fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Chương 5

CHƯƠNG V

Những Ứng Dụng

 

Các nguyên tắc được khẳng định trên những trang này, cần phải được thừa nhận một cách tổng quát như những điều căn bản cho một cuộc thảo luận chi tiết trước khi một sự áp dụng có hệ thống được thử nghiệm, với hy vọng đạt được thành công trong nhiều lãnh vực chính trị và đạo đức khác nhau. Một số nhận xét mà tôi đưa ra cho cuộc thảo luận chi tiết, nhằm làm sáng tỏ các nguyên tắc hơn là để rút ra những hệ quả. Những điều tôi trình bày không phải chỉ là những sự ứng dụng mà là những mẫu để áp dụng hầu có thể làm rõ ràng hơn ý nghĩa và các giới hạn của hai phương châm cốt yếu từ toàn thể chủ thuyết của Tiểu luận này, và để giữ sự quân bình khi xét đoán hai phương châm ấy, trong trường hợp người ta do dự nên áp dụng cái này hay cái kia.

Hai phương châm ấy là, trước hết, cá nhân không có trách nhiệm đối với xã hội về những hành động của mình chừng nào mà chúng không xâm phạm đến quyền lợi của người khác. Vì lợi ích của chính họ, những người khác có thể sử dụng lời khuyên, lời giáo huấn, sự thuyết phục và sự xa lánh: đó là những cách duy nhất để xã hội bày tỏ một cách hợp pháp sự ghét bỏ hay bất đồng ý đối với lề lối cư xử của một cá nhân. Thứ hai, đối với những hành động có thể gây hại cho quyền lợi của người khác, cá nhân phải chịu trách nhiệm và có thể lãnh hình phạt về mặt xã hội hay luật pháp, nếu xã hội nhận thấy loại hình phạt nào cần thiết để bảo vệ mình.

Thoạt tiên, ta không nên cho rằng, sự can thiệp của xã hội luôn luôn được xem là chính đáng, vì sự việc gây tổn hại hay có thể gây tổn hại cho quyền lợi của người khác là lý do duy nhất biện minh cho sự can thiệp đó. Trong nhiều trường hợp, một cá nhân đang theo đuổi một mục tiêu hợp pháp không thể tránh gây đau khổ và mất mát cho người khác, hay chặn lấy một món đồ mà những người khác cũng hy vọng có được. Những sự đối kháng về quyền lợi như vậy giữa những cá nhân thường xảy ra ở những thể chế xã hội xấu, chúng không thể tránh được bao lâu mà các thể chế như vậy còn tồn tại; và một sự đối kháng như thế cũng không thể tránh được dưới bất cứ chế độ nào. Bất cứ ai thành công trong một nghề nghiệp có nhiều kẻ tranh đua, trong một cuộc thi tuyển; bất cứ ai được tuyển chọn trong cuộc thi đua để chiếm một vật mà cả hai đều muốn có, người thắng cuộc được hưởng lợi từ sự mất mát của người khác, một sự phí phạm về nỗ lực, một sự thất vọng của người khác. Nhưng, ta thường chấp nhận vì lợi ích chung của nhân loại, tốt hơn là có người đeo đuổi những mục tiêu của mình mà không kể đến những hậu quả như vậy. Nói cách khác, xã hội không chấp nhận cho người thua cuộc bất cứ quyền nào cả về mặt pháp lý lẫn về mặt đạo đức để tránh cho mình khỏi bị đau khổ trong các cuộc tranh chấp như nói trên; và xã hội chỉ can thiệp khi những phương cách đuợc xử dụng để thành công là những phương cách mà quyền lợi chung không thể chấp nhận: đó là sự gian trá, sự lừa lọc và bạo lực.

Một lần nữa, mua bán là một hành vi xã hội. Bất cứ người nào mua bán vật gì cho công chúng là có tác động đến quyền lợi của những người khác và của xã hội nói chung: và như vậy, lề lối cư xử của người đó, trên nguyên tắc, nằm trong quyền tài phán của xã hội; vì vậy, trước kia người ta cho rằng, trong những trường hợp quan trọng, chính phủ có bổn phận ấn định giá cả và quy định các phương pháp chế tạo. Nhưng hiện nay, sau một cuộc tranh đấu lâu dài, người ta nhìn nhận rằng, cách duy nhất để bảo đảm vừa có giá rẻ vừa có đồ đạc với phẩm chất tốt là để cho người sản xuất và người bán được hoàn toàn tự do, không có sự kiểm soát ngoài việc bảo đảm cho người mua được quyền tự do chọn lựa người cung cấp bất cứ ở chỗ nào. Đây là thuyết được gọi là Tự do Mậu dịch, được đặt trên những cơ bản khác, nhưng cũng vững chắc như những nguyên tắc của tự do cá nhân được khẳng định trong Tiểu luận này. Những sự hạn chế trong việc mua bán hay việc sản xuất hàng hóa hiển nhiên là những sự áp chế; và mọi sự áp chế, nếu chỉ vì để áp chế, là những điều tai hại; những sự cản trở mà ta đề cập đến chỉ ảnh hưởng tới khía cạnh về lề lối cư xử của con người mà xã hội có thẩm quyền hạn chế; và nếu những sự áp chế ấy bị chỉ trích, đó chính là vì chúng không đạt được những kết quả mong muốn. Vì nguyên tắc về tự do cá nhân không được bao hàm trong thuyết Tự do Mậu dịch, nó cũng không nằm trong những thắc mắc mà người ta đặt ra về những giới hạn của thuyết này; ví dụ như mức kiểm soát của dân chúng để ngăn ngừa sự gian trá làm hàng hoá giả mạo, những sự phòng ngừa về mặt vệ sinh hay những biện pháp nhằm che chở công nhân khi làm những công việc nguy hiểm: tất cả các việc này phải được áp đặt trên người chủ. Ta chỉ cứu xét vấn đề tự do trong các thắc mắc trên chừng nào ta thấy rằng, để cho người ta hoàn toàn tự lo lấy, các việc khác cũng tương tự như nhau, thì tốt hơn là kiểm soát họ; nhưng trên nguyên tắc, ta không thể chối cãi rằng, sự kiểm soát là một việc hợp lý để đạt được những cứu cánh nói trên. Mặt khác, có những vấn đề liên hệ đến sự can thiệp trong việc mua bán, những vấn đề có liên hệ thiết yếu đến tự do; ví dụ như Luật Maine đã nêu ở trên, việc cấm nhập cảng á phiện vào Trung Quốc, sự hạn chế bán độc dược; tóm lại, tất cả những trường hợp, trong đó, sự can thiệp có mục đích làm cho người ta khó hay không thể mua được một số hàng hoá. Ta có thể tranh luận về những sự can thiệp như vậy, không phải vì chúng xâm phạm đến tự do của người sản xuất hay của người bán, mà đến tự do của người mua.

Một trong những ví dụ ấy liên hệ đến việc bán độc dược nêu lên một câu hỏi mới: đó là những giới hạn chính đáng của cái được gọi là nhiệm vụ của cảnh sát; người ta có thể xâm phạm tự do đến mức độ nào để đề phòng tội ác hay tai nạn? Một nhiệm vụ không thể chối cãi được của chính quyền là đề ra những biện pháp hầu ngăn trở tội ác trước khi chúng xảy ra, cũng như để khám phá những tội ác và đưa ra những trừng phạt sau đó. Tuy nhiên, người ta dễ dàng lạm dụng công việc phòng ngừa tội ác hơn là công việc trừng phạt để xâm phạm tự do, bởi vì ta phải thành thật nói rằng, trong lãnh vực tự do hành động hợp pháp của con người, không có khía cạnh nào tạo ưu thế giúp cho sự phạm pháp này hay sự phạm pháp kia. Tuy nhiên, nếu có một giới chức, hay cả một người thường, thấy có kẻ nào sắp phạm tội thì không có gì bắt buộc họ đứng nhìn mà không làm gì cả hay là chờ đợi sự phạm pháp xảy ra; nhưng họ có thể ngăn cản để tội ác đó không xảy ra. Nếu người ta chỉ mua hay chỉ sử dụng độc dược để đầu độc người khác, thì việc cấm sản xuất và mua bán nó là một việc hợp lý. Nhưng người ta cũng có thể cần đến độc dược trong những mục đích khác, không những vô hại mà còn có ích, và những hạn chế không thể được áp dụng trong trường hợp này mà lại không có tác dụng trong trường hợp kia. Hơn nữa, nhiệm vụ chính của nhà cầm quyền là ngăn ngừa những tai nạn. Nếu một nhân viên công quyền hay bất cứ ai thấy một người sắp sửa đi qua một cây cầu được biết là nguy hiểm và không có thì giờ để cảnh cáo người đó, họ có quyền nắm người đó lại và bắt phải thối lui, và việc làm này không phải là một việc xúc phạm đến tự do của người đó; bởi vì tự do có nghĩa là làm cái gì mà mình muốn, và người đó không muốn rơi xuống sông. Tuy nhiên, khi tai nạn không chắc chắn xảy ra mà chỉ có thể xảy ra, thì không ai ngoài chính người trong cuộc có thể phán đoán mức độ thúc đẩy mình làm việc liều lĩnh đó. Trong trường hợp này (trừ ra kẻ liên hệ là một đứa trẻ, hay một người đang bị mê sảng, hay đang trong tình trạng kích thích hoặc chìm đắm trong suy nghĩ làm cho đầu óc không sinh hoạt bình thường), theo tôi nghĩ, ta chỉ có thể cảnh cáo cho người này biết về sự nguy hiểm, nhưng không thể dùng sức mạnh để ngăn trở họ. Những nhận xét như vậy áp dụng vào những vấn đề như việc bán độc dược có thể giúp ta quyết định xem giải pháp nào trong những giải pháp được đưa ra là đúng hay trái với nguyên tắc. Ví dụ như ta bắt buộc phải có những biện pháp phòng ngừa mà không xâm phạm đến tự do, tựa như dán nhãn trên chai (hộp) độc dược để cho biết tính chất độc hại của độc dược; người mua không thể nào không biết đến tính chất độc hại của món hàng mà họ mua. Nhưng nếu trong mọi trường hợp ta bắt buộc phải có toa bác sĩ, thì sự kiện này sẽ làm cho người ta hoặc không thể mua được, hoặc mua với giá mắc hơn sản phẩm mà họ cần dùng cho những mục đích chính đáng. Theo tôi, có một giải pháp duy nhất đáng được xét đến; đó là tạo nên những khó khăn nhằm cản trở tội ác mà không xâm phạm đến tự do. Người ta có tự do mua độc dược để xử dụng trong những mục đích khác, nhưng người mua phải đưa ra, theo ngôn ngữ chính xác của Bentham, cái được gọi là “bằng chứng được quy định trước.” Sự kiện này rất phổ biến trong việc làm giao kèo. Khi ký giao kèo, việc thông thường và hợp lệ xảy ra là luật pháp đòi hỏi, hầu giao kèo có giá trị trước luật pháp, phải có thêm những thủ tục như chữ ký, sự chứng nhận của người làm chứng, v.v… để sau này, nếu xảy ra tranh chấp, thì người ta có bằng cớ rằng giao kèo đã thực sự được ký kết, và trong các thủ tục, không có gì làm cho giao kèo trở thành vô hiệu; tác dụng của tất cả những thủ tục này là tạo nên những chướng ngại cho những giao kèo giả tạo hay những giao kèo được ký trong những trường hợp mà nếu người ta biết được, sẽ làm cho nó mất hiệu lực. Ta có thể áp dụng những thủ tục này trong việc mua những món hàng có thể được xử dụng để phạm tội ác. Ví dụ, ta có thể đòi hỏi người bán phải ghi vào sổ sách giờ giấc đúng khi bán hàng, tên họ và địa chỉ người mua, phẩm chất và số lượng chính xác của sản phẩm; người bán cũng phải hỏi xem món hàng được sử dụng trong mục đích gì và phải ghi rõ câu trả lời vào sổ. Trong trường hợp không có toa bác sĩ, nên có sự hiện diện của một người thứ ba, hầu có người làm chứng đề phòng việc sau này người mua sử dụng món hàng ấy để phạm tội ác. Nói một cách tổng quát, tất cả những thủ tục nói trên không tạo nên những chướng ngại vật chất trong việc mua hàng, nhưng lại là một chướng ngại rất lớn trong việc sử dụng nó một cách bất hợp pháp mà không sợ bị khám phá.

Quyền cố hữu của xã hội là có những biện pháp phòng ngừa chống lại những tội ác nhằm vào mình; quyền này gợi nên những giới hạn hiển nhiên về ý niệm cho rằng, ta không nên có những biện pháp phòng ngừa hay trừng phạt đối với một hành động xấu chỉ liên hệ đến cá nhân người gây ra. Ví dụ như việc say rượu, trong trường hợp thông thường, không phải là một vấn đề để luật pháp can thiệp; nhưng tôi nhận thấy rằng, có một biện pháp hạn chế đặc biệt có tính cách cá nhân đối với một người đã có hành vi bạo lực nhằm vào người khác là một việc hoàn toàn hợp pháp; sau đó, nếu người ấy say sưa nữa thì nên bị phạt; và nếu vi phạm tội gì trong tình trạng say sưa thì bị phạt nặng hơn. Nếu sự say sưa dẫn đến việc gây hại cho người khác thì nó là một tội ác. Cũng như vậy, ta không thể có những trừng phạt dựa theo pháp lý đối với sự ăn không ngồi rồi – trừ trường hợp đương sự nhận trợ cấp xã hội hay là sự ăn không ngồi rồi đó gây nên sự hủy bỏ giao kèo; nhưng nếu sự ăn không ngồi rồi ấy, hay vì một lý do nào khác có thể né tránh được mà một người không làm tròn bổn phận hợp pháp của mình đối với những người khác – ví dụ như không nuôi nấng con cái – thì xã hội không bị coi là độc đoán khi bắt buộc họ phải làm tròn bổn phận bằng cách phải thi hành công tác lao động, nếu không còn cách giải quyết nào khác nữa.

Ngoài ra, còn có nhiều hành động trực tiếp gây nguy hại cho chính những người làm những hành động ấy mà pháp luật không nên cấm đoán; nhưng khi chúng xảy ra nơi công cộng, chúng trở nên những vi phạm đối với thuần phong mỹ tục, và như vậy, chúng nằm trong loại những vi phạm đối với người khác và có thể bị cấm đoán một cách hợp lý. Đó là trường hợp những vi phạm thuần phong mỹ tục mà chúng ta không cần nhấn mạnh nơi đây vì chúng chỉ có một liên hệ gián tiếp với đề tài của chúng ta, bởi vì người ta có thể phản kháng việc quảng bá cho một hành động ngay cả khi hành động ấy không đáng bị ai chê trách cả.

Có một vấn đề khác mà ta phải kiếm câu trả lời cho phù hợp với những nguyên tắc ta đã đặt ra nơi đây. Đó là trường hợp của những lề lối cư xử cá nhân có thể bị chê trách, nhưng sự tôn trọng tự do ngăn cản không cho xã hội có biện pháp phòng ngừa hay trừng phạt, bởi vì, nếu làm vậy, người thi hành sẽ hoàn toàn hứng chịu tai họa; việc mà người nói trên được tự do làm, ta có nên tự do khuyến khích hay thúc đẩy người khác làm không? Vấn đề này không phải là một vấn đề dễ dàng. Ta hãy xét đến trường hợp một người xúi giục người khác làm một hành động không thuần túy chỉ là một hành động cá nhân. Khuyến cáo hay xúi giục người khác hành động là một hành vi xã hội; và như vậy, cùng chung với những hành động có ảnh hưởng đến nhiều người khác, hành động nói trên có thể bị đặt dưới sự kiểm soát của xã hội. Nhưng nếu suy nghĩ một chút, ta có thể sửa đổi cái nhìn đầu tiên bằng cách cho thấy rằng, nếu trường hợp ấy không hẳn nằm trong định nghĩa của tự do cá nhân, thì những lý lẽ trên đó ta căn cứ các nguyên tắc của tự do cá nhân có thể được áp dụng vào đây. Nếu người ta được phép chỉ làm những gì liên hệ đến chính cá nhân mình, được hành động theo ý riêng của mình bất chấp mọi nguy hiểm, thì những người khác cũng phải được tự do hỏi ý kiến nhau về những gì nên làm, trao đổi quan điểm cũng như đưa ra hay chấp nhận những lời đề nghị. Người ta phải được phép nhận lời khuyên bảo về bất cứ việc gì người ta được phép làm. Vấn đề trở nên không rõ ràng khi kẻ đưa ra lời khuyên bảo thủ lợi cho mình; khi kẻ đưa khuyến cáo xem việc ấy như là một nghề nghiệp để sinh sống hay làm giàu, để xúc tiến một việc mà xã hội và chính quyền cho là một tệ đoan. Rồi thì một yếu tố phức tạp xuất hiện: đó là sự hiện diện của một lớp người mà lợi ích của họ đi ngược với phúc lợi của quần chúng, và lối sống của họ được căn cứ trên những gì chống lại phúc lợi ấy. Đây có phải là một trường hợp để ta can thiệp hay không? Thí dụ sự thông dâm và cờ bạc phải được dung thứ: nhưng một người có nên được tự do trở thành một tên ma cô hay một chủ chứa sòng bài không? Trường hợp này là một trong những trường hợp nằm trên lằn ranh của hai nguyên tắc và ta không thấy ngay được nó thuộc về nguyên tắc nào. Có những lý luận binh vực cho bên này hay bên kia. Về phía khoan dung, ta có thể nói rằng, việc chọn một nghề để sinh sống hay làm giàu không phải là một tội ác; rằng, việc nghề này phải luôn luôn được cho phép hoặc luôn luôn bị cấm đoán; rằng, nếu các nguyên tắc mà ta bênh vực cho đến giờ này vẫn đúng, thì xã hội, với tư cách là xã hội, không có quyền phán xét cái gì chỉ liên hệ đến cá nhân là xấu; rằng, xã hội không có quyền vượt quá ranh giới của sự thuyết phục; rằng, một con người có quyền tự do thuyết phục cũng như một người khác có quyền tự do khuyên ngăn. Phe đối kháng với nguyên tắc trên thì bênh vực ý kiến cho rằng, tuy công chúng và chính quyền không thể xác định một cách quyết đoán, trong mục đích đàn áp hay trừng phạt, rằng lề lối cư xử có tính cách cá nhân này xấu hay lề lối cư xử có tính cách cá nhân kia tốt; họ hoàn toàn hợp pháp khi cho rằng – nếu xét thấy lối cư xử ấy xấu – việc xét các lề lối cư xử tốt hay xấu là một vấn đề có thể tranh luận; rằng, nếu điểm này được chấp nhận, công chúng và chính quyền không phạm sai lầm khi cố gắng xoá bỏ ảnh hưởng của những vụ vận động có vụ lợi của những kẻ xúi giục không vô tư nhằm vào lợi ích cá nhân, trực tiếp hướng về một phía (phía mà Chính quyền cho là sai), và những kẻ này thú nhận làm như vậy chỉ vì mục đích cá nhân. Người ta có thể đưa ý kiến rằng, không có gì bị mất mát, không có gì bị hy sinh nếu người ta có cách giúp cho dân chúng tự ý lựa chọn, hoặc một cách khôn ngoan hoặc một cách dại dột nhưng tránh được những mưu kế của những kẻ kích động sở thích của họ với mục đích có lợi ích cá nhân. Vậy người ta có thể nói rằng, tuy không thể hoàn toàn bênh vực cho tình trạng của những sòng bạc bất hợp pháp – dù mọi người được tự do cờ bạc tại nhà mình, tại nhà người khác hay tại bất cứ nơi nào có đóng lệ phí và chỉ mở cho hội viên và khách của mình – các sòng bạc công cộng không được phép hoạt động. Nói thật ra, việc cấm đoán này không bao giờ hữu hiệu, và cảnh sát có khắt khe đến đâu chăng nữa, các sòng bạc vẫn luôn luôn hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau; nhưng chúng có thể bị bắt buộc sinh hoạt một cách bí mật để không ai biết được sự hiện hữu của chúng ngoại trừ những kẻ cố ý đi tìm chúng; và xã hội không cần đòi hỏi gì hơn nữa. Các lý luận nêu trên có một sức mạnh lớn lao. Tôi không muốn mạo hiểm để quyết định các lý luận ấy có đủ mạnh hay không để chấp nhận một sự bất bình thường về mặt đạo đức về việc trừng phạt một kẻ tòng phạm trong khi chánh phạm được tự do và phải được tự do; người ta phạt vạ hay bỏ tù chủ nhà chứa mà tha kẻ mua dâm; phạt vạ hay bỏ tù chủ sòng bài mà tha con bạc. Và ta không nên để cho những lý luận tương tự can thiệp vào những vụ mua bán thường ngày. Gần như mọi sản phẩm đều có thể được mua hay được bán với những giá quá đáng với sự khuyến khích của người bán để hưởng lợi; nhưng sự kiện này không đưa ra một lý lẽ nào để ủng hộ, ví dụ như luật Maine, vì người ta vẫn cần những người bán rượu để có rượu dùng trong những việc hợp pháp, mặc dù người bán rượu có lợi khi có người lạm dụng việc uống rượu. Tuy nhiên, quyền lợi của những người bán rượu khi khuyến khích sự uống rượu quá độ là một điều thực sự tai hại và biện minh cho những hạn chế của chính quyền, cũng như cho những đòi hỏi, những bảo đảm mà, nếu không có những biện minh ấy sẽ là những vi phạm đến quyền tự do hợp pháp.

Có một câu hỏi nữa là, trong khi vẫn chấp nhận một sự mua bán mà chính quyền cho là đi ngược lại những lợi ích quý giá nhất của người dân, chính quyền có nên có những biện pháp gián tiếp để hạn chế sự mua bán ấy không? Chính quyền có nên chống lại sự say sưa, ví dụ như bằng cách gia tăng giá rượu hay hạn chế số cửa hàng bán rượu để dân chúng khó mua rượu? Ở đây cũng như phần lớn những vấn đề thực tế, ta cần nghiên cứu những khác biệt. Đánh thuế rượu trong mục đích duy nhất làm cho việc mua rượu thêm khó khăn là một biện pháp không khác gì lắm việc hoàn toàn cấm bán rượu; và ta chỉ có thể biện minh cho biện pháp này nếu nó đáng được biện minh. Bất cứ sự tăng giá nào là một việc cấm đoán đối với những ai không có khả năng trả giá cao; và đối với những người có phương tiện trả theo giá mới, đó là một sự trừng phạt khi họ muốn thoả mãn một sở thích đặc biệt. Sự lựa chọn thú vui và cách chi tiêu thu nhập của họ sau khi đã hoàn tất những bổn phận về luật pháp và đạo đức đối với Chính quyền và những người khác là một việc riêng tư của họ, và chỉ tùy thuộc vào sự phán đoán của họ. Những nhận xét trên đây dường như để kết án sự lựa chọn rượu là một nguồn cung cấp đặc biệt về tiền thuế. Nhưng ta phải nhớ rằng, việc đánh thuế với mục đích gây thu nhập cho quốc gia là một việc chẳng đặng đừng; rằng, tại nhiều quốc gia, loại thuế này phần lớn thuộc loại thuế gián tiếp, và như vậy, Chính quyền không thể tránh được việc hạn chế sử dụng một số sản phẩm bằng những sắc thuế mà một số người cho là quá đáng. Vậy thì chính quyền phải có bổn phận, trước khi đánh thuế, xét xem những sản phẩm nào mà người tiêu thụ có thể bỏ qua được; và trước hết, nên chọn những sản phẩm gây nguy hại nếu sử dụng quá mức trung bình. Cho nên đó là nguyên nhân tại sao ta có thể chấp nhận và tán thành việc đánh thuế rượu đến mức tối đa (giả sử chính quyền cần đến tất cả số ngân khoản mà thuế đem đến).

Vấn đề xem việc buôn bán những sản phẩm nói trên như là đặc ân và đặc quyền lớn hay nhỏ phải được giải quyết theo nhiều phương diện khác nhau tùy theo các mục tiêu của việc hạn chế. Cần phải có một sự kiềm chế của cảnh sát tại mọi nơi công cộng, đặc biệt ở những chỗ mà những sự vi phạm chống xã hội dễ dàng xảy ra. Vậy ta nên dành việc buôn bán những sản phẩm ấy (ít nhất là cho những sản phẩm được tiêu thụ ngay tại chỗ) cho những người có – hay được bảo đảm là có – tiếng tốt; ngoài ra, ta phải quy định giờ mở và đóng cửa tiệm tùy theo những đòi hỏi của quần chúng, và phải rút giấy phép hoạt động nếu xảy ra nhiều lần liên tiếp những vụ xáo trộn với sự đồng lõa hay vì sự bất lực của chủ tiệm, hay nếu tiệm trở nên một địa điểm tụ họp để âm mưu và chuẩn bị cho những vi phạm luật pháp. Theo nguyên tắc, tôi không thấy có những hạn chế hợp pháp nào khác nữa. Ví dụ việc hạn chế số luợng các tiệm bán bia hay rượu với chủ đích làm cho việc mua các thức uống ấy khó khăn hơn và làm giảm sự cám dỗ không những là một trở ngại cho tất cả mọi người, mà còn là một biện pháp chỉ thích hợp với tình trạng xã hội trong đó các giới thợ thuyền bị công khai đối xử như trẻ con hay người man rợ, và bị lệ thuộc vào nền giáo dục đầy bó buộc với chủ đích chuẩn bị cho họ tiếp thu những đặc ân của tự do. Đây không phải là một nguyên tắc dựa theo đó người ta công khai cai trị các giới lao động trong một xứ tự do; và không ai đánh giá tự do một cách chính chắn lại có thể chấp nhận cho các giới ấy bị cai trị như vậy, ngoại trừ sau khi ta đã làm tất cả mọi cố gắng để chuẩn bị cho họ sẵn sàng tiếp nhận tự do và được cai trị như những người tự do, và ta phải kết luận rằng họ cũng đáng được cai trị như những đứa trẻ con. Chỉ việc nêu lên sự lựa chọn đã cho thấy điều vô lý, ngớ ngẩn khi cho rằng ta đã thực hiện mọi cố gắng trong tất cả các trường hợp mà ta đã xét đến. Đấy chỉ vì các thể chế tại xứ này là một mớ mâu thuẩn, và người ta đã thực thi những biện pháp thích ứng cho một chế độ độc tài hay theo chủ nghĩa gia trưởng; trong khi đó sự tự do rộng rãi của các thể chế của chúng ta không cho phép thực hiện một sự kiểm soát cần thiết nhằm áp đặt sự kiềm chế như là biểu hiện của một hệ thống đạo đức.

Trong một chương trước của Tiểu luận này, tôi đã nói rằng, tự do của một cá nhân trong những vấn đề chỉ liên hệ đến chính mình cũng bao gồm một sự tự do tương tự cho một số người để cùng thỏa thuận giải quyết những vấn đề liên hệ đến nhau và không liên quan đến người nào ngoài họ ra. Ta không thấy có khó khăn gì trong vấn đề này chừng nào mà quyết định của những người đó không thay đổi; nhưng vì quyết định này có thể sẽ thay đổi, ta thường khi thấy cần thiết, ngay cả trong những việc chỉ liên quan đến họ, rằng họ phải có những cam kết giữa họ với nhau; và khi làm việc đó, theo một quy tắc chung, họ phải giữ lời cam kết ấy. Tuy nhiên trong hệ thống luật pháp ở mọi quốc gia, quy tắc này có thể có vài ngoại lệ. Không những người ta không bao giờ giữ lời cam kết vi phạm quyền lợi của những người thuộc thành phần thứ ba, mà người ta còn cho rằng, trong nhiều trường hợp khi lời cam kết gây tổn hại cho chính họ, vậy là đủ để họ hủy bỏ lời cam kết ấy. Ví dụ như tại quốc gia này và tại một số lớn các quốc gia văn minh khác, lời cam kết của một người tự bán mình – hay chấp nhận cho người khác bán mình – làm nô lệ không có giá trị nếu không có sự đồng ý của luật pháp và của dư luận. Lý do hạn chế quyền của một cá nhân trên chính mình thật là hiển nhiên, và người ta thấy lý do đó thật rõ ràng trong trường hợp cực đoan này. Lý do mà ta không can thiệp (trừ trường hợp có sự đe dọa gây nguy hiểm cho người khác) vào những hành vi tự nguyện của một cá nhân là vì ta tôn trọng tự do của người ấy. Việc tự nguyện chọn lựa của một người là bằng chứng cho thấy cái mà người đó chọn lựa là cái mà anh ta mong muốn, hay ít nhất là cái mà anh ta chịu đựng được; và rốt cuộc, ta không thể nào giúp anh ta đạt được kết quả tốt đẹp hơn là cách để anh ta tự chọn lấy những phương cách để đi đến chỗ đó. Nhưng khi tự bán mình làm nô lệ, con người chối bỏ tự do của mình; sau hành động này, anh ta tự bỏ mọi sự sử dụng tự do trong tương lai. Vậy, trong trường hợp của chính mình, anh ta đã hủy hoại ngay cái mục đích biện minh cho phép anh ta tự quyết định đời sống của mình; anh ta không còn tự do nữa, nhưng từ nay ta không còn có thể cho rằng anh ta đã tự lựa chọn chỗ đứng của mình. Nguyên tắc tự do không thể đòi hỏi anh ta có tự do để không được tự do. Có tự do không phải là được phép chối bỏ tự do. Những lý do mà ta nhận thấy sức mạnh hiển nhiên trong trường hợp đặc biệt này, có một sự áp dụng rộng rãi hơn, tuy nhiên, các đòi hỏi của đời sống luôn luôn áp đặt những giới hạn trên các lý do đó; và không phải là chúng ta lúc nào cũng phải từ bỏ tự do, nhưng phải chấp nhận giới hạn nó bằng cách này hay cách khác. Dù vậy, cái nguyên tắc đòi hỏi một sự tự do hành động không giới hạn khi chỉ liên hệ đến những người thi hành muốn rằng những kẻ có liên hệ với nhau trong những vấn đề không dính dáng đến kẻ thứ ba có thể từ bỏ lời cam kết của họ. Và ngay cả khi không có sự chối bỏ tự nguyện ấy, không có một khế ước hay một cam kết nào ngoại trừ sự cam kết có dính dáng đến tiền bạc, một sự cam kết mà ta dám nói rằng ta không bao giờ có thể có tự do từ bỏ nó. Nam Tước Wilhelm von Humboldt, trong Tiểu luận xuất sắc tôi đã nêu trên, khẳng định rằng, theo ông, ta không bao giờ nên để cho những sự cam kết dính dáng đến những mối quan hệ hay những việc làm có tính cách cá nhân bị ràng buộc về mặt pháp lý ngoài thời gian hạn định; và rằng, cam kết quan trọng nhất trong những cam kết ấy là hôn nhân, mà đặc điểm là cả hai đối tượng đều cảm thấy thất vọng khi không đạt được mục tiêu của cuộc hôn nhân; tình cảm của cả hai bên đều hoà đồng với mục tiêu ấy; và chỉ cần một bên tuyên bố ý muốn của mình là có thể hủy bỏ cuộc hôn nhân. Đây là một đề tài quá quan trọng và phức tạp để ta có thể thảo luận xen kẽ vào đây và tôi chỉ muốn nói thoáng qua để soi sáng vấn đề. Nếu sự súc tích và tính cách tổng quát trong bài nghị luận của von Humboldt không bắt buộc ông ta đưa ra kết luận mà không thảo luận về các tiêu đề, chắc chắn ông ta phải công nhận rằng vấn đề không thể được giải quyết dựa trên những nguyên tác quá giản dị như những nguyên tắc mà ông ta đã tự ràng buộc mình vào. Khi một người, hoặc vì một lời hứa vội vàng hoặc bằng hành động, đã khuyến khích người khác rằng anh ta sẽ tiếp tục hành động theo một chiều hướng nào đó – như là tiếp tục có những triển vọng và làm những dự đoán liều lĩnh đặt một phần đời mình vào các giả thuyết ấy – người đó đã tạo nên một loạt những sự ràng buộc về mặt đạo đức đối với người kia; những sự ràng buộc này có thể bị loại bỏ, nhưng không thể bị lờ đi. Ngoài ra, nếu sự liên hệ giữa hai người ký cam kết tạo nên những hậu quả sau này cho người khác; nếu sự liên hệ đó đặt người thứ ba vào một hoàn cảnh đặc biệt; và nếu như trong trường hợp hôn nhân, sự liên hệ đó tạo ra những thành phần thứ ba, thì cả hai bên đã tự tạo cho mình những bổn phận đối với các thảnh phần thứ ba ấy; việc thành tựu những bổn phận này hay là những phương cách để thành tựu sẽ bị ảnh hưởng lớn tùy theo sự tiếp nối hay sự gãy đổ trong liên hệ giữa hai người đã ký cam kết vào lúc đầu tiên. Tôi không chấp nhận rằng, những sự ràng buộc ấy đòi hỏi sự thực thi lời cam kết với sự gây thiệt hại cho hạnh phúc của người bị thua thiệt; nhưng các ràng buộc ấy là một yếu tố cần thiết cho vấn đề; và ngay như von Humboldt đã xác nhận, nếu sự ràng buộc ấy không tạo ra một sự khác biệt nào trong sự tự do pháp lý khi hai bên hủy bỏ cam kết (và tôi cũng cho rằng chúng không nên tạo ra nhiều Khác biệt) thì chúng mặc nhiên tạo ra một khác biệt lớn về mặt tự do đạo đức. Con người bắt buộc phải xem xét tất cả những tình huống đó trước khi lấy quyết định có ảnh hưởng lớn lao đến quyền lợi của người khác? Và nếu người ấy không cân nhắc kỹ lưỡng, anh ta phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại gây ra trên lãnh vực đạo đức. Tôi đưa ra tất cả những điều đáng lưu ý ấy hầu làm sáng tỏ nguyên tắc tổng quát của sự tự do, chứ không phải vì chúng nói nhiều hơn về vấn đề luôn luôn được đưa ra tranh luận, xem quyền lợi của trẻ em là tất cả và quyền lợi của người lớn là không có gì.

Tôi đã có thể nhận xét rằng, bởi những nguyên tắc tổng quát chưa được công nhận, nên người ta đã ban tự do cho những chỗ không đáng được nhận, cũng như người ta đã từ chối tự do cho những chỗ xứng đáng được nhận; và tại những vùng Châu Âu tân tiến này, nơi mà ý niệm tự do mạnh mẽ nhất, có một trường hợp, mà theo thiển ý, người ta đã đặt tự do sai chỗ. Một người nên được tự do hành động theo ý riêng của mình về những việc chỉ liên hệ đến mình, nhưng người đó không nên được tự do làm theo ý riêng khi hành động nhân danh một người khác, lấy lý do là việc của người đó cũng như việc của mình. Nhà nước, trong khi tôn trọng tự do cá nhân của mọi người về những việc riêng tư, có bổn phận kiểm soát thận trọng cách mỗi người sử dụng quyền hạn mà họ có trên những người khác. Bổn phận này hoàn toàn bị quên lãng trong trường hợp của những liên hệ gia đình, một trường hợp quan trọng hơn tất cả những trường hợp khác gộp lại vì ảnh hưởng của nó trên hạnh phúc con người. Ta không cần nói dông dài nơi đây về quyền hạn độc đoán của người chồng trên người vợ, bởi vì muốn xoá bỏ việc tệ hại này ta không cần gì hơn là cho phụ nữ những quyền lợi và sự che chở của luật pháp mà những người khác được hưởng; và cũng bởi vì, về vấn đề này, những người bênh vực sự bất công nói trên không vịn cớ là vì tự do, nhưng công khai tự nhận là những nhà vô địch của quyền lực. Chính trong trường hợp của trẻ con mà việc sử dụng sai trái ý niệm tự do thật sự ngăn trở Nhà nước thi hành bổn phận của mình. Người ta hầu như nghĩ rằng thật sự (chứ không phải theo nghĩa của phép ẩn dụ) trẻ con là một phần của người cha, bởi vì quan niệm quần chúng quá ghen tị khi có một sự can thiệp nhỏ nhoi nhất của luật pháp trong việc kiểm soát sự độc đoán của người cha trên đứa con; họ còn đố kỵ hơn nữa về một vi phạm nhỏ nhoi nhất trên tự do hành động riêng tư, vì quả thật, nhân loại thông thường đánh giá quyền lực cao hơn giá trị của tự do. Ta hãy lấy ví dụ về giáo dục. Có phải đây là một sự thật hiển nhiên khi Nhà nước đòi hỏi và bắt buộc mọi công dân trẻ phải được giáo dục, ít nhất là đến một trình độ nào đó không? Tuy nhiên, có ai là người không sợ phải nhìn nhận và bênh vực sự thật ấy? Gần như không ai chối cãi rằng một trong những bổn phận thiêng liêng nhất của các bậc cha mẹ (hay của người cha dựa theo pháp luật và dựa theo thông lệ) là cung cấp cho đứa trẻ một sự giáo dục hầu giúp nó thực hiện vai trò của nó đối với những người khác cũng như đối với chính nó trong đời sống. Nhưng trong khi toàn thể mọi người đều đồng ý cho rằng đó là bổn phận của người cha, hình như hiếm có người tại xứ này ủng hộ ý kiến cho rằng, ta phải bắt buộc ông ta làm tròn bổn phận ấy. Thay vì bắt buộc một người phải có những cố gắng và phải hy sinh để bảo đảm cho con cái được giáo dục, thì người ta đã cho người ấy được tự do từ chối hay chấp nhận một nền giáo dục miễn phí! Người ta vẫn luôn luôn không công nhận khi sinh một đứa con ra đời, ta phải chắc chắn có thể cung cấp cho nó thức ăn để nuôi sống thân thể và còn phải cho trí tuệ của nó được học tập và huấn luyện; người ta vẫn không công nhận rằng nếu không làm như vậy thì đó là một tội ác đối với đứa con xấu số và đối với xã hội; và nếu cha mẹ không hoàn tất bổn phận của mình thì chính Nhà nước phải lo liệu cho đứa trẻ và bắt cha mẹ phải chịu mọi tổn phí càng nhiều càng tốt.

Một ngày kia nếu ta chấp nhận phải áp đặt một nền giáo dục cho tất cả mọi trẻ em, sẽ không còn khó khăn nào về việc nhà nước phải dạy cái gì và dạy như thế nào – những khó khăn đầy dẫy hiện nay trên bãi chiến trường của các giáo phái và đảng phái; vì vậy mà chúng ta hao tổn biết bao thì giờ và năng lực để tranh luận về giáo dục, thay vì phải bắt tay vào việc ấy. Nếu Chính phủ lấy quyết định bắt buộc phải có một nền giáo dục tốt cho tất cả trẻ em thì chính phủ tự tránh được cái khó khăn phải cung cấp một nền giáo dục như vậy cho chúng khi để cho phụ huynh lo việc giáo dục con cái họ, cho chúng học trường nào và theo những phương cách nào mà họ muốn, tùy theo nhu cầu của mỗi đứa trẻ; Chính phủ chỉ cần tài trợ một phần học phí cho những trẻ em nghèo nhất, và trả hoàn toàn học phí cho những trẻ em không có ai giúp đỡ mà thôi. Những lời chỉ trích hợp lý người ta đưa ra để chống lại nền giáo dục công cộng không phải là để phản đối việc Chính phủ cưỡng bách giáo dục, mà để chống lại việc Chính phủ muốn nắm quyền lãnh đạo giáo dục: đó là hai việc hoàn toàn khác nhau. Cũng như bất cứ ai, tôi phản kháng việc đặt một phần hay toàn thể giáo dục vào trong tay Chính phủ. Tất cả những gì tôi đã nói về tầm quan trọng của tính cách cá nhân, cũng như về sự đa dạng của quan điểm và của các nếp sống cũng bao gồm cả tầm quan trọng và tính cách đa dạng của giáo dục. Một nền giáo dục tổng quát do nhà nước phụ trách giản dị chỉ có thể là một sự dàn xếp nhằm bắt dân chúng rập theo một khuôn mẫu; và vì khuôn mẫu này sẽ làm hài lòng giới cầm quyền trong Chính phủ – dù là giới tu hành, giới quý tộc hay thành phần đa số của thế hệ hiện nay – nên nền giáo dục này càng hữu hiệu nó sẽ càng áp đảo tinh thần rồi sẽ dần dần áp đảo đến thể chất. Một nền giáo dục do Chính phủ thiết lập và kiểm soát chỉ nên có dưới hình thức một trong những thí nghiệm, với tư cách là một kiểu mẫu và một tác nhân để giúp cho các cuộc thí nghiệm khác đạt được tiêu chuẩn cao. Dĩ nhiên, trừ ra khi xã hội nói chung ở trong một tình trạng lạc hậu đến đỗi không thể hay không muốn tạo ra những cơ sở giáo dục thích đáng; chỉ trong trường hợp phải chọn một trong hai phương cách ít tệ hại nhất, Chính phủ lo cho các trường và các đại học, cũng giống như việc thành lập các công ty có cổ phẩn tại một số quốc gia khi các cơ sở tư nhân không đủ sức để thực hiện những công trình kỹ nghệ lớn lao. Nhưng nói chung, nếu quốc gia có đủ số người có khả năng giảng dạy dưới sự bảo trợ của Chính phủ, thì những người ấy cũng có thể giảng dạy với tư cách tình nguyện, với tiền lương của họ được bảo đảm bởi một luật cưỡng chế giáo dục, đi kèm với một sự trợ cấp của Chính phủ cho những ai không thể trả nỗi học phí.

Phương pháp duy nhất áp đặt sự cưỡng bách giáo dục là tổ chức những cuộc thi cử công khai cho tất cả mọi trẻ em từ lúc nhỏ nhất. Ta có thể quy định một mức độ tuổi để xét xem trẻ em có biết đọc hay không. Nếu đứa trẻ không biết đọc, thì người cha, nếu không có lý do chính đáng, sẽ bị phạt một số tiền vừa phải – số tiền này có thể bị trừ vào tiền lương – và sau đó, đứa trẻ có thể được gởi vào trường học và người cha phải trả học phí. Việc thi cử có thể được tổ chức mỗi năm một lần, càng ngày càng có nhiều môn học hầu bắt buộc trẻ em phải biết và nhất là phải nhớ một số kiến thức tổng quát tối thiểu. Ngoài số kiến thức tối thiểu ấy, người ta có thể tổ chức những cuộc thi cử không có tính cách bắt buộc về mọi môn học. Và tất cả học sinh đạt đuợc một trình độ nào đó, sẽ được cấp chứng chỉ. Để tránh việc nhà nước tạo quá nhiều ảnh hưởng trên dư luận quần chúng, việc kiểm tra kiến thức chỉ nên giới hạn vào những dữ kiện và các môn khoa học ứng dụng ngay cả trong những cuộc khảo sát ở các cấp cao (ngoài những phương tiện để chuyển kiến thức như ngôn ngữ và các cách sử dụng). Các cuộc thi về tôn giáo, chính trị hay những môn khác có thể dẫn đến tranh luận không nên đề cập đến cái đúng hay cái sai của quan điểm, mà chỉ nên liên hệ đến việc quan điểm này được bảo vệ bởi những lý lẽ này, bởi những tác giả này, những trường phái này hay tôn giác khác. Với hệ thống ấy, thế hệ tới sẽ không tệ hại như thế hệ hiện nay khi phải đối đầu với những sư thật gây tranh luận; những người trẻ sẽ được giáo dục thành những tín đồ theo Giáo hội Anh Quốc hay thành những người đứng về phía bất đồng ý kiến cũng như giới trẻ hiện nay; nhà nước chỉ có việc lo cho cả hai phía đều được giáo dục và có kiến thức. Nếu có sự chấp thuận của phụ huynh thì không có gì ngăn cản việc giảng dạy tôn giáo cho trẻ em ngay tại những trường dạy chúng những môn học khác. Tất cả những cố gắng của nhà nước nhắm làm sai lạc những nhận định của các công dân về các vấn đề gây tranh luận là những điều tệ hại; nhưng nhà nước hoàn toàn có thể bảo đảm và chứng nhận rằng, một người nào đó có đủ kiến thức để tự rút ra những nhận định về bất cứ những vấn đề nào đáng lưu ý. Một sinh viên Triết học có lợi hơn khi có thể vượt qua một cuộc khảo thí về Locke và Kant mà không cần biết anh ta thích ai, và ngay cả khi anh ta không thích cả hai; và ta cũng không thấy có gì đáng tranh luận khi ta sát hạch một người vô thần về những bằng chứng của sự hiện hữu của Cơ Đốc giáo với điều kiện anh ta không bị đòi hỏi phải đặt niềm tin vào tôn giáo ấy. Tuy nhiên, theo tôi, những cuộc thi cử liên hệ đến kiến thức ở các bậc cao cấp nên đặt trên căn bản tự nguyện. Và ta cho chính phủ một quyền hạn quá nguy hiểm khi ta chấp nhận cho họ gạt bỏ bất cứ người nào muốn ra khỏi một số nghề nghiệp – ngay cả trong lãnh vực giáo dục – vì lý do thiếu trình độ chuyên môn; và tôi cũng nghĩ như Wilhelm von Humboldt rằng, những bằng cấp hay chứng chỉ do nền giáo dục công cộng cấp về những kiến thức khoa học chuyên môn phải đuợc cấp cho tất cả những ai dự thi và thi đậu; nhưng các bằng cấp và chứng chỉ ấy không được hưởng một lợi thế nào trên những thí sinh khác ngoài cái giá trị mà quần chúng đặt trên các bằng cấp và chứng chỉ ấy.

Không phải chỉ trong lãnh vực giáo dục mà ý niệm tự do bị đặt sai chỗ, ngăn trở việc nhìn nhận những bổn phận đạo đức của phụ huynh, và việc áp đặt những bổn phận pháp lý khi ta luôn luôn có những lý do tốt nhất để làm những việc nêu trên. Việc cho ra đời một con người là một trong những hành vi có nhiều trách nhiệm nhất trong cuộc sống. Nhận lãnh trách nhiệm này – ban ra một đời sống có thể trở thành một bất hạnh hay một phước lành – là một tội ác nếu đứa trẻ sinh ra không có được những cơ hội bình thường để sống một cuộc đời như mong muốn. Ở tại một quốc gia quá đông dân – hay trên đường trở thành như vậy – việc sinh quá nhiều con cái với hậu quả là làm giảm giá lao động vì có quá nhiều cạnh tranh, là một việc gây tai hại lớn cho tất cả những người sống nhờ lương tiền đến từ công việc của họ. Tại nhiều quốc gia ở lục địa Châu Âu có những luật lệ ngăn cấm hôn nhân của những cặp không thể chứng minh họ có đủ khả năng nuôi sống một gia đình: những luật lệ này không vượt quá quyền hạn hợp pháp của nhà nước; và dù các luật lệ ấy có thích hợp hay không (một vấn đề tùy theo những tình huống và tình cảm của từng địa phương) người ta không thể xem chúng như là những vi phạm đối với tự do. Những luật lệ như vậy giúp cho nhà nước ngăn cấm một hành động tai hại cho những người khác, một hành động có thể bị xã hội chê trách hay nguyền rủa, và ngay cả có thể bị pháp luật trừng trị. Tuy vậy, những ý niệm thông thường về tự do – những ý niệm dễ dàng khuất phục trước những vi phạm thật sự đối với tự do của một cá nhân về những vấn đề chỉ liên hệ đến người đó – sẽ chống lại mọi cố gắng kiềm chế những thị hiếu của cá nhân nói trên, ngay cả khi hậu quả của sự thoả mãn những thị hiếu ấy bắt buộc con cái người ấy có một đời sống khổ cực và hư hỏng, tạo cho những người chung quanh nhiều phiền toái. Nếu so sánh sự tôn trọng và sự bất kính của nhân loại đối với tự do, ta gần như có thể tin tưởng rằng, con người tất nhiên có quyền gây thương tổn cho người khác và không có một quyền nào để tự làm cho mình vui lòng mà không gây đau khổ cho kẻ khác.

Tôi dành phần cuối này cho một loạt câu hỏi liên hệ đến các giới hạn của sự can thiệp của chính phủ; những câu hỏi này tuy có liên hệ mật thiết với đề tài của Tiểu luận, nhưng lại không hẳn là một thành phần của nó. Đó là những trường hợp mà những lý do chống đối với sự can thiệp nói trên không được căn cứ trên nguyên tắc của tự do; vấn đề không còn là việc hạn chế hành động của những cá nhân mà là việc khuyến khích những hành động ấy: người ta tự hỏi xem Chính phủ có nên làm hay tạo cơ hội để làm một cái gì tốt cho cá nhân thay vì để cho mỗi cá nhân tự lo lấy hoặc để họ kết hợp với nhau để cùng lo?

Khi sự can thiệp của Chính phủ không vi phạm đến tự do, thì những phản đối chống sự can thiệp có thể gồm ba loại. Loại phản đối thứ nhất xảy ra khi những cá nhân làm việc tốt hơn chính phủ. Nói một cách tổng quát, trong sự điều hành một công việc, hay lấy quyết định xem ai làm việc ấy hoặc làm theo cách nào, thì không ai tốt hơn người đích thân liên hệ đến việc ấy. Nguyên tắc này phủ nhận những sự can thiệp thường xảy ra trước kia của các nhà lập pháp hay của các viên chức trong những công việc thường ngày của công nghiệp. Nhưng đề tài này đã được đề cập đến một cách đầy đủ bởi các nhà kinh tế chính trị và không đặc biệt liên hệ đến các nguyên tắc của Tiểu luận này.

Loại phản đối thứ hai dính dáng chặt chẽ với đề tài của chúng ta nhiều hơn. Trong nhiều trường hợp, tuy rằng các cá nhân trung bình không làm một số việc giỏi bằng các viên chức, nhưng ta nên để cho họ làm, xem đó như là một phương cách để giáo dục trí tuệ cho họ, để làm cho những khả năng sinh hoạt của họ được mạnh mẽ hơn, để trau giồi sự phán đoán của họ và để giúp họ làm quen với những vấn đề họ phụ trách. Đó là lối đề xướng chủ yếu, tuy không phải là duy nhất, cho những việc như việc xét xử với bồi thẩm đoàn (trong những trường hợp không có tính cách chính trị) của những cơ quan tự do và có tính cách công cộng của các cấp địa phương và thành phố; của những cơ sở kỹ nghệ và từ thiện do các tổ chức tình nguyện điều hành. Đây không phải là những vấn đề về tự do, và chúng chỉ liên hệ một cách xa xôi với đề tài vừa kể; nhưng đó là những vấn đề về phát triển. Ở đây ta không nói dông dài về sự ích lợi của những việc nêu trên đây như là những khía cạnh của một nền giáo dục toàn quốc, bởi vì chúng thực sự là một phần của một nền giáo dục cá biệt của người công dân, phần thực tiễn về giáo dục chính trị của một dân tộc tự do; chúng lôi kéo con người ra khỏi vòng chật hẹp của ích kỷ cá nhân và gia đình để giúp họ làm quen với những quyền lợi chung và điều hành những công việc chung, giúp họ quen hành động từ những động lực công cộng hay bán công cộng, và hướng dẫn lề lối cư xử của họ bằng những mục đích gây đoàn kết thay vì gây chia rẽ. Thiếu những thói quen và khả năng này, một thể chế tự do không thể nào hoạt động và tồn tại đuợc như ta đã nhiều lần thấy trong bản chất nhất thời của tự do chính trị tại nhiều quốc gia, nơi mà quyền tự do đó không được căn cứ trên những nền tảng vững chắc của tự do ở địa phương. Sự điều hành các công việc thuần túy có tính cách địa phương bởi chính quyền địa phương, và sự điều hành các cơ sở kỹ nghệ lớn bởi sự kết hợp của những người tự nguyện đóng góp tài chánh đáng được khuyến khích nhiều hơn nữa bởi những lợi ích đã được nêu trên trong Tiểu luận này, những lợi ích liên hệ đến sự phát triển cá nhân và sự đa dạng của những phương thức hành động. Bất cứ ở đâu, các hoạt động của Chính phủ cũng đều có khuynh hướng giống nhau cả. Ngược lại, với những cá nhân và những đoàn thể tự nguyện, ta có nhiều loại thí nghiệm khác nhau cũng như vô số kinh nghiệm dưới những dạng khác nhau. Việc ích lợi mà nhà nước có thể làm là tạo cho mình thành một cơ quan tồn trữ, phân phối sinh động các kinh nghiệm, kết quả của nhiều thí nghiệm. Công việc của nhà nước là giúp cho mọi người làm thí nghiệm được hưởng những lợi ích đến từ những kinh nghiệm của kẻ khác thay vì chỉ chấp nhận những kinh nghiệm của chính mình.

Loại phản đối thứ ba có lý lẽ mạnh mẽ nhất để hạn chế sự can thiệp của Chính phủ là sự cực kỳ tệ hại gây nên bởi việc khuếch trương không cần thiết quyền lực của mình. Mọi chức vụ được cộng thêm vào những chức vụ Chính phủ đang phụ trách làm cho ảnh hưởng của Chính phủ lan rộng trên những niềm hy vọng và nỗi lo sợ, và cũng biến những thành phần tích cực và đầy tham vọng trở thành những tên điếu đóm theo Chính phủ hay theo một đảng phái đang có tham vọng lên cầm quyền. Nếu đường bộ, đường sắt, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các công ty góp vốn với cổ phần lớn, các đại học và các cơ sở từ thiện trở thành những ngành của chính phủ; thêm vào đó, nếu các hội đồng thành phố và các ủy ban địa phương với tất cả những gì được ủy quyền cho họ trở thành những ty, sở của chính quyền trung ương; nếu toàn thể nhân viên của tất cả các cơ sở nói trên được tuyển dụng, ăn lương Chính phủ và trực thuộc vào Chính phủ để được thăng cấp, thì tất cả sự tự do của báo chí, tất cả mọi thể chế dân chủ cũng không làm gì được để ngăn trở việc nước này hay nước khác chỉ là những nước tự do trên danh từ. Và mối tai hại sẽ lớn hơn nữa khi bộ máy hành chánh được xây dựng một cách hữu hiệu hơn, khoa học hơn và người ta sẽ sử dụng những phương pháp khéo léo hơn để tuyển dụng những bàn tay, những bộ óc có khả năng nhất để điều hành bộ máy ấy. Tại Anh Quốc, gần đây, có đề nghị rằng, tất cả nhân viên Chính phủ nên đuợc tuyển chọn qua một kỳ thi tuyển nhằm đặt vào các chức vụ những con người thông minh nhất, có học thức nhất trong các thí sinh; và người ta đã nói nhiều, viết nhiều để ủng hộ hay chống đối đề nghị ấy. Một trong những lý lẽ mạnh mẽ do phe chống đối đưa ra là việc sử dụng những nhân viên thường trực, không tạo nên cơ hội để được hưởng lương bổng cao hơn, và không có tính cách đủ quan trọng để thu hút những người tài giỏi. Những người này sẽ luôn luôn tìm được những công việc hấp dẫn hơn trong các nghề nghiệp tự do, trong các công ty hay cơ quan công cộng khác. Người ta sẽ không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy những lý lẽ này được phe ủng hộ đưa ra như là một câu trả lời cho các khó khăn mà đề nghị gặp phải. Đến từ phe phản đối, lý lẽ ấy lại càng kỳ lạ hơn nữa. Cái mà người ta đưa ra như một sự chống đối là cái van an toàn cho hệ thống được đề nghị. Nếu thật sự tất cả những tài năng của đất nước được thu hút để phục vụ Chính phủ, thì một đề nghị đưa đến kết quả ấy chắc chắn sẽ làm cho chúng ta lo ngại. Nếu tất cả các công việc của xã hội cần đến một sự tổ chức có phối hợp, nếu những dự kiến bao quát và toàn diện nằm trong tay Chính phủ, và nếu toàn thể những chức vụ của Chính phủ đều do những người có khả năng nhất nắm giữ, vậy thì toàn thể nền văn hoá, trong nghĩa rộng rãi nhất, tất cả trí thông minh thực tiễn của quốc gia (ngoại trừ trí thông minh thuần túy về suy đoán) sẽ được tập trung vào trong tay của một nền hành chánh quan lại đông đảo; toàn thể phần còn lại của cộng đồng dân chúng mong đợi mọi việc từ bộ máy ấy: những lời chỉ dẫn, những lời sai khiến cho đám đông quần chúng, sự thăng chức cá nhân cho những người có khả năng và có ước vọng muốn thăng tiến. Được tuyển vào hàng ngũ của bộ máy quan lại ấy, và một khi được vào đó, sự mong muốn được thăng quan tiến chức trở thành mục tiêu duy nhất của tham vọng. Dưới một chế độ như vậy, chẳng những đám đông quần chúng nằm ngoài chính quyền vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn, không có khả năng chỉ trích hay kiểm soát lề lối làm việc của bộ máy quan lại, mà còn không thể đưa ra một cuộc cải cách đi ngược lại với quyền lợi của bộ máy ấy, ngay cả khi thời mệnh của một chế độ độc tài hay khi những hoạt động tự nhiên của một chế độ dân chủ đưa ra một hay nhiều nhà cải cách lên cầm quyền, thì không một cuộc cải cách nào đi ngược lại quyền lợi của bộ máy quan lại có thể được thực hiện. Đó là thực trạng buồn thảm của Đế Quốc Nga như ta đã thấy trong những bản tường trình của những nhà quan sát đế quốc ấy. Chính Nga Hoàng cũng tỏ ra bất lực trước bộ máy quan lại; ông ta có thể đưa bất cứ thành viên nào của bộ máy ấy đi Tây Bá Lợi Á, nhưng không thể cai trị nếu không có họ hay đi ngược lại ý muốn của họ. Họ có thể ngấm ngầm phủ quyết mọi sắc lệnh chỉ giản dị bằng cách không thi hành chúng. Tại những quốc gia văn minh tân tiến hơn và có những đầu óc thích phản kháng hơn, dân chúng có thói quen mong đợi nhà nước làm tất cả mọi việc cho họ – hay ít nhất là họ không tự làm gì cho bản thân của họ nếu nhà nước không đòi hỏi và ngay cả chỉ dẫn họ cách hoàn tất; họ bắt nhà nước chịu trách nhiệm về những gì tai hại xảy ra cho họ; và khi những tại hại ấy vượt quá mức kiên nhẫn của họ, họ nổi dậy chống Chính phủ và làm một cuộc cách mạng; sau các biến cố ấy một người nào đó với (hay chẳng cần đến) quyền lực hợp pháp do quốc gia trao, được ngồi lên ngai vàng, ra mệnh lệnh cho bộ máy quan lại, và mọi việc tiếp tục diễn tiến như trước, làm như không có gì thay đổi trong bộ máy quan lại ấy, và cũng không ai có khả năng thay đổi nó.

Một dân tộc có thói quen tự điều hành công việc của mình cho ta thấy một cảnh tượng khác. Tại Pháp, phần lớn dân chúng đi quân dịch, rất nhiều người mang ít nhất là cấp bậc hạ sĩ quan; và trong tất cả mọi cuộc nổi dậy, ta thấy vài người có đủ khả năng để đứng ra lãnh đạo và ứng biến thảo ngay ra một kế hoạch hành động khá tốt. Cái gì mà người Pháp làm được trong lãnh vực quân sự, người Mỹ cũng làm được trong nhiều loại công việc dân sự: ta hãy để họ ở trong một tình trạng vô chính phủ, và bất cứ nhóm người Mỹ nào cũng có khả năng ứng biến tạo ra một chính phủ. Và họ làm công việc này cũng như bất cứ công việc nào khác một cách thông minh, có trật tự và đầy kiên quyết. Đây là việc mà tất cả mọi dân tộc tự do đều phải làm như vậy: và dân tộc nào làm được việc đó là một dân tộc tự do; dân tộc ấy không bao giờ để cho một người hay một nhóm người biến họ thành nô lệ vì dân tộc ấy có khả năng đoạt lấy và điều khiển chính quyền trung ương. Không một bộ máy quan lại nào có thể bắt buộc một dân tộc như vậy phải làm hay phải chịu đựng những gì mà họ không thích. Bộ máy này có thể làm tất cả mọi việc, nhưng những việc mà bộ máy ấy thực sự chống đối thì không thể nào hoàn tất được. Thể chế của những quốc gia như vậy là một sự kết hợp của kinh nghiệm và của những tài năng thực tiễn được tập trung thành một tổ chức có kỷ luật nhằm vào việc cai trị những người khác; và tổ chức này càng tự trở nên hoàn hảo, nó càng thành công trong việc thu hút và giáo dục những người có khả năng lớn nhất của mọi tầng lớp xã hội, thì tình trạng lệ thuộc của tất cả mọi người, bao gồm cả những viên chức của bộ máy quan lại càng trở nên đa diện hơn. Lý do, những người cai trị cũng là những nô lệ của chính tổ chức và kỷ luật của họ y như những người bị trị là những nô lệ của người cai trị. Một viên chức Trung Hoa cũng là một công cụ và một thuộc hạ của chế độ chuyên quyền, y như người nông dân hèn kém nhất. Một linh mục Dòng Tên là nô lệ của Dòng mình ở một mức độ thấp kém nhất, tuy rằng Dòng chỉ hiện hữu qua quyền lực của tập thể và tầm mức quan trọng của các thành viên.

Ta cũng không quên rằng, việc thu hút tất cả những khả năng lớn của quốc gia vào các cơ cấu chính quyền, sớm hay muộn, sẽ gây tổn thương cho hoạt động và tiến bộ tinh thần của chính cơ cấu ấy. Những người có khả năng này sẽ liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên một hệ thống, mà cũng như tất cả những hệ thống khác, hoạt động phần lớn dựa theo những luật lệ cố định; cơ cấu chính thức luôn luôn có khả năng chìm đắm trong những lề thói biếng nhác; hoặc đôi khi họ thoát ra khỏi trạng thái ấy là để lao mình vào một kế hoạch phôi thai nào đó chưa được xem xét kỹ càng, vừa mới nẩy sinh ra trong trí óc của một viên chức có ảnh hưởng trong cơ cấu; và phương cách duy nhất để kiểm soát các khuynh hướng có liên hệ mật thiết ấy – tuy rằng chúng có vẻ chống đối nhau – phương cách duy nhất để giữ gìn cho các bộ óc thông minh của cơ cấu ở một trình độ cao là luôn luôn mở rộng để đón nhận một cách rộng rãi những lời chỉ trích nghiêm nhặt và độc lập của những bộ óc thông minh nằm ngoài cơ cấu. Đấy là nguyên nhân tại sao ta phải đào tạo những bộ óc thông minh ở bên ngoài chính phủ, và cho chúng cơ hội và kinh nghiệm cần thiết để có một sự phán đoán đúng đắn về những công việc thực tiễn. Nếu chúng ta thường xuyên có một đội ngũ công chức có tài, có hiệu quả, và trên hết, một đoàn thể có khả năng tạo ra tiến bộ, sẵn sàng chấp nhận tiến bộ; và nếu chúng ta không muốn bộ máy quan lại thoái hoá thành một cơ quan gồm những người thông thái đầy hợm hĩnh, thì cơ cấu này không bao giờ nên bao gồm tất cả những chức vụ có mục đích đào tạo và trau dồi những khả năng cần thiết cho việc cai trị nhân loại.

Một trong những vấn đề khó khăn và phức tạp nhất của việc cai trị là làm sao biết được khi nào thì những tai hại đáng sợ cho tự do và cho sự tiến bộ của loài người bắt đầu xảy ra; hay nói cách khác, bắt đầu từ khi nào thì những tai hại ấy lấn át những lợi ích nẩy sinh từ sự sử dụng sức mạnh tập thể của xã hội và từ những lời hướng dẫn của những lãnh tụ được công nhận, và nhằm việc loại bỏ những chướng ngại ngăn cản hạnh phúc của xã hội; một khó khăn nữa là làm sao bảo đảm càng nhiều càng tốt những thuận lợi của sự tập trung chính trị và trí tuệ mà không để cho các hoạt động của Chính phủ chiếm đoạt một phần lớn những hoạt động tổng quát. Trong một phạm vi rộng lớn, đó là một vấn đề về những tiểu tiết mà ở đó, người ta phải lưu ý đến nhiều quan điểm khác nhau, và không thể đưa ra những lề luật tuyệt đối. Nhưng tôi cho rằng, nguyên tắc thực tiễn điểm tựa cho sự an toàn của chúng ta, lý tưởng mà chúng ta luôn luôn theo đuổi, tiêu chuẩn dùng để phán đoán tất cả những cách xếp đặt được tạo nên để vượt qua các khó khăn, tất cả ba thứ ấy có thể được tóm tắt như sau: đó là sự phân tán lớn nhất của quyền lực phù hợp với năng suất; nhưng đó là một sự tập trung lớn nhất có thể được về tin tức và sự phổ biến tin tức từ trung ương. Thế nên, trong nền hành chánh đô thị – cũng giống như tại các tiểu bang của Mỹ quốc – nên có một sự phân chia tỉ mỉ giữa các viên chức của mỗi địa phương về tất cả những công việc mà ta thấy không nên để trong tay những người có liên hệ trực tiếp với các công việc ấy; nhưng bên cạnh đó, trong mỗi ban ở địa phương, nên có một cơ quan tổng quản lý như là một ngành của chánh quyền trung ương. Cơ quan tổng quản lý này có tác dụng như là một tụ điểm tập trung tất cả những loại tin tức và kinh nghiệm thu thập từ sự điều hành của ngành ấy về những công việc công cộng trong tất cả mọi địa phương, tất cả những gì thuộc các lãnh vực ấy đã được thực hiện ở ngoại quốc, cũng như tất cả những gì mà ta rút tỉa được từ những nguyên tắc cơ bản của khoa học chính trị. Cơ quan quản lý trung ương này có quyền biết đến tất cả những gì đã làm, và đảm nhiệm việc cung cấp cho mọi nơi những kiến thức được thu thập ở một chỗ. Nhờ tránh được những định kiến tầm thường, những thành kiến hẹp hòi của địa phương, nhờ vị trí nằm trên cao và nhờ phạm vi quan sát rộng lớn, những lời khuyến cáo của cơ quan ấy hiển nhiên có nhiều uy tín hơn; nhưng theo tôi, vì là một cơ quan thường trực, quyền lực thực sự của cơ quan ấy nên được giới hạn vào việc bắt buộc các viên chức phải tuân theo những luật lệ được đặt ra để hướng dẫn họ làm việc. Đối với những gì không được nêu lên trong các luật lệ tổng quát, ta nên để cho các viên chức có quyền tự do sử dụng sự phán đoán của họ và chịu trách nhiệm trước cử tri của họ. Nếu vi phạm luật lệ, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; luật lệ ấy phải do cơ quan lập pháp đưa ra; chính quyền trung ương chỉ phụ trách việc áp dụng chúng; và nếu có sự áp dụng sai lầm, tùy theo bản chất của mỗi trường hợp, chính quyền sẽ đưa những viên chức áp dụng sai luật lệ ra trước toà án để họ phải bị xét xử theo luật lệ, hoặc ra trước cử tri đoàn để bị bãi chức. Nói một cách tổng quát, đấy là lề lối về tổng quản lý trung ương mà Ủy Ban Luật Lệ Về Người Nghèo đã áp dụng cho viên chức của mình trên toàn quốc. Dù Ủy Ban có vượt quá quyền hạn của mình đến đâu chăng nữa, Ủy Ban cũng đã làm đúng những gì cần phải làm trong trường hợp đặc biệt này vì phải sửa chữa những thói quen lâu đời của một nền hành chánh tệ hại trong những vấn đề không chỉ liên hệ đến các địa phương mà còn đến toàn thể cộng đồng; bởi vì không một địa phương nào có quyền biến chỗ của mình thành một ổ đầy dân nghèo khó do sự thiếu sót trong việc quản lý. Sự tệ hại này có thể lan tràn đến các địa phương khác và làm hư hỏng tình trạng tinh thần, thể chất của toàn thể cộng đồng công nhân thợ thuyền. Tuy rằng, những quyền gây áp lực về hành chánh và quyền phụ tá tư pháp của Ủy Ban (quyền này ít khi được sử dụng vì tình trạng của dư luận) thật sự hợp lý khi được sử dụng vì quyền lợi tối hậu của quốc gia, chúng hoàn toàn không thích nghi để kiểm soát những công việc có tính cách địa phương. Nhưng một cơ quan trung ương về thông tin và huấn luyện cho các địa phương sẽ rất quý giá cho tất cả các ngành của nền hành chánh. Một Chính phủ không thể thiếu sót một hoạt động như vậy, loại hoạt động này không ngăn cản, mà trái lại giúp đỡ và kích thích những nỗ lực và những phát triển cá nhân. Sự tai hại bắt đầu khi mà, thay vì kích thích hoạt động và sức mạnh của cá nhân và hội đoàn, Chính phủ đem hoạt động của chính mình thay thế cho hoạt động của cá nhân và hội đoàn; khi mà, thay vì cung cấp tin tức, khuyên bảo và có trường hợp phải đi đến cảnh cáo, Chính phủ lại trói buộc họ vào công việc, hoặc gạt bỏ họ qua một bên để làm việc thay thế họ. Và về lâu về dài, giá trị của một Quốc gia là giá trị của toàn thể các cá nhân trong Quốc gia ấy; và một Quốc gia hy sinh những lợi ích của sự mở mang và nâng cao trí tuệ của các cá nhân để đổi thêm một chút tài khéo về nghệ thuật cai trị hoặc một chút gì giống như vậy; một Quốc gia cố ý làm cho con người bé nhỏ đi hầu tạo họ trở thành những công cụ dễ bảo, ngay cả vì mục đích tốt; một Quốc gia như vậy sẽ thấy rằng, không thể nào thực hiện được những việc lớn với người dân yếu kém; và sau khi đã hy sinh tất cả để cho bộ máy được kiện toàn, cuối cùng Quốc gia sẽ chẳng được gì cả vì thiếu sức sống mạnh mẽ mà Quốc gia đã từ khước khi muốn cho bộ máy chạy đều đặn.