỡng bách (dù là trực tiếp hay gián tiếp qua những hình phạt của luật pháp) không còn được chấp nhận như là một phương cách để hướng dẫn con người trên đường tìm phúc lợi cho mình; sự cưỡng bách chỉ chính đáng khi được áp dụng để giữ gìn an ninh cho những kẻ khác.
Tôi lưu ý độc giả rằng, tôi từ bỏ mọi lợi thế mà tôi có trong cuộc tranh luận này về quan niệm một quyền trừu tượng, độc lập với sự lợi ích. Tôi xem lợi ích như là một tiêu chuẩn quan trọng trong mọi vấn đề đạo đức; nhưng ở đây, sự lợi ích phải được hiểu theo nghĩa rộng rãi nhất: sự lợi ích phải được căn cứ trên quyền lợi thường trực của con người, vốn được xem như là một sinh vật có khả năng tiến bộ. Tôi tin rằng những quyền lợi ấy chỉ cho phép đặt sự tự phát của mỗi con người dưới một sự kiểm soát từ bên ngoài khi mà những hành động của người đó đụng chạm đến quyền lợi của kẻ khác. Nếu một con người có hành động gây hại cho những người khác thì đó là một lý do hiển nhiên, chính đáng để trừng phạt họ, hoặc qua luật pháp, hoặc qua sự phản đối của quần chúng khi mà những hình phạt của luật pháp không thể áp dụng một cách an toàn. Cũng có nhiều việc tích cực mà một con người có thể bị bắt buộc phải làm như là ra toà làm chứng, tham dự vào công cuộc phòng thủ công cộng hay vào mọi công tác có lợi ích chung cho xã hội hiện đang che chở người đó; ngoài ra, con người còn có thể tự mình làm nhiều việc tốt như cứu sống một mạng người, che chở kẻ yếu đuối; đó là những việc mà hiển nhiên mọi người có bổn phận phải làm, và xã hội có thể kết án họ nếu họ làm ngơ. Một người không những có thể làm hại kẻ khác bằng hành động của mình mà cũng có thể làm hại khi không làm gì hết; và trong cả hai trường hợp đó, người ấy có trách nhiệm về những thiệt hại mà mình gây nên. Thật ra, trong trường hợp thứ hai, ta phải cẩn trọng hơn trong sự cưỡng bách. Ta có lý khi kết án một người nào đó đã gây hại cho người khác; nhưng kết án người đó vì thiếu hành động thì, tương đối mà nói, đây là một ngoại lệ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp hiển nhiên và trầm trọng để biện hộ cho ngoại lệ ấy. Trong mối liên hệ giữa một người với những người khác, trên mặt pháp lý, người đó có trách nhiệm đối với những người cùng có chung quyền lợi với nhau; và nếu cần, còn có trách nhiệm đối với xã hội đang che chở họ. Thông thường, ta có nhiều lý do chính đáng để không trút trách nhiệm cho người ấy, nhưng ta phải xác định những lý do đó tùy theo trường hợp: có trường hợp người ta có thể làm tốt hơn khi được nhiều tự do hành động hơn là khi bị xã hội kiểm soát; hoặc là mọi sự toan tính kiểm soát sẽ có thể gây nhiều tai hại hơn dự tính. Khi những lý do như vậy ngăn ngừa không cho chúng ta quy định trách nhiệm, lương tâm của chính người đó sẽ phải thay mặt quan toà khiếm diện để che chở cho các quyền lợi của những kẻ khác vì họ không được hưởng một sự che chở nào từ bên ngoài; người đó sẽ phải tự xét mình nghiêm khắc hơn, vì trong trường hợp này, anh ta không bị những người khác xét xử.
Nhưng có một lãnh vực hành động mà ở đó xã hội, vì khác biệt với cá nhân, chỉ có một sự liên hệ gián tiếp: đó là khi sự cư xử của con người chỉ ảnh hưởng đến chính mình; hay là nếu dính dáng đến những người khác thì vì họ đồng ý và tham gia với tất cả sự tự do và tự nguyện của mình. Khi tôi nói “chính mình,” tôi muốn nói đến những gì liên hệ trực tiếp và ngay tức khắc đến người đó; vì tất cả những gì ảnh hưởng đến một con người có thể ảnh hưởng đến những người khác qua trung gian của người đó; và nếu có một sự phản đối nào về vấn đề này, tôi sẽ đề cập đến nó sau này. Đó là lãnh vực riêng biệt về tự do của con người. Trước hết, nó gồm có lãnh vực nội tâm của ý thức, đòi hỏi một sự tự do ý thức trong nghĩa rộng rãi nhất: tự do tư tưởng và nhận thức, tự do tuyệt đối về phát biểu và tình cảm trên tất cả mọi vấn đề trong thực tế hay trong ước đoán, trong các lãnh vực khoa học, đạo đức và thần học. Tự do phát biểu và đưa ra những quan điểm nằm trong một nguyên lý khác, bởi vì nó thuộc về phần cư xử của một con người có liên hệ đến những người khác; nhưng vì nó cũng quan trọng như tự do tư tưởng và nó cũng được dựa trên cùng những lý do, nên hai loại tự do này không thể tách rời ra được. Ngoài ra, nguyên lý này đòi hỏi tự do về sở thích và công việc làm, tự do hoạch định đời sống theo cá tính, tự do hành động theo sở thích của ta và nhận lãnh mọi hậu quả do hành động của ta gây ra, và ta có tự do làm tất cả những việc ấy mà không ai có quyền ngăn cấm chừng nào mà ta không làm hại đến ai, và ngay cả khi người khác thấy hành động của ta vô lý, hư hỏng hay sai lầm. Sau hết, cùng trong các giới hạn ấy chính từ sự tự do của mỗi cá nhân mà nảy sinh ra tự do hội họp: tự do kết hợp vì bất cứ mục đích nào với điều kiện là không làm hại đến ai và các đoàn viên phải ở trong tuổi trưởng thành, và không có sự ép buộc hay lừa dối trong việc kết nạp.
Nếu toàn thể các loại tự do nêu trên không được tôn trọng thì đó không phải là một xã hội tự do dù với hình thức chính phủ nào chăng nữa; và không có xã hội nào hoàn toàn tự do nếu các loại tự do nêu trên bị hạn chế và không được tuyệt đối tôn trọng. Sự tự do duy nhất xứng đáng với tên của nó là tự do làm cho đời sống của ta được tốt đẹp với những phương cách riêng của ta, và chừng nào mà ta không cản trở các cố gắng của những người khác khi họ muốn đạt đến mục tiêu ấy. Mỗi con người là chính người bảo vệ tự nhiên cho sức khỏe của mình, về thể chất, tâm thần lẫn trí tuệ. Nhân loại sẽ có lợi hơn khi để cho mỗi con người sống như họ mong muốn hơn là bắt buộc họ phải sống theo cách những người khác mong muốn. Mặc dù học thuyết này không có gì mới mẻ, và đối với một số người nó có vẻ như là một sự việc hiển nhiên, nhưng không có một học thuyết nào đối kháng trực tiếp với dư luận và đường lối thực hành đang hiện hữu. Xã hội, theo quan niệm của nó, cố gắng hết sức để ép buộc các thành viên phải tuân theo những khái niệm về sự hoàn thiện cá nhân cũng như hoàn thiện của xã hội. Các nền cộng hoà thời cổ xưa – và các nhà hiền triết thời đó khuyến khích làm như vậy – tự cho mình cái quyền đặt tất cả mọi khía cạnh của đời sống tư nhân dưới quyền hành của công quyền, nêu lý do là Quốc gia rất quan tâm đến kỷ luật thể xác và đạo đức của công dân. Cách suy nghĩ này có thể chấp nhận được trong trường hợp các nước cộng hoà nhỏ bị bao vây bởi những kẻ thù nghịch hùng mạnh và luôn luôn bị đe doạ bởi các cuộc xâm lăng hay nội loạn; một sự bất cẩn hay mất tự chủ nhỏ nhoi cũng có thể đem đến những hậu quả tai hại, cho nên họ không thể tự cho phép chờ đợi những kết quả tốt đẹp và lâu dài của tự do. Trong thế giới tân tiến hiện nay, sự lớn rộng của cộng đồng chính trị và nhất là sự phân quyền giữa giáo hội và thế tục (sự phân quyền này đã giúp tránh đặt sự hướng dẫn tín ngưỡng vào trong tay những người có uy quyền thế tục) đã ngăn chận sự can thiệp của luật pháp vào trong mọi khía cạnh của đời sống riêng tư; nhưng những phương tiện trấn áp về đạo đức được sử dụng một cách tích cực hơn để chống lại mọi sự lạc hướng so với nền đạo đức đang thịnh hành trong đời sống riêng tư, bởi vì tôn giáo – yếu tố mạnh nhất trong sự hình thành tình cảm đạo đức – gần như luôn luôn bị khống chế bởi tham vọng của một hệ thống muốn kiểm soát tất cả mọi khía cạnh cư xử của con người hay bởi giáo điều của Thanh Giáo (Puritanism).[7] Và một số trong các nhà cải cách thời nay tuy cực lực chống đối với các tôn giáo thời cổ xưa nhưng lại không phản đối các giáo hội hay giáo phái muốn thống trị đời sống tinh thần của con người: đặc biệt là ông Auguste Comte[8] đã đưa ra một hệ thống xã hội trong cuốn sách “Luận về Chính Trị Thực Chứng;” bằng những phương cách đạo đức hơn là bằng luật lệ, ông ta nhằm tạo ra một xã hội, trong đó sự áp chế cá nhân vượt hẳn sự áp chế trong lý tưởng của những triết gia khắt khe nhất thời cổ xưa.
Ngoài các loại chủ nghĩa đặc thù như vậy của các nhà tư tưởng, trên thế giới cũng có một khuynh hướng lớn mạnh muốn khuyếch trương quá mức quyền của xã hội đối với cá nhân con người bằng sức mạnh của công luận hay bằng luật pháp. Và cũng như mọi thay đổi có khuynh hướng gia tăng áp lực trên cá nhân, sự xâm lấn này không phải là một mối hại có thể biến đi một cách dễ dàng, mà hơn thế, lại có xu hướng lan rộng ra. Khuynh hướng của con người, dù là người cai trị hay công dân, muốn áp đặt người khác phải cư xử theo quan điểm và sở thích của mình, là một khuynh hướng được ủng hộ bởi những tình cảm thiên vị cố hữu của con người; khuynh hướng này chỉ có thể bị kiềm chế khi quyền của xã hội trên cá nhân yếu kém đi; nhưng vì quyền ấy không giảm sút mà trái lại còn gia tăng thêm, nên trong tình trạng thế giới hiện nay, ta phải chấp nhận sự tăng trưởng đó, trừ khi một bức tường vững chải của niềm tin đạo đức được dựng lên để chống đối với mối hại của áp lực xã hội trên cá nhân.
Để giúp cho cuộc tranh luận, thay vì đề cập ngay đến luận đề một cách tổng quát, trước hết, ta hãy hạn chế vào một trong những chủ đề; nguyên tắc của chủ đề này đã được các quan điểm hiện nay chấp nhận, dù không toàn diện thì cũng một phần nào. Chủ đề đề cập đến Tự Do Tư Tưởng, một tự do mà ta không thể tách rời khỏi tự do ngôn luận và tự do sáng tác. Các loại tự do này, trong một phạm vi rộng lớn, là những thành phần cấu tạo nên nền đạo đức chính trị tại tất cả các quốc gia chấp nhận tự do tín ngưỡng và các thể chế tự do; nhưng các căn bản trên mặt triết lý và trong thực tế, trái với điều mà ta tin tưởng, không được dân chúng thấu hiểu cặn kẽ và không được những người lãnh đạo dư luận đánh giá đúng mức. Khi được thấu hiểu một cách toàn diện, các căn bản ấy sẽ được áp dụng rộng rãi hơn là khi chúng bị tách rời ra từng phần; và một sự cứu xét sâu rộng về khía cạnh này sẽ là một bước mở đầu tốt nhất để hiểu phần còn lại của luận đề. Vì vậy, tôi mong tất cả những ai không tìm thấy gì mới mẻ trong những lời tôi sắp nói, sẽ tha thứ cho tôi nếu tôi đưa ra thảo luận một đề tài đã được tranh luận từ ba thế kỷ nay.
[1] Thuyết Định mệnh Tất yếu do Joseph Priestley đề xướng, lập luận rằng những hành vi của con người không hoàn toàn tự do theo ý chí tự do (free will) mà được định trước bởi đấng Tạo hóa. (Chú thích của người dịch-ND).
[2] Dân Helot là một sắc dân bị dân Sparta chinh phục, có nhiệm vụ canh tác để phục vụ cho dân Sparta, nhưng cũng được quyền giữ một phần. tài sản; tình trạng của họ là ở giữa hai giai cấp tự do và nô lệ. (ND).
[3]Unitarian: Tín đồ của một giáo phái Tin Lành tin tưởng vào Chúa Một Ngôi thay vì tin vào Chúa Ba Ngôi. Chủ thuyết này phát sinh tại Ba Lan vào cuối thế kỷ XVI và phát triển tại Anh quốc và Mỹ vào các thế kỷ XVII, XVIII. (ND).
[4] Revealed religion: Tôn giáo dựa trên Sách Khải Huyền (cuốn thứ 27 và cuốn cuối cùng của Sách Tân Ước) nói về Đức Chúa Trời chiến thắng quỷ Satan vào ngày tận thế. (ND).
[5] Akbar: Hoàng Đế Ấn Độ (1156 – 1605) nổi tiếng nhất trong triều đại Mogul. Ông đã thống nhất xứ sở, cải tổ hành chánh và đề cao sự khoan dung trong tôn giáo. (ND).
[6] Charlemagne (742 – 814): Hoàng Đế Pháp trị vì một đế quốc trải rộng từ Bắc Hải xuống tận Địa Trung Hải. Ông nổi tiếng về những cải tổ hành chánh, luật pháp, thương mại và tôn giáo. (ND).
[7] Puritanism: Một giáo phái chống đối với những cải tổ của Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhất vào những năm 1560 về các mặt nghi thức tế lễ, y phục và tổ chức Giáo Hội Anh Quốc. Giáo dân giáo phái này muốn tự điều hành đời sống của mình và các sinh hoạt của cộng đồng. Họ có một quan niệm đạo đức rất khắt khe, xem một số thú vui như là tội lỗi. (ND).
[8] Auguste Comte (1798 – 1851): Nhà toán học và nhà triết học Pháp, cha đẻ của thuyết Thực Chứng (Positivism). Thuyết này cho rằng sự thật là một hiện tượng có thể quan sát và chứng minh được bởi khoa học. (ND).