fbpx

Tủ Sách Kinh Điển

Tiểu sử John S. Mill

Tiểu sử John S. Mill

Vài ngày sau khi John Stuart Mill tạ thế, Henry Sidgwick đã viết: “Tôi phải nói rằng trong khoảng thời gian từ năm 1860 – 1865, John Stuart Mill đã trở thành một nhân vật hàng đầu của Anh Quốc trong lãnh vực tư tưởng đến mức độ hiếm có ai làm được như vậy: tôi nghĩ rằng một sự việc tương tự khó có thể xảy ra một lần nữa.” J.S. Mill trở thành nhà tư tưởng hàng đầu của Anh Quốc qua các tác phẩm trong các lãnh vực logic, nhận thức luận (epistemology), kinh tế, triết lý xã hội và chính trị, đạo đức học, siêu hình học, thần học và các vấn đề thời sự khác. Sau khi xét đến tầm mức rộng rãi và sự đa dạng toàn bộ công trình của J.S. Mill, ta có thể khẳng định một cách chắc chắn không sợ sai lầm rằng, J.S. Mill là nhà triết học lớn nhất của Anh Quốc trong thế kỷ 19.

Sự kiện này không phải tự nhiên mà có. Thân phụ của J.S. Mill, ông James Mill, đã xếp đặt việc này từ khi J.S. Mill ra đời ngày 20 tháng 5, 1806. Ông James Mill là một người cha đã có ảnh hưởng lớn lao đến đứa con trai đầu lòng của mình, và ta không thể tách rời cuộc đời của J.S. Mill với cuộc đời của thân phụ ông. James Mill sinh tại Tô Cách Lan vào năm 1773, trong một gia đình không mấy khá giả; nhờ sự đỡ đầu của Sir John và Lady Jane Stuart, ông theo học đại học Edinburg, một trong những đại học danh tiếng nhất của Anh Quốc thời đó. Ông học thần học để ra làm mục sư Tin Lành với các giáo sư nổi tiếng như Dugald Stewart, người đã phổ biến triết lý của Thomas Reid.

Sau một thời gian ngắn làm mục sư không mấy thành công, James Mill đã di chuyển về Luân Đôn để bắt đầu nghề viết văn. Đây là con đường đầy khó khăn cho một người có tài chánh eo hẹp; ông và bà vợ Harriet (cưới năm 1805) sinh sống rất chật vật trên mười năm. Chỉ sau khi cho ấn hành cuốn “Lịch sử của Ấn Độ thuộc Anh” (The History of British India) năm 1818 – một cuốn sách mà ông đã bỏ 12 năm để viết – thì James Mill đã được công ty East India tuyển làm nhân viên. Với công việc vững vàng và lương bổng khá cao, James Mill đã có thể nuôi sống một gia đình đông đảo gồm vợ và chín con.

Trong suốt những năm nghèo khổ, James Mill đã nhận đuợc sự giúp đỡ của bạn bè, trong số đó có Jeremy Bentham, một nhà lý luận về luật pháp và là một nhà cải cách về thuyết công lợi[1] nổi tiếng mà James Mill gặp năm 1808. Cả hai đã cùng lãnh đạo phong trào Triết Lý Cấp Tiến, một phong trào nhằm nâng cao tri thức của đảng Cấp Tiến Anh trong tiền bán thế kỷ 19. Trong những người cộng tác với James Mill, có David Ricardo, George Grote, Sir William Molesworth, John Austin và Francis Place.

Vào đầu thế kỷ 19, thuyết Cấp Tiến chịu ảnh hưởng của triết học, chống đối đảng Bảo Thủ (Tory) và đảng Whig. Các đảng viên Cấp Tiến chủ trương cải cách về luật pháp và chính trị, đầu phiếu phổ thông cho nam giới, sự ứng dụng lý thuyết kinh tế (nhất là lý thuyết của Ricardo) trong việc lấy quyết định ở lãnh vực chính trị, và là một thuyết chính trị hướng về hạnh phúc nhân loại hơn là dựa trên lý thuyết bảo thủ hay thuyết về quyền tự nhiên (thuyết này được biết nhiều sau lời chế diễu nổi tiếng của Bentham: “một sự vô lý đi trên cẳng cà kheo”). Thêm vào đó, một khía cạnh nữa làm cho nhóm Cấp Tiến khác biệt với các đảng Bảo Thủ và Whig: đó là chủ thuyết duy lý. Họ muốn xây dựng lại các cơ cấu xã hội, chính trị dựa trên các nguyên tắc của lý trí (ví dụ nguyên tắc về lợi ích).

Với sự tài trợ của Bentham, các đảng viên Cấp Tiến sáng lập tờ “Westminster Review” (1824) để đối kháng với tờ “Edinburg Review” (Whig, 1802) và “Quaterly Review” (Bảo Thủ, 1809). Trong khi giới trí thức đảng Whig và đảng Cấp Tiến có khuynh hướng đồng ý với nhau về những vấn đề kinh tế, như thiên về khuếch trương đô thị, mở mang kỹ nghệ, chính sách cởi mở, thì giới Bảo Thủ chú trọng vào việc bảo vệ các cơ cấu xã hội truyền thống của Anh Quốc và các lối sống của giới địa chủ quý tộc. Một ví dụ là hai đảng Whig và Cấp Tiến liên kết với nhau để chống đối dự luật “bắp” do đảng Bảo Thủ đưa ra nhằm che chở cho kỹ nghệ trồng bắp trong nước bằng cách đánh thuế trên bắp nhập cảng.

Tuy rằng hai phe Whig và Cấp Tiến thường đồng minh với nhau – và sau này cùng nhau hợp lại để thành lập đảng Tự Do (Liberal) – các sự khác biệt giữa họ đã tạo nên những cuộc tranh luận gay gắt về chính trị và tư tưởng (ví dụ như cuộc tranh cãi công khai nổi tiếng giữa Macaulay và James Mill về lý thuyết chính trị). James Mill cho rằng, phe Whig quá thiên về các quyền lợi của giới quý tộc để có thể là một bộ phận chân chính của sự cải cách dân chủ. Chỉ có phe Cấp Tiến mới thực sự là những người binh vực cho giới trung lưu và giới lao động. Ngoài ra, trong khi phe Cấp Tiến với những chính sách được hướng dẫn bởi những nguyên tắc về lợi ích (những nguyên tắc này chủ xướng hạnh phúc tập hợp hài hoà (“aggregate happiness”) như là tiêu chuẩn cho luật pháp và hành động), thì phe Whig theo chủ nghĩa duy nghiệm (empiricism) lỏng lẻo mà James Mill cho là con đường dẫn đến sự tự mãn. Phe Whig có lúc phản đối các chính kiến của phe Cấp Tiến như là nặng nề về lý trí, họ cho rằng, đó là một sự ngây thơ nguy hại về mặt tâm lý và lịch sử. Khi khác, họ phản ứng đối với các khuynh hướng cải cách quá khích của nhóm Cấp Tiến mà họ cho là thù nghịch với giáo hội Tin Lành và với các tôn giáo, nói chung.

John Stuart Mill được xem như là người kế nghiệp lãnh đạo phong trào Cấp Tiến và nền giáo dục trứ danh mà ông đã hấp thụ, nói lên các hy vọng của James Mill và Bentham. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của người cha, J.S. Mill học tiếng Hy-lạp từ khi mới 3 tuổi và tiếng La-tinh khi lên 8 tuổi. Năm 11 tuổi, ông đã đọc các sách về lịch sử, phần lớn các tác phẩm cổ điển Hy La và các sách của Newton. Ông học logic, toán, kinh tế, chính trị cũng như triết lý luật pháp trong thời niên thiếu, và tiếp tục học siêu hình học. Ông còn phải dạy kèm cho các em; và vào mỗi tối, khi đi dạo với cha, ông phải báo cáo cho cha biết những gì mình đã học trong ngày. Hai sự kiện này đã giúp ông quán triệt được những điều học hỏi. Ông nói thành thạo tiếng Pháp sau khi sống ở Pháp một năm (1820); từ đó, ông luôn luôn quan tâm đến các trào lưu tư tưởng và chính trị ở Pháp. Khi ông trưởng thành, cha ông và Bentham giao cho ông làm chủ bút tờ “Westminster Review.” Ngoài việc ấy, J.S. Mill còn thành lập một số hội đoàn bao gồm các nhà trí thức và các nhóm nghiên cứu, cũng như bắt đầu viết cho các tạp chí, trong đó có tờ “Westminster Review.”

Sự căng thẳng gây ra bởi việc học tập và các sinh hoạt trong thời niên thiếu cùng nhiều yếu tố khác đã dẫn đến cái mà J.S. Mill, trong cuốn “Tự truyện” của ông, đã gọi là “một cơn khủng hoảng tâm thần” xảy ra vào năm 1826. Đã có nhiều giả thuyết được đưa ra để giải thích cơn khủng hoảng này; nguyên nhân quan trọng nhất là các đòi hỏi khắt khe của cha ông. Nhưng, sự kiện quan hệ là J.S. Mill bắt đầu tranh đấu để xét lại các tư tưởng của cha ông và Bentham, những tư tưởng mà ông cho là bị hạn chế trong nhiều khía cạnh. Ông tuyên bố rằng, ông thoát khỏi cơn khủng hoảng với sự giúp đỡ của thi văn (đặc biệt là thơ của Wordsworth); sự kiện này giúp cho ông thấy rằng, trong khi nền giáo dục mà ông đã hấp thụ bổ sung cho các khả năng phân tích, thì nó không giúp gì để phát triển thêm các cảm xúc của ông. Nhận định này làm cho ông phải suy xét lại các gắn bó của ông đối với các dòng tư tưởng cấp tiến dựa theo lý trí được đề xướng qua nền giáo dục mà ông đã hấp thụ.

Để đối phó với cơn khủng hoảng này, J.S. Mill bắt đầu tìm hiểu Chủ Nghĩa Lãng Mạn và một số phong trào tư tưởng khác ở Châu Âu. Các phong trào này chối bỏ các quan niệm về bản chất con người có tính cách thế tục, căn cứ trên thiên nhiên và lệ thuộc vào vật chất. Ông cũng quan tâm đến các lời chỉ trích về thiết kế đô thị và kỹ nghệ hoá. Ông đào sâu thêm về các vấn đề này bằng cách đọc các tác phẩm của các nhà tư tưởng có những quan niệm truyền thống như Thomas Carlyle, Auguste Comte, Alexis de Tocqueville, John Ruskin, M. Gustave d’Eichtal và các nhân vật trong trường phái St. Simonians như Herbert Spencer, Frederick Maurice và John Sterling. Ông cũng thường xuyên liên lạc thư từ với họ.

J.S. Mill tìm cách sửa sai các khiếm khuyết của phe Cấp Tiến qua sự dấn thân vào những trường phái tư tưởng khác: ông cho ra một tạp chí mới, tờ “London Review” với sự hợp tác của Charles Molesworth. Molesworth mau chóng mua lại tờ “Westminster Review” năm 1834, và tờ “London and Westminster Review” trở thành tiếng nói độc nhất của phe Cấp Tiến. Sau khi Bentham chuyển nhượng tờ “Westminster Review” cho J.S. Mill vào năm 1832 và sau cái chết của James Mill vào năm 1836, J.S. Mill có nhiều tự do tư tưởng hơn. Ông sử dụng sự tự do mới này để tạo ra một triết lý cấp tiến khác bao gồm thêm các tư tưởng của Coleridge, Thomas Carlyle (Collected Works [CW], I.209), một trong những mục tiêu chính “cho thấy rằng, có một triết lý cấp tiến mới, tốt hơn và đầy đủ hơn triết lý của Bentham trong khi vẫn bao gồm và chấp nhận giá trị tất cả các ý kiến của Bentham” (CW, I.221).

Kế hoạch này được mô tả rõ ràng trong các bài tiểu luận nổi tiếng của J.S. Mill vào những năm 1838 và 1840 viết về Bentham và Coleridge được đăng trong tờ “London and Westminster Review.” J.S. Mill gợi ý rằng, Bentham và Coleridge là “hai nhà tư tưởng khai phóng của Anh Quốc vào thời kỳ của họ;” trong mỗi tiểu luận, ông nêu lên các điểm yếu điểm mạnh của họ, ngụ ý rằng, một lập trường triết lý đầy đủ hơn còn có thể nối tiếp theo sau đó. Mill dự tính thực hiện việc này trong suốt sự nghiệp của mình.

Bà Harriet Taylor, một người bạn, một người cố vấn và sau này là người vợ, đã giúp Mill trong việc nói trên. Mill gặp bà Taylor năm 1830 và bà đã trở thành một trong hai người quan trọng nhất trong đời của ông. Không may cho Mill, lúc đó bà đã có chồng. Sau hai thập niên với một mối tình lý tưởng và thuần khiết nhưng cũng đầy tai tiếng, họ cưới nhau năm 1851 khi ông Taylor qua đời. Cái chết của bà Taylor vào năm 1858 để lại cho Mill một sự đau khổ không bao giờ nguôi.

Đã có một cuộc tranh luận về thực chất và mức độ ảnh hưởng của bà Taylor trên Mill. Việc không thể chối cãi đuợc là Mill đã tìm thấy ở bà Taylor một cộng sự viên, một người bạn, một nhà phê bình và một người luôn luôn cổ võ ông; chắc chắn bà đã làm cho Mill thay đổi ý kiến nhiều trong các lãnh vực chính trị, đạo đức và xã hội, nhưng trong một phạm vi ít hơn về logic và kinh tế chính trị (có thể ngoại trừ các quan điểm của ông về chủ nghĩa xã hội).

Ngày ngày, công việc quan trọng nhất của Mill là hoàn tất các nhiệm vụ của công ty East India, dù rằng chúng không chiếm nhiều thì giờ so với lương bổng hậu hĩnh của ông; Mill có thời giờ rảnh rỗi để viết. Mill làm việc cho công ty East India từ năm 1826, dưới quyền của thân phụ ông; và khi về hưu năm 1857, Mill giữ chức vụ trưởng ban thanh tra phụ trách về các chính sách của công ty ở Ấn Độ.

Sau khi về hưu và sau khi bà Taylor qua đời, Mill được đề nghị ra ứng cử vào Quốc Hội. Trong nhiệm kỳ ngắn ngủi một năm, tuy ông không hoạt động hiệu quả lắm, nhưng ông đã tham dự vào ba biến cố đầy sôi động (Capaldi 2004, 326-7). Trước hết, Mill toan tính sửa đổi Sắc Luật Cải Cách 1867; ông đề nghị thay thế chữ “nam giới” bằng chữ “người” để cho quyền bầu cử gồm cả nữ giới. Tuy rằng cố gắng này không thành công, nhưng nó đã đẩy mạnh phong trào đòi quyền bầu cử cho nữ giới. Thứ đến, Mill làm Trưởng Ban cho Ban Đặc trách Jamaica, và đòi hỏi sự khởi tố viên Thống Đốc Jamaica là Eyre, nhưng thất bại; ông này đã thi hành thiết quân luật đầy bạo lực để đàn áp sự nổi dậy của dân da màu. Sau hết, Mill dùng ảnh hưởng của mình với các nhà lãnh đạo của giới lao động để hạ bớt căng thẳng khi quân đội đương đầu với giới thợ thuyền phản đối sự thất bại của Sắc Luật Cải Cách 1866.

Sau khi hết nhiệm kỳ và không đuợc tái đắc cử, Mill qua sống ở Pháp, dành thì giờ để viết sách, đi bộ và sống với Helen Taylor, con gái của bà Harriet Taylor. Năm 1871, Mill đã trăn trối với cô này: “Con biết rằng ta đã hoàn tất công việc của ta.” Ông được an táng cạnh bà Harriet Taylor.

Tuy ảnh hưởng của J.S. Mill khi tăng khi giảm từ khi ông qua đời, người ta vẫn còn thường xuyên đọc các bài viết của ông về đạo đức và triết lý xã hội, chính trị. Nhiều bài-nhất là On Liberty, Utilitarianism, The Subjection of Women và Autobiography-tiếp tục được ấn hành và giảng dạy tại các trường đại học trên khắp thế giới.

Theo Tự điển Bách khoa về Triết học: http://www.iep.utm.edu/m/milljs.htm

 

 


[1] Thuyết công lợi (Utilitarianism). Thuyết này do Jeremy Bentham (1748 – 1832) đề xướng ra. Theo ông, sự đứng đắn về mặt đạo đức và chính trị của một hành động được xác định bởi mức lợi ích của nó. Lợi ích được định nghĩa là cái tốt nhất cho một số nhiều nhất. (chú thích của người dịch – ND)